This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Jo Kyung Ran
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1875 / 41
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi liếc ra, thấy Mun Jun đang đi lên cầu thang, mình khoác chiếc áo màu xanh lá mạ. Một tháng rồi chúng tôi mới lại gặp nhau, kể từ hôm cô ghé qua nhà nấu cháo cho tôi. Thật mừng vì là Mun Ju chứ không phải ai khác. Từ khi tôi quay về Nove, những người quen biết cứ thình lình xuất hiện, chọn món, xong bữa thì gọi tôi đến bên bàn và rót cho một ly vang. Bếp Won rõ ràng nổi tiếng hơn tôi tưởng. Né tránh những ánh mắt thương hại như muốn hỏi, cô thế nào? Hẳn là khó khăn lắm nhỉ, tôi cẩn thận uống hết cốc vang và mang đồ tráng miệng ra, một món kem gạo đen hoặc kem chanh đá bào. Khi một đầu bếp trực tiếp dọn món tráng miệng, mà lại dọn thứ người ta không gọi, thì chỉ có hai ý nghĩa. Món này ngon lắm, mời bạn nếm thử để thán phục công trình của tôi, hoặc Xin biến đi cho. Dạo gần đây khi mang ra món tráng miệng – mà từ nguyên của nó là “thu dọn bàn”, thì điều tôi muốn nhắn gửi chính là: Đừng xát muối vào vết thương của người ta.
Mun Ju nghiên cứu thực đơn như đọc một quyển sách, rồi gọi món xúp hành và cơm bào ngư Ý với cái giọng ám chỉ, Mình đang chán ăn, nhưng chắc vẫn phải chọn món gì đó, đúng không? xong đẩy thực đơn ra. Tôi vẫn không nhìn vào mắt cô.
– Đã hơn chín rưỡi. Bếp nghỉ rồi.
– Ô, tốt. Bây giờ gặp cậu, mình không còn muốn ăn gì hết.
– Tại sao không?
– Cái gì đây? Trông cậu như quân chết đói vậy.
Tôi nhoẻn một nụ cười. Dù có sút cân, tôi cũng không thể nào giống quân chết đói được. Tôi quay vào bếp, chuyển gọi món của cô cho Choi, phụ bếp trẻ nhất, và mang ra một giỏ bánh mì bơ tỏi nướng từ lúc sáng ngày. Mun Ju thích ăn nhiểu bánh mì hơn khẩu phần thông thường, và thích đồ uống không cồn kiểu trà, cà phê hoặc ca cao nhão. Ngay hồi ở Bếp Won, cũng chỉ cuối tuần cô mới đến, khi tôi có tiết Bánh mì và Nấu nướng. Một giỏ đầy ắp bánh mì nóng là giải pháp hữu hiệu nhất cho cơn đói, sự thất ý, hoặc nỗi lo.
Vẫn tránh nhìn nhau, Mun Ju và tôi ấn cùi bánh bằng những đầu ngón tay hoặc dùng lòng bàn tay phủi vụn bánh rơi vãi trước đĩa của mình. Giá như tôi có thể nói mọi chuyện đều đã thành quá khứ. Tôi muốn bảo cô đừng tự trách thân vì những chuyện xảy ra với tôi. Đó không phải là lỗi của cô.
Chúng tôi gặp nhau nhân dịp một tờ tạp chí định đến nhà hàng chụp hình. Đó là một tạp chí ẩm thực, có cột dành riêng cho các nhà hàng Pháp, Ý, Hàn hàng đầu lần lượt giới thiệu những công thức có sử dụng nguyên liệu của tháng. Nguyên liệu trong tháng ấy là rau bina. Ở Nove, món nổi tiếng nhất là ức vịt nướng rắc rễ bina non của Bếp trưởng. Tôi đang tách vỏ sò cho giờ ăn tối thì anh đột ngột ló vào và nói, Sao em không thử một lần nhỉ? rồi biến mất. Lúc ấy chỉ còn một tiếng nữa là phải chụp hình. Mặc dù chỉ để trưng bày chứ không phải để khách quý nào thưởng thức, tôi vẫn không khỏi bối rối. Có thể Bếp trưởng muốn thử tôi – người đã được anh truyền thụ cho mọi điều, kể từ cách cầm dao. Đây cũng là cơ hội để tôi thể hiện rằng mình không chỉ nắm được công thức, mà còn nắm được cả khẩu vị của thầy mình. Miệng tôi gần như bùng cháy vì ham muốn làm được món ức vịt nướng rắc rễ bina non đủ sức chinh phục Bếp trưởng, một tác phẩm không chỉ đơn thuần là ăn ảnh mà còn khiến những người trông thấy phải chảy nước miếng. Tôi bắt đầu rửa tay, có ngừng chốc lát để thảy một miếng sò ướt, trơn nhuội, vừa lột vỏ vào miệng.
Rau bina, với màu sắc tươi tắn và mùi hương dìu dịu, rất hài hòa trong các món rau, nhưng lại thường được dùng kèm các món thịt bởi vẻ sinh động của nó. Tôi mới chỉ biết có hai người tận dụng rau bina mà không bỏ sót phần nào, kể cả rễ, đó là Bà và Bếp trưởng. Khi tôi luộc sơ rau bina trong nước muối, vắt bớt nước, cho vào chảo cùng bơ đã hun chảy, đảo qua ở nhiệt độ thấp, xong nêm muối, tiêu, nho khô, và bày ra đĩa, Bà sẽ nói, Con vừa làm một món quá ư cầu kỳ, nhưng lại ăn một cách hạnh phúc. Tuy vậy rau bina vẫn ngon nhất nếu làm theo cách của Bà, luộc sơ với nước muối, cho tỏi, muối và dầu vừng vào rồi trộn bằng tay. Bếp trưởng thì chỉ tước bỏ những lá già bên ngoài và phần rễ nào thô, không dùng dao thái mà thả nguyên vào nồi hầm trên ngọn lửa riu riu. Anh chỉ nêm một nhúm muối biển to hạt, như thế lá sẽ tươi và rễ thì hăng hắc, rất hợp vị với ức vịt nướng đã tẩm nước ép rau bina. Bây giờ, lưu luyến nơi miệng người ăn không phải là hương vị của miếng thịt ngồn ngộn kia nữa, mà là tính thanh thuần của rễ bina non. Nhưng nếu đã quen ăn ngọt lừ, thì khó mà thích được vị ngọt dịu của rau bina.
Như bê một chiếc hũ quý, tôi cẩn thận bưng ra cái đĩa bầu dục lớn màu trắng, bên trên bày món ức vịt nướng rắc rễ bina, đặt nó lên bàn của nhiếp ảnh gia và phóng viên. Phóng viên để kiểu tóc ngắn ôm và mái bằng, tai đeo khuyên vàng rất to. Trong tất cả các bàn bên cửa sổ, đây là chỗ hứng được ánh sáng tự nhiên tốt nhất. Không cần phải hỗ trợ bằng đèn, miếng thịt vịt nâu và rau bina xanh non trông vẫn rất rực rỡ.
Tôi đợi đằng sau nhà hàng, tựa mình vào khung cầu thang kim loại, quay mặt về phía lối đi. Phóng viên và nhiếp ảnh gia đẩy cửa kính bước ra cầu thang sớm hơn tôi tưởng. Tôi đi vào, bàng hoàng. Chiếc đĩa trắng nằm nguyên trên bàn bên cửa sổ như một bức tranh tĩnh vật, chứa ai động vào. Tôi lao ra khỏi cửa và chạy xuống cầu thang.
– Đợi đã! – Tôi chạy hộc tốc về phía chiếc xe bấy giờ vẫn chưa rời khỏi bãi, đập lòng bàn tay lên cửa xe. Nhiếp ảnh gia đang xếp đồ nghể vào hộp, ló đẩu ra xem cổ chuyện gì.
– Này!
Phóng viên hạ kính cửa sổ bên ghế phụ lái xuống. Cô nhìn lên tôi, ánh mắt thắc mắc.
– Bạn không thể chỉ chụp ảnh rồi đi như thế!
– Gì cơ?
– Làm sao bạn viết được bài trong khi không hề nếm món ăn? – Tôi phản đối, bộ dạng như muốn giật tung cửa để lôi cô ta ra.
Phóng viên miễn cưỡng bước xuống, hỏi tôi với giọng sắc lạnh:
– Bạn bắt tôi phải ăn? Ngay bây giờ?
Tôi không trả lời. Tôi không định hành động thế này. Nhưng nếu tôi nấu món gì đó mà không ai ngó ngàng, tôi sẽ có cảm giác bị coi thường. Nhưng tôi mới chỉ gặp cô phóng viên này hôm nay. Tôi quay đi, thất vọng gục đầu.
– Ồ đợi đã, xem ra bạn nói nghiêm túc thật hả? Phóng viên túm tay tôi lại và nhìn vào mắt tôi, bất ngờ cười phá lên.
Đó là Yeo Mun Ju, người bạn ngồi đối diện tôi lúc này. Nấu nướng và Rượu vang là tên tờ tạp chí cô đang công tác, cũng là tờ tạp chí đầu tiên chạy một bài đặc biệt vể món ăn của tôi. Sau đấy, chính Mun Ju là người gợi ý tôi mở trường dạy nấu ăn.
– Nộp bản thảo chưa? – Tôi hỏi.
– Chưa đâu, phải đến mai.
– Chắc cậu mệt lắm. Ăn đi, ăn đi.
Mun Ju miễn cưỡng chấm một miếng bánh vào bơ rồi đưa lên miệng. Tôi đã quên đang là thời điểm bận rộn nhất trong tháng của cô. Từ tòa soạn sang đây chỉ mất năm phút đi bộ. Sau buổi chụp hình đầu tiên đó, hễ nộp bài xong, Mun Ju lại dẫn các đồng nghiệp đến, bất chấp nhà bếp đóng cửa hay chưa, bảo tôi làm một ít mì ống hoặc mì trộn lạnh. Tôi vui sướng phục vụ họ và mở rượu vang. Đó là trước thời điểm chúng tôi trở nên thân thiết, khi bầu không khí giữa hai bên còn nhiểu tò mò và gượng gạo, khi chúng tôi chưa bước sang tuổi ba mươi.
Tôi cảm thấy Mun Ju đang nhìn vào trán mình.
– Mình đã nói là cậu phải nghỉ ngơi đến khi xuân sang rồi hẵng làm việc trở lại cơ mà. Trông cậu phờ phạc quá.
Lúc nghe tôi thông báo sẽ quay vể Nove làm việc, Mun Ju không vui vẻ gì. Cô muốn chúng tôi cùng đi du lịch, đến nơi nào rất gần cũng được, nhưng tôi không muốn. Tôi không muốn đi đâu hết, bây giờ nhà bếp là nơi khiến tôi an tâm và thảnh thơi nhất. Thứ tôi đang cần không phải là nghỉ ngơi, mà là lao động.
– Ngày xửa ngày xưa, cứ sáng tinh mơ là các giống rau trồng, ví như củ cải và cà rốt, lại tự kéo mình lên khỏi đất, đến đứng dàn hàng trước cửa nhà của người nông dân, để ông ta chọn lấy những loại ưa thích. Nhưng một hôm, người nông dân quá chén đến nỗi không dậy được, bèn xua đám rau vể, bảo ngày mai hẵng quay lại. Tình hình ấy cứ tiếp diễn mãi, cuối cùng đám rau phát giận tuyên bố với người nông dân rằng, Bây giờ chúng tôi sẽ đâm rễ xuống đất. Nếu ông cần thứ gì đó, hãy tự ra mà nhổ lên.
– Nghe chẳng buồn cười tí nào.
– Người ta bảo rằng đó là khởi sinh của lao động.
– Thế hẳn cậu phải biết khởi sinh của nghỉ ngơi chứ hả? – Mun Ju đốp chắt, không buồn hưởng ứng câu chuyện của tôi.
– Mình cần làm việc ngay, để mùa nào sẽ xong đúng việc mùa nấy – Tôi đan các ngón tay vào nhau và giơ chứng lên cao quá đầu, như thể định trèo núi mùa xuân để nhổ tỏi tầm dại, đinh lăng gai và cúc tây thật.
– Dẹp đi. Ý mình là, lúc này thì cậu có tâm trí nào mà làm việc? Cũng may hai người còn chưa cưới nhau. Cũng may anh ta có lương tâm, để lại cho cậu căn nhà không hề dây dưa.
Không phải là không dây dưa. Đúng như Mun Ju nói, chúng tôi chưa cưới nhau. Nhưng có thứ gì đó khiến tôi vẫn không buông tay được, một thứ không phải là ngôi nhà hay tài khoản ngân hàng.
– Mun Ju.
– Ừ
– Mình ổn.
– Được thôi.
– Thật đấy.
– Được. Cậu ổn.
Tôi bỗng nhiên thèm ăn, dù đã qua mười một giờ đêm. Tôi muốn lấy một miếng bít tết dày, thái ra từng lắt mỏng, không thêm gì hết, chỉ cho muối và tiêu.
Có một hôm, mọi người đã về hết, chỉ còn hai chúng tôi ngồi trong bóng tối của nhà hàng. Cũng nên về thôi, tôi nghĩ vậy và đứng lên. Đúng lúc đó, Mun Ju như sực nhớ ra điều gì, bèn hỏi:
Vì sao cậu lại làm đầu bếp?
Lưỡi Lưỡi - Jo Kyung Ran Lưỡi