There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ác sĩ tới, ông Mặt Sắt bảo:
- Anh xem chân cẳng diễn viên múa ba-lê của con người ta đó. Anh chữa dùm đi!
Viên bác sĩ dắt Thu đi. Tôi nói tiếp:
- Cô ấy muốn trở ra Hà Nội thưa anh. Không phải vì cô mất tinh thần mà vì cô không thể nào đi nổi nữa- Luôn dịp tôi kể lại những việc cô và thằng Hồng định tổ chức trở về Hà Nội cùng với một anh sĩ quan có một ba-lô K54.
Nghe xong ông ngồi lặng ra.
Đến đây thì Hoàng nhạc sĩ tới.
- Anh đau chân à? – Ông hỏi.
- Vâng. Trặc cái bánh chè, thưa đồng chí.
- Có sốt không mà da vàng thế?
- Thưa anh, tôi chỉ bị trặc cái bánh chè thôi.
- Cái chân chỉ có đầu gối là quan trọng nhất, trặc bánh chè rồi còn đi đứng làm sao?
- Thưa anh, cũng phải cố gắng thôi!
- Quê anh ở đâu?
- Dạ, Sàigòn!
Tôi chêm vào:
- Anh là nhạc sĩ Hoàng Việt mới tốt nghiệp Học Viện Âm Nhạc Bungari về, thưa anh Sáu, nhạc sĩ nổi danh nhất của Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp. Và là nhạc sĩ duy nhất có tác phẩm giao hưởng ở nước ta.
- Nhạc giao hưởng là nhạc gì?
- Dạ là nhạc chỉ dùng âm thanh và tiết tấu để diễn tả chứ không có lời.
- Vậy lâu này tôi tưởng bài Sông Lô Trường Ca của anh Văn Cao là nhạc hay nhất rồi.
- Dạ hay nhất nhưng nó không phải là nhạc giao hưởng như nhạc biểu diễn ở Nhà Hát Lớn vừa rồi.
- Tôi bận quá rồi không biết cái gì ngoài hợp tác xã cả.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, ông hỏi Hoàng:
- Anh ở quân đội phải không?
- Dạ khi ra đây tôi còn ở quân đội.
- Cấp bậc gì?
- Da, tiểu đội phó!
- Trời đất! Một nhạc sĩ như thế mà đeo cấp bậc tiểu đội phó nghĩa là sao?
- Da, tôi đâu có đòi hỏi gì!
- Lữ Giang là trung tá hậu cần lại phụ trách văn hóa xuất bản toàn quân còn một nhạc sĩ như anh lại chỉ là tiểu đội phó là sao?
Tôi chêm vào:
- Do đó khi vô đây, anh chỉ được cấp phát theo tiêu chuẩn cán bộ sơ cấp, tức là muối trắng, võng kaki. Không được thịt kho và võng ni-lông.
- Có chuyện đẳng cấp trong sự cấp phát trên đường này như thế nữa sao?
- Dạ có chớ. Mưa ướt võng anh ấy không mang nổi. Vì nó nặng như sắt cục vậy!
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Dạ bốn mươi bốn – Hoàng đáp.
- Sao tóc bạc dữ vậy?
- Dạ không biết!
Tôi chêm vào:
- Anh ấy xa gia đình đến nay là chẵn hai mươi năm. Mười năm kháng chiến và mười năm tập kết.
- Bây giờ anh có muốn trở ra không?
- Dạ, chết sống gì tôi cũng đi về cho bằng tới nơi.
Ông Mặt Sắt nhìn anh nhạc sĩ hồi lâu rồi nói:
- Tôi coi bộ anh yếu lắm, không đi tới nơi nổi đâu. Thôi để tôi cho anh trở ra nghe. Tôi sẽ phong cho anh chức trung tá và làm việc ở Cục Tuyên Huấn của anh Lê Chưởng.
- Cám ơn anh Sáu, tôi quyết tâm về xứ.
- Các anh căm thù Miền Bắc phải không?
Hoàng và tôi đứng im. Ông nói tiếp:
- Tôi biết các anh căm thù Miền Bắc lắm mà, phải không? Có nhiều anh đi qua khỏi ngọn sông Bến Hải bèn lột nón quay lại xá Miền Bắc mấy xá.
Tôi nói:
- Họ đùa thôi, thưa anh Sáu!
- Trong đùa có thật!
- Nhiều người bị rắc rối vì xá như thế!
- Rắc rối gì?
- Bị kiểm thảo! Nghe đâu có người bị gởi trả lại Miền Bắc.
- Làm gì ác thế! Đường này có người dám đi thì đã tốt lắm rồi. Bất cứ họ có tư tưởng gì. Sao lại gởi họ trở ra?
- Dạ, không rõ!
- Các anh có tưởng tượng được con đường này nó như thế trước khi vô đây không?
- Dạ, ông Ủy Ban Thống Nhất báo cáo toàn chuyện ngon lành hết cả.
- Vì báo cáo kiểu đó Bác mới phải khóc trong Cải cách ruộng đất.
Có lẽ ông vô đến đây mới sáng mắt ra mà thấy một tình trạng thê thảm của quân dân chánh đảng đi Giải phóng Miền Nam. Tôi đoán là ông và đoàn tùy tùng không lội bộ từ Làng Ho vô đây. Có lẽ ông đi bằng một đường đặc biệt. Cho nên gương mặt ông còn đầy đặn và không vàng vọt. Chỉ phải cái màu “sắt”. Nhưng màu đó vốn là màu cố hữu của ông. Ở Hà Nội nước da của ông vẫn luôn luôn là “nước da lãnh đạo” như thế đó.
Cả ba đứa tôi trở về lều như sắp lên thiên đàng.
Ông kẹ đã ra lệnh cho tất cả các đoàn có mặt ở trạm dừng lại, không đi vào nữa để chấn chỉnh tinh thần lẫn vật chất.
Riêng Thu và Hoàng được bác sĩ của anh Sáu săn sóc. Cả hai đều được chích thuốc và băng bó đúng quy cách như ở nhà thương. Riêng Thu thì ôm một gói gì nho nhỏ đi vào lều rồi dúi liền vào ba-lô.
Nhìn những làn băng mới trắng tinh ôm cổ chân Thu, tôi có cảm giác nàng khỏi bệnh ngay.
- Bác sĩ tiêm thuốc cho em, anh ạ!
- Thuốc gì?
- Pê-nê-xi-lin. Ổng bảo cứ ba tiếng đồng hồ ổng lại tiêm cho một mũi.
Còn anh Hoàng thì ổng cho một ống thuốc, một lọ kem thoa. Ổng bảo cổ chân em đã sai khớp. Lớp da bên ngoài có thể bị mưng mủ. Nếu để nó làm mủ thì phải mổ. Eo ôi! Nếu mổ thì em chết mất!
- Bây giờ thì còn kịp hả?
- Còn kịp, nhưng phải có đủ pê-nê-xi-lin.
- Rồi bác sĩ có cho đủ không?
- Ổng nói sẽ trị cho em lành bệnh.
- Em phải nằm lại đây à?
- Ổng nói bác Sáu ra lệnh ngưng mọi cuộc hành quân đi vào. Ngoài ra bác sẽ ngưng mọi cuộc đi vào đường này. Bác sẽ đề nghị với Trung Ương thảo luận lại để có một tổ chức tốt hơn.
Xế chiều hôm đó Phẩm lại đưa vào một đoàn đông nghịt. Chẳng có chỗ đóng quân.
Họ phải càn rừng để tậu chỗ mắc võng. Hoạt động ào ào, hối hả giành giật chen lấn bát nháo làm nên một không khí loạn.
Tôi mừng lắm. Để cho ông kẹ biết một thực tế của Trường Sơn. Nếu không, các ông ấy cứ tuởng là mọi việc ở đây đều tốt đẹp. Từ ngày hoà bình lập lại, Trung Ương chui rúc vào cái vỏ chiến thắng kiên định là các villa ở đường Trần Phú, Quan Thánh và những cái villa lưu động là những chiếc xe hòm kính lộng lẫy cực kỳ xa hoa để không còn biết dân sinh dân trí ra sao nữa, do đó có Cải cách ruộng đất tang thương. Nếu Trung Ương đi sát với dân như thời kỳ chống Pháp thì đã không có chuyện đau lòng này. Cải cách ruộng đất như một vết thương toang hoác được băng bó bằng một miếng giẻ rách sửa sai, chưa kín miệng thì bây giờ lại đẻ ra con đường vinh quang quái gỡ này. May mà có một đồng chí Bộ Chính Trị, nhân vật đứng hàng số 5 trong đảng đã không đi trực thăng tới đây mà đi chân đất.
Chiều hôm đó, sau khi “cơm nước” xong, Thu gọi tôi sang lều của nàng và bảo:
- Em sẽ cho anh xem một kỳ quan.
- Thứ chín? – Tôi cười _ Kỳ quan thứ tám là cái cổ chân của em kia rồi.
Thu lấy cái gói con lúc trưa đưa ra trước mặt tôi:
- Đố anh biết vật gì?
- Anh đâu có phải ông “đồng” mà em đặt vật?
- Anh nói trúng em sẽ…
- Thưởng?
- Ừ, thưởng…
Thấy tôi định đòi một phần thưởng đặc biệt, nàng vội xua tay:
- Không! Không! Anh đừng có nói ra. Thôi, để em cho anh xem này.
Thu từ từ mở cái gói và chỉ cho tôi thấy cái cạnh hộp tròn sáng loáng. Tôi nói:
- Cái hộp lon hả?
- Cầm thì biết!- Nàng đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và thấy nặng. Tôi hỏi nàng:
- Nguyên hộp sữa à?
Nàng chỉ gật, đôi mắt rực lên.
Một hộp sữa đặc. Trời đất! Ở đâu mà có nếu chẳng phải rơi từ trời, nếu chẳng phải tiên cho. Cảm ơn anh Sáu, cảm ơn Bác Đảng, cảm ơn phe xã hội chủ nghĩa, cảm ơn phe đế quốc, cảm ơn cả và thiên hạ đã bồi dưỡng chúng tôi bằng cả một hộp sữa! Nhưng hộp sữa lại làm nảy ra một rắc rối: Chờ đến tối chúng tôi mới xầm xì bàn luận uống thế nào cho đúng với ba nguyên tắc: Thiên thời, Địa lợi và Nhân hoà. Về mặt Thiên thời thì chẳng bị trở ngại gì, bởi vì uống sữa vào mùa Đông hay mùa Hè sữa vẫn là sữa và rất ngon, không có ai chết hoặc ốm vì uống sữa cả.
Ở Hà Nội cả chục năm, tôi chỉ được uống sữa vài lần, bây giờ mới lội Trường Sơn có hơn một tháng, đã được một hộp. Ở Hà Nội muốn có một hộp sữa phải là cán bộ có bìa phiếu hạng A. Cái phiếu này sẽ dắt bạn qua cửa ngõ số 4 Tôn Đản, trong đó bạn sẽ tìm thấy một cái thiên thai thức ăn giữa Hà Nội nghèo đói mạt rệp bần cùng nhếch nhác như một mảnh đất cằn bị những bánh xe Volga chạy qua chạy lại cắt như những đường chém trên mặt thớt. Nếu không có cái phiếu hạng A thì bạn phải là bệnh nhân sắp chết, mà là bệnh nhân của bệnh viện Việt-Xô hữu nghị cơ, chứ còn bệnh nhân bệnh viện Việt Đức tức Phủ Doãn cũ, bệnh viện C, bệnh viện 108 tức Đồn Thủy cũ,- thì chưa chắc. Có khi hộp sữa được phát tới, bệnh nhân chỉ nhìn thấy cái mỏ con chim vàng thì hồn đã lìa đời rồi, hoặc ngược lại khi nhìn thấy nó, bệnh nhân phấn khởi cách mạng quá mức nên vượt chết mà khỏe hẳn lên.
Nếu bạn không lọt vào hai trường hợp trên thì bạn phải là bà con của các ông các bà có cái phiếu hạng A hoặc là em út của ông bà giám đốc cái cửa hàng Tôn Đản ấy. Chỉ có thế bạn mới được diễm phúc làm chủ của một hộp sữa Con Chim mà Lang Sa nó gọi là lait condensé. Cái thứ này thì không thấy nhập cảng từ Liên Xô. Liên Xô chỉ đưa sang sữa hộp bột chua lét.
Do những điều kiện quan trọng kể trên mà vấn đề tiêu thụ một hộp sữa ở đây trở thành vô cùng quan trọng. Giữa lúc ba quân ăn đói nhịn khát mà mình lại uống sữa thì lương tâm nào không cắn rứt? Giữa lúc mình chưa phải là bệnh nhân sắp chết mà lại được cả một hộp sữa thì những người sống trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa chết đi mà chưa kịp biết mùi sữa chắc sẽ oán gận ganh tị với mình vô biên.
Nhưng thôi, đó là vấn đề tình cảm hoặc duy tâm. Chúng tôi là những kẻ thờ chủ nghĩa duy vật. Vật chất đẻ ra tinh thần. Có sữa uống, cái gân cái cốt sẽ khoẻ lên, cách mạng sẽ sớm thành công! Vấn đề ở chỗ đó. Không ngại gì! Không ngại gì! Cứ uống! Cứ uống!
Nhưng uống bằng cách nào mới được? Uống phải bí mật. Bí mật cách nào?
Tôi đưa ý kiến:
- Nên để dành khi bệnh hãy xài. Bây giờ ta chưa đến nỗi nào. Uống nó phí đi. Lại nữa đó là của anh Sáu tặng cho Thu.
Thu phản đối ngay:
- Đây là của chung, em muốn mỗi người uống một chút. Và uống ngay trong lúc miệng mình còn biết ngon biết ngọt. Anh Hoàng thấy thế nào?
Hoàng cười hắc hắc:
- Tôi ba phải. Ai sao tôi vậy!
Thu tiếp:
- Em nhất định ta nên uống ngay. Bây giờ em đề nghị hai phương pháp: một là nấu nước sôi rồi khuấy đầy một gà mèn, sớt ra mỗi người một ít đem vô mùng tự túc, đường của ai nấy bỏ lấy mà uống. Hai là luộc nguyên hộp sữa rồi khui ra cứ lấy muỗng múc ăn dần. Ăn kiểu này ít lộ bí mật hơn vì sữa luộc chín không bốc hơi đi xa còn sữa khuấy thì người ở cách ba bốn lều có thể ngửi thấy.
Tôi cười:
- Phương pháp nào cũng hay cả nhưng mắc công lửa củi. Cứ để vậy chọc hai lỗ trút ra chén mỗi người một ít đem vô mùng uống sống quách nó cho xong.
- Hay! Hay!
Hoàng vỗ đùi đôm đốp, và đá vào võng phành phạch:
- Sáng kiến này phải được báo Nhân Dân phổ biến cho mọi người đã từng hoặc chưa từng là “khổ chủ” của một hộp sữa.
Tôi bỗng phá ngang:
- Nói đùa vậy chớ không uống cách nào cả. Đó là phần của em và của anh Hoàng. Hai người là bệnh nhân nên anh Sáu mới ưu tiên cho như vậy. Chứ còn anh mạnh khù mà uống sữa cái gì.(Nói vậy chứ cái bao tử thủng của tôi cũng cần sữa lắm.)
Cứ cãi giằng dai hoài không ai chịu ai. Rốt cuộc hộp sữa chưa đầu thai thành cái hộp lon được.
Bỗng tôi nghe có tiếng hỏi:
- Có anh nhà văn nằm đâu đây không?
- Để làm gì? – Hoàng hỏi lại.
- Tôi quen anh ấy mà!
- Tôi đây! – Tôi đáp.
- À, mày đó hả?
- Ai đó?
- Thuần! Thuần đây! (Tôi không nhớ tên nào) Thuần Đại học Thái Hà đây!
- Ủa, mày cũng đi đây nữa a?
- Tao làm bí thư trưởng cho anh Sáu.
- Bảnh vậy à?
Thuần rọi đen pin qua lại mấy nhát tìm cội cây rồi mắc võng nằm song song với tôi. Thuần nói ngay:
- Ổng ra lệnh ngưng cái vụ vô Nam này rồi.
- Tao có nghe nói.
- Ai nói?
- Ông bác sĩ của đoàn mày.
- Ờ đúng đó. Hồi trưa tao có thấy mày nhưng tao bận quá… Ủa, tao sốt.
- Cơm nước mầy đâu có phải nấu mà bận.
- Không. Vụ khác cơ.- Thuần kề tai tôi – Tao phải dắt một đội bảo vệ đi liên lạc với các đồng chí Pathet tìm voi cho ổng đi! Nè đừng có nói lộ ra, chết chém nghe!
- Thôi đừng có nói gì thêm, tao không muốn nghe!
- Ừ, nhưng mà nè! Nghe tao bảo.
- Gì?
- Đoàn của tao đi võ trang khủng khiếp lắm, toàn là thứ dữ và nhân sự như mày thấy đó toàn là lực sĩ. Tao mách cho tụi mày một việc hay lắm!
- Việc gì? – Tôi ngồi dậy sốt sắng – Việc gì hay dữ vậy. Hay bằng cái hộp sữa Con Chim không?
Thuần lận trong lưng ra rồi ấn một vật gì lạnh và nặng vào ngực tôi. Tôi cầm lấy.
- Nhưng mà chưa hết đâu! Mày đề nghị cho đoàn của mày đi chung với ổng. Ổng có vẻ chiếu cố tụi mày lắm. Nhất là con bé ca vũ trặc chân.
Tôi nói:
- Đi chung thì chân ai nấy đi chứ khác gì!
- Tầm bậy mậy! Mày kêu rêu mang đồ không nổi, ổng sẽ cho người mang cho tụi mày. Hiểu chưa? Con không khóc mẹ không cho bú.
- Vậy mày mại hơi dùm tụi tao trước đi!
- Không được! Phải tỏ ra là tụi mình không quen nhau mới được.
- Nhưng tao đâu có gặp được ổng nữa?
- Thì chừng nào hành quân mày tìm cách đi ngang qua mặt ổng cho ổng thấy.
- Ừ, được rồi.
- Nói cho mày biết, một tiểu đoàn theo hộ giá ổng đấy. Còn đám xây lố cố đứng chung quanh võng của ổng là ngự lâm quân và quân sai vặt mày hiểu chưa. Ba thằng bí thư: một thằng bí thư chính trị, một thằng bí thư quản trị, một thằng tham mưu. Tao là xếp ba thằng đó. Ổng chọn tao vì tao là dân Nam Kỳ. Hừ hừ phen này “về nước” nghe.
- Mày đi Liên Xô mất mấy năm?
- Ba năm rồi! Còn ba năm nữa! Về Hà Nội nghỉ hè, mấy ổng “ách” lại không cho đi nữa, bảo sửa soạn đi B.
- Sao không vô trường tụi tao mang gạch đá?
- Tao không có thực tập ngày nào hết ráo.
- Bơ sữa xẹp hết rồi hả. Coi bộ mày càng ngày càng lún xuống và trắng đỏ ra như đồng chí Khu vậy. Chắc ở bển khoái lắm hả mậy?
- Sướng thì có sướng hơn bên mình, nhưng nghèo lắm.
- Sao hồi đấu Nhân Văn Giai Phẩm tao thấy mày ở trong trường rồi biến đâu mất, tao không gặp mày nữa.
- Thì mày biết cái trường Đại Học Nhân Dân đâu có ông bà sinh viên nào. Chỉ toàn là bàn ghế và vách tường thôi. Cho nên anh Bảy mình ảnh cho tao đi học, để ở nhà tốn cơm. Chính ảnh cũng chán cả ảnh mà.
- Nè, mày có biết tại sao hồi cướp chánh quyền ở Sàigòn, ảnh là Trời Con, trong kháng chiến ảnh vẫn là Trời Con mà ra Bắc ảnh tuột dênh hết ráo vậy mậy?
Thuần làm thính. Có lẽ đó là câu hỏi mà mọi người Nam Kỳ tập kết đều muốn đặt ra công khai, muốn được trả lời rõ ràng như câu nói bất hủ của Bác là: Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi! hoặc là: Miền Nam luôn luôn trong tim tôi! hoặc hơn nữa là: Nam Bộ Thành Đồng Tổ Quốc!
Vâng, cái câu trả lời đã rõ như ban ngày. Nguyễn Văn Trấn, Tư lệnh kiêm Chánh ủy khu IX Miền Tây Nam Bộ từng là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ thời Mặt Trận Bình Dân, Chủ bút báo Cộng sản tiếng Pháp Le Peuple! Ra Bắc mất hết áo mão cân đai, đạp xe đạp chạy rong Hà Nội như con chó đói, ai mà không biết, ai mà không xót xa não lòng khi thấy một “đứa con Thành Đồng Tổ Quốc” được cưng đến mức đó?
Tại sao?
Có lẽ Thuần cũng bất ngờ khi tôi đặt ra câu hỏi. Đúng ra không phải bất ngờ. Bởi vì thằng Nam Kỳ tập kết nào dù đang ngủ mê bị đập dậy bất thình lình cũng có thể trả lời ngay một cách đúng đắn nhưng Thuần làm thinh hồi lâu không đáp. Thuần làm thinh không phải vì Thuần không đáp ngay được mà vì Thuần muốn tìm một sự trả lời khác với ý nghĩ chân thật của mình.
Thuần gãi đầu gãi tai:
- Có lẽ…Có lẽ thôi, vì thành phần ổng là địa chủ!
- Cái đách!
- Há há … há! – Thuần cười to một cách khoái trá.
Tôi để cho hắn cười đã đời rồi mới hỏi:
- Sao mày cười chớ?
- Mày đã trả lời thay cho tao rồi đó.
- Hả?
- Thì mày không đồng ý với tao tức là mày cũng đã có câu trả lời của mày rồi. Vậy mày nói cho tao biết xem!
Tôi nói ngay:
- Địa chủ thì khối ông trong Trung ương thành phần địa chủ; quan lại nữa là đằng khác. Tại sao? Khối ông trong hàng cao cấp được đề bạt, tại sao ảnh bị trù? Tại sao ảnh bị coi như con chó ghẻ?
- Mày hỏi tức là mày đã trả lời rồi! – Thuần gạt ngang – Bỏ đi mày! Lôi mấy chuyện đó ra mệt lắm. Bảo vệ sự trong sáng của đảng như bảo vệ con ngươi của mắt. Đó là nguyên tắc của Lê Nin. Ở Liên Xô bảo vệ sự trong sáng đó bằng bàn tay thô bạo của Staline, hết bàn tay của Staline rồi đến cái mồm thằng già trọc. Ở Việt Nam cũng bảo vệ sự trong sáng đó bằng thưởng cho Dương Bạch Mai chai nước ngọt tại Quốc Hội ngã lăn đùng, bằng cho Trần Văn Giàu cái con vít Đại học Tổng hợp để tự khoá miệng, bằng cho anh Bảy Trấn ôm cái bục Đại học Nhân Dân không có học trò. Đó, hỏi nữa chưa thằng mắc dịch.
- Thôi bỏ đi! Tao cũng không muốn nói tới những chuyện tâm tư đó làm gì, nhưng nằm trong rừng đâm ra nhớ vớ vẩn vậy đó. Mày vô đây được bao lâu rồi?
- Vài ngày thôi.
- Đi xe hơi à?
- Xuỵt!
- Ê, mày đi Liên Xô học cái giống đách gì?
- Triết!
- Triết gì?
- Đạo đức học!
- Là cái đéo gì?
- Lãng xẹt thôi mày ơi!
- Vậy sao phải mất một ngàn ngày cho nó?
- Mày nghĩ, tao ở cái trường Đại học Nhân Dân Thái Ấp Hoàng Cao Khải Phó vương Bắc Kỳ để làm cái gì chứ? Tối ngày đi ra đi vô ngó cái chân bàn xẹo, sửa cái bục sút ván, ra ngoài sân lượm nhãn rụng, đến hồ bán nguyệt coi lao công vứt cứt trâu cho cá tra ăn, hay là gì? Tao là Phó Giám Đốc của anh Bảy mất hai ba năm, thấy mình vô tích sự hơn bao giờ hết. Nếu không đi Liên Xô thì làm gì? – Thuần nghỉ một hơi rồi tiếp – Mày chưa vợ con, mày không biết gì hết đâu.
- Giỡn hoài mậy!
- À, không, tao nói về cái tình cảm xa vợ xa con kia, chứ không phải cái sự ấy đâu. Bọn văn sĩ Nam Kỳ tụi mình nổi tiếng như cồn ở Hà Nội về cái sự ấy, tao biết mà. Nhưng tao nói về cái tình cảm xa vợ con kia. Tao được một đồng chí Liên Xô khen là “Thần Thánh” nghe mậy.
- Về cái gì?
- Về sự xa vợ con.
- Thế à?
- Tụi nó sang mình chỉ vài tuần là đã mang vợ con theo bên cạnh rồi. Bọn Nam Kỳ ra Bắc xa vợ hai mươi năm. Con c..c chỉ làm có nửa sứ mạng là đái thôi còn một nửa sứ mạng kia quan trọng hơn thì lại không làm được.
- Vậy mày qua Liên Xô không có dịp cho nó thi hành sứ mạng đó à?
- Có thì kể ra cũng có, nhưng mình thấy hơi kỳ.
-..Hơn nữa là sinh viên môn Đạo Đức Học phải không?
- Không phải chỉ có thế. Nhiều ông to tổ bố giảng đạo đức cho toàn đảng học nhưng có coi đạo đức là cái mẻ…ơ gì. Tao là cái thá gì mà tao sợ mất đạo đức.
- Mua một cục thịt bò khoét lỗ như Tây vậy là vẹn toàn!
- Không phải vậy đâu mày ạ! Tây nó bậy bạ trong vụ đ… cũng nhiều, nhưng nó vẫn có đạo đức cổ truyền của nó. Ne fais pas à autrui ce que tu ne veux pas qu’on te fasse. Đừng làm cho người khác việc gì mày không muốn người khác làm cho mày. Thì tại sao tao viết thư về cho vợ tao bảo “ẻn” đợi chờ chung thủy nọ kia đủ thứ thì mình lại tự cho phép mình lang bang? Một trăm bài học không bằng một hành động thực tế, phải không?
- Vậy mày nắm chắc bài học dữ rồi đó. Chừng nào lấy bằng cấp?
- Ba năm nữa.
- Bằng gì?
- Phó tiến sĩ “giấy”.
- Bỏ ngang thế này thì bằng gì?
- Bằng cạo giấy.
- Thế còn bảnh hơn khối thằng! Có viết sách chưa?
- Viết một cuốn “Đạo đức Cộng Sản và Luân lý Việt Nam”.
- Mày muốn qua mặt Lưu Thiếu Kỳ cơ à?
- Cái đách! Tao đưa cho anh Bảy xem, ảnh bảo thẳng: “đem đi mà chúi đít”. Há há há! Tao tức cười quá!
- Tại sao?
- Tại vì tao đưa cho tụi bạn Liên Xô coi, nó bảo là “độc đáo”.
- Hoá ra độc đáo của nó là đồ chùi đít của mình à? Viết làm cái gì cho mệt.
- Không hẳn như vậy, nhưng cái đó là tao làm bài thi nửa khóa.
- Mày viết bằng tiếng Liên Xô à?
- Viết bằng tiếng Việt rồi đưa cho ban thông dịch của đại sứ quán ta dịch ra.
- À nè, mày có quen với ông Sáu Ú không?
- Ông đầu bếp của anh Mười Kỉnh đại sứ hay Ú nào?
- Ở toàn cõi Việt Nam có một Ú đó thôi chứ còn ông nào nữa?
- Để làm gì?
- Hồi đó tao có cô bạn đi Liên Xô nhờ vay tiền của ổng mua được cái radio và một cái quạt tai tượng.
- Quyền hạn của ổng còn to hơn anh Mười mình.
- Ổng sắp thay anh Mười à há há…
- Bậy mậy! Thằng nào muốn gì nói với ảnh đều được hết!
- Ổng sắp làm Chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng thay cho ông Thọ rồi đấy!
- Thiệt hả? Ai nói với mày?…Nếu quả thật vậy thì đây là lần đầu tiên dân Nam Kỳ tập kết được ngồi ghế cao.
- Còn gì nữa, ông ta đi đúng đường lối cổ điển của đảng mà.
- Đường lối gì?
- Bồi, Bếp! Ngày xưa Bác là bồi tàu bây giờ là Chủ tịch nước, còn ông Sáu Ú là bếp của đại sứ quán ta ở Liên Xô thì sẽ lên Chủ tịch Mặt Trận. Vậy chẳng đúng đường lối là gì? Bồi và Bếp là thành phần cơ bản mà!
- Cái thằng phạm thượng quá mậy!
- Đó là sự thực, tao có phạm thượng phạm hạ gì đâu!
- Nằm gần đây có ai không? – Thuần quét đèn pin chung quanh – Thằng nào nghe, nó báo cáo là đứt đầu.
Tôi cười:
- Những gì mình không nói được ở Hà Nội, vô đây mình xổ ra cho núi đá nó nghe mày ạ. Chẳng lẽ mày để cho cái miệng như con c…, chỉ làm được một nhiệm vụ là ăn thôi, còn nhiệm vụ kia là nói thì lại không làm được?
- Cái thằng!
- Tao không có được đi Liên Xô học “duy vật biện chứng pháp” nên tao toàn nói “dương vật biện nứng bá láp” cho sướng cái miệng, mày có nghe thì nghe, không nghe thì nhét lỗ tai lại.
- Cái thằng!
- Thằng gì? Thằng Ngốc! L’idiot phải không?
- Thôi đi mày! Tao ớn mày quá!
- Mày gặp ông “Tiếng còi trong sương đêm” còn ớn hơn nữa. “Bún-cà-ri” năm năm đấy!
- Chả quê ở đâu vậy?
- Sài Gồng! Cũng xa vợ có bằng cấp hai mươi năm như mày, nhưng chưa được ai khen là thần thánh cả. Mày nên chia nửa cái bằng cấp xa vợ của mày cho chả đem về treo cho vui cửa vui nhà.
- Thôi cha, tui không có nhận đâu! – Hoàng lên tiếng và cười há há.
- Ê, cái bánh chè đỡ chưa?- Thuần bắt chuyện sang Hoàng.
- Đỡ chớ! Nè về chi sớm vậy? Hoàng hỏi.
- Ở bên đó thì quì hai gối chống hai tay, về bên này cũng thế thôi, nhưng thực tế hơn.
- Về tới trong Nam thì còn thực tế hơn nữa! – Hoàng tiếp – Nãy giờ tớ nằm nín he nghe cậu giảng “đạo đức” cho “nhà dzăng” tớ ớn cậu quá!
- Ớn cái gì, đó là sự thật mà ta!
- Ê, cho tui xin nghe! Các em tóc vàng đâu có để cho cậu đỗ phó tiến sĩ đạo đức chậm vậy! Tui qua Bungari chỉ vài tháng đầu là “đỗ” luôn hai ba cái! Há há há!
Cả ba cùng cười. Tôi thò đầu qua võng Thuần:
- Nè, tốp đi! Có cô em gần kia kìa!!
Thuần ngồi dậy:
- Thôi, để mình về coi ổng có gọi gì không.
- Khoan đã. Tôi níu Thuần lại – Để tao hỏi câu cuối cùng.
- Gì?
- Mày biết tụi tao đi còn mấy tháng nữa không?
- Bố tao cũng không biết.
- Cho tụi tao đeo vè được không?
- Thì tao đã mách kế hồi nãy rồi đó! Cứ thế mà làm! Tao “nội ứng” cho!
Nói vậy rồi Thuần nhảy xuống đất cuốn võng quảy lên vài rồi mằn mằn túi quần móc ra một vật gì đưa cho tôi.
- Biếu mầy bửu bối phòng thân.
- Gì vậy?
Thuần rọi đèn rồi tắt ngay:
- Một rúp chín mươi tám kô-péc đó nghe mày!
- Mắc dữ vậy!
- Đồ của đế quốc mà!
- Liên Xô không sản xuất được à?
- Được nhưng không bảo đảm bằng của đế quốc. Với lại của đế quốc cải tiến hơn, mày mở ra xài rồi biết! Hơn nhau chỉ chút xíu thôi!
- Sao mày đem thứ này vô đây làm gì?
- Lúc nào tao cũng có một hộp ba cái cất kỹ trong bóp, đề phòng xáp chiến thì có ngay.
- Mày có đem ba “cái đế quốc” này vào luận án phó tiến sĩ của mày không?
- Chưa…
- Nhưng …
- Nhưn nhị gì – Thuần rỉ tai tôi – Tao thấy mày có chất tươi đi bên cạnh, tao biết mày là thằng bén nhạy và sáng tác ác lắm nên tao mới tặng mày để khỏi bị “tai nạn” dọc đường. Các em ở bển kỹ lắm. Không có…, các “ẻm” không cho đâu.
- Tao hết xí quách rồi. Mã tấu mài hoài không bén được.
- Ậy! Cũng có khi! Mày không nhớ đồng chí Trường Chinh nói vấn đề Miền Nam ở hội nghị Văn Nghệ Thái Hà Ấp à? “Chưa mưa nhưng ta vẫn phải mang dù theo. Chừng có mưa ta đã sẵn áo mưa” vậy đó, hiểu chưa nhà “răng”?
Thuần đấm vai tôi một cái rõ đau rồi đi.
Hoàng cười toé ra giữa bóng tối như một trái phá con:
- Đúng là một phó tiến sĩ đạo đức tương lai.
Tôi và Hoàng tán gẫu một hồi thật khoái khẩu.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng