You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Gerald Gordon
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Let The Day Perish
Upload bìa: Ho ngoc hai
Số chương: 60
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11758 / 266
Cập nhật: 2015-01-13 12:42:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 52
Ông Tơnơ thẩm vấn ngắn ngủi. - Rõ ràng ông đã tới ngay sau khi tai nạn không may đó xảy ra.
- Phải.
- Bị cáo hình như không mất nhiều thời giờ lắm để liên lạc được với ông?
- Phải, tôi không thể nói là ông ấy mất nhiều thời giờ.
- Và khi các ông tới, ông có đồng ý với tôi là ông ta đã hết sức giúp đỡ ông không?
- Có, tôi phải thừa nhận điều đó.
- Ông ta đang ở trong trạng thái rất xúc động, có đúng như thế không?
- Ông ấy có vẻ rất hoang mang bối rối. Hơi thở ông ấy thoáng có mùi rượu.
- Thoáng có?
- Ồ phải… chỉ thoang thoáng. Tôi có bảo bị cáo là tôi ngửi thấy mùi rượu. Ông ấy nói là đã uống branđi sau khi câu chuyện vừa rồi xảy ra đối với ông Bôdơmen và trước khi chúng tôi tới.
- Ông có thỏa mãn với lời giải thích đó không?
- Có chứ, ông ấy rõ ràng không bị rượu tác động. Như tôi đã nói, bị cáo đầu óc rất tỉnh táo.
- Chắc là khi ông đến, ông Bôdơmen đã được chuyển đi?
- Xe cấp cứu của bác sĩ vừa mới đi khỏi, bị cáo nói thế.
- Vậy ông không biết bị cáo đã vừa mới trải qua sự căng thẳng xúc động như thế nào?
- Phải.
- Bây giờ, ông hạ sĩ, ông có đồng ý với tôi là khi bị cáo bảo với ông những đồ dùng đặt trên bàn đó không được đụng tới từ trước bữa ăn tối, thì ông ta đang rất bối rối không?
- Phải, tôi đã nói như thế. Ông ấy có vẻ rất hoang mang.
- Ông hạ sĩ, tôi đề nghị ông hãy thừa nhận là trong thái độ của ông ta không có gì biểu lộ ý định giấu giếm một điều gì? Có đúng thế không?
Viên hạ sĩ không trả lời.
- Tôi muốn nói là ông ta đã tỏ ra hết sức chân thực, có phải không? Viên hạ sĩ mím môi, rồi nói:
- Tôi không thể nói như vậy.
- Nhưng thưa ông hạ sĩ, nhờ những kinh nghiệm phong phú của ông, - ông Tơnơ ho; - ông chắc chắn biết rằng khi một người ở trong tình trạng rất xúc động, thì người đó dễ lầm lẫn khi phải kể lại các chi tiết?
Viên hạ sĩ gật đầu miễn cưỡng.
- Chỉ khi người đó bình tĩnh thì mới nhớ lại rõ ràng các sự việc, có phải không nào?
Viên hạ sĩ nhún vai.
- Tôi đã nói ông ấy rất bối rối. Tôi không thể nói trong óc ông ấy đang suy nghĩ những gì.
- Nhưng sau đó, khi ông ta kể là đã nắm được chiếc ghế đẩu, ông ta có bình tĩnh hơn không?
- Có.
- Khi ông vạch ra rằng ông ta đã không nói gì từ lúc trước về việc bắt chiếc ghế đẩu, ông ta có bảo ông ghi thêm vào lời khai của ông ta không?
- Có, ông ấy có bảo.
- Và bảo ông có thể lấy dấu tay của ông ta?
- Có.
- Khi đó ông ta có tỏ ra rất điềm tĩnh và thận trọng không?
- Có.
- Ông không cho rằng, ông Grantơ đã dựng lên chuyện đó – chuyện chiếc ghế đẩu bay về phía ông ta – rằng ông ta đã dựng lên chuyện đó sau khi suy tính kỹ chứ.
- Phải.
Ông Tơnơ gọi mang mấy chiếc tách và đĩa lại. Người tùy phái đưa đến.
- Đây có phải là những đĩa, tách ông thấy trong gian buồng vào đêm đó không?
- Phải.
- Xin ông hãy xem xét cẩn thận, từng chiếc tách một.
Viên hạ sĩ Clopơ làm theo, Entơni đưa mắt nhìn Clopơ sau ông Tơnơ, tự hỏi không hiểu câu hỏi kế tiếp sẽ như thế nào.
Đoàn bồi thẩm cũng ngạc nhiên, tò mò.
Rất chậm rãi, ông Tơnơ kéo dài.
- Ông có thể nhìn thấy vết son môi nào ở một trong hai chiếc tách đó không?
Miệng hơi há ra để lộ những chiếc răng cải mả, viên hạ sĩ Clopơ xoay đi xoay lại chai chiếc tách trong tay mình. Rồi sau một lúc im lặng kéo dài, trên mặt hiện lên vẻ xuẩn ngốc, viên hạ sĩ nói:
- Không.
- Xin chuyển những chiếc tách đó cho đoàn bồi thẩm, - ông Tơnơ nói một cách đắc thắng. Trong khi đoàn bồi thẩm xem xét chăm chú hai chiếc tách, mặt họ lộ vẻ bối rối, ông Tơnơ ngồi xuống.
Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu phiên tòa, Entơni cảm thấy phấn chấn. Hình như thế gian không phải luôn luôn chống lại anh. Nhưng làm sao anh lại tự mình bỏ lỡ một điểm cốt yếu như thế? Và kế hoạch hành động của ông Tơnơ hiện giờ ra sao đây?
Trong khi đó, đoàn bồi thẩm lại gọi mang cái gạt tàn đến, và một hai viên bồi thẩm nhặt lên mấy đầu mẩu thuốc lá rõ ràng có dính môi son màu đỏ, họ quan sát rất kỹ và đặt chúng cạnh hai chiếc tách.
Entơni không biết khi nào lời khai của Bôdơmen sẽ được đưa ra. Có lẽ tòa án đã quyết định không đưa bằng chứng đó ra để truy tố chăng?
Anh nhìn Xtivơ ngồi không xa là bao. Có lẽ em trai anh sẽ có thể trở về cảng Elidabet mà không cần đến sự tiết lộ tai họa chăng?
Nhân chứng kế tiếp là một chuyên viên về dấu tay. Bằng chứng của ông ta không làm cho vụ án tiến triển thêm. Ông ta nói dấu tay của cả Bôdơmen và Grantơ đều có ở chiếc ghế đẩu, và vị trí các dấu tay ấy đều phù hợp cho cả hai người dùng để tấn công nhau.
Rồi đến viên cảnh sát Brinhcơ cung cấp bằng chứng.
Lời khai của viên cảnh sát này tương tự lời khai của viên hạ sĩ. Brinhcơ cũng bị thẩm vấn tương tự. Viên cảnh sát xác nhận rằng mặc dù chiếc ấm trà đó chỉ hơi âm ấm, nhưng chắc chắn là có âm ấm.
Cuối cùng, tòa án gọi đến bác sĩ Xtin để lấy bằng chứng truy tố.
Lúc này Entơni thấy rõ hy vọng của anh trước đó đã quá chơi vơi. Mục đích duy nhất của nhân chứng này là đưa ra lời khai của Bôdơmen. Quả thực, bác sĩ Xtin đã giúp bác sĩ Mơnrô trong ca mổ. Nhưng bằng chứng của ông ta về mặt đó là hoàn toàn không cần thiết. Nguyên nhân cái chết đã được xác minh rõ ràng và không bị luật sư bào chữa chống lại.
Đây là bước ngoặc của vụ án. Nó cũng có thể là bước ngoặc trong sự nghiệp của anh.
Sự cần thiết có phải tiết lộ sự có mặt của Xtivơ ở đây hay không phụ thuộc vào việc chấp nhận hay không chấp nhận lời khai của Bôdơmen khi hấp hối.
- Ông có phải là một bác sĩ nội trú ở bệnh viện không? – Ông Bleơ hỏi.
- Có. – Người bác sĩ trẻ, cao lớn, đẹp trai có vẻ hơi hồi hộp, dường như không quen với việc làm nhân chứng.
- Mong ông vui lòng kể lại chi tiết nạn nhân đã được điều trị trong ca đó như thế nào.
Bác sĩ Xtin củng cố thêm lời khai của bác sĩ Mơnrô. Khi ông nói xong, ông Bleơ hỏi:
- Trong khi được ông chăm sóc, nạn nhân có tỉnh lại chút nào không?
- Có, vào trước khi chúng tôi mổ.
- Chuyện gì đã xảy ra?
- Tôi phản đối. – Ông Tơnơ vội đứng thẳng lên.
- Vì những cớ gì, ông Tơnơ? – Viên chánh án lạnh lùng.
- Tôi phản đối bất kỳ bằng chứng nào trong bất kỳ lời khai nào cho đến khi lời khai đó được chứng minh là ở trong tình trạng “chờ chết chắc chắn, tuyệt vọng”, như luật pháp đòi hỏi. Bằng chứng đó đã bị phản đối ở tòa án sơ thẩm, thưa ngài chánh án tối cao.
- Phải, tôi biết điều đó, - viên chánh án nói. Ông ta quay lại phía người đại diện cho ông chưởng lý. – Tất nhiên, ông Bleơ ạ, ông sẽ phải chứng minh đầy đủ với tôi về trạng thái tinh thần của người quá cố, rồi lời khai đó mới có thể được chấp nhận.
- Vâng, thưa ngài chánh án tối cao.
Ông Bleơ giở bản tóm tắt hồ sơ vụ án, đoạn cầm lên một tờ giấy mà ông đã xem xét kỹ.
- Xin bác sĩ hãy kể cho chúng tôi biết tình trạng của nạn nhân ra sao trước khi ông ta đưa ra lời khai? Tôi muốn nói thể trạng của ông ta thế nào?
- Cần phải mổ ngay lúc bấy giờ. Chúng tôi gần như chắc chắn rằng sọ bị nứt.
- Điều đó có nghĩa là…
- Tôi phản đối, thưa ông chánh án. – Ông Tơnơ nói giọng gay gắt. – Tôi biết ông bạn uyên bác của tôi sẽ không đưa ra vài câu hỏi khôn ngoan dẫn đến câu trả lời theo ý muốn của mình, nhưng tôi không muốn ông ấy hỏi nhân chứng bất cứ một điều gì đó có thể gợi ý dù ở mức độ nhỏ nhất cho câu trả lời.
- Ông bạn uyên bác của tôi hơi vội vã cuống cuồng đấy, - ông Bleơ vặn lại, - câu hỏi của tôi hoàn toàn vô hại. Tôi có ý định hỏi xem tình trạng nạn nhân nặng hay nhẹ mà thôi.
Hai bàn tay Entơni lần lượt mở ra, nắm vào ở dưới chiếc bàn trước mặt anh. Chúng lạnh và ướt nhớp nháp. Anh thắc mắc bác sĩ Xtin có nói gì thêm ngoài việc cho biết tình trạng nạn nhân rất nặng hay không; chỉ nói như vậy sẽ không đủ để chấp nhận lời khai đó. Luật pháp đòi hỏi người quá cố phải chắc chắn từ bỏ hết mọi hy vọng bình phục.
Tim anh đập thình thịch. Anh biết rằng chẳng nên đặt quá nhiều hy vọng ở việc ông Bleơ không chuẩn bị cho trọng tâm ấy. Đây là một nguyên tắc sơ đẳng. Hiển nhiên ông ta đã phải cân nhắc kỹ lưỡng việc chấp nhận lời khai của Bôdơmen trước khi quyết định đưa ra.
- Tôi không thể phản đối điều đó, - ông Tơnơ trả lời.
- Tiếp tục đi, ông Bleơ, - viên chánh án nói.
- Thưa bác sĩ, thể trạng mà ông vừa nói tới có trầm trọng đến mức ấy hay không?
- Có, sọ bị nứt bao giờ cũng là rất trầm trọng. Thường hay kết hợp với chảy máu và đôi khi với vết rách. Trong trường hợp này, đúng là có vết rách.
Entơni gục đầu xuống. Anh cứ dán mắt xuống sàn gỗ.
- Lúc bấy giờ ông có cho rằng người quá cố sẽ qua khỏi được không?
- Lúc đó tôi cho rằng chắc chắn không có hy vọng. Tôi ngạc nhiên thấy ông ta tỉnh lại và có thể nói ra lời khai.
- Ca mổ đã phát hiện thấy gì?
- Thấy chảy máu não rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn chúng tôi tưởng. Ca mổ chứng tỏ hầu như vô phương cứu chữa. Và việc mổ tử thi sau đó đã xác nhận điều này.
Entơni cảm thấy mình bị ném vào trong một bao tải và, những lời khai của bác sĩ Xtin là những mũi kim đang khâu kín miệng bao tải lại. Chỉ còn một việc là ném anh xuống sông thôi. Nhưng chưa phải là hỏng cả. Chính trạng thái tinh thần của người quá cố trong lúc người đó nói ra lời khai mới là quan trọng.
- Lời khai này, - ông Bleơ tiếp tục một cách quả quyết, không lay chuyển, và giơ tài liệu đó ra trước mặt, - lời khai này có chứa đựng tất cả những điều người quá cố nói không?
- Ồ, không phải tất cả mọi điều. Khi tỉnh lại, ông ta hỏi xem mình đang ở đâu. Tôi tình cờ có mặt ở bên giường nạn nhân cùng với y tá Giêcơp; tôi trả lời là ông ta đang nằm ở bệnh viện. Khi đó ông ta bảo muốn kể cho chúng tôi biết sự việc xảy ra. Giọng ông ta ngắc ngứ và yếu. Ông ta đưa tay lên đầu, nhưng tôi nắm lấy, ngăn lại. Rồi ông ta nói “Mang giấy lại và ghi chép điều này”. Tôi đi ngang qua gian phòng, mở ngăn kéo, lấy ra một tập giấy. Khi tôi vội mang giấy quay lại, thì nghe thấy ông ta rên. Ông ta nói yếu ớt: “Nhanh lên, không thì tôi chết mất”
Chiếc bao tải lúc này đã bị khâu kín. Thế là hết. Tòa án còn có thể đòi hỏi gì hơn? Như ở trong một trạng thái hôn mê, Entơni nghe thấy ông Tơnơ nỗ lực cố làm lay chuyển bác sĩ Xtin. Ông luật sư tiến hành cuộc thẩm vấn của mình thêm mất phút nữa. Ông cố làm cho bác sĩ Xtin nói là Bôdơmen khi đó đang ở trong tình trạng huyễn tưởng, nhưng chẳng ăn thua gì. Ông đề nghị thừa nhận Bôdơmen có vẻ hăng hái quá mức trong việc gọi lấy giấy để ghi lại lời khai. Ông tấn công bác sĩ Xtin về vấn đề thể trạng của nạn nhân. Theo ông, ý kiến cho rằng Bôdơmen đang hấp hối chỉ là ý kiến cá nhân của bác sĩ Xtin, ý kiến đó rất có thể là sai, nạn nhân có thể đã hồi phục. Ông yêu cầu bác sĩ Xtin nhớ lại câu: “Nhanh lên, không thì tôi chết mất” có thật đúng như vậy không, và tại sao điều này không được kể ra ở tòa án sơ thẩm hoặc có ghi trong lời khai. Tất cả đều vô hiệu. Viên chánh án rõ ràng đã vừa lòng.
Entơni chẳng còn chú ý gì đến công việc đang tiếp diễn tại phiên tòa nữa. Nhưng việc đó dường như đang tuột ra khỏi đầu óc anh. Anh chỉ lờ mờ nghe thấy ông Tơnơ đang tranh cãi kịch liệt, cho rằng việc “bằng chứng mới” này được đưa ra ở giai đoạn này là hết sức bất thường và làm cho luật sư bào chữa bị bất ngờ. Anh chỉ lờ mờ nhìn thấy viên chánh án lắc đầu không tán thành và lờ mờ nghe thấy ông Tơnơ lầm bầm gì đó về việc bảo lưu sau này ở tòa thượng thẩm tại Blumfơntên. Như thế phỏng có ích gì? Người ta chỉ có thể chống án khi vụ xử án kết thúc. Khi đó, anh đã thất bại rồi. Khi đó, thiên hạ đã biết Xtivơ – anh không dám nhìn về hướng em trai mình – và anh là cùng bố mẹ sinh ra.
Cơ chế trí não của anh dường như không hoạt động nữa. Khi ông Tơnơ dẫn ra một loạt chuyên viên pháp luật, những lời đó nghe chừng lắp bắp. Và khi viên chánh án quay bộ mặt khổ hạnh về phía người đại diện cho ông chưởng lý và nói:
“Thôi thế là đủ rồi, ông Bleơ ạ” thì trán Entơni ướt lạnh, nhưng anh chỉ có thể nuốt nước bọt khó khăn, vì cổ họng khô.
Bác sĩ Xtin đọc lời khai của Bôdơmen cho đoàn bồi thẩm nghe. Những lời khai đó vang trong tai Entơni như một lệnh tử hình. Mọi người đã biết Bôdơmen nói rằng y đến căn phòng đó vì ngờ có Gin ở đấy, rằng y cảm thấy bổn phận cứu Gin thoát khỏi hành động dại dột của cô ta, rằng chiếc ôtô của Grantơ vẫn đỗ bên ngoài. Mọi người đều chăm chú cái đoạn Bôdơmen nghe tiếng Gin kêu lên. Grantơ nhấc một chiếc ghế đẩu lên, lao vào y, nhằm vào đầu y giáng mạnh, và y giằng được, nhưng Grantơ lại dùng chiếc ghế đánh y, lần này trúng ngang vai.
Entơni suy nghĩ, giờ đây phỏng còn có cái gì là có ý nghĩa nữa không? Xin miễn tố khi kết thúc việc nhận định vụ án có đủ lý do đưa ra trở thành vô ích, điều ấy có nghĩa lý gì?
Việc anh và Xtivơ sắp sửa ra tòa cung khai có ý nghĩa gì? Ai có thể chặn được bàn tay của số mệnh? Những điều này dường như đã được viết ra sẵn trước khi người ta chào đời. Chúng cứ diễn ra theo một kế hoạch đã định. Những người Hy Lạp cổ xưa quả là khôn ngoan khi họ tạo ra chuyện thần thoại về ba số phận.
Phiên tòa tạm nghỉ để mọi người ăn trưa…
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn - Gerald Gordon Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn