Love appears in moments, how long can I hold a moment, as my moment fades, I yearn to catch sight or sound of you, to feel the surging of my heart erupt into joyous sounds of laughter.

Chris Watson

 
 
 
 
 
Thể loại: Cổ Tích
Biên tập: Hoài Nam
Upload bìa: Hoài Nam
Số chương: 239
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5349 / 75
Cập nhật: 2018-02-03 14:00:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
3. Ranh Giới Giữa Truyền Thuyết Và Cổ Tích
ruyền thuyết, cổ tích đều là những truyện tự sự nằm trong loại hình tự sự dân gian, do quần chúng tưởng tượng nên, cốt truyện tương đối dài, kết thúc trọn vẹn, các tình tiết được thuật theo trình tự thời gian, và trong không gian ba tầng của người thời cổ: cõi người, cõi trời (bao gồm cả cõi tiên), cõi đất (âm phủ và thủy phủ). Nội dung của chúng, hoặc hoang đường, huyền diệu hoặc không, thường thường đề cập đến những mối quan hệ giữa con người trong xã hội có giai cấp nhiều hơn là giữa con người với tự nhiên. Mục đích là gây hứng thú thẩm mỹ cho người nghe, người đọc, đồng thời cũng để giáo dục họ, nhưng không cốt gây cười, cũng không ngụ ý như các thể loại tự sự dân gian khác.
Truyền thuyết và cổ tích tuy giống nhau trên đại thể, nhưng thật ra vẫn là hai khái niệm cần phân biệt.
Danh từ "truyền thuyết" có một hàm nghĩa cũng khá rộng rãi. Nó thường được dùng để chỉ những câu chuyện cũ, những sự kiện lịch sử còn được quần chúng truyền lại nhưng không bảo đảm về mặt chính xác (có thể do truyền miệng mà sai lạc, đồng thời cũng có thể do tưởng tượng của dân chúng phụ họa thêu dệt mà càng sai lạc hơn). Vì thế, trong quan niệm của nhân dân ta trước tới nay, mấy chữ truyền thuyết có khả năng bao trùm lấy nhiều loại truyện. Cũng do phạm vi quá rộng rãi của khái niệm đó mà đôi lúc người ta còn lẫn lộn nó với cả truyện cổ tích và truyện thời sự nữa.
Cho nên, nếu chỉ giới hạn việc định nghĩa truyền thuyết là những truyện trong đó lịch sử bị biến tướng bởi óc tưởng tượng và lãng mạn của nhân dân, nói cách khác những truyện do tưởng tượng cấu thành nhưng có gắn liền với một ý nghĩa lịch sử như quan niệm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài[7], thì e không thích hợp với thực tiễn văn học dân tộc. Tình trạng nhập nhằng thường thấy giữa truyền thuyết và cổ tích như trên đã nói, đòi hỏi chúng ta phải có một định nghĩa rạch ròi, dứt khoát hơn.
Giả định rằng truyền thuyết là sự thật được hoang đường hóa còn cổ tích thì hoàn toàn do tưởng tượng tạo nên, nhưng ai mà không nhận thấy có những truyền thuyết như Sự tích con muỗi, Sự tích hồ Ba-bể, là hoàn toàn bịa đặt, v.v... Ngược lại, cũng không hiếm gì những truyện cổ tích vốn lúc đầu dựa vào một sự thật khách quan nào đó rồi được tác giả nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Lại giả định rằng truyền thuyết có dính dấp đến lịch sử, còn cổ tích thì không phải như vậy, nhưng trên thực tế, nào hiếm gì những truyện cổ tích có quan hệ ít nhiều đến lịch sử, như các truyện Chàng Lía, Bùi Cầm Hổ chẳng hạn?
Theo chúng tôi, điều cần chú ý trước hết là phần nhiều các truyền thuyết đều chưa được xây dựng thành truyện. Chúng chỉ mới là từng mẩu truyện. Ví dụ truyền thuyết về Lý Công Uẩn chỉ gồm có hai tình tiết: mẹ vua không chồng mà chửa, sau cho vua làm con nuôi sư Lý Khánh Văn; lúc ở với sư, vua đã đề vào lưng tượng Phật mấy chữ "đày đi viễn châu", đến nỗi hòa thượng trụ trì chùa này nằm mộng thấy Phật từ giã mình đi đày theo lệnh của thiên tử.
Có nhiều truyền thuyết chưa có kết cấu trọn vẹn, chưa nhuần nhuyễn tính nghệ thuật. Ví dụ truyền thuyết ông Đùng bà Đà là chuyện hai anh em ruột lấy nhau bị xử tử, chết thành thần.
Cho nên, trên từng bước tiến triển của loại hình, nếu truyền thuyết - hiểu theo nghĩa rộng - đạt đến chỗ hoàn chỉnh thì tùy theo nội dung, nó có thể trở thành cổ tích hay thần thoại. Bởi xét về mặt nghệ thuật, về nội dung ý nghĩa thì tuyệt không có gì khác giữa một truyền thuyết với một cổ tích hay một thần thoại.
Văn học truyền miệng Việt-nam không có loại anh hùng ca như văn học truyền miệng của đồng bào thiểu số, nhưng có một số truyền thuyết phần nào có mang phong cách anh hùng ca. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có thể ngờ rằng, ngày xưa chúng ta cũng có anh hùng ca với hình thức văn vần. Nhưng có lẽ trải qua bao nhiêu biến thiên lịch sử, đặc biệt là những biến thiên về ngôn ngữ văn tự, loại anh hùng ca đó mất dần đi, chỉ còn lại đây đó những cốt truyện kể bằng văn xuôi mà ta gọi là truyền thuyết. Truyện Thánh Gióng, truyện Khổng Lồ đúc chuông, truyện Bố Cái đại vương, chẳng hạn, có thể nguyên xưa đều là những anh hùng ca. Nhưng đã từ lâu, sự lãng quên, sự chuyển hóa của lịch sử làm cho những thiên anh hùng ca đó chịu những số phận không chút giống nhau. Truyện Thánh Gióng trở thành một thần thoại hay một thần tích; truyện Khổng Lồ trở thành một cổ tích, còn truyện Bố Cái đại vương chẳng hạn thì được các nhà chép sử gạn bớt những yếu tố hoang đường mà trở thành một sự tích lịch sử. Cùng một hiện tượng "tha hóa" kiểu như thế, ngày nay, chúng ta còn có thể lọc được trong thần tích của các làng một số truyền thuyết có dấu vết của phong cách anh hùng ca như Sự tích thần làng Võng-la[8],Sự tích Thánh Chèm, v.v...
Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, nếu truyền thuyết có thể đứng được thành một thể loại riêng biệt thì phải gồm những truyện xưa chuyên nói về anh hùng lực sĩ trong thời khuyết sử và thời Bắc thuộc đã được kỳ vĩ hóa, thần thánh hóa. Nhưng số lượng hiện nay biết được cũng không nhiều. Những truyện anh hùng lực sĩ sáng tác trong thời phong kiến tự chủ đương nhiên không thể liệt vào loại truyền thuyết này vì nói chung, trong quan niệm nghệ thuật về con người của chúng, đã có sự khác biệt về chất. Con người ở đây không còn có phong thái chất phác vô tư và khảng khái như các nhân vật anh hùng thời xưa. Nhân vật Lê Phụng Hiểu là một lực sĩ có sức khỏe tuyệt trần, nhưng cái ước muốn của Lê Phụng Hiểu thì chung quy không ngoài ước muốn phục vụ vua chúa phong kiến để cầu danh lợi. Vẻ đẹp của ông đã được một hệ quy chiếu thẩm mỹ khác trước quy định.
Tuy phân biệt truyền thuyết với cổ tích như trên, nhưng ở đây, khi sưu tập chúng tôi vẫn xếp chung truyền thuyết với cổ tích và coi như là những truyện cổ tích. Bởi vì không những số lượng của chúng ít ỏi, mà về nội dung, những truyền thuyết này cũng đượm ít nhiều phong vị của cổ tích, nếu như không đượm phong vị của thần thoại.
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam