A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 15
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XXIII - Phục Dịch
uổi chiều buông xuống chiến hào. Trong suốt ngày, nó đã mon men đến, vô hình như định mệnh và giờ đây thì nó xâm nhập vào bờ lũy những hố dài như hai mép của một vết thương vô tận.
Ở dưới đáy hố, từ sáng chúng tôi đã nói chuyện, ăn uống, đã ngủ và viết lách. Chiều đến, một lần sóng xoáy tròn đã tỏa ra trong hố dài vô biên, xốc xáo và hợp nhất đám người lộn xộn, đờ đẫn với những người lẻ tẻ ở rời rạc nhau. Đó là giờ mà mọi người phải nhổm dậy để đi phục dịch.
Vônpat và Tiarét cùng đi lại. Vônpat nhìn đám mây mỗi lúc một tối sầm, nói:
- Lại một ngày nữa đã qua, một ngày như những ngày khác.
Tiarét trả lời:
- Biết đâu đấy, ngày hôm nay chưa hết đâu.
Kinh nghiệm lâu ngày về những sự khốn cùng đã cho gã biết là ở nơi chúng tôi đóng đây, không nên đoán trước dù chỉ là đoán trước tương lai nhỏ mọn của một buổi chiều tối tăm thường đang bắt đầu kết thúc…
- Nào, tập hợp!
Anh em tập trung chậm chạp, dềnh dàng theo thói quen. Mỗi người dẫn xác đến với khẩu súng trường, những bao đạn, bình nước,túi dết đựng một mẩu bánh mì. Vônpat còn đang ăn, má phình ra và phập phồng. Parađi lầu bầu, hai hàm răng lập cập, mũi tím bầm. Fuiat lê khẩu súng như lê một cái chổi. Mactơrô ngắm nghía rồi bỏ vào túi cái mùi xoa chán phè, nhàu nát và cứng quèo.
Trời rét, mưa phùn. Mọi người run lập cập.
Ở đằng kia có tiếng như đọc kinh:
- Hai xẻng, một cuốc, hai xẻng, một cuốc…
Hàng người kéo đến kho để dụng cụ, dừng lại ở cửa kho rồi lại đi, lởm chởm những cuốc xẻng.
Viên cai nói:
- Xong cả chưa? Đi!
Họ chuyển bước xuống dốc. Họ tiến về phía trước, đi đâu cũng không hay. Họ không biết gì hơn là trời đất sắp hòa với nhau trong một vực sâu chung.
o O o
Họ ra khỏi chiến hào đen thui như một núi lửa đã tắt, và ra đến cánh đồng trong cảnh hoàng hôn suông nhạt.
Những đám mây lớn xam xám, sũng nước, lõng thõng trên trời. Cánh đồng màu gio, mờ sáng, đầy cỏ bết bùn và những vệt nước dài. Từng chỗ, những cây to trụi hết lá chỉ còn trơ ra những cành cây khẳng khiu, thân cây vặn vẹo.
Trong sương khói, họ không trông được xa. Vả lại họ còn phải cúi xuống đất, nhìn vào bùn trơn.
- Chẳng khác gì cháo nhão!
Vượt qua ruộng, chân họ đạp vào một thứ bột quánh nhơm nhớp luôn luôn bị giẫm bẹt ra rồi chảy ngược lại trước mỗi bước chân.
- Y như kem súc-cô-la! Kem cà-phê!
Trên những phần trải đá – đường cái cũ đã xóa nhòa bây giờ thành bình địa như ruộng nương – đoàn quân nghiến nát, qua lớp đất mỡ, những hòn đá cuội vỡ vụn và kêu sào sạo dưới gót giầy đinh.
- Như là đi trên bánh mì nướng phết bơ.
Có khi ở sườn một mô đất, lớp bùn đen dầy hõm sâu xuống chất thành đống như ta thường thấy quanh những chỗ cho súc vật uống nước trong làng. Nơi đất trũng thì đầy những vũng nước, ao, chuôm, bờ loi thoi rách tả tơi.
Những anh láu lỉnh, lúc xuất phát còn sung sức, nói đùa: “Cạc, cạc!” khi gặp nước, bây giờ những câu bông đùa thưa thớt âm thầm. Dần dần họ im hẳn. Trời đổ mưa mau. Giọt mưa rơi thành tiếng. Ánh sáng ban ngày nhạt dần, không gian rối mù như co hẹp lại. Dưới đất chỉ còn lại một chút ánh sáng vàng vàng nhợt nhạt đọng lại trên mặt nước.
o O o
Ở phía Tây hiện ra dưới trời mưa những bóng thầy tu tùm hụp. Đó là một đại đội của Tiểu đoàn 204, khoác toàn vải lều. Khi họ đi qua, chúng tôi thấy mặt họ hốc hác và nhợt nhạt, mũi đen, trông như một đàn chó sói lướt thướt. Rồi không trông thấy họ nữa.
Chúng tôi theo một con đường mòn giữa những thửa ruộng cỏ mọc hỗn độn. Con đường đó nguyên là một cánh đồng đất sét, bị vô số vết bánh xe song song khía nát, và những vết chân người và bánh xe đi về phía trước hoặc đi về phía sau cày lên theo một hướng.
Chúng tôi nhẩy qua giao thông hào rộng hoác. Việc đó không phải lúc nào cũng dễ dàng: bờ hào quánh trơn và đất lở làm nó tòe loe ra. Vả lại sự mệt mỏi đã bắt đầu đè trĩu lên vai chúng tôi. Xe cộ đi ngược lại chạy ầm ầm làm bắn tung nước. Những con ngựa kéo trọng pháo giậm chân, té vào chúng tôi từng nắm nước bùn. Bánh xe cam-nhông cuốn theo một vành nước, quay tròn và tóe ra xung quanh cái nhà lưu động ầm ĩ ấy.
Đêm càng khuya thì cảnh tượng những cỗ xe ngựa chuyển động, cổ ngựa vươn thẳng lên, và những đoàn kỵ binh áo khoác bay phần phật, súng khoác trên vai, càng in hình thành những nét kỳ quái trên nền trời đầy mây. Có lúc những xe ngựa chở đạn pháo binh vướng nhau, tắc lối đi, dừng lại, đứng tại chỗ khi chúng tôi vượt qua. Người ta nghe thấy một âm thanh lẫn lộn những tiếng trục xe ken két, tiếng nói, tiếng cãi nhau, những mệnh lệnh đối nhau chan chát, và tiếng mưa ào ào như tiếng biển cả. Người ta trông thấy những móng ngựa và những áo khoác kỵ binh bốc hơi ở trên đám hỗn độn lờ mờ.
- Cẩn thận!
Về bên phải, có cái gì trải dài dưới đất. Đó là một dẫy tử thi. Khi đi qua, người ta bất giác tránh xa và dán mắt nhìn vào. Người ta trông thấy những đế giầy chổng lên, những cổ họng bị căng ra, những bộ mặt mờ mờ hốc hác, những bàn tay hơi co quắp và ở dưới là một mớ hỗn độn đen ngòm.
Dưới bầu trời đầy mây xơ xác như những xống áo tả tơi đang tỏa ra trong không trung đen tối, bị vấy bẩn từ bao ngày vì sự tiếp xúc lâu dài với đám người cùng khổ, chúng tôi vẫn đi, đi mãi trên đồng ruộng tái xám mòn dần dưới gót chân người.
Rồi chúng lôi lại đi xuống giao thông hào.
Đường hào ở sâu xuống từng dưới nữa. Muốn xuống phải đi vòng một vòng rộng, vì vậy những người đi tập hậu có thể nhìn thấy, trong một đường bán kính khoảng một trăm thước, toàn bộ đại đội tỏa ra trong chiều hôm, những con người bé nhỏ đen đen bám vào thành dốc, đi theo nhau và rời rạc, cuốc xẻng và súng ống dựng ngược hai bên đầu, chẳng khác gì một dúm ít ỏi những người bị tội, vừa đi vừa giơ hai tay lên van lơn.
Giao thông hào này còn ở tuyến thứ hai nên đông người. Ở ngưỡng cửa hầm trú ẩn, treo lủng lẳng một tấm da thú hay một miếng vải xám, có người đương ngồi xổm, râu tóc xồm xoàm, nhìn chúng tôi ði qua bằng con mắt lờ ðờ nhý không trông thấy gì cả. Có những tấm vải khác treo thõng xuống sát đất, thấy thò ra những cặp chân và nghe có tiếng ngáy.
- Mẹ kiếp! Dài quá đi mất! Trong bọn đương đi bắt đầu có người càu nhàu như vậy.
Đoàn quân chùn lại, dồn nhau về phía sau.
- Đứng lại!
Phải dừng lại cho những người khác đi qua. Mồm chửi rủa, họ ùn cả lại ở hai bên bờ thoai thoải của chiến hào. Đó là một đại đội súng máy, vai khiêng những gánh nặng kỳ lạ.
Mãi không hết. Phải dừng chân như vậy thật mệt lử người. Gân thịt bắt đầu co quắp. Bị kiệt sức vì đứng lâu tại chỗ, chúng tôi rã rời cả người.
Vừa bước được mấy bước, lại phải lùi về hào tránh nhau, để chỗ cho bọn lính điện thoại thay phiên đi qua. Chúng tôi lùi lại như một đám súc vật bị vướng víu.
Rồi chúng tôi lại nặng nề bước chân đi.
- Coi chừng cỏ dày!
Đường dây điện thoại lượn vòng trên chiến hào, vắt qua hào bằng những cọc chống. Khi dây không được căng lắm, nó lòng thòng trong hào và móc vào súng của người đi qua, nhũng người bị vướng như vậy loay hoay chửi rủa bọn lính điện thoại không bao giờ biết mắc dây cho ra hồn.
Rồi sau vì vướng dây nhiều quá, những đường dây quí báu lõng thõng chằng chịt rối ren, chúng tôi phải đeo súng vào vai, báng lộn ngược và đầu xẻng chúc xuống đất chúng tôi bước lom khom mà đi.
o O o
Bất thình linh chúng tôi bắt buộc phải đi chậm lại. Chỉ tiến từng bước một, người nọ dính sát vào người kia. Chắc đầu hàng đang gặp phải một nơi khó qua lại.
Rồi cũng đến được chỗ đó: mặt dốc dẫn đến một kẽ hở toang hoác. Đó là giao thông hào có mái. Những người khác đã đi khuất vào cửa hang thấp rồi.
- Té ra phải chui vào trong cái ruột lợn này à?
Mỗi người đều trù trừ không muốn vùi mình vào hang tối đó. Vì ai cũng trù trừ chậm chạp như vậy nên ảnh hưởng đến những khúc sau của đoàn quân, làm cho hàng quân trùng trình, lối đi bị tắc và có khi, bất chợt phải dừng hẳn lại.
Vừa bước vào hầm, chúng tôi đã chìm ngập trong một bóng tối dày đặc làm mỗi người chúng tôi bị tách rời hẳn nhau. Một mùi mả mốc, mùi bùn tanh xộc vào mũi chúng tôi. Trên trần đường hầm, chúng tôi thấy có những đường vạch, những lỗ mờ mờ sáng: đó là chỗ nứt, những kẽ hở của những tấm ván ở trên. Đôi chỗ, nước rỉ chảy xuống thành dòng khá mạnh. Mặc dầu đã sờ soạng cẩn thận, chúng tôi vẫn vấp phải những đống gỗ và va phải ở hai bên những tấm gỗ chống trông thấy lờ mờ dựng đứng.
Trong quãng hầm dài dằng dặc kín như bưng ấy, có những tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc: đó là tiếng động cơ của chiếc đèn pha đặt ở đó, nơi chúng tôi sắp đi qua.
Sau khi dò dẫm mười lăm phút, ngập ngụa trong đó, thì một gã không chịu được nữa vì tối tăm và ẩm ướt quá, cáu tiết vì phải húc vào một nơi mù tịt, lầu bầu:
- Mặc kệ, ông bật đèn!
Một chiếc đèn pin lóe lên một chấm sáng. Lập tức có tiếng viên đội gầm lên:
- Con khỉ? Thằng ngốc nào bật đèn thế! Mày điên à? Đồ chó ghẻ, mày không biết qua trần này trông thấy ánh sáng được à?
Sau khi đã rọi lên bên vách ảm đạm rỉ nước qua làn ánh sáng loe ra như hình tháp, chiếc đèn pin lại vụt tắt đi.
Anh chàng bật đèn lên tiếng nhạo báng:
- Đâu mà dễ thấy thế, đây có phải là tiền tuyến đâu!
- A! không trông thấy!
Viên đội đã đi lẫn vào hàng lính, cố tiến lên. Và người ta đoán ra là gã vừa đi vừa ngoái cổ lại để cố phân trần bằng mấy câu nhát gừng:
- Đồ bẩn thỉu, đồ hề xiếc...
Nhưng bỗng nhiên gã lại the thé lên:
- Thằng nào lại hút thuốc kia! Khổ thực!
Lần này thì gã muốn dừng hẳn lại, gã vươn lên cố đứng cho chắc, thở lặc lè, nhưng gã vẫn bị cuốn theo đà, phải bước đi hấp tấp. Những câu chửi rủa quát tháo không thoát ra được làm gã tức điên người. Trong khi đó, điếu thuốc làm gã phát khùng đã lặng lẽ tắt đi.
o O o
Tiếng rung bần bật của cái máy nghe rõ thêm và hơi ấm tăng dần quanh chúng tôi. Chúng tôi càng tiến thì không khí trong hầm càng rung mạnh. Bất thần tiếng động cơ chuyển động làm đinh tai chúng tôi, làm chúng tôi rung động cả toàn thân. Nhiệt độ càng tăng thêm: hình như có một con vật hà hơi vào tận mặt chúng tôi. Theo con đường hầm phủ đất, chúng tôi bước xuống căn hầm dữ dội đang ầm ầm rung chuyển ở đó, một ánh lửa đỏ sẫm hắt lên vách hầm và làm chúng tôi biến thành những bóng khổng lồ cúi lom khom.
Trong tiếng ầm ầm ngày càng mạnh, trong gió nóng và ánh lửa ngày càng tăng lên khủng khiếp, chúng tôi xô về phía lò lửa. Mọi người đều đinh tai nhức óc. Bây giờ hình như cái động cơ đang chồm qua hành lang hướng về phía chúng tôi, chẳng khác gì một chiếc mô tô, đèn pha chói lòe, phóng nước đại, chạy thật nhanh để đè bẹp chúng tôi.
Khi ngang qua cái lò lửa đỏ rực và cái động cơ đen xì, guồng máy quay rú ầm như gió bão, chúng tôi bị quáng lòa, chỉ vừa kịp trông thấy ở đó có những bóng người đang cử động. Mắt nhắm lại, chúng tôi như ngạt thở vì hơi nóng rẫy ầm ầm toát ra.
Sau đó, tiếng động và hơi nóng còn như đuổi theo sau chúng tôi rồi yếu dần... Anh bạn đi cạnh tôi lầu bầu sau bộ râu:
- Thế mà thằng ngốc kia nó cứ kêu là đèn tớ sáng, lộ mục tiêu.
Đã đến chỗ thoáng. Trời xanh thẫm, đồng màu với màu bạc hơn của trái đất. Mưa càng dữ. Chúng tôi đi chật vật trong nước ngập bùn. Mỗi khi chiếc giầy thụt xuống, phải mệt chết điếng mới kéo được chân lên. Trong bóng tối, trông không rõ lắm. Tuy nhiên khi chui ở hầm ra, cũng còn trông thấy một đống lộn xộn những xà nhà lung tung trong chiến hào nơi đây đã rộng: đó là một cái hầm trú ẩn đã bị phá hủy.
Lúc đó, một chiếc đèn pha ngừng lại phía chúng tôi cánh tay dài có khớp rất dị kỳ của nó mà lúc trước nó đưa đi đưa lại trong bầu trời vô tận. Thế là chúng tôi đã nhận ra, trong đống chằng chịt những cây gỗ bị nhổ bật lên, chôn xuống, và những xà nhà gẫy, có rất nhiều binh lính bị chết. Sát ngay cạnh tôi, một cái đầu dính vào thây người đang quì bằng một sợi dây mơ hồ, và đang lủng lẳng trên lưng cái thây: trên má cái đầu lâu, một vết đen nham nhở những giọt máu đọng. Một cái thây khác ôm hai tay vào một cái cọc, và chưa ngã hẳn xuống. Một hình người khác nằm cong cong, bị đạn trái phá làm bay mất quần, để trơ bụng và sườn trắng hếu. Một thây nữa nằm bên rìa đống người, để lê thê bàn tay ra ngoài lối đi. Ở nơi này người ta chỉ qua lại ban đêm vì hào đã bị sụt lấp, ban ngày không thể đi qua được, mọi người đều giẫm lên bàn tay đó. Dưới ánh sáng của ngọn đèn pha, tôi trông rất rõ bàn tay đó, xương xương, đã bị mòn, bẹp mỏng như tờ giấy cũ, chẳng khác gì một cái vây cá bị cụt.
Mưa tầm tã. Tiếng mưa rơi bao trùm hết thảy. Cảnh tượng ngao ngán ghê người. Chúng tôi thấy mưa rơi trên da thịt, mưa như muốn lột trần mọi người. Chúng tôi đi vào giao thông hào lộ thiên, chỉ còn lại đêm tối và dông tố phủ lên đám người chết gục ở đó và còn như cố bám vào mảnh đất đó như bám vào một cái mảng.
Gió buốt làm những giọt mồ hôi đóng băng trên mặt chúng tôi. Bây giờ đã gần nửa đêm. Thế là đã hành quân sáu giờ liền trong bùn mỗi lúc thêm nặng trĩu chân.
Chính là giờ mà ở các rạp hát ở Pari sáng lòa những hoa đăng, rực rỡ những đèn điện, đầy rẫy những xa hoa ngông cuồng, người ta đang rún rẩy trong những bộ quần áo đẹp, trong hơi ấm của những buổi dạ hội. Một số người đông đảo được tâng bốc nhởn nhơ đang nói nói cười cười, tươi vui vỗ tay, nở mặt nở mày, lòng rung động nhẹ nhàng bởi những cảm xúc mà vở hài kịch đã khéo gợi dần lên trong lòng họ, hoặc họ đang phưỡn bụng thưởng thức tất cả cái huy hoàng và hoa lệ của những chiến công quân sự thần kỳ nhan nhản trên sân khấu nhạc kịch.
- Sắp đến chưa? Mẹ kiếp, hay là không bao giờ đến được hở? Một tiếng rên la thốt ra trong hàng người dài dằng dặc nhô lên tụt xuống trong giao thông hào, mang nào súng, nào xẻng, nào cuốc dưới trận mưa rào vô tận. Chúng tôi vẫn đi, đi mãi. Sự mệt mỏi làm chúng tôi choáng váng, lảo đảo ngã dúi dụi, người nặng như chì, ướt sũng, chúng tôi đụng vai vào vách đất cũng ướt như chúng tôi.
- Đứng lại!
- Đến rồi ư?
- À! phải, đến rồi.
Nhưng tạm thời chúng tôi bị dồn mạnh về đằng sau, có tiếng lào rào:
- Lạc đường rồi.
Bầy người đang lang thang trong sự hỗn độn đã nhận ra một sự thực: đến một chỗ rẽ nào đó, người ta đã đi nhầm đường và bây giờ thì có họa thánh mới tìm ra được đường đúng.
Hơn nữa, lại có tin đồn từ miệng nọ qua miệng kia là phía sau chúng tôi, một đại đội võ trang đầy đủ đang lên đường ra hỏa tuyến. Con đường chúng tôi đi qua bị tắc những người đi. Thế là bị nghẽn.
Sống chết cũng phải cố mà lộn về cái hào mà chúng tôi đã lạc, hình như cái hào đó ở phía trái chúng tôi và phải rúc qua một đường hầm. Mọi người đã kiệt sức, cáu kỉnh và chửi rủa lung tung. Họ lê từng bước, vứt hết cuốc xẻng đi rồi đứng sững ở đó. Ở nhiều chỗ, thoáng qua màu trắng của pháo sáng, từng tốp người ngồi phịch xuống đất. Cả đại đội rải rác trên đường dài từ Nam đến Bắc chờ đợi dưới trời mưa ác nghiệt.
Viên trung úy dẫn đường và đã làm cho chúng tôi đi lạc cố len qua anh em và tìm một lối rẽ ngang. Một giao thông hào nhỏ, thấp và hẹp mở thông sang bên cạnh.
- Chính là phải đi qua chỗ này, chắc chắn không sai. Nào, các bạn, bước lên.
Viên sĩ quan vội vã nói thế.
Mọi người cáu kỉnh lại nhặt đồ lề lên... Nhưng trong nhóm người đã đi lọt vào một cửa hầm nhỏ, bỗng nhao nhao nổi lên những lời chửi bới nguyền rủa.
- Đây là chuồng xí!
Một mùi thối hoắc bốc ra xác định tính chất không thể chối cãi được của cái hào. Những người đã chót bước vào vội dừng lại, bướng bỉnh không chịu tiến. Người nọ chen người kia và đều bị ngăn lại ở cửa chuồng phân.
Một anh kêu lên:
- Thà đi ngoài cánh đồng tớ còn thích hơn.
Nhưng trên bờ hào, những tia chớp xé những đám mây khắp mọi nơi, cảnh tượng trông ghê gớm đến nỗi trong đám người chui rúc dưới hầm, lửa đạn đè trĩu trên đầu, không một ai hưởng ứng anh chàng điên rồ đó.
Thôi thì dù muốn hay không, thế nào cũng phải đi qua nơi đó vì không có cách nào quay lộn lại.
Gã đi đầu thét lên:
- Nào, tiến lên trong cứt đái!
Chúng tôi lao mình đi, nghẹt thở vì kinh tởm. Mùi hôi thối không thể nào chịu nổi, chúng tôi bước vào đám cứt, giẫm lên thấy nó mềm mềm lẫn với bùn dưới đế giầy.
Đạn rít qua.
- Cúi đầu xuống.
Vì cái hào không sâu nên chúng tôi phải cúi xuống thật thấp để tránh đạn, vừa đi vừa lom khom trên những đống cứt rải rác giấy má mà chân người giẫm lên.
Cuối cùng chúng tôi lại đi vào cái hào mà lúc nãy nhầm lẫn đã rời bỏ. Chúng tôi lại bước, bước mãi, không biết bao giờ mới tới nơi.
Suối nước đang chảy ở đáy hào rửa sạch mùi thối tha và những cáu bẩn bết bê ở chân chúng tôi. Chúng tôi vẫn lang thang, miệng câm lặng, đầu rỗng tuếch. Sự mỏi mệt làm chúng tôi choáng váng và đờ đẫn cả người.
Tiếng gầm của đại bác nối tiếp nhau mỗi lúc một mau, và sau cùng hòa hợp thành tiếng gầm của cả trái đất. Tứ phía, tiếng đại bác bắn đi và tiếng nổ khi tới đích chớp lòe thành những vết loang lở lên màn trời mờ mờ trên đầu chúng tôi. Rồi trận oanh tạc trở nên kịch liệt, những ánh chớp liên hồi không lúc nào ngớt. Giữa những tràng sấm sét liên tiếp, người nọ trông thấy rõ người kia, đồ da bị thấm nước, lưỡi xẻng đen và bóng loáng, và còn trông thấy cả những giọt nước mưa trăng trắng rơi không ngớt. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một quang cảnh như vậy: đúng là một cảnh sáng trăng cấu tạo bằng ánh lửa đại bác.
Đồng thời không biết cơ man nào là pháo hiệu bắn lên từ tuyến ta và tuyến địch, họp nhau lại, xoắn xuýt thành những đám sao; có một lúc hình như có một chùm sao Đại Hùng tinh bằng pháo hiệu xuất hiện trong mẩu trời giữa hai thành hào để soi sáng cuộc hành quân khủng khiếp của chúng tôi.
o O o
Chúng tôi lại bị lạc đường một lần nữa. Lần này đến tận sát cạnh tiền tuyến ta, những ở khoảng cánh đồng đó có một nơi đất trũng như lòng chảo lố nhố có bóng người qua lại.
Chúng tôi đã theo dọc một đường ngầm tiến về một hướng, rồi lại đi ngược lại. Trong sự rung chuyển sáng chói của đại bác, ánh sáng giật giật như màn chiếu bóng hồi trước chiến tranh, chúng tôi trông thấy trên thành hào hai anh lính cáng đang cố khiêng một cái cáng nặng qua hào.
Viên thiếu úy, ít ra là đã biết nơi mà hắn phải dẫn nhóm người lao động đến, gọi giật hai người:
- Giao thông hào mới ở chỗ nào hở?
- Tôi không biết.
Trong hàng ngũ có anh em hỏi thêm: “Ở đây cách bọn Bôtsơ bao nhiêu?” Họ không trả lời. Họ còn nói chuyện với nhau. Gã đi trước nói:
- Tớ đứng lại đây. Tớ mệt quá rồi.
Gã kia bì bõm trong bùn với gánh nặng trên vai, trả lời giọng phát khùng:
- Nào, con khỉ, tiến lên! Không thể đứng mốc ra ở đây được!
Họ đặt cáng lên thành hào, đầu cáng treo ngay trên hào. Khi chui qua phía dưới, chúng tôi trông thấy hai chân của người nằm trong cáng, và nước mưa rơi vào trong cáng rỏ giọt đen ngòm.
Từ mé dưới anh em hỏi:
- Thương binh à?
Lần này thì anh lính cáng lầu bầu trả lời:
- Không, một xác chết nặng ít ra là tám mươi kilô. Thương binh thì còn nói gì – từ hai ngày hai đêm nay khiêng không ngớt tay – nhưng hộc bơ ra để khiêng người chết thì có khổ người ta không.
Rồi anh lính cáng đứng trên bờ hào, đưa một chân vào một cái lỗ dưới chân bờ hào bên kia và xoạc hai chân thật rộng qua mặt hào, cố giữ thăng bằng một cách chật vật. Gã nắm lấy đầu cáng và kéo sang bên kia: gã gọi người bạn đưa giúp sang.
Xa hơn chút nữa, chúng tôi thấy bóng dáng một sĩ quan đội mũ chụp đứng nghiêng nghiêng. Gã đưa tay lên mặt và người ta thấy ở ống tay áo gã lóng lánh hai vệt vàng vàng.
Có lẽ gã sẽ trỏ đường cho chúng tôi... nhưng không, gã hỏi có ai trông thấy pháo đội của gã không vì gã đang đi tìm nó.
Thế thì biết đến bao giờ mới tới được.
Tuy nhiên chúng tôi cũng tới nơi.
Chúng tôi đến một khoảng ruộng có than, lởm chởm những cột mảnh dẻ. Đến đó chúng tôi leo lên và lặng lẽ tản ra. Địa điểm đây rồi.
Nhưng nhận cho ra nơi làm việc là cả một vấn đề. Bốn lần liên tiếp, phải tiến lên rồi lại lùi về, làm thế nào cả đại đội đứng phân cách cho đều đặn dọc theo chiều dài cái hào mà anh em phải đào để cho khoảng cách thật đều giữa các kíp gồm một người mang cuốc và hai người mang xẻng.
- Tiến lên ba bước nữa... Quá rồi. Lùi lại một bước. Nào, lùi lại một bước. Điếc đấy à?... Đứng lại... Ở đấy!
Công việc cắt đặt người cho chinh xác đó do một viên trung úy và một hạ sĩ quan công binh từ dưới đất hiện lên điều khiển. Cả hai người cùng một lúc, hoặc riêng từng người một, hối hả, chạy dọc theo hàng ngũ, khe khẽ quát lên những mệnh lệnh vào mặt anh em, có khi nắm cánh tay họ để hướng dẫn. Công việc được điều khiển một cách trật tự, nhưng đã biến thành lộn xộn, ồn ào náo động vì anh em kiệt sức, vừa yên chỗ đã phải luôn luôn nhổ rễ đi nơi khác nên cáu kỉnh bực tức.
Quanh tôi có người nói nhỏ:
- Ta đương ở phía trước tiền tuyến.
Những tiếng khác thì thào:
- Không, vừa sát sau tiền tuyến.
Chẳng ai biết thế nào. Trời vẫn mưa luôn, nhưng không mưa to bằng những lúc đương đi. Mưa cũng chẳng sao! Anh em đã nằm xoài xuống đất. Lưng và chân tay ngả xuống đất bùn êm êm, khoan khoái quá, nên nước lạnh xói vào mặt, ngấm vào da thịt, chảy vào chỗ nằm, anh em vẫn dửng dưng coi như không.
Nhưng nằm chưa kịp thở thì đã phải bắt đầu làm quần quật ngay. Người ta không dại dột để chúng tôi nghỉ rồi thì lì ra. Bây giờ đã hai giờ sáng: trong bốn tiếng nữa thì trời sẽ sáng rõ, không thể ở đây được nữa. Không thể bỏ phí một giây phút.
Người ta bảo chúng tôi:
- Mỗi người phải đào một thước rưỡi bề dài, bảy mươi phân bề ngang và tám mươi phân bề sâu. Như vậy mỗi nhóm phải đào bốn thước rưỡi bề dài và tôi nhắc các anh hãy cật lực mà đào. Càng xong sớm càng được về sớm.
Câu phỉnh phờ này ai cũng đều biết cả. Trong lịch sử của Trung đoàn chưa từng có chuyện một đội đi đào đất được người ta thả cho về trước lúc cần thiết phải rút lui để quân địch khỏi trông thấy, nhận ra và tiêu diệt cả người lẫn công sự.
Anh em lầm bầm:
- Ừ, ừ, thôi được... không phải con cà con kê. Để dành hơi sức chứ.
Trừ một vải anh ngủ chí tử chốc nữa sẽ phải xuất tận lực ra mà làm, mọi người đều ra công đào rất dũng cảm.
Trước hết, phải tấn công vào lớp đất trên của phòng tuyến mới: những cục đất lằng nhằng những sợi cỏ. Lúc đầu tiên, công việc làm dễ và mau – như mọi công việc đào đất thịt – do đó ta có ảo tưởng sẽ làm xong nhanh chóng, sẽ có thể ngủ trong hố đã đào. Ý nghĩ đó làm cho anh em hăng hái chút ít.
Nhưng, có lẽ vì tiếng xẻng, hoặc vì vài người bi bô nói to quá mặc dầu đã căn dặn, nên sự náo động của chúng tôi làm một pháo hiệu vọt lên và rít ở mé tay phải chúng tôi, vạch ra một đường lửa.
- Nằm xuống!
Mọi người nằm bẹp xuống. Pháo hiệu chao đi chao lại tỏa ánh sáng xanh xao trên cánh đồng như đầy người chết.
Khi pháo hiệu đã tắt, mới đầu thì lác đác, sau là khắp mọi nơi, anh em lại nhổm dậy, ra khỏi công sự lúc nãy che khuất mình và lại bắt đầu làm việc cẩn thận hơn.
Lập tức một pháo hiệu thứ hai vọt lên thành một cột ánh sáng vàng vàng làm cho hàng người đang đào lại nằm bẹp dí xuống. Rồi một pháo hiệu khác, và một pháo hiệu khác nữa.
Đạn bay qua xé không khí quanh mình chúng tôi. Có tiếng kêu lên:
- Một cậu bị thương!
Một người dìu anh ta đi qua. Hình như có nhiều người bị thương nữa. Loáng thoáng thấy những nhóm người, người nọ lê người kia đi khuất đi.
Địa điểm trở nên nguy hiểm. Chúng tôi phải cúi khom, ngồi xổm xuống. Vài người quỳ xuống mà bới đất. Vài người khác nằm dài ra mà đào, hì hục, trở mình trằn trọc như người ngủ mê thấy ác mộng. Lớp đất đầu đào thấy còn nhẹ, bây giờ là loại đất sét dính bết, cứng rắn khó đào, nó bám vào xẻng cuốc như bột mát-tích. Sau mỗi nhát xẻng lại phải nạo lưỡi cho hết đất.
Đã thấy lờ mờ thành hình một đường đất mới đào gồ ghề nho nhỏ, và mỗi người đều có ý nghĩ có thể chất lên đống đất cái túi dết và áo ca-pốt của mình cho nó cao hơn để có thể chúi mình đằng sau đống đen mỏng manh ấy khi làn đạn bay đến...
Khi làm việc thì mồ hôi chảy ra; khi ngừng lại thì rét thấu xương. Vì vậy phải cố mà khắc phục sự đau đớn và mệt mỏi để tiếp tục đào.
Không, làm gì mà chóng xong được... Đất trở nên mỗi lúc một nặng thêm. Hình như có một sức mạnh thần bí chống lại chúng tôi làm cánh tay chúng tôi bị tê bại. Pháo hiệu luôn luôn quấy rầy, truy nã chúng tôi, không cho cử động lâu. Ánh sáng của pháo hiệu làm chúng tôi phải ngừng lại, ngây người ra như đá, khi nó tắt, chúng tôi lại phải lao vào công việc gay go hơn. Hố đất sâu dần xuống chậm chạp kinh người, với bao nhiêu công sức và đau khổ.
Rồi đất thấy mềm mềm, mỗi nhát xẻng làm nước nhỏ giọt, chảy ròng ròng và đổ xuống với một tiếng nhão nhoẹt. Sau cùng một gã kêu lên:
- Có nước.
Tiếng kêu đó truyền sang đám người đang xúc đất:
- Có nước. Không đào được đâu!
- Nhóm cậu Mêluyxông đào sâu nhất, thấy nước. Các cậu ấy đào vào một cái ao.
- Không thể đào được nữa!
Mọi người ngừng tay bối rối. Trong đêm tối, người ta nghe thấy tiếng xẻng cuốc anh em vứt xuống như súng hết đạn. Những hạ sĩ quan lần mò đi tìm viên sĩ quan xin chỉ thị. Có nhiều nơi, chẳng cần hỏi han gì, anh em ngủ một giấc khoái trá dưới trời mưa mơn trớn và pháo bông rực sáng.
o O o
Chính vào khoảng lúc đó tôi nhớ lơ mơ như vậy – trận oanh tạc bắt đầu.
Viên đạn đại bác thứ nhất bắn tới xé toang bầu không khí như muốn cắt hẳn làm hai, vừa nổ toang và hất tung đất ở mé đầu tốp giữa cảnh mênh mông của đêm tối và mưa rào, làm hiện ra trong ánh chớp lửa đỏ những cử chỉ hỗn độn, thì nhiều tiếng rít nữa cũng đã hướng về chúng tôi.
Chắc là nhờ bắn mãi pháo hiệu, chúng đã trông thấy chúng tôi và điều chỉnh hỏa lực vào chúng tôi.
Mọi người đổ xô lăn minh vào cái hố nhỏ đầy nước vừa đào xong. Họ len vào đó, đầm mình trong đó, rúc xuống, lấy lưỡi xẻng che lên đầu. Ở bên phải, bên trái, đằng trước đằng sau, những viên đại bác nổ gần đến nỗi mỗi quả xô đẩy chúng tôi, rung động chúng tôi trong lớp đất sét. Chẳng mấy chốc đất cát ở cái cống thảm hại đầy người vả lởm chởm những cuốc xẻng đó, rung chuyển không ngừng dưới làn khói đen và nhũng nắm lửa rơi xuống. Trên cánh đồng chói lòa, mảnh đạn và những vật vỡ nát rít lên ầm ầm và chéo nhau tứ tung. Không một giây phút nào không có người thầm nhủ cái câu mà vài kẻ nằm úp mặt xuống đất, đương ấp úng nói:
- Chuyến này thì đi đời.
Một hình người ở trước chỗ tôi nằm một chút, nhổm dậy và kêu lên:
- Chuồn đi thôi!
Những thân người đang nằm bỗng nhấp nhổm ra khỏi đám bùn bao bọc họ như những tấm vải liệm, chân tay dính bết những bùn chảy lòng thòng hoặc bám thành từng mảng sũng nước. Họ kêu lên như những bóng ma:
- Cuốn đi thôi!
Họ đang lom khom quì; họ xô nhau về phía rút lui.
- Chạy lên! Nào, chạy lên.
Nhưng hàng dài người vẫn không nhúc nhích. Những tiếng kêu than không làm cho họ tiến lên. Đầu phía đằng kia không động đậy vì vậy cả khối người bị ùn lại.
Thương binh tiến lên trước, trèo lên mình họ, bò trên người họ như trên đống rác, và tưới máu vào cả đại đội.
Cuối cùng người ta mới biết nguyên nhân vì sao phần đuôi của đại đội phải đứng yên đến điên người như vậy:
- Đầu đằng kia bị bắn chặn.
Những người phải ở lại đây bị một cơn kinh hoàng tột độ, họ nói không ra tiếng, chân tay đờ dại. Họ giẫy giụa, kêu gào tại chỗ. Mặc dầu chỗ trú ẩn chỉ là một cái hố nhỏ chưa đào xong, nhưng nó cũng che cho họ khỏi thò người ra ngoài nên không ai dám rời nó ra để chạy sang cái hào ngang ở đâu gần đấy để tránh chết...
Thương binh được phép bò trên những người sống cũng là liều lĩnh lắm vì mỗi lúc đang bò, họ lại bị trúng đạn và rơi xuống đáy hố.
Thật là một trận mưa lửa đạn đổ xuống khắp mọi nơi lẫn với nước mưa. Từ đầu đến chân, ai nấy đều run lên và mê man trong tiếng ầm ầm quái gở. Theo từng đợt ánh sáng, một cái chết thê thảm nhất đang sà xuống, chồm lên và chụp lấy chúng tôi. Ánh sáng của nó từ bốn bề buộc người ta quay ngược xuôi quan sát. Tấm thân xương thịt con người chờ sẵn để chịu sự hy sinh quái gở. Cảm xúc làm chúng tôi ngây dại, mạnh mẽ đến nỗi chỉ có lúc đó thôi, chúng tôi mới nhớ ra rằng trước đây chúng tòi đã từng cảm thấy như vậy, đã từng chịu đựng trận mưa đạn dội vào mình làm cháy da thịt khiến người ta phải kêu gào, và sực mùi hôi tanh. Chỉ trong lúc đang bị oanh tạc, người ta mới thật nhớ rõ những trận oanh tạc trước mà người ta đã từng chịu đựng.
Những người mới bị thương không ngừng bò qua, vẫn cứ chạy trốn làm anh em thêm sợ và kêu rên, tự nhủ:
- Chuyến này không thoát được, không còn ai thoát được.
Bỗng nhiên trong đám người có một khoảng rỗng: họ bị hút về phía sau, họ đã dọn được đường.
Trước hết chúng tôi còn bò, sau bắt đầu chạy, người lom khom trong bùn và nước phản chiếu những chớp sáng và ánh đỏ, vừa chạy vừa vấp ngã vì dưới làn nước có chỗ nhô lên thụt xuống. Trông chúng tôi chẳng khác gì những viên đạn đại bác nặng nề bắn tung lên, và bị sấm sét xua dồn là là sát mặt đất.
Chúng tôi tới đầu hào lúc trước đã bắt đầu đào.
- Chẳng có hào hố gì cà. Chẳng có gì hết.
Thực vậy, trên cánh đồng mà chúng tôi bắt đầu đào, mắt không nhìn thấy một nơi trú ẩn nào. Ngay cả khi pháo hiệu tỏa ánh sáng đe dọa xuống, chúng tôi cũng chỉ thấy đồng không, một bãi sa mạc lớn lao hung dữ. Hầm trú ẩn thì chắc chẳng xa mấy nỗi vì lúc đến thì chúng tôi đã đi theo cái hào đó. Nhưng biết hướng về phía nào để tìm ra nó.
Mưa càng dữ dội hơn. Anh em đứng lại một lát, trù trừ trong một sự thất vọng thảm hại và bị ùn lại ở chỗ đất xa lạ đang bị oanh tạc, sau đó hàng ngũ bị rối loạn. Người thì chạy sang phải, người rẽ sang trái, có người chạy thẳng trước mặt, tất cả đều bé tẻo teo và chỉ còn sống sót một thời gian giữa cơn mưa sấm sét, bị chia lìa nhau bởi những màn khói lửa vả cảnh trời long đất lở đen ngòm.
o O o
Trận oanh tạc ngớt di trên đầu chúng lỏi. Nó chi dồn dập ở nơi lúc nãy chúng tòi bị ùn lại. Nhưng từng giây lừng phút nó có thể hướng về chúng tôi để bắn chặn, và như vậy là sẽ làm biến ráo.
Mưa trút xuống mỗi lúc thêm mau, như nạn hồng thủy trong đêm tối. Bóng tối dày đặc đến nỗi pháo sáng chỉ rọi chiếu được như từng mảng mây có khía những vệt nước, phía sau những mảng mây những bóng đen cuống cuồng đi đi, lại lại, chạy vòng quanh.
Tôi không còn nhớ được là tôi đã chạy lang thang bao lâu với nhóm người mà tôi bám vào. Chúng tôi bước trong đất lầy. Mắt giương to về phía trước, chúng tôi cố lần mò về cái bờ hào và cái hố cứu mạng, về cái chiến hào ở gần đâu đó, trong vực sâu, như một cái bến.
Sau cùng một tiếng kêu an ủi thốt lên giữa tiếng ầm ầm của chiến tranh và của thiên nhiên:
- Một chiến hào!
Nhưng bờ hào thấy động đậy. Một đám người hỗn độn xoắn xuýt lấy nhau, hình như đang muốn rời khỏi hào, bỏ hào ra đi.
Những người đang chạy trốn đó kêu lên:
- Đừng đứng đấy nữa, các cậu ơi, đừng đến đấy, đừng lại gần. Thật là khủng khiếp. Đang đổ xụp cả. Chiến hào biến sạch cả, hầm trú ẩn cũng bị lấp ráo. Bùn vào tứ tung. Sáng mai sẽ là hết nhẵn. Chiến hào ở đây tong hết rồi!
Chúng tôi bỏ đi. Nhưng đi đâu? Chúng tôi quên không hỏi một chút gì đám người vừa hiện ra đó, ướt như chuột, bây giờ đã biến mất trong bóng tối.
Rồi ngay cả nhóm người nhỏ xíu của chúng tôi cũng bị tan rã giữa cảnh hoang tàn ấy. Chẳng còn biết là ta đương đi với những ai. Mỗi người đi một ngả: người này, rồi đến người khác chìm mình vào đêm tối biến mất để tìm cách thoát thân.
Chúng tôi leo lên rồi lại đi xuống. Tôi thoáng trông thấy ở phía trước tôi có những người lom khom, lưng gù đang trèo lên một sườn dốc trơn bị bùn và mưa cản lại dưới bầu trời đầy những ánh chớp tiếng nặng trình trịch.
Rồi chúng tôi rẽ xuống một cái đầm lầy nước ngập đến đầu gối. Muốn bước đi phải nhắc chân lên thật cao, nghe rào rào như đang bơi. Mỗi bước chân là một sự cố gắng lớn lao nhưng vẫn chậm chạp một cách đáng sợ.
Đến đây chúng tôi đã cảm thấy gần cái chết, nhưng sau tới được một cái đập đất sét chắn ngang đầm. Chúng tôi bước theo cái lưng trơn của cái đảo mỏng manh đó, và tôi còn nhớ, có một lúc phải cúi xuống bám tay vào một đám xác chết ngập lưng chừng ở dưới nước, để khỏi trượt ra khỏi mặt đê mềm nhũn và quanh co. Tay tôi sờ phải những mẫu vai, lưng cứng đờ, một mặt người lạnh như cái mũ sắt, và một cái píp mà hàm răng còn nghiến chặt một cách tuyệt vọng.
Ra khỏi đó, vừa ngẩng lên, chúng tôi nghe thấy những tiếng người lao xao gần đâu đấy.
- Có tiếng người! A! Tiếng người!
Những tiếng người đó đối với chúng tôi thấy mới êm ái làm sao, hình như nó gọi đích danh chúng tôi. Chúng tôi tập trung lại để đi đến chỗ có tiếng gọi bạn bè.
Những tiếng người nghe rõ hơn, gần lắm, ngay trong mô đất kia, thoáng trông như một ốc đảo; tuy vậy vẫn chưa nghe rõ tiếng đó nói gì. Âm thanh lẫn lộn nên chúng tôi chưa hiểu gì cả.
Một người trong bọn chúng tôi, lạc hẳn giọng, hỏi:
- Họ nói cái gì đó?
Bất giác chúng tôi không tìm cách vào đó nữa.
Một mối hoài nghi, một sự ngờ vực nhói lên trong lòng chúng tôi.
Lúc đó chúng tôi mới nghe rõ những tiếng nói rất rành mạch vẳng lên:
- Achtung!... Zueites Geschiitz... Schuss...[56]
Và ở phía sau, một phát đại bác đã trả lời mệnh lệnh điện thoại đó.
Thoạt tiên chúng tôi choáng người lên vì kinh ngạc và khiếp đảm.
- Chúng mình đang ở đâu? Tổ cha nó! Ta ở đâu?
Chúng tôi quay trở lại, dù sao cũng phải từ từ, người thêm nặng trĩu vì mệt nhoài và vì hối tiếc; chúng tôi chạy trốn, người mỏi mệt như bị bao nhiêu vết thương, vẫn còn cảm thấy đất địch nó lôi kéo lại, nhưng vẫn còn chút nghị lực để chống lại tư tưởng muốn chết ngay cho thanh thoát.
Chúng tôi tới một cánh đồng rộng. Đến đó, chúng tôi dừng lại, ném mình xuống đất, lưng tựa vào bờ một mô đất con, không thể nào bước thêm được một bước nữa.
Những bạn đồng hành lơ mơ nào đó và tôi, chúng tôi nằm không cựa quậy. Nước mưa rửa sạch mặt chúng tôi. Nó chảy như suối vào lưng và ngực chúng tôi, thấm qua vải ở đầu gối và chảy đầy vào giầy chúng tôi.
Có lẽ khi trời sáng thì chúng tôi sẽ bị giết chết hoặc bị bắt làm tù binh. Nhưng lúc đó không ai nghĩ đến gì nữa. Không còn sức nào nữa, không còn biết gì nữa.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa