Love is the only way to grasp another human being in the innermost core of his personality.

Viktor E. Frankl

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
ám cưới đạm bạc và bất ngờ của Huyền và Bé làm tôi nhớ lại những đám cưới của dân “mốc gốc lim” của Nông trường Lam Sơn Miền Bắc, tức là lính Thành Đồng Tổ Quốc tập kết được Bác Đảng cho ân huệ lên khai phá rừng trồng mía làm lò đường và trồng cao su lấy mủ làm lốp xe đạp, cuối cùng mía không đủ kháp rượu cho lính uống còn cao su thì lên không quá lưng quần đã chết rụi.
Tôi thiệt tình không hiểu người ta coi dân Nam kỳ tôi là thứ dân mọi rợ gì mà họ đày đọa kinh hoàng như thế.
Một vạn con người ta, toàn là thanh niên và đàn ông sồn sồn tức là từ bốn mươi, bốn mươi lăm tuổi không ai có vợ con gì và ở đây cũng không có đàn bà con gái. Bên cạnh một đại đội có một cái chòi con của hai cha con một lão già. Đứa con gái đâu chừng mười hai tuổi gầy nhom ngực chưa nổi trái tràm. Nhà có một cái giếng loạn, bên giếng có một cây cau già không trái, đứng là một cái cảnh tượng rụi tàn. Thế nhưng các anh lính bên đơn vi vạch đường qua bụi rậm tới luôn, mãi rồi thành đường mòn nối liền đơn vị và ngôi chòi kia. Bạn thử tưởng tượng xem họ sang đó để làm gì? – Hỏi cô bé làm vợ!
Khi tôi đến công tác ở đây thì ngôi chòi đã sập, chỉ còn có cái giếng và cây cau già. Nhưng cái giếng thì đã lấp và ở dưới đáy hình như có xác cô gái. Còn ông già thì đã đi đâu rồi. Người ta lén kể cho tôi biết và yêu cầu đừng viết báo, rằng, cô gái đã nhảy xuống giếng tự vận và ông già đã vác đá lấp luôn rồi đi mất. Cũng có người cãi lại: Làm gì có cái vụ tự vận? Ngày nào ông già đi làm rẫy, tụi quỉ cũng mò sang, con nhỏ “chịu không nổi” nên ông già dắt con gái bỏ đi. Trước khi đi ổng vác đá lấp giếng như chửi cha bộ đội cụ Hồ đó chớ!
Nhiều thanh niên đi lên bản tìm mấy ông già bà già Mường có con gái, xin làm con nuôi rồi dần dà lấy con gái của họ, dắt về đơn vị xin phép che cái chòi ngoài ven suối, đêm ngủ với vợ (không cưới hỏi gì) sáng đi cuốc gốc lim! Đồng đội chế diễu “thằng rể Mường” họ độp trả lại: “Chẳng hơn tụi bây xài chị Năm?”
Ở cống Bàn Thạch gần Bộ Tư lệnh Sư đoàn 330 của Đồng Văn Cống có hai mẹ con nhà nọ bi lọt vào mắt xanh của anh đội Miền Nam. Một anh đội trẻ cuỗm được bà mẹ rồi về đơn vị làm mối cho một anh già hơn đến xơi tái đứa con gái. Cho nên có ca dao: “Trông cha lại trẻ hơn con. Gả mẹ cho rể hãy còn đẹp đôi.” Người ta đồn rằng để trả ơn mai mối, chàng rể già tốt số phải để cho ông bố vợ trẻ chấm mút cô vợ mình chút đỉnh.
Lần cuối cùng (1962) đến nông trường này, tôi thấy nó tiêu điều ủ dột lạ thường. Mải miết chôn chân ở Hà Nội tôi không biết gì hết. Những khối u hoài của dân móc gốc lim còn khó móc hơn những gốc lim. Số là đám lính Nam kỳ cởi áo lính trên bảy năm làm tù khổ sai nay được gọi trở lại lính, không lên một cấp bậc nào. Có những anh đi kháng chiến ở Nam Bộ mười năm chỉ làm tới chức tiểu đội phó, ra Miền Bắc bị bác Hồ bỏ quên, vẫn làm “cai” cách mạng, bây giờ già “mọc nanh” rồi, vẫn làm cai khi được gọi đi về giải phóng Miền Nam. Toàn nông trường gần mười ngàn sinh mạng bi lùa vô lò sát sinh Trường Sơn chỉ trừ những người bệnh ra lão hoặc kiệt sức. Năm mươi còn khỏe có thể xung phong và được bác hoan nghênh kịch liệt như các cháu ngoan nhất của bác.
Còn vài hôm nữa lên đường, họ mở đại tiệc. Gà vịt họ mua gom hết của cả chợ Ngọc Lặc đem về chất đống trước sân. Nhậu! Nhậu và nhậu. Ai đến chơi cũng đều được mời nhậu. Rượu của tỉnh Thanh Hoá xe nông trường chở hết về Lam Sơn tưới cho những trái tim khô vừa sống lại về quê.
Có rất đông những đàn bà con gái yêu anh đội Miền Nam và đã có con với họ. Nghe chồng đi về quê, họ kéo đến. Chả là lâu nay họ tin tưởng rằng chồng mắc gốc rau muống tại đây rồi. Nay bất ngờ Sâm Thương đôi ngã.
Những ông chồng chùm gởi đã nói thẳng “Xê mi ra, ông về NƯỚC.”
Những người vợ khóc như mưa nhưng không lấy được địa chỉ của chồng để sau này giải phóng Miền Nam xong vào tìm. Như thế thì biết được tình cảm của dân Thành Đồng Tổ Quốc sâu sắc đối với Miến Bắc xã nghĩa là dường nào!
Họ tởn rồi. Một lần tập kết thì tởn tới già. Đừng mong gạt họ nữa mà… uổng công. Có một số cán bộ tôi gặp trên dường Trường Sơn như các ông tá đi lậu ở trên kia. Hành động vô kỷ luật của các ông ấy là một sự đền đáp lại “ân huệ” mà họ được hưởng từ tay Bác!
Ôi Miền Bắc xã nghĩa!
Ôi cách mạng vô sản!
Mi là con quỉ dạ xoa ăn hết tâm hồn và da thịt của dân Nam Bộ tao.
Ôi Bác Hồ!
Ôi đảng!
Mi là tên bịp vĩ đại đã lừa dân Nam Bộ cả tin của tao một cách thành công trong lịch sử lừa bịp của cộng sản thế giới!
Nhưng hãy hượm, đừng vội mừng với những bữa tiệc máu ngoả nguê. Rồi đây chúng mày sẽ phải trả giá đắt những gì chúng mày giật được nhờ bịp.
Cặp trai gái Huyền Bé yêu nhau ư? Không hẳn vậy. Huyền biết mình sắp làm thứ đồ chơi cho lũ quỉ dâm dục mặc áo lãnh tụ, nên tìm ngả rẽ, nơi mà bàn tay của Bé đã vẫy gọi nàng. Còn Bé bị đưa ra đây không ngày về nên tìm hơi ấm nơi người con gái Miền Bắc mà nó quen trong vòng mấy ngày. Yêu ở đây là giải thoát. Đám cưới vừa qua là một sự hùn vốn của hai người vô sản muốn sống và hưởng mùi trần thế ở một địa ngục khó thoát.
Vài hôm sau, khách ở trạm ngoài vô khá đông, đông nghịt những đơn vị võ trang. Đăng hoảng vía. Đăng sợ máy bay đánh hơi được thì sẽ có một trận nhảy dù thứ hai hoặc một trận oanh kích. Có lẽ anh ta không sợ phải chôn xác chết, phải chuyển thương binh (anh ta có làm những việc này đâu mà sợ) mà anh ta sợ bể cái điểm của anh ta. Nếu phải dời đi, anh ta phải cất một ngôi nhà khác, anh ta phải đốn cột kèo với cái trành bằm và chằm hằng ngàn tấm lá để lợp nóc nhà. Đôi khi vì một quyền lợi nhỏ nhen, người ta làm một việc lớn khác và người ta làm bộ như là hành động vì cái việc lớn này. Bọn cộng sản Việt Nam bây giờ là một ví dụ. Chúng đang cố bấu víu Quyền và Lợi kếch xù của chúng – đó là bắt sáu mươi triệu người phục dịch cho chúng và gia đình chúng như những nô lệ thời phong kiến phục dịch những đế vương – Thế nhưng ngoài mặt thì chúng chạy lăng xăng nay đi xin viện trợ, mai họp đại hội lần sáu, lần bảy để “lo cho dân tộc.” Cái anh giao liên tên Đăng này là hình ảnh thu nhỏ lại của đám đầu sỏ cộng Bản. Nhưng anh ta khá hơn chúng vì anh ta không bắt ai phải phục dịch anh ta.
Anh ta đập khách dậy từ hừng sáng và hành quân ngay. Chu đáo hơn những trạm khác, Đăng dẫn đầu với cây các-bin, Bé bọc hậu với cái dao găm Hàng Mã và cái bay-on-nét tháo ra từ khẩu các-bin của Đăng.
Đi sát với Đăng là tôi, Hoàng Việt, chị Phụng, Vân và đám nữ binh. Khúc sau thì hầm bà lằn, khúc thì dân chính, khúc thì bộ đội, khúc thì bộ đội và dân chính pha chè. Ở đoạn này đường bằng phẳng nên dễ qua mặt nhau. Ai qua mặt kẻ khác được cứ việc qua mặt. Ai đuối sức cứ tự nguyện tụt hậu, cho nên đi được vài tiếng đồng hồ thì cái xã hội xã nghĩa táp nham này tự xếp lại theo một trật tự mới, mà giai cấp lãnh đèn đỏ đáng thương hại nhất là những anh bộ đội què và những chàng không què nhưng lại phải khiêng nòng cối 81 và cõng đế cối 60. Bạn cứ tưởng tượng một anh lính được bồi dưỡng bằng cơm-cháo-nước suối và sốt rét đã phải cõng một cái đế cối 60 cộng với ba lô của mình trên lưng và… leo núi.
Hôm nay ai cũng có vẻ lo lắng vì trước khi đi, Đăng cho biết là phải vượt qua một bãi pháo rất rộng. Trước đây chúng bắn có “cữ.” Một ngày ba cữ sáng, trưa, chiều, nhưng có lẽ nó rút kinh nghiệm bắn như vậy không có kết quả cũng như sốt rét, mình biết trước mình chặn cữ. Bây giờ nó bắn như thằng khùng đập bậy không có giờ giấc gì hết. Có khi hai ba ngày không bắn, có khi vừa bắn xong, nửa tiếng đồng hồ lại bắn. (Bãi này phải mất một tiếng đồng hồ mới qua khỏi). Nó cũng đoán tâm lý: Hễ dứt loạt pháo là giao liên dắt khách chạy băng. Vào đúng giữa bãi nó lại bắn. Y như gài bẫy. Có lần một đoàn khách bị dính bẫy. Một nửa đoàn nằm lại bãi vinh viễn. Pháo nó bắn chụp ác lắm. Mỗi phát sáu quả, rơi thành một vòng tròn bề kính chừng một trăm mét. Vô phúc một trưng đội lọt vào cái vòng lửa đó thì rụi sạch. Một đại đội chỉ cần lãnh hai vòng thì còn sót loe hoe vài mống ngất ngư.
Gần tới bãi thì Đăng dừng lại, bảo một cách tỉ mỉ vô cùng:
- Các đồng chí nghỉ một chút xem lại đồ đạc, gài các nút túi áo, thắt lại dây nịt, rút lại quai dép, buộc chặt các nắp ba-lô, gà-men dồn vô ba lô không được đeo trong lưng, bi-đông mang chéo trước ngực, đồng chí nào có súng ngắn, thì tốt nhất bỏ vào trong ba lô, đeo bên hông khi chạy nó đập vào đùi khó chạy nhanh được. Cuối cũng là cái “thủ cấp” phải siết quai thật chặt vào cổ. Xong xuôi tất cả rồi thì nhảy cà tưng tại chỗ vài chục cái coi có món nào sút hoặc rơi thì chỉnh đốn lại… Tôi cho ba mươi phút nghỉ rồi bắt đầu. Ai chạy được cứ chạy, không nên chờ đợi. Qua tới bìa rừng là dừng lại tập trung ở đó, tôi sẽ dẫn đi tiếp.
Nửa giờ sau cuộc chạy đua bắt đầu. Vui lắm! Không có ai đuổi mà phải chạy. Tiếng kêu réo tiếng la ó vang rân. Người bị rơi lại phía sau kêu người chạy phía trước, người phía trước giục kẻ rơi ở đàng sau. Xen lẫn vào đó là tiếng quát tháo của chỉ huy các đoàn và giao liên. Đất cát mịt mù xóa bóng hình thấp thoáng giống như bãi chiến trường của một đạo quân cô-dắc không có ngựa và không có đánh nhau với kẻ thù. Thế mà vẫn có kẻ bị thương vì ngã. (Không phái vì tự sát thương như ở những trạm ngoài. Lính đã vô tới đây là đã dứt khoát năm mươi phần trăm tư tưởng đi với đảng không làm bê quay cũng không tự bắn vào chân nữa. Nhưng vô tới Nam Bộ thì lại “quay” vô Sài Gòn. Con số lính Bắc Việt hồi chánh, theo tôi biết, có đến cả trăm ngàn trong vòng năm sáu năm trong đó có Thượng tá Trần Văn Đắc tức Tám Hà, Thượng tá Lê Xuân Chuyên, Trung tá Huỳnh Cự v.v.
May quá bữa hôm nay lính Ngụy mắc đi nhậu ở bar hay đi ăn giỗ ngoài nhà dân nên không bắn pháo. Nhờ vậy đoàn người “Cô-dắc đi chân” không bị sứt mẻ nhiều.
Đến mé rừng, tôi và Hoàng Việt ngả dài ra đất bất chấp trời trăng. Hai ông giao liên rất khoan hồng. Họ để cho khách tha hồ nằm ngồi và tự bồi dưỡng bằng cách hít khí trời của Đảng, không hạn chế. Đám nữ binh của dược sĩ Vân cũng tới nơi đủ mặt. Những anh lính khiêng nòng pháo 81 dường như bất chấp kẻ thù “mày pháo tao cũng pháo” nên cứ đủng đỉnh đi trên bãi trống.
Tôi đã thấy pháo binh dùng xe đẩy phân của hợp tác xã di chuyển pháo trên đường quốc lộ 1 và tôi cũng đã trông thấy những chiếc đế pháo cối ném ở dọc đường. Những đế cối đó nằm lót đường cho chiến sĩ bước qua hoặc ngồi nghỉ cho nên đã vắng mặt ở đây chứ gì. Nòng không đế, dựng ở đâu mà bắn?
Đăng đến chúc mừng tôi sắp về đến quê hương và nhờ tôi đến gặp gia đình nói dùm anh ta ở ngoài này vẫn mạnh khỏe và phấn khởi công tác, trong lúc Bé cũng đến cảm ơn Vân và hứa hẹn sẽ dìu dắt Huyền công tác tốt.
Đăng nói với mọi người đang lấy lại sức nằm ngồi đầy đất
- Hôm nay chúng ta vượt qua bãi pháo an toàn là nhờ các đoàn chuẩn bị chu đáo và thi hành đúng kỷ luật đi đường! (!!)
Một người khách hỏi:
- Hồi trước tới giờ có đoàn nào bị nạn không đồng chí giao liên?
- Có chút …đỉnh thôi. Một đoàn bị bắn trúng giữa đội hình, một đoàn khác bị vét đuôi mà chỉ vài người bị thương xoàng!
- Có thiệt hại gì không đồng chí?
- Không thiệt hại gì cả. Sơ sơ chừng vài chục.
- Sao mình không đổi đường?
- Ở trên không có lệnh, đổi sao được.
- Bộ đồng chí không báo cáo lên trên à?
- Có nhưng mà mình dẫn khách chớ ở trên đâu có dẫn khách mà ở trên lo.
- Đồng chí phải tự động chứ!
- Thì tôi cũng đdã tự động nhiều rồi! – Đăng kể tiếp – Cái đoàn pháo binh kia kìa hôm trước họ qua sông không được. Lính các ổng toàn không biết lội, tôi bảo chặt cây rừng làm bè nhưng họ không có dao to. Họ không biết làm sao. Nếu để họ phất phơ ở ven bờ sông thì có cơ hội bi “cá lẹp” mần gỏi. Cho nên tôi bảo họ đi cặp theo bờ sông ngược lên nguồn dò xem chỗ nào cạn thì lội qua.
- Thế kia à?
- Đi tới ngọn sông mất một ngày rưỡi đường. Trở xuống ngang bến cũ mất hai ngày nữa. Tất cả là bốn ngày. Trong lúc đó thì những người không khiêng pháo đã bơi qua sông nằm chờ. Và bị bắn đêm trước. Té ra tưởng khỏe mà lại mệt.
Đăng kết thúc câu chuyện với một câu than thở riêng với tôi:
- Thà ôm súng đánh giặc mà khoẻ anh ạ! Còn cái công tác này coi khỏe mà lại mệt cầm canh. Chết không lên đài tử sĩ được đâu!
Vừa tới đó thì trên nền cát trắng có một chấm đen di động về hướng này.
- Ông nội nào tụt biệt đằng sau vậy? – Đăng càu nhàu rồi quay lại hỏi đám người gần đó – Có phải người của các đồng chí không, ra rước dùm chút, một bước đỡ một bước.
Cái chấm đen càng đến gần và dần đần hiện rõ ra là một cô gái. Rồi một cô kêu ré lên:
- Con Huyền, con Huyền!
- Vợ mày hả Bé? – Đăng buột miệng quát – Ra rước nó đi!
Đúng là Huyền. Huyền đến thấy chị Phụng nhào vào lòng khóc rưng rức.
- Cái con nhỏ lạ chưa? Bữa đám cưới hứa hẹn nghe ngon lắm, mà chồng đi chưa đầy một ngày đã vác ba-lô chạy theo.
Trước mặt mọi người thằng Bé đứng chết trân, có vẻ ngượng nghịu, không biết nói gì mà cũng không lại gần Huyền. Mấy anh tân binh thấy cô gái xinh xắn và biết Huyền là vợ của Bé qua câu chuyện qua lại giữa Vân và Đăng, thì tỏ vẻ bực rọc nên lên tiếng chế diễu:
- Ở ngoài đó bộ con trai không ai biết đánh... đu cả nên mới vác cái mu rùa vô đây nộp!
- Mặt mũi có vẻ sáng mà óc thi óc lợn!
- Lấy ai không lấy lại lấy nòi “niêu manh.”
- Ê phản động nghe! – Một tiếng Nam kỳ quát – Tụi bây nói ai lưu manh?
- “C… cô hồn, l… nhà nước” thằng nào giỏi quơ thì xài chớ. Tụi bây vô tới trỏng tao cho con gái trịnh “mê thúng” lên đầu.
Huyền đã dứt khóc. Chi Phụng buồn rầu hỏi:
- Sao em lại thay đổi ý kiến mau vậy?
- Em tính nhầm chi ạ!
- Nhầm thế nào? – Vân quát.
- Em không dám ở lại trạm một mình đâu. Em chết mất. Em xin tự kiểm điểm và xin anh cho em trở lại công tác của đoàn.
Trước sự việc bất ngờ, Vân không biết nên quyết định ra sao. Còn Đăng cũng đương lặng thinh, kẹt cứng. May sao Hoàng Việt lên tiếng:
- Tôi đề nghị với hai ông như thế này, Đây là trường hợp cá biệt, ta phải giải quyết thế nào cho hai đứa bé không phải đau khổ mà vẫn có lợi cho cách mạng phải không nào? Theo tôi thì ông dược sĩ nên nhận cho cô em trở lại đoàn mà không phải bị một hình thức kỷ luật nào. Tuy cô bé rẽ ngang nhưng so với những người tự sát thương làm bê quay và làm thổ phỉ thì cô còn tốt chán. Còn cậu Bé là nhân viên của trạm nhưng nếu cô Huyền đi theo đoàn thì Bé vừa cưới vợ lại mất vợ hay sao? Vậy tôi đề nghị cho cậu Bé đi với Huyền luôn.
Đăng vung tay:
- Đi đâu thì đi. Tôi không cần giữ làm gì! – Rồi tiếp – Quê nó ở Bà Rịa. Khi đi vô ngang đó, các ông cho hai đứa nó về quê cho rồi. Ở đây có ngày cũng chết lãng nhách về nạn cà-nông. Qua qua lại lại cái bãi này sớm muộn cũng dính thôi! Xương với tóc lác đác trên bãi các ông thấy không?
Thế là giải quyết gọn hơ vấn đề. Nhưng lại lòi ra vấn đề khác.
Khi mọi người tiếp tục lên đường thì có năm sáu chú bộ đội “xin phép” nằm lại..
- Tôi có phép đâu mà xin! – Đăng quát ầm ĩ – Muốn đi thì đi, muốn nằm thì nằm, ai khiển các ông cho nổi.
Một cậu sút dép đạp mảnh đạn đứt một vết sâu giữa gan bàn chân, hai cậu ôm bụng kêu đau. Đăng quát:
- Tôi không phải là bác sĩ!
- Lá mía em ở vào thời kỳ thứ ba. Lúc nãy em ngã cả năm phút không dậy nổi.
- Em cũng thế! Bụng đau quá, em không đi nổi nữa rồi!
Đăng bảo:
- Có hai cách. Một là các anh nằm lại đây tôi trở về rước ra trạm ở với tôi.
- Ối giời, em hãi cái bãi này lắm! Em qua được đến đây là như đầu thai kiếp khác.
- Một cách nữa là….- Đăng tiếp – Nằm lại đây dưỡng bệnh, hết bệnh tôi đến đưa đi tiếp.
- Lấy gì chúng em ăn ạ?
- Lấy gì thì lấy, tôi cũng không có cái gì ăn thì tôi có cái gì cho các ông?
Vân lắc đầu. Tôi thấy bất nhẫn lương tâm. Vân bước đến bảo bệnh nhân:
- Giở áo cho tôi xem!
Người lính run run cởi cúc, vén áo lên. Vân chỉ mới ấn nhẹ tay, anh ta đã kêu lên oai oái. Vân lại lắc đầu:
- Phải nằm lại và chích thuốc. Đến thời kỳ này quinine viên không ăn thua – Vân vừa nói vừa vạch mi mắt bệnh nhân và quay đi, không nói gì.
Giao liên cũng không nói gì, lặng lẽ vẫy tay ra lệnh cho khách đi. Tôi vẫn đeo dính theo Đăng. Đăng vừa đi vừa trỏ tay về phía một cội cây gì đứng trơ trọi gần ven rừng, nói với tôi:
- Anh biết cây gì đó không?
- Cây gì?
- Cây xương người!
- Cây xương rồng thì có chứ cây gì lại cây xương người, chứ?
Đăng nói:
- Lúc nãy em không dám khai thiệt vì có đông người, chứ pháo bầy ác hơn máy bay anh ạ.
- Pháo bầy là pháo gì?
- Pháo bầy là pháo nó bắn một lúc cả chục trái cũng như trâu bò bầy vậy. Pháo này hại mình nặng hơn máy bay vì máy bay tới, mình biết đường mà tránh. Tôi nói thiệt với anh là các thứ máy bay, tôi chấp! Đầm già tới bắn trái khói là tôi uống hai chung trà nữa rồi mới chạy. Mà chạy ra xa ngoài vòng sát thương của bom rồi tiếp tục ngồi uống trà. Sống nhăn! Còn cái thứ cà-nông “đui” này nó phang bậy mà nhằm. Nói giấu gì anh, tôi chết hụt hoài thôi. Bị cả chục trận rồi mà chưa dính phát nào. Còn khách thì bị tỉa nặng. Dưới gốc cây đó có một cái hố. Tôi với thằng Bé lâu lâu đi nhặt xương đem gom lại dưới hố đó. Kệ, tuy không được chôn cất nhưng “nằm chung” cũng ấm hơn là phơi giữa bãi hoang. Tội nghiệp, đâu có biết tên họ gì. Giấy tờ bay mất hết. Đôi khi tôi nhặt được hình hay chứng minh thơ nhưng đâu biết là quê quán ở đâu. Vả lại, theo mấy ổng nói là mọi người trên đường này đều bỏ tên họ cha sanh mẹ đẻ, lấy tên họ mới cả. Và trong giấy không có ghi làng xã gì mà toàn là X2, H4, A7, B5 coi kỳ cục quá.
- Từ đây vào tới ranh Nam Bộ còn bao xa nữa?
- Cũng gần thôi, nhưng trạm trong này dài lắm. Một trạm bằng ba trạm ngoài đó. Sắp tới đây còn một cái dốc nữa. Ăn hết ráo gạo mới trèo xong.
- Vậy hả? – Vân đi sau lưng tôi kêu lên – Cái dốc này cũng bằng cái Vịnh Trà Bay ở Long Mỹ.
- Người ta đặt chuyện nói đó là cái cạnh đuôi của con rồng cái. Nó nhỏng đuôi lên để đẻ, cho nên cái dốc này cao tới mây. Tiền hung hậu cũng hung! Qua cái dốc đuôi rồng này rồi là đồng bằng tha hồ dòm ngó. Nó “chụp” liên miên cũng tha hồ chạy!
- Giò cẳng còn đâu nữa mà chạy? Tôi nói và quay lại nhìn cặp giò quấc của ông nhạc sĩ giao hưởng Bún-cà-ri.
Trước khi băng qua bãi pháo ông bạn đã cởi quần dài buộc hai ống ngang cần cổ “cho chắc ăn” để phơi bày hai cái ống sậy mang dép giống như hai cái dấu nhạc. Không khéo nó lọi ngang có bữa. Tôi vừa vui vui nghĩ vừa quay lại bảo:
- Anh đi lên trước đi anh Bảy.
- Thôi, tao không có kéo ngọn nữa đâu. Rủi đứt đuôi mấy thằng bộ đội nó oánh tao!
Trông anh đến buồn cười. Cái cửa hàng xén lưu động của anh rườm rà vui mắt hơn bất cứ của ai trong đoàn. Từ các chặng này trở vô, người ta nhặt được rất nhiều hộp lon không và hộp lon đầy của quân Mỹ vứt lại.
Hoàng Việt lượm bỏ vô ba lô để chờ khi đắc đụng nhưng mỗi khi nhặt được cái nào đẹp hơn thì lại “được mới nới cũ ” anh giản chính bớt, nhưng ít ra anh cũng có đến bốn năm cái làm vốn.
Một lần anh nhặt được hộp nho nhỏ, không biết đựng thức ăn gì, nhưng anh đọc được chữ “Georgia” trên hông hộp, anh đưa cho tôi coi và nói:
- Đây này mày thấy không, già Khơ giúp lương thực cho tụi Mỹ ăn đánh mình đây này!
Tôi cầm lấy cái hộp coi tới coi lui nhưng chỉ hiểu vài ba chữ Anh học hồi học trung học, nhưng lại không biết Georgia là một tiểu bang của nước Mỹ, mà chỉ nghi đó là một trong mười lăm nước Cộng hoà Xô viết của Liên Xô, nên cũng la ầm lên:
- Đ m. già Trọc chơi cú tiêu lòn này hại quá! Súng thì cho bốn ngàn cây hồi thời Nga hoàng, bây giờ lại chơi cái mửng này nữa. Mình bi mình hại rồi.
- Lại thêm “cụ Mao” cạo đầu cụ Lưu bên Trung Quốc nữa. Toàn chuyện “xuông cựa! “
- Xương máu mình rẻ hơn nước lã.
Mấy người bộ đội nghe chúng tôi nói chuyện bèn rề lại đòi xem cái hộp. Xem xong họ cũng kêu trời và hỏi tôi:
- Đồng chí nói bốn ngàn súng Nga hoàng là súng gì, ở đâu?
- Tố Hữu đi theo Lê Duẩn qua hội đàm bên Liên Xô về xét lại xét liếc gì đó về nói chuyện tại cơ quan tôi, ông ấy cho biết như thế.
- Vậy còn AK tụi tôi xài đây là ở đâu?
- Già Trọc văng rồi, Kossigin lên nên mình mới có pháo phòng không và AK đó chớ.
- Còn đồng chí nói cụ Mao cạo đầu cụ Lưu nào?
- Mao Trạch Đông cạo đầu Lưu Thiếu Kỳ bằng tay bà vợ bé, chớ Mao nào!
- Sao có chuyện kỳ cục vậy? Mà ai nói chớ?
- Đài Bắc Kinh.
- Có thiệt không?
Tôi hơi cáu:
- Thiệt hay không tôi không biết, nhưng đó là tin của đài Bắc Kinh, tôi nghe cách đây một tháng. Hồi đó đoàn tôi có cái “đài” và tôi còn đi chung.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng