No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Gerald Gordon
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Let The Day Perish
Upload bìa: Ho ngoc hai
Số chương: 60
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11758 / 266
Cập nhật: 2015-01-13 12:42:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 49
ntơni quyết định nhờ ông Tơnơ đứng ra bào chữa cho mình. Anh cảm thấy không còn ai thích hợp hơn. Là một trong những luật sư quốc gia có khả năng nhất, ông Tơnơ nổi tiếng khắp nơi do phong độ đường hoàng, chững chạc và sự hiểu biết sâu sắc về bản chất con người. Nhưng còn một lí do khác: đằng sau thái độ xa cách của ông Tơnơ là một trái tim dịu hiền, Entơni thấy mình không những cần đến sự thông minh và lịch duyệt của một luật sư, mà còn cần đến sự thông cảm và hiểu biết của một con người. Bởi vì có thể anh cần phải kể hết với ông ta.
Trước phiên toà hai tuần, cuộc trao đổi ý kiến đầu tiên đã diễn ra. Kể lại sự việc trong đêm thứ Bảy tai hoạ đó với ông Tơnơ và với viên luật sư chỉ dẫn, ông Hilơ, Entơni vẫn khẳng định rằng đêm ấy anh ở nhà một mình. Ngoài anh và Xtivơ ra, chưa ai trên đời này biết được chuyện gì thực sự xảy ra trong buồng anh.
Cuộc trao đổi ý kiến kết thúc, anh về hãng bào chữa. Vừa bước chân vào phòng làm việc của mình, anh nghe chuông điện thoại vang lên.
- Alô, ông đấy à, ông Grantơ? Tơnơ đây. Xin mời ông trở lại đây!
- Bây giờ ư? Ngay tức khắc?
- Vâng, nếu thuận tiện cho ông.
- Được, thưa ông Tơnơ, tôi xin đến ngay.
Entơni định đặt ống nghe xuống thì lại nghe thấy ông Tơnơ gọi. Anh áp ống nghe vào tai và nói:
- Alô, có việc gì thế?
- Đừng bận tâm đến việc đưa ông Hilơ cùng đến.
Entơni vội vã ra khỏi văn phòng hãng bào chữa, không dặn mấy người thư kí là khi cần thì tìm anh ở đâu.
Anh lại bước vào phòng luật sư của ông Tơnơ, trong lòng hơi e ngại. Ông luật sư tóc hoa râm ra hiệu mời anh ngồi. Rồi bằng một giọng chậm rãi, thận trọng và vang vang, ông nói:
- Chắc ông không phiền lòng vì tôi mời ông trở lại đây… một mình nhỉ?
- Không, không sao cả.
- Ông thấy đấy, trong vụ án này có một vài khía cạnh tôi muốn thảo luận riêng với ông. Tôi đã được ông Hilơ thoả thuận. Tôi muốn ông hiểu ý tôi khi tôi cam đoan với ông là lúc này tôi không có ý định xúc phạm đến ông. Tôi không muốn làm tổn thương đến tình cảm của ông.
Entơni làm một động tác nóng nảy, nhưng vui vẻ, dễ dãi.
- Không sao cả, thưa ông Tơnơ. Xin ông cứ đi thẳng vào vấn đề.
- Ông thấy đấy, – ông Tơnơ nói ân cần, – tôi phải thú nhận là có những khó khăn trong vụ án của ông. Tôi tin mọi lời ông nói trong lần trao đổi vừa rồi. Tất nhiên ông Hilơ cũng thế! Nhưng đã chắc gì toà án hoàn toàn chấp nhận những lời khai của ông?
Ông Tơnơ đứng lên, ông là một người cao lớn. Tháo chiếc kính gọng đồi mồi ra, ông đặt lên bàn vỗ vỗ nhẹ vào cằm và nhìn xuống tấm thảm. Ông vừa nói vừa đi đi lại lại trong phòng. Entơni đưa mắt nhìn những giá sách xếp thành hàng hầu như cao tới trần nhà đứng sát tường.
- Bây giờ, chúng ta hãy nói thẳng hết ra. Về cái bằng chứng quanh mấy đầu mẩu thuốc lá ấy. Ông bảo là đã tiếp một bạn gái trước tối hôm đó. Phải, phải. Đúng thế. Nhưng giả thiết ông chưởng lí hỏi ông tên bà ấy? Điều đó rõ ràng là xác đáng. Ông có chuẩn bị sẵn sàng nói ra không?
Ông Tơnơ đột ngột nhìn khách hàng của mình. Dường như ông không hoàn toàn tin đã có một cô gái như thế ở đấy.
- Xin ông cứ nói tiếp, – Entơni nói, – còn khó khăn nào nữa?
- Phải rồi, bình nước trà vẫn còn ấm. Và theo ông Bôdơmen thì ô tô của ông đỗ ở bên ngoài; nhưng trái lại, cảnh sát nói rằng khi họ tới, suốt dãy phố ấy không có chiếc ô tô nào đỗ cả. Cô Gin Hatli thì biết lái xe. Rồi mối quan hệ giữa hai người này, chuyện tình bộ ba này, vẫn cái chuyện muôn thuở ấy. Còn chuyện nước trà, thì có một việc, một việc rắc rối, là ông đã khai với cảnh sát rằng cũng vẫn cô gái đó uống trà và hút những điếu thuốc lá kia. Nhưng họ thấy ấm trà vẫn còn ấm. Vậy có sự mâu thuẫn tai hại về việc ông đã uống tách trà. Tôi không hiểu cảnh sát sẽ dũng cảm đương đầu với cuộc thẩm vấn như thế nào. Ông thấy đấy, ông bạn trẻ ạ, có những trở ngại nguy hiểm cần phải vượt qua.
–Ông Tơnơ ngừng lại một lát. – Và tất cả những sự việc, những sự việc được viện ra trong vụ án đưa ra truy tố, hoàn toàn khớp nhau. Lại còn lời khai của người quá cố nữa, nó cũng hoàn toàn khớp. Cả cái bằng chứng y học nữa. Ông Bôdơmen hẳn đã ngã xuống với một sức mạnh đáng kể.
– Ông Tơnơ vẫn đi đi lại lại, bước những bước dài chậm rãi.
– Khốn nỗi không có bột thì chẳng gột nên hồ. – Ông quay ngoắt lại, đối diện với Entơni. – Có đúng không nào?
Entơni vẫn giữ vẻ thản nhiên. Ông Tơnơ trở lại chỗ ngồi của mình. Ông cầm chiếc bút chì lên, gãi gãi đầu bút chì xuống mặt chiếc bàn kiểu cổ, vẻ tư lự.
Im lặng một lúc. Rồi ông luật sư lại đứng dậy, nhún vai, giọng vỗ về:
- Được thôi, còn nước còn tát, lo gì.
Entơni nhìn ông Tơnơ chằm chằm. Anh cảm thấy có cái gì thôi thúc anh nói thật, nói hết. Nhưng anh kìm lại được. Anh hỏi:
- Nếu lời khai của người quá cố bị bác bỏ, thì sẽ xảy ra chuyện gì?
- Khi đó tôi cho rằng hầu như sẽ không đưa ra xét xử trước đoàn bồi thẩm nữa. Tôi sẽ xin miễn tố cho ông. Nhưng tôi không dám chắc không gặp phải một vụ án có đầy đủ bằng chứng ban đầu để truy tố. Dẫu sao, thì cũng chỉ có mình ông ở trong phòng với Bôdơmen… thế rồi đột nhiên ông ta bị thương vì ngã vào chiếc lá chắn lò sưởi, có phải không nhỉ?
- Vâng.
- Vậy vẫn có khả năng người ta cho rằng lời bào chữa của ông chỉ là lừa bịp.
- Nhưng ngoài lời khai của ông Bôdơmen đưa ra trước toà, chẳng có lí do nào, chứng cớ nào về tiếng kêu đó, và không có chứng tỏ tôi đã dùng ghế đẩu đánh ông ta, như ông ta đã khai.
- Đúng là như vậy. Nếu lời khai đó bị loại trừ thì sẽ có lí lẽ mạnh mẽ để miễn tố khi kết thúc việc xác định vụ án có đủ lí do đưa ra truy tố hay không. Tôi khá lạc quan về
chuyện ấy. –
Ông Tơnơ lại bắt đầu đi đi lại lại.
– Nhưng nếu chúng ta không thể đạt được như thế thì sao? Chẳng lẽ đoàn bồi thẩm lại công nhận ông chỉ có đứng yên và không làm gì ư? Còn nếu ông đã kháng cự thì vì nguyên cớ gì, trừ phi để ngăn cản ông ta nhìn thấy người nào hoặc cái gì ở sau mấy bức màn che? Tất nhiên tôi chỉ trình bày cho ông biết cách suy luận của đoàn bồi thẩm mà thôi. Còn nếu ông đã cố che giấu một người nào hoặc một cái gì, thì phải chăng chính là cô gái ấy, cô Gin Hatli, đã được nhắc đến trong lời khai của người quá cố? Vậy một khi đoàn bồi thẩm kết luận cô ta ở trong buồng, ông chưởng lí không mất nhiều công sức để thuyết phục đoàn bồi thẩm rằng có một động cơ đã khiến ông ngăn cản không cho Bôdơmen đi vào, một động cơ rất mạnh mẽ, rằng ông đã thành công, trong việc ngăn cản Bôdơmen bằng cách dùng vũ lực, rằng, nói một cách khác, ông đã giết ông ấy một cách phi pháp. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là tội giết người hoặc tội ngộ sát sẽ phụ thuộc vào việc lời khai của Bôdơmen được chấp nhận đến chừng mực nào. Nếu người ta tin rằng ông đã cố tình giáng chiếc ghế đẩu vào đầu Bôdơmen, như y đã khai, thì sự việc sẽ không lấy gì làm tốt đẹp lắm.
- Bây giờ, tôi tự hỏi không hiểu chúng ta có cần một đoàn bồi thẩm không, – Entơni nói, trán nhăn lại lo lắng, – giờ thay đổi cũng chưa quá muộn.
- Không, nhưng như tôi đã nói từ trước, hoàn toàn ngoài các lí lẽ phải trái, sẽ có nhiều người đồng tình với ông…, bởi vì Bôdơmen không có quyền vào buồng ông trong cái giờ trái khoáy như thế. Quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở là một điều được mọi người dân bình thường ưa thích. Hơn nữa, tôi không muốn tâng bốc ông, nhân cách của ông sẽ được đoàn bồi thẩm thừa nhận. Tất cả những điểm ấy là những nhân tố có lợi.
Entơni cười ngượng ngập, nhưng anh tự hỏi không hiểu đoàn bồi thẩm sẽ nghĩ gì, hoặc sẽ nói gì khi họ biết rõ sự thật.
- Vậy tôi nghĩ chúng ta cần có được một đoàn bồi thẩm thì hơn. Nhưng bây giờ còn có một vấn đề khác nữa: có lẽ có cái gì đó mà ông không muốn để Bôdơmen nhìn thấy? –
Ông Tơnơ ngừng lại, nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ.
– Tôi khuyên ông suy nghĩ lại toàn bộ sự việc, rồi đến gặp tôi vào hai rưỡi chiều mai.
Không bình luận gì thêm, Entơni đứng dậy ra về. Khi anh tới cửa, ông Tơnơ gọi giật lại, và nói:
- Tất nhiên còn có bằng chứng của cô Gin Hatli nữa. Đoàn bồi thẩm sẽ phải tin cô Gin khi cô ấy nói là không có mặt trong buồng ông.
- Cô ấy chẳng hề đến buồng tôi bao giờ.
- Chứng cớ của cô Gin khi đó sẽ làm cho lời khai của Bôdơmen bị coi là dối trá. Nhưng toà án vẫn có thể cho rằng Bôdơmen đã nghe nhầm giọng nói, và có một cô gái khác nào đó ở trong ấy. Hãy nhớ đến mấy đầu mẩu thuốc lá và ấm trà!
Đôi mắt xám soi mói của ông Tơnơ làm cho Entơni bối rối.
- Tất cả chuyện này rất vô lí và nực cười! – Entơni nói nhanh. – Hoạ là tôi rồ mới không khoá cửa ra vào… khi tiếp một cô gái ở trong buồng… vì một mục đích như thế!
- Đó là một lí lẽ… nhưng không có nhiều sức thuyết phục. Xét đến cùng, khi đó đã quá nửa đêm, không phải là thời gian thích hợp để khách khứa đến thăm. Hơn nữa, khi người ta cuồng nhiệt và bận bịu, người ta dễ có những sơ ý nhỏ.
Entơni nhún vai. Ông Tơnơ nói tiếp:
- Tôi phải gặp cô Hatli.
- Tôi không cho rằng cô ấy là một nhân chứng tốt, – Entơni nói, – cô ấy bị suy nhược thần kinh do hậu quả của toàn bộ chuyện này. Ông sắp được gặp cô ấy rồi đấy. Ba ngày nữa cô Gin sẽ ở đây. Cô ấy đang trên đường từ Đơbơn trở về.
- Thế nào tôi cũng phải gặp cô Gin. Cô ấy phải sẵn sàng cung cấp tài liệu.
- Cô Gin đã được gọi ra trước toà. Tất nhiên bố mẹ cô ấy bối rối khủng khiếp khi nghĩ tới việc con gái mình phải ra toà làm nhân chứng.
- Tôi biết. Chính ông Hatli đã đến gặp tôi. Ông ấy hỏi xem có thể bỏ qua cô ấy được không. Tôi đã cho ông ấy biết rằng cô ấy sẽ rất cần thiết, không thể thiếu được, trừ khi chúng ta đạt được việc xin miễn tố cho ông.
Entơni gật đầu:
- Tôi sẽ gặp ông vào chiều mai.
Đêm đó, Entơni vật lộn với vấn đề đặt tra trước mắt mình. Nếu đời anh là một cuộc đời bình thường, anh sẽ không có khó khăn gì khi đưa nhân chứng chủ yếu, có tính chất quyết định ra trước các cố vấn pháp lí, và sau đó ra trước đoàn bồi thẩm. Nhưng trong tình cảnh hiện tại của anh, việc đưa Xtivơ ra là không thể nào tưởng tượng nổi.
Nếu tại phiên toà người ta thấy không cần thiết phải đưa ra bất cứ bằng chứng nào để bào chữa, thì mọi chuyện đâu sẽ vẫn vào đấy. Nhưng chỉ sau khi viên chánh án quyết định chấp nhận lời khai của Bôdơmen, họ mới có thể biết gặp phải vụ án như thế nào.
Trong khi đó, liệu có cần thiết phải cung cấp cho nhóm luật sư bào chữa cho anh những sự thật không? Có nên kể cho ông Tơnơ biết Xtivơ có mặt ở đấy không? Và có nên nói cả lí do tại sao phải giấu giếm sự việc đó mãi không? Lời khai của anh với cảnh sát sẽ cần phải được giải thích; không những sẽ phải đưa ra một lí do thoả đáng nào đó về việc đột ngột phản cung, mà còn cần phải cung cấp cả lí do vì sao anh đã nói dối chỉ có một mình ở nhà.
Anh đi đi lại lại trong phòng rất lâu. Rồi ngồi phịch xuống một chiếc ghế, tì trán vào hai bàn tay, khuỷu tay chống lên mặt bàn.
Anh ước gì có thể nhìn thấy trước tương lai. Anh ước gì biết được ngay lúc này bằng chứng Xtivơ có cần thiết hay không? Kể cho ông Tơnơ hết mọi chuyện là một bước đi không thể quay lại được; vì tuy ông Tơnơ sẽ giữ bí mật, nhưng ít nhất ông ấy cũng biết và bao giờ cũng sẽ có thể xảy ra chuyện rắc rối. Nhưng không kể cho ông ấy thì mắc vào mối nguy cơ trầm trọng nhất ở phiên toà.
Vậy anh phải làm gì đây?
Cựa người khắc khoải trên ghế, Entơni cảm thấy mình đang ở bên bờ vực thẳm.
Hai giờ rưỡi chiều hôm sau, Entơni bước vào phòng luật sư bào chữa. Mặt anh nom lạnh lùng khắc khổ. Anh rút thuốc lá ra, lịch sự mời ông Tơnơ. Cả hai người cùng hút. Entơni nói, giọng như không còn sức sống:
- Tôi đến đây để kể cho ông nghe điều bí mật sau kín nhất trong đời tôi. Bí mật đó có thể cần thiết cho ông ở phiên toà. Tôi cầu Chúa mong mỏi không phải dùng đến nó. Nhưng để phòng khi cần thiết, tôi quyết định phải báo cho ông biết. Nếu ông không bắt buộc phải tiết lộ nó tại phiên toà, thì xin ông hứa với tôi không những chẳng bao giờ tiết lộ với ai, mà cũng cố quên hẳn nó đi.
Ông Tơnơ giơ tay lên, nói:
- Ông này, tôi không muốn ông tiết lộ bất kì điều gì nếu nó không giúp được gì cho vụ án. Tôi mong ông hiểu ý tôi.
- Hoàn toàn hiểu. Điều tôi sắp nói với ông sẽ giúp cho vụ án. Nó chắc sẽ đảm bảo cho tôi được trắng án. Nhưng tiết lộ nó ra sẽ hãm hại cả đời tôi. Vậy trước khi nói ra, tôi muốn có được lời hứa của ông. Tôi mong ông hiểu cho, ông Tơnơ ạ.
Một nụ cười thoáng hiện trên môi người đứng tuổi. Entơni cảm thấy yên tâm.
- Tôi xin hứa với ông, – ông Tơnơ nói.
Entơni ho vài tiếng.
- Đêm hôm ấy, đêm thứ Bảy đó, hoặc nói đúng hơn là sáng Chủ nhật, khi Bôdơmen đến, tôi không ở nhà một mình.
Ông Tơnơ rít mạnh điếu thuốc.
- Tôi không ở nhà một mình. Tôi có một người khách… em trai tôi.
Entơni đứng dậy, đi tới bậu cửa sổ. Ở đây có đặt một chiếc bình gốm chứa nước. Anh rót nước vào một cái cốc ở cạnh bên.
- Trước khi tôi tiếp tục, xin phép ông cho tôi hỏi ông một câu. – Entơni đăm đăm nhìn ông Tơnơ.
- Vâng, xin ông cứ tự nhiên. – Giọng đầy khích lệ, mắt chăm chăm nhìn anh chờ đợi.
- Giả sử ông đang ở ngưỡng cửa sự nghiệp của mình, giả sử ông cảm thấy trước mắt mình nhiều triển vọng thành công, giả sử ông thấy trước mắt mình nhiều cơ hội bước lên những bậc thang cao trong xã hội, đạt được sự tôn kính của đồng nghiệp, kính trọng của bạn bè, giả sử suốt đời ông đã làm việc vì mục đích đó, và giờ đây ông nhìn thấy cánh cửa đã hé mở chờ ông, cánh cửa đó dường như ngày một mở rộng hơn nữa, thì tôi xin hỏi, liệu ông có nói toang ra cái điều sẽ làm cho cánh cửa kia đóng sập lại, khoá lại và ngăn cản ông mãi mãi không?
– Giọng Entơni cao lên. – Có không?
- Ồ, không! – Ông Tơnơ nói, lúng túng, nhưng rất chăm chú.
- Không, tất nhiên, ông sẽ không nói. Nhưng đó lại là tình thế khốn đốn của ông lúc này. Dường như tôi có thể phải đóng sầm lại cánh cửa đang mở ra cho đời tôi.
Entơni uống một hớp nước. – Ông xem, nếu trước đây rất lâu, khi tôi mới bước vào nghề này
mà tôi đã nói toan ra cho thiên hạ biết về em trai tôi, thì tôi sẽ chẳng bao giờ đạt được như ngày nay. Rõ ràng tôi chẳng bao giờ được nhận vào hãng bào chữa này. Xã hội thượng lưu cũng không chấp nhận tôi. Tôi không nói hiện nay tôi là cái gì ghê gớm lắm, nhưng những cái nhỏ bé mà tôi đã đạt được tôi sẽ chẳng bao giờ với tới nếu tôi đã nói toang ra…
Giọng Entơni tắt hẳn. Anh gí nát nửa điếu thuốc lá đang cháy trong cái gạt tàn.
Ông Tơnơ nhìn người thanh niên trước mắt mình. Đôi mắt sắc sảo màu xanh, đôi lông mày rậm, hấp dẫn, mái tóc nâu lượn sóng rủ xuống trán, cái mũi quý phái, cái vóc người ấy, tính cách và tư thế hiên ngang ấy. Ông tự hỏi không hiểu vết nhơ nào đã làm cuộc đời kia hoen ố một cách bi thảm như thế. Ông nói an ủi:
- Trong gia đình nào mà chẳng có chuyện bí mật phải giấu.
- Nhưng đây không phải là chuyện bí mật thông thường. Không phải em trai tôi là một thằng ma cà bông, một đứa vào tù ra tội, hay một tên trộm cắp. Dù đây là từ miệng tôi thốt ra, nhưng phải nói rằng em trai tôi là một trong những người tốt nhất, cao quý nhất tôi đã từng biết. Thế nhưng chú ấy đã phạm một tội ác. Và tôi cũng phạm cùng tội ác đó. Tội ác đã sinh ra trên đời này. Ông ạ, em trai tôi là một người, – giọng Entơni lại lắng xuống, – da màu.
Ông Tơnơ ngả người về phía trước, miệng há hốc. Rồi ông hỏi, giọng ngờ vực:
- Ông bảo sao?
- Sao à. Em tôi là một người da màu. Còn tôi thì cũng thế. Bởi vì cả hai chúng tôi cùng một bố mẹ sinh ra, – Entơni bật lên tiếng cười nghe hơi lạ tai, – cùng một bố người Âu, cùng một mẹ người da màu… chỉ có điều em trai tôi có nước da đen và trông rõ là người da màu.
Những lời đó đã được thốt ra. Mắt Entơni vẫn nhìn xuống sàn nhà.
Mặt ông Tơnơ tái nhợt.
Entơni ngước lên nhìn ông, nhún vai. Anh tự hỏi không hiểu việc mình làm có đúng hay không. Nhưng dù hay dở thế nào, việc ấy cũng đã xong. Anh thản nhiên hỏi:
- Ông ngạc nhiên lắm nhỉ?
Ông Tơnơ trấn tĩnh ngay.
- Ông là người duy nhất tôi kể ra điều đó.
- Tôi sẽ giữ kín.
- Trừ phi chúng ta phải sử dụng nó ở toà, – Entơni nói thêm. – Bây giờ, sau khi tôi đã nói ra hết rồi, chắc ông hiểu rõ vì sao tôi dè dặt, kín đáo. Nếu bằng chứng về em tôi là cần thiết cho việc tuyên bố trắng án cho tôi, thì việc tuyên bố trắng án đó sẽ có nghĩa là kết án tôi.
Entơni châm một điếu thuốc lá khác, tiếp tục kể vắn tắt cho ông Tơnơ nghe về cuộc đời mình. Anh không bỏ qua chuyện gia đình anh. Anh mô tả ảnh hưởng của người mẹ đầy tham vọng đối với anh. Anh cũng kể về Ren. Anh phải nói hơn một tiếng đồng hồ trước khi kể tiếp chuyện Xtivơ đến thăm anh và cái kết thúc bi thảm của Bôdơmen.
Suốt thời gian đó, ông Tơnơ ngồi yên chăm chú lắng nghe.
- Ông bạn ạ, – ông Tơnơ nói, – tôi rất thông cảm với ông. Ông đã không lẩn tránh những khó khăn của mình. Sự tiết lộ đầy đủ của ông chỉ có thể giúp tôi đấu tranh cho vụ án của ông một cách thành khẩn hơn và mãnh liệt hơn nhiều thôi.
Họ thảo luận về chiến thuật sử dụng trong vụ án dưới ánh sáng của những điều tiết lộ đầy xúc động đó.
Khi Entơni trở về hãng bào chữa, anh viết thư cho Xtivơ yêu cầu em mình có mặt ở Kêp Tao ít nhất hai ngày trước khi phiên toà họp.
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn - Gerald Gordon Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn