The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hằng Núi lên cơn sốt ác quá anh ạ! – Họa sĩ Ngữ nói ngay khi tôi vừa về tới.
- Gì mà ác! – Tôi gắt rồi đi trả súng. Xong, đến thẳng lều Núi.
Tôi chịu trách nhiệm đám bệnh, không ai cử, nhưng tự nhiên cả ba bốn đứa đều coi như trưởng đoàn. Có chuyện gì cũng gọi tôi, muốn làm gì cũng hỏi tôi. Tôi sờ đầu Núi và giật tay ra ngay. Nó nóng thật, nóng hơn cơn sốt thường.
- Mẹ kiếp! Làm thế nào?
- Em cũng chẳng biết làm thế nào! – Ngữ nản chí đáp
Tôi sực nhớ ra: Có bác sĩ Năm Cà Dom. Anh ta tháp tùng với chúng tôi đi mấy trạm liền. Y rất có lương tâm. Làm gì được để giúp bệnh nhân anh ta cũng làm với lương tâm nghề nghiệp, nhưng bỗng nhiên anh ta biến đi đâu hồi nào tôi không rõ, vì anh ta chỉ là đồng hành tạm bợ với chúng tôi thôi.
- Thế này thì mai không thể lên đường, ngoại trừ có phép tiên.
Nguyên tắc bất thành văn trên đường này là ai bệnh cứ nằm lại. Nặng hay nhẹ cũng vậy. Và “tự trị” lấy mà bò lê theo sau. Không trị được thì chết chịu. Và xin nhớ rằng sau khi chết rồi hãy khôn hồn dẫn xác mình đi “tự táng” lấy. Nếu nằm chình ình ra đó thì có hai cách được giao liên đối xử. Một là giao liên dắt khách bỏ đi xa để khỏi bị mùi hôi thối lây tới, hai là giao liên, với sự hợp tác bất đắc dĩ của bệnh-nhân-khách khiêng đi ném một nơi nào đó mà họ có thể đủ sức khỏe mang tới.
Tuy đã có cái nguyên tắc đó rồi, nhưng những thằng mạnh còn lại trong “đoàn bệnh” chúng tôi không nỡ. Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy mà. Tôi dã bị bỏ ít nhất hai lần rồi, tôi từng biết cái cảnh “dứt cơn sốt ngóc đầu dậy chẳng có ai” ngoài mấy cục đá và những cái cây vô tri.
- Hay là vì nó uống quá liều kí-nín?
- Nó uống có ba viên!
- Xanh hay vàng?
- Không rõ!
- Tẩm khăn ướt đắp trán nó thử coi nhiệt độ có xuống không. Nóng thế này thì ít nhất cũng trên 40 độ. Ừ con Thu có nhiệt kế. Cậu bảo nó đưa đây.
Ngữ chạy đi và trở lại. Tôi chộp lấy cái ống thủy tinh vạch áo chọc vào nách Núi.
Núi nhắm nghiền đôi mắt, hai má đỏ rực lên như lửa than.
Hoàng Việt coi như bậc lão thành của đoàn nên được miễn cho mọi việc nhưng cũng đến góp ý kiến. Tôi rút nhiệt kế ra đọc. Bốn mươi hai độ. Hoàng Việt nói:
- Nó sắp mê sảng rồi!
- Sắp gì nữa, bốn mươi hai là điên rồi!
- Bệnh gì ác vậy?
- Nếu không ác tính thì có một bộ phận nào trong nó bị viêm nặng.
- Ruột thừa?
- Không biết. Để tôi ấn thử coi… Đau không Núi?
(Núi lặng thinh) Tôi ấn vào hoành cách mạc… Đau không Núi? (Núi vẫn lặng thinh) Hay là sưng màng óc. Bố tôi cũng không biết được? Chán quá!! Phải có được một bà lang băm ở đây cũng đỡ!
- Nấu cơm ăn đã! Hoàng Việt bảo.
Cơm xong tôi lại sờ Núi. Nó trở thành cục than rồi. Và vẻ mặt đờ ra. Hỏi không đáp, ngắt không đau, giật tóc mai cũng trơ trơ. Bệnh gì mau vậy? ác tính. Sốt ác tính. Fièvre galopante. Đảng chẳng có “đả thông” cho cái chứng bịnh rất phổ biến này. Đảng chỉ nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng Miền Nam lúc chúng tôi sắp lên đường thôi. Có lẽ vì thế đảng quên cho chúng tôi thuốc mang theo. Mà phần chắc là đảng không biết có cái chứng bịnh ác nghiệt đó trên đường này. Đáng lẽ người ta phải báo cáo rõ ràng nhưng người ta lại bịt đi để cho trung ương ngồi ở Chủ tịch phủ cứ tưởng con đường này vui vẻ vinh quang cực điểm mà ai vào đây cũng thấy mình trở thành anh hùng giải phóng cả. Đây là một thứ cải cách ruộng đất dưới một hình thức khác mà con số tổn thất cũng không thể ước tính nổi.
Chẳng có cách gì để cứu bạn thì đành nhìn bạn rơi vào đêm đen.
Tôi và Hoàng Việt mắc võng gần nhau, luôn mồm trò chuyện. Hết chuyện bên Tây đến chuyện bên ta. Nói mãi mấy trăm cây số đường đèo mà vẫn chưa vơi.
Cái đám quơ được thịt nai nấu nướng như đám giỗ. Ai bắt được nấy ăn. ăn không hết thì giấu trong ba lô mai ăn tiếp. Không ai cho ai món gì. Không ai giúp ai điều gì. Đó lại cũng là nguyên tắc bất thành văn trên đường này. Con người đã tự hạ mình đến mức thấp nhất, kỳ cục nhất, bi thảm nhất.
Hoàng Việt lên võng buông màn thò đầu ra hút thuốc lá. Trời đã hoàng hôn. Ruột lỏng bỏng với mấy hạt cháo loãng. Nhưng lúc nào anh ta cũng rất lạc quan.
- Nè sao mày không xin đi Bác Kế cho có cặp?
- Xin mẹ gì thế mà xin?
- Người ta có thể chiếu cố mày chớ. Vì đây là một tên Nam kỳ tình nguyện đi Bác Kế. Thường tình, chỉ có dân đi Bác Kế xin vô ông Cụ thôi.
- Bộ anh tưởng tôi coi quê hương tôi là đồ bỏ hả. Tôi về chuyến này là vì tôi nhớ nhà quá sá…
- Chứ không phải để giải phóng Miền Nam à?
- Còn anh thì chắc để giải phóng Miền Nam?
- Hì hì…!
- Anh ở luôn bên Bungari vài chục năm nữa thì giải phóng xong Miền Nam sẽ về có phải khoái tỉ hơn không?
Hoàng Việt bật cười to.
- Gì vậy cha nội? – Tôi hỏi.
- Tao nhớ cái chuyện ngoáy trầu.
- Ở đâu, hồi nào, ai ngoáy, trầu gì, trầu xanh hay trầu xà lẹt…? Tôi tuôn một hơi.
- Mày không ở trong Sư đoàn 330 của già Cống à?
- Có nhưng chỉ năm đầu thôi. Tôi ở Phòng Chính trị có đi lên đi xuống đó chứ không phải là lính của giả.
- Vậy không có xem vở kịch của lính diễn vào dịp Tết đầu tiên trên đất Bắc, mình đón ông già Rô à?
- Ông già Rô nào?
- Cái thằng. Viết văn gì dốt quá vậy. Rồi Hoàng Việt kể luôn – Hồi đó tao còn ở đoàn Văn công Trung ương. Đoàn được lệnh vô Thanh Hóa làm một buổi biểu diễn to để đón Bác vô thăm các cháu “anh rũng” Thành Chì Tổ Quốc. Trời mưa phùn Tết rất nên thơ. Lính ta không được người anh em Trung Quốc tặng áo đi mưa nên dầm mình đi đón Bác. Một số đơn vị ở bên kia sông Mã phải bơi qua sông cho kịp giờ khai mạc. Thấy cảnh đó mới biết dân Nam Bộ mê tín một cách ngu muội bác Hồ. Cái đéo gì mà ghê gớm thế. Nghe đâu có hai ba chục thằng sưng phổi, và năm thằng đi theo ông theo bà vì chuyến đón tiếp đó! Dân Nam kỳ ưa nóng chứ không chịu lạnh mà!
- Sao kỳ thế hả?
- Có gì là kỳ đâu. Mình ở trong Nam tin tưởng tuyệt đối ở Cụ Hồ nhưng khi ra đây mình học chủ nghĩa Mác khá hơn ở trong đó nên mình đi theo qui luật của duy vật biện chứng pháp. Không có gì tuyệt đối cả. Mọi việc đều tương đối tương… tàu tương.:. ta.
- Rồi buổi đón tiếp ra sao?
- Mưa phùn được biết thêm da thịt một giống dân mới vừa ngu muội vừa thông minh.
- Ê cha! Nói cái gì vậy?
- Mày biết tao nói gì chớ! Mày còn nhớ năm 46 có cái chánh phủ Nam kỳ Tự trị hay không? Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng đó mà! Tao bây giờ mới hiểu tại sao có chánh phủ đó và tại sao dân Nam kỳ lại không lưu giữ được nó? Để tất cả dân tập kết mình phải lệ thuộc vào Bắc kỳ như thế này.
Tôi giật mình quát:
- Ông nội trở chứng cái kiểu gì vậy hả?
- Mày thề với tao đi!
- Thề cái gì?
- Thề rằng mày không có những ý nghĩ Nam kỳ Tự trị như tao. Dám thề không?
Tôi lặng thinh. Hoàng Việt hiểu người qua chính mình. Không có tên Nam kỳ nào còn giữ lòng thần phục Bắc phương sau một năm sống ở Miền Bắc của Bác Hồ nữa. Không một thằng dân Nam Bộ nào còn thấy vinh quang của Thành Đồng Tổ Quốc. Không thằng dân Nam Bộ nào đi trên con đường này với quyết tâm giải phóng Miền Nam. Họ càn rừng lội suối là để về hôn mảnh đất nhau rốn của họ đó thôi.
Tôi lọng cọng không biết phải trả lời sao thì Hoàng đã tiếp:
- Mày là nhà văn hẳn mày phải có nhiều suy nghĩ hơn tao chứ. Mày suy nghĩ gì nào? Qua buổi đón tiếp của bọn lính thất thổ Nam kỳ, tao thấy cụ Hồ chỉ lợi dụng lòng tin mù quáng của họ để làm nên vương tướng thôi. Khi đạt mục đích rồi bèn quay lưng lại ngay. Cụ thể là buổi đó, bọn lính Nam kỳ đón tiếp Phó Thủ tướng Phan Kế Toại. Tội nghiệp ông đại thần triều Bảo Đại vừa được lãnh “cái ấn ốc bưu” cửa cụ Hồ ban, lại phải vào thăm bọn “sớm đầu tối đánh” chúng mình. Lính Sư đoàn 330 đã không tặng cho lão một tiếng vỗ tay. Nhưng lão phải bấm bụng đọc diễn văn của người ta soạn sẵn và ngồi lại xem buổi diễn kịch chào mừng ngài Phó… Mày biết chúng nó diễn vớ kịch gì không?
- Vở gì?
- Tao không nhớ tên nhưng muôn đời không quên nội dung -Hoàng tiếp- Màn một đôi vợ chồng trẻ tiễn chân nhau. Chồng đi tập kết, vợ ở lại. Chồng xuống tàu giơ hai ngón tay lên. Vợ đứng trên bờ cũng giơ hai ngón tay đáp lại. Màn hai. Cũng bến tập kết, vợ đón chồng về. Một ông già cúp bình thiếc chống gậy từ dưới tàu đi lên. Ở trên bờ một bà già chỏi gậy đi xuống! Hai bên nhìn nhau hồi lâu mới nhận ra nhau. Ông già và bà già đó chính là cặp vợ chồng trẻ năm xưa. Bà già móc trong lưng ra một cái ống ngoáy trầu tặng cho đức lang quân.
- Bộ Ban Chính trị Sư đoàn không có duyệt vở kịch sao?
- Kịch cương mà! Ai bụm họng tụi nó được. Vả lại màn một coi bộ song toàn quá. Ai đâu có ngờ màn hai lại rất kịch tính như thế đó.
- Đúng là kịch tính!
Hoàng tiếp:
- Từ đó chẳng thằng nào còn mơ gặp Bác Hồ nữa!
- Còn anh?
- Mày kiếm hết trong nhạc phẩm của tao thử xem có hai tiếng “Bác Hồ” không? Tao toàn ca ngợi cuộc kháng chiến thôi. Ra Bắc tao tịt mẹ nó luôn!
- Anh vẫn sáng tác mạnh chứ.
Khi cất lên tiếng ca gởi về người yêu phương
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Đó là bài hát của ai? Hà hà… Vậy mà bảo tịt…!
- Của tao, nhưng mặc dù thanh niên hát như điên, người ta bảo đó là “tiếng nấc tiểu tư sản” khi làm xong tao đã đem lại cho mày ở ga-ra đường Lý Thường Kiệt nhờ mày gọt lại dùm lời. Và mượn cái áo pa-li-tô câu tôm của mày bận đi ăn tiệc.
- Tôi chỉ chữa có một chữ,
- Ờ, đúng một chữ “đau khổ.” Chữ đó trong bài Tình Ca tao là của mày. Nhưng mày có đau khổ thật không?
- Ai biết… Hề hề… Tôi chỉ đi theo nốt nhạc của anh!
- Tao sang Bungari học nhạc nhưng học cả chính trị nữa mày ạ!
- Ủa sao về nước anh không vô Học viện Mác Lê?
- Học lóm, học lén mà vô cái gì?
- Những gì?
- Nói thì dài, cả tháng chưa chắc hết. Nhưng tóm tắt là thế này. Staline là tên đồ tể.
- Cái gì cha nội?
- Dân Đông Âu nói thế mà. Chúng nó đăng cả báo nữa chứ đâu có nói lén lút thậm thụt như bọn mình. Vụ Im-rê-Nát-gi mình coi là phiến loạn nhưng sự thực, dân Hung coi đó là cách mạng dân tộc anh hùng đánh đuổi Hồng quân ra khỏi nước họ mà. Nát-gi bi xử bắn, không được chôn cất đàng hoàng nhưng mồ anh hoa nở suốt từ đó đến nay. (Tình cờ khi tôi viết đến đây, tôi nghỉ để đọc báo hằng ngày thì lại thấy tin Janos Kadar bí thư Cộng sản Hung chết. Với lời bình luận: Dân Hungari tự do chúng tôi đã chôn chế độ hắn khi hắn hãy còn sống. Những lãnh tụ tự do đã cải táng Imre Nagy với tất cả danh dự và chỉ vài tiếng đồng hồ sau cái chết của Kadar, tòa án tối cao đã xóa bỏ các tội mà Nagy đã bị buộc và đã bị xử bắn năm 1956). Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư nữa, đâu có coi Staline là người thầy vĩ đại của cách mạng thế giới như bọn mình đâu. Chỉ có bác Hồ mình là xoi lỗ trên đầu Trần Hưng Đạo để cặm nhang thờ Mác Lê-nín và Staline thôi. Bên đó người ta vẫn nặn tượng anh hùng dân tộc đặt ở các công viên. Mình đã làm chuyện bịt mắt bịt tai dân quá kỹ mày ạ… Già Khơ đâu có ủng hộ con đường mòn này. Giả còn gạ cho hai ông Thượng tá của mình sang đó học thành lập đảng Cộng sản việt Nam do giả đỡ đầu nữa kia mà! Ối ồi ôi… Bết nhem hết cả mày ơi. Tao học bốn năm nhạc và kết quả lớn nhất là tai tao đã thay hoàn toàn màng nhỉ mới. Những gì trước kia tao nghe ở Việt Nam, qua cái màng nhì mới này đều biến thượng biến hạ hết chứ chẳng còn nguyên âm nữa.
Hoàng nhạc sĩ nói hăng say. Dường như sự tích lũy bao nhiêu năm bị dồn ép trong người không có dịp xì ra, nay giữa hoang dại anh ta tha hồ xổ tưới mà không sợ ai báo cáo lên cấp trên.
Tôi hơi ớn nên nhắc nhở:
- Nè bố thằng Tương Phùng ơi! Coi chừng nhé. Anh có nhớ câu chuyện một ông Nam kỳ nhà mình vừa đi qua ngọn sông Bến Hải đã lột nón quay lại xá lia và nói: “Con xin vái cả mũ các cụ luôn, con xin về nước tới chết con không trở lại không”? Sau đó vài hôm có công an “mời” anh ta trở ra Bắc.
- Đầu cặc! Làm đéo gì có chuyện đó. Thằng Bắc kỳ đủn được dân Nam kỳ mình vô lò sát sanh này mừng thấy mẹ. Vì té nhà ra cho chúng nó ở, thêm gạo ra cho chúng nó ăn lại còn thừa ghế cho chúng nó ngồi, việc gì chúng nó phải bắt anh ta trở ra? Như tụi mình đây mà ở lại thì càng “hại” cho các em miền Bắc chứ làm gì. Để tao về gặp chị Bảy mày có phải tốt hơn không? Hề hề ….về năm trước năm sau là cậu bé Lê Tương Phùng oe oe chào đời nghe.
Anh lúc nào cũng tâm ngẩm cái điều đó. Cái tên Tương phùng đó anh đã đinh từ lúc ở làng Ho, trạm 1.
Tuy nói mạnh miệng vậy, nhưng khi bị tôi tốp, anh cũng bớt hăng nên nói khẽ hơn. Bỗng nghe tiếng Núi, Hoàng ngưng chuyện. Tôi lắng tai.
Núi nói:
- Con cá này sao lại không có đuôi mà con rồng những hai đuôi. Bà thủy mặt đỏ còn bà hỏa phải mặt xanh mới hợp âm dương khí tiết…
- Ê, Núi khá chưa?
- Cái con cóc của Pi-cát-xô mọc đuôi ở giữa rốn còn đầu lại ở dưới chân. Cái lão Văng-gốc thì xẻo lỗ mũi tặng người yêu. Để tao xẻo dùm cho có được không?
Hoàng đập võng phành phạch hét:
- Núi! Mày nói nhảm giống gì thế hả?
- Hố hố hố! ông hàng thịt chó chợ cửa Nam vừa qua đời để lại bao nhiêu là thương tiếc cho khán giả ở trần gian. Anh đi hai mươi mốt năm đúng thì sẽ về làm đám cưới em nhé.. Anh vô xứ rừng vàng bạc biển vẽ một tấm áp phích chống Mỹ chống Liên Xô Trung Quốc treo trên đồi một ngàn lẻ một sụm bà chè.
Tôi nói với Hoàng:
- Nguy rồi anh Bảy ơi. -Rồi gọi- Ngữ, Ngữ ơi!
- Anh vẫn còn thức đấy à? -Ngữ hỏi lại tôi- Nó lên cơn nặng quá rồi anh ạ. Em sợ nó bị sốt ác tính…
- Nói gở! – Tôi quát – Nó sốt thế rồi xuống nhiệt độ chứ ác tính gì. Một ngàn đứa sốt mới có được một cơn ác tính thôi.
Đêm tối mịt mù. Làm gì ai có đèn mà thắp lên. Mà thắp để làm gì kia chớ. Con ma sốt đâu thèm sợ ánh lửa. Nó sợ kí-nin và âu-rề-ô-my-xin cơ! Nhưng bây giờ kí-nin đã lờn mặt nó rồi. Còn âu-rề-ô thì họa chăng trời ném xuống cho một ống chứ ai có nổi. Chỉ thứ thuốc này mới có thể hạ nhiệt độ xuống thôi. Mà dù có, thì làm sao tiêm? Đâu có ai mang ống chích theo. Tôi có chừng chục ống kí-nin 0,40 trong ba lô do một thằng bạn dược sĩ cố cựu hồi ở Cần Thơ tặng cho lúc tồi sắp rời Hà Nội. Đi dọc đường làm vỡ mất sáu ống. Mấy ống còn lại tôi bỏ trong tất cả áo quần cuộn lại để chống “vỡ.”
Những lần sốt vừa rồi tôi định nhờ ông bác sĩ Cà Dom tiêm dùm nhưng thấy kí-nin viên còn đắc địa nên lại thôi. Vì ông Cà Dom ông bảo rằng nếu dùng liều nặng thì sau này liều nhẹ không tác dụng nữa, cho nên tôi không dám tiêm. Còn có mấy ống chả đi đến đâu.
- Anh Bảy ạ!
- Gì?
- Tôi có thuốc. Nhưng làm sao tiêm cho thằng Núi?
- Thuốc gì?
- Quinine 0,40.
- Không biết trong đám khách có ai có ống chích không. Tao có mà không mang đi. Vì tao nghĩ là trong này có bệnh viện. Trời đất!
Thăng Núi cứ lảm nhảm. Chốc chốc lại im. Chốc chốc lại nói. Bọn tôi chẳng nhắm mắt được, chỉ nằm chờ sáng.
- Kỳ cục thật – Hoàng chắc lưỡi kêu – Mổ ruột thừa bằng lưỡi cạo râu còn có thuốc thì lại không kim ống. Chỉ có bọn mình mới biết nổi sự kỳ cục đó thôi.
Hoàng lấy đèn pin xẹt qua lều Núi và quát:
- Núi, Núi! Mày nói gì tùm lum vậy?
- A a a… Núi ngóc đầu lên rồi lại hụp xuống – E e e…
Im đi, sáng tao đưa cho mày coi hình con gái Bung-ca-ri.
- Em không có thích con gái mũi nhọn như mũi hia đâu ha ha…
- Vậy mày thích con gái mũi gì?
- Em thích con gái mũi dẹp như đít ghe bầu há há… á!!
Hoàng tắt đèn và quay sang tôi:
- Nó đang mê sảng nhưng còn một nửa tâm trí…
- Sao anh biết?
- Nó nói câu trật câu trúng và còn hiểu câu hỏi để trả lời.
Tôi muốn chứng minh cho sự ức đoán của Hoàng.
- Núi! Núi!
Núi lại ngóc đầu lên trong ánh đèn của Hoàng vừa vụt sang.
- Mày có khát nước không?
- Có khát!
- Có muốn uống không?
- Em đi mậu dịch giải khát bờ hồ Thủy Tạ kem Bốn Mùa và uống luôn một chậu nước mía còn thừa bỏ túi đem về trường.
- Trường nào?
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Tô Ngọc Vân em leo hoài chưa tới.
Hoàng tắt đèn, thở dài, cái tiếng thở dài to đến mức tôi nghe rõ mồn một trong đêm vắng lặng như một làn khói xám phù thủy phun qua suốt màn đen của núi rừng.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng