Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 248 / 263
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phụ Lục
HƯ NGỎ CHO ÔNG THÁI PHỈ CHỦ BÁO “TIN VĂN” VỀ BÀI “VĂN CHƯƠNG DÂM UẾ”
Thưa ông Thái Phỉ,
Trong số báo Tin văn 25 vừa đây, ông lên tiếng cảnh cáo những nhà văn sĩ tả chân[87] về câu chuyện văn chương dâm uế.
Sở dĩ tôi đáp ông bằng thư này không phải là tôi nhận văn chương của tôi là dâm uế, nhưng vì tôi là một trong số những nhà văn sĩ tả chân. Nếu bài cảnh cáo của ông viết mà nghe xuôi tai được, tất nhiên tôi đã bỏ bút mà hàng phục, mà nghe theo ý ông, Vì tôi chính là một trong số những người biết phục thiện, lại rất cần có người khác chỉ bảo những điều khuyết điểm của mình. Phải, ai lại dám tự phụ là hoàn toàn, không làm điều gì dở.
Khốn nỗi bài cảnh cáo của ông không những cho tôi kinh hoàng mà còn làm cho tôi thất vọng. Ông chớ nóng nẩy, tôi kinh hoàng chỉ vì tôi chưa hề nghĩ ra rằng một người ra làm việc cho văn chương như ông mà lý sự lại luẩn quẩn, tối tăm như thế, và tôi thất vọng là vì ông chủ một cơ quan văn học mà quan niệm về văn chương lơ mơ, mù mịt, hỗn loạn đến như ông, thì thật là một sự phỉ báng, và hơn nữa, một tội phạm thượng đối với văn chương!
Đây nhé, để tôi cứ việc trích lại những câu ông đã viết xem tôi nói có đúng hay nhầm.
Mở đầu bài ông đã nói:
“Nhưng giá các cụ biết thưởng thức cái văn chương dâm uế ấy ở trong văn học Pháp thì các cụ sẽ biết rằng ở người ta, tuy dâm uế mà văn chương vẫn là văn chương.
Không cứ rằng hễ đã là văn chương, thì tất phải thành thực tao nhã. Tả một cái gì, dù xấu xa, bẩn thỉu, mà đạt đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật, ấy cũng là văn chương”.
Tôi xin cảm ơn ông, vâng, cảm ơn ông lắm, ông nghe chưa?
Nhưng mà thế nào là đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật?
Đây, ông đã giải thích chỗ ấy một cách gián tiếp, nghĩa là ông bài bác những điều mà ông cho là chưa hoàn toàn.
Họ (bốn văn sĩ tả chân) thấy thiên hạ ưa thích cái dâm uế thì hoặc là cố nhồi nhét cái dâm uế vào bất cứ chuyện gì mà mình viết, hoặc là việc cái chủ nghĩa tả chân, dụng tâm tả cái dâm uế một cách quá táo bạo và, vì thế, thành ra sống sượng khó coi, cố làm rung động giác quan của người đọc hơn là nghĩ đến nghệ thuật”.
Sau khi để độc giả biết thế, đến đây tôi cần xin một đôi dấu ngoặc thuyết minh về cái điều dâm. Cái dâm tự nó không uế, nếu nó không loạn. Cái dâm của cặp vợ chồng chẳng hạn thì chỉ là sự thường như sự ăn uống, không có gì là uế tạp, nhơ bẩn mà lại còn là điều thanh tao, cao thượng nữa, song người ta không cần tả đến, vì nếu nói đến tất nhiên là khiêu dâm. Song còn những thứ dâm đáng gọi là uế, thí dụ hiếp dâm, gian dâm, loạn luân, nghĩa là những thứ dâm của hạng nam nữ mà không là vợ chồng. Nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc lòng đó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn; khi tả một cuộc dâm loạn bẩn thỉu, ô uế thì là đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật rồi, chứ ông Thái Phỉ còn bắt bẻ thế nào nữa?
Nhưng đây ông Thái Phỉ còn nói:
“Bởi họ tả một cách lõa lồ, sống sượng nên những người biết đọc thành ra thấy ghê tởm. Họ muốn bầy ra cái sự thực trần truồng hẳn, nhưng họ quên rằng khi nói cái sự thực đã trần truồng thì người sợ mà không thích nó nữa”.
Ồ, ông nói lạ! Ông lại muốn bắt bọn văn sĩ tả chân, trong khi tả cái sự thực trần truồng nhơ bẩn, dâm loạn, mà lại phải làm cho độc giả ưa thích, thấy những chuyện kia là thanh tao, nhã nhặn dễ thường mà lại hợp với cái luân lý, để bắt chước theo bọn người nhơ bẩn trong truyện đó sao? Ông có quyền không thích cái sống sượng nhưng ông không có quyền bắt chúng tôi khiêu dâm người đọc!
Nhưng cái sự ngu dại của ông không phải đến những lý luận tôi vừa nêu trên kia mà đã là bờ bến.
Quá lắm nữa, ông lại còn khuyên chúng tôi bằng câu này:
“Chính vì sự quá lứa ấy mà tôi phải viết bài này, mà tôi mang các nhà kỹ nghệ viết văn dâm uế nên hãm bớt cái đà của các ông lại thì vừa, đừng để đến lúc công chúng phải nổi nóng công phẫn”.
Công phẫn? Thì chúng tôi chỉ mong có thế!
Nhưng cái công phẫn ấy - chỗ hoàn toàn của nghệ thuật ấy - là cái mà công chúng để đối phó với điều nhơ bẩn, với những sai phạm những điều nhơ bẩn tả trong chuyện, và cái công phẫn ấy là chính đáng lắm, chứ có phải đâu là cái công phẫn đối với kẻ thuật chuyện như ông Thái Phỉ lo sợ.
Thưa các ngài, nếu tôi mách các ngài rằng trong số đồng bạn của các ngài hoặc trong số con em của các ngài có đứa phạm phải những điều nhơ bẩn, dâm loạn đáng ghê tởm như thế này... thế này... thì các ngài sẽ công phẫn với tôi, một người chỉ tố cáo sự đáng ghê tởm kia? Nếu các ngài không cám ơn tôi mà còn nổi lòng công phẫn như lời ông Thái Phỉ thì than ôi! tôi có cần gì quan tâm đến cái sự công phẫn vô nghĩa lý ấy?!
Nhưng mà tại sao ông Thái Phỉ lại viết bài cảnh cáo ngây ngô, trẻ con kia hở ông Thái Phỉ?
Có lẽ tại ông, theo như ông đã thú trong bài văn chương dâm uế thì thế này: Không, tôi không phải là một ông Thánh, tôi chỉ là người, mà trong mỗi người đều có một con thú, nếu ta không khéo giữ nó lại thì nó thức dậy, thì nó làm dữ ngay!
Eo ơi! Cứ như ông nói thì ông đương có bệnh, ông đương bị một sức ám ảnh (hantise) ghê gớm rất nguy hiểm cho thuần phong mỹ tục, ông đang là một kẻ bất thường (anormal) đáng để cho bác sĩ Mangus Hirchleld khảo cứu trong cuốn sách của ông ta, khảo cứu về sự dâm uế của những người bất thường. Cái bệnh của ông, sức ám ảnh kia, đã khiến ông mất hết lý trí đến nỗi trong khi ông đọc một đoạn văn tả cái nhơ bẩn, sống sượng đáng ghê tởm thì không thấy thích (resie),[88] thì muốn tác giả phải viết văn chương bóng bẩy thế nào cho ông thấy thích, rồi mà lại ghê tởm, rồi mà lại công phẫn nữa, tuy vậy mà vẫn không kìm nổi được cái con thú trong lòng ông - điều ấy mới vô lý - và để đến nỗi bị cái con thú nó hành!
Một lần cuối cùng, tôi xin ông cứ việc buồn nôn, buồn mửa, và thấy là ghê tởm, nếu ông đọc đoạn văn nào trong đó tả một cảnh uế tạp, bẩn thỉu, và cố sức kìm con thú trong lòng ông lại, đừng khao khát gì nữa, đừng bắt ai trong khi tả một cảnh nhơ bẩn mà lại phải dùng những câu văn thanh nhã nửa hở nửa kín, đọc lên không những không thấy ngượng mồm mà lại còn thấy hay ho, văn chương nữa, do thế cho ông thấy thích, thấy muốn ngâm nga hoặc muốn đọc lại để mà nghĩ đến dâm dục được kỹ càng!
Tôi khuyên ông nên đi chữa bệnh, rồi hãy nói chuyện văn chương.
Kính thư
VŨ TRỌNG PHỤNG
Hà Nội báo, số 38, ngày 23-9-1936
CHUNG QUANH THIÊN PHÓNG SỰ LỤC SÌ
Bức thư ngỏ cho một độc giả
Thưa ngài,
Tôi đã đọc kỹ lá thư của ngài rồi!
Cảm ơn ngài lắm. về những lời ngợi khen cái tôn chỉ của Tương lai, chúng tôi sẽ không phụ, và cứ tiến hành như đã tuyên bố. Rồi ngài sẽ hài lòng, có phải thế không? Nhưng, mạn phép ngài, tôi xin nói thẳng là tôi không đồng ý với ngài về chỗ ngài... bất mãn về một đoạn trong thiên phóng sự Lục sì. “Vẫn hay rằng đó là nhà nước làm ra, song le tôi tưởng không nên trích đoạn thơ vệ sinh ấy lên báo vì nó có hại lớn. Tôi không biết các cô gái nhỏ đọc đoạn thơ ấy thì. nghĩ thế nào... Riêng tôi, số báo ấy tôi đã cất kín tủ, không dám để bọn trẻ nhà tôi coi... thật là đáng tiếc..
Ấy đó, những lời ngài trách tôi. Vậy tôi xin nói: ngài cất báo vào tủ cũng phải vì ngài có toàn quyền về việc đề phòng con cái của ngài. Nhưng mà xin ngài nhớ cho rằng không những chỉ số báo Tương lai có đoạn ấy là không nên để trẻ con đọc, mà các báo chí khác nữa, ngài cũng nên làm như thế. Vì rằng đối với trẻ con thì báo nào cũng có hại cả, cho nên ở những nước văn minh người lớn có báo của người lớn, trẻ con có báo của trẻ con. Tờ báo không phải để làm việc cho đủ mọi người trong một gia đình cũng như trong xã hội, tờ báo không thể bênh vực ông quan lớn lẫn thằng dân đen, cả ông chủ nhân bóc lột lẫn người thợ thuyền bị áp chế. Tóm lại, khi một tờ báo đã có ích cho hạng người này thì tất nhiên phải có hại cho hạng người kia. Nhất là cơ quan chính trị và xã hội như báo Tương lai, thì là không phải để cho trẻ con xem, nhưng mà là bạn của bố mẹ chúng. Không, chẳng bao giờ một tờ báo lại có ích được cho đủ mọi hạng người.
Nói thế rồi, tôi lại phải xin ngài hiểu cho rằng viết thiên phóng sự Lục sì tôi không phải là chỉ một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực thì bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết, chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai. Thí dụ như tờ báo, trong khi đăng tin ông Đinh Công Huy làm giấy bạc giả, ông sư Hà Văn Thụy hiếp dâm, ông Vi Văn Huyên giết người và tự tử vì tình thì tờ báo ấy đã làm tròn phận sự thông tin rồi, chứ không phải lo thông tin như thế là hại cho quan trường, hại cho Phật giáo, hại cho tiếng thơm họ Vi.
Còn ngài, không hiểu rằng đọc bài thơ vệ sinh kia, thì cô gái nhỏ ấy sẽ nghĩ thế nào? Theo ý riêng tôi, thì cô gái nhỏ ấy sẽ ghê tởm, thấy nhà lục sì là đáng sợ, thấy người đàn bà mà phải học những “bài” như thế là mất cả nhân cách con người, thì nếu cô gái nhỏ biết nghĩ chút nữa, cô gái tự răn mình đừng làm gì đến nỗi phải bắt vào nhà lục sì, nghĩa là đừng có hư hỏng và tôi tưởng như thế là phúc lớn cho xã hội rồi đó. Ngài sợ đoạn thơ ấy ám thị cho cô gái nhỏ có ý dâm chăng? Thưa không! Cái gì đã bẩn thỉu đến làm cho ta nôn oẹ như thế thì nó không có tính chất khiêu dâm đâu, ngài ạ... Khiêu dâm là những danh từ bóng bẩy văn hoa, là sự nói cái dâm bằng những danh từ điêu trá của văn chương nó không chướng cái lỗ tai của ngài, nhưng quả thật nó có hại cho cô gái nhỏ vô cùng!
Nay, tôi xin nói thẳng ngay rằng nếu cô gái nhỏ ấy mà có khao khát ái tình - nghĩa là dục tình - mà có lãng mạn, mà có nhân tình hay là bạn trai, hay là sẽ bỏ chồng, hay là sẽ giải phóng, hay là sẽ cách mệnh lại gia đình thì đó có ảnh hưởng của thứ văn đại khái như Tô Tâm, Đoạn Tuyệt, Lạnh lùng hay là một bài thơ của Hồ Xuân Hương, hay là một cuốn văn “thanh tao” nào khác của một tụi vô lại, nhưng tội còn nặng hơn nữa, chứ không phải vì đoạn thơ vệ sinh của nhà nước mà tôi đăng trong Tương lai.
Thế thì ngài đã hiểu ra chưa?
Đối với trẻ con, sách nào cũng có hại, báo nào cũng có hại. Ngài ơi, cái sự khốn kiếp của loài người là thế đó, ngu thì muốn học cho biết thì đã là hại rồi! Than ôi! Nhân đây tôi muốn nói với ngài như trạng sư Mors Grafferi trong khi cãi cho nhà văn sĩ Anquetil, đã nói với cả các ông quan tòa “cái con đĩ lữa to béo ấy, cái tính cả thẹn của loài người! (Cette grande prostiuée quest la pudeur humaine!) thật thế đấy. Người đời sợ sự thực, nó ô uế, nó xấu xa. Có một vết thương sâu quảng, người đời chỉ muốn lấy lụa là, gấm vóc phủ lên trên, nhưng thế có phải đâu là chữa bệnh! Phải mổ nó ra, mặc lòng nó bẩn mắt, nó khó chịu khứu quan. Xã hội này có vết thương, tôi phô nó ra để ngài biết mà chạy chữa. Lục sì là nạn mãi dâm, là nạn hoa liễu, nó được đục khoét chín phần mười cái xã hội của ngài, thưa ngài!
Sao lại vì một chữ như “dương vật” mà đã rụng rời hết vía thế.
Này, ngài ơi, ngài thử đọc những quảng cáo thuốc phong tình, di tinh, liệt dương nhan nhản trên các báo mà xem những chữ như thế, hoặc đáng “tởm” hơn thế, có đắc dụng hay không?
Vậy mà sao lạí chỉ chê trách có một mình tôi là làm bẩn mắt ngài mà không trách các chủ báo và các ông vua thuốc lậu? Ô hay ngài vẫn chưa biết Lục sì là một thiên phóng sự mà tôi ao ước có tính chất khoa học hay sao? Thôi đi, đã một thế kỷ nay rồi, Victor Hugo đã phải hò hét đòi cái quyền được gọi con lợn là con lợn. Đây tôi không lý luận như Zola, Flaubert, Baudelaire, Margueritte, Richepin[89] những người cũng đã bị kết án là khiêu dâm, là ô uế, là vô liêm sỉ mà bây giờ được tôn là văn hào, để mà lòe ngài đâu. Ngài nhớ ra mà xem, ngài cũng đã có đủ học thức, nhưng ngài đã quên khuấy đi mất đấy!
Nhân loại đã tiến bộ rồi!
Thế kỷ này phải trọng khoa học, trong sự thật mặc dầu có khi nó uế tạp, gớm ghiếc, chỉ có những đồ vô học thức thì mới bướng bỉnh bằng cái tính e thẹn của những quân bồi săm!
Cái nhơ bẩn không khiêu dâm. Khiêu dâm là sự nửa kín nửa hở, là cuốn phim trưởng giả về Music Hall[90] những ám ảnh của báo Beauté magazine, báo Sex appel[91] cô gái nhảy mặc áo tân thời bằng voan mỏng, những chuyện tình “cao thượng” nó làm hại cô gái nhỏ, cậu con trai của ngài, hay là nó khiêu dâm cả chính ngài! Đó là về phần ngài! Còn về phần cô gái nhỏ mà ngài lo sợ? Thưa ngài hiện giờ ở bên Pháp dự án Scillier đương ở thời kỳ thảo luận. Nay mai, chỉ nay mai thôi, nó sẽ ban hành ở Pháp và ở đây. Đối với nạn mãi dâm, sẽ có khoản nam nữ giao cấu giáo dục (éducation sexuelle) cho các trường sơ đẳng...
Lúc ấy - nó sắp đến - thì cậu con trai ngài hay ngài, hay “cô gái nhỏ” sẽ phải học đến những danh từ khoa học dùng để chỉ mọi phần của những cơ quan sinh dục và nó được nhắc đến ở miệng trẻ con luôn. Lúc ấy tôi đợi ngài bảo Nha học chính Đông Dương[92] là dâm uế, khiêu dâm, đểu giả và vô liêm sỉ.
Kính thư
VŨ TRỌNG PHỤNG
Báo Tương lai số II, 1937 tháng ba
ĐỂ ĐÁP LỜI BÁO NGÀY NAY: DÂM HAY LÀ KHÔNG DÂM?
Tự lực Văn đoàn, bằng báo Ngày nay số 51, đã có cho đăng một bài công kích tôi, quanh quẩn lại cái vấn đề “chống dâm uế”. Cũng như ông Lê Thăng trả thù Tương lai bằng cách bảo tôi là thằng khốn nạn, Ngày nay cũng trả thù Tương lai bằng cách công kích thiên phóng sự Lục sì. Tuy báo Ngày nay ở chỗ để rõ “ý kiến một người đọc” đã không chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài công kích ấy, tôi cũng xin có lời cảm tạ Tự lực văn đoàn, vì công kích tôi là cho tôi có được dịp bày tỏ cái chủ trương của tôi xưa nay. Song tôi xin độc giả để ý rằng Ngày nay đã giao hẹn bài công kích tôi là “một độc giả”, nhưng ông Nhất Chi Mai, tác giả của bài ấy, sự thực lại còn là người viết giúp Tự lực văn đoàn khi còn Phong hóa nữa. Có nói kỹ lưỡng thế ta mới hiểu được vì đâu có bài công kích kia. Vì đâu?
Độc giả hẳn còn nhớ rằng Tương lai không công nhận sự “tố giác? Phổ thông bán nguyện san của Ngày nay là xứng đáng của người quân tử. Chỉ vì thế nên chỉ ông Nhất Chi Mai mới nói những cảm giác phẫn uất, khó chịu và tức tối, khi ông đọc truyện Thị Mịch và phóng sự Cơm thầy cơm cô của tôi. Nhưng 5 cái này đã đăng ở Hà Nội báo từ năm 1935, mà bây giờ chưa in ra sách. Đáng lẽ công kích tôi từ ngay khi xưa, hoặc chờ mai sau in ra sách xong đã, thì ông Nhất Chi Mai lại làm việc ấy và báo Ngày nay lại đăng bài ấy giữa lúc này khi các ông đối với Tương lai có một mối thâm thù, do thế, tôi rất ngờ lòng thành thực của các ông, khi các ông tự nhận là bênh vực cho cái nghệ thuật mà tôi làm cho ô uế!
Tội nghiệp biết bao! Đáng lẽ khi thấy tôi nói rằng: đối với trẻ con, báo nào, sách nào cũng có hại và sách Đoạn tuyệt, Lạnh lùng có thể có hại cho trẻ con hơn là Lục sì các ông nên cho là phải; nhất là khi chúng tôi phải đếm xỉa đến luân lý trong lúc nói chuyện nghệ thuật... Bằng cớ tức tối về câu nói kia nữa, thời cũng nên dùng một chiến lược khác nguy hiểm cho tôi hơn. Than ôi! Mấy ông kia đã định hại tôi một cách hớ hênh làm sao! Khờ dại làm sao! Thù hằn báo Tương lai và tôi, mà lại hành động như vậy thì thật là giúp ích cho chúng tôi vô kể! Độc giả của cả hai tờ báo, không phải là những người ngu cho chúng ta tự do muốn làm gì thì làm.
Vậy thì, ông Nhất Chi Mai, hay là báo Ngày nay, công kích tôi những gì? Không, tôi sẽ không như các ông, trong khi tranh luận với kẻ thù, chỉ kiếm hết cách nói ra ngoài đề, mục đích là làm hại kẻ thù chứ không phải là để bênh vực cho một lý thuyết, hay tìm kiếm lẽ phải. Vậy tôi xin trả lời các ông từng dòng từng chữ, và xin độc giả cũng thể tất cho, nếu bài này sẽ dài vì có trích (nhiều) lời công kích của các ông kia.
Trước hết, ông Nhất Chi Mai hay phân bua chỉ là một độc giả chứ không phải là nhà phê bình chuyên môn, không ở văn phái nào cả. Thôi, cũng được! Thì tôi cũng đành nhận là thế, mặc lòng ông là tay trợ bút cũ của báo Phong hóa, mặc lòng bây giờ ông viết bằng một tên khác, mà tôi không nên nói rõ, ở báo Ngày nay. Thế là - rồi ông cho tôi là một thằng “văn sĩ nửa mùa” và đã lòe đời bằng cái học vấn “sơ học” của tôi! Thì cũng lại được nữa, chứ sao? Ông có cho tôi đâu? Mà ai lại cãi được khi người ta bảo mình là văn sĩ nửa mùa và ít học thức? Một lần nữa, tôi xin chịu khi các ông tự nhận là có học thức hơn tôi. Thế rồi sao nữa?
“Nhưng mục đích bài này không phải để vạch cái hành tung đáng ngờ của nhà văn xã hội Vũ Trọng Phụng, mà chính là vạch cái bẩn thỉu, nhơ nhớp, dơ dáng của văn ông ta”. Rồi ông Nhất Chi Mai kể ra một vài câu chuyện vặt trong Giông tố, Cơm thầy cơm cô của tôi. Đây tôi xin không cãi, vì công kích một chi tiết vặt trong cả cuốn truyện dài, hay là một hai chữ trong 300 trang tiểu thuyết như các ông dẫn cáo theo kiểu Hàn đãi Đậu mà không kể đến cái luận lý của toàn truyện, thì tôi cũng có thừa sức nêu ra những điều “ô uế” trong những sách báo của Tự Lực Văn Đoàn từ xưa đến nay, thí dụ trong những tranh khôi hài, chuyện vui cười, Hà Nội ban đêm, Lạnh lùng... của các báo và sách ấy. Tôi không cãi vội, chờ đến lúc văn phẩm của tôi in xong đã, để chờ được cãi lại nếu các ông muốn, như vậy có được không, hở các ông?
Từ đây trở đi, may sao cho tôi đã có thể đáp lại.
“Không ai cấm nhà văn Vũ Trọng Phụng dùng những chữ bẩn thỉu để mô tả những sự bẩn thỉu, nhưng trong khi viết những câu văn mà mình cho là khoái trá, tưởng cũng nên nghĩ đến độc giả một chút”.
Thưa ông, tôi nghĩ đến độc giả của tôi lắm. Nếu không thì tôi đã sợ sức phản động của phái người cổ hủ hoặc bảo thủ để mà phóng bút viết như Bichepin, Margueritte, Carco, Choisy, Colette[93] rồi, chứ còn gì! Và khi dùng một chữ bẩn thỉu, tôi chẳng thấy khoái trá như khi các ông tìm được một kiểu áo phụ nữ mới mẻ, nhưng lúc ấy, tôi chỉ thấy thương hại cái nhân loại ô uế bẩn thỉu, nó bắt tôi viết như thế, và nó bắt văn phái các ông phải chạy xa sự thực bằng những danh từ điêu trá của văn chương. Các ông quen nhìn một cô gái nhảy là một phụ nữ tân thời, vui vẻ trẻ trung, hy sinh cho ái tình hoặc cách mạng lại gia đình. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một người đàn bà vô học, chẳng có thi vị, lại hư hỏng, lại bất hiếu bất mục nữa, lại có nhiều vi trùng trong người nữa. Tôi không biết gọi gái đĩ là nàng - chữ ấy nó thi vị lắm - hoặc tô điểm cho gái đĩ ấy những cái thi vị mà gái đĩ ấy không có, đến nỗi đọc xong truyện người ta chỉ thấy một gái đĩ là làm gương cho thế gian noi theo! Thí dụ các ông có thể coi phong trào khiêu vũ là dấu hiệu tiến hóa mà các ông chủ trương. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một cách dâm bôn làm tăng số gái giang hồ, một tai họa cho nước nhà, mà giữa tình thế này, người biết nghĩ phải cho là đáng nhục. Tại sao ta lại không thành thực? Tại sao khi con gái mình, em gái mình hư hỏng, thì mình muốn tự tử, mà con gái hay em gái người khác bỏ chồng, bỏ nhà theo bạn trai mà lại gọi là giải phóng, là bình quyền, là chiến đấu cho hạnh phúc cá nhân? Đó, thưa các ông, cái chỗ bất đồng ý kiến giữa chúng ta. Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời. Cứ một chỗ trái ngược nhau ấy cũng đủ khiến chúng ta còn xung đột nhau nữa. Các ông muốn theo thuyết tùy thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thực, thành ra nguy hiểm, vì sự thực mất lòng.
Vậy xin đừng có phí lời khuyên tôi “nghĩ đến độc giả” vì tôi lo cho tôi hơn các ông nhiều, thưa các ông.
“Nhà văn Vũ Trọng Phụng lại hô lớn rằng: nhân loại đã tiến hóa rồi! Tuồng như nhân loại đã tiến ở chỗ, nói tục, dùng những danh từ bẩn thỉu uế tạp, và ở chỗ đầy rẫy những chuyện hiếp dâm, làm đĩ, ăn cắp, bịp bạc! Nếu nhân loại tiến ở đó thì cũng đáng buồn cho nhân loại. May sao cái nhân loại đó chỉ là cái nhân loại riêng của nhà văn Vũ Trọng Phụng thôi. Đối với nhà văn xã hội kỳ quái này, thì những người biết thận trọng lời nói, biết đắn đo dè dặt ngôn ngữ, biết khiếu viết văn đều là những đồ “vô học thức” có “tính không cả thẹn của quân bồi săm”.
Không, đó là ông Nhất Chi Mai và báo Ngày nay có ý hiểu nhầm. Nhân loại tiến hóa vì bẩn thỉu, phức tạp, hiếp dâm, làm đĩ, ăn cắp hay thế nào không rõ, nhưng tôi cho nhân loại tiến hóa ở chỗ trọng sự thực, nếu những nhà văn dám nói rõ những vết thương ấy cho mọi người nghe. Chứ sao? Theo ý ông, thì nhân loại chỉ có nàng ly tao, Thơ mới, những ông Tham, Đốc, Huyện, con quan, gái tân thời, thanh cao, lương thiện cả mà thôi, hay sao? Ông Nhất Chi Mai có biết Margueritte đã phải than phiền nạn mãi dâm bằng cuốn sách Prostiuées 22[94] không? Các ông có biết những sự dâm bôn của các triều đình cũ và mới bên Pháp trong tập báo Grapomllot[95] không? Các ông có biết nạn kê giao (pédérastre) mà bên Đức thì hàng triệu người theo, mà ở Pháp thì những ông mặt to tai lớn như A.Gide, Rostand, Verlaine, là những lãnh tụ, hay là không? Không, cái nhân loại ấy, không thuộc riêng tôi đâu, mà điều ấy thì người nào có cái học vấn “sơ học” trở lên, tôi tưởng đều nên biết thì mới tưởng nhân loại không có sự nhơ bẩn nào, ô uế nào. Tôi không bảo người không viết văn như tôi là vô học thức, có tính không cả thẹn của quân bồi săm; nhưng phàm kẻ nào giả dối nhắm mắt buộc tôi là vu oan, chối cãi rằng nhân loại không bẩn thỉu như đã nói trên, thì tôi bảo như vậy! Nhân loại tiến hóa rồi! Thật thế, vì nay mai Pháp đình ưng chuẩn bị cho dự án của Scillier, thì những điều các ông cho là dâm uế đã được người ta giảng dạy cho trẻ con! Đến lúc ấy những cái dâm uế của tôi sẽ không làm cho các ông “phẫn uất” và tôi tưởng các ông có học vấn như thế, hẳn là phải biết trước khi mọi người biết, mới là hợp lẽ.
“Kết luận, tôi phải nói cái cảm tưởng của tôi khi đọc văn Vũ Trọng Phụng.
“Đọc xong một đoạn văn, tôi thấy trong lòng phẫn uất khó chịu, tức tối.
“Không phải phẫn uất, khó chịu, vì cái vết thương xã hội tả trong câu văn, mà chính là vì cảm thấy tư tưởng hắc ám, căm hờn nhỏ nhen ẩn trong đó.
“Đành rằng nhà văn có cái thiên chức nêu những cái thống khổ của nhân loại, vạch cái xấu xa của loài người, nhưng bao giờ cũng cần phải có một ý nghĩa cao thượng, một tư tưởng vị tha, một lòng tín ngưỡng ở sự tiến hóa mong cho nhân loại ra khỏi nơi u ám và một ngày một hay hơn, một sung sướng hơn lên.
“Đọc văn Vũ Trọng Phụng, thực không bao giờ tôi thấy một tia hy vọng, một tư tưởng lạc quan. Đọc xong ta phải tưởng tượng nhân gian là một nơi địa ngục và chung quanh mình toàn những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục, nói càn, một thế giới khốn nạn vô cùng.
“Phải chăng đó là tấm gương phản chiếu tính tình, lý tưởng của nhà văn, một nhà văn nhìn thế gian qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn cũng đen nữa?” (Nhất Chi Mai - Ngày nay số 51).
Ông Nhất Chi Mai chối cãi rằng cái “phẫn uất, khó chịu, tức tối” ấy không phải vì thấy xã hội là xấu xa, nhưng vì tư tưởng của tôi hắc ám, nhỏ nhen, căm hờn...
Hắc ám, có! Vì tôi vốn là người bi quan, căm hờn cũng có, vì tôi cho rằng cái xã hội nước nhà mà lại không đáng căm hờn, mà lại cứ “vui vẻ trẻ trung, trưởng giả, ăn mặc tân thời, khiêu vũ, v.v.. như các ông chủ trương thì một là không muốn cải cách gì xã hội, hai là ích kỷ một cách đáng sỉ nhục.
Còn bảo nhỏ nhen thì là thế nào?
Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng, mà bảo là nhỏ nhen, thì há dễ Zola, Hugo, Malraux, Dostoievsky, Maxime Gorki[96] lại không cũng là nhỏ nhen?
Nói như ông Nhất Chi Mai, thì tôi há lại không có thể nhìn vào tờ Phong hóa, tờ Ngày nay mà kêu rằng xã hội riêng của Tự lực Văn đoàn là “một nơi địa ngục” chung quanh toàn là những Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạng, Hà Nội lầm than, ăn cướp, ăn cắp, ăn trộm, đàn bà nghiện hút, buôn người, đồng bóng, sư vãi hoang dâm, và mới đây, Hà Nội lầm than, nghĩa là các cô gái nhảy? Nhưng thôi, đến đây ta không muốn cả cười, ta nên im lặng.
Ông Nhất Chi Mai muốn biết tôi có cặp kính đen, bộ óc đen, và một nguồn văn cũng đen?
Nếu các ông không muốn sờ lên gáy thì thôi, bao nhiêu chuyện gì thanh cao, tao nhã, cao thượng của loài người, xin các ông cứ cố mà hương hoa khấn khứa. Tôi xin để phần ấy cho các ông.
Riêng tôi, xã hội này, tôi chỉ thấy là khốn nạn: Quan tham, lại những, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của bọn giầu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền bị lầm than, bị bóc lột. Lạc quan được, cho đời là vui, là không cần cải cách, cho là cái xã hội chó đểu này là hay ho tốt đẹp, rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi thế là giả dối, là bị mình lừa mình và di họa cho đời, nếu không là vô liêm sỉ một cách thành thực.
Tôi tưởng tôi đã đủ đáp lại sự khinh bỉ tôi của các ông.
VŨ TRỌNG PHỤNG
Báo Tương lai, 25-3-1937
VŨ TRỌNG PHỤNG
Làm Đĩ
TIỂU THUYẾT
Chịu trách nhiệm xuất bản:
NGUYỄN VĂN LƯU
Biên tập nội dung: NGUYỄN THỊ HẠNH
Trình bày: MINH THANH
Vẽ bìa: VĂN SÁNG
Sửa bản in: ĐẶNG NGỌC
In 1.000 cuốn khổ 13 X 19cm, tại Trung tâm chế bản và in - Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội. Giấy phép xuất bản số: 48/XB- QLXB/164/VHGP ngày 14/6/2005. In xong và nộp lưu chiểu năm 2005.
Làm Đĩ Làm Đĩ - Vũ Trọng Phụng Làm Đĩ