"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Gerald Gordon
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Let The Day Perish
Upload bìa: Ho ngoc hai
Số chương: 60
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11758 / 266
Cập nhật: 2015-01-13 12:42:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 42
hi vòng xe chạy vào phố. Anh thấy anh đèn ở tầng anh đang sáng. Anh đỗ xe trước nhà để sau đó có thể đưa Xtivơ ra về. Anh trèo các bậc thang, rồi nắm quả đấm cửa, chậm rãi xoay đi. Đột nhiên, anh thấy bồn chồn, hoảng sợ.
Anh đẩy vội cửa. Hai anh em đứng mặt đối mặt với nhau một lúc lâu.
Từ khi rời Xtomhốc, Entơni vốn tự đánh giá cao bản thân mình. Anh hoàn toàn tự hào về địa vị đã đạt được. Anh đã học hành xuất sắc ở trường. Hồi ở quân đội, anh lên tới cấp đại úy. Đến bất kỳ chỗ nào, tòa án, nơi làm việc, giới giao tế, anh đều được tiếp đón như một người ngang hàng.
Nhưng khi bước vào gian ngoài căn buồng của anh và đăm đăm nhìn đứa em trai kém mình năm tuổi, Entơni cảm thấy mình tầm thường và nhỏ bé. Trong giây lát, anh thầy Xtivơ đã lớn lên biết bao. Giờ đây cậu ta là một thanh niên hăm ba tuổi, tuy có phần cao hơn Entơni, song gầy hơn rất nhiều và không chắc khỏe bằng anh. Entơni ngạc nhiên thấy má Xtivơ rất hốc hác, mặt rất gầy guộc. Lưng có vẻ hơi gù, có lẽ do đọc sách và nghiên cứu thái quá; mà cũng có thể do đeo kính không vành. Nước da Xtivơ có vẻ nhạt hơn đôi chút so với hồi còn bé; hoặc chính óc tưởng tượng và nỗi sợ hãi của Entơni đã phóng đại nét đặc trưng chủ yếu của Xtivơ.
Entơni hơi lo ngại nhìn thấy nét mặt của Xtivơ khá giống nét mặt của mình, đã chứng tỏ một sự giống nhau rõ rệt giữa anh em ruột thịt.
Không phải do khuôn mặt Xtivơ, cũng không phải do đôi mắt sẫm màu nghiêm nghị, thông minh đã làm Entơni cảm thấy mình thấp hèn, bối rối; cũng không phải vì biết em trai mình mang trong sắc tố hiển nhiên ấy cái chứng cớ hung tợn có thể tàn phá đời mình. Mà chính sự khinh bạc thoảng qua trên sắc mặt sẫm màu đó đã làm tiêu tan niềm tự tin của Entơni. Anh có cảm tưởng như Xtivơ hoàn toàn khinh miệt anh vì cuộc đời giả dối, trốn tránh sự thực, bịp bợm và đạo đức giả mà anh đã theo đuổi.
Trong một lát, họ lặng lẽ nhìn nhau; và trong gian phòng đó, một cuộc xung đột giữa tình thương và lòng căm thù xa xưa diễn ra ác liệt.
Khi nhìn thẳng vào đôi mắt nâu sẫm, hầu như đen đó, Entơni cảm thấy sự giễu cợt cay độc, sắc sảo – sự giễu cợt lạnh lùng, nghiêm khắc – được toát ra từ đôi mắt đó.
Entơni bước đến gần, đặt cả hai tay lên vai em.
- Xtivơ, - Entơni nói, giọng xúc động, - em có khỏe không? Bao nhiêu năm nay…
Entơni tưởng đã tìm thấy sự đạp lại cảm động, điều đó làm lòng anh xốn xang. Anh em ruột thịt ắt phải như thế.
Nhưng một giọng lạnh nhạt, hầu như gay gắt, trả lời:
- Khỏe, cám ơn, Entơni, còn anh?
Trong một lát, sự cuồng nhiệt, có thể nói như vậy, đã qua mất. Entơni cố thể hiện hết nhiệt tình và hy vọng làm Xtivơ cảm kích.
- Anh ư? Khỏe lắm. Xtivơ này, chúng ta lại ở bên nhau, thật là tuyệt diệu.
Nhưng nụ cười chua chát làm đôi môi đó cong lên, hình như muốn hỏi Entơni nói những lời nói đó có thành thực không?
- Em đã lớn lắm. – Entơni đứng gần Xtivơ để so với nhau. – cao hơn anh đấy!
- Bao giờ cũng hơi cao hơn một chút. – Xtivơ trả lời. – Nhưng tôi muốn lên cân thêm một chút. Khá là gầy và to xương, có phải không? – Xtivơ giơ tay chỉ vào ngực và vai mình.
- Không, không quá lắm, - Entơni giả dối, - vả lại, tới một ngày nào đó, em sẽ lên cân. Nào, ngồi xuống đây, để anh pha trà cho em uống nhé. Hay em thích uống rượu? Một chút rượu vang hoặc uytki, hoặc bia?
- Tôi thích nước trà, nếu không phiền anh quá đáng. Tôi không uống rượu.
Entơni bận bịu trong gian bếp nhỏ, đặt siêu nước và mang ra một ít bánh mì, cùng với bơ và một lớp cá trích.
- Em tìm đường đến đây có khó lắm không?
- Không, không, vì anh đã chi dẫn chi tiết qua điện thoại. Trong khi chờ đợi anh, tôi đã xem sách của anh. Anh có một số sách hay.
- Phải, anh phải mất một số thời giờ chọn chúng đấy? Em đợi có lâu không?
- Khoảng nửa tiếng. Nhưng với một tủ sách thế này, không ai lại thấy thời gian trôi chậm chạp bao giờ cả.
Một hồi lâu. Entơni im lặng nhìn đứa em mà mình chẳng bao giờ có thể thừa nhận được. Anh nói:
- Kể cho anh nghe mọi chuyện về em đi, Xtivơ.
Xtivơ không trả lời ngay, mắt anh lộ vẻ nghi ngờ câu nói đó. Nhưng khi nói, giọng anh vẫn thân mật:
- Ồ, như anh biết, sau khi giải ngũ, tôi dạy học, tôi đã viết thư cho anh biết cả rồi, có phải không?
Entơni gật đầu.
- Nếu anh viết thường xuyên hơn và tôi cũng thế, thì chúng ta đã có thể sát tình hình của nhau hơn.
- Anh xin lỗi, Xtivơ ạ, chỉ vì anh lười thôi, còn chẳng có lý do nào khác nữa.
Xtivơ lại nhìn đăm đăm hoài nghi, rồi nói tiếp:
- Tuy vậy, như tôi vừa nói, sau khi giải ngũ…
- Em chưa bao giờ tìm được cách lên phía Bắc, có phải không?
- Đúng thế. Quả là không may. Tôi muốn nhìn xem thế giới một chút. Thế mà họ cứ bắt chúng tôi mòn mỏi trong các doanh trại ở Liên bang, hoặc lái xe cho các nhân vật bự ở căn cứ. Tuy vậy, tôi đã xoay sở để đọc được rất nhiều sách.
- Kể cho anh nghe về tờ báo của em đi.
- Ồ, đó là người yêu của tôi. Nó có tên là “Đối xử công bằng”. Bốn chúng tôi lo liệu cho nó. – Đối tượng của nó là những ai không phải người Âu, chúng tôi phải vật lộn mới có thể tiếp tục phát hành được. Vốn liếng ít ỏi, anh thấy đấy, không có nhiều quảng cáo, tuy vậy cũng vừa đủ để không mang công mắc nợ và thứ sáu nào chúng tôi cũng có báo bán ở đường phố.
Entơni cắt và phết bơ vào chiếc bánh mì nhỏ.
- Chắc công việc lý thú lắm, - Entơni nhận xét – nhưng anh đoán là chẳng kiếm được đồng lãi nào, có phải không?
- Chả được bao nhiêu. Chúng tôi không quan tâm đến chuyện ấy, công việc đó không được trả lương. Thỉnh thoảng, chúng tôi hưởng một chút tiền thưởng cỏn con. Chỉ có một người dành trọn cả ngày cho tờ báo. Anh ấy có hưởng lương, tạm gọi như vậy. Những người còn lại đều có nghề nghiệp riêng. Hiện giờ, tôi dạy ở một trường của nhà thờ. Tôi cũng kèm thêm học sinh vào buổi tối; thỉnh thoảng những bài tôi viết về các vấn đề của người dân da màu cũng được báo chí người Âu đăng, với điều kiện là tôi không phê phán quá nhiều. Nếu muốn kiếm chút tiền nong bằng cách đó, tôi phải kìm mình lại, nhưng trong tờ Đối xử công bằng thì khác hẳn. Chúng tôi có thể độc lập hơn… và mãnh liệt hơn nhiều trong việc nói lên những tình cảm của dân tộc chúng tôi.
Dường như có vẻ chua chát day dứt trong giọng nói của Xtivơ khi anh nhấn mạnh vào bốn tiếng cuối cùng.
Entơni liếm môi, nuốt nước bọt. Anh rút một bao thuốc lá mời Xtivơ.
- Cám ơn, tôi không hút thuốc.
Sự từ chối của Xtivơ làm Entơni càng không thoải mái hơn. Một chút rượu và thuốc lá sẽ làm nhẹ nhõm không khí trò chuyện. Entơni châm điếu thuốc của mình.
- Hội nghị em dự ở đây là hội nghị gì thế?
- Tổ chức những cuộc phản đối trong cả nước chống chính sách apathai.
- Liệu có ăn thua gì không?
- Ồ, tôi biết chúng tôi đã lâm vào thế cùng. Nhưng chúng tôi phải đấu tranh. Dù sao, chúng tôi cũng tin tưởng ở tương lai. Dường như ý đồ thật sự của toàn bộ cái trò bậy bạ apathai đó là làm cho chúng tôi cảm thấy mình chỉ là một loài động vật, hoàn toàn không phải là con người. Thực tế đó là một sự thất bại. Nó gây ra niềm phẫn uất và nỗi đau đớn; niềm phẫn uất này đang làm chúng tôi càng thêm giác ngộ về chính trị. Chúng tôi phải giáo dục nhân dân chúng tôi san bằng những sự khác biệt giữa chúng tôi với nhau, và đứng bên nhau…
Xtivơ dừng lại để ho. Lúc đầu chỉ là tiếng ho khẽ tựa như cổ họng anh ngưa ngứa. Nhưng tiếp theo là một trận ho liên tiếp từ sâu trong phổi phát ra.
Entơni đưa cho Xtivơ một cốc rượu, và cảm thấy khó chịu vì vẻ ốm đau của em trai mình khi nhìn cậu ta uống.
- Hiện giờ, người ta đã nói đến việc đăng ký dân số trong cả nước – Chúng tôi sẽ phải mang thẻ căn cước hoặc giấy thông hành ghi rõ mình không phải người Âu – cốt để ngăn cản chúng tôi lẻn vào tiệm rượu hoặc rạp chiếu bóng không dành cho mình, hoặc là toa xe lửa chỉ dành cho người Âu. Tôi cho rằng, vì sống như một người Âu và không giao thiệp nhiều với nhân dân chúng tôi, anh không nhận thức những điều đó giống như thế.
- Em đừng nghĩ rằng tất cả điều đó lại không ảnh hưởng đến, và… - Entơni ngừng lại, tiếc là đã lỡ lời. Anh đột nhiên cảm thấy mình không là người anh lớn nữa, mà so với anh, Xtivơ khôn ngoan hơn, điềm tĩnh hơn rất nhiều.
- Không, không đâu anh Entơni ạ! Tôi hoàn toàn có thể hiểu điều đó, nhưng điều tôi định nói là anh không có nhiều kinh nghiệm bản thân để cảm nhận các tấm bi kịch đang diễn ra trên đất nước trong những ngày này và chính sách apathai thực sự là thế nào. Một cô em họ của tôi, nói trắng ra cũng là em họ của anh đã đính hôn với một anh làm ở ngành dân chính. Cô ấy xinh đẹp, thông minh, song nước da hơn đen, tuy không đen như tôi. Họ đã đi lại với nhau hàng năm ở Đơbơn. Cô ấy luôn coi mình là người Âu. Nhưng mấy giờ trước khi làm lễ cưới, họ tới nhà thờ để bày hoa, linh mục bảo là họ không được lấy nhau nữa. Việc đó xảy ra chỉ mấy ngày sau khi Luật cấm kết hôn giữa người Âu với ai không phải người Âu có hiệu lực. Tội nghiệp cho Xtêlơ, cô ấy gục ngã hoàn toàn.
- Đất nước này đang trở nên giống nước Đức quốc xã cùng với những câu chuyện hoang đường về chủng tộc, - Entơni nói.
- Phải. Dù sao anh chàng đó cũng bắt đầu thu góp tiền để hai người có thể sang nước Anh ở như nhiều người khác đang làm. Trong khi đó, Xtêlơ vẫn cứ ru rú ở trong buồng mình hết ngày này sang ngày khác, khóc lóc, không chịu ra khỏi buồng, không chịu giao thiệp với ai. Và khi anh ta không thể lo liệu được tiền nong, Xtêlơ uống thuốc độc tự tử.
Xtivơ sửa lại chiếc kính, uống một hớp nước nữa để chặn trận ho kế tiếp; trong khi đó, Entơni sắp xếp đĩa tách lên mặt bàn.
- Ngày hôm nay, tôi vừa mới nghe thấy một trường hợp, - Xtivơ nói, - của một cô gái mười tám tuổi được coi là người Âu theo như giấy khai sinh. Người ta từ chối không cho cô ấy lấy một người Âu, vì mẹ cô ấy bị coi là người lai theo như giấy kết hôn của bà ta. Cô gái ấy đang có mang.
- Nhưng cô gái ấy trong trắng chứ?
- Phải, tôi tin như vậy.
- Lạ quá, thế thì anh không thể hiểu điều đó. Luật cấm kết hôn giữa người Âu với ai không phải người Âu xác nhận bất kỳ người nào diện mạo rõ ràng là diện mạo người Âu, thì được coi là một người Âu, trừ khi có sự chứng minh trái lại. Trường hợp ngược lại đối với một người trông rõ ràng không phải người Âu. Và ngoài vấn đề diện mạo, cuộc kết hôn có thể vẫn có hiệu lực, nếu người đàn bà có thể chứng mình rằng mình thường xuyên đi lại và giao thiệp với những người Âu như hệt một người Âu.
Xtivơ mỉm cười:
- Anh chuyên nghiên cứu vấn đề đó, có phải không?
Entơni nhìn Xtivơ rất lâu. Đó là một nhận xét tàn nhẫn, Entơni nghĩ thầm và đột ngột làm tan vỡ vẻ khách quan của câu chuyện đang được đề cập tới.
- Anh đã phải… để có thể mách bảo khách hàng.
- Chỉ với mục đích ấy thôi ư?
Trong một lúc, Entơni tưởng rằng mình nhìn thấy một cái gì đó rất xa xưa xao động trong ánh mắt Xtivơ, một cái gì đó vượt qua bao thế kỷ trở lại vùng kín đáo của châu Phi, mà từ đấy dân tộc Bantu đã di chuyển về miền Nam. Chắc chắn Xtivơ phải biết câu hỏi đó của mình đã làm anh đau đớn hơn cả một cú đánh bằng gậy hoặc một nhát đâm bằng giáo?
Rồi Entơni xấu hổ với ý nghĩ thoáng qua: anh đã tự cho mình tìm dấu vết dòng dõi của Xtivơ theo cách đó, tựa như bản thân mình thuộc dòng dõi khác vậy.
Entơni với lấy một điếu thuốc lá nữa, rồi đứng lên. Rất ít khi anh hút liên tiếp như thế.
Anh không thể trả lời Xtivơ, bởi vì anh nhớ lại là đã cảm thấy nhẹ nhõm biết bao khi luật pháp đã thừa nhận sự thử thách về diện mạo bên ngoài và tập quán xã hội. Đồng thời anh biết hiện nay vấn đề giữ cho Xtivơ đừng cản trở bước đường của anh là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là nếu chính phủ nghiêm ngặt trong vấn đề bắt làm thẻ căn cước…
Đưa mắt liếc trộm, anh cố xem xem Xtivơ có chú ý đến vẻ bối rối, lúng túng của anh không.
- Nước mãi bây giờ mới sôi, - anh nói, rồi rót nước vào ấm pha trà. – Anh e rằng anh chẳng phải là một người nội trợ giỏi giang gì.
- Anh làm khéo lắm. – Xtivơ nói, sau đó nhận tách trà, rồi trong một lát im lặng, họ ăn uống gượng gạo.
Cuối cùng, Xtivơ nói:
- Tôi rất tiếc đã nói những lời vừa rồi, anh Entơni ạ. – Giọng Xtivơ dịu lại, khe khẽ. – Tôi không có ý định làm anh tổn thương.
- Không sao, Xtivơ, anh hiểu rồi.
- Có lẽ tôi không trách anh… vì cuộc sống anh đã theo đuổi. Biết đâu tôi cũng có thể sẽ làm như vậy, nếu như…
Giọng Xtivơ kéo dài ra. Mắt anh nhìn vơ vẩn khắp phòng và dừng lại ở bức ảnh anh trai mình chụp cùng những người lính khác cưỡi lạc đà bên cạnh các kim tự tháp.
Entơni nhớ tới việc mình đã phớt lờ như thế nào, khi Xtivơ xin anh một bức ảnh.
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn - Gerald Gordon Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn