One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 15
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XII - Cái Cổng Lớn
ó sương mù đấy, cậu có muốn đi đến đấy không?
Pôteclô hỏi tôi như vậy. Cái đầu tóc tơ ngon lành của gã quay về phía tôi, đôi mắt gã xanh trong làm cho cái đầu có vẻ cũng trong suốt.
Pôteclô quê ở Xusê và từ khi quân Tuần tiễu đã chiếm lại được Xusê, gã thiết tha muốn về thăm lại cái làng xưa kia gã đã sống sung sướng, khi gã còn là một con người.
Thật là một cuộc đi thăm nguy hiểm. Không phải vì đường xa: Xusê ở ngay cạnh đây thôi. Từ sáu tháng nay, chúng tôi đã sống và hoạt động trong những chiến hào và giao thông hào ngay sát nách làng, hầu như nghe được cả tiếng nói từ làng vọng lại. Ở đây, chỉ cần leo thẳng lên con đường đi Bêtuyn, có chiến hào bò sát hai bên, có hầm trú ẩn của chúng tôi đào ngay dưới đất, rồi theo đường đi xuống độ bốn, năm trăm thước nữa là thẳng sâu vào Xusê. Nhưng những nơi này thường xuyên bị địch bắn phá khủng khiếp. Từ khi chúng rút lui, quân Đức không ngớt phóng đến đấy những đạn đại bác rất lớn chốc chốc lại nổ vang trời, làm rung chuyển cả chúng tôi ở dưới hầm. Và chúng tôi thấy qua bờ dốc hầm, lúc chỗ này, lúc chỗ khác, như suối phun, từng cột đen và to lớn gồm đất cát và mảnh vụn và những đống khói thẳng đứng, cao như nóc nhà thờ. Tại sao chúng lại bắn phá Xusê? Chẳng ai hiểu cả, vì trong cái làng đã bị đôi bên giành đi cướp lại, chiếm đoạt của nhau rất kịch liệt, không còn lấy một bóng người nào, không còn sót lấy một tí gì đâu.
Nhưng sáng hôm nay quả thực có một đám sương mù dày đặc bao phủ lấy chúng tôi, và nhờ tấm màn to lớn chia cắt đất trời như vậy, chúng tôi có thể đánh liều mạo hiểm… Ít ra cũng chắc chắn là không bị lộ. Màn sương mù bịt kín cái con mắt hoàn hảo của cái khinh khí cầu đang ở đâu đó trên không, ngập trong bông và ngăn một bức tường bao la, nhẹ nhàng và mờ đục giữa trận tuyến của chúng tôi với các đài quan sát ở Lenx và Angrơ, nơi quân địch đang rình mò chúng tôi.
Tôi bảo Pôteclô:
- Được đấy!
Viên quản Bactơ được chúng tôi báo cho biết, gật đầu và hạ mi mắt xuống ra hiệu rằng gã sẽ nhắm mắt làm ngơ. Chúng tôi leo lên khỏi chiến hào và thế là cả hai chúng tôi đã đứng trên con đường đi Bêtuyn.
Đây là lần đầu tiên, tôi đi qua quãng đường này giữa ban ngày. Trước kia chúng tôi chỉ được thấy nó từ rất xa, cái con đường khủng khiếp biết bao lần chúng tôi đã chạy dọc hoặc nhảy phóc qua, cúi mình trong bóng tối, dưới làn đạn veo veo.
- Thế nào? Đi chứ, ông bạn!
Được vài bước, Pôteclô đã dừng lại giữa đường, ở đó sương mù trải dài như một mớ bông. Gã đứng đó, mở to đôi mắt màu xanh da trời và há hốc cái miệng đỏ lòm.
Gã lẩm bẩm:
- Chà! Úi chà! Úi chà…
Tôi quay lại nhìn gã thì gã trỏ con đường, lắc đầu bảo tôi:
- Nó đấy. Trời ơi, nó bây giờ thế này đây… Đoạn đường mà chúng ta đang đứng, tớ thuộc đến nỗi nhắm mắt lại, tớ cũng thấy được nó đúng như trước kia và ngay tự mình nó cũng hiện lại trong óc tớ. Ông bạn ạ, thấy lại nó như thế này, thật là khủng khiếp. Xưa kia, nó là con đường đẹp đẽ, hai bên bờ giồng toàn cây to…
- Còn bây giờ thì ra sao? Cậu nhìn mà xem: một cái gì dài dài, nát bét, thiểu não… Cứ nhìn mà xem, hai giao thông hào hai bên, suốt dọc trơ trọi, đá lát bị cày lên, nát nhừ, cây bật cả rễ, cưa cụt, cháy sém, những đống củi vung vãi, thủng đạn lỗ chỗ! – Này, chỗ này có khác gì cái môi hớt bọt không nào! – Chao! ông bạn ạ, ông bạn ơi, cậu không thể tưởng tượng được con đường này đã đổi dạng đến thế nào!
Và gã lại bước đi, mỗi bước lại nhìn và thêm kinh ngạc.
Mà thực tế, nó quái đản thật, cái con đường mà hai bên, hai đội quân đã ẩn núp, đã bám chặt lấy và đã từng giao chiến cả trên mặt đường trong suốt một năm rưỡi. Nó là một con đường lớn bị bắn phá tơi bời, chỉ có từng loạt đạn súng trường, từng hàng từng dây trái phá đi qua đi lại, cày đất lên thành luống, đội đất lên, tung đất ở đồng phủ lên, đào nó và lật nó tận đáy sâu. Nó giống một lối đi đốn kiếp, không màu sắc, bị lột da và già cỗi, trông ảm đạm và vĩ đại.
Pôteclô nói:
- Giá cậu được trông thấy nó trước kia nhỉ. Xưa nó sạch sẽ và phẳng phiu. Hai hàng cây đều đầy đủ, lại đủ lá lay, đủ màu sắc, nom cứ như bươm bướm. Và trên đường lúc nào cũng có người qua lại cho mình chào hỏi: khi thì một phụ nữ hiền hậu lắc lư giữa hai cái thúng, khi thì những người ngồi trên xe ngựa, nói năng bô bô, áo căng phồng trước gió. Chà! Cuộc sống ngày xưa sung sướng biết bao!
Gã đi sâu vào đôi bờ của con sông phủ sương mù dọc theo lòng đường, tiến đến phía đất có hàng rào. Gã cúi xuống và dừng lại ở chỗ đất mập mờ nhô lên, trên đó hiện lên rõ ràng những cây thánh giá. Những cây thánh giá cắm bên mồ ấy xuất hiện rải rác trong bức tường sương mù như những đường thánh giá trong một nhà thờ.
Tôi cất tiếng gọi gã. Nếu cứ đi chầm chậm như đưa đám thế này, bao giờ mới đến được. Đi thôi chứ!
Tôi đi trước và Pôteclô lê gót theo sau, đầu óc gã rối bời và nặng trịch những ý nghĩ, cố đưa mắt thăm dò cảnh vật, nhưng vô hiệu. Chúng tôi đến một khu đất trũng. Đến đây, con đường đã xuống dốc, một giải đất gập ghềnh che khuất nó về phía Bắc. Ở nơi kín đáo này, có chút ít dấu người qua lại.
Trên mảnh đất hoang, bẩn thỉu và bệnh hoạn, cỏ khô ngập trong bùn nâu bóng, là hàng dãy xác chết. Ban đêm, khi người ta thu dọn chiến hào và cánh đồng, người ta đã khiêng lên đó. Những xác chết đó hiện đang chờ đợi – có những xác đợi đã khá lâu – để được đưa đi vào lúc ban đêm về cái nghĩa địa ở hậu phương.
Chúng tôi nhẹ nhàng lại gần. Họ nằm sát với nhau: Mỗi người hoặc giơ tay, hoặc giơ chân cứng đờ theo tư thế khác nhau lúc hấp hối. Có những bộ mặt đã hơi mốc meo, da gỉ vàng với những chấm đen. Nhiều người, mặt hoàn toàn đen hẳn như quệt hắc ín, môi sưng phù to tướng, giống hệt đầu người da đen bằng cao su thổi phồng. Họ đâu phải là người da đen. Giữa hai cái xác, thòi ra, không rõ là của xác nào, một bàn tay bị cắt rời, chỗ đứt lèo nhèo một nút gân.
Có những người chỉ còn là những xác ma không rõ hình người, bẩn thỉu, để thòi ra vài đồ vật nhà binh hoặc những mẩu xương. Phía xa người ta đã khiêng đến một tử thi nát đến nỗi phải nhét vào cái vỉ dây thép đan, buộc vào hai đầu một cái cọc để khiêng cho khỏi rơi vãi dọc đường. Thế là xác chết ấy, cuộn tròn trong cái võng sắt đó được mang đến đặt ở đây. Trông không còn biết đâu là đầu, đâu là chân. Trong cái đống thịt đó, chỉ nhận ra được cái túi quần há hốc. Một con bọ ở đấy bò ra rồi lại chui vào.
Quanh người chết, có những lá thư bay lả tả. Những thư đó đã tuột ở túi hoặc ở bao đạn của họ ra, khi người ta đặt họ xuống đất. Trên một mẩu giấy trắng tin đương phần phật trước gió bấc nhưng vẫn dính vào bùn, tôi hơi cúi xuống, đọc được câu: “Anh Henri thân yêu, hôm nay ngày sinh nhật của anh, trời đẹp quá!” Anh này nằm sấp; lưng bị xẻ thành một đường sâu từ hông này sang hông kia; đầu anh hơi quay lại để lộ đôi mắt hõm và trên thái dương, trên má, trên cổ, đã mọc một thứ rêu xanh.
Một không khí nồng nặc đến nôn ruột phảng phất trong gió, lởn vởn bay quanh những xác chết và cái đống di vật chất chồng bên cạnh: vải lều hoặc quần áo bằng thứ vào nào đó vấy máu đã khô cứng lại, đen thui vì sém đạn đại bác, cứng quèo, màu đất và đã mục nát, trong đó một lớp dòi bọ đang lúc nhúc bới đục. Chúng tôi thấy ngột ngạt. Chúng tôi nhìn nhau lắc đầu, không dám lên tiếng thú thực với nhau rằng thối quá. Tuy vậy cũng chỉ từ từ rời khỏi nơi đó.
Nhưng đây trong sương mù hiện ra những bóng người cúi khom lưng đang xúm nhau khiêng một vật gì. Đó là những người tải thương của hậu bị quân đang khiêng một xác chết khác. Họ bước đi, nét mặt già nua, tiều tụy và dưới sức nặng, họ thở hì hục, toát mồ hôi, méo cả mặt. Khiêng tay đôi một xác chết đi trong giao thông hào, khi có bùn lầy, là một công việc hầu quá sức người.
Họ đặt người chết xuống, người này quần áo còn mới toanh. Một người khiêng nói:
- Vừa mới đây, anh ta còn sống. Mới từ hai giờ, anh ta bị trúng đạn vào đầu vì anh cố tìm một khẩu súng Đức trên cánh đồng. Thứ tư này, anh sẽ đi phép nên muốn mang theo khẩu súng đó về nhà. Anh đóng lon đội ở đơn vị 405 thuộc lớp lính 14. Một chú thanh niên xinh xắn đấy.
Người ấy giở chiếc mùi xoa che mặt cho chúng tôi xem: anh ta còn trẻ lắm, trông như đang ngủ, duy chỉ có lòng mắt thì lộn ngược, má vàng nhạt và một thứ nước màu hồng làm ướt lỗ mũi, mồm và mắt.
Trong cái đám người chết nằm đây, xác anh ta điểm vào một nét sạch sẽ. Người anh còn mềm, khi có ai lay thì nghiêng đầu về một bên như để thoải mái hơn, khiến ta có cảm giác ngây thơ là anh chưa chết bằng những người khác. Nhưng vì còn rõ mặt người hơn, hình như anh ta trông bi thảm, gần gũi và thân thiết hơn đối với người nhìn. Và nếu chúng tôi có nói câu gì trước tất cả cái đống người rũa nát kia, thì chỉ có thể nói: “Tội nghiệp thằng bé quá!”
Chúng tôi lại đi. Con đường từ đó bắt đầu xuôi xuống phía dưới, nơi làng Xusê. Dưới chân chúng tôi, trong sương mù trắng xóa, con đường này hiện ra như một thung lũng khủng khiếp của sự khổ ải. Những đống gạch đá vụn, những thứ còn lại, những rác rưởi bẩn thỉu chất đống giữa mặt đường lát đã đã vỡ tung, và trên đôi bờ lầy lội, càng làm thêm rối rắm. Cây cối ngổn ngang mặt đất hoặc bay trụi đâu mất những cành lá gãy nát. Lề đường bị trái phá lật đổ hoặc đảo lộn tứ tung. Suốt dọc hai bên con đường đó, nơi chỉ có những cây thánh giá của các ngôi mộ là còn đứng nguyên, là những chiến hào đã bị lấp đi đào lại hàng chục lần, những hố con, những lối đi trên các hố con, những tấm phên trải ở những nơi lõm bùn.
Càng đi, mọi vật càng hiện ra xáo lộn, khủng khiếp, đầy hôi thối, cho ta một cảm giác như trời tan đất lở. Chân người giẫm lên mặt đất lát toàn bằng mảnh trái phá. Mỗi bước đi là mỗi bước vấp. Chúng tôi như bị mắc bẫy, chân cứ vướng víu vào cái mớ hỗn độn những khí giới gãy, những mảnh nồi niêu, những bi-đông, lò bếp, máy khâu, lẫn lộn với những mớ dây diện, những quân trang Đức và Pháp rách nát dưới lớp bùn khô, những đống trông như áo quần lầy nhầy một chất trám màu nâu đo đỏ. Lại còn phải coi chừng những đạn đại bác chưa nổ nằm khắp nơi, quả thì nhô đầu, quả thì thòi đít, quả thì nằm nghiêng, quả đỏ, quả xanh, quả màu nâu sẫm.
- Đây là chiến hào của tụi Đức, cuối cùng chúng phải bỏ lại đấy.
Có đoạn, chiến hào bị lấp mất, có đoạn lại lỗ chỗ những hố đạn đại bác. Những bị đất bị xé thủng, rách toác, đổ sụp xuống, dốc sạch đất, rung rinh trước gió. Mấy tấm ván dùng để chống thì bị nổ tung và nhô lên tua tủa khắp nơi. Hầm trú ẩn thì ngập đến tận miệng những đất và những thứ gì chẳng biết. Trông tưởng chừng như một lòng sông bị nghiền nát, đập bẹp ra, đầy những bùn, một lòng sông hầu cạn khô, bị nước và người bỏ quên. Có chỗ chiến hào đã bị đại bác xóa sạch; cái hào miệng phình đứt quãng, hóa thành chỉ còn một khoảnh đồng đất mới, có những lỗ nằm cân đối bên nhau suốt cả dọc ngang.
Tôi chỉ cho Pôteclô cái khoảnh đồng lạ lùng như đã bị một chiếc cày khổng lồ đi qua đấy.
Nhưng ruột gan gã còn đang rối bời trước cảnh vật tang thương.
o O o
Gã lấy ngón tay chỉ một khoảng trống ngoài đồng, nét mặt kinh ngạc như vừa tỉnh một giấc mơ:
- Quán rượu Đỏ.
Đó là một mảnh đất phảng lát gạch đã vỡ.
- Còn cái kia là gì?
Một mốc đá ư? Không, không phải một mốc đá. Đó là một cái đầu lâu, một cái đầu đen thui, như đã bị thuộc và đánh xi vậy. Mồm méo xệch, ria mép tua tủa hai bên: hệt như cái đầu mèo lớn bị đốt thành than. Còn thân hình – thân hình của một tên Đức – thì lại ở dưới đất, bị chôn đứng.
- Còn kia nữa?
Cái khối bi thảm ấy gồm một cái sọ dừa trắng bệch, và cách hai thước, một đôi ủng; giữa sọ và đôi ủng, một đống da rách mướp và giẻ vụn quện chặt vào nhau bằng một thứ bùn màu.
- Đi thôi. Sương mù đã loãng rồi. Nhanh lên.
Trước mặt chúng tôi, độ một trăm thước, trong những làn sương mù đã loãng hơn đang theo bước chúng tôi, che phủ chúng tôi mỗi lúc một bớt kín, một viên đại bác rít lên và nổ… Nó rơi đúng vào chỗ chúng tôi sắp đi qua.
Chúng tôi đi xuống. Đường đã bớt dốc.
Chúng tôi đi sát bên nhau. Anh bạn tôi không nói gì, chỉ nhìn hết bên phải rồi đến bên trái.
Thế rồi, gã lại dừng lại, như khi còn ở trên kia đường. Tôi nghe gã lúng búng nho nhỏ:
- Ủa! Đây rồi mà… Chính là đây rồi mà…
Quả vậy, chúng tôi chưa rời khỏi cánh đồng, cái cánh đồng mênh mông, khô cằn, cháy rụi – thế mà chúng tôi lại đã vào đến làng Xusê rồi!
o O o
Làng đó đã mất tích. Chưa bao giờ tôi thấy một làng nào biến hẳn đi như vậy. Ablanh xanh Nade và Carenxy còn giữ được hình thù, mặc dầu nhà cửa sập nát, gãy gục, sân đầy vôi vữa và gạch ngói. Còn ở đây, trong khung cảnh những cây to bị tàn hại bao quanh chúng tôi trong sương mù, nom mờ ảo, không còm một vật gì còn giữ được hình dạng: Không còn lấy một vạt tường, một cửa lưới sắt hoặc một cái cổng còn đứng thẳng được, và dưới cái đống rối tung những xà nhà, đá và sắt vụn, người ta ngạc nhiên thấy còn những tấm đá lát: chỗ này, xưa kia là một đường phố!
Thật chẳng khác gì một khu đất hoang, bẩn thỉu, lầy lội, cạnh một thành phố, từ bao năm nay nhân dân vẫn thường xuyên đem ra đổ ngập lên, không trừ một chỗ nào, những gạch vụn, tường vụn, những vật liệu dỡ nhà bỏ đi và những dụng cụ hỏng nát; một lớp đồng đều những rác rưởi và mảnh vỡ ngập người, phải khó khăn lắm mới chậm chạp len qua được. Bom đạn đã biến đổi mọi vật, đến nỗi cả cái dòng suối của cối xay cũng bị chuyển dịch. Giờ thì suối đó chảy lung tung, tích thành cái ao ở những chỗ còn lại của miếng đất nhỏ xưa có cắm cây thánh giá.
Trong mấy lỗ đạn đại bác, những con ngựa to lớn căng phồng, chết trương, trong những lỗ khác rải rác hàng đống xương thịt bị trái phá tàn khốc làm cho tan nát, mất hẳn hình người.
Nơi đây, nằm ngang con đường mòn phải dấn bước leo lên, những đồ vật vụn nát tràn ngập như trên sông băng tan hoặc như trận lụt dưới bầu trời buồn thiu nặng trĩu, có một xác người nằm soài như ngủ; nhưng khác người ngủ là cái xác dán chặt mình xuống đất. Đó là một anh phụ dịch mang xúp cho lính, xâu bánh đeo ở đai da, chùm bi-đông của anh em khoác vào vai anh bằng một mớ dây quai. Có lẽ mảnh đạn đại bác đã bắn thủng lưng anh mới đêm qua. Chắc chắn chúng tôi là những kẻ đầu tiên tìm thấy anh, người lính vô danh chết trong tăm tối. Trước khi những người khác tìm được anh, có lẽ thây anh đã tan nát. Chúng tôi tìm tấm thẻ căn cước của anh. Thẻ bết vào vũng máu đông lại quanh bàn tay phải anh. Tôi ghi lấy cái tên đã viết bằng những chữ máu.
Pôteclô để mặc tôi làm một mình. Gã như người đang mê ngủ. Gã nhìn, hớt hải nhìn khắp nơi. Giữa những sự vật tan hoang, mất tăm trong cảnh trống không đó, gã tìm đến nơi vô tận, tìm mãi đến chân trời mù sương.
Rồi gã ngồi xuống một cái rầm nhà nằm ngang ở đó, sau khi đã lấy chân đá bắn đi cái xoong méo vặn đặt trên rầm. Tôi ngồi xuống cạnh gã. Trời mưa bụi nhẹ nhàng. Cái ẩm ướt của sương mù tan thành giọt, làm cho mọi vật như loáng một lớp bóng nhẹ nhàng.
Gã lầm bầm:
- Chà! Mẹ kiếp!... Mẹ kiếp!...
Gã lau mồ hôi trán, ngước mắt nhìn tôi như van lơn. Gã cố tìm hiểu, thu lấy cảnh tàn phá trên khắp mảnh đất này và hòa mình vào cái tang tóc đó. Gã lúng búng những lời không đầu đuôi, những tiếng kêu than. Gã bỏ cái mũ cát rộng ra, đầu gã bốc khói. Rồi gã nặng nhọc nói với tôi:
- Cậu ạ, cậu không thể tưởng tượng nổi, không thể nào tưởng tượng nổi…
Gã hổn hển tiếp:
- Quán Rượu Đỏ là chỗ có đầu lâu tên Đức và khắp xung quanh, từng đống rác… Cái chỗ nhớp nhúa bẩn thỉu ấy, xưa kia là… ven đường, một cái nhà gạch và hai nhà ngang thấp ở cạnh… Cậu ạ, ở ngay cái chỗ chúng ta vừa dừng chân, biết bao nhiêu lần, ừ, biết bao nhiêu lần, tớ đã vừa cất tiếng chào người đàn bà hiền hậu đang cười đùa ở ngưỡng cửa, vừa chùi miệng và nhìn về phía Xusê, nơi tớ đương đi về! Và được vài bước lại ngảnh lại réo đùa với mụ một câu! Ồ! Cậu không thể nào tưởng tượng được…
- Thế mà, giờ đây!...
Gã khoát tay vòng quanh, chỉ cho tôi tất cả cái hoang vắng đang bao bọc xung quanh gã.
- Chẳng nên ở đây lâu, cậu ạ. Sương mù tan rồi, cậu thấy đấy.
Gã đứng lên nặng nhọc.
- Thì đi…
Giờ đến việc hệ trọng hơn. Nhà gã…
Gã lưỡng lự, tìm hướng, rồi bước đi…
- Đấy đấy… Không, tớ đi quá mất rồi. Không phải đấy. Tớ không còn biết nay là đâu – trước kia là đâu nữa. Chao! tai ương, khốn khổ.
Gã vặn hai bàn tay lại, đầy thất vọng, đứng không vững giữa đống gạch vữa và ván gỗ. Gã tìm những cái xưa có trong nhà: Cái thầm kín của những gian buồng, ánh sáng nhạt nhạt bên trong. Tất cả cái đó đã tan tác trong không gian, tung tóe trước gió. Có lúc mất hướng trong cánh đồng ngổn ngang, không dấu vết, gã nhìn trời như để tìm kiếm.
Sau nhiều lần đi đi lại lại, gã dừng lại một nơi rồi lùi lại một chút.
- Trước là chỗ này đây. Không thể nhầm được. Cậu thấy không: Chính nhờ hòn đá này mà tớ nhận ra. Trước ở đây có cái cửa hầm. Còn thấy dấu vết một thanh sắt của cửa hầm đã bay mất.
Gã khịt mũi, nghĩ ngợi, gật gù chầm chậm mãi không thôi.
- Khi không còn gì nữa thì mới biết rằng xưa kia là hạnh phúc biết bao. Chà! Xưa thật sung sướng.
Gã lại gần tôi, cười khích động:
- Thật là kỳ, phải không? Chắc cậu chưa bao giờ thấy cảnh này: Không tìm ra cái nhà mà từ lâu xưa nay mình vẫn ở…
Gã quay mình và giờ thì gã kéo tôi đi.
- Thôi, phới đi, còn gì nữa đâu. Có đứng hàng giờ nhìn dấu vết những vật cũ cũng thế thôi! Đi thôi, cậu ạ.
Chúng tôi trở về. Chúng tôi, hai kẻ còn sống hiện ra như hai vệt đen trong nơi mờ ảo mịt mù này, trong cái làng ngổn ngang trên mặt đất dưới chân chúng tôi.
Chúng tôi lại lên dốc. Trời hửng sáng hơn. Sương mù tan rất nhanh. Anh bạn tôi im lặng đi từng bước dài, đầu cúi xuống, chỉ cho tôi một khu đất.
Anh nói:
- Nghĩa địa đây. Xưa kia chính nó nằm ở đây, trước khi nó lan ra khắp nơi, trước khi hút lấy tất cả không bao giờ ngừng.
Đến giữa dốc, chúng tôi đi chậm lại. Pôteclô xích gần vào tôi.
- Cậu xem, tất cả cái đó thật là quá. Cả cuộc đời tớ cho đến nay đã bị xóa nhòa quá đáng.
- Nhưng này, vợ cậu vẫn còn khỏe, con gái cậu cũng thế. Cậu đã biết rồi kia mà.
Gã làm ra vẻ mặt kỳ quặc:
- Vợ tớ ấy à… Tớ sẽ kể cho cậu một điều: Vợ tớ…
- Vợ cậu làm sao?
- Này, tớ đã gặp vợ tớ đấy, cậu ạ.
- Cậu có gặp? Tớ cứ tưởng cô ta ở vùng tạm chiếm?
- Phải, cô ta ở Lenx, với cha mẹ tớ. Thật đấy, tớ có gặp… Chà! Với lại, nghĩ cho cùng, mẹ kiếp!... Tớ sẽ kể hết cho mà nghe. Này nhé, cách đây ba tuần lễ, tớ đã về Lenx. Hôm ấy là ngày 11. Hai mươi hôm rồi chứ gì.
Tôi choáng váng, nhìn gã… Nhưng gã có vẻ nói thật. Vừa đi cạnh tôi, trong ánh sáng đang trải ra, gã nói lúng búng:
- Có lẽ cậu còn nhớ, hôm ấy người ta bảo… Nhưng hồi đó, hình như cậu không có mặt ở đấy. Họ bảo: phải tăng cường hệ thống dây thép gai phía trước con đường hào song song Bi-a. Cậu biết thế nghĩa là gì rồi. Đến tận bây giờ, việc đó chưa bao giờ thực hiện được: Cứ thoạt ra khỏi chiến hào là đã lộ mình ra ở phía trên cái dốc tên là quái gì chả nhớ.
- Dốc đường xe trượt.
- Ừ, đúng. Chỗ ấy khó qua nhất, ban đêm hay lúc sương mù cũng như ban ngày, vì súng trường đã chĩa sẵn trên giá bắn, còn súng máy thì giữa ban ngày cũng ngắm sẵn. Khi bọn Đức không thấy gì thì chúng tưới đạn tứ tung vào.
“Người ta đã lấy người trong đại đội biệt động; nhưng có những thằng chuồn mất nên đành phải thay thế bằng một số lính lựa chọn trong các đại đội khác. Tớ ở trong số bọn này. Được lắm. Bọn tớ từ chiến hào mò ra. Không có qua một tiếng súng! Anh em nói: “Thế là nghĩa lý gì?” Nhưng kia đã thấy một thằng Bôtsơ, hai thằng Bôtsơ rồi mười thằng Bôtsơ dưới đất bò lên – như bọn quỷ sứ áo xám – chúng vừa ra hiệu cho chúng tớ, chúng vừa gào lên: “Ca-ma-rát!” Chúng tiếp tục ra khỏi hào giao thông quốc tế của chúng vừa nói: “Chúng tôi là người xứ Andat.”[40]
Chúng bảo: “Chúng tôi sẽ không bắn vào các anh đâu. Đừng sợ, bạn đây. Chỉ yêu cầu các anh để chúng tôi chôn những người chết của chúng tôi”. Thế là mỗi bên cứ làm việc mình, lại còn chuyện trò với nhau nữa. Vì họ là người Andat. Sự thực, họ phỉ báng chiến tranh và bọn sĩ quan của họ. Viên đội của chúng tớ cũng rất biết rằng không được phép chuyện trò với quân địch, và người ta còn đọc cho chúng tớ hay rằng chỉ cần nói chuyện với chúng bằng súng. Nhưng viên đội bảo rằng đây là một cơ hội duy nhất để củng cố lại những dây thép gai và nếu chúng để ta làm cái việc chống lại chúng thì tội gì mà không thừa cơ…
“Thế rồi, tự nhiên một thằng trong bọn lính Đức nói: Trong các anh đây, có ai là người ở vùng bị chiếm và muốn được tin gia đình mình không?”
“Cậu ạ, thế là tớ không nén nổi. Chẳng biết phải trái gì nữa, tớ lại gần, nói: Này, có tôi. Tên lính Đức bèn hỏi tớ mấy câu. Tớ trả lời rằng vợ tớ hiện ở Lenx với bố mẹ và con gái nhỏ. Hắn hỏi chỗ ở của vợ tớ. Tớ nói rõ thì hắn bảo hắn biết chỗ đó lắm. Hắn nói: Nghe chứ, tôi sẽ mang thư hộ anh, không những chỉ thư đi, mà cả thư trả lời cho anh nữa. Rồi đột nhiên thằng cha Đức ấy đập vào trán, xích lại gần tớ: Này, anh này, còn hơn thế nữa kia. Nếu anh bằng lòng làm như tôi bảo, thì anh sẽ nhìn thấy được vợ anh và cả con anh, tất cả, rõ ràng, như tôi trông thấy anh bây giờ. Hắn bảo muốn thế thì chỉ cần đi với hắn vào một giờ nào đấy với cái áo ca-pốt Đức và mũ ca-lô mà hắn sẽ đưa cho. Hắn sẽ để tớ lộn sòng vào bọn phụ dịch đi lấy than ở Lenx; bọn này sẽ đi đến tận nhà chúng tớ. Tớ sẽ trông thấy vợ con, chỉ cần tớ phải lén lút, đừng lộ mặt vì hắn đảm bảo đối với những tên cùng đi phụ dịch, còn có những hạ sĩ quan ở trong nhà thì hắn không đảm bảo… Cậu này, tớ có nhận không?”
- Việc nghiêm trọng đấy!
- Thì đã hẳn là nghiêm trọng. Tớ đã quyết định trong tức khắc, không nghĩ ngợi, không muốn nghĩ ngợi gì cả, vì tớ đã quáng mắt với ý nghĩa sẽ được gặp lại người nhà. Và sau đó có bị bắn chăng nữa, thì cũng đành. Ăn chả thì giả nem, chứ gì. Chẳng qua là cái luật cung cầu như người ta nói, phải không?
“Cậu ạ, mọi việc trôi chảy cả. Chỉ có một khó khăn là phải cất công tìm cho tớ cái mũ ca-lô khá rộng vì cậu biết đấy, đầu tớ lo quá. Nhưng rồi cũng xong: Cuối cùng, người ta đã lùng được cho tớ một cái ổ chấy khá rộng vừa lọt được đầu tớ. Tớ lại có đúng đôi bốt Đức, đôi bốt của Carôn ấy mà, cậu biết chứ. Thế là chúng tớ ra đi trong chiến hào Đức (mà nó cũng giống hệt chiến hào của ta thôi) với những thứ đồng chí Đức đó. Họ nói với tớ bằng tiếng Pháp rất thạo – như cậu đương nói với tớ đấy – rằng tớ cứ yên tâm, đừng sợ.
“Không có gì đáng sợ xảy ra cả. Lúc đi thì thế đấy. Mọi việc bí mật và đơn giản đến nỗi tớ tưởng như mình là một thằng Đức giả cầy. Xâm xẩm tối thì đến Lenx. Tớ nhớ đã đi qua La Pecsơ dọc theo phố Mười-Bốn Tháng-Bảy. Tớ thấy dân thành phố đi lại ngoài đường như là ở những chỗ chúng mình trú quân. Vì trời tối, tớ không nhận ra họ, họ cũng không nhận ra tớ, vì trời tối cũng có, và cũng là vì cái quái gở lạ thường của câu chuyện… Khi tớ vào đến vườn của bố mẹ tớ thì trời tối như hũ nút.
“Tim tớ đập mạnh: Tớ run rẩy suốt từ đầu đến chân, tưởng chừng như cả người tớ chỉ là một trái tim đang đập. Tớ phải dằn mình mới nhịn được khỏi phá lên cười, nhất lại cười đùa bằng tiếng Pháp vì tớ sung sướng, cảm động quá. Thằng bạn Đức bảo tớ: Anh sẽ đi qua một lần, rồi một lần nữa, nhìn qua cửa lớn và cửa sổ. Anh nhìn, nhưng đừng làm ra vẻ để ý… Cẩn thận đấy… Thế là tớ trấn tĩnh, nén cảm xúc ngay tức khắc. Thằng chó ấy kể cũng hảo đấy, vì tớ mà bị tóm thì hắn cũng đến ốm đòn, phải không?
“Cậu biết đấy, ở quê tớ cũng như trong khắp miền Pa đơ Cale, cửa vào nhà chia làm hai phần: Phần dưới như một thứ chấn song cao đến nửa người, phần trên làm thành một thứ cánh cửa. Như thế, chỉ cần đóng có phần dưới cửa là được nửa phần ngăn cách.
“Lúc đó, cánh cửa trên đang mở. Buồng trong là phòng ăn và tất nhiên cũng vừa là bếp, đang sáng đèn và có tiếng người.
“Tớ đi qua nghển cổ ngó vào. Thấy những đầu đàn ông và đàn bà hồng hồng, sáng sáng quanh bàn tròn và ngọn đèn. Mắt tớ dồn vào vợ tớ, vào Clôtinđơ. Tớ thấy rõ mồn một. Nó ngồi giữa hai thằng, hai hạ sĩ quan thì phải, đang nói gì với nó. Còn nó thì làm gì? Chả làm gì sốt; nó mỉm cười, duyên dáng nghiêng đầu, mớ tóc tơ hơi hoe ánh vàng lên dưới ngọn đèn.
“Nó mỉm cười. Nó hài lòng. Nó có vẻ thỏa mãn cạnh bọn đeo lon Đức, cạnh ngọn đèn và cái lò sưởi đương phả vào tớ một hơi ấm mà tớ rất quen thuộc. Tớ đi qua, lộn lại, rồi lại đi qua. Tớ lại thấy nó, vẫn cứ mỉm cười. Không phải thứ nụ cười miễn cưỡng, cũng không phải thứ nụ cười lấy lòng, mà là một nụ cười thực sự, tự lòng nó phát ra để tặng cho người. Và trong cái khoảnh khắc tớ qua lại đó, tớ thấy được cả con gái bé tớ giang hai tay về phía một thằng sĩ quan béo mập và cố leo lên đầu gối lão ta. Cạnh đó, tớ còn nhận ra ai nữa? Mụ Mađơlen Vanđaec, vợ thằng Vanđaec, bạn đồng ngũ thân thiết của tớ, ở đơn vị 19, đã bị chết ở Môntyôn, trong trận La Macnơ.
“Rõ ràng mụ ta biết chồng đã chết, vì mụ bận đồ tang. Và cả mụ nữa, mụ cũng cười, cười hẳn hoi lắm, cậu ạ… Rồi mụ nhìn hết anh nọ đến anh kia như muốn bảo: “Tôi ở đây thật là thoải mái!”
“Chà! Cậu ạ, tớ đã ra khỏi đó và đâm đầu vào bọn ca-ma-rát đang chờ để đưa tớ về. Tớ trở về như thế nào, thực không thể kể được. Tớ như bị sét đánh. Tớ bước đi chập choạng như một thằng đốn kiếp. Lúc đó thì đừng có ai trêu tớ! Tớ sẽ gầm lên; tớ sẽ làm vung lên để bị giết một thể cho hết cái đời chó má này đi.
“Cậu nghe chưa? Vợ tớ, nàng Clôtinđơ của tớ đã cười giữa cái ngày chiến tranh đó! Thế là nghĩa lý gì? Thì ra chỉ cần ta vắng mặt một thời gian là người ta coi như không có ta nữa? Anh bỏ nhà để ra chiến trận, tất cả tưởng như là tan vỡ. Và trong khi anh nghĩ như vậy, thì người ta quen dần sự vắng mặt của anh, dần dần anh trở nên như không có nữa, bởi vì người ta không cần đến anh cũng cứ được sung sướng như trước và cũng cứ cười được. Chà! Tức quá! Cái con đĩ rạc kia nó cười, tớ chẳng thèm nói làm gì, nhưng nàng Clôtinđơ của tớ, mà lúc đó, lúc đó bất đồ tớ trông thấy, muốn nói gì thì nói, rõ ràng là nó đã đếch cần đến tớ hẳn hoi rồi!
“Mà giá nó vui cười với bà con, bạn hữu cho cam. Nhưng không, nó lại cười với chính những thằng hạ sĩ quan Bôtsơ. Tớ hỏi cậu, còn gì mà không nhảy ngay vào buồng, tát cho nó hai cái tát nên thân và vặn cổ cả cái con đĩ mặc áo tang kia đi chứ!
“Ừ, ừ, tớ đã toan làm thế. Giờ thì tớ biết rằng thế thì hơi quá… nhưng tớ đương điên tiết mà lại.
“Cậu nhớ cho rằng tớ không muốn nói quá lời hơn nữa về nó: Clôtinđơ là một con bé ngoan. Tớ biết tính nó và tớ tin nó: cậu biết chứ, điều này chắc chắn lắm: Nếu tớ ngoẻo, thì trước tiên, nó sẽ khóc hết nước mắt. Nó tin là tớ vẫn còn sống, cái đó tớ thừa nhận, nhưng câu chuyện không phải là thế ấy. Nó không thể cấm mình được sung sướng, thỏa thích và mỉm cười, một khi nó có đủ lửa ấm, đèn sáng và người để chuyện trò, dầu tớ có còn đó hay không.”
Tôi kéo Pôteclô đi:
- Cậu nói quá đấy cậu ạ. Cậu cứ nghĩ lẩn thẩn…
Chúng tôi bước đi chầm chậm. Còn ở chân sườn dốc. Sương mù óng ánh bạc trước khi tản sạch đi. Trời sắp nắng. Trời đã nắng rồi.
o O o
Pôteclô nhìn lên và nói:
- Chúng ta sắp vòng theo đường Carăngxi và từ mé sau đi lên.
Chúng tôi rẽ qua cánh đồng. Được một lúc, gã bảo tôi:
- Cậu cho là tớ nói quá à? Cậu bảo tớ nói quá à?
Gã nghĩ ngợi:
- Chà!
Rồi gã nói thêm, vẫn gật gù cái đầu; suốt buổi sáng nay gã vẫn thường gật gù đầu như thế:
- Nhưng rút lại, dầu sao có một sự việc hẳn hoi…
Chúng tôi lên dốc. Rét lạnh đã chuyển thành ấm áp. Đến một nơi đất phẳng phiu, gã đề nghị:
- Ta hãy ngồi lại một lát trước khi về.
Gã ngồi xuống, nặng trĩu cả một thế giới ý nghĩa rối như mớ bòng bong. Trán gã nhăn lại. Rồi gã ngoảnh lại tôi, bộ lúng túng như muốn nhờ cậy việc gì.
- Cậu này, tớ cứ tự hỏi không biết như vậy tớ có đúng không.
Nhưng sau khi nhìn tôi, gã lại nhìn cảnh vật như muốn hỏi cảnh vật hơn là hỏi tôi.
Cảnh trời đất lúc đó vừa biến đổi. Sương mù hầu như chỉ còn là một giấc mộng. Những khoảng cách hiện rõ. Cánh đồng chật hẹp, buồn thiu, xám xịt, lớn thêm ra, xua tan bóng tối và nhuộm thắm màu sắc. Ánh sáng từ phương đông gác sang tây, như đôi cánh phủ dần lên mặt đồng.
Thế rồi, xa kia, dưới chân chúng tôi, thấy rõ Xusê giữa những đống cây cối. Nhờ trông xa và nhờ ánh sáng, cái làng nhỏ bé đó trông như được phục hồi, mới mẻ dưới ánh mặt trời.
Pôteclô nhắc lại, kém cả quyết và thiếu tin tưởng hơn:
- Tớ có đúng không nhỉ?
Tôi chưa kịp nói, gã đã tự trả lời, trong ánh sáng, giọng nói trước còn hầu như khe khẽ:
- Cậu phải biết, cô ta còn son trẻ, mới hai mươi sáu tuổi đầu. Cô ta không thể cầm được lòng xuân từ khắp trong mình tràn ra. Khi được nhàn nhã cạnh ánh đèn và lò sưởi, thì tất phải tươi cười chứ. Mà dù cho có cười thật ròn rã đi nữa, thì thành thực chỉ là cái tuổi trẻ nó dâng lên ức đấy thôi. Nói cho đúng, không phải cô ta vui vì kẻ khác, mà chỉ vì mình thôi. Cuộc sống là thế. Cô ta sống, ừ, phải đấy, cô ta sống, chỉ thế thôi. Mà cô ta sống thì có tội tình gì. Anh không muốn cho cô ta chết chứ gì? Đã vậy, thì anh muốn bắt cô ta phải làm gì chứ? Suốt cả ngày khóc lóc vì tớ và vì bọn Đức ư? Hay hằn học ư? Ai mà có thể cứ khóc hoài hoặc hằn học, gắt gỏng trong suốt mười tám tháng được? Không thể thế được. Này, tớ bảo, đã lâu quá rồi. Lỗi là ở đó.
Gã ngừng lời để nhìn toàn cảnh nhà thờ Đức Bà Lorét, bây giờ đã sáng trưng.
- Và con bé của tớ thì cũng hệt như thế. Khi nó lại gần một người nào mà không bị hắt hủi thì rốt cuộc nó sẽ tìm cách leo lên đầu gối hắn ta. Nếu đó là chú bác nó hoặc là bạn của bố nó, có lẽ nó sẽ thích hơn – có lẽ thế, nhưng hắn là kẻ duy nhất lúc nào cũng ở gần kề, thì con bé cũng đành cố sán vào hắn, dù hắn là con lợn ỉ đeo kính trắng.
Gã đứng lên, đến trước mặt tôi, vung tay oang oang lên:
- Hừ! Người ta có thể bảo tớ cái điều này: Nếu sau chiến tranh, tớ không còn để mà trở về nữa, tớ sẽ tự bảo: Thôi, mày ạ, mày bương rồi, đếch còn Clôtinđơ, đếch còn tình yêu! Một ngày gần đây, trong trái tim của nó, mày sẽ bị thay thế. Chả còn nghi ngờ gì nữa: Kỷ niệm về mày, hình ảnh của mày sẽ xóa nhòa dần đi trong đầu nó và hình ảnh một thằng khác sẽ thay vào. Nó sẽ lặp lại một cuộc đời khác. Hừ! Nếu tớ không trở về nữa!
Gã cất lên một tiếng cười thật tình.
- Nhưng tớ quyết sẽ trở về! Ừ, thật thế, phải có mặt ở đó. Không thì!...
Gã lại tiếp, nghiêm trang hơn:
- Phải có mặt ở đấy, cậu ạ. Nếu không thế, nếu ta không có mặt ở đấy, thì dù kẻ kia có trong trắng như thiên thần đi nữa, cuối cùng thì lỗi vẫn là ở ta cả. Đời là thế đấy. Nhưng tớ, tớ sẽ có mặt.
Gã cười.
- Như người ta thường nói, tớ đã đến nỗi nào đâu.
Tôi cũng đứng lên, vỗ vào vai gã:
- Ông bạn ạ, cậu có lý đấy. Rồi sẽ đâu vào đấy cả.
Gã xoa tay, vẫn nói luôn miệng.
- Ừ, mẹ kiếp, rồi đâu vào đấy cả. Đừng lo.
“Chà! Tớ biết rằng muốn cho đâu vào đấy được thì còn phải nai lưng ra, nhất là về sau này. Phải quần quật đấy. Mà không phải chỉ quần quật bằng chân tay.
“Phải làm lại tuốt. Ừ, thì ta làm lại. Nhà cửa? sạch rồi. Vườn tược? Mất tích. Hừ, ta sẽ dựng lại nhà, gây lại vườn. Càng thiếu thốn, càng phải làm lại. Chung quy, đời là thế, người ta sinh ra là để làm lại phải không? Ta sẽ cùng làm lại cuộc đời chung; làm lại những ngày, làm lại cả những đêm.
“Và những người khác cũng thế. Họ cũng sẽ làm lại thế giới của họ. Tớ nói cậu nghe nhé? Có thể không lâu như người ta tưởng đâu.
“Này, tớ thấy rất rõ mụ Mađơlen Vanđaec có thể lấy một anh chồng khác. Mụ là gái góa; nhưng cậu ạ, mụ góa đã mười tám tháng rồi. Mười tám tháng đó, cậu tưởng không phải là quãng đời đó sao? Với khoảng thời gian ấy, ngày nay người ta thôi không để tang nữa rồi! Người ta thật không nghĩ, khi người ta bảo: “Mụ là đồ đĩ rạc!” và nói tóm lại khi người ta muốn cho mụ phải tử tiết? Nhưng không, cậu ạ. Con người sẽ quên đi, bắt buộc phải quên đi. Không phải tại người khác, cũng không phải tại bản thân chúng ta mà ra thế, chính là tại sự quên lãng, thế thôi. Bất thình lình, tớ lại trông thấy mụ, thấy mụ đang đùa cợt, tớ lộn ruột lên, tưởng như chồng mụ vừa mới chết hôm qua. Nhưng, đâu thế! Anh chàng khốn nạn ngoẻo từ tám đời rồi! Lâu rồi, lâu lắm rồi. Người ta đâu còn vẫn như xưa. Nhưng cẩn thận đấy, phải trở về, phải có mặt ở đó. Ta sẽ có mặt ở đó, và sẽ chăm lo phục hồi lại như cũ”.
Dọc đường, gã nhìn tôi, nháy mắt, tươi tỉnh vì đã tìm được một ý kiến để bấu víu vào:
- Ngay từ giờ, tớ đã thấy rằng sau chiến tranh, tất cả dân làng Xusê lại sẽ bắt tay vào lao động và cuộc sống… Không phải chuyện chơi! Này, cái lão Putxơ, thằng cha kỳ quặc ấy, cậu ạ! Lão tỉ mỉ đến nỗi quét cỏ vườn với cái chổi lông, hoặc quỳ hẳn trên bồn cỏ, lão dùng kéo để xén cỏ. Ừ, thì lão lại sẽ cứ được làm như vậy! Còn mụ Imajine, cái mụ trước ở một chỗ nơi mấy cái nhà cuối làng, cạnh biệt trang Caclơ, một mụ đàn bà to tợn, bước đi như là lăn trên mặt đất, như là dưới cái váy căng tròn, to tướng, có đặt bánh xe. Cứ mỗi năm trước, mụ lại rặn ra được một đứa con. Cứ đều đặn, ngay ngắn y như một khẩu súng máy khạc ra trẻ con! Thì rồi lại tha hồ cho mụ cứ nai lưng mà đẻ.
Gã dừng lại, nghĩ ngợi, hơi mỉm cười rồi như nói với mình:
- Này, cậu ạ, tớ đã nhận ra rằng… Cái này cũng chẳng quan trọng lắm – gã nhấn mạnh, như đột nhiên bị ngượng vì cái chi tiết quá nhỏ nhặt đó – nhưng tớ đã nhận ra (tuy để ý đến việc khác mà chỉ trong nháy mắt là nhận ra được việc này) rằng bây giờ nơi chúng tớ sạch sẽ hơn hồi tớ còn ở…
Chúng tôi thấy ở dưới đấy những khúc nhỏ đường sắt len lách mất hút trong đám cỏ chết khô. Pôteclô dùng bốt chỉ cho tôi mẩu đường sắt bỏ đi ấy, và mỉm cười:
- Cái này là đường xe lửa của chúng tớ đấy. Chúng tớ gọi nó là đường tàu con giun. Nghĩa là nó đi rất chậm. Nó chạy không nhanh! Con sên còn nhanh hơn! Rồi sẽ làm lại nó. Nhưng chắc chắn là nó sẽ không đi nhanh hơn. Nó đi nhanh thế nào được!
Khi chúng tôi đến đỉnh dốc, gã ngoảnh đầu lại, nhìn một lần cuối cùng những nơi bị tàn phá mà chúng tôi vừa thăm. Lần này còn hơn hồi nãy, nhìn càng ở xa, khoảng cách như làm sống lại cái làng qua những rặng cây sống sót, cành lá bị xén ngắn đi, giống như những hàng cây non mới mọc. Lại còn hơn hồi nãy, trời đẹp phủ lên đám trắng, hồng những mớ vật liệu đó, một vẻ hoạt động của sự sống và cả sự tư tưởng nữa. Những hòn đá cũng được sự đổi mới biến hình. Những tia nắng đẹp như báo trước cái gì sẽ đến và chỉ rõ tương lai. Bộ mặt của anh lính ngắm nhìn cảnh ấy cũng rạng lên cái phản ánh của sự phục sinh. Mùa xuân và hy vọng cảm hóa gã, nở thành nụ cười: đôi má hồng, đôi mắt xanh trong sáng và bộ lông mày vàng ánh của gã như mới được tô thắm…
o O o
Chúng tôi đi xuống giao thông hào. Ánh mặt trời chiếu xuống tận đó. Giao thông hào vàng hoe, khô ráo và dội tiếng. Tôi ngắm nghía cái chiều sâu đều đặn, vách hào nhẵn nhụi gọt xén bằng xẻng. Tôi thích chí nghe tiếng động rõ ràng, gãy gọn của giầy chúng tôi bước trên mặt đất cứng hay trên những tấm phên gỗ, từng miếng gỗ nhỏ đặt nối tiếp với nhau làm thành một thứ sàn.
Tôi nhìn đồng hồ. Đồng hồ chỉ chín giờ; và cũng cho tôi thấy cái mặt đồng hồ tô màu một cách tinh tế trên đó phản ánh bầu trời xanh, hồng, bóng lá cây mảnh dẻ của hàng cây non giồng cạnh, trên bờ chiến hào.
Pôteclô và tôi cùng nhìn nhau, với một niềm vui mơ hồ. Chúng tôi hài lòng nhìn nhau như là hai người mới gặp mặt! Gã chuyện trò với tôi. Tuy tôi đã quen với cái giọng ngân nga miền Bắc của gã, tôi vẫn nhận ra gã nói như hát.
Chúng tôi đã từng qua những ngày gian khổ, những đêm bi thảm trong rét mướt, trong nước, trong bùn. Giờ đây dẫu hãy còn là mùa đông, một buổi sáng đẹp trời đầu tiên đã báo hiệu cho chúng tôi và làm chúng tôi tin tưởng rằng một lần nữa, mùa xuân sắp trở lại. Miệng chiến hào đã điểm trang cỏ xanh mơn mởn và trong những đợt rùng mình sơ sinh của đám cỏ non ấy, từng đóa hoa thức giấc. Sắp hết những ngày ngắn ngủi, chật hẹp. Xuân về từ trên và cả từ dưới hầm. Chúng tôi vui sướng thở hít. Chúng tôi vui mừng.
Thực vậy, những ngày gian khổ sắp qua. Chiến tranh cũng sẽ qua, chứ gì. Chắc chắn chiến tranh sẽ kết thúc trong mùa đẹp đẽ đương tới đây và đã rạng chiếu chúng tôi, bắt đầu mơn trớn chúng tôi với làn gió xuân mát mẻ.
Một tiếng rít. Ấy kìa, đạn lạc.
Đạn ư? Đâu phải! Con sáo đấy!
Thật buồn cười, vẫn giống như xưa… Nào sáo, nào chim hót dịu dàng, nào cánh đồng, những hội mùa, cảnh thầm kín ấm cúng trong phòng thướt tha ánh sáng. Ồ! Chiến tranh sắp hết, sắp được vĩnh viễn về hẳn với gia đình, gặp vợ, gặp con, hoặc người vợ trẻ măng như là còn bé, sẽ mỉm cười với họ trong cái ánh tươi trẻ nó như đã xum vầy mọi người ngay từ đây.
… Ở một ngã ba giao thông hào, trên bờ ruộng có cái gì giống như cái cổng xây. Đó là hai cái cột tựa nghiêng vào nhau, giữa chằng chịt một mớ dây điện lòng thòng như dây leo. Trông dễ coi, chẳng khác gì một cảnh xếp đặt, một cảnh bài trí sân khấu. Một cây leo mảnh dẻ quấn xung quanh một trong hai cái cột, và đưa mắt nhìn theo thì thấy nó đã bạo dạn leo ngay sang cả cột kia.
Dọc theo giao thông hào đôi bờ rung rinh cỏ mọc giống như sườn của một con ngựa đẹp còn sống, chẳng mấy chốc chúng tôi đã về tới chiến hào của mình mé đường cái Bêtuyn.
Vị trí của chúng tôi đây rồi. Anh em đã tụ tập ở đó. Họ ăn uống, tận hưởng khí trời ấm áp.
Ăn xong, họ chùi cà-mèn và đĩa nhôm với mẩu bánh…
- Ô kìa! Hết nắng rồi!
Thực thế. Một đám mây đang trải ra và che lấp mặt trời.
Lamuydơ nói:
- Các chú ơi! Lại sắp mưa đấy.
- Rõ xúi! Vừa lúc sắp ra đi!
Fuiat nói:
- Cái xứ nỡm thật!
Mà thực tế thì cái khí hậu của phương Bắc này tệ quá. Nào mưa phùn, nào sương mù, nào khói, nào mưa. Khi có chút nắng thì nắng tắt mau giữa bầu trời rộng lớn ẩm ướt này.
Bốn ngày ở chiến hào của chúng tôi đã hết. Xẩm tối chiều nay sẽ thay phiên. Anh em thong thả chuẩn bị để ra đi: nhét đồ đạc vào cho đầy và để gọn ba-lô, túi dết, lau qua súng trường rồi bọc lại.
Bốn giờ rồi. Hoàng hôn xuống nhanh. Người nọ không trông rõ người kia nữa.
- Rõ khỉ! Mưa rồi!
Vài giọt – Rồi ào ào. Ái! Chà chà! Phải cài lại mũ mấn và vải lều. Chúng tôi bì bõm trở vào hầm trú ẩn, bùn dây cả lên đầu gối, lên tay và khuỷu tay vì đáy chiến hào đã bắt đầu nhầy nhụa. Trong cái hầm công cộng, chúng tôi vừa kịp thắp cây nến cắm trên mẩu đá, rồi đứng xung quanh mà run lập cập.
Nào, lên đường!
Chúng tôi leo lên bóng tối ẩm ướt và gió rét ở ngoài.
Tôi thoáng thấy vóc người vạm vỡ của Pôteclô. Trong hàng ngũ, chúng tôi bao giờ cũng ở cạnh nhau. Khi hàng quân bắt đầu chuyển, tôi gọi gã:
- Ông bạn có đấy chứ?
Gã ngoảnh lại đáp to:
- Ừ trước mặt cậu đấy.
Lúc đương quay mình, gã bị một loạt mưa gió tát vào mặt, nhưng gã chỉ cười. Mặt gã luôn luôn hiền từ sung sướng như buổi sáng nay. Một trận mưa rào làm thế nào xua tan được nỗi thích chí mà gã mang trong trái tim chắc chắn và vững chãi, và một buổi tối xấu trời cũng chẳng dập tắt được ánh sáng mặt trời, trước đây vài giờ, tôi đã thấy rọi vào tư tưởng gã.
Chúng tôi đi – Chúng tôi xô đẩy vào nhau. Bước thụt mấy bước. Mưa vẫn không ngớt, nước chảy ròng ròng như suối ở lòng chiến hào. Ván lát lung lay trên mặt đất đã mềm. Vài gã nghiêng bên này hay nghiêng bên kia rồi trượt chân. Rồi trong đêm tối, chả còn thấy ván nữa, nên đến những khúc ngoặt, chúng tôi đặt nhầm chân sang một bên, đúng ngay vào những lỗ nước.
Trong bóng tối nhá nhem, tôi vẫn dính mắt vào cái mũ cát vỏ như bằng đá đen của Pôteclô, nước ròng ròng như mái nhà dưới trận mưa rào và cái lưng rộng của gã có mang một miếng vuông vải sơn lóng lánh. Tôi theo chân gã, chốc chốc gọi gã và gã lại trả lời – lúc nào cũng vui vẻ, điềm tĩnh và mạnh mẽ.
Đi hết lớp ván lát thì chân bước vào một lớp bùn dầy. Giờ thì tối mịt. Bất thình lình dừng lại và tôi xô vào Pôteclô. Phía trước, nghe một câu mắng hơi hằn học:
- Thế nào, có tiến lên không? Bị đứt bây giờ đấy!
Một giọng nói thảm hại trả lời:
- Tớ đếch kéo chân lên được.
Anh chàng bị sa lầy rút cuộc cũng nhắc được chân ra, và chúng tôi phải chạy nhanh để đuổi kịp phần trên của đại đội. Anh em bắt đầu thở hồng hộc, rên la và chửi rủa những thằng đi đầu. Bạ chỗ nào đặt chân chỗ ấy: bước hụt, bám mình vào vách hào, hai tay bết bùn. Cuộc hành quân biến thành một cuộc chạy tán loạn, rầm rập tiếng sắt leng keng và tiếng chửi rủa.
Mưa thêm mạnh. Lại đột ngột đứng dừng lại. Có người ngã! Ồn ào.
Cái anh bị ngã đã đứng dậy được. Lại đi. Tôi cố hết sức để theo sát cái mũ cát của Pôteclô lấp lánh yếu ớt trong đêm tối trước mắt tôi; chốc chốc lại gọi gã:
- Thế nào?
- Được, không sao cả.
Gã vừa khịt mũi, vừa thở, trả lời tôi như vậy. Giọng gã vẫn trong trẻo, ngân nga.
Ba-lô bị xóc trong cuộc chạy đua huyên náo này, đè trĩu và làm tê tái đôi vai. Chiến hào bị một đống đất mới sập làm nghẽn lối. Khi đi qua hụt chân xuống… Phải rút chân ra khỏi đám đất mềm dính chắc, cứ mỗi bước lại phải giơ chân thật cao. Sau khi chật vật lắm mới vượt khỏi quãng đó thì lại đâm ngay vào rãnh nước trơn. Giầy chúng tôi vạch ra ở đáy hai đường ổ gà hẹp, chân mắc vào đó như mắc vào đường lầy, hoặc khi gặp những vũng nước thì lại tõm ngay vào đấy. Có một chỗ phải cúi thật thấp để chui qua cái cầu nặng dầy và trơn, bắc qua giao thông hào. Chui được cũng không phải chuyện dễ: phải quỳ xuống bùn, dán mình xuống đất, bò luôn mấy bước. Xa hơn một tí, chúng tôi phải lượn đi vừa nắm lấy một cái cọc mà đất vì ngâm nước đã làm cho đổ nghiêng đúng ngay vào giữa lối đi.
Đến một ngã tư.
Viên quản đứng nép vào một góc để chúng tôi đi qua và nói:
- Nào, tiến lên! Mau chân lên một chút, các chú ạ. Chỗ này nguy hiểm đấy.
Một tiếng người rống lên, khàn khàn và hổn hển đến nỗi tôi chẳng nhận ra là ai, nói:
- Anh em hết gối rồi.
Một gã khác, hết hơi, kiệt lực, rên lên:
- Mẹ kiếp! Tớ ngấy lắm rồi. Tớ ở lại đây thôi.
Viên quản trả lời:
- Tôi biết làm thế nào? Có phải tại tôi đâu, hả! Nào, ba chân bốn cẳng lên, chỗ này nguy đấy. Kỳ thay phiên trước đã bị đại bác xơi đấy!
Chúng tôi đi giữa cơn bão táp vừa mưa vừa gió. Có cảm giác như đi xuống, xuống mãi, trong một cái hố. Trượt chân, ngã và va vào vách chiến hào, rồi huỵch cánh tay một cái thật mạnh vào vách để bật đứng dậy. Cuộc hành quân giống một cuộc trượt ngã dài, mỗi người cố mà bám víu bất cứ vào đâu. Cứ trượt về phía trước và cố giữ người cho thật thẳng.
Chúng tôi đến đâu rồi. Dầu mưa như trút, tôi vẫn ngẩng đầu ra khỏi cái vực trong đó chúng tôi đang rẫy dụa. Trên nền trời mây lờ mờ, tôi thấy hai bờ hào, và đột nhiên lộ ra, chênh vênh trên miệng hào, một thứ cổng ngầm thảm đạm làm bằng hai cột đen nghiêng đầu vào nhau, ở giữa rũ xuống như một mớ tóc bị bứt ra. Đó là cái cổng lớn mà buổi trưa tôi đã tìm thấy.
- Tiến lên! Tiến lên!
Tôi cúi đầu và không thấy gì nữa; nhưng tôi lại một lần nữa nghe tiếng đế giầy thọc vào bùn rồi rút ra, tiếng lách cách của bao lưỡi lê, những tiếng kêu la nặng nề và tiếng thở dồn dập của các lồng ngực.
Lại một lần nữa bị dồn dữ dội. Đoàn quân đột ngột dừng lại, và cũng như lúc nãy, tôi lại húc vào Pôteclô, tựa người vào lưng gã, cái lưng mạnh mẽ, vững chãi như một thân cây lớn, như hiện thân của sức khỏe và hy vọng. Gã kêu tôi:
- Cậu ơi, gắng lên, đến rồi đấy!
Đoàn quân đứng im. Phải lùi lại,… Mẹ kiếp!... Nhưng không, lại cứ tiến nữa!
Đột nhiên, một tiếng nổ dữ dội rơi vào chúng tôi. Tôi rung đến tận óc, tiếng dội kim khí ngập đầu, mùi diêm sinh nóng bỏng sộc vào mũi làm tôi ngột ngạt. Đất đã nứt ra trước mắt tôi. Tôi thấy mình như bị bốc lên, tung về một phía, gấp người lại, gần bị nghẹt thở và lóa mắt trong tia chớp và tiếng sét đó… Tuy vậy, tôi vẫn nhớ rõ lắm: trong giây phút đó, tự nhiên tôi cuống cuồng và xớn xác tìm anh bạn chiến đấu của tôi, tôi thấy thân gã vọt lên, thẳng đứng, đen đủi, hai cánh tay giang rộng hẳn ra và một ngọn lửa đã thay chỗ cho cái đầu gã.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa