Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương XVIII
ường như cùng một lúc, các đội tàu đều đến và buông neo trong khoảng biển nông trước cửa trụ sở ủy ban xã. Đèn măng sông năm nghìn oát đồng loạt bật lên và dãy tàu liên kết nhau như một kinh thành ánh sáng chói chang, lộng lẫy và lung linh, trong sự phản chiếu của nước biển. Nhụ, Ngạnh và mấy người nữa theo con lẵng ra tàu, bước lên sàn tàu, ghép bằng những phiến lim, gỗ xẻ trên núi cao vào kỳ trăng khuyết. Đã thấy người ngồi vòng trong vòng ngoài, ông Trương rót ra từng chén rượu rắn, bố Ngạnh đang chuyển đến những đĩa sá sùng đã rang khô trên chảo có tráng mỡ cá thiều. Một vạc cháo rất to, một nia khoai lang luộc, loại khoai lang bột trắng, thơm như bánh phong, và nhiều khay cá hấp, toàn loại cá trắng lớn như cá ngừ, cá tráp...
Bí thư đảo uỷ Trần Quốc Hải đang tuyên dương những đội tàu xuất sắc, đưa sản lượng cá biển đã đánh bắt được lên đến một ngàn tấn trong một thời gian ngắn. Chủ tịch xã lâm thời Phạm Đăng Thuận đang xin ý kiến bà con ngư dân về kế hoạch xây dựng xã đảo, bao gồm việc tăng cường phương tiện thông tin liên lạc và kỹ thuật đánh bắt hải sản, việc nuôi trai ngọc và khai thác sá sùng, việc tiếp tục đưa dân ra đảo với các chính sách khuyến khích về đất đai, nhà cửa, xây dựng trường học, về việc phòng thủ đảo và chống tàu bè nước ngoài xâm phạm hải phận của ta...
Những ngư dân ngồi trên sàn tàu, trên sạp thuyền, ngổn ngang như sóng, tóc cứng da nâu, cánh tay trần như chão bện, từ người họ hừng hực toả ra cái hào khí của chủ quyền dân tộc, của sức sáng tạo và bản lĩnh chinh phục biển khơi, vốn là nỗi khát khao bao đời của những người dân chài. Ông Trương đề nghị phải bảo tồn các câu hò sông nước, bằng cách dạy cho trẻ con ngay từ bây giờ...
Ngạnh ngồi bên cạnh Nhụ. Nhìn ngược sáng, mấy sợi lông tơ trên má nó óng ánh lên như cước. Trong đêm nay, nó hiền lành và có phần mềm yếu, nhất là khi nghe ông Trương cất lên thăm thẳm một câu hò:
- Hờ... ơ... ơ... ơ...
Ông Trương bảo, mỗi khi hò lên như thế, giọng hò chỉ hay khi tay cầm mái chèo, con chèo phải mượn vào thế nước mà đưa đẩy, mắt phải thu hết một vùng sông nước mênh mông và trong lòng phải nghĩ toàn những điều tốt đẹp.
Và ông hò như những năm còn lái đò ngang trên sông Bạch Đằng, một mình ông hò hết một đêm hội, một tuần trăng. Những câu hò gợi lên những vùng cửa sông rất nhiều gió. Bãi cát lênh lang nước. Những cây sú vẹt vật vờ. Bên bờ sông, lập loè những đốm lửa chài. Triều lên mênh mang. Những ngôi sao rủ xuống thấp ngang với mặt sóng. Con đò cong như một vành trăng khuyết, trôi trên mây nước chơi vơi. Mái chèo dịu và mềm, vờn lên từng luồng sáng lân tinh. Hai bên mạn chèo, nổi lên hai xoáy nước như hai quả quýt. Tưởng như không phải câu ca mà chính là khói sóng và sao trời, kể lể, thở than về những mối tình thiết tha và ngang trái không biết từ những thuở nào. Tưởng như không phải con người mà chính là thiên nhiên, tự hát về hoa cỏ, trăng gió và mùa thu...
- Hờ... ơ... ơ... ơ...
Nhụ thấy Ngạnh cúi xuống lau trộm nước mắt vào đầu gối. Mẹ nó năm xưa, chắc cũng đã hát những câu này, trong đêm đậu thuyền bên bờ cỏ... Bài hát gợi lên một làng chài thân thuộc đến mức có thể nhìn thấy những vàng lưới treo nghiêng dưới rặng dừa nước mặn, những dàn phơi cá bồng bềnh trong gió thu, cao ngang mái nhà, tưởng có thể ngửi được mùi mực nướng thơm lừng, toả ra từ một ngõ hẻm lát bằng vô số vỏ sò, tưởng có thể nghe rõ tiếng xèo xèo của những con hà đang vào mẩy, căng như vú mực, bị lửa hun thuyền táp lên khẽ há miệng ra, để rơi xuống lửa giọt nước trắng như sữa... Chao ôi, những câu hò xa xưa... cái hồn của mây trời và sông nước, dường như chỉ có thể ở đó, mới có chỗ trú ngụ, mới có chỗ nuôi dưỡng...
- Hay quá, cứ hò nữa đi - Tiếng ai đó kêu lên.
- Mời! Mời các bác uống rượu...
- Hờ ơ... ơ... ơ...
Nước lên xâm xấp bãi hà
Biết mặt mà chẳng biết nhà em đâu
Nhà em cách mấy sông sâu
Để anh bắc sợi dây trầu anh sang
Hờ ơ... ơ... ơ...
Ngạnh đứng lên, trù trừ một lúc rồi kéo mạnh tay, lôi Nhụ ra phía sau tàu, trong khi tiếng hờ ơ... cứ ngút ngát ngân xa, man mác buồn, tưởng như lan toả đến tận cùng mây nước. Tiếng hờ ơ... không biết có từ thời nào, mà như sóng, như muối cứ chà xát vào ruột gan con người về những nỗi niềm tưởng như vu vơ mà thấm thía đến ứa nước mắt... Trong bóng rợp của mái che, Nhụ vẫn nhận ra đôi mắt Ngạnh hoe hoe đỏ, nét mặt ngậm ngùi, thoáng một nỗi sầu muộn xa xưa rất khó nắm bắt. Cảm giác như Ngạnh đã bắt đầu lớn sớm, do những đau thương và sự từng trải ở tuổi thiếu niên.
- Tao thương mẹ tao quá, mày ạ. Không biết nắm xương mẹ tao bây giờ trôi dạt ở phương nào? Rồi em tao...
Ngạnh bỗng bật khóc.
- Nhỡ mẹ mày vẫn sống thì sao?
Nhụ nói, giọng đầy niềm tin tưởng.
- Sống làm sao được. Đêm tối bão táp mịt mù... Gần một năm rồi!
- Bởi vì không có điều kiện liên hệ với nhau. Nếu mẹ và em mày dạt vào đâu đó, được cứu sống như bố con mày chẳng hạn, và giờ này cứ tưởng là mày và bố mày đã chết rồi...
- Ừ nhỉ. - Ngạnh bỗng thốt lên. - Nếu được như thế thì tao sướng lắm.
Rồi giọng nó trầm xuống, thấm thía buồn:
- Mày ạ, thỉnh thoảng tao vẫn nằm mê, gặp mẹ tao đấy, mẹ tao rách rưới, cắp cái nón bật vành, tay xách con cá đã chết thối...
- Mày nghĩ quẩn rồi, nên nó mới sinh ra như thế, nhưng thôi... Vui lên. Biết đâu vài ba tháng nữa...
Nhụ đặt tay mình vào tay Ngạnh, thấy tay nó ấm và run... Nhụ định ôm lấy vai nó nhưng rồi lại thôi, vì nghĩ có khi cứ để như thế, im lặng như thế, nó sẽ chóng khuây khoả...
Hòn Đảo Phía Chân Trời Hòn Đảo Phía Chân Trời - Trần Nhuận Minh Hòn Đảo Phía Chân Trời