Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ấu Trèo Về Qua Núi[22]
Fiona sống trong ngôi nhà cha mẹ cô để lại, ở thành phố nơi cô và Grant từng đi học đại học. Đó là một ngôi nhà lớn có kiến trúc cửa sổ trồi ra ngoài, mà dưới con mắt của Grant, trông vừa có vẻ xa hoa lại vừa lôm côm, với những tấm thảm xộc xệch trên sàn nhà và những dấu trôn ly tách ăn sâu vào lớp véc ni trên mặt bàn. Mẹ cô là người Iceland - một phụ nữ mạnh mẽ có mái tóc trắng như bọt kem sữa và những quan điểm chính trị cực tả đầy căm phẫn. Cha cô là bác sĩ tim mạch nổi tiếng, rất được nể trọng ở bệnh viện, nhưng lại vui vẻ phục tùng ở nhà, nơi ông lắng nghe những tràng đả kích xa lạ với nụ cười lơ đãng. Đủ loại người, giàu cũng có mà nhếch nhác cũng có, tuôn ra những tràng đả kích này, đến rồi đi, tranh cãi, hội ý, đôi khi có cả giọng nước ngoài. Fiona có một chiếc xe riêng nho nhỏ và một chồng áo len cashmere, nhưng cô không tham gia mấy câu lạc bộ nữ sinh, và có lẽ cái hoạt động kể trên ở nhà cô chính là lý do.
Nói thế không có nghĩa là cô thèm quan tâm. Câu lạc bộ nữ sinh đối với cô chỉ là trò hề, cả chính trị cũng vậy, mặc dù cô thích mở bài “Bốn vị tướng nổi loạn” trên máy quay đĩa, và đôi khi cô còn bật bài “Quốc tế ca” rất to, nếu đang có vị khách nào khiến cô nghĩ là trò này sẽ làm người ta phát hoảng. Một anh chàng người nước ngoài, tóc quăn, trông rầu rĩ ảm đạm đang tán tỉnh cô - cô bảo anh ta có dòng máu Visigoth[23] - cả vài ba chàng thực tập sinh trẻ khả kính và vụng về nữa. Cô trêu chọc tất cả bọn họ, trêu cả Grant nữa. Cô giễu nhại lại mấy câu địa phương tỉnh lẻ của anh. Anh đã tưởng cô chỉ đang đùa tếu khi hỏi cưới anh, vào một ngày trời lạnh quang đãng bên bãi biển cảng Stanley. Cát ran rát trên da mặt và sóng mang đầy sỏi đá vỡ oà dưới chân họ.
“Anh nghĩ có hay không…” Fiona hát lên. “Anh nghĩ có hay không nếu chúng mình lấy nhau?”
Anh nhận lời đề nghị của cô, hét lên trả lời có. Anh muốn không bao giờ rời xa cô. Cô tràn đầy nhựa sống.
Ngay trước khi họ ra khỏi nhà, Fiona phát hiện ra vết bẩn lên sàn bếp. Vết bẩn từ đôi dép đi trong nhà rẻ tiền màu đen bà đã mang sớm hôm đó.
“Em tưởng nó không còn dây bẩn nhà như thế này nửa,” bà nói, giọng khó chịu và bối rối như thường lệ, rồi lau chùi vết bẩn màu xám trông như vết bút sáp dầu.
Bà tuyên bố sẽ không bao giờ phải làm cái việc này nữa, vì bà sẽ không mang đôi dép đó theo.
“Chắc em sẽ trưng diện suốt,” bà nói. “Hoặc ít ra cũng phải hơi đỏm dáng một chút. Kiểu như mình ở khách sạn vậy.”
Bà giặt miếng giẻ vừa dùng rồi treo lên giá phía trong cánh cửa dưới bồn rửa. Rồi bà choàng chiếc áo khoác trượt tuyết nâu vàng cổ lông thú bên ngoài áo len cổ lọ trắng và quần dài màu nâu vàng may vừa vặn. Fiona là một phụ nữ cao, vai hẹp, đã bảy mươi nhưng vẫn còn thẳng lưng và thon người, chân dài, bàn chân cũng dài, cổ tay cổ chân thanh mảnh và đôi tai nhỏ xíu, trông hơi ngộ nghĩnh. Tóc bà nhạc như lông tơ, Grant không nhận ra từ lúc nào nó đã chuyển từ màu vàng nhạt sang màu trắng, và bà vẫn để tóc xõa ngang vai, như mẹ mình hồi xưa. (Chính điều này đã từng khiến mẹ của Grant lo sợ, bà bà một bà góa tỉnh lẻ làm tiếp tân ở phòng mạch bác sĩ. Chính mái tóc dài của mẹ Fiona, hơn cả tình trạng của ngôi nhà, đã nói lên rõ ràng mọi điều mẹ Grant cần biết về thái độ và quan điểm chính trị của bà thông gia.)
Ngoài chuyện đó ra thì với vóc dáng đẹp và đôi mắt nhỏ màu xanh ngọc, Fiona hoàn toàn không giống mẹ mình. Miệng bà hơi méo, trông rõ hơn khi bà tô son đỏ - cái việc cuối cùng bà thường làm trước khi ra khỏi nhà. Ngày hôm nay trông bà có vẻ như là chính mình - thẳng thắn mà mơ hồ, đúng như bản chất của bà, ngọt ngào mà châm biếm.
Cách đây hơn một năm Grant bắt đầu nhận thấy rất nhiều mẩu giấy ghi chú màu vàng dán khắp nhà. Đây không hẳn là điều mới lạ. Bà vẫn thường ghi lại nhiều thứ - như nhan đề cuốn sách bà nghe nói đến trên đài hoặc những công việc mà bà muốn đảm bảo là mình sẽ làm trong ngày. Thậm chí cả thời khóa biểu buổi sáng của bà cũng được ghi lại, chi ly tới mức ông cảm thấy có gì đó vừa bí ẩn, vừa ấm lòng.
7:00 sáng Yoga.
7:30 - 7:45 răng mặt tóc.
7:45 - 8:15 bách bộ.
8:15 Grant và bữa sáng.
Những tờ ghi chú mới này lại khác hẳn. Dán lên ngăn kéo tủ trong bếp - Thìa dĩa, Khăn lau bát, Dao. Sao bà không chỉ việc mở ngăn kéo ra xem có cái gì bên trong nhỉ? Ông nhớ lại câu chuyện về lính Đức đi tuần tra biên giới với Tiệp thời chiến tranh. Một vài người Tiệp kể lại với ông là mỗi một con chó tuần tra đều đeo Bảng Hund (Chó). Tại sao người Tiệp hỏi, và người Đức trả lời, Vì đó là Hund.
Ông định kể cho Fiona chuyện đó, nhưng rồi lại nghĩ có lẽ tốt hơn hết là không nên kể. Họ luôn luôn thấy buồn cười vì cùng một chuyện, nhưng nhỡ lần này bà không cười thì sao?
Tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bà đi vào thành phố và gọi điện cho ông từ bốt điện thoại công cộng để hỏi đường lái xe về nhà. Bà đi vào rừng bằng con đường mòn băng qua cánh đồng rồi về nhà bằng lối đi dọc hàng rào - một đường vòng rất xa. Bà bảo bà tin là hàng rào luôn luôn dẫn dắt người ta đến một nơi nào đó.
Thật khó mà hiểu nổi. Bà nói chuyện về cái hàng rào cứ như thể nói đùa, vả lại bà vẫn có thể nhớ số điện thoại không khó khăn gì.
“Em nghĩ không có gì đáng lo ngại cả đâu,” bà bảo. “Chắc em chỉ hơi đãng trí thôi.”
Ông hỏi bà có đang uống thuốc ngủ không.
“Nếu có uống thì em cũng chẳng nhớ bà trả lời. Rồi bà xin lỗi vì câu trả lời có vẻ thiếu nghiêm túc như vậy.
“Em chắc là em không uống thuốc gì cả đâu. Có lẽ em nên uống. Như vitamin chẳng hạn.”
Vitamin cũng không giúp gì được. Nhiều khi bà thần người ngay ngưỡng cửa, cố nhớ xem mình định đi đâu. Bà quên bật bếp khi luộc lau hay quên châm nước vào máy pha cà phê. Bà hỏi Grant họ đã chuyển về đây ở từ hồi nào.
“Năm ngoái hay năm kia hả anh?”
Ông trả lời là cách đây mười hai năm.
Bà nói, “Sốc nhỉ.”
“Bà ấy lúc nào cũng kiêu như thế đấy,” Grant nói với bác sĩ. “Có một đận bà ấy để áo lông trong kho rồi quên mất. Hồi ấy chúng tôi thường di du lịch tới đâu đó ấm áp khi mùa đông đến. Rồi bà ấy bảo đấy là vô tình có mục đích, bà ấy bảo cảm giác như mình đang bỏ một tội lỗi lại phía sau. Chả bà có mấy người làm cho bà ấy cảm giác như có tội khi mặc áo lông thú.”
Mặc dù không thành công, ông cố gắng giải thích một điều gì đó - rằng những ngạc nhiên, những lời xin lỗi của Fiona trong toàn bộ chuyện này không hiểu sao có vẻ như là phép lịch sự thông thường chứ không giống cái cách bà thường che giấu những trò nghịch ngợm riêng tư. Như thể bà vừa vô tình bước vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ. Hay đang chơi một trò chơi mà bà hy vọng ông sẽ bắt nhịp được. Họ luôn có trò chơi chung những giọng điệu ngớ ngẩn, những nhân vật họ tự sáng chế. Một vài giọng nói Fiona tự tạo ra, khi thì líu lo, khi thì nũng nịu (ông không thể kể cho bác sĩ nghe chuyện này), nhại giọng những nhân tình của ông giống đến kỳ lạ mặc dù bà chưa bao giờ gặp hay biết đến họ. “Đúng,” bác sĩ nói. “Lúc đầu có thể có những biểu hiện rời rạc. Chúng ta không biết, đúng không nào? Chúng ta thực sự không thể khẳng định cho đến khi chúng ta thấy rõ tiến trình suy nhược.”
Sau một thời gian, việc chẩn đoán xem nên gọi bệnh tình của bà là gì cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Fiona, dù lúc ấy đã không còn đi mua sắm một mình nữa, đã biến mất khỏi siêu thị trong khi Grant quay lưng lại. Một cảnh sát đã dắt bà về khi bà đi ra giữa lòng đường, cách siêu thị vài dãy phố. Cảnh sát hỏi tên, bà trả lời dễ dàng. Sau đó anh ta hỏi bà tên của thủ tướng nước nhà.
“Nếu anh không biết, anh bạn trẻ ạ, thì anh thực sự không nên làm một công việc có trách nhiệm quan trọng như thế này.”
Anh cảnh sát bật cười. Nhưng ngay sau đó bà đã sai lầm khi hỏi anh ta có thấy Boris và Natasha đâu không.
Đấy là hai con chó săn sói giống Nga mà vài năm trước bà đã nhận nuôi giùm người bạn và đã tận tụy chăm sóc trong suốt quãng đời còn lại của chúng. Việc bà nhận nuôi hai con chó có thể trùng hợp với việc bà phát hiện ra rằng mình hầu như không có khả năng có con. Do lý do gì đó liên quan đến ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, hay bị xoắn - bây giờ Grant cũng chẳng nhớ nổi. Ông luôn tránh nghĩ đến tất cả những gì liên quan đến bộ máy sinh sản của phụ nữ. Hoặc cũng có thể chuyện đó xảy ra sau khi mẹ bà qua đời. Cẳng chân dài, bộ lông óng mượt như tơ, khuôn mặt hẹp, hiền lành và cứng rắn của lũ chó trong rất xứng với bà khi bà dẫn chúng đi dạo. Cũng thời gian đó, Grant đã kiếm được ngay việc làm đầu tiên ở trường đại học (tiền của bố vợ được ân cần đón nhận bất kể tai tiếng chính trị), và theo quan điểm của vài người, bản thân ông - được Fiona ngẫu hứng chọn làm chồng do tính khí bốc đồng lập dị của bà - đã được mách bảo đường đi nước bước, được chăm bẵm, và được thiên vị. Mặc dù may mắn làm sao, ông chẳng bao giờ hiểu ra điều ấy, cho mãi đến tận sau này.
Bà nói với ông, trong bữa tối, vào cái ngày bà đi lạc ở siêu thị, “Anh biết anh sẽ phải làm gì với em, đúng không? Anh sẽ phải gửi em vào cái chỗ ấy, Hồ Thủy Tiên phải không nhỉ?”
“Hồ Thảo Nguyên. Chúng ta chưa đến cái mức ấy,” Grant nói.
“Hồ Thủy Tiên, Hồ Qủy Điên,” bà nói, cứ như thế là họ đang ganh đua trong trò chơi chữ. “Hồ Đảo Điên. Đúng là Hồ Đảo Điên rồi.”
Ông ôm đầu, khuỷu tay tì trên bàn. Ông bảo nếu họ đã tính đến chuyện ấy, thì đó không nhất thiết phải là chuyện lâu dài. Chỉ là một dạng điều trị thử nghiệm. Một cách dưỡng bệnh.
Có một quy định là không ai được nhập viện vào tháng Mười hai. Mùa nghỉ lễ thường gây quá nhiều rắc rối tình cảm. Vì vậy sang tháng một họ mới đi, từ nhà đến đó mất hai mươi phút lái xe. Trước khi ra được đến xa lộ, họ phải đi theo con đường làng xuyên qua một đầm lầy nay đã hoàn toàn đông cứng. Những cây sồi đầm lầy và cây phong ngả bóng xuống nền tuyết trắng, trông như những chấn song.
Fiona thốt lên, “Ồ, nhớ rồi.”
Grant trả lời, “Anh cũng đang vừa nghĩ đến chuyện ấy đấy.”
“Chỉ khác là lần trước mình ở dưới ánh trăng,” bà nói.
Bà muốn nói về cái lần họ đi trượt tuyết vào đêm trăng rằm, trên nền tuyết trắng kẻ sọc đen, ở chính cái nơi mà người ta chỉ có thể đến vào giữa mùa đông này. Họ đã nghe thấy tiếng cành cây rạn nứt trong băng giá.
Nếu bà có thể nhớ chuyện ấy sống động và chính xác như vậy thì thực ra bà có vấn đề gì đáng kể không?
Ông đã cố gắng hết sức để không quay đầu lại và lái xe về nhà.
Có một quy định khác mà người giám sát đã giải thích với ông. Cư dân mới không được phép có người thân viếng trong ba mươi ngày đầu tiên. Phần lớn cần thời gian này để ổn định. Trước khi có quy định này, đã từng xảy ra nào là van vỉ, nào là khóc lóc, nào là giận dữ, thậm chí ngay cả với những người đã tự nguyện đến đây. Khoảng sau ngày thứ ba, thứ tư là họ bắt đầu than khóc và nài xin cho về nhà. Nhiều gia đình họ hàng dễ mủi lòng, cho xe đón người thân về nhà nhưng rồi họ cũng chả khá hơn được. Thế rồi nửa năm sau, hay đôi khi chỉ vài tuần sau, họ lại phải một lần nữa trải qua toàn bộ tình trạng rắc rối khổ sở này.
“Theo kinh nghiệm,” người giám sát cho biết, “chúng tôi thấy là nếu cứ để cho họ tự lập thì thông thường họ sẽ dần hài lòng như chim non trong tổ ấm. Chúng tôi thậm chí phải dụ dỗ họ ra xe buýt để đưa họ đi chơi phố. Về thăm nhà cũng vậy. Lúc đó có thể đưa họ về nhà chơi một, hai tiếng, hoàn toàn không có vấn đề gì - chính họ sẽ là người lo lắng đòi về cho kịp giờ ăn tối. Hồ Thảo Nguyên lúc ấy đã là nhà của họ. Tất nhiên, quy định này không áp dụng cho những ai ở tầng hai, chúng tôi không thể để cho họ đi đâu được. Quá khó khăn, vả lại đằng nào họ cũng có biết họ đang ở đâu đâu.”
“Vợ tôi sẽ không phải ở tầng hai đâu,” Grant nói.
“Vâng,” người giám sát trả lời, giọng ân cần. “Tôi chỉ muốn mọi thứ rõ ràng ngay từ đầu.”
Họ đã từng đến Hồ Thảo Nguyên vài lần cách đây mấy năm, thăm ông Farquar, ông nông dân già không vợ từng là hàng xóm của họ. Ông đã sống một mình trong căn nhà gạch thông thống gió, không sửa đổi gì từ những năm đầu thế kỷ, ngoài việc có thêm cái tủ lạnh và cái ti vi. Ông thường qua thăm Grant và Fiona, không báo trước nhưng cũng không quá thường xuyên. Ông thích bàn luận về những vụ việc ở địa phương, cũng như về những cuốn sách ông đang đọc - cuộc chiến tranh vùng Crimea, những chuyến thám hiểm Bắc Cực, hay lịch sử súng ống. Nhưng từ khi về Hồ Thảo Nguyên, ông chỉ toàn nói về những chuyện thường ngày ở đó, và họ phát hiện ra là, mặc dù hài lòng đấy, nhưng đối với ông, những chuyến viếng thăm của họ là gánh nặng xã giao. Fiona đặc biệt khó chịu với mùi nước tiểu và mùi thuốc tẩy vảng vất, bà ghét những bó hoa nhựa bày cho có trong những hốc tường dọc hành lang mờ tối, trần thấp lè tè.
Bây giờ tòa nhà đó đã biến mất, mặc dù nó mới chỉ được xây vào những năm năm mươi. Ngôi nhà của ông Farquar cũng mất dạng, thay vào đó, người ta xây một thứ gì lòe loẹt kiểu lâu đài rẻ tiền làm nhà nghỉ cuối tuần cho mấy người từ Toronto đến. Hồ Thảo Nguyên mới là một tòa nhà thoáng mát, mái vòm, không khí dễ chịu thoang thoảng mùi gỗ thông. Cây cảnh là cây thật, mọc sum suê từ những chậu sành khổng lồ.
Vậy mà không hiểu sao, suốt một tháng trời ròng rã không gặp bà, Grant cứ bất chợt nhận ra mình đang hình dung Fiona ở trong tòa nhà cũ. Đấy là cái tháng dài nhất trong đời ông, ông nghĩ nó còn dài hơn cả cái tháng ông phải đi với mẹ thăm bà con họ hàng ở hạt Lanark, khi ông mười ba tuổi, và dài hơn cả cái tháng mà Jacqui Adams đi nghỉ với gia đình cô và quãng thời gian họ vừa mới bắt đầu tằng tịu với nhau. Ông gọi điện thoại đến Hồ Thảo Nguyên mỗi ngày và hy vọng sẽ nói chuyện được với cô y tá tên Kristy. Cô có vẻ hơi buồn cười khi thấy ông kiên trì nhẫn nại như vậy, nhưng cô sẽ báo cáo đầy đủ hơn bất cứ y tá nào khác mà ông vớ phải.
Fiona bị cảm, nhưng chuyện đó không có gì lạ đối với những người mới đến.
“Cũng như trẻ con mới bắt đầu đi học,” Kristy nói. “Họ phải tiếp xúc với vô số loại vi trùng mới, và mất một dạo họ sẽ bị nhiễm đủ thứ bệnh.”
Rồi bà đỡ hơn. Bà thôi không uống kháng sinh nữa, và không còn hoang mang bỡ ngỡ như hồi mới đến. (Đây là lần đầu tiên Grant được báo cáo về chuyện thuốc kháng sinh và chuyện hoang mang bỡ ngỡ.) Bà ăn uống khá tốt và có vẻ như thích ngồi trong phòng đón nắng. Bà dường như cũng thích xem truyền hình.
Một trong những điều không thể chịu nổi ở Hồ Thảo Nguyên cũ là cái kiểu ti vi được bật lên khắp nơi, lấn át những dòng suy nghĩ và những cuộc chuyện trò, bất kể người ta ngồi ở đâu. Vài tù nhân (lúc đó ông và Fiona gọi họ như vậy, thay vì gọi là cư dân) nhướng mắt khó chịu, vài người chửi đổng lại với ti vi, nhưng phần lớn chỉ ngồi trơ ra đó và ngoan ngoãn chịu đựng cho bọn ti vi hiếp đáp. Ở tòa nhà mới, theo ông nhớ, ti vi được đặt ở một phòng khách riêng biệt, hoặc trong phòng ngủ. Người ta có thể lựa chọn có xem hay không.
Vậy nghĩa là Fiona đã chọn xem ti vi. Nhưng xem gì mới được cơ chứ?
Những năm tháng sống ở trong ngôi nhà này, ông và Fiona đã cùng xem ti vi với nhau khá nhiều. Họ đã rình mò theo dõi cuộc sống của tất tật những thú vật, bò sát, côn trùng hay sinh vật biển này mà máy quay có thể thò tới được, và họ đã dõi theo cốt truyện của hàng chục những tiểu thuyết tinh tế từ thế kỷ mười chín na ná nhau. Họ dần dà sa vào say mê một bộ phim hài Anh về cuộc sống một cửa hàng bách hóa và xem đi xem lại nhiều lần đến nỗi thuộc làu đối thoại trong phim. Họ tiếc thương sự ra đi của những diễn viên chết trong đời thực hay theo đuổi vai diễn khác, rồi họ đón mừng cùng những diễn viên đó quay lại khi nhân vật được hồi sinh. Họ đã mục kích tóc nhân vật quản lý cửa hàng đổi màu từ đen sang hoa râm và cuối cùng lại đen trở lại, những hậu cảnh rẻ tiền chả bao giờ thay đổi. Nhưng những đoạn phim hài này rồi cũng nhạt nhẽo dần; cuối cùng phim trường và bộ tóc đen nhất cũng phai màu, như thể cát bụi đường phố London đang len lỏi vào qua khe cửa thang máy, và có gì đó thật buồn trong chuyện này, dường như ảnh hưởng đến Grant và Fiona sâu sắc hơn tất cả những bi kịch trong chương trình Kiệt tác sân khấu, thế nên họ đã bỏ không xem nữa trước khi bộ phim kết thúc.
Fiona có thêm bạn mới, Kristy thông báo. Rõ ràng là bà ấy đang chui ra khỏi cái vỏ của mình.
Vỏ gì? Grant muốn hỏi lắm, nhưng rồi ông tự kiềm chế, ông không muốn đánh mất đi ân sủng Kristy ban cho.
Nếu có ai đó gọi điện, ông sẽ để cho máy nhận tin nhắn. Những người mà họ thỉnh thoảng giao tiếp không phải là láng giềng gần, mà là những người sống quanh vùng nông thôn, những người đã về hưu, như họ, và những người thường đi xa mà chẳng ai hay biết. Những năm đầu sống ở đây Grant và Fiona đã lưu lại suốt mùa đông. Mùa đông nông thôn và một trải nghiệm mới, và họ có vô số việc cần làm để sửa sang lại ngôi nhà. Thế rồi họ nảy ra ý tưởng là họ cũng nên đi du lịch khi còn sức, và họ đã đến Hy Lạp, Úc, Costa Ria. Mọi người sẽ nghĩ là hiện họ đang đi một chuyến du lịch như thế.
Ông trượt tuyết để tập thể dục nhưng không bao giờ đi đến tận đầm lầy. Ông cứ trượt hết vòng này đến vòng khác trên cánh đồng sau nhà trong lúc mặt trời xuống dần, để lại bầu trời màu hồng trùm lên vùng nông thôn dường như bao quanh bởi những sóng băng tuyết viền xanh. Ông đếm sơ vòng trượt quanh cánh đồng, rồi quay về căn nhà đang tối dần, bật ti vi xem tin tức trong khi chuẩn bị bữa tối. Ông bà vẫn thường cùng nhau chuẩn bị bữa tối. Người chuẩn bị đồ uống, người cơi lửa lò sưởi, họ nói chuyện về công việc của ông (ông đang viết một nghiên cứu về giống chó sói huyền thoại Norse và đặc biệt và về đại chó sói Fenris, kẻ nuốt chửng Odin trong ngày tận thế), hay về cuốn sách gì đó mà Fiona đang đọc và về những gì họ đã nghĩ trong một ngày gần gũi nhưng cũng riêng tư của họ. Đây là những khoảnh khắc thân mật sống động nhất của họ, dù dĩ nhiên, cũng có năm mười phút âu yếm ngọt ngào sau khi lên giường - thường không kết thúc bằng chuyện làm tình, nhưng cũng trấn an họ rằng chuyện tình dục chưa hẳn là đã hết.
Trong một giấc mơ Grant thấy mình chìa lá thư cho một đồng nghiệp mà ông từng coi là bạn. Đó là lá thư từ bạn cùng phòng của một cô gái mà đã lâu ông không nghĩ đến. Lời lẽ trong thư đầy vẻ đạo đức giả và thù địch, đe dọa theo kiểu than vãn rên rỉ - ông coi tác giả lá thư là dạng đồng tính tiềm ẩn. Còn cô gái kia vốn là bồ cũ ông đã chia tay đường hoàng, không có vẻ gì là cô ta sẽ làm lớn chuyện, chứ đừng nói đến chuyện cô ta định tự tử như lá thư kia có vẻ muốn kể với ông một cách tinh vi.
Tay đồng nghiệp này là típ người chồng người cha sẵn sàng vứt bỏ cà vạt mà hàng đêm bỏ nhà đi ngủ lê la dưới sàn nhà với tình nhân trẻ quyến rũ mê hồn, rồi đến cơ quan, lên lớp trong tình trạng bệ rạc, đầy mùi thuốc phiện và mùi nhang khói. Nhưng sao giờ đây hắn ta lại có vẻ rất bi quan về những trò vô nghĩa ấy, và Grant nhớ lại là thực tế hắn đã cưới một trong những cô gái ấy làm vợ, nhưng rồi cô vợ bắt đầu thích tổ chức những bữa tiệc tối, thích có con, như những bà vợ thông thường khác.
“Như tôi thì tôi chả cười đâu,” tay đồng nghiệp nói với Grant, nhưng ông không nghĩ là mình đang cười. “Và nếu tôi là anh thì tôi sẽ chuẩn bị tinh thần sẵn cho Fiona.”
Và thế là Grant đến tìm Fiona ở Hồ Thảo Nguyên - tòa nhà Hồ Thảo Nguyên cũ - nhưng rồi thế nào ông lại thấy mình đang ở giữa giảng đường. Mọi người đang ngồi chờ ông đến giảng bài. Ngồi ở hàng cuối cùng, cao nhất, là cả một đàn những cô gái trẻ, ánh mắt họ lạnh lùng, tất cả đều mặc váy màu đen, tất cả đều trông tang tóc, họ chăm chăm nhìn ông với ánh mắt cay đắng, rõ ràng là không ghi chép gì và chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì ông đang nói.
Fiona ngồi ở hàng ghế đầu, dáng vẻ thanh thản. Cô đã biến giảng đường thành cái góc nhỏ như cô vẫn luôn tìm cho mình khi đi dự tiệc tùng - một chốn cao khô ráo, nơi cô có thể nhâm nhi ly rượu với nước khoáng, hút thuốc lá thực sự chỉ là thuốc lá[24] và kể chuyện hài hước về mấy con chó của cô. Cô đang bơi ngược dòng trào lưu, cùng với vài người như cô, họ xem những tuồng chèo đang diễn ra ở những góc khác, trong phòng ngủ và ngoài hiên tối, không gì hơn là những hài kịch trẻ con. Như thể sự trinh bạch mới là thời thượng, và tính kín đáo là phước lành.
“Ôi dào, vớ vẩn.” Fiona nhận xét. “Con gái tuổi ấy lúc này chả đi rêu rao cho cả làng biết họ sẽ tự vẫn như thế nào.”
Nhưng nhận xét của cô không đủ thuyết phục - thực ra, nó còn làm ông hơi ớn lạnh. Ông lo sợ rằng nhận xét của cô không đúng, rằng chuyện gì đó khủng khiếp đã xảy ra, và ông nhìn thấy cái mà cô không thể thấy - đó là cái vòng tròn đen càng ngày càng dày đặc, khép lại gần hơn nữa, siết lấy cổ họng ông, bao trùm phía trên giảng đường.
Ông cố lôi mình ra khỏi giấc mơ và bắt đầu phân loại những gì là có thật và những gì chỉ là mơ.
Đúng là có một lá thư thật, và đúng là có ai đó đã viết “ĐỒ CHUỘT CHÙ”[25] bằng sơn đen lên cửa văn phòng ông, và Fiona, khi nghe nói về chuyện có cô gái trẻ đã đau khổ vì mẹ ông, đúng là đã nói cái gì đó tương tự như bà đã nói trong giấc mơ của ông. Không có người đồng nghiệp, những người đàn bà mặc váy đen chưa bao giờ xuất hiện trong lớp của ông, và không có ai tự tử. Grant không bị bẽ mặt, thực tế là ông đã thoát thân một cách khá dễ dàng, khi ta nghĩ đến những chuyện lẽ ra đã có thực xảy ra chỉ vài năm sau đó. Nhưng rồi những lời đồn đại cũng lan ra. Người ta quay lưng lạnh nhạt thấy rõ. Họ gần như chẳng được ai mời đến dự lễ Giáng sinh và họ đã phải đón năm mới một mình. Grant trở nên rượu chè be bét, và rồi chả ai đòi hỏi, tự ông đã hứa sẽ đổi đời với Fiona - ơn Chúa, ông đã không mắc sai lầm là đi thú tội với bà.
Nỗi xấu hổ ông cảm thấy lúc đó là xấu hổ vì bị lừa, vì không nhận ra đang có sự thay đổi. Và không một cô bồ nào giúp ông nhận thức được chuyện này. Trước đây đã từng có gì đó thay đổi, khi đột nhiên có rất nhiều phụ nữ xung quanh chỉ đợi cho ông ve vãn - hoặc ít ra và ông cảm thấy như vậy - còn giờ thì đến sự thay đổi mới mẻ này, khi bọn họ nói với ông bà chuyện xảy ra hoàn toàn không phải là chủ tâm họ muốn vậy. Họ đã chiều ý ông vì họ bất lực, hoang mang, và toàn bộ chuyện này làm cho họ bị tổn thương hơn là thích thú. Kể cả khi họ chủ động thì cũng chỉ là vì tình thế bất lợi lúc ấy mà thôi.
Không một ai ghi nhận rằng cuộc đời của kẻ săn gái (nếu Grant buộc phải gọi mình bằng cái danh xưng ấy - dù số vụ chinh phục hay chuyện bê bối của ông chẳng bằng một nửa cái gã đàn ông đã quở trách ông tướng mơ) cũng có những hành động tử tế, rộng lượng và thậm chí đầy đức hy sinh đấy chứ. Có thể không phải ngay lúc đầu, nhưng ít ra là dần dà sau đó. Đã nhiều lần ông thỏa mãn lòng tự tôn của phụ nữ, bảo vệ tính yếu đuối của họ bằng cách ban phát thêm tình cảm, hoặc tỏ ra đam mê mạnh mẽ hơn tình cảm thực của ông. Ông đã làm tất cả những việc tốt ấy để rồi bây giờ bị buộc tội gây tổn thương, lợi dụng và phá hủy lòng tự trọng của họ. Lại cả tội lừa dối Fiona nữa chứ - tất nhiên là ông đã lừa dối bà - nhưng liệu có tốt hơn cho bà không nếu ông cư xử như những gã đàn ông khác là bỏ vợ?
Ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gì như thế. Ông chưa bao giờ lơ là chuyện làm tình với Fiona mặc dù có bao nhiêu đòi hỏi rầy rà ở những nơi khác. Ông chưa bao giờ bỏ rơi bà lấy một đêm. Chưa bao giờ bịa chuyện tinh vi để đi nghỉ cuối tuần ở San Francisco hay cắm trại ở đảo Manitoulin. Ông ít khi uống rượu hút thuốc và tiếp tục cho ra những bài báo nghiên cứu, tham gia các ủy ban, thăng tiến trong sự nghiệp. Ông chưa bao giờ có ý định vứt bỏ công việc và hôn nhân của mình để về quê làm thợ mộc hay nuôi ong.
Thế nhưng rồi cái chuyện đại loại như thế cũng đã xảy ra. Grant buộc phải về hưu non với mức lương hưu thấp hơn. Ông bác sĩ tim mạch đã qua đời sau một thời gian sống cô đơn trong ngôi nhà lớn, hoang mang và khắc kỷ. Fiona được thừa hưởng cả ngôi nhà và nông trại nơi cha bà lớn lên - vùng nông thôn gần vịnh Georgia. Bà bỏ việc điều phối viên dịch vụ thiện nguyện ở bệnh viện (trong thế giới đời thường, như bà nói, đây là nơi người ta thực sự gặp những khó khăn không dính líu đến ma túy, tình dục hay tranh cãi học thuật). Cuộc sống mới rồi cũng phải bắt đầu.
Lúc này Boris và Natasha đã chết. Một con bị bệnh và chết trước - Grant không nhớ là con nào - rồi con kia ra đi, phần nào vì thương nhớ bạn.
Ông và Fiona tự sửa sang lại ngôi nhà. Họ trượt tuyết việt dã. Họ không thích giao tiếp mấy nhưng dần dà cũng kết bạn được với mấy người. Ông không còn bận bịu ve gái nữa. Không còn những ngón chân trần phụ nữ rờ rẫm ống quần ông dưới gầm bàn giữa tiệc tối. Không còn những bà vợ phóng đãng.
Vừa kịp lúc, Grant vỡ lẽ ra như vậy, khi cảm giác bất công đã vơi đi. Những người ủng hộ nữ quyền và cũng có thể chính cái cô gái u sầu ngốc nghếch ấy, hay đám người hèn nhát gọi là bạn ấy, đã đẩy ông ra đúng lúc. Ra khỏi lối sống mà quả là mang đến cho ông ngày càng nhiều rắc rối hơn là lợi lộc. Cái lối sống mà có thể cuối cùng sẽ khiến ông đánh mất Fiona.
Vào buổi sáng hôm quay lại Hồ Thảo Nguyên để thăm vợ lần đầu, Grant đã dậy rất sớm. Ông có cảm giác chộn rộn một cách nghiêm trang, giống như thời xa xưa, vào những buổi sáng hẹn hò lần đầu với một người tình mới. Cái cảm giác không chính xác là nhục dục. (Sau này, khi chuyện hẹn hò đã trở thành thường xuyên thì nhục dục là tất cả những gì còn sót lại.) Đó là cảm giác kỳ vọng khám phá, gần như là mở rộng tâm hồn. Và có cả sự rụt rè, tự ti, lo sợ.
Ông rời nhà từ quá sớm. Khách không được phép vào thăm trước hai giờ chiều. Ông không muốn ngồi ở bãi đậu xe chờ đợi, nên ông buộc phải quay xe đi theo hướng khác.
Trước đó có một đợt tuyết tan. Tuy vẫn còn nhiều tuyết, nhưng quang cảnh rực rỡ hồi đầu đông đã biến mất. Những đống tuyết lỗ chỗ dưới bầu trời xám trông như những đống rác trên cánh đồng.
Trong thị trấn gần Hồ Thảo Nguyên, ông tìm thấy một cửa hàng hoa và mua một bó hoa lớn. Ông chưa từng tặng hoa cho Fiona. Và cũng chưa bao giờ tặng hoa cho bất cứ người đàn bà nào khác. Ông đi vào tòa nhà, cảnh giác mình chẳng khác gì một người tình tuyệt vọng hay một người chồng tội lỗi trong tranh biếm họa.
“Ôi chao. Hoa thủy tiên đầu mùa,” Kristy nói. “Chắc là ông phải tốn cả gia tài để mua đây.” Cô đi trước ông, dọc theo hành lang, rồi bật đèn trong cái tủ tường, hay đại loại như tủ bếp, để tìm lọ hoa. Cô là một phụ nữ trẻ, phốp pháp, và dường như cô đã chẳng buồn chăm chút gì đến ngoại hình của mình nữa, trừ mái tóc. Đó là mái tóc vàng dày. Cả một bộ tóc đánh phồng lộng lẫy kiểu gái bưng rượu quầy bar hay vũ nữ thoát y, ngự trên một khuôn mặt và thân hình hoàn toàn không có gì đặc biệt.
“Ở đằng kia kìa,” cô nói, hất đầu ra hiệu về phía cuối hành lang. “Tên gắn ngay trên cửa.”
Đúng vậy, tên được ghi trên một bảng tên trang trí hình những con chim thanh tước. Ông đắn đo không biết có nên gõ cửa không, và rồi ông gõ, mở cửa và gọi tên bà.
Bà không có ở trong phòng. Cửa tủ đóng, giường gọn ghẽ. Không có gì trên bàn đầu giường ngoài hộp khăn giấy và một ly nước. Không có lấy một tấm hình hay bất cứ một bức tranh nào, không sách, không báo. Có lẽ ta phải cất những thứ ấy trong ngăn tủ.
Ông quay trở lại quầy y tá, hay bàn tiếp tân, hay là cái chỗ gì đó tương tự. Kristy hỏi, “Không có bà ấy à?” với vẻ ngạc nhiên mà ông cho là chỉ chiếu lệ.
Ông ngập ngừng, tay ôm bó hoa. Cô nói, “Thôi được rồi, được rồi - ông hãy tạm đặt bó hoa xuống đây cái đã.” Cô buông tuồng thở dài, như thể ông là đứa trẻ đến muộn trong ngày đầu tiên đi học, cô dẫn ông dọc một hành lang, bước vào vùng ánh sáng rọi xuống từ những ô cửa sổ vĩ đại trổ trong căn phòng lớn ở trung tâm, có trần cao như trần nhà thờ. Vài người ngồi dọc theo tường, trong những chiếc ghế bành thoải mái, những người khác ngồi quanh những chiếc bàn đặt giữa phòng trải thảm. Không có ai trông quá kinh khủng. Già thì có - vài người đã bất lực tới mức cần đến xe lăn - nhưng cũng tươm tất. Trước đây, khi ông và Fiona đến thăm Farquar, họ thường thấy những cảnh tượng đáng sợ. Những bà già cằm có râu, một người còn có con mắt lồi ra trông như quả mận thối. Miệng chảy dãi, đầu cổ lắc lư, lải nhải như điên. Còn bây giờ, trông có vẻ như người ta đã thanh lý hết tất cả những trường hợp tác hại nhất. Hoặc có thể người ta dùng thuốc, phẫu thuật, cũng có thể là có cách gì đó chữa dị dạng, chữa bệnh không kiềm chế nổi lời nói và cả bệnh không kiềm chế được những chức năng khác - những phương cách chưa hề có cách đây vài năm.
Tuy nhiên, cũng có một bà trông có vẻ rất chán nản đang ngồi bên cây đàn piano, gõ phím đàn bằng một ngón tay, mãi mà chẳng được một giai điệu nào cho ra hồn. Một bà khác, cặp mắt trống rỗng đăm đăm nhìn từ đằng sau bình cà phê và chồng ly nhựa, như thể đang buồn chán đến tận xương tủy. Nhưng bà ta hẳn phải là nhân viên - vì bà ta mặc quần màu xanh lá cây nhạt như của Kristy.
“Ông thấy không?” Kristy hạ thấp giọng. “Ông ra đó thăm hỏi bà ấy đi và cố đừng làm bà ấy sợ đấy nhé. Nhớ là bà ấy có thể không… Chẹp. Ông cứ đến gặp bà ấy đi.”
Ông thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của Fiona, ngồi dán vào một trong mấy bàn chơi bài, nhưng không chơi. Mặt bà trông hơi sưng, lớp mỡ một bên má chảy xuống che khóe miệng của bà, theo một kiểu không giống như trước đây. Bà ngồi xem người đàn ông ngồi sát cạnh chơi. Ông ta nghiêng lá bài của mình để bà có thể nhìn thấy. Khi Grant đến gần, bà ngước lên nhìn ông. Tất cả bọn họ - tất cả những người đang chơi bài ở bàn đó - đều ngước mặt lên nhìn ông, vẻ khó chịu. Rồi tất cả tức thì đồng loạt cúi xuống bài của mình, như thể muốn xua đuổi người đến quấy nhiễu.
Nhưng Fiona đã mỉm cười, nụ cười lệch, bối rối, ranh mãnh và duyên dáng, bà đẩy lui ghế và đi vòng đến bên ông, rồi bà đặt ngón tay lên miệng mình ra dấu đừng làm ồn.
“Bài bridge,” bà thì thào. “Nghiêm túc chết người ấy. Họ điên cuồng vì trò này. Bà kéo ông về phía bàn nước, vừa đi vừa trò chuyện. “Tôi nhớ mình cũng như thế hồi học đại học. Tôi và mấy người bạn thường cùng tiết, tụ tập ở phòng sinh hoạt chung, hút thuốc và sát phạt nhau. Có một cô tên là Phoebe, tôi không nhớ những cô khác.”
“Phoebe Hart,” Grant nói. Ông hình dung một cô gái nhỏ thó, ngực hõm, mắt đen, có lẽ giờ đã chết. Quyện trong khói thuốc, Fiona, Phoebe và những cô khác, mê hoặc như phù thủy.
“Ông cũng biết cô ta à?” Fiona hỏi, mỉm cười về phía bà phục vụ có khuôn mặt lạnh như đá. “Tôi có thể mời ông uống nước không? Một tách trà nhé? Tôi e rằng cà phê ở đây chẳng ngon lành gì.”
Grant chả bao giờ uống trà.
Ông không thể nào ôm chầm lấy bà. Dù rất thân thuộc nhưng có gì đó trong giọng nói, trong nụ cười của bà, có gì đó trong cái cách bà dường như đang bảo vệ những người chơi bài, thậm chí bảo vệ cả bà phục vụ cà phê, để ông không phiền đến họ - cũng như bảo vệ cho ông khỏi sự khó chịu của họ - đã khiến ông không thể nào ôm chầm lấy bà.
“Anh có mang hoa tặng em,” ông nói. “Anh nghĩ hoa sẽ làm cho phòng em tươi tắn hơn. Anh đến phòng em, nhưng em không có ở đó.”
“Tất nhiên bà không rồi,” bà đáp lại. “Vì tôi đang ở đây mà.”
Grant nhận xét, “Em có bạn mới.” Ông hất đầu chỉ người đàn ông hồi nãy ngồi cạnh bà. Đúng lúc đó, ông kia ngước lên nhìn Fiona và bà quay lại, có thể bà vì câu nói của Grant, hay cũng có thể là vì bà cảm nhận được cái nhìn của người đàn ông nọ.
“Ông Aubrey ấy mà,” bà trả lời. “Rất buồn cười là hóa ra tôi đã biết ông ấy từ lâu lắm rồi. Ông ấy làm việc ở một cửa hàng. Cửa hàng đồ ngũ kim mà ông tôi hay đến mua. Ông ấy và tôi lúc nào cũng trêu đùa nhau nhưng ông ấy không bao giờ đủ can đảm để hẹn hò với tôi. Cho đến tận cuối tuần cuối cùng thì ông ấy mới dẫn tôi đi xem bóng chày. Nhưng khi trận bóng vừa kết thúc, ông tôi đã có mặt ngay để đón tôi về. Thời ấy tôi hay đến đó vào dịp nghỉ hè. Thăm ông bà tôi - họ sống ở nông trại.”
“Fiona. Anh biết ông bà em đã từng sống ở đâu. Đấy là nơi chúng ta sống. Đã từng sống.”
“Thật á?” bà nói, không hoàn toàn tập trung vào câu trả lời vì người đàn ông chơi bài đang nhìn bà, cái nhìn không phải là khẩn khoản mà là ra lệnh. Ông ta cũng tầm tuổi Grant, hay có thể hơn chút đỉnh. Mái tóc bạc trắng thô dày phủ xuống trán, da nhăn nheo nhưng nhợt nhạt, trắng vàng như cái găng tay trẻ con cũ kỹ và nhàu nhĩ. Khuôn mặt dài trang nghiêm và u sầu, ông ta có cái vẻ đẹp của một con ngựa già mạnh mẽ nhưng thoái chí. Nhưng chỉ cần liên quan đến Fiona là ông ta không thoái chí chút nào.
“Tôi phải quay lại đó thôi,” Fiona nói, khuôn mặt mới đầy đặn của bà thoáng ửng hồng. “Ông ấy nghĩ là ông ấy không thể chơi được nếu không có tôi ngồi đó. Thật là ngớ ngẩn, tôi giờ chả còn nhớ mấy về trò chơi này. Tôi sợ là ông phải thứ lỗi cho tôi thôi.”
“Thế ván bài đã sắp xong chưa?”
“Ồ, chắc là sắp. Nhưng cũng còn tùy. Nếu ông đến và lịch sự hỏi xin cái bà trông rầu rĩ kia thì bà ấy sẽ cho ông một ly trà đấy.”
“Anh ổn mà,” Grant nói.
“Vậy tôi sẽ để mình ông ở đây nhé, ông sẽ tự lo được mà phải không? Mọi thứ có vẻ lạ lẫm với ông lắm phải không, nhưng rồi ông sẽ ngạc nhiên khi thấy mình làm quen nhanh đến như thế nào. Ông sẽ biết tất cả mọi người, ai là ai. Chỉ có điều vài người như ở trên chín tầng mây, ông biết đấy - mình không thể bắt tất cả mọi người phải biết mình là ai.”
Bà quay lại và trườn vào chiếc ghế của mình rồi ghé tai Aubrey nói gì đó. Ngón tay gõ nhẹ lên mu bàn tay của ông ta.
Grant đi tìm Kristy và gặp cô ở hành lang. Cô đang đẩy chiếc xe chở những bình nước táo và nho ép.
“Đợi tôi một chút,” cô nói với ông, rồi thò đầu qua một khung cửa. “Có ai muốn uống nước táo không? Nước nho? Bánh bích quy?”
Ông đợi cô rót đầy hai ly nhựa mang vào phòng. Rồi cô quay lại, bỏ hai chiếc bánh quy củ dong vào những cái đĩa giấy.
“Thế nào?” cô hỏi. “Ông có hài lòng khi thấy bà ấy hòa nhập như vậy không?”
Grant hỏi, “Liệu bà ấy thậm chí có biết tôi là ai không?”
Ông không thể nào biết chắc chắn. Rất có thể là bà đang đùa bỡn ông. Cái đó không hẳn là không giống bà. Bà đã để lộ chân tướng khi giả vờ đóng kịch vào lúc cuối, nói chuyện với ông như thể bà cho ông là cư dân mới.
Biết đâu bà đang giả vờ. Biết đâu chuyện này chỉ là màn kịch.
Nhưng nếu thế thì sao bà lại không chạy theo ông và cười giễu ông khi bà đã xong trò nghịch ngợm? Chắc chắn là bà sẽ không quay lại đám chơi bài và giả bộ quên ông. Như thế thì quá ư là tàn nhẫn.
Kristy an ủi, “Chỉ bà ông đến không đúng lúc thôi. Họ đang say mê chơi bài.”
“Nhưng bà ấy có chơi đâu,” ông chống chế.
“Đành là thế, nhưng bạn của bà ấy đang chơi. Ông Aubrey.”
“Vậy chứ Aubrey là ai?”
“Thì là ông ấy. Aubrey. Bạn của vợ ông. Ông có muốn uống nước trái cây không?”
Grant lắc đầu.
“Ôi, ông nghe này,” Kristy nói. “Ở đây vẫn thường có kiểu gắn bó như thế. Tình trạng này sẽ kéo dài một thời gian đấy. Kiểu như bạn thân vậy. Nhưng chỉ tạm thời thôi.”
“Cô muốn nói là bà ấy thực sự rất có thể không biết tôi là ai?”
“Rất có thể. Rất có thể ngày hôm nay bà ấy không biết. Còn ngày mai thì như thế nào - chúng ta chẳng thể nào biết được, đúng không nào? Tình trạng này sẽ thay đổi tới lui hoài và chúng ta chẳng làm gì được. Sau một thời gian thăm viếng thường xuyên, ông sẽ thấy đây là cái điều không tránh khỏi. Ông sẽ quên dần và sẽ không coi chuyện này là trầm trọng nữa. Hãy tập làm quen dần, từng ngày một.”
Từng ngày một. Nhưng trên thực tế tình trạng này không thay đổi tới lui hoài và ông không thể nào làm quen được với nó. Dường như Fiona mới chính là người làm quen dần với ông, với một người khách dai dẳng và quan tâm đặc biệt đến bà. Hay thậm chí là một người hay quấy rầy, mà theo nguyên tắc lịch sự của bà, không nên để họ biết họ là kẻ quấy rầy. Bà đối xử với ông bằng một lòng tốt hời hợt theo kiểu xã giao và chính cách cư xử này đã khiến ông không cách nào hỏi được một điều rõ ràng nhất và cần thiết nhất. Ông không thể nào đòi bà phải rạch ròi là bà có nhớ ông, người chồng của bà đã gần năm chục năm nay. Ông có cảm tưởng là bà sẽ xấu hổ nếu ông hỏi như vậy - không phải xấu hổ cho bà mà là xấu hổ cho ông. Bà sẽ dao động mà cười phá lên, sẽ làm ông mất mặt bởi chính phép lịch sự và tình trạng bối rối của bà, rồi bằng cách nào đó, bà sẽ vẫn không trả lời là có hay không. Hoặc bà sẽ chọn một trong hai câu trả lời nhưng với cái cách sẽ không thỏa mãn ông tẹo nào.
Kristy là cô y tá duy nhất mà ông có thể trò chuyện. Vài y tá khác coi toàn bộ chuyện này như một tấn trò cười. Một gã y tá đểu giả đã cười vào mặt ông. “Lão Aubrey với bà Fiona ấy á? Đúng là mê nhau như điếu đổ nhỉ?”
Kristy cho biết là ông Aubrey trước đây làm đại lý cho một công ty chuyên bán thuốc diệt cỏ - “và tất cả những thứ đại loại như vậy” - cho nông dân.
“Ông ấy đã từng là một người đàng hoàng,” cô nói, Grant không hiểu ý cô muốn nói Aubrey là một người trung thực, rộng lượng và tốt bụng với mọi người, hay ông ta là một người biết ăn nói, ăn mặc sang trọng và đi xe xịn. Có lẽ là cả hai.
Thế rồi khi ông ấy còn chưa già và thậm chí chưa về hưu - cô kể - ông ấy đã bị bệnh gì đó dị thường.
“Thường thì bà vợ chăm lo cho ông ấy. Bà ấy chăm sóc ngay tại gia. Bà ấy chỉ gửi ông chồng vào đây tạm thời trong khi tranh thủ đi nghỉ dưỡng sức. Chị bà ấy muốn bà ấy đi Florida. Ông thấy đấy, bà ấy đã khổ sở vô cùng, ai mà ngờ được một người đàn ông như thế… Trong lúc họ đi nghỉ mát ở đâu đó, ông ấy đã bị con gì đó như côn trùng cắn và bị sốt cao kinh khủng. Cơn sốt đã đẩy ông ấy vào tình trạng hôn mê và bây giờ ra nông nỗi này.”
Ông hỏi cô về chuyện tình cảm giữa các cư dân. Họ có bao giờ đi quá xa không? Bây giờ ông đã có thể giả giọng quan tâm thích thú với hy vọng nó sẽ giúp ông tránh phải nghe những bài lên lớp của cô.
“Còn tùy ý ông muốn nói gì cô trả lời. Cô cắm cúi viết vào sổ ghi chép của mình trong lúc suy nghĩ nên trả lời ông như thế nào. Khi viết xong, cô ngước lên nhìn ông và mỉm cười thẳng thắn.
“Chuyện phiền phức chúng tôi gặp ở đây, kể cũng buồn cười, lại thường xảy ra với những cư dân vốn hoàn toàn chẳng ưa gì nhau. Có lẽ họ còn chẳng biết gì về nhau ngoài phạm vi cần biết, tỷ như người kia bà đàn ông hay đàn bà? Người ta thường cứ đinh ninh là mấy ông sẽ muốn mò vào giường mấy bà, nhưng ông không biết đấy thôi, phải đến một nửa số trường hợp là hoàn toàn ngược lại. Các bà lại là người theo riết các ông. Tôi đồ là họ vẫn chưa kiệt hết sức.”
Rồi cô không mỉm cười nữa, như thể cô sợ mình đã nói quá nhiều, hoặc lời lẽ như vậy và hơi nhẫn tâm.
“Ông đừng hiểu nhầm tôi nhé,” cô phân bua. “Tôi không có ý nói bà Fiona như vậy đâu. Bà Fiona là một quý bà.”
Thế còn ông Aubrey thì sao? Grant muốn hỏi. Nhưng rồi ông sực nhớ ra là ông Aubrey phải ngồi xe lăn.
“Bà ấy thực sự là một quý bà Kristy nói với giọng cương quyết và khẳng định tới mức Grant lại sinh nghi. Ông hình dung ra cảnh tượng Fiona mặc chiếc váy ngủ dài có gấu viền ruy băng đục lỗ màu xanh da trời, đùa cợt vén chăn chui vào giường lão già kia.
“Ừm, đôi khi tôi tự hỏi…” Ông ngập ngừng.
Kristy hỏi, giọng gay gắt. “Ông tự hỏi cái gì?” “Tôi tự hỏi liệu bà ấy có đang đóng kịch với tôi chăng.”
“Đang làm gì cơ?” Kristy hỏi.
Phần lớn những buổi chiều, cặp bài trùng này hay cùng ngồi ở bàn chơi bài. Aubrey có đôi bàn tay to, ngón tay thô dày. Ông ta chật vật lắm mới sắp xếp được những lá bài. Fiona xáo và chia bài cho ông, đôi khi bà nhanh nhẹn chộp lá bài và sửa lại ngay ngắn khi thấy nó sắp tuột khỏi tay ông. Từ bên kia phòng, Grant quan sát những cử động nhanh như tên bắn của bà và lắng nghe những câu vội vã cười xin lỗi. Ông có thể nhìn thấy cái điệu bộ Aubrey cau mày như của một ông chồng khi lọn tóc của bà chạm vào má ông ta. Aubrey thích làm bộ như phớt lờ bà, miễn là bà quanh quẩn đâu đó gần mình.
Nhưng bà chỉ cần mỉm cười chào Grant, bà chỉ cần đẩy ghế đứng lên mời ông uống trà - chứng tỏ bà chấp nhận chuyện ông có mặt ở đây và rất có thể bà cảm thấy hơi có trách nhiệm đối với ông - tức thì nét mặt Aubrey sẽ lo u sầu. Ông ta để mặc cho những lá bài tuột khỏi tay mình rơi xuống sàn nhà, làm hỏng ván chơi.
Và thế là Fiona lại phải bận rộn chỉnh đốn mọi thứ.
Nếu không ngồi ở bàn chơi bài thì họ đi bách bộ dọc hành lang, Aubrey một tay vịn lan can, còn tay kia bám chặt lấy cánh tay hoặc bả vai Fiona. Y tá xem việc này như một phép mầu kỳ diệu, cái cách bà thuyết phục ông ta không dùng xe lăn. Nhưng nếu phải đi xa hơn - tới nhà kính ở đầu này hoặc đến phòng xem ti vi ở đầu kia tòa nhà - thì họ cần đến xe lăn.
Truyền hình dường như lúc nào cũng chiếu kênh thể thao và Aubrey xem bất cứ loại thể thao nào, nhưng có lẽ ông ta thích xem gôn nhất. Grant sẵn sàng xem cùng với họ. Ông sẽ ngồi cách đó vài ghế. Trên màn hình lớn, một nhóm nhỏ khán giả và bình luận viên theo chân những người chơi gôn, băng qua sân cỏ bình yên xanh rì, và vào những lúc thích hợp sẽ nổ một tràng pháo tay lịch sự. Nhưng sự yên lặng sẽ ngự trị ở mọi nơi khi người chơi vung gậy và quả bóng bắt đầu hành trình cô đơn đã định xuyên qua trời. Aubrey, Fiona, Grant và có thể có cả những người khác ngồi đó, nín thở, và rồi Aubrey sẽ là người bật ra trước, bày tỏ sự hài bòng hoặc thất vọng. Và chỉ một khoảnh khắc sau, Fiona sẽ đồng tình phụ họa theo.
Nhưng ở nhà kính thì sẽ không có kiểu yên lặng đó. Cặp đôi nọ sẽ tìm một chỗ nào đó giữa đám cây rậm rạp nhất giống cây vùng nhiệt đới - nếu thích thì cũng có thể gọi đó là một cái phòng the - và Grant chỉ vừa đủ kiềm chế để không xâm phạm. Hòa lẫn trong tiếng lá xào xạc, tiếng nước bắn là tiếng cười và giọng nói khe khẽ của Fiona.
Và rồi có tiếng cười khúc khích. Ai trong họ cười nhỉ?
Có thể không phải họ - có thể đó là tiếng một trong mấy chú vẹt trơ tráo sặc sỡ ở mấy cái lồng trong góc.
Aubrey nói chuyện được, mặc dù giọng ông ta có lẽ nghe không giống thước dây nữa. Có vẻ như ông ta đang nói gì đó - vài âm tiết ríu lại. Cẩn thận. Lão đang ở đây đấy. Mình à.
Dưới đáy xanh của đài phun nước là những đồng xu ước nguyện. Grant chưa bao giờ mục kích ai ném tiền vào đó. Ông đăm đăm nhìn những đồng năm xu, mười xu, hai lăm xu, tự hỏi không biết người ta có dán những đồng xu này vào gạch lót đáy hồ không - thêm một chi tiết trang trí khích lệ của tòa nhà.
Đôi bạn thời niên thiếu sân bóng chày, ngồi tận băng ghế trên cùng của khán đài, tách xa đám bạn của cậu con trai. Giữa họ chỉ là vài xăng ti một mặt gỗ trần trụi, bóng tối buông xuống, hơi lạnh buổi chiều cuối hè ập về. Tay xoa xoa, hông xê dịch, mắt không rời sân bóng lấy một giây. Nếu có mặc áo khoác thì cậu sẽ cởi ra choàng lên đôi vai gầy của cô. Dưới lớp áo khoác, cậu có thể kéo cô lại gần hơn, ngón tay cậu sẽ siết chặt cánh tay mềm mại của cô.
Không như thời nay, bọn con trai chắc sẽ chỉ tìm cách ngủ với cô ngay từ lần hẹn hò đầu tiên.
Cánh tay mềm mại mảnh mai của Fiona. Dục vọng của tuổi tác đã làm cô kinh ngạc và lóe lên dọc theo mọi dây thần kinh trong cơ thể thanh xuân mảnh dẻ của cô, trong lúc bóng đêm đang dần ken lại dày đặc bên ngoài lớp bụi sáng đèn của sân bóng.
Hồ Thảo Nguyên có rất ít gương soi, nên Grant không phải thấy hình bóng mình đang lén lút rình mò. Nhưng thỉnh thoảng, ông chợt nhận ra có lẽ mình trông thật là ngốc nghếch, đáng thương hại và có lẽ hơi thần kinh khi cứ bám theo Fiona và Aubrey như vậy. Ông không thể tìm được một dịp may nào để có thể đối chất với bà, hay với ông kia. Càng ngày ông càng nghi ngờ cái quyền được có mặt ở nơi này, nhưng đồng thời cũng không thể nào rút lui. Ngay cả khi ở nhà, trong khi làm việc tại bàn giấy, hay khi dọn dẹp nhà cửa, hoặc trong lúc xúc tuyết, ý nghĩ về Hồ Thảo Nguyên và lần tiếp theo đến thăm bà cứ như tiếng máy gõ nhịp không ngừng tích tắc trong đầu ông. Đôi khi ông thấy mình là cậu bé lì lợm đang theo đuổi vô vọng, đôi khi ông lại thấy mình là một anh chàng khốn khổ, lẽo đẽo trên đường phố theo đuổi những cô nàng nổi tiếng với lòng tin mạnh mẽ và một ngày nào đó họ sẽ quay đầu lại và nhận ra tình yêu.
Ông đã hết sức nỗ lực mới giảm được số ngày đi thăm bà xuống chỉ còn thứ Tư và thứ Bảy. Ông còn tự đặt ra cho mình nhiệm vụ quan sát nhiều thứ khác ở Hồ Thảo Nguyên, như thể ông chỉ là một người khách chung chung, một người làm công tác thanh tra hay nghiên cứu xã hội học.
Thứ Bảy thường có cái vẻ nhộn nhịp và căng thẳng của ngày lễ. Các gia đình đến theo từng tốp. Các bà mẹ thường chỉ huy mọi thứ, họ như những con chó chăn cừu, vui vẻ nhưng cương quyết, chăn dắt đám đàn ông và trẻ con. Chỉ có bọn trẻ lít nhít là không chút âu lo. Chúng để ý ngay những ô vuông màu xanh lục và trắng trên sàn hành lang và chọn một màu để đi, màu khác thì nhảy qua. Mấy đứa dạn hơn thì tìm cách đu lên bám theo xe lăn. Mặc dù bị la mắng, vài đứa vẫn bướng bỉnh không chịu thôi trò nghịch ngợm này và cuối cùng bị tống ra xe ngồi đợi. Và ngay lúc đó, hết sức hồ hởi, hết sức sẵn sàng, mấy đứa trẻ lớn hơn hoặc mấy ông bố sẽ tình nguyện tháp tùng bọn trẻ nghịch ngợm này ra xe, bằng cách đó tránh phải tham gia vào cuộc viếng thăm.
Chính phụ nữ là những người giữ cho câu chuyện được sôi nổi. Đàn ông hình như bị tình thế này làm cho sợ hãi, còn bọn trẻ mới lớn thì cáu kỉnh. Những người được thăm thì ngồi trên xe lăn hoặc lộp cộp nặng nề chống gậy, hoặc đi đứng cứng nhắc, không cần ai giúp, họ dẫn đầu đám rước, tự hào về số người đến thăm, nhưng dưới áp lực của cuộc viếng thăm, cặp mắt họ có vẻ trống rỗng, miệng lắp bắp một cách tuyệt vọng. Và bây giờ, khi được vây quanh bởi đủ loại người từ ngoài vào, những người trong viện quả thực trông không giống người bình thường. Râu cằm mấy bà già có lẽ đã được cạo tiệt đến tận lỗ chân lông và những cặp mắt ghê rợn có lẽ đã được che giấu bằng gạc hoặc mắt kính râm, những phát ngôn bừa bãi có lẽ đã được kiềm chế bằng thuốc men, nhưng vẫn còn đó vẻ đờ đẫn, cứng nhắc như ma ám - như thể người ta hài lòng với việc trở thành ký ức của chính mình, những tấm ảnh cuối cùng.
Bây giờ Grant mới hiểu rõ hơn cảm giác mà ông Farquar ắt hẳn đã trải qua. Những người ở đây - thậm chí cả những người không tham gia hoạt động gì mà chỉ ngồi vật vờ quan sát những cánh cửa hoặc nhìn mông lung ra cửa sổ - thực ra có một cuộc sống khá bận rộn trong đầu họ (đó là chưa kể đến cuộc sống trong cơ thể họ, những chuyển động kỳ diệu trong ruột, những cơn đau nhói như dao đâm và những nhức nhối đi kèm), đó là cuộc sống mà nói chung không thể mô tả rõ ràng hoặc nói bóng gió trước mặt khách đến thăm. Tất cả những gì họ có thể làm là tự lăn xe hoặc bằng cách nào đó tự đẩy mình đi quanh, với hy vọng là họ sẽ kiếm được cái gì đó để trưng ra hoặc để nói chuyện.
Ở đây có cái nhà kính để khoe, và cả cái màn hình ti vi to nữa. Mấy ông bố trầm trồ thán phục. Mấy bà mặc nức nở khen lá dương xỉ đẹp tuyệt. Thế rồi tất cả mọi người sẽ ngồi xuống xung quanh những cái bàn nhỏ và ăn kem - trừ mấy đứa trẻ mới lớn; chúng thấy mọi thứ ở đây ghê tởm đến chết đi được. Phụ nữ lau chùi nước dãi nhỏ xuống từ những cái cằm già nua run rẩy, còn đàn ông thì nhìn tránh đi nơi khác.
Hẳn là phải có mặt chút thỏa mãn trong cái nghi lễ thăm viếng này, và có lẽ ngay cả cái đám trẻ con mới lớn một ngày nào đó cũng sẽ thấy mừng vì chúng đã đến đây. Grant không mấy rành rẽ về mấy chuyện gia đình.
Có vẻ như không có con mà cũng chả có cháu đến thăm Aubrey, và vì họ không thể chơi bài khi bàn chơi bài đã được dùng để đãi tiệc kem, ông ta và Fiona thường tránh xa cuộc diễu hành thăm viếng của ngày thứ Bảy. Nhà kính lúc ấy quá ư đông đúc nên họ không thể nói chuyện thân mật được.
Tất nhiên, những buổi chuyện trò thân mật ấy có lẽ đang diễn ra sau cánh cửa đóng kín phòng Fiona. Grant không tài nào gõ cửa được, mặc dù đôi khi ông đứng đó, căng thẳng chăm chăm nhìn hình những con chim Disney, lòng trào lên một nỗi căm ghét thực sự ác độc.
Hoặc cũng có thể họ ở trong phòng Aubrey. Nhưng ông không biết đó là phòng nào. Càng khám phá chỗ này, ông càng phát hiện ra nhiều hành lang, chỗ nghỉ chân, những đường dốc cho xe lăn, và trong lúc lang thang, ông thấy mình vẫn dễ đi lạc như thường. Ông thường dùng tranh ảnh hay ghế ngồi nào đó để làm dấu, nhưng tuần sau, những thứ ông chọn làm dấu ấy dường như lại được dời đi nơi khác. Ông không muốn đề cập đến chuyện này với Kristy vì sợ cô nghĩ bản thân ông đang bị bệnh tâm thần gì đây. Ông giả thiết những thay đổi và sắp xếp lại liên tục này có lẽ dành cho các cư dân - để việc tập tành hằng ngày của họ đỡ nhàm chán.
Ông cũng không nhắc đến chuyện đôi khi ông nhìn thấy ai đó xa xa và tưởng là Fiona, nhưng rồi ông lại gạt ý nghĩ đó đi vì cách ăn mặc của người đàn bà đó. Đời nào bà ấy lại mặc áo hoa hòe hoa sói và quần màu xanh lấp lánh thế kia? Vào một ngày thứ Bảy, ông nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy Fiona. Chắc chắn phải là bà. Bà đang đẩy xe lăn cho Aubrey dọc theo những con đường rải nhựa bây giờ đã được dọn sạch băng tuyết, và bà đội cái mũ len trông rất ngố, mặc áo khoác in hình những vòng xoáy màu xanh màu tím, kiểu giống như mấy người phụ nữ địa phương mà ông gặp ở siêu thị.
Lý do hẳn là nhân viên đã chẳng thèm phân loại quần áo của những cư dân nữ na ná cùng cỡ. Và chắc họ hy vọng là các bà ấy đằng nào cũng không nhận ra được đâu là quần áo của mình.
Họ cắt cả tóc của bà ấy nữa chứ. Họ đã cắt đi cái vầng hào quang thiên thần của bà ấy. Vào ngày thứ Tư, khi mọi việc bình thường hơn, khi hội chơi bài lại nhóm họp, khi những người đàn bà trong phòng nữ công lại ngồi làm hoa lụa hoặc búp bê mặc trang phục mà không bị ai quanh quẩn quấy rầy hay ngưỡng mộ, và khi Aubrey và Fiona lại xuất hiện để Grant có thể đến nói chuyện ngắn gọn, thân thiện và có phần hơi bực bội với vợ mình, ông hỏi bà, “Tại sao họ lại xén mất tóc em thế?”
Fiona đưa tay lên sờ đầu, kiểm tra.
“Thế thì sao… tôi chẳng thấy tiếc nó bao giờ,” bà trả lời.
Ông định sẽ tìm hiểu về chuyện ở tầng hai, nơi họ giữ mấy người mà theo như Kristy nói, hết phương cứu chữa. Những người ở tầng một vừa đi vừa lẩm bẩm tự nói chuyện, hay hỏi người đi qua những câu không đâu vào với đâu (“Có phải tôi quên áo len của mình ở nhà thờ không ấy nhỉ?”) có vẻ như chưa phải là hoàn toàn mất trí nhớ.
Họ không đạt tiêu chuẩn.
Có cầu thang đi lên tầng hai nhưng cửa ra vào đầu cầu thang khóa kín và chỉ nhân viên mới có chìa khóa. Người ta có thể đi bằng thang máy nhưng phải có ai đó bấm nút từ đằng sau bàn trực để mở cửa.
Họ sẽ làm gì sau khi hoàn toàn mất trí nhớ?
“Có người chỉ ngồi trơ ra đó,” Kristy trả lời. “Có người thì ngồi khóc lóc. Có người thì gào lên phá phách. Ông thực sự không muốn biết đâu.”
Đôi khi tự nhiên họ nhớ lại gì đó.
“Ta vào chăm sóc họ cả năm trời mà họ không thể nào phân biệt được ta với Adam. Thế rồi bỗng nhiên một ngày nào đó, họ chào hỏi, ồ, cô đấy à, bao giờ thì cô đưa tôi về nhà. Tất cả đột nhiên trở lại hoàn toàn bình thường.”
Nhưng cũng không lâu.
“Ta nghĩ, tuyệt thật, thế là trở lại bình thường. Thế rồi tự nhiên họ lại bị lại ngay tức thì.” Cô bật tách ngón tay. “Trong tích tắc như vậy.”
Ở thị trấn nơi trước đây ông làm việc có một hiệu sách mà ông và Fiona ghé qua mỗi năm đôi lần. Ông quay lại đó một mình. Ông không thực sự muốn mua gì, nhưng ông lên một danh sách và chọn mua một vài cuốn từ danh sách đó, rồi ông mua thêm một cuốn nữa mà ông tình cờ nhìn thấy. Đó là cuốn sách về Iceland. Một cuốn màu nước thế kỷ thứ mười của một nữ du hành gia đã từng đặt chân đến Iceland.
Fiona chả bao giờ chịu học tiếng mẹ đẻ của bà và chưa bao giờ tỏ ý lưu tâm gì nhiều đến những truyền thuyết mà xứ sở ấy lưu giữ - những truyền thuyết mà Grant đã từng dạy, viết bài nghiên cứu, và vẫn tiếp tục viết trong suốt cuộc đời làm việc của mình. Bà gọi những nhân vật trong truyền thuyết là “ông già Snorri” hay “ông già Snorri”. Nhưng dạo mấy năm gần đây bà ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quê hương mình và bắt đầu nghiên cứu sách hướng dẫn du lịch. Bà đọc về chuyến du hành của William Morris và Auden. Bà không thực sự có ý định qua Iceland chơi. Bà than phiền là thời tiết bên đó quá khắc nghiệt. Vả lại - bà nói - người ta ai cũng nên có một nơi chốn để nghĩ, để biết, có lẽ còn mong mỏi hướng về - nhưng chả bao giờ đến được. Khi Grant bắt đầu giảng dạy môn văn học Anglo-Saxon và Bắc Âu anh thường có một loại sinh viên nhất định. Nhưng sau vài năm, anh nhận thấy có sự thay đổi. Phụ nữ có chồng bắt đầu đi học lại. Không phải là họ có ý định nâng cao kiến thức để tìm được việc làm tốt hơn hay tìm việc làm nói chung, đơn giản là họ muốn có một thứ gì đó thú vị hơn để bận tâm ngoài việc nhà và những sở thích thông thường. Đại để là làm cho cuộc sống của họ phong phú hơn. Có thể vì vậy mà chuyện đương nhiên xảy ra sau đó là những người thầy dạy họ cũng dự vào cái phần phong phú này, và trong mắt những người phụ nữ nọ, mấy ông thầy có vẻ kỳ bí hơn và hấp dẫn hơn những người đàn ông mà họ đang hầu hạ cơm nước và chăn gối ở nhà.
Những môn họ thường chọn và tâm lý học, lịch sử văn hóa hay văn học Anh.
Thỉnh thoảng họ cũng chọn khảo cổ hay ngôn ngữ nhưng thường phải bỏ nửa chừng vì chúng hơi nặng. Những ai đăng ký học lớp của Grant thường có nguồn gốc liên quan đến vùng Scandinavi, như Fiona, hoặc có thể họ đã học được gì đó về thần thoại Bắc Âu từ Wagner hay từ những tiểu thuyết dã sử. Cũng có vài người nghĩ Grant dạy ngôn ngữ Celt - và đối với họ, tất cả những gì liên quan đến Celt đâu có sức quyến rũ huyền bí.
Từ phía bên kia bàn giấy, anh nghiêm khắc khuyến cáo những học trò đang khao khát này.
“Nếu các chị muốn học một thứ tiếng đẹp đẽ duyên dáng thì hãy đi học tiếng Tây Ban Nha. Để mà còn dùng được khi đi Mexico.”
Vài người nghe theo lời cảnh báo của anh và đổi môn học. Những người khác lại có vẻ như cảm động theo kiểu rất riêng tư trước giọng điệu đòi hỏi của anh. Họ hăng hái học tập và mang đến văn phòng của anh, vào cuộc sống đã được sắp đặt và toại nguyện của anh, vẻ tươi tắn tuyệt vời đáng ngạc nhiên của sự phục tùng chín chắn đầy nữ tính, cùng với niềm hy vọng run rẩy được chấp thuận.
Anh đã chọn người đàn bà tên Jacqui Adams. Cô hoàn toàn tương phản với
Fiona - thấp người, nở nang, mắt sậm, vồn vã. Không biết đùa tếu bao giờ. Cuộc tình kéo dài một năm, cho đến khi chồng cô được thuyên chuyển đi nơi khác. Khi họ tạm biệt nhau, trong xe cô, Jacqui bỗng run lên bần bật không thể nào kiềm chế được. Cứ như là cô đang bị bệnh giảm dần nhiệt. Cô viết cho anh vài lá thư, nhưng anh thấy lời lẽ trong thư có vẻ cuồng nhiệt quá nên không biết trả lời thế nào. Anh đã để thời gian cần trả lời thư trôi đi mất trong khi anh, một cách kỳ diệu và bất ngờ, bắt đầu dan díu với một cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con gái của Jacqui.
Vì đã có một diễn biến khác choáng váng hơn xảy ra trong khi anh đang bận rộn với Jacqui. Các cô gái trẻ trung, tóc dài, chân đi xăng đan bước vào văn phòng anh, tất cả như đều muốn tuyên bố rằng họ sẵn sàng ăn nằm với anh. Cách tiếp cận dè dặt, kiểu ám chỉ cảm xúc dịu dàng cần thiết khi tán Jacqui đã được vứt béng ra ngoài cửa sổ. Một cơn tố lốc ập đến với anh, cũng như với nhiều người khác, ước muốn biến thành hành động theo cái cung cách khiến Grant phải băn khoăn tự hỏi liệu có điều gì đang bị bỏ qua hay không? Nhưng ai mà có thời gian để hối tiếc cơ chứ? Anh nghe nói có những vụ một người cặp cùng lúc với mấy người liền, những cuộc tình cuồng dại và liều lĩnh. Những vụ bê bối bị phanh phui, với kịch tính cao độ và đau đớn ở khắp nơi, nhưng lại có cảm giác rằng như vậy thì tốt hơn. Có trả thù - có cả đuổi việc. Nhưng những người bị đuổi việc đã chuyển qua dạy ở những trường nhỏ hơn, dễ dãi hơn, hay những trung tâm Giáo dục Mở rộng, và nhiều cô vợ bị bỏ lại đã vượt qua cú sốc, khoác lên mình cũng những bộ cánh ấy, sự hờ hững tình dục của chính những cô gái đã cám dỗ chồng họ. Những buổi tiệc tùng hàn lâm trước đây thường chẳng có gì gây ngạc nhiên nay trở thành những bãi mìn giăng đầy cạm bẫy. Một bệnh dịch phát ra và lây lan nhanh như dịch cúm Tây Ban Nha. Chỉ có điều lần này người ta chạy theo bệnh dịch, và hầu như chẳng có mấy ai tuổi từ mười sáu đến sáu mươi lại có vẻ muốn đứng ngoài vòng tiêm nhiễm này.
Tuy nhiên, Fiona lại có vẻ sẵn sàng đứng ngoài. Mẹ cô đang hấp hối, và kinh nghiệm ở bệnh viện đã dẫn cô đi từ công việc thường ngày ở phòng hộ tịch sang làm công việc mới. Bản thân Grant cũng không làm gì quá đáng, ít ra là so với vài người khác quanh anh. Anh không bao giờ để một người đàn bà khác quá thân mật với mình như Jacqui đã từng. Cái mà anh cảm thấy chủ yếu là sức khỏe tốt lên cực kỳ. Khuynh hướng dễ bị mập từ năm anh mười hai tuổi nay đã biến đâu mất. Anh chạy lên cầu thang hai bậc một. Như chưa từng thấy trước đây, anh cảm kích trước những cụm mây lộng lẫy và hoàng hôn mùa đông ngoài khung cửa sổ văn phòng, vẻ quyến rũ của ánh đèn cổ tỏa sáng giữa bức rèm phòng khách nhà hàng xóm, tiếng trẻ con la hét ngoài công viên lúc chạng vạng vì không chịu rời bỏ ngọn đồi nơi chúng đang chơi xe trượt tuyết. Mùa hè đến, anh học tên các loài hoa. Trong lớp của mình, sau khi được mẹ vợ giờ đây đã gần như mất giọng (bà bị ung thư vòm họng) huấn luyện, anh đã mạo hiểm ngâm và dịch bài ngợi ca oai phong đẫm máu, bài thơ chuộc đầu Hofuolausn[26], được sáng tác để ca ngợi vua Eric Bloodaxe bởi chính người hát rong đã bị nhà vua kết tội chết. (Bằng sức mạnh của thơ ca, nhà thơ này sau đó được chính ông vua đã kết tội mình tha bổng.) Tất cả học trò vỗ tay tán thưởng - kể cả những người theo chủ nghĩa hòa bình mà trước đó anh đã vui vẻ trêu chọc và hỏi họ có muốn đợi ngoài hành lang không. Hôm đó, hay cũng có thể là một ngày khác, khi lái xe về nhà, tự nhiên một câu trích dẫn không thích hợp và báng bổ cứ lảng vảng trong đầu anh.
Cả sức lực và trí tuệ Ngài đều thêm mạnh mẽ…
Thuận ơn chúa và thuận lòng người.[27]
Lúc đó việc này khiến anh xấu hổ và rùng mình đầy mê tín. Và ngay cả bây giờ cũng vậy. Nhưng miễn là không ai biết thì chuyện này dường như chẳng có vẻ gì là tội lỗi.
Lần tiếp theo đến thăm Hồ Thảo Nguyên, Grant mang theo cuốn sách. Đó là ngày thứ Tư. Ông đi tìm Fiona ở bàn chơi bài nhưng không thấy bà.
Một bà gọi với theo ông, “Bà ấy không có đây đâu. Bà ấy bị ốm.” Giọng bà ta có vẻ háo hức, tự cho mình là quan trọng - như thể tự hài lòng vì nhận ra ông trong khi ông chẳng biết bà ta là ai. Có lẽ bà ta còn hài lòng vì bà biết về Fiona, về cuộc sống của Fiona tại đây, và tự nhủ là có khi bà còn biết nhiều hơn ông.
“Ông ấy cũng không có ở đây,” bà ta thêm.
Ông đi tìm Kristy.
“Đâu có gì đâu, thật mà,” cô trả lời khi ông hỏi Fiona bị làm sao. “Bà ấy chỉ muốn nằm nghỉ một ngày thôi, bà ấy hơi khó ở.”
Fiona đang ngồi thẳng lưng trên giường. Mặc dù đã vào phòng này vài lần nhưng ông không nhận ra đây là loại giường bệnh viện có thể xoay dựng lên theo cách ấy. Bà mặc một trong mấy cái váy cao cổ đoan trang của mình, sắc mặt không giống hoa anh đào nữa mà trắng bệch như bột.
Aubrey ngồi cạnh bà, trong chiếc xe lăn được đẩy sát giường của bà hết cỡ. Ông ta không mặc chiếc sơ sơ mi xoàng xĩnh để hở cổ như thường lệ nữa mà diện áo vét thắt cà vạt. Cái mũ vải tuýt điệu đà của ông ta đặt trên giường. Trông ông ta tươm tất như vừa đi một công chuyện gì quan trọng.
Gặp mặt luật sư? Đi ngân hàng? Hay đi gặp nhà quàn để thu xếp chuyện mai táng?
Bất kể vừa làm công chuyện gì thì có vẻ như ông ta đã kiệt sức vì nó. Trông mặt ông ta cũng tái xám.
Cả hai đểu ngẩng đầu lên nhìn Grant, nét mặt hoa đá vì đau khổ chợt nhẹ nhõm, nếu không muốn nói bà đầy vẻ đón chào, khi họ nhận ra đó là ông.
Chứ không phải là người mà họ nghĩ.
Họ bịn rịn nắm tay nhau, không chịu buông ra.
Cái mũ trên giường. Cái áo vét và cái cà vạt.
Không phải Aubrey vừa đi đâu. Câu hỏi không phải là ông ta đã đi đâu và ông ta đã gặp ai. Mà là ông ta chuẩn bị đi đâu.
Grant đặt cuốn sách lên giường, phía bên bàn tay còn rỗi của bà.
“Sách về Iceland,” ông nói. “Anh nghĩ có thể em sẽ muốn xem.”
“Chao ôi, cảm ơn ông,” Fiona nói. Bà không nhìn cuốn sách. Ông nắm tay bà đặt tên cuốn sách.
“Iceland,” ông nói.
Bà lặp lại, “Ice-land.” Âm đầu còn ánh lên một chút quan tâm, nhưng âm thứ hai thì rơi tõm. Dù sao, bà cần phải hướng sự chú ý của mình trở lại với Aubrey, bởi vì ông ta đang rút bàn tay to dày của mình khỏi tay bà.
“Gì vậy?” bà hỏi. “Gì vậy, anh yêu dấu?”
Grant chưa bao giờ thấy bà dùng cách gọi hoa mỹ như vậy.
“Ồ, được rồi,” bà nói. “Ồ, đây.” Bà lôi ra một nắm khăn giấy từ cái hộp cạnh giường.
Vấn đề là Aubrey bắt đầu khóc. Nước mắt nước mũi ông ta bắt đầu lòng ròng, ông ta sợ mình sẽ trở thành một cảnh tượng đáng thương hại, nhất là trước mặt Grant.
“Thôi nào. Thôi nào Fiona ăn ủi. Lẽ ra bà đã lau chùi nước mắt nước mũi cho ông ta rồi - và có thể nếu họ chỉ có một mình thì ông ta sẽ để cho bà làm thế. Nhưng trước mặt Grant, Aubrey sẽ không cho phép bà làm chuyện đó. Ông ta cố hết sức để nắm lấy mớ khăn giấy thật chặt rồi chùi mặt vài nhát một cách vụng về nhưng đầy vẻ biết ơn.
Trong lúc Aubrey đang bận lau chùi, Fiona quay sang Grant.
“Ông có tình cờ quen biết ai có quyền thế ở đây không?” bà thì thầm. “Tôi thấy ông nói chuyện với họ.”
Aubrey kêu lên phản đối, hoặc cũng có thể đó là tiếng kêu mệt mỏi, hay tiếng kêu ghê tởm. Và rồi thân trên của ông ta chồm tới như thể ông ta muốn lao về phía bà. Bà nhoài nửa người ra khỏi giường, chộp và giữ chặt lấy ông ta. Grant có cảm giác kỳ kỳ nếu ông giúp bà, mặc dù dĩ nhiên ông sẽ giúp bà nếu ông nghĩ là Aubrey sắp ngã xuống sàn nhà.
“Thôi nào,” Fiona vỗ về. “Ôi, cưng. Thôi nào. Mình sẽ gặp nhau mà. Chắc chắn là mình sẽ gặp nhau. Em sẽ đi thăm mình. Mình sẽ đến thăm em.”
Aubrey lại kêu lên lần nữa, mặt gục vào ngực bà, và Grant không thể làm được gì hơn ngoài việc ý tứ ra khỏi phòng.
“Tôi chỉ cầu cho bà vợ ông ấy nhanh nhanh đến đây cho rồi,” Kristy nói. “Tôi mang bà ấy mang ông ấy đi để chấm dứt sớm cái cảnh đau đớn khổ sở này. Chúng tôi sắp phải phục vụ bữa tối rồi, làm sao bắt bà ấy nuốt nổi miếng nào khi mà ông ấy còn luẩn quẩn đây cơ chứ?”
Grant hỏi, “Liệu tôi có nên lại đây không?”
“Để làm gì? Ông cũng biết là bà ấy có đau ốm gì đâu.”
“Để bầu bạn an ủi bà ấy,” ông trả lời.
Kristy lắc đầu.
“Họ phải tự mình vượt qua thử thách này. Thường họ không nhớ lâu đâu. Mất trí không phải lúc nào cũng là chuyện quá kinh khủng.”
Kristy không phải là người vô cảm. Trong thời gian quen biết cô, ông đã phát hiện ra một số điều về cuộc sống của cô. Cô có bốn đứa con. Cô không biết chồng cô đâu nhưng nghi là hắn ta đang ở Alberta. Con trai thứ của cô bị bệnh hen suyễn nặng đến nỗi có lẽ chẳng nhớ đã chết vào một đêm tháng giêng nếu cô không đưa nó đi cấp cứu kịp thời. Thằng nhỏ không hút sách nghiện ngập gì, nhưng cô không chắc chắn lắm về thằng anh của nó.
Hẳn là với cô, ông Grant, bà Fiona và thậm chí cả ông Aubrey đều là những người may mắn. Cuộc sống của họ không có quá nhiều xui xẻo. Những gì họ phải chịu đựng bây giờ khi đã già cả thì không tính là xui xẻo.
Grant về thẳng mà không quay lại phòng Fiona. Ông để ý thấy ngày hôm ấy gió thực nóng và lũ quạ huyên náo hết sức. Trong bãi đậu xe, một người đàn bà mặc bộ vét kẻ ca rô đang lôi từ cốp xe ra một chiếc xe lăn xếp gọn.
Ông đang lái xe trên một con phố tên là đường Black Hawks. Tất cả những con phố quanh đây đều mang tên những đội khúc côn cầu trong giải đấu quốc gia. Con phố này nằm trong khu rìa ngoài của thị trấn gần Hồ Thảo Nguyên. Ông và Fiona thường đi mua sắm ở thị trấn này, nhưng họ chẳng thông thuộc các khu vực của nó ngoại trừ con phố chính.
Nhà cửa có vẻ như được xây cùng một thời, chắc là ba bốn mươi năm trước.
Đường rộng, quanh co và không có vỉa hè - gợi nhớ cái thời mà người ta cho là sẽ chẳng mấy ai đi bộ nữa. Bạn bè của Grant và Fiona đã chuyển về sinh sống ở những nơi như thế này khi họ bắt đầu có con cái. Lúc đầu họ còn hối lỗi vì chuyện di chuyển. Họ gọi đó là “chuyển ra Khu Nướng Thịt.”
Những gia đình trẻ vẫn còn sống ở đây. Khung chơi bóng rổ được gắn phía trên cửa ga ra và xe đạp ba bánh đậu ngoài lối đi. Nhưng vài ngôi nhà đã sa sút, không còn là kiểu ngôi nhà gia đình như mục đích xây lên ban đầu nữa. Sân cỏ hằn vết xe, cửa sổ dán giấy thiếc hay che bằng những lá cờ bạc màu.
Nhà cho thuê. Dân thuê nhà là đàn ông trẻ - còn độc thân, hay vừa trở lại đời độc thân.
Một vài ngôi nhà có vẻ như được cố gắng hết sức để duy trì bởi những người đã đến đây ở khi nhà còn mới - những người không có tiền, hoặc có thể không có nhu cầu chuyển đến ở nơi khác tốt hơn. Bụi mọc um tùm, ván nhựa vinyl màu nhạt đã được dùng để giải quyết nhu cầu phải sơn lại nhà. Hàng rào hoặc bờ giậu gọn gàng cho thấy là con cái trong nhà đã lớn và đã ra ở riêng, vì thế cha mẹ chúng không còn thấy nhu cầu để sân vườn nhà họ thành cái sân chơi thông thống cho bất cứ bọn trẻ con hậu sinh nào chạy rông trong khu phố.
Ngôi nhà của vợ chồng Aubrey in trong sổ niên giám điện thoại là một trong mấy ngôi nhà loại này. Lối đi vào cửa trước được lát đá, hai bên là những cây lan dạ hương cứng nhắc như làm bằng sành sứ, trồng xen kẽ màu hồng và màu xanh dương.
Fiona vẫn chưa qua cơn sầu thảm. Bà không chịu ăn gì, mặc dù bà giả bộ là mình có ăn và giấu thức ăn vào trong khăn ăn. Bà được cho uống nước dinh dưỡng hai lần mỗi ngày - người ta phải canh đến khi thấy bà nuốt trôi hết mới thôi. Bà ra khỏi giường, thay quần áo, nhưng rồi bà chỉ muốn ngồi trong phòng mình. Bà không chịu tập thể dục gì trừ phi Kristy, hay một cô y tá nào đó, hoặc Grant trong giờ thăm viếng, dắt bà đi tới đi lui dọc hành lang hoặc đi ra ngoài trời.
Trong ánh nắng xuân, bà ngồi trên băng ghế cạnh tường, âm thầm khóc. Bà vẫn lịch sự - xin lỗi vì những giọt nước mắt của mình và không bao giờ cãi lại một lời đề nghị nào hoặc từ chối không trẻ lời các câu hỏi. Nhưng bà khóc. Khóc nhiều làm cho mắt bà toét ra và mờ đục đi. Áo len của bà - cứ cho đó bà áo của bà - bị cài lệch cúc. Bà chưa đến nỗi để đầu bù tóc rối hay móng tay cáu bẩn, nhưng tình trạng ấy chắc cũng không xa.
Kristy bảo bắp thịt của bà đang teo dần và nếu tình trạng của bà không khá lên thì chẳng mấy chốc người ta sẽ phải cho bà dùng xe vịn.
“Nhưng ông biết không, một khi họ dùng xe vịn rồi bà họ sẽ lệ thuộc vào nó, rồi họ sẽ không bao giờ đi bộ mấy nữa mà chỉ đi đến nơi nào buộc phải đến thôi.”
“Ông phải tích cực giúp bà ấy hơn nữa,” cô nói với Grant. “Hãy cố động viên bà ấy.”
Nhưng Grant không làm được gì. Fiona có vẻ không ưa ông, mặc dù bà cố gắng che giấu. Có lẽ mỗi lần nhìn thấy ông là bà lại nhớ đến những giây phút cuối cùng với Aubrey, khi bà nhờ ông giúp đỡ nhưng ông đã không giúp gì.
Bây giờ ông thấy có nhắc bà về hôn nhân của họ cũng chẳng để làm gì nữa.
Bà không chịu xuống căn phòng nơi cũng vẫn những con người đó đang chơi bài. Và bà cũng không chịu đến phòng xem truyền hình hay ghé thăm nhà kính.
Bà bảo bà không thích màn hình ti vi lớn, nó làm bà đau mắt. Và tiếng chim ồn ào rất khó chịu và bà chỉ ước thỉnh thoảng họ tắt đài phun nước đi cho yên tĩnh.
Theo những gì Grant biết thì bà chưa một lần ngó ngàng đến cuốn sách về Iceland, hay bất cứ một cuốn sách nào khác mà bà đã mang đến từ nhà - đáng ngạc nhiên là bà mang theo ít sách như vậy. Bà hay ngồi nghỉ ở phòng đọc sách, bà chọn chỗ này có lẽ vì hầu như chẳng có ai đến đây, và nếu ông lấy một cuốn sách từ trên giá xuống thì bà sẽ để ông đọc cho bà nghe. Ông ngờ là bà để ông đọc vì như vậy bà sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với sự có mặt của ông - bà có thể nhắm mắt và lại chìm đắm vào nỗi đau buồn của mình. Bởi vì nếu chỉ cần buông nỗi đau đó ra dù chỉ một khoảnh khắc thôi thì bà sẽ chỉ thấy đau hơn khi lại chạm vào nó. Đôi khi, ông nghĩ bà nhắm mắt để giấu đi ánh tuyệt vọng lồ lộ mà ông không nên thấy.
Và thế là ông ngồi đọc bà nghe một trong mấy cuốn tiểu thuyết cũ rích về tình yêu trong sáng, về cơ đồ mất đi rồi lại kiếm lại được, những cuốn tiểu thuyết có lẽ được vứt đi từ thư viện trường làng hoặc lớp giáo lý vào một thời xa xôi nào đó. Hình như chẳng ai quan tâm đến chuyện cập nhật sao cho sách trong phòng đọc cũng mới mẻ như hầu hết những thứ khác trong tòa nhà này.
Bìa sách mềm mại như nhung, với những hình hoa lá in khắc vào bìa, khiến cuốn sách trắng giống như hộp trang sức hay hộp kẹo sô cô la. Để cho phụ nữ - ông nghĩ chác phải là phụ nữ - có thể sắm những cuốn sách này về như những món đồ quý
Người giám sát mời ông đến văn phòng. Cô thông báo là Fiona không khỏe lên như họ mong đợi.
“Bà ấy tiếp tục sụt cân dù chúng tôi đã bổ sung nước dinh dưỡng. Chúng tôi đã làm hết khả năng.”
Grant nói ông có nhận thấy họ đã cố gắng.
“Vấn đề là, tôi chắc ông cũng đã biết, chúng tôi không chăm sóc tận giường về lâu về dài đối với các cư dân ở tầng một. Chúng tôi chỉ chăm sóc tạm thời nếu họ không được khỏe, nhưng nếu bệnh nhân quá yếu không thể tự di chuyển và không tự lo được thì chúng tôi phải tính đến chuyện đưa họ lên tầng hai.”
Ông bảo ông không nghĩ là Fiona nằm giường nhiều đến mức đó.
“Đúng vậy. Nhưng nếu bà ấy không duy trì được sức khỏe thì bà ấy sẽ như vậy. Hiện nay bà ấy đang ở mấp mé giới hạn rồi.”
Ông phản đối vì ông nghĩ là tầng hai chỉ dành cho người bị thần kinh hỗn loạn.
“Đúng vậy, cả họ nữa,” cô giám sát viên trả lời.
Ông không nhớ chút gì về vợ của Aubrey ngoài bộ vét kẻ ca rô khi ông nhìn thấy bà ta trong bãi đỗ xe. Tà áo vét xẻ đuôi xòe ra khi bà ta cúi đầu vào cốp xe, gây cho ông ấn tượng về một vòng eo nhỏ và cặp mông bự.
Hôm nay bà ta không mặc bộ vét kẻ ca rô ấy. Quần tây nâu thắt lưng và áo len màu hồng. Cảm giác của ông về vòng eo là chính xác - thắt lưng siết chặt chứng tỏ bà ta muốn khoe vòng eo nhỏ của mình. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu bà ta không làm như vậy, vì thân hình bà ta phình ra đáng kẻ ở phần trên và dưới của thắt lưng.
Bà ta có lẽ trạc hơn chồng quãng mươi, mười hai tuổi. Tóc ngắn, quăn và nhuộm đỏ một cách giả tạo. Mắt bà ta xanh - nhạt hơn màu mắt của Fiona, màu xanh trứng sáo hay màu ngọc lam - xệ vì hơi sưng. Vô số nếp nhăn trông lại càng rõ vì lớp phấn màu nâu nhạt. Hoặc cũng có thể đó là do sạm nắng Florida.
Ông nói ông không biết nên tự giới thiệu như thế nào.
“Trước đây tôi có gặp ông nhà ở Hồ Thảo Nguyên. Tôi thường đến đó thăm người nhà.”
“Vâng,” vợ Aubrey trả lời, cằm hếch lên như muốn sẵn sàng gây sự.
“Ông nhà khỏe chứ ạ?”
Chữ “ạ” được thêm vào cuối chót lưỡi. Bình thường thì ông sẽ nói, “Ông nhà khỏe chứ?”
“Ông ấy bình thường,” bà ta trả lời.
“Vợ tôi và ông nhà khá thân với nhau.”
“Tôi có nghe nói.”
“Vậy, tôi có thể nói chuyện với chị không nếu chị có chút thời gian?”
“Chồng tôi không định có ý gì với vợ ông đâu, nếu ông muốn nói chuyện đó,” bà ta nói. “Ông ấy không tán tỉnh gạ gẫm bà ấy. Ông ấy không thể và không bao giờ làm cái chuyện đó. Theo những gì tôi nghe được thì thực ra là ngược lại kia.”
Grant phân bua, “Không. Hoàn toàn không phải chuyện ấy. Tôi đến đây không phải phàn nàn gì cả.”
“Ồ,” bà nói. “Ừm, xin lỗi. Tôi tưởng ông định kêu ca gì.”
Chỉ cộc lốc như thế, cái kiểu bà ta xin lỗi. Chẳng có vẻ gì là hối lỗi cả. Mà có vẻ thất vọng và bối rối.
“Vậy tốt hơn hết là ông vào nhà đi,” bà ta nói. “Gió lùa vào nhà lạnh quá. Trông trời thế mà lại chẳng ấm.”
Thậm chí vào được đến trong nhà đối với ông đã là một cái gì giống như chiến thắng rồi. Ông không nghĩ là sẽ khó khăn như vậy. Ông tưởng bà vợ Aubrey là típ phụ nữ khác. Một người nội trợ bận rộn, thích thú khi có khách bất ngờ đến nhà và hãnh diện khi được người khác tâm sự.
Bà ta dẫn ông đi qua lối và phòng khách, giải thích, “Ta sẽ ngồi trong bếp để tôi có thể nghe được tiếng Aubrey.” Grant thoáng nhìn thấy rèm cửa sổ phòng khách, cả hai lớp đều màu xanh dương, một lớp mỏng nhìn thấu qua được và một lớp mềm như lụa, ghế xô pha đồng màu xanh với màn cửa và thảm màu nhợt nhạt đến phát sợ, trong phòng có đủ loại gương soi và đồ trang trí rực rỡ.
Fiona có một từ để gọi những loại màn cửa rủ xuống như thế này - bà dùng từ này với vẻ giễu cợt, mặc dù mấy mợ chỉ cho bà từ này đã rất nghiêm túc khi dùng nó. Bất cứ phòng nào được Fiona trang trí đều rất đơn giản và sáng sủa - có lẽ bà sẽ rất sửng sốt nếu thấy quá nhiều đồ màu mè chen chúc nhau trong một cái phòng nhỏ xíu như vậy. Ông không thể nhớ ra cái từ đó là gì.
Ông có thể nghe tiếng ti vi vọng ra từ căn phòng cạnh bếp - chắc là phòng đón nắng nhưng đã được kéo mành xuống để che nắng chiều.
Aubrey. Câu trả lời cho những lời cầu nguyện của Fiona ngồi chỉ cách đó có vài mét, đang xem cái gì nghe như một trận bóng chày. Vợ lão ngó vào thăm. Bà ta hỏi, “Ông ổn cả chứ?” và khép hờ cánh cửa phòng.
“Thôi thì ông làm một ly cà phê nhé,” bà ta mời.
Ông nhận lời, “Cảm ơn chị.”
“Con trai tôi mua cho ông ấy kênh thể thao hồi Giáng sinh năm ngoái, thật tình tôi không biết sẽ làm sao nếu không có cái kênh đó.”
Trên mặt bàn phòng bếp là vô số những dụng cụ làm bếp và máy móc - máy pha cà phê, máy xay thức ăn, dụng cụ mài dao và vài thứ mà Grant không biết gọi là gì và dùng để làm gì. Tất cả đều trông mới và có vẻ đắt tiền, cứ như thể là vừa từ trong hộp ra hay được đánh bóng hằng ngày.
Ông nghĩ có lẽ nên khen những thứ này đẹp. Ông khen cái máy pha cà phê bà ta đang dùng và bảo ông và Fiona đã luôn muốn mua một cái như vậy. Điều này hoàn toàn không đúng sự thật - Fiona rất trung thành với một cái máy pha cà phê kiểu châu Âu, loại chỉ pha mỗi lần hai cốc.
“Chúng nó tặng chúng tôi cái máy đó,” bà ta bảo. “Con trai chúng tôi và vợ nó. Chúng nó sống ở Kamioops, B.C. Chúng nó gửi quá nhiều thứ cho chúng tôi, dùng không xuể. Kể ra mà chúng nó dùng tiền đó để đến đây thăm chúng tôi thì hơn.”
Grant triết lý, “Tôi đoán là họ bận bịu với cuộc sống riêng.”
“Chúng nó có bận gì lắm đâu, mùa đông trước còn đi nghỉ ở Hawaii mà. Có thể thông cảm được cho chúng nó nếu mà trong nhà còn có ai khác ở ngay gần đây. Đằng này chúng tôi chỉ có mỗi mình nó.”
Cà phê pha xong, bà ta chế cà phê vào hai cái cốc sứ màu nâu và xanh lấy từ các nhánh cụt của cái giá trông như cái cây bằng sứ đặt trên bàn.
“Người ta ai cũng sẽ thấy cô đơn,” Grant nhận xét. Ông nghĩ đây là cơ hội mào đầu. “Nếu ta tước đi cơ hội được gặp người họ quan tâm thương mến, họ sẽ buồn. Như Fiona. Vợ tôi.”
“Tôi tưởng ông bảo ông vẫn thường xuyên đến thăm bà ấy mà.”
“Đúng thế,” ông công nhận. “Nhưng chuyện không phải như vậy.”
Thế rồi ông đánh bài liều, ông yêu cầu bà ta cái việc mà vì nó ông đã đến đây. Ông hỏi liệu bà ta có thể đưa Aubrey đến Hồ Thảo Nguyên chơi mỗi tuần một lần được không? Chỉ cần lái xe có vài dặm, hẳn mà không có gì khó khăn lắm. Hoặc nếu bà ta muốn tranh thủ thời gian cho mình thì ông sẽ không nề hà chuyện chở Aubrey đến đó - Grant không hề tính trước chuyện này nên đã cảm thấy hơi nhụt chí khi nghe thấy chính mình đề nghị như vậy. Ông tin là ông có thể lo được chuyện này. Còn bà ta thì có thể nghỉ ngơi.
Trong khi ông nói, bà ta chuyển động đôi môi khép kín và cái lưỡi trong miệng như thể đang cố xác định một hương vị mơ hồ nào đó. Bà ta mang sữa đến cho ông uống cà phê và một đĩa bánh quy gừng.
“Nhà làm đấy,” bà ta vừa nói vừa đặt đĩa bánh xuống bàn.
Giọng điệu nghe có vẻ thách thức chứ không hiếu khách. Bà ta không nói gì thêm cho đến khi ngồi xuống ghế, rót sữa vào tách cà phê của mình và khuấy.
Rồi bà ta tuyên bố không được.
“Không. Tôi không thể làm được. Lý do là vì tôi không muốn làm ông ấy khó chịu.”
“Liệu chuyện đó có làm ông nhà khó chịu thật không?”
Grant nghiêm túc hỏi.
“Có, có đấy. Nhất định có đấy. Không đời nào tôi làm thế đâu. Đem ông ấy về rồi lại đem đi. Đem về rồi lại đem đi, như vậy chỉ tổ làm ông ấy rối lên không hiểu chuyện gì thôi.”
“Nhưng liệu ông nhà có hiểu đó chỉ là đi thăm không? Liệu ông ấy có thể quen dần với việc này không?”
“Dĩ nhiên ông ấy hiểu mọi chuyện chứ.” Bà ta nói cứ như thể là Grant đã có ý xúc phạm Aubrey. “Nhưng chuyện này vẫn làm gián đoạn cuộc sống thường ngày. Rồi tôi lại còn phải chuẩn bị mọi thứ, cho ông ấy lên xe, mà ông ấy thì to con, lo cho ông ấy không dễ như ông tưởng đâu. Tôi phải thu xếp cho ông ấy lên xe, rồi phải mang theo cái xe lăn. Mà tất cả những chuyện rắc rối đó để được cái gì cơ chứ? Nếu tôi phải khổ sở làm tất cả những thứ đó thì tôi thà mang ông ấy đến chỗ nào vui vẻ còn hơn.”
“Nhưng ngay cả khi tôi đồng ý lo tất cả những chuyện đó sao?” Grant nói, vẫn giữ giọng điệu hy vọng và biết điều. “Đúng vậy, đúng là không nên để chị phải bị phiền hà như vậy.”
“Ông không thể lo được,” bà ta gạt phắt. “Ông không hiểu ý ông ấy. Ông không thể lo cho ông ấy được. Ông ấy cũng không chịu để cho ông lo cho ông ấy đâu. Mà tất cả những phiền toái đó để ông ấy được cái gì?”
Grant cảm giác có lẽ không nên nhắc đến Fiona nữa.
“Dẫn ông ấy đi chơi trung tâm thương mại còn có lý hơn,” bà ta nói. “Như vậy ông ấy còn được nhìn thấy trẻ con này nọ. Nếu như mà chuyện đó không làm ông ấy buồn nhớ hai đứa cháu trai mà ông ấy chả bao giờ được thấy mặt mũi đâu cả. Hay mùa này tàu thuyền bắt đầu chạy lại rồi thì thà tôi cho ông ấy ra hồ xem tàu thuyền còn hơn.”
Bà ta đứng lên đi lấy thuốc lá và bật lửa từ bậc cửa sổ phía trên bồn rửa.
“Ông có hút thuốc không?” bà ta hỏi.
Ông cảm ơn và từ chối, mặc dù không hiểu có phải ý bà ta là muốn mời ông một điếu.
“Ông chưa bao giờ hút? Hay ông bỏ thuốc?”
“Tôi bỏ thuốc,” ông trả lời.
“Lâu chưa?”
Ông ngẫm nghĩ.
“Ba mươi năm rồi. Không… có lẽ là hơn.”
Ông quyết định bỏ thuốc đâu quãng thời gian ông bắt đầu cặp bồ với Jacqui. Nhưng bây giờ ông không thể nhớ được ông bỏ thuốc trước và nghĩ Jacqui là phần thưởng lớn đã trao cho ông vì ông bỏ thuốc, hay ông quyết định đã đến lúc bỏ thuốc vì nay ông đã có trò tiêu khiển khác có sức hấp dẫn mạnh mẽ như vậy.
“Tôi đã từ bỏ cái chuyện bỏ hút thuốc,” bà ta nói, tay mồi thuốc. “Tôi quyết định không cố bỏ hút thuốc nữa, thế đấy.”
Có thể đó là nguyên nhân gây ra những nếp nhăn. Có ai đó - một người phụ nữ thì phải - đã nói với ông là phụ nữ hút thuốc lá thường có những nếp nhăn nhỏ đặc thù trên da mặt họ. Nhưng cũng có thể là do nắng, hoặc cũng có lẽ là do di truyền - da cổ bà ta cũng nhăn nheo rõ nét. Cổ nhăn nheo, ngực lại căng đầy, trẻ trung mà không hề bị xệ. Phụ nữ cỡ tuổi như bà ta thường có những điểm trái ngược như vậy. Nét xấu và nét đẹp, gen tốt hoặc không có gen tốt, tất cả pha trộn hỗn tạp với nhau. Rất ít người như Fiona, còn giữ được vẻ đẹp trọn vẹn, tuy không rõ rệt.
Cũng có thể sự thực hoàn toàn không phải là như vậy. Cũng có thể ông nghĩ như vậy vì ông biết Fiona thời còn con gái. Có thể, để có được ấn tượng như vậy, người ta phải quen biết người phụ nữ từ khi họ còn son trẻ.
— Liệu khi nhìn vợ mình, Aubrey có thấy hình ảnh một cô học trò trung học đầy vẻ khinh bỉ, ngổ ngáo, với đôi mắt xanh màu trứng sáo say đắm lòng người, cặp môi khêu gợi bậm quanh điếu thuốc lá bị cấm hút?
“Thế vợ ông bị trầm cảm à?” vợ Aubrey hỏi. “Vợ ông tên gì nhỉ? Tôi quên rồi.”
“Vợ tôi tên là Fiona.”
“Fiona. Còn tên ông? Hình như ông chưa giới thiệu tên ông cho tôi.”
Ông trả lời, “Tên tôi là Grant.”
Bà ta đột ngột chìa tay qua bàn.
“Chào ông Grant. Tôi là Marian.”
“Vậy là bây giờ chúng ta đã biết tên nhau bà ta nói, không việc gì mà không nói thẳng thừng cho ông biết tôi nghĩ gì về chuyện này. Tôi không biết liệu ông nhà tôi có còn nằng nặc đòi gặp vợ của… gặp Fiona như trước nữa. Hay là hết rồi. Tôi không hỏi ông ấy mà ông ấy cũng chả nói cho tôi biết. Có khi đó chỉ là chuyện thoáng qua. Nhưng tôi không muốn mang ông ấy trở lại đó vì là đâu đó không chỉ là chuyện thoáng qua thì sao. Tôi không thể mạo hiểm. Tôi không muốn ông ấy trở nên khó bảo. Tôi không muốn ông ấy xúc động và cứ tiếp tục khổ sở như vậy. Không có những thứ đó thì tôi cũng đã đầy việc phải lo rồi. Không có ai giúp tôi cả. Chỉ có mình tôi đây. Một mình tôi.”
“Có bao giờ chị nghĩ… quả thực chị đã rất vất vả…” Grant nói, có bao giờ chị nghĩ đến việc gửi hẳn ông nhà vào đó không?”
Ông hạ thấp giọng gần như thầm thì, nhưng bà ta thì có vẻ như không thấy cần thiết phải hạ giọng.
“Không,” bà ta trả lời. “Tôi sẽ giữ ông ấy ngay tại đây.”
Grant nhận xét, “Vâng. Chị thật là một người tốt và cao thượng.”
Ông hy vọng từ “cao thượng” không có vẻ mỉa mai. Ông không có ý đó.
“Ông nghĩ thế á?” bà ta nói. “Cao thượng không phải là thứ tôi quan tâm.”
“Nhưng đúng thế mà. Đây đâu phải một việc dễ dàng.”
“Đúng, không dễ. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, tôi không có nhiều lựa chọn. Nếu gửi ông ấy vào đó, tôi không có tiền trả trừ phi tôi bán ngôi nhà này. Ngôi nhà hoàn toàn là sở hữu của chúng tôi. Ngoài nó ra tôi không có một nguồn tiền nào khác. Năm sau tôi sẽ được nhận tiền hưu, tôi sẽ có lương hưu của ông ấy và của tôi, nhưng kể cả như thế tôi cũng không thể nào đủ tiền gửi ông ấy vào đó và giữ ngôi nhà này. Ngôi nhà rất có ý nghĩa đối với tôi, thực sự có ý nghĩa.”
“Ngôi nhà rất xinh xắn,” Grant nói.
“Cũng thường thôi. Tôi đã bỏ rất nhiều công sức vào ngôi nhà này. Sửa sang, bảo quản.”
“Tôi tin là chị đã bỏ nhiều công sức. Chị giữ gìn rất tốt.”
“Tôi không muốn mất căn nhà này.”
“Vâng.”
“Tôi sẽ không để mất nó đâu.
“Tôi hiểu ý của chị.”
“Công ty ông ấy đã bỏ mặc chúng tôi,” bà ta tiếp. “Tôi không biết ngọn ngành thế nào, tóm lại là họ đã tống cổ ông ấy. Đại khái là họ nói ông ấy thiếu nợ công ty, và khi tôi hỏi thì ông ấy cứ nói là không phải việc của tôi. Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đã làm việc gì đó khá ngu xuẩn. Nhưng tôi không được quyền hỏi nên tôi đành phải câm miệng. Ông đã lấy vợ. Ông đang có vợ. Ông cũng biết hôn nhân là như thế nào. Đúng lúc tôi phát hiện ra chuyện này thì chúng tôi phải đi du lịch, cùng với chính những người này và chúng tôi không thể nào bỏ dở nửa chừng được. Thế rồi giữa chuyến đi ông ấy đổ bệnh, vì con virus gì đó mà chả ai nghe nói đến bao giờ, rồi ông ấy bị hôn mê. Nhờ vậy mà ông ấy thoát thân khỏi cái vụ bê bối đó.”
Grant nói, “Thật không may.”
“Tôi không có ý nói là ông ấy cố tình đổ bệnh. Đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Ông ấy không giận tôi nữa mà tôi cũng chẳng giận ông ấy. Đời là như vậy.”
“Đúng vậy.”
“Người ta không thể cãi lại số mạng.”
Bà ta liếm những vụn bánh bám trên môi trên như mèo liếm mép. “Tôi nói nghe có vẻ triết lý quá, phải không? Ở viện điều dưỡng người ta bảo tôi ông từng là giáo sư đại học.”
“Cách đây lâu rồi,” Grant trả lời.
“Tôi chẳng có nhiều chất trí thức,” bà ta nói.
“Tôi cũng không biết mình có mấy phần trí thức.”
“Nhưng tôi biết khi nào mình đã quyết định. Và tôi đã quyết định. Tôi sẽ không bán căn nhà này. Có nghĩa là tôi sẽ giữ ông ấy ở đây và tôi không muốn ông ấy có trong đầu cái ý nghĩ muốn rời đi chỗ khác. Có lẽ tôi đã sai lầm khi gửi ông ấy vào đó để tôi đi nghỉ xả hơi, nhưng tôi sẽ không còn cơ hội nào khác nên tôi đã tận dụng nó. Vậy đó. Bây giờ thì tôi khôn ra rồi.”
Bà ta lắc lắc hộp lấy thêm điếu thuốc lá nữa.
“Tôi dám cá là tôi biết ông đang nghĩ gì,” bà ta tiếp. “Ông nghĩ là có loại người vụ lợi.”
“Tôi không đánh giá như vậy. Đấy là đời tư của chị.”
“Chính thế.”
Ông nghĩ họ nên kết thúc câu chuyện trong không khí dung hòa hơn. Nên ông hỏi bà ta có phải chồng bà đã từng làm ở một cửa hàng bán đồ ngũ kim vào mùa hè khi ông ấy còn đi học.
“Tôi chả bao giờ nghe nói về chuyện ấy,” bà ta trả lời. “Hồi bé tôi không ở đây.”
Trên đường lái xe về nhà, Grant nhận ra vũng lầy trước đây phủ tuyết chen bóng những thân cây thẳng đứng nay đã bừng sáng lên những bông hoa huệ chồn hương. Lá tươi, trông như rau ăn và to như cái đĩa. Hoa đâm thẳng lên trông như những ngọn nến, vô vàn những bông huệ chồn hương, tinh khiết một màu vàng, như thể chúng châm lên ngọn lửa bừng cháy từ lòng đất trong một ngày u ám. Fiona đã từng nói với ông là giống hoa này còn tự tạo thân nhiệt. Bà lục lọi tìm kiếm những cái túi giấu đầy thông tin trong đầu rồi bảo, người ta có thể cảm giác được hơi nóng khi đặt bàn tay vào giữa cánh hoa cuộn cong. Bà bảo bà đã thử xem có đúng không nhưng bà không chắc lắm đó là hơi nóng thật hay bà chỉ tưởng tượng. Hơi nóng thu hút những con côn trùng.
“Thiên nhiên không lãng phí thời gian chỉ để làm cảnh.”
Ông đã thất bại với vợ Aubrey, Marian. Ông đã thấy trước là mình có thể sẽ thất bại nhưng ông không mảy may đoán trước được vì sao. Ông những tưởng mình sẽ chỉ phải đấu tranh với tính ghen tuông tự nhiên thuộc giới tính của đàn bà - hay nỗi oán giận, cũng là di chứng khó chữa của tính ghen tuông này.
Ông không mảy may có một tí ý niệm gì về cách bà ta nhìn nhận vấn đề. Ấy thế nhưng đáng buồn thay, xét ở một phương diện nào đó cuộc nói chuyện này không phải là xa lạ đối với ông. Đó là bởi vì nó gợi ông nhớ lại những cuộc nói chuyện với những người trong chính gia đình mình. Chú bác của ông, họ hàng của ông, có thể thậm chí cả mẹ ông, đã từng có cách suy nghĩ như Marian suy nghĩ. Họ tin rằng những người khác không nghĩ như họ là bởi vì những người này tự lừa phỉnh chính bản thân mình - những kẻ quá hão huyền, hay ngu xuẩn, vì đã có một cuộc sống dễ dàng, được bảo bọc, hoặc vì có học thức. Họ đã mất đi khả năng cảm nhận thực tế. Những kẻ có học thức, những kẻ văn chương sách vở, vài người giàu có như gia đình theo chủ nghĩa xã hội nhà vợ Grant, đã mất đi khả năng cảm nhận thực tế. Vì họ may mắn một cách không xứng đáng, hoặc cũng có thể vì họ ngờ nghệch bẩm sinh. Grant ngờ là trong trường hợp của ông, gia đình họ hàng ông tin vào cả hai lý do.
Đó bà cách Marian đánh giá ông, chắc chắn như vậy. Một kẻ ngớ ngẩn, đầy những kiến thức nhàm chán, được may mắn che chở nên không còn thấy được mặt thật của cuộc sống. Một kẻ không phải lo nghĩ làm thế nào giữ được mái nhà che đầu và có thời giờ rảnh rỗi để nghiền ngẫm những ý nghĩ phức tạp. Tự do mơ mộng những kế hoạch đẹp đẽ và hào phóng mà hắn tin là sẽ làm cho người khác hạnh phúc.
Đúng là một thằng cha cà chớn, có lẽ bà ta đang chửi thầm trong bụng.
Phải đối phó với một người như vậy khiến ông tuyệt vọng, bực tức, và cuối cùng gần như đau buồn. Tại sao? Vì ông không biết làm sao giữ vững lập trường khi đối phó với một người như vậy? Vì ông e rằng cuối cùng họ sẽ đúng? Fiona không bao giờ cảm thấy bất cứ nỗi lo sợ nào như vậy. Khi bà còn nhỏ, không ai có thể áp chế, ép buộc bà. Bà đã từng thấy buồn cười trước cách giáo dục trong gia đình Grant và coi những quan điểm khắt khe đó là kỳ quặc.
Dù sao đi nữa, họ cũng có cái lý của mình, những người đó (Ông có thể nghe giọng mình tranh luận với ai đó. Fiona chăng?) Cách tập trung nhìn nhận vấn đề hẹp hòi cũng có lợi thế của nó. Marian có lẽ sẽ rất hiệu quả khi gặp tình huống khủng hoảng. Giỏi đấu tranh sinh tồn, có thể xoáy để có cái ăn hay có thể lột giày từ xác chết trên đường phố.
Ông luôn bực bội vì phải căng óc để đọc ý Fiona. Chẳng khác gì chạy theo một ảo ảnh. Không - chẳng khác nào sống trong ảo ảnh. Thử kết thân với Marian thì sẽ tòi ra một vấn đề khác. Có lẽ sẽ giống như cắn phải hạt vải. Cùi vải với sức quyến rũ giả tạo một cách kỳ lạ, mùi vị như hóa chất, mỏng lét bao quanh cái hạt to, cứng ngắc.
Rất có thể ông đã lấy bà ta. Cứ ngẫm mà xem. Rất có thể ông đã lấy một cô gái kiểu như vậy. Nếu ông ở lại cái nơi chốn đúng là của mình. Với bộ ngực hẹp, trông bà ta cũng ngon lành. Có lẽ là loại gái lẳng lơ. Cái kiểu bà ta uốn éo mông trên ghế ngồi, miệng mím chặt, vẻ đe dọa hơi giả tạo - đó là những gì còn sót lại của cái cung cách thô thiển ít nhiều ngây thơ của một cô nàng lẳng lơ tỉnh lẻ.
Có lẽ bà ta đã hy vọng gì đó khi chọn Aubrey. Vẻ bảnh bao của ông ta, việc bán hàng của ông ta, nhưng kỳ vọng về một công việc cổ cồn trắng. Hẳn bà ta đã tin là mình sẽ khá hơn chứ không như bây giờ. Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra với những kẻ thực dụng. Bất kể những tính toán của họ, bất kể bản năng sống còn của họ, họ không thể đi xa được như kỳ vọng hoàn toàn hợp lý của mình. Rõ ràng họ thấy cuộc sống dường như thật bất công.
Trong bếp, cái đầu tiên ông thấy là ánh đèn nhấp nháy trên máy ghi tin nhắn điện thoại. Ông nghĩ ngay đến điều luôn thường trực trong đầu ông bây giờ. Fiona.
Ông bấm nút nghe tin nhắn trước khi cởi áo khoác.
“Chào ông Grant. Tôi hy vọng đây đúng là số điện thoại của ông. Tôi vừa nghĩ đến một chuyện. Tối thứ Bảy trong thị trấn ở đây người ta tổ chức nhảy đầm ở tòa nhà Legion, dành cho những ai còn độc thân, và tôi là thành viên của nhóm lo bữa tối, vì vậy tôi có thể mang theo một người khách đến mà không phải mua vé. Thế nên tôi tự hỏi không hiểu ông có thấy hứng thú hay không?
Khi nào tiện thì gọi lại cho tôi nhé!”
Một giọng đàn bà đọc số điện thoại trong vùng. Sau đó có tiếng bíp, và rồi lại cái giọng đó bắt đầu nói tiếp.
“Tôi vừa phát hiện ra là tôi quên nói tôi là ai. Mà chắc ông nhận ra giọng. Tôi là Marian. Tôi vẫn chưa quen dùng mấy thứ máy móc này. Và tôi muốn đính chính là tôi biết ông không độc thân và tôi không có đó. Tôi cũng không độc thân, nhưng tội tình gì mà không thỉnh thoảng ra ngoài chơi. Dầu sao chăng nữa, giờ khi nói cả ra thế rồi thì tôi càng thực sự hy vọng là tôi gọi đúng số của ông. Giọng nói trong máy nhận tin nghe giống giọng của ông. Nếu ông muốn đi thì gọi điện cho tôi, nếu không thì ông không cần phải phiền hà gọi lại làm gì. Tôi chỉ nghĩ là có thể ông muốn có dịp ra ngoài chơi. Đây là Marian. Hình như tôi đã giới thiệu rồi. Thế nhé! Tạm biệt.”
Giọng trong máy nghe khác với giọng mà ông vừa mới nghe cách đây không lâu ở nhà bà ta. Chỉ khác một chút trong tin nhắn đầu tiên, khác nhiều hơn trong tin nhắn thứ hai. Ở đó có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, có kiểu lãnh đạm giả tạo, có vẻ vội vã muốn cho xong nhưng ngập ngừng không muốn dứt.
Có gì đó đã xảy ra với bà ta. Nhưng mà xảy ra lúc nào? Nếu mới tức thời thì bà ta đã rất khéo che đậy trong suốt buổi nói chuyện. Có vẻ đúng hơn bà chuyện đó xảy ra dần dần, có lẽ là sau khi ông đã ra về. Không nhất thiết là một cú sét ái tình. Chỉ là bà ta nhận ra ông là một cơ hội, một người đàn ông độc thân. Có thể coi như là độc thân. Một cơ hội mà bà ta có thể thử xem sao.
Nhưng bà ta có vẻ bồn chồn khi chủ động gợi ý trước. Bà ta đã tự đặt mình vào tình thế mạo hiểm. Bao nhiêu phần mạo hiểm, ông chưa thể xác định. Nói chung, sự mong manh dễ tổn thương của người phụ nữ tăng dần theo dời gian, theo tiến trình sự việc. Còn lúc mới đầu, tất cả những gì ta có thể nói là nếu bây giờ cô ta có vẻ mong manh dễ vỡ, cho dù chỉ một chút xíu, thì sau này sẽ còn nhiều hơn.
Ông cảm thấy tự mãn - tại sao lại phải chối cơ chứ? - vì đã khiến bà ta mạo hiểm như vậy. Vì đã gợi lên một điều gì đó giống như một quầng sáng lung linh, mờ ảo trên bề mặt chính của bà ta. Vì đã nghe được những nguyên âm dài, cáu kỉnh trong lời cầu xin rụt rè.
Ông bày mấy quả trứng và nấm ra chuẩn bị làm món trứng tráng. Thế rồi ông nghĩ, hay là làm ly rượu luôn nhỉ.
Bất cứ điều gì cũng có thể. Có đúng vậy không - bất cứ điều gì cũng có thể? Chẳng hạn như, nếu ông muốn, ông có thể đánh gục bà ta, khiến bà ta nghe theo lời ông và cho Aubrey quay về với Fiona không? Và không phải là chỉ đến thăm, mà là ở suốt đời Aubrey luôn? Rung động đó có thể đưa họ đến đâu? Đến đau khổ, đến việc bà ta không còn thiết đến bản thân nữa? Đến hạnh phúc của Fiona?
Đó sẽ là một thử thách. Một thử thách và một chiến công vẻ vang. Nhưng cũng là một trò lố bịch mà ông không thể giãi bày cùng ai - khi nghĩ hành động xấu xa của mình là để làm điều tốt cho Fiona.
Tuy nhiên, ông không thực sự có khả năng suy nghĩ về nó. Nếu ông suy nghĩ về nó, ông sẽ phải suy luận xem ông và Marian sẽ thành cái gì sau khi đưa Aubrey đến cho Fiona. Việc này không thể nào thành được - trừ phi ông có thể thỏa mãn hơn dự đoán khi tìm thấy cái hạt tư lợi vô tội bên trong cùi vải nồng nàn.
Người ta không thể biết chính xác rồi những việc thế này sẽ thành ra làm sao. Người ta gần như biết, nhưng chẳng bao giờ dám chắc.
Có lẽ bà ta đang ngồi ở nhà, đợi ông gọi điện. Hoặc cũng có thể bà ta không ngồi. Mà đang làm cái gì đó để không phải ngồi không. Bà ta có vẻ như là người luôn tự kiếm việc để làm. Ngôi nhà của bà ta rõ ràng là kết quả của mối quan tâm không ngừng. Và còn Aubrey nữa - việc chăm sóc ông ta phải tiếp tục như bình thường. Có lẽ bà ta đã cho ông ta ăn tối sớm - cho hợp với giờ ăn ở Hồ Thảo Nguyên, để ông ta có thể yên giấc sớm hơn cho xong cái việc chăm bẫm trong ngày. (Bà ta sẽ làm gì với ông chồng khi đi khiêu vũ? Ông ta ở nhà một mình hay có người đến trông). Liệu bà ta có cho ông ta biết mình đi đâu, có giới thiệu người đang hẹn hò với mình không? Liệu người bạn hẹn này có trả tiền cho người đến trông Aubrey không?)
Có thể bà ta đã cho Aubrey ăn khi Grant đi mua nấm và lái xe về nhà. Còn bây giờ có lẽ bà ta đang chuẩn bị cho Aubrey đi ngủ. Nhưng trong suốt lúc làm những việc đó, bà ta chắc chắn luôn để tâm đến cái điện thoại, để tâm đến sự câm lặng của nó. Cũng có thể bà ta đã tính toán Grant cần bao nhiêu thời gian để lái xe về đến nhà. Địa chỉ của ông trong sổ niên giám điện thoại giúp bà ta đoán ra mang máng nơi ông sống. Bà ta sẽ tính đi đường hết bao lâu, rồi thêm khoảng thời gian giả thiết ông đi chợ nấu bữa tối (vì đoán là đàn ông sống một mình chắc phải cần đi chợ mỗi ngày). Sau đó cộng thêm một khoảng thời gian nào đó để ông nghe tin nhắn điện thoại trên máy. Và rồi sự im lặng kéo dài sẽ khiến bà ta suy diễn ra những thứ khác. Có thể có những việc lặt vặt khác ông phải làm trước khi về nhà. Có thể ông đi ăn ngoài, hay đi gặp gỡ ai đó và không về kịp giờ ăn tối.
Bà ta sẽ thức khuya, lau chùi tủ bếp, xem truyền hình, tự tranh luận trong đầu không biết mình có còn cơ hội.
Ông đang tự phụ quá mất rồi. Dù gì đi nữa bà ta cũng là một phụ nữ khôn ngoan. Có lẽ bà ta sẽ vẫn đi ngủ như thường lệ, nghĩ bụng đằng nào trông ông cũng không có vẻ gì là người nhảy đầm giỏi. Quá cứng nhắc, quá mô phạm.
Ông quanh quẩn gần cái điện thoại, xem tạp chí, nhưng ông không nhấc máy khi điện thoại reo.
“Grant. Marian đây. Tôi xuống tầng hầm để bỏ quần áo vào máy sấy thì nghe tiếng điện thoại reo, và khi chạy lên tới nơi thì đầu dây bên kia dù là ai thì cũng đã cúp máy. Tôi nghĩ tôi cần cho ông hay là tôi có nhà. Nếu đấy là ông và thậm chí nếu ông có nhà. Vì tôi rõ ràng là không có máy nhận tin nhắn nên ông không thể để lại tin nhắn. Nên tôi chỉ muốn. Cho ông biết.
“Tạm biệt.”
Bấy giờ là mười giờ hai lăm phút.
Tạm biệt.
Ông sẽ nói là ông vừa về đến nhà. Chẳng việc gì phải làm cho bà ta hình dung ra cảnh tượng ông ngồi cân đong lợi hại.
Màn trướng. Đấy là cái từ mà Fiona sẽ dùng để gọi cái màn cửa màu xanh dương - màn trướng. Mà tại sao lại không cơ chứ? Ông nghĩ về mấy chiếc bánh quy gừng tròn trịa một cách hoàn hảo mà bà ta nhất định phải tuyên bố là bánh nhà làm, những cái cốc cà phê bằng sứ treo trên giá hình cái cây bằng sứ. Tấm thảm nhựa trải trên mặt thảm hành lang, ông tin là để bảo vệ lớp thảm bên dưới. Tính chính xác bóng lưỡng và thực dụng mà mẹ ông không thể nào đạt được nhưng sẽ được bà ngưỡng mộ - lẽ nào đó là lý do vì sao ông có cảm giác bứt rứt về cái thứ tình cảnh quái lạ và không đáng tin cậy này. Hay đó là vì ông đã uống thêm hai ly rượu nữa sau ly thứ nhất?
Nước da rám nắng màu nâu nhạt - bây giờ thì ông tin chắc là do rám nắng - trên mặt và trên cổ bà ta rất có vẻ như sẽ chạy dài tới rãnh ngực, cái rãnh ngực sâu, da nhăn nheo, đậm mùi và nóng hổi. Ông nghĩ đến nó trong khi tay quay số điện thoại mà ông đã viết xuống trước đó. Chuyện đó và cả cái cảm giác nhục dục thực tiễn từ cái lưỡi như mèo của bà ta. Và cả cặp mắt như đá quý.
Fiona ở trong phòng nhưng không nằm trên giường. Bà ngồi bên khung cửa sổ mở rộng, mặc chiếc váy màu tươi sáng hợp mùa nhưng ngắn một cách kỳ quặc. Mùi hương ấm nồng của hoa tử đinh hương đang nở rộ và mùi phân bón mùa xuân rải khắp cánh đồng ùa vào qua cửa sổ.
Trên đùi bà là cuốn sách để mở.
Bà khoe, “Anh xem em tìm thấy cuốn sách đẹp không này, nói về Iceland đấy. Không thể hiểu nổi sao người ta lại bỏ vất vưởng những cuốn sách quý như thế này ở đây như vậy. Những người ở đây chưa chắc đã là những người thật thà. Em nghĩ chắc họ để lẫn lộn quần áo của mọi người. Em có mặc màu vàng bao giờ đâu nhỉ.”
“Fiona…” ông gọi.
“Anh đi lâu quá đấy. Mình chuẩn bị xuất viện xong rồi chứ?”
“Fiona, anh mang đến cho em một bất ngờ đây này. Em có nhớ Aubrey không?”
Bà nhìn chằm chằm vào mặt ông trong một khoảnh khắc, như thể những cơn gió ào đến quất vào mặt bà. Quất vào mặt bà, quất vào đầu bà, giật tung tất cả thành vô vàn mảnh vụn.
“Những cái tên cứ chuội khỏi tâm trí em,” bà nói giọng cay đắng.
Nhưng nét mặt đó biến mất, với một nỗ lực, bà lấy lại đôi chút nét đùa bỡn duyên dáng. Bà cẩn thận đặt cuốn sách xuống rồi đứng dậy, nâng cánh tay vòng qua ôm lấy ông. Da thịt hay hơi thở của bà thoảng một mùi gì đó là lạ, ông thấy giống như mùi cành hoa cắm trong nước quá lâu.
“Em vui vì anh đã đến,” bà nói, tay bẹo tai ông.
“Anh hoàn toàn đã có thể lái xe đi mất,” bà nói. “Lái xe đi mất, không một chút âu lo gì trên đời này nữa và từ bỏ[28] em. Bỏ rớt em. Bỏ rơi em.”
Ông áp mặt mình vào mái tóc bạc trắng của bà, da đầu hồng hồng của bà, mái đầu dịu ngọt của bà. Ông bảo, Không đời nào.
HẾT
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới