Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 264 / 25
Cập nhật: 2019-11-13 12:07:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Nunc Fortunatus Sum
ừ London, ông Groanin và ba đứa trẻ đón chuyến bay đi Kathmandu kéo dài mười tiếng rưỡi của hãng hàng không Gulf Air để tìm kiếm tòa pháo đài màu hồng được mô tả trong bức tranh Hiệp Hội. Đặt chân lên thủ đô châu Á sôi động này, cả bốn người thấy mình lạc vào một thế giới hoàn toàn khác so với những gì họ tưởng tượng. Thay vì những nhà leo núi với ánh mắt thép, những nhà thám hiểm cứng cỏi, và những bậc thiền sư bí hiểm, họ nhanh chóng bị vây quanh bởi dân hippi, người bán thảm dạo, xe ngựa chở đầy nhóc khách du lịch, cảnh sát chống bạo động, và những tăng lữ tập sự trong bộ áo chùng màu nghệ tây đến từ khắp nơi như Buffalo, New York, Detroit, Michigan… bận rộn buôn bán sự khai sáng mà họ tìm được trong đủ loại ashram.
Leo lên chiếc taxi rệu rã sẽ chở họ về khách sạn, Dybbuk liếc nhìn tờ rơi được giúi vào tay cậu chỉ một giây sau khi họ rời khỏi phi trường và hỏi:
– Ashram là gì mới được?
Vẫy tay xua một vị sư tập sự ra khỏi cửa sổ để mở của chiếc taxi, ông Groanin giải thích:
– Nó là một dạng ẩn dật mang tính chất tôn giáo. Dành cho những ai muốn tìm kiếm sự yên tĩnh và thiền định, hoặc những thứ tương tự. Nhưng ta thấy nó hơi bị nhảm nhí. Nếu muốn tìm kiếm sự khai sáng, họ nên đi đọc một cuốn từ điển bách khoa toàn thư hay một tờ báo có uy tín nào đó. Làm sao họ có thể tìm thấy nó với đôi mắt nhắm nghiền và miệng lẩm bẩm mấy câu thần chú ngớ ngẩn chứ?
Cặp sinh đôi liếc nhìn nhau và khẽ mỉm cười. Đi ra nước ngoài cùng ông Groanin luôn thú vị.
John hỏi:
– Thần chú là gì vậy ông?
– Là một từ mà họ lập đi lập lại để giúp làm rỗng đầu óc vốn cũng không có gì nhiều bên trong.
Dybbuk hỏi một cách đơn giản:
– Tại sao?
Ông Groanin gật gù:
– Hỏi câu này hay à. Tại sao họ cần làm rỗng đầu óc? Để họ có thể khám phá ý nghĩa của cuộc sống, nghe đồn là vậy. Hoặc để ba cái thứ lòe người khác kiểu kiểu như thế.
Họ nhận phòng khách sạn, rồi bắt đầu lang thang quanh thành phố, nơi một khám phá dạng khác đang chờ đợi họ. Không chỉ gặp vô số người dụ rắn ở quảng trường Durbar, họ còn nhận ra phần lớn các đền chùa của thành phố đều có hình khắc rắn hổ mang ở bên ngoài. Bên trong cung điện Deotalli Durbar, bức tượng bằng vàng ròng của một vị hoàng đế Nepal xa xưa ngồi trên một cái ngai vàng được che chở bên dưới một cái mang bành rộng của một con hổ mang khổng lồ. Có vẻ như họ đang ở đúng phần thế giới có liên quan đến hổ mang.
Tuy nhiên, Philippa chẳng mấy chốc nghi ngờ họ đã tìm sai chỗ, vì không có tòa nhà nào ở Kathmandu nhìn giống như tòa pháo đài màu hồng bên trong bức tranh Hiệp hội Đông Ấn mà họ mang theo từ London. Đó cũng là ý kiến của Padma Trungpa, một thanh niên làm việc ở quầy lễ tân khách sạn nơi họ ở.
Liếc nhìn bức tranh, Padma bảo ba đứa trẻ:
– Anh có thể cam đoan với mấy đứa rằng đây không phải một tòa nhà ờ Nepal. Anh thấy, nó nhìn giống một pháo đài ở bang Uttar Pradesh phía Bắc Ấn Độ hơn. Bang đó nằm ở ngay phía Nam Nepal. Nhưng mà, mấy đứa mà đến đó kiếm theo cách như thế này thì cũng chỉ là mò kim đáy bể thôi. Ấn Độ có vô số pháo đài và cung điện. Anh rất tiếc, nhưng anh nghĩ mấy đứa đang gắn lên người một nhiệm vụ bất khả thi nhất đó.
Cả bọn đành phải lủi thủi leo lên phòng, thiếu điều nản chí hoàn toàn nếu không phải vì sức mạnh djinn của ba đứa đã quay lại trong cái nóng ngột ngạt của Kathmandu. Thời tiết quá nóng đối với ông Groanin, người bắt đầu càu nhàu với những đứa trẻ mà chính ông khăng khăng đòi đi theo.
Ông phàn nàn:
– Ta thiệt không biết trời xui đất khiến sao mà ta lại bị thuyết phục đi đến cái nơi khi ho cò gáy này. Cả cuộc đời, ta chưa bao giờ cảm thấy nóng bức thế này. Chưa bao giờ.
Sử dụng sức mạnh djinn của mình, John úm ba la ra một cây quạt điện to đùng, giúp ông Groanin cảm thấy thoải mái hơn - ít nhất là đủ để ông ngừng than phiền. Rồi cậu lại tập trung chú ý vào bức tranh Hiệp hội mà Philippa đã trải ra trên bàn, đặc biệt là rừng rắn uốn éo chạy ở đáy tờ giấy.
Quay qua em gái, John hỏi:
– Em nghĩ ra gì chưa?
Philippa liếc nhìn bức tranh và khẽ lắc đầu. Đọc cuốn sách về mã và mật mã trong thư viện của ông Rakshasas, cô chẳng hiểu gì mấy. Trên thực tế, nó còn làm cô cảm thấy càng rối trí hơn.
Cô lẩm bẩm:
– Chưa được bao nhiêu. Em chỉ biết nó không thể là một loại mật mã quá khó. Nếu không thì Killiecrankie sẽ chẳng cần tốn công viết bằng mực tàng hình.
Ông Groanin gật đầu:
– Suy luận tốt đó.
Căng mắt nhìn những hàng rắn nhảy múa, John gãi gãi đầu nói:
– Quái, nhìn máy cái này quen quen. Nó làm anh nhớ tới một cái gì đó. Mà cái gì mới được?
Rồi đột ngột, cậu bỗng nhớ ra.
– Ặc, sao anh có thé quên được nhỉ? Dĩ nhiên anh biết tại sao nhìn nó quen quen. Sao anh không nghĩ đến nó khi còn ở thư viện chứ? Mà anh lại là một fan hâm mộ Sherlock Holmes cơ đấy! Nó giống y chang Cuộc phiêu lưu của những người đàn ông nhảy múa, một trong những tập truyện hay nhất mà Conan Doyle từng viết. Ngoại trừ việc, thay vì những người đàn ông, ở đây là những con rắn nhảy múa.
Càu nhàu lớn tiếng như một cây kèn fagôt và trợn tròn mắt, Dybbuk nhặt một bánh xe cầu kinh Tây Tạng[21] lên khỏi bàn uống cà phê, dứ dứ trước mặt John và dọa:
– Rốt cuộc cậu có định nói cho tụi này biết cậu đang lèm bèm về cái gì không? Hay cậu muốn tớ cầm cái này đập cậu một trận mới chịu nói hả?
[21] Nguyên văn: Tibetan prayer wheel, một vật có thân hình trụ bằng sắt hay gỗ, quay quanh trục có tay nắm cũng bằng gỗ hay sắt. Những câu kinh được khắc trên ống hình trụ sẽ xoay vòng khi có người kéo quả cân có dây chuỗi gắn liền vào thân trụ.
Hết chịu nổi, ông Groanin trừng trừng nhìn vào Dybbuk bảo:
– Ê, đưa cái đó đây. Không biết thì dựa cột mà nghe đi. John đúng đó. Ta nói, John đúng đó. Những con rắn này nhìn giống y trong Cuộc phiêu lưu của những người đàn ông nhảy múa trong truyện Sherlock Homes. Phải chi có mang theo một cuốn từ London, chúng ta sẽ biết được tay thám tử đó đã giải được mấy cái mã này như thế nào.
John chỉ đơn giản nói:
– ABECEDARIAN!
Và bốn cuốn Sự trở về của Sherlock Homes, tuyển tập truyện có nói về Cuộc phiêu lưu của những người đàn ông nhảy múa xuất hiện trên bàn ngay trước mặt mỗi người. Chúng y như cuốn Sự trở về của Sherlock Homes phiên bản sách bìa mềm mà John vẫn để trên kệ sách ở nhà cậu tại New York.
Ông Groanin khen ngợi:
– Thông minh!
John khiêm nhường nhún vai bảo:
– Cơ bản thôi mà, ông Groanin thân mến của cháu.
– Bây giờ, ta đề nghị tất cả chúng ta đọc cuốn sách này. Ta nói là, hãy đọc kỹ cuốn sách này và tập trung trí óc tìm ra giải pháp cho sự bí ẩn trước mặt chúng ta. Giống như thám tử Holmes đã làm.
Dybbuk càu nhàu với John:
– Gì? Lại phải đọc sách nữa hả? Có vẻ như tất cả những gì tớ làm từ khi mắc kẹt với các cậu là đọc và đọc toàn những sách dở hơi.
Rồi lắc đầu một cách chán nản, Dybbuk nói:
– ZYGOBRANCHIATE! Ước gì tôi biết được cách giải cái mật mã quái quỉ này.
Nhe răng cười chế giễu, John bảo:
– Điều ước không hoạt động như thế. Cậu nên về đọc lại Những quy luật Baghdad đi. Mục 4, phần 3, đoạn 1. “Không thể ước những gì không biết. Chỉ có thể ước cho những gì đã biết”.
Đó là một sự phân biệt tinh vi mà không phải ai cũng nhận ra.
Dybbuk dĩ nhiên biết điều đó, vì thật ra cậu cũng không đến mù tịt hay coi khinh các loại sách (bao gồm cả cuốn Những quy luật Baghdad) như thỉnh thoảng cậu vẫn giả vờ. Cho nên cậu chỉ nói:
– Tớ chỉ nói thế, chứ đâu có cố biến nó thành sự thật đâu.
Philippa thắc mắc:
– Vậy cậu nói ra từ trọng tâm của cậu làm cái gì? Nếu không phải cậu đang cố biến điều ước của cậu thành hiện thực?
Dybbuk nhún vai trả lời:
– Thói quen. Chỉ là thói quen thôi.
Ông Groanin nhặt cuốn Sherlock Homes trước mặt mình lên, mở nó ra và mạnh tay gập bìa sách về phía gáy - Philippa nhăn mặt khi thấy vậy - rồi nói:
– Nào nào, các nhóc này, chúng ta còn có một cuốn sách để đọc đấy. Nếu muốn có cơ hội biến điều ước của Dybbuk thành sự thật.
Cắn môi, Dybbuk nhăn nhó sửa lại:
– Buck. Chỉ cần gọi cháu là Buck thôi, ok?
o O o
Philippa vẽ một bảng kẻ ô trên một tờ giấy trắng, trong đó bao gồm 24 ô vuông. Trong mỗi ô, cô vẽ vào một con rắn trong mật mã hoặc để trống.
Cô lên tiếng trước tiên:
– Sherlock Homes đã nói, e là chữ cái thông dụng nhất trong bảng chữ cái, và thậm chí là trong một câu ngắn, cho nên nó có nhiều khả năng xuất hiện nhất so với các chữ cái khác. Trong bản mật mã của chúng ta, con rắn hướng về phía tay trái và có gắn số 5 sau đuôi xuất hiện 28 lần, nhiều hơn so với những con rắn khác. Có nghĩa, dựa theo nhận định của thám tử Holmes, nhiều khả năng nó là chữ e.
Nói rồi cô viết chữ e vào kế con rắn này trong bảng kẻ ô của mình.
Đến lượt ông Groanin đưa ra kết luận:
– Còn một điểm nữa. Các cháu có chú ý thấy, một số con rắn có lưỡi thè ra, trong khi những con rắn khác không có? Một lần nữa, dựa theo nhận định của Holmes về những người đàn ông nhảy múa, ta nghĩ có thể kết luận sự xuất hiện của cái lưỡi rắn chẻ làm đôi được đùng để ngắt hàng những con rắn thành những từ hoàn chình.
Vẽ một vạch thẳng đứng vào trong bức mật thư đằng sau mỗi con rắn có lưỡi, ông tuyên bố:
– Và như vậy, chúng ta có thể thấy rõ một vài từ trong đây chỉ có ba chữ cái. Những từ tiếng Anh ba chữ cái thông dụng nhất là the, and, for, but, not, all và too. Nếu thêm vào những gì Philippa nói về chữ e, chúng ta gần như có thể lập tức đoán được cả sáu từ trong đây. Và điều đó đồng thời cung cấp cho chúng ta chữ t và chữ h.
Viết một chữ t và h vào hai ô trong bảng kẻ của Philippa và bên dưới những con rắn trong bức mật thư, ông mỉm cười nhận xét:
– Cứ như chơi ô chữ ấy nhỉ!
Philippa nói:
– Hoặc chơi sắp chữ.
Dybbuk nhăn nhó:
– Tớ ghét trò sắp chữ.
Đến lượt của mình, John chỉ tay vào tất cả những từ có thể được tạo ra bởi hai chữ cái và nói:
– Những từ này đều có hai chữ cái.
Rồi cậu bắt đầu viết ra tất cả những từ hai chữ cái mà cậu có thể nghĩ đến.
– Những từ như of, to, in, is, be, he, by, or, at, it, if, on, er…
Dybbuk xen vào:
– Er đâu phải từ.
Đến lượt John nhún vai phân bua:
– Tớ biết chứ. Chỉ là tớ không nghĩ ra được từ hai chữ cái nào nữa.
– Cậu quên as, an, và so rồi.
Nhìn Dybbuk nhanh chóng điền những từ đó vào danh sách, John có cảm giác Dybbuk có lẽ không tệ trò sắp chữ như biểu hiện bên ngoài của cậu.
Xem xét lại những kết luận đã có được, Philippa tuyên bố:
– Ok. Dựa vào những gì biết được về chữ t và chữ h, chúng ta có thể xác định được một số từ hai chữ ở đây. Và đổi lại, chúng ta có thêm được chữ o, i, f, a và n.
Thêm những chữ cái vừa tìm được vào bảng kẻ ô của mình, cô mỉm cười nói:
– Chúng ta sắp tìm ra đáp án rồi. Chúng ta thật sự sắp sửa tìm ra đáp án rồi.
Cô đã nói đúng. Dần dần, với sự giúp đỡ của Sherlock Homes và tiến trình loại trừ đơn giản, họ đã có thể thấy được bản mật mã này thực sự không phức tạp như họ tưởng. Những con rắn hướng đầu về góc trên bên trái của một ô vuông tưởng tượng ngụ ý chỉ sáu chữ đầu tiên trong bảng chữ cái, và những con hướng đầu xuống góc dưới bên trái biểu trưng cho sáu chữ cái tiếp theo, nếu i và j cũng được coi là một chữ cái. Những con rắn hướng đầu về góc trên bên phải tương đương chữ n, o, p, q, r, và s/z còn những con hướng đầu về góc dưới bên phải là những chữ từ t đến z Chẳng mấy chốc, Philippa và ông Groanin đã viết ra được đầy đủ thông điệp của đại tá Mountstuart Wavell Killiecrankie.
“I scotched the snake not skilled it. And fled to this terrible place of misery where I shall probably die at the hand of my enemies. But I am in luck now. And you, too, would do well to come down here and discover a king’s ransom in the green eyes of the cobra king of Kathmandu. Look for the third snake. But beware the eight. M. W. K”
“Ta làm con rắn bị thương nhưng không giết được nó. Và chạy trốn đến cái nơi khổ cực khủng khiếp này, nơi mà ta có lẽ sẽ chết dưới tay kẻ thù. Nhung giờ ta đang trong may mắn. Và ngươi cũng sẽ khấm khá nếu đi xuống đây khám phá tiền chuộc của một vị vua bên trong đôi mắt xanh lục của hổ mang chúa Kathmandu. Hãy tìm kiếm con rắn thứ ba. Nhưng coi chừng con rắn thứ tám. M. W. K”
Tuy nhiên, dù ông Groanin và bọn trẻ giờ đã hiểu nghĩa của tất cả các từ, ý nghĩa thật của chúng lại đang chơi trò cút bắt với họ. Lắc lắc cái đầu một cách mệt mỏi, Dybbuk rên rỉ:
– Đã ra đến đây mà vẫn còn không hiểu được thông điệp này muốn nói gì mới ghê chứ. Tay đại tá này kín kẽ quá mà. Thảo nào gia đình ổng không tìm được gì.
John quay qua hỏi ông Groanin:
– Scotch nghĩa là gì vậy ông?
Ông Groanin nhăn nhăn cái mặt trả lời:
– Là làm bị thương một thứ nguy hiểm gì đó. Nhưng đừng có hỏi ta giải thích tại sao nó mang nghĩa đó. Ta chả biết gì về Scotchland cả.
Dybbuk lại lắc đầu nói:
– Chắc là chúng ta mắc phải sai lầm ở chỗ nào rồi.
Ông Groanin phán chắc như đinh đóng cột:
– Không có sai lầm gì ở đây. Trên tư cách một người đã chơi giải ô chữ hàng chục năm trời, ta có thể đảm bảo điều đó.
John thắc mắc:
– Nhưng vậy thì khó hiểu quá, ông Groanin. Làm sao ông có thể nói ông sắp chết dưới tay kẻ thù, rồi sau đó lại nói ông đang trong may mắn được chứ?
Dybbuk cũng cùng ý kiến:
– Đúng thế. Ông Rakshasas bảo đại tá Killiecrankie bị một con hổ mang chúa cắn chết. Cháu chả thấy có gì may mắn với chuyện đó cả.
Cảm thấy thật nản chí, Dybbuk vung tay vỗ vào bức tranh Hiệp Hội và đứng lên đi loanh quanh trong phòng, rồi dừng lại trước một tấm bản đồ đất nước Nepal và vùng Bắc Ấn Độ được đóng khung treo trên tường.
John lầm bẩm:
– M. W. K. Chúng đúng là viết tắt tên họ của tay đại tá đó rồi. Và cũng không có gì sai với “đôi mắt xanh lục của hổ mang chúa Kathmandu”. Tất cả đều hợp lý. Có thể chúng ta đang ở đúng thành phố đó cũng nên.
Dybbuk gạt đi:
– Theo như anh chàng tiếp tân khách sạn thì không.
Rồi đặt một ngón tay lên tấm bản đồ và dịch chuyển nó từ Kathmanđu đến Utktar Pradesh, cậu bảo:
– Theo như anh ta nói, chúng ta nên tập trung tìm kiếm ở khu dưới này mới đúng.
Ông Groanin bảo cặp sinh đôi:
– Ta e là cậu nhóc này nói đúng đấy. Xét về mặt kiến thức, chúng ta cách xa mục tiêu quá mức rồi.
Nói xong, ông mở một hộp thức ăn trẻ em - đó là loại thức ăn duy nhất mà ông dám đụng tới một khi rời khỏi nước Anh - và bắt đầu nhấm nháp nó.
Dybbuk nhăn mặt nhận xét:
– Cháu thật không hiểu tại sao ông có thể nuốt được cái thứ này.
Ông Groanin trả lời:
– Chẳng có gì là không thể cả. Cháu chỉ việc há mõm ra và đút muỗng vào.
Dybbuk cười sằng sặc:
– Nhưng nó chỉ là một mớ hổ lốn thôi.
– Này, chàng trai trẻ, ta ăn cái thứ mà cậu gọi “một mớ hổ lốn” này bởi vì bao tử ta không tiêu hóa nổi mấy cái món tạp chất nước ngoài. Cà ri với chả cà ra. Ít nhất cái món này nó được tiệt trùng. Thức ăn cháu có thể đưa cho trẻ sơ sinh mà không bị cắn rứt lương tâm. Và cháu sẽ không thể kiếm ra một món ăn nào khác an toàn hơn.
Dybbuk vẫn đang ôm bụng cười:
– Trẻ sơ sinh á? Cháu thậm chí còn không dám đưa cái thứ đó cho chó ăn.
Đã xa rồi những ngày mà ông Groanin, người vẫn còn một điều ước, phải cẩn thận chọn lựa từ ngữ để nói khi có sự hiện diện của djinn. Cho nên giờ đây ông có thể cau mày và thoải mái nói:
– Nếu cháu có một cái bao tử yếu, có lẽ cháu sẽ thấy chuyện này không có chỗ nào đáng cười. Trên thực tế, ta ước gì cháu có một cái bao tử như vậy, nếu như nó có thể xóa đi nụ cười ngu xuẩn trên mặt cháu. Rồi, nếu may mắn, cháu sẽ hiểu được cảm giác của ta.
Dybbuk bỗng nhiên hỏi lại:
– Ông nói lại đi.
– Nếu may mắn…
– May mắn!
Chộp lấy bản phiên dịch thông điệp của đại tá Killiecrankie, cậu chỉ tay vào bên dưới hàng chữ và đọc lớn:
– “… Và chạy trốn đến cái nơi khổ cực khủng khiếp này, nơi mà ta có lẽ sẽ chết dưới tay kẻ thù. Nhưng giờ ta đang trong may mắn.”
Rồi quay lại tấm bản đồ trên tường, Dybbuk đột ngột huýt sáo một tiếng lớn và giơ tay đấm vào không khí như người chiến thắng. Bất chợt cậu cảm thấy tự hào hơn về bản thân mình. Cậu đã khám phá ra một điều quan trọng, bằng chính năng lực của bản thân! Điều này đúng là một thay đổi dễ chịu so với việc ngồi ngóc mỏ ngó Philippa, hay John hoạt động não bộ. Cuối cùng cậu cũng đả có thể tự tin nhìn thẳng vào chính mình trong gương.
Dybbuk thiếu điều hét toáng lên vì sung sướng:
– Chính là nó! Quá đơn giản. Tớ ngạc nhiên là các cậu không nghĩ ra được điều đó đấy.
John trơ mắt ngó tấm bản đồ trong mấy giây rồi lắc đầu nhặt lên bánh xe kinh Tây Tạng, dứ nó lên dọa lại:
– Rốt cuộc cậu có định nói cho tụi này biết cậu đang lèm bèm về cái gì không? Hay cậu muốn tớ cầm cái này đập cậu một trận mới chịu nói hả?
Ông Groanin thì chỉ biết thở dài lầm bầm:
– Thôi cứ để nó tận hưởng cảm giác chiến thắng một chút đi. Cá là lâu rồi nó mới có lại cảm giác đó. Và có lẽ chúng ta cũng không nên ghen tị với nó. Vì điều ước của nó rốt cuộc cũng thành hiện thực mà.
Trỏ ngón tay vào tấm bản đồ, Dybbuk giải thích:
– Câu trả lời ở ngay đây. Ngài đại tá Killiecrankie đáng kính của chúng ta đã đặt bẫy với từ ngữ. Một loại chơi chữ. Ông ấy không có ý nói ông ấy “đang trong may mắn, hiện giờ”. Điều mà ông ấy muốn nói chính là, ông đang ở tại Lucknow[22]. Ở đây. Tại Uttar Pradesh. Phía bắc Ấn Độ. Và chỉ cách chỗ chúng ta đang đứng 300 dặm về phía Tây Nam.
[22] Luck = may mắn, now = hiện giờ.
John, Philippa và ông Groanin ngó tới cái bản đồ, trong khi Dybbuk nhảy múa quanh phòng vì sung sướng.
Thò tay lấy cuốn cẩm nang du lịch của mình, Philippa thừa nhận:
– Ghét phải nói điều này, nhưng cháu công nhận cậu ấy nói đúng.
Philippa đọc lớn những gì cô tìm thấy trong cuốn cẩm nang du lịch:
– Thủ phủ của bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ, Lucknow, nổi tiếng với cuộc vây hãm kéo dài năm tháng của những cư dân Anh Quốc của nó vào năm 1857, trong cuộc khởi nghĩa giành Độc lập lần thứ nhất, hay thỉnh thoảng vẫn được biết đến dưới tên gọi Cuộc Nổi loạn Vĩ đại.
John nói:
– Nó hoàn toàn phù hợp với những số liệu về ngày tháng mà chúng ta biết.
Dybbuk không còn nghi ngờ nào về hướng tìm kiếm tòa pháo đài màu hồng và bùa Hổ Mang Chúa bị thất lạc mà cậu đã nghĩ ra, tuyên bố chắc nịch:
– Dĩ nhiên nó phải phù hợp rồi.
Liếc nhanh qua các trang hướng dẫn, Philippa cho biết:
– Nhưng rất tiếc, tớ không tìm thấy bất cứ thông tin nào về một tòa pháo đài màu hồng ở Lucknow cả.
Dybbuk vẫn khăng khăng:
– Chúng ta sẽ tìm thấy nó khi đến đó.
Nghiên cứu tấm bản đồ, ông Groanin nhận xét:
– Một nơi khó đến bằng máy bay. Ta nghĩ, chúng ta sẽ phải quá cảnh Calcutta để bay đến đó.
Dybbuk lắc đầu nguầy nguậy:
– Không đời nào. Calcutta ở hướng ngược lại. Vả lại, ai nói chúng ta đáp máy bay đến đó?
Ông Groanin nhăn mặt:
– Đừng có nói với ta là cháu định đề nghị chúng ta cưỡi lốc gió đến đó nhé.
Dybbuk nhún vai hỏi lại:
– Tại sao không chứ? Tụi cháu hồi phục hoàn toàn sức mạnh rồi mà.
Philippa thú nhận:
– Tớ chưa tạo lốc gió bao giờ.
John lắc đầu:
– Tớ cũng vậy.
Dybbuk tuyên bố:
– Tớ thì rồi. Từ Palm Springs, California, tới nhà của bà dì Felicia trên sông Hudson.
Philippa nhắc:
– Nhớ không lầm thì cậu bảo xém nữa cậu không đi được đến nơi mà.
– Đó là vì tớ lỡ đi quá xa về hướng Bắc. Đáng lẽ tớ nên bám theo phía Nam, nơi khí hậu ấm hơn. Tới Florida, rồi đi ngược lên bờ biển phía Đông. Vả lại, chúng ta hiện đang ở Ấn Độ, các cậu không thấy sao, ở đây nóng mà. Không thể nào có trường hợp sức mạnh djinn của tớ biếnn mất ở đất nước này đâu mà lo.
Tuy nhiên ngày hôm sau - ngày mà họ thống nhất chọn để bay đến Lucknow - không phải sức mạnh djinn của Dybbuk quyết định nổi loạn mà là bao tử của cậu. Cậu đã thức dậy với cảm giác như bệnh gần chết.
Dybbuk khó nhọc nói với John:
– Giống như ai đó đang dày xéo bao tử của tớ ấy.
Ông Groanin, người cảm thấy khá là thỏa mãn với bản thân vì đã nói đúng về vấn đề liên quan tới “thức ăn ngoại quốc”, bảo:
– Đáng lẽ cháu không nên ăn món cà ri tối qua. Ta đã cảnh báo về mấy cái món Ấn Độ mà không tin. Sao, giờ còn cảm thấy buồn cười nữa không, cậu nhóc? Chuyện ta ăn thức ăn trẻ em đóng hộp được tiệt trùng, thay vì cái mớ tả pín lù cậu tống vào bụng tối qua?
Philippa thắc mắc:
– Không thể nào là món cà ri làm cậu ấy đau bụng được. Tối qua tất cả tụi cháu đều ăn món đó mà. Cháu, John và Dybbuk. Mà cháu có bị gì đâu.
Riêng John thì vần giữ im lặng. Kỳ thực trong lòng cậu đang thấy có lỗi. Và cậu hy vọng không ai nhớ về điều ước của ông Groanin ngày hôm trước. Điều ước cho Dybbuk bị đau bụng. Thực sự John không có cố tình thực hiện điều ước đó. Tuy nhiên, vì sau một thời gian dài mới có lại đầy đủ sức mạnh djinn, và vì vẫn còn hơi mệt sau một chuyến bay dài từ London đến Kathmandu, cậu đã vô tình biến điều ước đó thành hiện thực. Cậu Nimrod gọi đó là “sự thực hiện điều ước theo tiềm thức”, khi một djinn thiếu kinh nghiêm thực hiện một điều ước mà không hoàn toàn nhận thức về nó. Và John hiện giờ đang hết cả hồn khi nhận ra điều ước của ông Groanin đã được cậu đáp ứng.
Lúc này cậu chỉ có thể hỏi thăm Dybbuk:
– Nè, sao cậu không đơn giản ước cho bụng cậu hết đau đi? Với sức mạnh djinn ấy?
– Bộ cậu nghĩ tớ chưa thử làm điều đó hả?
John gật gật đầu. Sự thật là, cậu cũng muốn sử dụng sức mạnh djinn để tự chữa bệnh cho Dybbuk. Tuy nhiên, vì không biết chính xác mình đang muốn làm gì, cậu sợ làm nó nặng hơn thì chết. Thật khó để chắc chắn về điều đó.
Dybbuk thều thào nói:
– Các cậu sẽ phải tự làm lốc gió thôi. Tớ quá đau để có thể làm được gì.
Bắt được ánh mắt lưỡng lự của cặp sinh đôi, cậu nói thêm:
– Cứ bình tĩnh. Các cậu sẽ làm được mà. Chả có khó gì đâu. Vả lại, không sớm thì muộn các cậu cũng phải học nó thôi. Cho nên học ngay bây giờ cũng là hợp lẽ.
Ông Groan lắc đầu tuyên bố:
– Nếu ba đứa không phiền, ta nghĩ ta sẽ đi máy bay.
Ôm chặt cái bụng đang biểu tình dữ dội của mình, Dybbuk mỉm cười một cách yếu ớt và trấn an:
– Đừng có lo quá mức như thế, ông Groanin. Cháu sẽ hướng dẫn hai cậu ấy cách thực hiện đàng hoàng. Mà ông cứ nghĩ thế này nhé: nếu rớt máy bay, ông sẽ bị bao vây bởi kim loại gãy nát sắc như dao. Nhưng nếu rớt lốc gió, ông được không khí đỡ cho. Không có gì an toàn hơn một cái nệm không khí. Tin cháu đi.
Nhắm mắt lại, ông Groanin miễn cưỡng gật đầu và nói:
– Ta biết ta sẽ hối hận chuyện này. Ta nói, ta biết thể nào ta cũng sẽ hối hận về chuyện này.
o O o
Điểm đến của họ là một ngọn đồi khá dốc ở phía tây thành phố. Từ đây phóng tầm mắt ra, họ có thể thấy trọn Thung lũng Kathmandu, nơi mà, dựa theo quyển cẩm nang của Philippa, một thời từng là một khu hồ đầy rắn. Đứng sừng sững phía trên đỉnh đồi là ngôi đền Swayambhu Ganapati, nơi lúc nào cũng tràn ngập khỉ, khách du lịch và những kẻ hành hương. Ở cách xa ngôi đền, gần một bãi đỗ xe, họ tìm thấy một khu vực yên tĩnh để John có thể bắt tay vào việc chế tạo một ngọn lốc gió. Lần thử đầu tiên của cậu lật chỏng gọng một cái xe hơi, trong khi lần thử thứ hai bay vụt ra ngoài tầm kiểm soát và rượt vài con khỉ chạy trối chết đến tận Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở chân đồi phía Nam.
Ông Groanin phàn nàn:
– Thánh thần ơi! Cháu sẽ làm chúng ta bị cảnh sát bắt cả đám cho coi, John. Vì Chúa, làm ơn tạo được một ngọn lốc gió cho ra hồn trước khi ai đó nhìn thấy chúng ta.
– Có người thấy chúng ta rồi.
Nói rồi Philippa chỉ tay về phía bên kia bãi đỗ xe, nơi một nhà sư già trong bộ áo chùng màu đỏ hiện đang cúi đầu lạy lia lịa về phía họ với hai bàn chắp vào nhau trước ngực một cách thành khẩn và miệng không ngừng lẩm bẩm tụng kinh.
Philippa nói với anh:
– Cứ tiếp tục đi, John. Quá trễ để lo lắng ông ấy đang nghĩ gì rồi.
Trong lần thử thứ ba, cuối cùng John cũng đã nhấc được bọn họ lên khỏi mặt đất trong một ngọn lốc gió cỡ trung. Ông Groanin nhận xét:
– Có vẻ như cháu đã mang đến một ngày tốt lành cho ông sư ấy. Ta nghĩ cháu đã giúp ông ấy khôi phục lòng tin vào bất cứ thứ gì mà ông ấy tin.
Philippa nói:
– Cháu thấy vậy cũng tốt mà.
Rồi Philippa vẫy vẫy tay một cách vui vẻ về phía nhà sư, người vẫy chào lại trong sự thú vị của cô.
– Cái này cứ y như cỗ xe ngựa của thần mặt trời ấy.
Vừa nói, ông Groanin vừa đưa tay tìm một cái gì đó để nắm. Tuy nhiên, không khí thì có gì mà nắm, nên ông chỉ có thể một lần nữa thảng thốt hét lên:
– Thánh thần ơi!
Dybbuk rên lớn khi ngọn lốc gió lắc một cái thật mạnh bên dưới họ, rồi bắt đầu tăng tốc dần, như thể được kéo đi bởi những con ngựa vô hình. Một hai giây sau, cậu ngả người qua một bên và ói thẳng lên đầu vài vị khách du lịch xấu số.
Philippa thấy gớm quá là gớm. Cô nhăn mặt hỏi:
– Thấy đỡ chưa?
Mỉm cười yếu ớt, Dybbuk nói nhỏ:
– Đỡ hả? Ừ. Một ít.
Philippa chỉ có thể lắc đầu nói:
– Tội nghiệp mấy người du khách kia.
Những rắc rối nảy sinh từ ngọn lốc gió của John và cái bao tử biểu tình của Dybbuk vẫn chưa đừng lại ở đó. Khi cỗ máy bay không khí của họ nhanh chóng di chuyển lên cao và bắt đầu rời khỏi ngọn đồi, John cố gắng xoay lóc gió theo trục quay của nó. Ngọn lốc gió nghiêng nhẹ, rồi thình lình nghiêng hẳn về một phía, làm cho họ suýt chút nữa trượt khỏi đỉnh lốc.
Ông Groanin thét lên:
– Coi chừng! Cháu quẳng tất cả chúng ta xuống đất bây giờ!
Trong khi John lí nhí xin lỗi, Dybbuk một lần nữa ói mửa, lần này là lên đầu tiểu đội khỉ mà ngọn lốc gió đầu tiên của John đã rượt chạy xuống đồi.
Đưa ống tay áo lên lau miệng, Dybbuk hướng dẫn:
– Ngồi thẳng lên. Ấn gót chân của cậu vào ngọn lốc gió ấy. Nó sẽ giúp cậu tập trung vào chuyện đang làm.
Nghe theo lời Dybbuk, John ấn mạnh gót chân vào luồng không khí đang xoáy tròn bên dưới chân cậu. Ngay lập tức, ngọn lốc gió chỉnh sửa lại độ nghiêng của nó.
Dybbuk bảo:
– Không cần mạnh quá đâu.
John hét lên, vì giờ đây âm thanh của không khí di chuyển trong tai họ đã trở nên khá ồn ào:
– Tớ nghĩ tớ bắt đầu nắm bắt được nó rồi.
Ông Groanin cằn nhằn:
– Ôi, ta cũng hy vọng thế. Nếu cứ tiếp tục như thế này, ta chắc chắn sẽ để bữa sáng của mình ở lại sau lưng mất.
Ngọn lốc gió xoáy tròn xuống thung lũng, vụt thẳng qua một khu nhà trọ rẻ tiền cho khách bộ hành. Phần đuôi của nó cuốn đi phần mái tôn của gian phòng tắm và toa lét. Ngồi ớ trên cao, bốn người bọn họ có thể thấy rõ sự bực mình cũng như xấu hổ của những người ngồi bên dưới. Dù cái bụng còn đau, Dybbuk vẫn bật cười và bảo John:
– Tớ nên để cậu cưỡi lốc gió nhiều hơn, John.
Philippa nhắc:
– Chúng ta bay quá thấp. Ai cũng có thể thấy chúng ta.
Đó là sự thật. Tất cả những người trên mặt đất đều có thể thấy được ba đứa trẻ và một người đàn ông một tay đang ngồi một cách khá thoải mái bên trong một cơn lốc di chuyển. Một viên cảnh sát giao thông đã cố gắng trong vô vọng để hướng họ rời khỏi quảng trường Durbar đông đúc, trước khi phải nhanh chóng chúi đầu xuống tránh khi một cái đĩa vệ tinh mà ngọn lốc gió “mượn tạm” từ tiệm hamburger Bonnington gần đó bay thẳng về phía ông. Những người thợ chất gạch và xúc cát ở khu khách sạn Hilary and Tenzing Base camp đang xây dựng dỡ dang bỏ chạy toán loạn khỏi đường đi “giang hồ” của ngọn lốc gió. Nếu là ở bất cứ thành phố nào khác chứ không phải Kathmandu, sự hỗn loạn chắc chắn sẽ diễn ra. Tuy nhiên, thủ đô của đất nước Nepal vốn nổi tiếng với lối sống khoan dung và thoải mái. Trên thực tế, chỉ có một vài người có phản ứng tiêu cực trước cảnh bốn người khách Tây ngồi xếp bằng bay vèo vèo trong không khí. Còn đối với số đông những người còn lại, đó là lý do mà họ đến với Kathmandu, và hầu hết tất cả mọi người đều có suy nghĩ rằng trước mặt họ chính là bốn bậc thầy của môn yoga bay bí truyền - một khía cạnh của nghệ thuật thiền định tiên nghiệm. Với những người này, điều họ đang chứng kiến nhìn giống như một bằng chứng thuyết phục cho sự khai sáng mà họ đang bỏ công tìm kiếm ở ashram và các đền chùa. Và vì thế, các nhà sư cúi đầu, cha xứ giơ tay lên trời, guru vỗ tay, các bậc thầy yoga ngồi bắt chéo chân và bắt đầu lò cò nhảy dọc bãi cỏ như thể họ cũng có thể đạt được trạng thái bay bổng, phụ nữ thảy hoa lên, trong khi dân hippy ra dấu hòa bình và lơ đãng mỉm cười.
– Hay!
Dybbuk nhận xét, và ra dấu hòa bình đáp lại.
John hỏi cậu:
– Lucknow hướng nào vậy?
– Hướng này.
Liếc nhìn theo ngón tay đang mơ hồ chỉ về hướng Tây của Dybbuk, John hỏi lại:
– Cậu chắc chứ?
Dybbuk ôm bụng gắt:
– Chắc mà. Một đoạn về hướng Tây, rồi hướng Nam, rồi cuối cùng đi thẳng đến giữa trưa.
Nepal là quê hương của những dãy núi cao nhất thế giới, trong đó có dãy Everest, K2 Lhotse, Makalu, và, có vẻ như là dãy núi khó chinh phục nhất, dãy Annapurna. Đường bay của John đưa họ vượt qua mặt phía Nam của Khu Bảo tồn Annapurna, và đây là nơi mà họ chạm trán với đợt gió mùa sớm. Bất chấp cố gắng hết mình của John, ngọn lốc gió của họ bắt đầu bị đẩy sang phía Bắc, hướng về những dãy đồi thấp dưới chân đỉnh Himalaya.
Philippa hét lên:
– Chúng ta đang trôi chệch hướng!
John phân bua:
– Anh biết. Nhưng anh không thể làm được gì.
Cả Philippa lẫn Dybbuk đều không có cách nào hỗ trợ cho John, vì chỉ có djinn tạo ra ngọn lốc gió mới có thể điều khiển được nó.
Dybbuk chỉ đạo John:
– Chúng ta phải thoát ra khỏi luồng gió xuôi này.
– Tớ không đám lên cao nữa đâu. Cậu không nhận ra hả? Nhiệt độ đang bắt đầu hạ thấp.
Rồi liếc nhìn xuống bên dưới, John nói thêm:
– Mà hạ cánh cũng không phải một ý tốt. Có tuyết bên dưới.
Tuy nhiên, càng trôi đến gần những ngọn đồi phủ tuyết của dãy Annapurna, John càng cảm thấy lạnh hơn, cho đến khi cậu không còn duy trì nổi ngọn lốc gió, và họ buộc phải hạ cánh xuống một cánh đồng tuyết trắng không lấy gì là hiếu khách ở sườn phía Bắc ngọn núi, cách đỉnh khoảng 3000 mét.
Một ngọn gió rét buốt từ phía trên thổi vù xuống vã bụi tuyết li ti vào mặt họ, và cùng với nó là sự xâm chiếm của cái lạnh vào tận phần tủy quan trọng bên trong thân thể djinn. Vì không có một biện pháp nhóm lửa nào, họ cũng không có hy vọng khôi phục nhiệt độ trong cơ thể đủ để sử dụng sức mạnh djinn. Cũng không có bóng dáng ai trong thung lũng tuyết khổng lồ bên dưới - khách du lịch hoặc người leo núi - người có thể đến giúp họ với những thứ đơn giản như một ly nước nóng. Trong vài phút, cả bốn người nhận ra họ sẽ chết cóng nếu không được giải cứu kịp thời.
Ngồi xuống dưới cái bóng của một khối băng lớn, ông Groanin đút hai bàn tay vào bên dưới nách và cố gắng giữ cho hàm răng không lập cập đánh vào nhau để nói với Dybbuk:
– Có tuyệt không chứ? Không phải cháu nói, không có gì an toàn hơn? Sao ta có thể ngốc đến nỗi đi tin lời cháu chứ?
Dybbuk phân bua:
– Đâu phải lỗi của cháu. Tại John không thể bay cho ra hồn mà. Đáng lẽ cậu ấy nên đi về hướng Nam rồi mới đến hướng Tây. Thế thì chúng ta đã tránh được đợt khí hậu trái khoáy kia rồi.
John hét lớn đề át tiếng gió:
– Ê, tớ nhớ rõ cậu bảo đi về hướng Tây, sau đó mới qua hướng Nam.
Dybbuk hét lại:
– Đừng có mà đổ lỗi cho tớ chứ.
Cố nép người vào sát ông Groanin để giữ ấm trong vô vọng, Philippa ngăn hai cậu nhóc lại:
– Đừng có đổ lỗi cho nhau nữa. Giờ đâu phải lúc. Không lo mà nghĩ ra cách gì - nghĩ thật nhanh - chúng ta chết cóng hết cả đám đó.
Với những đám mây lớn che kín mặt trời, nhiệt độ giờ tuột thẳng xuống như một hòn đá rơi, và mái tóc họ đã bắt đầu phủ sương băng.
Ông Groanin lên tiếng, hơi thở ông nhìn giống như ngọn khói biến thể của djinn:
– Nếu ai trong ba đứa có điều ước khẩn cấp, giờ là lúc dùng đến nó rồi đó.
Không ai trong ba đứa trẻ djinn trả lời.
Ông Groanin lầm bầm trong cuống họng:
– Đáng lẽ ta phải biết trước điều này.
Rồi ông nói thêm:
– Nunc Fortunatus Sum[23].
[23] Có nghĩa I am in luck now, một cách chơi chữ bằng cách kết hợp chữ Latin với địa lý.
Philippa hỏi:
– Câu đó nghĩa là gì cơ?
Khoác tay qua vai cô, ông Groanin nói:
– Ta chỉ nghĩ về những gì tay đại tá Killiecrankie đã viết. Phải nói là, ta ước gì mình đang ở Lucknow.
Nuốt nước miếng cái ực, Philippa chỉ về hướng phía dưới ngọn núi và nói:
– Trên thực tế, cháu cũng ước vậy. Nhìn kìa.
Với những bước đi dài mạnh mẽ, một bóng dáng vô cùng to lớn đang tiến lên trên sườn đồi. Thân hình nó nhìn hơi giống một con khỉ đột, được bao phủ bởi một lớp lông đỏ dài bờm xờm. Cái đầu to và nhọn, trong khi khuôn mặt nhìn phẳng dẹp như da thuộc.
Dybbuk lo lắng hỏi:
– Đó là một con gấu, phải không?
John lắc đầu:
– Không phải gấu. Đó là Yeti. Người tuyết truyền thuyết của dãy Himalaya.
Nhắm mắt lại và bắt đầu cầu nguyện, ông Groanin lầm bầm:
– Chết tiệt. Một con quái vật. Đó là tất cả những gì chúng ta cần vào lúc này.
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu