The walls of books around him, dense with the past, formed a kind of insulation against the present world and its disasters.

Ross MacDonald

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương III
êm qua, ông cũng không ngủ nhà. Cái phản của ông vẫn trống không. Gọi là phản nhưng thực ra, đấy là nắp một cái quan tài bằng gỗ lim, rất dày và nặng, mà ông đã tự đóng sẵn cho mình. Ông gọi là "cỗ hậu sự". Ông kê "cỗ hậu sự" quý hoá đó vào sát tường, trong gian nhà dành riêng cho ông. Ông kê liền một tấm gỗ tương tự như nắp "cỗ hậu sự" thành một cái phản. Rồi ông trải lên chiếc chiếu cói. Những ngày ở nhà, ông uống rượu với cá rán, hay ăn khoai lang luộc với cá kho, hoặc ngủ rất ngon lành, ngay trên cái nắp ván dành sẵn cho mình.
Một lần, ngồi trên cái phản kỳ lạ đó, ông rót rượu vào cái nắp phích (ông thường rót rượu vào cái nắp phích con, dùng thay chén) rồi chậm rãi nói với Nhụ:
- Nhà ta từ thượng cổ đến giờ, chưa ai khuất sóng mà lại được chôn trong một cái áo quan. Có lẽ ông là người đầu tiên đây...
Ông ngừng một lúc, nhắp một ngụm rượu rồi ông chầm chậm nhắc lại ba tiếng dính liền nhau, trong một nụ cười tư lự và đầy vẻ mãn nguyện.
- Đầu - tiên - đây...
- Thế các cụ xưa... nằm ở đâu ạ? - Nhụ rụt rè hỏi.
- Đâu à? - Ông bĩu môi làm khuôn miệng méo hẳn đi, rồi khoát tay một cái. Nhụ hiểu là ở trong sóng biển.
- Chết trôi à?... Sợ thật! - Nhụ buột miệng lẩm nhẩm, giọng bỗng hơi khàn.
- Ngu! - Ông mắng, mặt ông cau lại, mắt đảo rất nhanh.
Nhụ không hiểu ý nghĩa của cử chỉ đó là như thế nào, nên có ý đề phòng. Nhưng ngoài dự đoán của nó, ông lại nói rất du dương... Nghe như có một âm điệu nào đó của tiếng sóng, lẫn vào.
- Sống tháo mồ hôi trên mặt biển thì... (ông cố ý tránh nói tiếng chết) ngả mình xuống đáy biển thôi...
Nhụ thật sự ngạc nhiên về vẻ giản dị và nhẹ nhàng trong cách diễn đạt của ông. Một con người mà nó biết là sống không dễ dàng gì và đã từng trông thấy bao nhiêu cái chết dữ dội. Nó cũng biết chẳng ai được ngả mình dưới đáy biển cả. Các loài cá lớn sẽ xơi ngay. Nhưng nó vẫn im lặng không dám nói gì. Nó chợt nhớ ra rằng, cụ nó, cũng đã chết như thế, trước mắt ông nó, trong một đêm giông, lật thuyền. Ông nó, lúc đó mới mười lăm tuổi, một mình bám vào một mảnh thuyền vỡ, bơi suốt đêm tối trời trong sóng cấp bẩy. Đến sáng thì được cứu thoát. Ông nó đã có lần kể tỉ mỉ chuyện đau thương ấy với toàn thể gia đình...
Thấy ông vắng nhà, Nhụ hỏi:
- Hôm qua, ông đi đâu hả mẹ?
- Ông đến nhà ông Trương Sần. - Mẹ Nhụ nói rồi cúi xuống cắn đứt một sợi ni-lông. Xong, mẹ đứng dậy, đi ra trước cửa, bước từng bậc đá ngắn xuống sông Bạch Đằng. Mẹ lấy tay vục nước mặn, vỗ lên mặt.
Ông Trương Sần là một ông già nổi tiếng về nghề bắt rắn độc, chữa người bị rắn độc cắn và nuôi rắn độc để bán cho người ta ngâm rượu, trị các chứng phong. Đôi khi, ông bán nọc rắn cho công ty Dược ở trên tỉnh. Vợ ông, con ông và cả các cháu ông nữa, đều đã bị giặc Mỹ giết hại trong một trận bom trút xuống trúng hầm, cuối năm 1966. Ông ở với cô cháu gọi vợ ông bằng cô. Cô cháu này chuyên làm nghề phơi cá khô cho hợp tác xã. Ông đã hơn bảy mươi tuổi. Những người trạc tuổi con ông trở xuống, ông thường không nhớ tên. Khi gọi họ, bao giờ ông cũng gọi thẳng tên bố hay tên ông họ một cách thân mật đến mức suồng sã. Nhụ biết từ xưa vùng nó vẫn có cái tục ấy. Người ta có thể gọi tên một người thay cho cả nhà, chỉ thay đổi tiếng đệm hay thái độ, giọng điệu, để phân biệt nam nữ, trên dưới.
Một lần gặp Nhụ đi học về, từ xa, ông đã kêu lên: "Cu Cõn! Học thế nào, cháu?" (Cõn là tên lọt lòng của ông nội Nhụ). Rỗi lúc nào là ông hát lúc ấy. Những câu hát đều do ông nghĩ ra ngay lúc bấy giờ. Hát xong là ông quên. Nhưng nhiều người nghe ông hát một lần là nhớ mãi. Lần ấy, Nhụ thấy ông Trương Sần không biết đi đâu về, qua bến phà Rừng. Ông gặp một ông già bán kẹo kéo, đang đứng giữa đám học trò xúm xít. Ông già này, người nhỏ bé, gày còm, hom hem, râu thưa và đỏ quạch như râu tôm luộc. Ông ta đang nhẹ nhàng vuốt kẹo dài ra, trông sợi kẹo trắng và nhỏ như củ sắn dãi. Rồi bằng một động tác mau lẹ, thành thạo, ông chỉ khẽ gõ ngón tay dài và thon, là cái kẹo dài và tròn, rụng xuống mặt bàn, từng đoạn nhỏ rất đều nhau. Lũ trẻ phục lắm. Bỗng phía sau vang lên một tiếng hát trầm và sâu, nghe vừa ngộ nghĩnh, hài hước, lại vừa có gì bi thảm, không sao lột tả được:
Hờ... ơ... ơ...
Hôm nay, ông kéo cho đời
Ngày mai, ai sẽ là người kéo ông...
ơ hờ hờ...
Ông già kẹo kéo trợn mắt lên, kinh ngạc. Ông thấy trước mắt mình, một ông già khác, thấp lùn, béo mập mạp, mặc quần soóc lửng, ngực trần, da đỏ màu đồng điếu, tóc bạc trắng, cằm nhẵn nhụi, không râu, cổ quấn quanh một con rắn hổ mang bạnh đang phun phì phì.
Sau phút kinh ngạc về vóc dáng của ông Trương Sần, ông già kẹo kéo mới kinh ngạc đến mức sợ hãi về ý nghĩa thâm thuý ẩn trong câu ca của ông già lạ mặt. Và thế là, chẳng nói, chẳng rằng, ông già kẹo kéo ù té chạy. Một tay ông xách cái chân bàn, một tay ông cắp cái mặt bàn đã đóng nắp lại, nhỏ và vuông như một cái hộp gỗ. Được một đoạn, không biết nghĩ thế nào, ông già bỗng đứng khựng lại, tung hết số kẹo dư thừa cho lũ trẻ... Từ ấy đến giờ, Nhụ không thấy ông già kẹo kéo qua vùng nó nữa. Không hiểu vì sao...
Nhụ chợt nhớ rằng, cũng đã lâu, nó không gặp ông Trương Sần. Chắc là ông đi bắt rắn và đi bán rắn ở một nơi nào đó. Nghe nói ngày xưa, ông Sần làm nghề lái đò ngang qua sông Bạch Đằng rộng mênh mang. Đò của ông bao giờ cũng đông khách vì ông có giọng hát hay. Ông có thể hát hết tuần trăng mà vẫn không hết những câu hát. Mà vẫn không nguôi những nỗi niềm tâm sự của ông đối với sông nước và trời mây, với những mối tình dang dở từ những thuở nào... Người ta thấy ông giống Trương Chi trong truyện cổ, nên đệm cho ông là Trương. Chứ họ thực của ông thì không mấy ai biết...
Hòn Đảo Phía Chân Trời Hòn Đảo Phía Chân Trời - Trần Nhuận Minh Hòn Đảo Phía Chân Trời