The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Thể loại: Cổ Tích
Biên tập: Hoài Nam
Upload bìa: Hoài Nam
Số chương: 239
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5349 / 75
Cập nhật: 2018-02-03 14:00:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
5. Tác Giả Truyện Cổ Tích
rước tiên chúng ta sẽ nói đến những phần tử trí thức tức là hạng nho sĩ hay tăng lữ. Bọn họ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và có những khuynh hướng tư tưởng khác nhau.
Có hạng có vai vế trong xã hội: hoặc chịu tước lộc của triều đình, hoặc làm môn khách, gia thần cho quý tộc địa chủ ở một địa phương nào đó. Họ am hiểu tường tận tâm lý, tính cách tầng lớp thống trị cũng như có vốn kiến thức đáng kể về cuộc sống "hậu trường" sâu kín của tầng lớp này. Chính vì thế, họ sáng tác khá nhiều những truyện xung quanh một ông vua, một ông quan, một thổ hào, một ông sư, hoặc những truyện về thi cử đỗ đạt, về phong thủy, bói toán, cúng dàng, v.v... có khi khá ly kỳ huyền ảo. Nào truyện Gia Long khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi đã gặp những cái may gì mà thoát nạn; truyện mả tổ nhà Trần đã "kết" như thế nào để từ một dòng họ đánh cá ở Tức-mặc mà trở nên đế vương, rồi vì sao cũng dòng họ ấy về sau lại trở nên suy đồi, cái ngai vàng lại về tay người khác; truyện Nguyễn Trật nhờ thần giúp đỡ ra sao để cho một kẻ học dốt như ông cũng có tên trên bảng tiến sĩ; truyện mười tám ông sư vì sao đã đâm đầu một lượt xuống nước để trở thành Phật La hán, v.v... Họ còn đứng trên quan điểm chính thống để sưu tập và chỉnh lý truyện cổ dân gian. Những truyện của họ nhìn chung thường mang dấu ấn khá nặng của chủ nghĩa định mệnh, chủ nghĩa sùng bái cá nhân... Chúng góp phần tuyên truyền cho chế độ quân chủ hay cho tôn giáo yếm thế. Tuy vậy, nhiều truyện cũng hé ra không ít những ý nghĩa tích cực về cuộc sống, mặc dầu có thể ý nghĩa đó đã trở thành kinh điển. Nhất là những truyện của các tác giả sống tương đối gần gũi nhân dân thì vẫn phản ánh được ước mơ và quyền lợi của nhân dân đến một chừng mực nào.
Một hạng nho sĩ khác, thân phận nghèo nàn, sinh hoạt túng bấn, như chúng ta quen gọi là "hàn sĩ" hay "bần sĩ". Họ xuất thân ở nông thôn. Trong thời gian đi học, đi thi, cho đến lúc sinh nhai bằng một nghề nào đó họ thường sống cuộc đời của kẻ phiêu lãng. Trong cuộc đấu tranh âm ỉ giữa nông dân và địa chủ, họ thường đứng về phía nông dân. Họ rất giàu tưởng tượng, lại là những người hóm hỉnh, thích đùa nghịch, dám chĩa mũi nhọn vào những kẻ khác có khi quyền thế hơn, dám nhìn thẳng vào mọi thói xấu của chúng, dám đem nó ra mà đùa, mà châm chọc, mà thỏa mãn khoái cảm của mình. Những truyện do họ sáng tác nói chung có nhiều loại, kể cả ngụ ngôn, tiếu lâm, v.v... Trong ký ức của họ hẳn chứa rất nhiều những kinh truyện của bách gia chư tử, trong đó có vô số cổ tích, điển cố của nước nhà cũng như của văn học Trung-hoa. Vào thời gian sống lang bạt ở nông thôn hay ở đô thị, họ lại lượm lặt thêm được không ít tài liệu thực tế sinh động. Nhờ có vốn sẵn như thế cho nên họ sáng tác được nhiều truyện vừa ly kỳ vừa ý vị và nói chung được nhân dân ưa thích.
Truyện Tú Uyên có thể là một ví dụ. Đây chắc là sáng tác của một nho sĩ, hơn nữa một "bần sĩ". Những truyện cũ như "Người lấy ma", "Ma trêu học trò", những tích xưa như "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc", "Lộng Ngọc Tiêu Sử", "Vu Hựu thả lá", v.v... đã gây nhiều cảm hứng rất đẹp cho tác giả và ảnh hưởng ít nhiều đến phương pháp nghệ thuật của câu chuyện. Nhưng điều quan trọng hơn là ở kinh đô Thăng long thuởấy quả cũng chẳng hiếm gì những mỹ nhân làm mê hồn nhiều nho sĩ. Và tất cả, mộng và thực, tâm tình và ước vọng lãng mạn của họ, đã được nhào nặn lại để thành một câu chuyện tình duyên, trong đó ảo tưởng được nâng lên đến cao độ.
Truyện Ông nghè Tân như trên đã nói, có lẽ là do một số nho sĩ có tư tưởng chống bọn quan lại tham ô đặt ra. Tác giả dựa phần lớn vào các sự kiện có thực để tạo nên tác phẩm, chứ không dùng hay rất ít dùng đến nhân tố hoang đường.
Đáng để ý nhất là những phần tử trong tầng lớp nô tì, tôi tớ, trong đám người phải đi phu, đi lính cho bọn thống trị. Những người có phần được sống tập trung, lại có cơ hội đi nhiều nơi, tai nghe mắt thấy được nhiều sự việc. Nói chung, chẳng những họ là người có điều kiện lưu truyền mà còn có khả năng sáng tác ra truyện. Những truyện do họ kể có khi là sự thật đã bị biến tướng bởi tâm lý chủ quan của chính họ và những người xung quanh họ; có khi là những truyện cổ tích của những vùng xa xôi nào đó được họ sửa chữa cho hợp với phong tục, tín ngưỡng địa phương. Thôi thì phong phú không thể kể xiết!
Có những truyện bí mật từ trong cung cấm: nào là bà chúa nọ tư thông với đầy tớ (Hà Ô Lôi); nào là ông vua kia mê người nữ tỳ (Chị A). Có những truyện từ trên rừng xuống (Thần giữ của, Ma cà rồng); từ dưới biển lên (Giặc Tàu ô, Sự tích đền Cờn); truyện trong Nam, ngoài Bắc, truyện chiến tranh; truyện kiện cáo; truyện dịch tễ, v.v... Tất cả những loại truyện đó, qua trí tưởng tượng của họ đều được dọn lại cho súc tích, tô điểm thêm cho hấp dẫn và có tính kịch, rồi lan đi rất nhanh. Một khi đã vào trí nhớ nhân dân, nhân dân không bỏ lỡ cơ hội xây dựng, sáng tạo thêm một số tình tiết nữa, rồi phổ biến khắp nơi trong nước.
Những người làm nghề hát xẩm, kể vè cũng là những tay sáng tác và lưu truyền rất đắc lực truyền thuyết và cổ tích. Họ là những nghệ sĩ sống nhờ dân chúng và sáng tác theo truyền thống của dân chúng. Cái nghề của họ không phải mới xuất hiện gần đây mà đã có từ xưa. Giữa xã hội thị tộc trước kia, những người có khả năng hát và nhớ truyện rất được nhân dân quý mến chiều chuộng. Trong những buổi hội họp đông đúc, họ được mời ra biểu diễn, làm cái việc giải trí cho nhiều người. Những truyện mà họ kể cho người nghe có lẽ đều bằng văn vần, do chính họ hay những nhà văn khác, trước họ, sáng tác.
Thời kỳ của chế độ nô lệ, phong kiến, trong cung đình có một hạng nghệ sĩ chuyên phục vụ cho vua chúa, quý tộc. Bên cạnh những "thằng hề", "con hát", bọn họ được trọng dụng không kém. Quyển Nghìn lẻ một đêm cho ta thấy cái thói ham nghe kể chuyện của các ông vua Ả-rập, Ba-tư ngày xưa. Những truyện được đưa ra kể ở những nơi thâm nghiêm này thường là góp nhặt từ khắp mọi phương trong dân chúng, không loại trừ những truyện tục.
Trong thời kỳ cận đại, ở Việt-nam cũng như ở Trung-quốc, hạng nghệ sĩ chuyên môn kể chuyện cho dân chúng không hiếm gì. Thường ở nông thôn chúng ta trước Cách mạng, mỗi làng mỗi xóm thế nào cũng có một vài người hát tốt giọng và hay nhớ truyện. Những lúc rỗi rãi, họ kể truyện cổ tích, ngâm Kiều, Thạch Sanh, v.v... Tiếng họ cất lên, mọi người trong xóm xúm lại bên ấm nước chè xanh say sưa nghe kể. Những nghệ sĩ đó không sinh nhai bằng nghệ thuật của mình.
Bên cạnh đó, cũng có những nghệ sĩ thoát ly sản xuất, thường trổ tài ở chợ búa, thị trấn. Đây là những người hát xẩm, kể vè rong mà sự phát triển quá nhanh chóng của tiểu thuyết, kịch và chiếu bóng nửa thế kỷ lại đây đã cướp mất nghề của họ. Nói đúng hơn là trong sinh hoạt nghệ thuật của quần chúng Việt-nam, bước vào thế kỷ này, bắt đầu có một sự thay đổi quan trọng về phương thức diễn đạt, truyền bá tác phẩm, cũng như về đối tượng thưởng thức nghệ thuật.
Ngày xưa nghề kể vè của ta chắc chắn rất thịnh. Những chuyện vè dài đặt bằng văn vần, xuất hiện khá nhiều. Ngoài những truyện thời sự là chủ yếu còn có truyện cổ tích. Nhu cầu thưởng thức của quần chúng vốn rất đa dạng, các nhà nghệ sĩ do đó cũng thấy cần thay đổi món ăn. Họ bèn tìm tòi trong lịch sử xem có những anh hùng nông dân nào mà tên tuổi bị chìm đắm bởi thời gian, hoặc rút lấy những sự kiện lịch sử mà mọi người đang thèm khát nhắc lại. Họ sẽ đặt thành truyện như vè Chàng Lía, vè Bà Thiếu phó[9], vè Vợ ba Cai Vàng, vè Thất thủ kinh đô, v.v... Cố nhiên, nhà nghệ sĩ sẽ không quên đưa quan điểm và tưởng tượng của mình hòa vào chất liệu lịch sử. Và ý kiến của tác giả truyện vè thì bao giờ cũng có chỗ khác với ý kiến của các sử gia. Nó hợp với lô-gích tư tưởng của quần chúng hơn. Thế là một truyện cổ tích lịch sử ra đời, được nhân dân thưởng thức và truyền tụng có phần hứng thú hơn những cuốn sử ký cũng chép sự việc đó.
Tóm lại, truyền thuyết và cổ tích xuất hiện sau thần thoại. Lúc này con người đã qua thời đại dã man, sống trong những xã hội có cấp bậc, đặc biệt là xã hội nô lệ và phong kiến. Quan niệm về vũ trụ đã có phần khác với thời kỳ nguyên thủy. Nói chung, con người đã nổi bật lên trước lịch sử và bước vào nghệ thuật với tư cách vai chủ nhân của truyện. Mặt khác, nội dung phản ánh của truyện cũng đã thay đổi để thích hợp với vai chủ nhân ấy; từ ý nghĩa "tạo lập trời đất", đẻ đất đẻ nước nó chuyển sang mang nặng ý nghĩa về cuộc đời. Tác giả truyền thuyết và cổ tích phần nhiều là nhà văn nhân dân; họ sáng tác theo truyền thống và nhu cầu của nhân dân, nhưng cũng mang ít nhiều ý thức tư tưởng của giai cấp thống trị.
Chú thích:
[1] Viên Kha. Trung-quốc cổ đại thần thoại, Thương vụ ấn thư quán, Thượng-hải, 1955.
[2] Nhà thơ cổ Hy- lạp, sống vào khoảng thế kỷ thứ X trước Công nguyên.
[3] Dẫn trong Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren của Cô-xcanh (E. Cosquin: Contes populaires deLorraine, I, Vieweg, Paris; p. IX, X).
[4] Thờ vật tổ.
[5] Xem dị bản của các truyện số 18, số 32, tập I.
[6] Nghĩa là cái đầm xuất hiện trong một đêm.
[7] Theo Grốt-xanh, Hòa bình, tỉnh của người Mường (P. Grossin: La province Mường de Hòa bình, in lần thứ hai, Hà nội, 1926; p. 66).
[8] Theo Tiên Đàm. Sự thực về ông nghè Tân, trong Tri tân, số 30 (1942).
[9] Tức là bà Bùi Thị Xuân, nữ tướng anh dũng của Tây Sơn. Truyện này đã thất truyền, nhưng từng được Bít-xa-se (Bissachère) nhắc trong bản ký sự của ông. Xem May-bông: Tường thuật về xứ Đường ngoài và xứ Đường trong của đức cha Bít-xa-se (C.B. Maybon: La relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mgr. de la Bissachere, Champion, Paris, 1920; p. 100, chth.1).
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam