Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Dan Ariely
Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Biên tập: Viet Quang Luong
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 323 / 51
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9: Về Cảm Thông Và Cảm Xúc
Tại sao chúng ta dang tay cứu giúp một người cụ thể chứ không phải rất nhiều người
Nếu những người sống ở Mỹ vào năm 1987 và nếu lúc ấy họ đã đủ lớn để nhận thức thì không thể nào quên được câu chuyện về “Bé Jessica”. Jessica McClure, khi ấy là một cô bé mười tám tháng tuổi ở Midland, Texas, đang nô đùa ở sân sau nhà bà dì, thì bị ngã xuống một cái giếng cạn nước sâu 22 thước. Cô bé bị mắc kẹt trong cái giếng tối tăm, sâu hoắm, đầy những khe nứt toác trong 58,5 giờ, nhưng giới truyền thông khi ấy theo sát sự kiện đến mức người ta tưởng chừng như cô bé bị kẹt trong giếng hàng tuần trời. Chính thảm hoạ đã kéo mọi người lại gần nhau. Những công nhân đào giếng, cứu hộ, hàng xóm láng giềng, rồi phóng viên ở Midland cũng như khán giả xem truyền hình trên khắp thế giới đứng cầu nguyện suốt cả ngày cho cô bé. Cả thế giới dõi theo từng li từng tí tiến trình nỗ lực giải cứu. Hết thảy đều thất điên bát đảo khi đội giải cứu phát hiện ra chân phải của Jessica bị kẹt giữa những tảng đá. Còn niềm vui thì vỡ oà và dường như lan khắp hành tinh khi những người công nhân nghe thấy tiếng cô bé hát bài đồng dao Humpty Dumpty vào chiếc micro được thả theo một đường ống xuống địa điểm cô bé bị mắc kẹt (bài hát xem cũng rất hợp cảnh hợp tình). Cuối cùng là khoảng khắc thấm đẫm nước mắt khi cô bé được đưa lên khỏi cái giếng nhờ vào một đường hầm đào song song.
Kết thúc cuộc giải cứu, gia đình McClure nhận được hơn 700.000 đô-la tiền quyên góp ủng hộ cho Jessica. Tạp chí Variety và People cho đăng tải những câu chuyện hậu trường thú vị về cô bé. Ký giả Scott Shaw của báo Odessa American thì giành được giải thưởng Pulitzer danh giá năm 1988 cho bức ảnh chụp cô bé bị mắc kẹt ngồi yên lành trong tay của một người cứu hộ. Còn có hẳn một bộ phim truyền hình có tên Everybody’s Baby: The Rescue of Jessica McClure (Tạm dịch: Con của ai cũng thế: Cuộc giải cứu Jessica McClure) do Beau Bridges và Patty Duke thủ vai, nhạc sĩ Bobby George Dynes và Jeff Roach thì biến cô bé trở nên bất tử trong những lời ca.
Tất nhiên, Jessica và gia đình của cô bé cũng phải chịu nhiều đau đớn. Nhưng cuối cùng thì tại sao cô bé Jessica ấy lại giành được nhiều sự chú ý của kênh truyền hình CNN hơn thảm hoạ diệt chủng năm 1994 ở Rwanda, khoảng 800.000 người – trong đó có rất nhiều trẻ em – bị giết hại một cách dã man trong vòng 100 ngày? Tại sao trái tim ta lại dễ dàng rung lên thổn thức trước tình cảnh của cô bé tí xíu ở Texas hơn so với những nạn nhân của thảm hoạ diệt chủng hay nạn đói ở Darfur, Zimbabwe và Congo? Để mở rộng vấn đề, tại sao chúng ta lại nhảy chồm ra khỏi chiếc ghế bành, viết ngay chi phiếu để giúp đỡ một người cụ thể, trong khi chúng ta lại thường không cảm thấy thấy bị thúc bách phải có hành động nào đó khi đối diện với những thảm hoạ khác, mà trên thực tế có mức độ tàn bạo và liên quan đến rất nhiều người hơn thế?
Đó là một đề tài hóc búa và đã làm tốn phí biết bao công sức của nào những nhà triết học, những nhà suy tưởng tôn giáo, nhà văn và những nhà khoa học xã hội kể từ thời xa xưa. Rất nhiều người chỉ có mối cảm thông một cách bình thường đối với một thảm họa khủng khiếp. Có thể do họ bị thiếu thông tin nếu đó là một sự kiện rộng khắp, phân biệt chủng tộc và thực tế là nỗi đau mà cả nửa thế giới phải chịu đựng kia dường như không đủ rõ ràng như với nỗi đau mà ta có thể cảm nhận được của, ví dụ là, người hàng xóm chẳng hạn. Một yếu tố lớn nữa, hầu như luôn đúng khi nói đến tầm cỡ của một thảm kịch – một khái niệm do chính Joseph Stalin chứ không phải bất kì ai khác phát biểu, đó là: “Một người chết là một thảm hoạ, còn cả ngàn người chết, ấy là thống kê.” Ở thái cực ngược lại với Stalin, Mẹ Teresa cũng phát biểu một câu tương tự khi bà nói “Khi nhìn vào đám đông quần chúng, tôi sẽ không bao giờ hành động. Nhưng khi nhìn vào một cá thể, tôi sẽ làm.” Nếu Stalin và Mẹ Teresa không chỉ đồng tình với nhau (dầu bởi những lí do hoàn toàn khác nhau), thì họ cũng có chung một quan điểm, đó là mặc dù chúng ta có thể cực kì nhạy cảm với nỗi đau của một cá thể, nhưng chúng ta lại thường (một cách xao lãng) tỏ ra lãnh cảm trước nỗi đau của cả một đám đông.
Liệu có thực là vì ta ít quan tâm đến một thảm kịch hơn khi số nạn nhân của nó tăng lên? Đó quả thực là một suy nghĩ nặng nề, khiến tôi buộc phải cảnh báo với bạn rằng những gì bạn sẽ đọc tiếp theo đây không mấy vui vẻ - nhưng, bởi đó là chuyện xảy ra với rất nhiều người với rất nhiều hệ luỵ, cho nên hiểu xem động cơ nào thực sự điều khiển hành vi của chúng ta là một điều rất quan trọng.
Hiệu ứng nạn nhân hữu danh
Để hiểu hơn tại sao chúng ta lại phản ứng mạnh mẽ khi chứng kiến một cá thể chịu đau đớn hơn là đối với cả một đám đông, hãy để tôi dẫn dắt bạn tìm hiểu về một thí nghiệm do Deborah Small (một Giáo sư ở Đại học Pennsylvania) và George Loewenstein và Paul Slovic (một Giáo sư của Đại học Oregon) tiến hành. Mỗi người tham gia thí nghiệm đều được phát cho 5 đô-la và họ được cung cấp thông tin liên quan đến một nạn đói. Họ được hỏi xem họ sẽ muốn quyên góp bao nhiêu trong số 5 đô-la mà họ có được để chống lại khủng hoảng này.
Hẳn nào các bạn cũng đoán ra được, thông tin sẽ được cung cấp dưới nhiều dạng khác nhau, với nhiều người khác nhau. Một nhóm, tạm gọi tên là “tình trạng thống kê”, sẽ đọc những thông tin sau:
Cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra ở Malawi tác động tới hơn 3 triệu trẻ em. Ở Zambia, khô hạn kéo dài khiến nông dân ở đây mất đến 42% sản lượng nông nghiệp kể từ năm 2000 đến nay. Kết quả là có khoảng 3 triệu người dân Zambia đối mặt với nạn đói. 4 triệu người Angola - tương đương với 1/3 dân số của đất nước này - bị buộc phải rời khỏi quê nhà. Hơn 11 triệu người ở Ethiopia đang cần được cứu trợ lương thực khẩn cấp.
Những người tham gia thí nghiệm có cơ hội quyên góp một phần trong số 5 đô-la mà họ vừa kiếm được cho một quỹ từ thiện cứu trợ lương thực. Trước khi đọc tiếp, bạn hãy tự hỏi bản thân “Nếu mình ở trong trường hợp của những người tình nguyện ấy, mình sẽ cho quyên góp bao nhiêu nhỉ, hay là không gì cả?”
Nhóm thứ hai, được gọi là nhóm “tình trạng hữu danh”, được tiếp cận với thông tin về Rokia, một cô bé 7 tuổi nghèo đói thảm hại ở Mali, giờ đây đang phải đối mặt với cái chết vì thiếu ăn. Những người tham dự được xem bức ảnh của cô bé và đọc những dòng tin (như thể được gửi trực tiếp từ một hòm thư điện tử) như sau:
Cuộc sống của cô bé chắc chắn sẽ đổi thay theo hướng tốt đẹp hơn, tất cả tuỳ thuộc vào sự giúp đỡ tài chính của bạn. Nhờ sự ủng hộ của bạn và của nhiều nhà hảo tâm khác, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ liên hệ với gia đình của Rokia và những thành viên khác trong cộng đồng để giúp đỡ cô bé, về cả lương thực, giáo dục cũng như những kiến thức chăm sóc y khoa cơ bản và giáo dục vệ sinh.
Cũng như trong tình trạng thống kê, những người tham dự trong nhóm tình trạng hữu danh cũng có cơ hội được quyên góp một vài hoặc tất cả số tiền 5 đô-la mà vừa kiếm được. Một lần nữa, bạn hãy tự hỏi mình xem bạn sẽ quyên góp để giúp Rokia nhiều hơn hay những nạn nhân chung chung đang chống lại nạn đói ở châu Phi?
Nếu bạn cũng giống như những người tham dự thí nghiệm trên, thì có nghĩa là bạn sẵn lòng bỏ số tiền nhiều gấp 2 ra để giúp Rokia so với số tiền quyên góp để giúp chống lại nạn đói nói chung (trong trường hợp thống kê, tỉ lệ quyên góp là 23% số tiền của người tham dự kiếm được; trong trường hợp hữu danh, con số đó là 48%, cao hơn hơn 2 lần so với con số 23%). Đó là một hiện tượng cốt yếu mà các nhà khoa học xã hội gọi là “hiệu ứng nạn nhân xác định danh tính”: một khi chúng ta nhìn thấy một gương mặt, một tấm hình và những chi tiết về một người, chúng ta sẽ cảm thấy dường như mình ở hoàn cảnh giống như họ và các hành động – cũng như tiền bạc của chúng ta – sẽ tuân theo cảm giác đó. Tuy nhiên, khi thông tin chưa được cá nhân hóa, đơn giản là chúng ta không cảm thấy sự cảm thông và hệ quả là, ta chẳng thấy cần phải hành động gì sất.
Hiệu ứng nạn nhân hữu danh không thoát khỏi cặp mắt của rất nhiều tổ chức từ thiện, từ Hiệp hội Cứu trợ Trẻ em, đến Tuần hành vì Bà mẹ Trẻ em, Trẻ em Quốc tế, Nhân đạo Xã hội và hàng trăm tổ chức khác. Họ biết chính xác chìa khóa mở ví tiền của chúng ta chính là làm dấy lên lòng thương cảm của chúng ta bằng cách đưa ra những ví dụ điển hình, và đó là cách tốt nhất để kích thích cảm xúc của chúng ta (ví dụ cá nhân => cảm xúc => ví tiền).
THEO Ý KIẾN của tôi, thì Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ (American Cancer Society – ACS) đã thực thi hiệu quả nhiệm vụ của mình dựa trên cơ sở tâm lý học của hiệu ứng xác định danh tính nạn nhân. ACS không chỉ hiểu rằng cảm xúc là một nhân tố quan trọng, mà họ còn biết cách sử dụng chúng để làm lay động lòng người. Họ làm thế nào? Một điều chắc chắn, là riêng bản thân từ “ung thư” đã tạo ra một hình ảnh có sức nặng hơn bất cứ từ ngữ khoa học chất chứa thông tin nào như kiểu “hiện tượng phân chia tế bào một cách bất thường.” ACS còn sử dụng từ ngữ tu từ mang tính tác động mạnh như “sống sót” bất kể mức độ nguy hiểm của trường hợp đó (ngay cả khi bệnh nhân chết vì già chứ chưa hẳn là do tác động của căn bệnh ung thư). Sức nặng cảm xúc của từ “sống sót” còn có nghĩa thêm vào nữa là tạo ra nguyên nhân. Chúng ta không bao giờ dùng từ “sống sót” cho loại bệnh ví dụ như hen suyễn hay loãng xương. Nếu Tổ chức bệnh Thận Quốc gia, ví dụ vậy, gọi bất cứ ai thất bại khi điều trị bệnh thận là “không sống sót nổi vì bệnh thận”, liệu chúng ta có sẵn lòng quyên góp thêm tiền để chống lại căn bệnh đau đớn này không?
Trên hết, tổ chức ACS cân nhắc gán cho bệnh nhân của mình mác “sống sót” đã tạo ra sự thương cảm rộng hơn và nhiều hơn từ những người hảo tâm và tạo ra những mối liên hệ trực tiếp với những người không mắc căn bệnh này. Mặc dù rất nhiều nhà tài trợ của ACS quyên tiền thông qua các cuộc chạy việt dã và các sự kiện từ thiện, nhưng tất cả mọi người đều không có cảm giác rằng mục đích của những sự kiện ấy có dính dáng gì đến tiền nong cả - đâu còn cần thiết nữa bởi vì họ chỉ quan tâm tới việc nghiên cứu căn bệnh ung thư và phòng chống nó thôi mà, vì có một điều họ biết chắc, là sẽ có bệnh nhân “sống sót” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Sự quan tâm của họ đối với một cá nhân đã thúc đẩy họ đóng góp thời gian và cả tiền bạc cho ACS.
Hiệu ứng Gần gũi, Sống động và “Hạt cát trên sa mạc”
Thí nghiệm và những câu chuyện tôi vừa kể chứng minh rằng chúng ta sẵn lòng bỏ tiền bạc, thời gian và công sức để giúp đỡ những nạn nhân cụ thể nhưng khi đối diện với những thống kê nạn nhân (ví dụ là hàng trăm nghìn người ở Rwanda chẳng hạn), thì chúng ta lại chẳng hành động gì. Vậy thì căn nguyên của cách hành xử lạ lùng ấy là gì? Vì nó thường xuất hiện trong rất nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó chứa những yếu tố tâm lý phức tạp. Nhưng trước khi đi sâu vào chi tiết, chúng ta hãy thử xem xét thí nghiệm suy tưởng sau đây.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở Cambridge, Massachusetts, chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn vào vị trí việc làm mà bạn hằng mơ ước. Trước giờ phỏng vấn một tiếng đồng hồ, bạn quyết định đi bộ từ khách sạn tới nơi hẹn phỏng vấn, vừa để ngắm nhìn thành phố, vừa để cho đầu óc được thoải mái. Khi đi qua cây cầu bắc ngang sông Charles, bạn nghe thấy tiếng kêu. Dưới sông, cách đó chừng vài thước, bạn nhìn thấy một cô bé dường như đang chìm dần – cô ấy đang kêu cứu và cố gắng ngoi lên khỏi mặt nước. Khi ấy bạn đang mặc trên người một bộ đồ kiểu mới với những phụ kiện hợp mốt, tổng giá trị khéo phải lên đến 1.000 đô-la. Bạn bơi rất giỏi, nhưng không còn thời gian để cởi bớt đồ trước khi nhảy xuống, nếu muốn cứu cô bé. Bạn sẽ làm gì? Khả năng cao là bạn chẳng suy nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản là bạn nhảy ùm xuống để cứu người, làm hỏng luôn bộ đồ mới coóng và lỡ luôn cuộc hẹn phỏng vấn. Quyết định nhảy xuống phản ánh một sự thật cho thấy bạn là một người tốt, một con người tuyệt vời, nhưng nó cũng có thể được chia nhỏ thành 3 yếu tố tâm lý chính như sau:
Đầu tiên, đó là khoảng cách giữa bạn và nạn nhân rất gần – một yếu tố tâm lý được phản ánh bằng danh từ “sự gần gũi”. Sự gần gũi không chỉ phản ánh một yếu tố gần gũi về mặt vật lý, mà nó còn phản ánh một cảm giác của huyết thống – bạn rất gần với những người thân, với cộng đồng xã hội, và với những người mà bạn chia sẻ những điểm chung. Một cách tự nhiên (mà thật may mắn mà nói), thì hầu hết những thảm kịch xảy ra trên trái đất này đều không gần gụi với loài người về cả mặt vật lý lẫn tinh thần. Nghĩa là về cá nhân mà nói, chúng ta không quen biết phần lớn đám đông những người đang phải chịu đựng nỗi đau, và vì thế, chúng ta rất khó có thể cảm thấy nỗi đau của họ để mà cảm thông với họ như khi một người thân, một người bạn, hay một người hàng xóm gặp phải cảnh tai ương. Hiệu ứng của sự gần gụi rất mạnh, khiến chúng ta sẵn lòng bỏ tiền ra để giúp đỡ người hàng xóm vừa bị sa thải khỏi một vị trí công việc được trả lương hậu hĩ so với những người vô gia cư sống ở đâu đó đang cần sự giúp đỡ hơn. Và chúng ta, thậm chí, còn ít sẵn lòng giúp đỡ những người bị mất nhà cửa sau một trận động đất cách ta hàng 5 ngàn dặm xa.
Yếu tố thứ hai được chúng tôi gọi là “sự sống động.” Nếu tôi kể với bạn rằng tôi vừa bị đứt tay, thì bạn sẽ không thể hình dung ra toàn cảnh sự việc và bạn sẽ không mấy cảm nhận được nỗi đau của tôi. Nhưng nếu tôi miêu tả chi tiết về vết cắt trong nước mắt và nói cho bạn biết nó sâu đến mức nào, vết cắt ấy khiến tôi đau ra làm sao và tôi bị chảy máu me be bét kinh khủng, thì bạn sẽ hình dung ra được bức tranh sống động về chuyện tôi bị đứt tay, vì thế, bạn sẽ thấy thông cảm với tôi nhiều hơn. Tương tự như vậy, khi bạn nhìn thấy một nạn nhân đang vùng vẫy dưới sông, nghe thấy tiếng hét kêu cứu của cô bé, nhìn thấy cô ấy vùng vẫy trong làn nước lạnh, bạn sẽ có cảm giác mình lập tức phải hành động.
Ngược lại với sự sống động là “sự lãnh đạm.” Nếu bạn chỉ được nghe kể rằng có ai đó đang chết đuối nhưng bạn không nhìn thấy người ấy, hay nghe thấy tiếng kêu cứu của họ, thì cơ chế xúc cảm của bạn không thể vào cuộc. Sự lãnh cảm cũng hơi giống với việc khi bạn nhìn thấy một bức ảnh chụp Trái Đất từ ngoài không gian; bạn có thể nhìn thấy hình dạng của từng lục địa, màu xanh dương của các đại dương, những dãy núi nhấp nhô trập trùng, nhưng bạn sẽ không tài nào nhìn thấy những chi tiết nhỏ như các đô thị chật cứng người kẹt xe, ô nhiễm, tội ác và chiến tranh. Nhìn từ xa, mọi thứ trông vẫn thật thanh bình và dễ thương; chúng ta không cảm thấy cần phải thay đổi cái gì hết.
Yếu tố thứ ba chính là cái mà các nhà khoa học gọi là hiệu ứng “hạt cát trên sa mạc”, và nó xuất hiện khi bạn đứng trước cơ hội trở thành người duy nhất có thể giúp đỡ nạn nhân của thảm kịch. Hãy nghĩ đến những quốc gia đang phát triển, nơi có rất nhiều người chết vì nguồn nước nhiễm bẩn. Ai trong số chúng ta cũng có thể tự mình đến đó, và giúp đỡ xây dựng một hệ thống nước thải sạch sẽ. Nhưng với cấp độ cá nhân, thì chúng ta cũng chỉ cứu giúp được vài người, trong khi đó hàng triệu người vẫn tuyệt vọng sống trong thảm kịch. Đối diện với nhu cầu cứu trợ lớn lao đấy, mà chỉ có thể giúp được một phần bé tí tẹo, trong khả năng của mình, hẳn nào cũng sẽ có người cố gắng bỏ qua cảm xúc và tự hỏi “Để được gì cơ chứ?”
HÃY NGHĨ XEM những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới hành vi ứng xử cá nhân của bạn như thế nào, hãy đặt ra cho mình những câu hỏi như sau: Nếu cô bé bị chết đuối kia ở một xứ sở xa xôi đang bị bão lũ, và bạn có thể, với số tiền rất nhỏ (nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền 1.000 đô-la cho bộ đồ bạn đang mặc trên người), cứu được mạng sống của cô bé ấy? Liệu bạn có sẵn lòng “nhảy vào cuộc” bằng cách quyên tiền không? Hoặc nếu tình huống ấy xảy ra kém kịch tính nhưng trực tiếp gắn với cuộc sống của cô ấy? Ví dụ, như giả sử cô bé ấy bị bệnh sốt rét ác tính chẳng hạn. Liệu nỗ lực cứu giúp của bạn có mạnh mẽ đến vậy? Hoặc giống như rất nhiều, rất nhiều trẻ em như cô bé kia đang gặp nguy hiểm bởi căn bệnh tiêu chảy hay HIV/AIDS (và các bệnh khác) thì phản ứng của bạn sẽ như thế nào? Liệu bạn có chùn bước chút nào không? Chuyện gì đã xảy ra với nỗ lực cứu giúp của bạn vậy?
Nếu tôi là một người thích cá cược, tôi chắc sẽ cược với bạn rằng khả năng hành động để cứu rất nhiều đứa trẻ đang chết dần chết mòn vì bệnh tật ở một nơi xa xôi nào đó chắc chắn không thể so sánh được với sự thúc ép phải cứu giúp một người thân, một người bạn hoặc một người hàng xóm bị bệnh ung thư đang chống chọi với cái chết. (Nếu bạn có cảm giác tôi đang chủ ý nhắm đến bạn, thì bạn nên biết rằng, trong tình cảnh của bạn, tôi cũng hành động y hệt như vậy.) Điều này không có nghĩa bạn là người có trái tim băng giá, mà đơn giản chỉ vì bạn là một con người – và khi thảm họa xảy đến ở rất xa, dù với qui mô rất lớn và liên quan đến rất nhiều người, chúng ta cũng sẽ nhìn nó ở một góc độ xa xôi, ít cảm xúc và ít liên quan hơn. Chừng nào chúng ta còn chưa nhìn thấy những chi tiết nhỏ bé, thì nỗi đau hãy còn cách xa chúng ta, ít thương cảm hơn và chúng ta thấy chẳng có gì thúc đẩy ta phải hành động hết.
NẾU BẠN DỪNG suy nghĩ về điều này, mỗi ngày có đến hàng triệu người trên khắp thế giới đang “chết đuối” trong nạn đói, trong chiến tranh và bệnh tật, bất chấp sự thực là chúng ta có thể tích trữ rất nhiều từ những khoản tiền bé tí xíu, hầu hết tất cả chúng ta đều không làm gì mấy để giúp đỡ bởi hiệu ứng gần gụi, sống động và “hạt cát trên sa mạc”.
Thomas Schelling, người giành giải Nobel kinh tế đã miêu tả chính xác sự khác biệt giữa cuộc đời của một cá nhân với cuộc đời của những kẻ chung số phận như sau:
Để kéo dài sự sống của một cô bé 6 tuổi tóc nâu đến lễ Giáng Sinh, cần phải chi hàng ngàn đô-la để phẫu thuật, và bưu cục của khu vực nơi cô bé ở sẽ ngập trong đống tiền quyên góp dù 5 xu, 1 hào cho cô. Nhưng việc giới truyền thông đưa tin: nếu không thu đủ thuế, các phương tiện y tế ở Massachusetts có thể bị cắt giảm và gây ảnh hưởng xấu trông thấy đối với nguy cơ tăng số lượng bệnh nhân tử vong ở đây –sẽ không khiến cho mấy người nhỏ lấy một giọt nước mắt thương cảm hay rút ví chi tiền quyên góp.
Lý trí triệt tiêu cảm thông (và ngược lại) như thế nào
Tất cả những gì viện cầu đến cảm xúc làm nổi lên một vấn đề: nếu chúng ta có thể khiến con người trở nên lý trí hơn, như thuyền trưởng Spock trong phim Star Trek thì sao? Thuyền trưởng Spock, sau cùng, chẳng phải là người thực tế số một đấy sao: vừa lý trí vừa khôn ngoan, anh nhận ra rằng điều có ý nghĩa nhất trên cuộc đời này chính là cứu được nhiều người nhất và hành động dựa trên tầm quan trọng thực tế của vấn đề. Liệu cái nhìn lạnh lùng về mọi vấn đề có khiến chúng ta chi nhiều tiền hơn cho các cuộc chiến chống đói nghèo trên diện rộng hơn là chỉ giúp đỡ một em nhỏ như Rokia?
Để kiểm tra xem chuyện gì xảy ra nếu con người suy nghĩ lý trí hơn và hành động có tính toán hơn, Deb, George và Paul thiết kế ra một thí nghiệm thú vị khác. Đầu tiên, họ yêu cầu một vài người tham gia thí nghiệm trả lời câu hỏi sau: “Nếu một công ty mua 15 máy tính cá nhân, mỗi cái trị giá 1.200 đô-la thì theo bạn tính toán, công ty đó phải trả tất cả bao nhiêu tiền?” Đó không phải là một phép tính toán phức tạp; mục tiêu chính của nó là dẫn dắt (những thuật tâm lý thông thường sử dụng cách này để đặt đối tượng vào một hoàn cảnh đặc biệt, tập trung trí óc trong một khoảng thời gian ngắn) người tham gia tập trung tính toán. Một nhóm khác sẽ được hỏi những câu hỏi liên quan đến cảm xúc như: “Khi nhắc đến tên George W. Bush, bạn nghĩ đến cái gì? Hãy sử dụng một từ ngữ để miêu tả cảm xúc chủ đạo của bạn.”
Sau khi trả lời những câu hỏi đầu tiên, những người tham dự sẽ được cung cấp thông tin về cá nhân Rokia (tình trạng xác định danh tính) hoặc về nạn đói phổ biến ở châu Phi (tình trạng thống kê). Sau đó họ được hỏi xem họ sẽ quyên góp như thế nào trong mỗi trường hợp. Kết quả cho thấy những người được dẫn dắt đi theo hướng cảm xúc sẵn sàng quyên góp nhiều tiền cho cá nhân Rokia hơn là giúp chống lại cuộc chiến “chết đói” (trong trường hợp đối tượng không được dẫn dắt gì hết). Kết quả tương tự cũng xảy ra khi những người tham dự được dẫn dắt theo hướng cảm xúc và khi họ không được dẫn dắt chút nào cho thấy ngay cả khi không được dẫn dắt theo hướng cảm xúc, người tham gia thí nghiệm vẫn dựa trên cảm xúc của mình để quyết định đưa ra số tiền quyên góp (điều đó lý giải tại sao việc dẫn dắt theo hướng cảm xúc không làm thay đổi điều gì – nó đã là một phần nằm trong quá trình quyết định rồi).
Thế còn đối với những người được dẫn dắt đi theo hướng tính toán, như thuyền trưởng Spock lạnh lùng thì sao? Bạn có thể kỳ vọng suy nghĩ tính toán có thể khiến họ “chặn” cảm xúc cá nhân cho Rokia và như thế sẽ quyên góp nhiều hơn cho nhiều người cần sự cứu trợ hơn. Đáng tiếc là những người được dẫn dắt theo con đường tính toán lại trở thành những người keo kiệt hơn, bằng cách giảm số tiền quyên góp cho cả hai trạng thái cần cứu trợ. Nói cách khác, việc có nhiều người suy nghĩ theo kiểu thuyền trưởng Spock làm giảm tính liên hệ với cảm xúc và kết quả là họ giảm số tiền quyên góp cho cả Rokia lẫn những người dân ở Phi châu. (Theo cách nhìn lý trí, tất nhiên, điều này có giá trị tuyệt vời. Cuối cùng thì một người lý trí tuyệt hảo sẽ không được chi tiêu quá số tiền cần thiết cho bất cứ điều gì hay bất cứ ai mà không tạo ra được giá trị ngược lại tương ứng với số tiền đầu tư.)
TÔI NHẬN THẤY những kết quả này rất đáng tiếc, nhưng chưa hết. Thí nghiệm cốt lõi mà Deb, George và Paul đưa ra về hiệu ứng nạn nhân xác định danh tính – trường hợp khiến những người hảo tâm quyên tiền nhiều gấp đôi để giúp Rokia so với cuộc chiến chống lại nạn đói nói chung – có trạng thái thứ ba. Trong trạng thái này, những người tham gia được cung cấp thông tin về cả cá nhân Rokia và những thông tin thống kê về tình trạng thiếu đói, mà không bị dẫn dắt bởi bất cứ điều gì.
Giờ thì bạn thử đoán xem những người tham dự sẽ quyên góp như thế nào. Bạn nghĩ họ sẽ quyên góp bao nhiêu khi biết đầy đủ thông tin về cả Rokia và vấn đề thiếu đói chung chung? Liệu họ có quyên góp số tiền cao hơn so với khi họ chỉ biết thông tin về Rokia? Hay họ sẽ giảm bớt số tiền quyên góp khi họ chỉ được biết thông tin về những nạn nhân trong diện thống kê? Hay là ở giữa lưng chừng? Trong cả chương này, bạn đã phải đối mặt với quá nhiều tin đáng thất vọng rồi, giờ là một chút le lói cuối cùng. Trong tình trạng phối kết hợp này, người tham dự chi 29% số tiền họ kiếm được – cao hơn một chút so với con số 23% của những người thuộc nhóm thống kê quyên góp, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với 48% của những người thuộc nhóm xác định danh tính. Đơn giản là, hóa ra rất khó khăn cho những người tham dự khi suy nghĩ về chuyện tính toán và con số cũng như có cảm xúc cùng một lúc.
Khi liên kết hai nhóm này lại với nhau lại cho ra một kết quả không tốt chút nào. Khi chúng ta được dẫn dắt để quan tâm tới một cá nhân, chúng ta hành động nhưng khi có vấn đề với rất nhiều người, chúng ta lại không hành động. Một phép tính lạnh lùng không khiến chúng ta quan tâm hơn tới một vấn đề trọng đại; thay vào đó, nó còn làm tiết chế lòng trắc ẩn của ta. Vậy thì trong khi “suy nghĩ lý trí” hơn, lời khuyên thường đi kèm với quá trình ra quyết định của chúng ta, suy nghĩ như thuyền trưởng Spock lại khiến chúng ta bớt lòng trắc ẩn và quan tâm đến người khác. Như Albert Szent Gyorgi, nhà vật lí và nghiên cứu nổi tiếng đã nói “Tôi thực sự xúc động nếu chứng kiến một người đàn ông phải chịu đau đớn và tôi sẵn lòng hi sinh mạng sống của mình để cứu ông ta. Nhưng rồi tôi tự nói vu vơ về khả năng cả thành phố rộng lớn của chúng ta bị nhấn chìm, hàng trăm ngàn người chết. Khi ấy tôi không thể làm phép nhân nỗi đau của một người lên hàng trăm nghìn lần được.”
Vậy thì tiền nên chảy về đâu?
Những thí nghiệm trên dường như chứng minh rằng cách tốt nhất để thúc đẩy hành động chính là suy nghĩ ít và sử dụng mỗi cảm xúc của chúng ta làm chỉ dẫn khi phải ra quyết định giúp đỡ người khác. Tiếc thay, cuộc sống không đơn giản như thế. Mặc dù lúc này, chúng ta không dấn thân vào giúp đỡ khi cần thiết phải vậy, khi khác chúng ta lại hành động mà chẳng cần lý trí gì cả (hoặc không cần thiết phải làm vậy).
Ví dụ, vài năm trước, một chú chó nghiệp vụ màu trắng 2 tuổi tên là Forgea bị bỏ lại trên một tàu chở dầu, trôi dạt lênh đênh 3 tuần liền trên biển Thái Bình Dương, sau khi thủy thủ đoàn rời con tàu. Tôi biết chắc Forgea rất đáng yêu và không đáng phải chết, nhưng ai có thể trả lời câu hỏi rằng, trong một vụ việc như thế, bỏ ra đến 48.000 đô-la tiền thuế của dân cho một sứ mệnh 25 ngày để giải cứu một chú chó có đáng hay không? – số tiền ấy nếu dùng để cứu trợ cuộc sống của những con người đang chờ chết có tốt hơn không? Tương tự như vậy, đối với trường hợp tràn dầu từ tàu Exxon Valderz. Người ta ước tính số tiền để làm sạch và phục hồi lại chỗ ở của một con chim lên đến 32.000 đô-la và của một con rái cá là 80.000 đô-la. Tất nhiên, cũng rất đau lòng khi phải chứng kiến một con chó, con chim biển hay rái cá phải chịu đau đớn. Nhưng liệu bỏ ra ngần ấy tiền để cứu loài vật có thực sự ý nghĩa đến vậy không, bởi khi hành động như vậy, chúng ta đã lấy đi biết bao nguồn lực dành cho những việc khác như y tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe? Chúng ta quan tâm đến những ví dụ hiển hiện trước mắt của nỗi đau, nhưng điều đó không có nghĩa là xu hướng hành động đó luôn giúp ta đưa ra những quyết định đúng đắn – ngay cả khi ta thực sự muốn giúp đỡ.
HÃY SUY NGHĨ thêm về Hiệp hội Ung Bướu Hoa Kỳ. Tôi không phản đối gì cách hoạt động của ACS, và nếu tham gia vào hiệp hội đó, tôi cũng sẽ cổ vũ cách làm khôn ngoan của họ, sự thấu hiểu của họ đối với bản tính con người và rõ ràng là họ đã thành công. Nhưng trong một thế giới phi lợi nhuận, sẽ có những người chịu đắng cay bởi “sự thành công ngoài sức tưởng tượng” của ACS khi nắm được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội và bỏ mặc những trường hợp cần giúp đỡ khác. (ACS rất thành công khi đã rất nỗ lực trong việc quyên góp cho cái gọi là “tổ chức phi lợi nhuận dồi dào nhất thế giới.”) Nói theo cách nào đó, những người không mắc bệnh ung thư chính là nạn nhân cho sự thành công của ACS.
Khi suy nghĩ về sự bất cân đối trong việc phân chia nguồn lực ở những phạm trù phổ biến hơn, hãy xem xét biểu đồ sau. Nó biểu thị lượng tiền quyên góp được để giúp các nạn nhân vượt qua rất nhiều thảm họa (Bão Katrina, vụ khủng bố 11 tháng Chín, sóng thần ở châu Á, bệnh lao, AIDS, và sốt rét) và con số nạn nhân trực tiếp trong các thảm họa. Biểu đồ cho thấy rất rõ là trong những trường hợp đó, khi con số nạn nhân càng tăng, thì số tiền quyên góp được lại càng giảm. Chúng ta có thể thấy rõ lượng tiền đổ vào những thảm kịch ở Mỹ (bão Katrina, khủng bố 11/9… ) nhiều hơn cho những thảm kịch xảy ra ở ngoài nước Mỹ, ví dụ như sóng thần. Có lẽ trong khủng hoảng, chúng ta sẽ nhìn nhận sự phòng ngừa của các loại bệnh tật như bệnh lao, AIDS và sốt rét với số tiền đầu tư rất nhỏ nhưng lại có liên quan đến tầm cỡ ảnh hưởng rộng của các vấn đề này. Khả năng này là có thể bởi vì phòng ngừa liên quan trực tiếp tới việc ngăn chặn bệnh đối với những người chưa bị bệnh. Giả thiết giữ cho mọi người được an toàn khỏi bệnh tật quá trừu tượng và cách xa so với mục tiêu đánh vào cảm xúc để chiếm giữ và thúc đẩy chúng ta mở ví.
Mời bạn đọc xem xét một vấn đề lớn hơn: lượng khí thải CO2 và hiện tượng trái đất nóng lên. Dù cho ai cũng có thể nhận thức được vấn đề này, nhưng loại vấn đề này lại là loại khó chạm vào đến cảm xúc của con người để khiến người ta quan tâm đến nhiều nhất. Trên thực tế, nếu như chúng ta cố gắng tạo ra những ví dụ điển hình của vấn đề này với hi vọng sẽ tạo ra được những sự khác biệt, thì chỉ có thể là một trong những trường hợp sau. Đầu tiên, những hiệu ứng của việc khí hậu thay đổi vẫn chưa phải là vấn đề mà những người ở phương Tây thấy cần phải quan tâm ngay tức thì: mực nước biển tăng lên và ô nhiễm có thể gây hại đến người dân ở Bangladesh, nhưng chưa thể nào ảnh hưởng tới trung tâm của vùng châu Mỹ hay châu Âu. Thứ hai, vấn đề này không sờ sờ ra trước mắt, thậm chí không thể quan sát được – chúng ta thường không thể thấy bất cứ khí CO2 nào bao quanh mình hoặc cảm nhận được nhiệt độ đang thay đổi (trừ một trường hợp, có thể xảy ra, là đối với những người mắc bệnh hô hấp vì ô nhiễm khói bụi ở L.A). Thứ ba, sự liên hệ chậm chạp, thay đổi ít kịch tính do trái đất nóng lên rất khó nhìn thấy hoặc cảm nhận. Thứ tư, bất cứ hệ quả tiêu cực nào từ việc khí hậu nóng lên không thể xảy ra ngay lập tức; nó tưởng chừng như còn cách bậc thềm của hầu hết người dân, trong một tương lai xa (hoặc ít nhất là đối với những người theo chủ nghĩa hoài nghi về sự thay đổi nhiệt độ trái đất, thì không bao giờ). Tất cả những điều đó là lí do vì sao ông Al Gore, trong cuốn sách Một sự thực kinh hoàng đã khéo léo liên hệ hình ảnh những chú gấu trắng Bắc cực đang chìm dần, mối liên hệ có tính liên tưởng cao và tạo ấn tượng nặng nề; chúng là công cụ mà ông Al Gore sử dụng để tác động vào cảm xúc của chúng ta.
Tất nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu chỉ là một tấm poster trong hiệu ứng “hạt cát trên sa mạc”, “giọt nước giữa đại dương”. Chúng ta có thể giảm thiểu phương tiện giao thông và đổi sang dùng loại bóng đèn tiết kiệm điện, nhưng bất cứ hành động nào của bất cứ ai trong số chúng ta cũng là quá bé nhỏ so với những tác động khủng khiếp của vấn đề - ngay cả khi chúng ta nhận thấy có rất nhiều người đang tạo ra sự thay đổi nhỏ mỗi ngày, thì cuối cùng cũng có thể thu về được những hiệu ứng đáng kể. Với tất cả những lực lượng tâm lí đang chống lại xu hướng hành động của chúng ta, liệu có ngạc nhiên không khi rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và đang nghiêm trọng dần lên xung quanh chúng ta – những vấn đề mà từ bản chất của nó, không gợi lên bất cứ một xúc cảm nào hoặc sự xúc động nào?
Làm sao chúng ta có thể giải quyết được vấn đề nạn nhân mang tính thống kê?
Khi tôi hỏi sinh viên của mình rằng điều gì sẽ thúc đẩy con người rời vị trí êm ấm của họ, hành động, quyên góp và phản ứng, họ thường có xu hướng trả lời, rằng “thật nhiều thông tin” về tầm cỡ và tính khốc liệt của tình huống có vẻ như là cách tốt nhất để truyền cảm hứng hành động. Nhưng những thí nghiệm mô tả ở trên đã cho thấy đó không phải là một phương cách tốt. Đáng buồn là, chính bản năng của chúng ta về sức mạnh có thể thúc đẩy hành vi của con người dường như bị thiếu hụt cái gì đó. Nếu chúng ta làm theo những lời khuyên mà sinh viên của tôi đưa ra, và mô tả những thảm kịch như một sự kiện có tác động đến rất nhiều người, hầu như sẽ không có hành động nào phát sinh. Trên thực tế, chúng ta nên tích lũy ngược lại và tạo ra phản ứng từ lòng trắc ẩn.
Điều này lại đặt ra một câu hỏi quan trọng: nếu chúng ta được kêu gọi hành động bởi những cá nhân, bởi những nỗi đau mang tính riêng biệt và đo đếm được, thì khi khủng hoảng vượt quá tầm nhận thức của chúng ta, chúng ta biết trông cậy vào đâu khi ta (hoặc các chính trị gia của chúng ta) phải tự mình giải quyết những vấn đề mang tính nhân loại lớn lao? Rõ ràng là chúng ta không thể chỉ đơn giản là tin vào những gì chúng ta sẽ làm đúng khi bất ngờ thảm họa tiếp theo diễn ra.
Sẽ là hay (và tôi nhận thấy từ “hay” ở đây thực sự không mang nghĩa thường có của nó) nếu trong thảm họa tiếp theo, chúng ta có thể cung cấp hình ảnh về những cá nhân đang phải chịu đau đớn – có thể là một đứa trẻ đang hấp hối đáng ra phải được cứu sống, hoặc một chú gấu Bắc cực đang chết chìm. Nếu những hình ảnh như vậy có sẵn, thì chắc chắn nó sẽ tác động vào cảm xúc của chúng ta, và thúc giục chúng ta hành động. Nhưng trên thực tế, thì những hình ảnh như vậy thường không thể có sẵn, các hình ảnh về thảm họa rất lâu sau mới xuất hiện, và như trường hợp ở Rwanda, hoặc là người ta chỉ có thể đưa ra những thống kê khủng khiếp về thảm họa chứ không phải là những con người cụ thể phải chịu đau thương (ví dụ nhé, về Darfur chẳng hạn). Và khi những hình ảnh rúng động đó cuối cùng cũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì lúc đó hành động đã trở nên quá muộn màng. Tất cả những điều đó tạo ra rào cản để giải quyết những vấn đề quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt, làm sao chúng ta có thể khuấy động cảm xúc về sự thất vọng, bất lực hoặc cảm thông trước một thảm họa khủng khiếp đây?
MỘT CÁCH TIẾP CẬN đó là cố gắng làm theo lời khuyên có thể gây “nghiện”: bước đầu tiên đó là vượt qua bất cứ thói quen nhận diện vấn đề. Nếu chúng ta nhận thấy tầm cỡ của một cuộc khủng hoảng có thể khiến ta bớt quan tâm tới sự kiện ấy, chúng ta có thể nỗ lực thay đổi cách chúng ta nghĩ và tiếp cận các vấn đề mang tính nhân bản hơn. Ví dụ, lần sau khi một trận động đất khủng khiếp san phẳng một thành phố và bạn nghe tin có hàng ngàn người chết, bạn hãy thử nghĩ đến việc giúp đỡ cụ thể một người chịu hậu quả tang thương sau thảm họa – một cô bé ước mơ trở thành bác sĩ, một cậu thanh niên tốt bụng với nụ cười dễ mến với tài năng bóng đá thiên bẩm, hay nghĩ đến một người bà tần tảo đang nuôi cháu thay cho người con gái xấu số đã qua đời của mình. Một khi chúng ta hình dung sự việc theo cách ấy, cảm xúc của chúng ta sẽ được kích hoạt, và sau đó chúng ta sẽ dễ dàng quyết định giúp đỡ. (Đó là một trong những lí do tại sao cuốn Nhật kí của Anna Frank lại khiến người ta xúc động đến vậy – bởi vì đó là chân dung của một cô bé trong hàng triệu người Do Thái đã chết dưới tay quân phát xít Đức). Tương tự như vậy, bạn có thể bỏ qua sự tác động của hiệu ứng “hạt cát trên sa mạc” bằng cách tái hiện lại mức độ khủng khiếp của những khủng hoảng đó trong đầu bạn. Thay vì suy nghĩ về vấn đề của cả một đám đông đói nghèo, ví dụ vậy, thì hãy nghĩ đến chuyện nhỏ hơn là cung cấp đủ thức ăn nuôi sống 5 người.
Chúng ta cũng có thể cố gắng thay đổi cách suy nghĩ, hãy lấy cách tiếp cận đã rất thành công trong việc quyên tiền ủng hộ của Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ. Cảm xúc của chúng ta bị tác động bởi những gì gần gũi, cụ thể, sống động và nó có thể thúc đẩy chúng ta hành động ở nghĩa rộng hơn. Nếu một thành viên nào đó trong gia đình bạn đang mắc bệnh ung thư hay mắc chứng phân chia tế bào một cách bất thường, chúng ta có thể hi vọng quyên góp được tiền nhờ vào nghiên cứu về các loại bệnh cá biệt này. Ngay cả một người đáng ngưỡng mộ, về mặt cá nhân mà nói không quen biết gì với chúng ta, cũng có thể tạo ra cảm giác gần gũi. Ví dụ, từ khi bị mắc bệnh Parkinson năm 1991, Michael J. Fox đã vận động hành lang cho một quỹ nghiên cứu và làm việc với cộng đồng để giáo dục về căn bệnh này. Những người yêu thích chương trình Family Ties và Back to the Futureliên hệ hình ảnh của ông với mục đích của ông, và khiến họ trở nên quan tâm tới điều đó. Khi Michael J. Fox yêu cầu các nhà tài trợ quyên góp cho quỹ của mình, nghe qua thì có vẻ hơi vụ lợi – nhưng trên thực tế nó lại rất hiệu quả trong việc quyên góp tiền để giúp đỡ những người bị mắc căn bệnh đó.
MỘT PHƯƠNG ÁN khác đó là bàn bạc về những qui tắc đang điều khiển hành vi của chúng ta. Nếu chúng ta không thể tin tưởng trái tim luôn dẫn ta đi đúng đường, thì chúng ta có thể lợi dụng việc tạo ra những qui tắc sẽ dẫn dắt ta đến với những hành động đúng đắn, ngay cả khi xúc cảm của chúng ta không đồng tình. Ví dụ, trong truyền thống của người Do Thái có một “nguyên tắc” được thiết kế để chống lại hiệu ứng “hạt cát giữa sa mạc”. Theo Talmud, “bất cứ ai cứu được một mạng người, thì người đó có thể xem như có khả năng cứu cả thế giới.” Với một qui tắc như thế trong tay, những người theo đạo Do Thái có thể vượt qua những xu hướng tự nhiên của con người, không hành động khi tất cả những gì chúng ta có thể làm được chỉ chiếm một phần bé tí xíu trong cả một vấn đề. Trên hết, cách thức mà nguyên tắc đó hoạt động (“như thể anh ta có khả năng cứu cả thế giới”) khiến cho người ta dễ hình dung hơn rằng, bằng việc chỉ cứu dù chỉ một mạng người, nhưng thực tế chúng ta có thể hoàn thành những nhiệm vụ cao cả và qui mô hơn thế rất nhiều.
Tất nhiên, những nguyên tắc tôn giáo là độc nhất vô nhị, nhưng cách tiếp cận tạo ra mọi thứ nguyên tắc đạo đức rõ ràng có thể phát huy hiệu quả trong những trường hợp nơi những nguyên tắc nhân văn hơn được áp dụng. Hãy xem xét lần nữa thảm hoạ giết người hàng loạt ở Rwanda. Tổ chức Liên Hợp Quốc phản ứng quá chậm chạp, không thể ngăn chặn nó, cho dù để làm được điều đó cũng không cần huy động quá nhiều can thiệp. (Tổng thư kí Liên Hợp Quốc ở khu vực, Roméo Dallaire, trên thực tế, đã đề nghị huy động 5.000 quân để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc thảm sát, nhưng ông bị từ chối). Năm này qua năm khác, chúng ta nghe tin về cuộc thảm sát và tội diệt chủng ở khắp nơi trên trái đất, và thường thì những sự cứu trợ dường như thường đến quá muộn. Mặc dù Liên Hợp Quốc đã ban hành một đạo luật theo đó bất cứ khi nào mạng sống của một nhóm người bị đe dọa nguy hiểm (dựa trên phán đoán của người lãnh đạo sát sao tình hình tại khu vực đó nhất, ví dụ như Tướng Dallaire), thì lập tức phải gửi lực lượng quan sát tới khu vực đó và yêu cầu họp ngay với Hội đồng Bảo an để đánh giá tình hình, đưa ra quyết định về các bước hành động tiếp theo trong vòng 48 giờ đồng hồ.
Đó cũng là cách mà các chính phủ cũng như các tổ chức phi lợi nhuận khác nên cân nhắc khi thực hiện sứ mệnh của mình. Về khía cạnh chính trị, điều này xem ra lại dễ dàng hơn cho các tổ chức xã hội như vậy trong việc giúp đỡ những trường hợp được đám đông chú ý đến, những người này vốn đã nhận được một vài sự hỗ trợ nào đó. Trong khi những trường hợp khác chưa được cá nhân hoá, xã hội hoá hoặc chính trị hoá để nhận được sự quan tâm mà đáng ra họ phải được hưởng. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ dự phòng có thể sẽ là một ví dụ tuyệt vời cho trường hợp này. Cứu những người chưa mắc bệnh, thậm chí còn chưa sinh ra rõ ràng là không thể hấp dẫn hơn so với sứ mệnh giải cứu một con gấu Bắc cực hay một đứa trẻ mồ côi, bởi vì tương lai còn chưa định hình. Nhưng bằng cách bước ra khỏi đám mù sương mà cảm xúc tạo ra, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cần phải tạo ra sự khác biệt thật sự trong việc cân bằng trở lại các dòng cứu trợ và hi vọng sẽ giảm thiểu hoặc hạn chế được một số vấn đề của chúng ta.
DÙ NÓI THẾ NÀO, thì rất buồn khi thừa nhận rằng cách duy nhất hiệu quả để kêu gọi mọi người phản ứng trước một sự mất mát là thông qua cảm xúc, hơn là thông qua một mục tiêu chung của một đám đông. Tin tốt là khi cảm xúc của chúng ta được đánh thức, chúng ta cực kì quan tâm. Một khi chúng ta đã tiếp xúc với sự mất mát thông qua một cá nhân cụ thể, chúng ta sẽ sẵn lòng giúp đỡ hơn, và chúng ta còn dấn thân sâu hơn vào cái mà các nhà kinh tế học có thể kì vọng từ sự phán xét lý trí, ích kỉ hay các yếu tố phóng đại khác. Có được kết quả như vậy rồi, chúng ta cần nhận ra mình không đơn giản được lập trình để quan tâm tới các sự kiện tầm cỡ, tham dự vào những chuyện ở tận đâu đâu hay bận tâm tới những người mà chúng ta chẳng quen biết gì. Bằng cách hiểu được cảm xúc của chúng ta không bất biến và cơ chế xúc cảm của chúng ta hoạt động như thế nào, chúng ta mới có được những quyết định hợp lý hơn, và không chỉ là việc giúp đỡ người nào đó bị rơi xuống giếng.
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí Lẽ Phải Của Phi Lý Trí - Dan Ariely Lẽ Phải Của Phi Lý Trí