Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Gerald Gordon
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Let The Day Perish
Upload bìa: Ho ngoc hai
Số chương: 60
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11758 / 266
Cập nhật: 2015-01-13 12:42:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
hi nói chuyện với Hunđơ về việc xin học cho Xtivơ, Giogiơ thấy mình thiếu can đảm hơn nhiều so với lần anh xin học cho Entơni
- Cháu nó đen quá, - Hunđơ nói. – Nó không làm người ta tưởng lầm là trẻ con người Âu được. Tôi có thể cố hết sức, nhưng nếu ông hiệu trưởng không tán thành, và Ban quản trị nhà trường không nhận, thì tôi làm gì được? Nein, nein; anh cứ đi mà gặp thẳng ông hiệu trưởng, anh bạn của tôi ạ.
Giogiơ đành chịu vậy. Anh cũng mừng là đã chọn đúng lúc vợ Hunđơ không quanh quẩn ở đó để nói chuyện. Anh cảm thấy không những chỉ ghét chị ta, mà còn sợ giọng lưỡi chị ta nữa.
Hiện giờ, vợ Hunđơ uống rượu nhiều hơn. Cung cách của chị ta là lẻn vào quầy rượu, vớ lấy một chai, rồi kín đáo rút lui vào căn buồng vắng vẻ, cô đơn của mình, cố làm ra vẻ không hề uống một giọt rượu nào.
Chị ta ngày càng trở nên xấu tính xấu nết. Chị ta bắt đầu dò la mọi hành động của Giogiơ trong quầy rượu. Đôi khi, đột nhiên quay đầu lại, Giogiơ chợt thấy bộ mặt như cái sọ đầu lâu của chị ta ở một góc phòng. Sau khi uống xong thứ thuốc bùa mê của mình, vợ Hunđơ thường xuất đầu lộ diện, nếu Hunđơ vắng mặt thì bắt đầu đếm các chai rượu trên giá và cứ liếc mãi Giogiơ đầy dụng ý.
Việc trước mắt là phải gặp riêng ông hiệu trưởng Tômơt. Giogiơ phải mất một thời gian dài để lấy đủ can đảm dấn bước vào cuộc thử thách đó. Cuối cùng, vào một sáng thứ bảy, anh đi đến gặp ông ta.
Anh định mang Xtivơ đi theo, nhưng cuối cùng quyết định đến một mình.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào đầu những năm ba mươi đã tác động đến Nam Phi, đặc biệt là ngành buôn bán kim cương đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả là những mỏ kim cương khai thác ở sông hầu như đã nghỉ việc, và dân số các thị trấn nhỏ như Xtomhôc phụ thuộc rất nhiều vào tình hình khai thác mỏ ngày càng tồi tệ. Do đó, số học sinh gần đây đã giảm xuống chưa đầy một trăm em.
Nha học chính đã đe dọa ông hiệu trưởng là sẽ rút bớt giáo viên, nghĩa là những người còn lại phải làm việc nhiều hơn cả ông hiệu trưởng cũng vậy, mà tiền lương thậm chí có thể thấp hơn. Thực tế là cô Niđơm đáng thương đã phải dạy lớp một cùng với các lớp dự bị A và B trong cùng một buồng dành cho lớp mẫu giáo.
Ông Tômơt chỉ mong muốn có thêm học sinh. Trong khi đó, ông đã biết mọi chuyện về đứa con thứ hai của Grêơm, ông đang đợi bố đứa bé đến gặp. Nếu ông từ chối, thằng nhỏ nhà Grêơm tất phải vào trường của Hội truyền giáo, và anh nó, Entơni Grêơm, cũng phải vào đó học, vì hiển nhiên nó bị coi là đứa bé da màu. Nhà trường sẽ mất hai học sinh.
Hiện nay, Entơni được coi như một đứa trẻ người Âu. Đành phải coi em nó như thế vậy, mặc dù da nó mà đen. Rõ ràng trong trường có một số học sinh được gọi là “Âu”, nhưng phân tích thật kỹ về dòng dõi lại không phải như vậy, như thằng bé nhà Mêgrêgơ chẳng hạn…
Phải rồi, ông Tômơt suy nghĩ, Xtivơ Grêơm cũng sẽ được nhận vào trường Xtomhôc.
Vì thế, khi Giogiơ bước vào phòng ông hiệu trưởng với vẻ mặt thiếu tin tưởng và trình bày ý định của mình, anh thấy ông Tômơt tuyệt nhiên không có thái độ thù địch. Ông hiệu trưởng già nhiệt tình nói về Entơni. Một trong những em bé đáng yêu nhất của nhà trường, ông ta bảo vậy, một học sinh xuất sắc và một cậu bé khôi ngô.
Giogiơ về nhà, mặt phấn chấn. Anh ngồi vào bàn ăn trưa rất vui vẻ. Anh tươi cười với Meri trong khi chị tiếp cho anh bắp cải và khoai tây.
Meri ngước mắt liếc chồng trêu chọc.
- Anh có vẻ sung sướng lắm, anh Giogiơ ạ. Chúng ta bắt được của hay sao?
Giogiơ đặt con dao vào cái nĩa với một động tác cường điệu. Anh trả lời.
- Phải đấy, em thân yêu. Xtivơ được nhận vào trường Xtomhôc rồi.
Nghe thấy Xtivơ được nhận vào trường, Entơni lo lắng nghĩ đến học kỳ mới. Nó đã mười một tuổi, là một trong những học sinh to lớn ở lớp trên của nhà trường. Tuy biết mình được mọi người ưa thích, Entơni vẫn cảm thấy nguy hiểm, và bám sát lấy Bôp Sotơ.
Sợ bé Xtivơ đòi nó đèo đi học, Entơni không đi xe đạp nữa, chỉ khi nào đi chơi mới dùng đến.
Entơni lo sợ không phải là không có lý do xác đáng. Tính khí của Xtivơ không dễ dàng kết bạn. Giờ ra chơi trong mấy ngày đầu tiên, thằng bé cứ quanh quẩn ở sân trường, miệng mút ngón tay trỏ và rụt rè nhìn những đứa bé khác. Chẳng có đứa nào đánh bạn với nó. Trong lớp cô Niđơm, không có một đứa bạn như Bôp Sotơ dành cho nó. Trái lại, các đứa khác có vẻ lảng tránh nó. Một buổi sáng, tiếng kẻng vang lên lanh lảnh báo mười phút ra chơi, bọn con trai, con gái ùa ra sân, họp thành các nhóm nô đùa vui vẻ. Xtivơ đi lang thang một mình chẳng ai để ý đến. Nó lần đến đầu kia sân trường, chỗ những đứa lớn hơn tụ tập. Nom thấy em trai mình đến, Entơni lén lút nhìn các bạn cùng chơi, và khi bọn chúng cười đùa la hét, chạy lộn xộn, chơi nghịch, thì nó lẳng lặng lẻn đi mong không ai để ý tới.
Khi chỉ có hai anh em với nhau, nó bảo:
- Mày phải biết là không được lại đây cơ mà, Xtivơ.
- Sao lại không cơ, anh Entơni? Xtivơ nghoẹo đầu về một bên, đôi mắt nồng nhiệt, đen nâu nâu của nó trông buồn bã đăm chiêu.
- Bởi vì đây là chỗ chơi của những đứa lớn. Mày chỉ ở lớp dự bị A. Bọn chúng không thích mày đứng vớ vẩn ở đây. Mày phải đi chơi với những đứa bé chứ.
- Nhưng chúng không muốn chơi với em.
Entơni điếng người, nó cảm thấy tuyệt vọng, liếc nhanh về phía sau để xem có đứa nào ở gần không?
Cách khoảng trăm mét, bạn bè Entơni vẫn đang cười đùa, la hét.
Nó lắng nghe bọn chúng. Có lẽ chúng đang cười nhạo nó chăng? Chúng đang hét to “đồ chó da màu” chăng?
Hai anh em nó tiếp tục bước đến sau một lùm cây không ai có thể nhìn thấy chúng. Entơni cảm thấy an toàn hơn. Nó hỏi nhẹ nhàng và đã biết câu trả lời:
- Tại sao bọn chúng lại không chơi với mày?
- Em không biết.
- Vậy mày phải đến chơi với chúng nó. Cứ tham gia vào trò chơi.
- Em sợ lắm!
- Đừng có vớ vẩn thế. Mày sợ cái gì cơ chứ? Các trò chơi vui lắm. Này, Xtivơ, cầm lấy cái này và chơi với một đứa nào đó. – Nó rút trong túi ra một vỏ bao thuốc lá đựng những viên bi. – Mày không được đến chỗ tao vào giờ ra chơi nữa, nghe không?
Tiếng chuông vang lên, hai đứa vội vã trở về lớp.
Chiều hôm sau, khi hai anh em ở nhà, Xtivơ đến kể với Entơni.
- Sáng nay, em đã cố chơi bi với những đứa khác.
- Phải lắm, - Entơni nói giọng hăm hở, - có chuyện gì xảy ra không?
- Chúng nó cười nhạo em và bảo em là da màu; một đứa cầm thước đánh em và bảo: “Đồ hotnot, cút đi!” – Xtivơ gục đầu vào cánh tay trái – trả anh bi đây này. – Nó nức nở.
Trong lúc đứa em đứng khịt khịt vào tay áo, Entơni lẻn ra khỏi nhà. Nó đi ra ngoài thị trấn, vào trong thảo nguyên, chọn con đường vắng vẻ nhất. Nó sợ gặp bất cứ đứa bạn nào.
Những lời của mẹ nó đè nặng tâm trí nó.
- Vậy Entơni thân yêu ạ, khi có kẻ nào nói bất cứ một lời gì giống như thế với con, thì con chỉ cần nhớ đó là lời của một kẻ xấu xa, chứ không phải lời của Chúa.
- Nhưng mẹ ơi, người ta sẽ cứ tiếp tục nói những lời như thế với Xtivơ, - nó kêu to – và họ cũng sẽ cứ tiếp tục nói những lời như thế với con.
Mặt trời đã lặn, nó quay về nhà!
- Mình có một đứa em da màu là không công bằng, - nó thốt lên, - bởi vì nó cũng làm mình thành da màu.
Trong những ngày tiếp theo, sự việc trở nên tồi tệ hơn. Bọn học trò thấy ngay việc chế nhạo Xtivơ Grêơm là một trò tiêu khiển thú vị. Bao giờ cũng thế, Xtivơ sợ hãi bỏ chạy, hoặc òa khóc. Có trò đùa nào thích thú hơn đối với bọn chúng là việc săn đuổi một đứa bé kém may mắn hơn?
Cuộc sống của Xtivơ trở nên không thể chịu đựng được và nếu tiếng chuông ra chơi là tín hiệu hạnh phúc đối với những đứa khác, thì nó lại báo hiệu mười phút khổ ải đối với Xtivơ.
Việc đó không thể kéo dài. Bọn trẻ bắt đầu về nhà kể những chuyện đùa cợt chế nhạo của thằng bé Grêơm, thế là ba mẹ chúng lập tức tới gặp ông hiệu trưởng.
- Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng tôi sẽ không để con trai tôi học cùng lớp với một thằng bé da màu!
- Cho một thằng da màu vào một trường học Âu, quả lạ lùng thật đấy!
- Ông đành chịu bó tay sao, thưa ông Tômơt?
Cả Entơni cũng không được miễn trừ. Một khi cái lưới đã chụp được Xtivơ thì, Entơni cũng bị mắc vào trong các mắt lưới.
- Tôi chẳng tiếp nhận chuyện này đâu. Trong vòng một tuần lễ, nếu thằng nhãi nhà Grêơm và cả anh nó nữa không bị đuổi khỏi trường, tôi sẽ cho ba con tôi thôi học, rồi gửi chúng học nội trú ở một thị trấn khác.
- Con trai tôi học cùng lớp với thằng Entơni Grêơm. Mẹ nó là một con mụ da màu, nó cũng thế. Những người làm cha làm mẹ như chúng tôi đã mắc sai lầm ngớ ngẩn một lần là cùng. Phải đuổi cả hai đứa con nhà Grêơm ra khỏi trường!
Về vấn đề này, hội đồng nhà trường của ông Tômơt cũng chia thành hai phe. Bản thân ông hiệu trưởng rất không muốn Entơni phải rời khỏi trường, ông băn khoăn suy nghĩ trong nhiều giờ. Thế nhưng sức ép thì rất lớn, mà thị trấn lại rất nhỏ.
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn - Gerald Gordon Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn