The oldest books are still only just out to those who have not read them.

Samuel Butler

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
hị Queenie
Có lẽ tốt hơn là mày đừng gọi tao như thế nữa,” chị Queenie nói khi đón tôi ở ga Công Đoàn.
Tôi hỏi, “Đừng gọi thế nào cơ? Queenie á!”
“Anh Stan không thích cái tên đó,” chị nói. “Anh ấy bảo nghe cứ như tên đặt cho ngựa.”[19]
Nghe chị gọi chồng là “anh Stan” khiến tôi còn ngạc nhiên hơn là khi chị bảo tên chị không phải là Queenie nữa, mà là Lena. Nhưng tôi cũng không trông đợi chị vẫn gọi chồng mình là ông Vorguilla sau khi đã cưới nhau được một năm rưỡi. Trong suốt quãng thời gian đó, tôi không gặp chị, và vừa mới đây thôi, khi thoáng thấy bóng chị, giữa nhóm người đang chờ đợi ở sân ga, tôi đã suýt không nhận ra.
Tóc chị nhuộm đen và uốn phồng lên ôm lấy khuôn mặt, chả hiểu theo kiểu mốt gì thời đó, nối tiếp mốt tóc tổ ong. Mái tóc xưa dài óng mượt, màu xi rô ngô đẹp tuyệt - vàng kim ở chân và đậm dần phía dưới - đã vĩnh viễn không còn nữa. Chị mặc cái váy in họa tiết màu vàng bó sát người, ngắn trên đầu gối vài phân. Viền mắt kẻ đậm kiểu nữ hoàng Cleopatra và lớp phấn mắt màu tím làm cho cặp mắt chị không to hơn mà thậm chí có vẻ như bé đi, như thể chúng đang cố tình lẩn trốn. Chị đã xỏ lỗ tai, lủng lẳng hai cái khuyên vàng to.
Tôi nhận ra là chị cũng hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Tôi cố tỏ ra bạo dạn và dễ dãi. Tôi hỏi, “Chị mặc váy hay là quấn diềm bâu vào mông thế?” Chị phá lên cười, thế là tôi nói tiếp, “Sao trên tàu lúc nào cũng nóng thế không biết. Em đổ mồ hôi như một con lợn đây này.”
Tôi có thể nghe được giọng nói của mình, giọng mũi vang và sôi nổi như giọng dì Bet, mẹ kế của tôi.
Đổ mồ hôi như một con lợn.
Ngồi trên xe điện đến chỗ chị Queenie, tôi không thể nào hãm được cái giọng điệu ngốc nghếch đó. Tôi nói, “Mình vẫn đang ở trung tâm thành phố à?” Những tòa nhà cao tầng nhanh chóng tuột lại sau lưng chúng tôi, nhưng tôi không nghĩ người ta có thể gọi khu này là khu dân cư được. Cũng vẫn những loại cửa hàng và những tòa nhà y hệt nhau lặp đi lặp lại tiệm giặt sấy, cửa hàng hoa, hiệu tạp phẩm, nhà hàng. Những thùng đựng rau quả bày ra vỉa hè, những bảng hiệu treo trên cửa sổ tầng hai: nha sĩ, thợ may, vật liệu ống nước. Hầu như không một tòa nhà cao hơn hai tầng, hầu như không có đến một cái cây.
“Đây không phải là trung tâm chính,” chị Queenie trả lời. “Có nhớ tao chỉ cho mày chỗ Simpson không? Chỗ mình đón xe điện ấy? Chỗ đó mới thực sự là trung tâm.”
“Vậy mình sắp tới chưa?” tôi hỏi.
Chị bảo, “Ôi mình còn phải đi chán chê mới tận tới nơi.”
Rồi chị bảo, “ ‘Mới tới nơi’. Anh Stan cũng không thích tao nói ‘tận tới nơi’.”
Sự lặp đi lặp lại của cảnh vật, hoặc cũng có thể là cái nóng, làm tôi cảm thấy sốt ruột và hơi nôn nao. Chúng tôi giữ chiếc va li của tôi trên đầu gối. Cách ngón tay tôi chỉ vài phân là cái cổ béo núc và cái đầu hói của một gã đàn ông. Lưa thưa vài sợi tóc dài đen bết mồ hôi báng vào da đầu. Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ đến mấy cái răng giả của ông Vorguilla trong tủ thuốc, chị Queenie đã chỉ cho tôi xem khi chị còn làm việc cho gia đình nhà Vorguilla, lúc ấy là hàng xóm sát cạnh nhà tôi. Cái thời xa lắc xa lơ trước khi người ta có thể nghĩ đến chuyện gọi ông Vorguilla là anh Stan.
Hai cái răng gắn liền nhau đặt cạnh dao cạo râu, bàn chải quét xà phòng cạo râu và cái bát bằng gỗ đựng cục xà phòng cạo râu gớm ghiếc bám đầy râu tóc.
“Cầu của ông ấy đấy,” chị Queenie bảo.
Cầu?
“Cầu răng.” “Kinh!” tôi nói.
“Đây là cái sơ cua,” chị nói thêm. “Ông ấy đang đeo một cái khác”
“Kinh! Trông vàng khè nhỉ?”
Chị Queenie vội lấy tay bịt miệng tôi. Chị không muốn bà Vorguilla nghe thấy. Bà đang nằm ở dưới nhà, trên đi văng trong phòng ăn. Bà ta thường nhắm mắt, nhưng chưa chắc đã là đang ngủ.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng xuống xe điện, rồi chúng tôi phải leo bộ lên một ngọn đồi dốc, cố gắng vụng về để cùng chia nhau trọng lượng cái va li. Nhà ở đây không hoàn toàn giống nhau, mặc dù thoạt nhìn thì giống. Một vài nhà có mái trổ ra bên ngoài tường trông như mũ lưỡi trai, hoặc nếu không thì toàn bộ tầng hai trông như cái mái nhà, che phủ bằng những miếng ngói. Những miếng ngói này màu xanh lá cây đậm, màu hạt dẻ hoặc màu nâu. Thềm nhà đưa ra cách vỉa hè chỉ vài mét, và khoảng cách giữa hai nhà cạnh nhau hẹp đến nỗi tưởng như người ta có thể chìa tay qua cửa sổ hông nhà mà bắt tay thăm hỏi. Bọn trẻ con đang chơi ngoài vỉa hè nhưng chị Queenie coi chúng chẳng khác gì lũ chim đang tha thẩn nhặt nhạnh. Một gã đàn ông béo ị, cởi trần, đang ngồi trên bậc thềm trước nhà chằm chằm nhìn chúng tôi, cái nhìn chăm chú và ảm đạm đến nỗi tôi tin là lão ta đang muốn nói gì đó. Chị Queenie cứ thế diễu qua mặt lão.
Chị rẽ sau khi leo lên đồi được một đoạn, theo con đường mòn lát sỏi giữa mấy thùng thiếc đựng rác. Từ cửa sổ tầng trên, một người đàn bà gọi với xuống gì đó mà tôi không hiểu nổi. Chị Queenie đáp lại, “Nó là em gái cháu, nó đến chơi.”
“Bà chủ nhà đấy chị giải thích, “Nhà bà ấy ở đằng trước, trên lầu. Người Hy Lạp. Bà ấy chẳng nói tiếng anh không được mấy.”[20]
Hóa ra chị Queenie, ông Vorguilla và mấy người Hy Lạp này dùng chung một phòng vệ sinh. Phải mang theo giấy vệ sinh - nếu quên thì sẽ chả có tí giấy nào trong đó. Tôi phải vào ngay, vì lúc ấy tôi đang đến tháng, ra rất nhiều và cần phải thay băng. Rất nhiều năm sau đó, cứ nhìn thấy những con đường thành phố như vậy trong những ngày nóng nực, nhìn thấy màu gạch nâu và màu ngói sơn đậm, hay nghe thấy tiếng tàu điện, là tôi lại nhớ đến cái cảm giác quặn đau ở bụng dưới, nhớ đến những đợt kinh trào ra, cảm giác ngượng ngập khó chịu.
Căn hộ có một phòng ngủ cho chị Queenie và ông Vorguilla, một phòng ngủ khác được dùng làm phòng khách nhỏ, một căn bếp chật chội và một phòng đón nắng. Cái giường xếp nhỏ trong phòng đón nắng là chỗ ngủ cho tôi. Bên ngoài gần cửa sổ, ông chủ nhà và một người đàn ông khác đang chữa cái xe gắn máy. Mùi dầu xe, mùi kim loại, mùi máy móc pha trộn với mùi cà chua chín dưới ánh mặt trời nóng bỏng. Tiếng radio phát nhạc om sòm từ cửa sổ tầng trên.
“Anh Stan không thể nào chịu được cái thứ ấy,” chị nói.
“Cái radio đó?” Chị đóng kín màn cửa vải hoa lại, nhưng tiếng ồn và ánh mặt trời vẫn lọt vào. “Giá mà tao có đủ tiền để may lớp vải lót cho cái màn cửa này,” chị than thở.
Tôi cầm trong tay chiếc băng vệ sinh đẫm máu kinh gói trong lớp giấy vệ sinh. Chị đưa cho tôi cái túi giấy và chỉ cho tôi thùng rác ngoài trời. “Mang tất ra,” chị nói. “Mang ngay ra. Mày sẽ không quên đấy chứ? Mà đừng có để anh ấy thấy cái hộp của mày; anh ấy rất ghét bị gợi nhớ về chuyện ấy.”
Tôi van cố lãnh đạm, ra vẻ tự nhiên như đang ở nhà mình. “Em phải mua một cái váy đẹp và mốt như váy của chị mới được,” tôi nói.
“Để tao may cho mày một cái,” chị Queenie nói, đầu chúi vào tủ lạnh. “Mày có muốn uống Coca không? Tao biết một chỗ bán vải vụn. Tao may cả cái váy này mà chỉ tốn khoảng ba đô la. Mà bây giờ mày mặc cỡ số mấy?” Tôi nhún vai. Tôi bảo tôi đang cố giảm cân.
“Hừm. Có thể mình sẽ kiếm được cái gì đó hay hay.”
“Ba sẽ cưới một dì về làm vợ, dì có một cô con gái nhỏ cũng cỡ tuổi như con đấy,” ba tôi thông báo. “Con bé đã không còn cha. Vậy nên ba muốn con hứa với ba một điều, bà con sẽ không bao giờ trêu chọc hay nói những lời độc ác với con bé về chuyện này. Như anh chị em trong một nhà, thế nào cũng có lúc tụi con gây gỗ, bất đồng ý kiến với nhau, nhưng con cũng không bao giờ được lôi chuyện đó ra. Và nếu bọn trẻ con khác trêu chọc con bé về chuyện đó thì con không bao giờ được hùa theo chúng nó.”
Chỉ để cãi bướng, tôi bảo tôi không có mẹ nhưng đã có ai nói gì độc ác với tôi đâu.
Cha tôi trả lời, “Chuyện ấy khác.”
Cha tôi đã hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi chẳng có gì gọi là đồng lứa, bởi vì khi cha tôi cưới dì Bet thì chị Queenie đã chín tuổi, còn tôi mới chỉ lên sáu. Dù sau này, khi tôi nhảy một lớp và chị Queenie bị đúp một lớp thì ở trường học, chúng tôi nhích lại gần nhau hơn. Và tôi chưa bao giờ thấy ai độc ác với chị Queenie. Chị là kiểu người mà ai cũng muốn kết bạn. Chị là người đầu tiên được chọn vào đội bóng chày mặc dù chị chẳng quan tâm gì đến môn thể thao này, và là người đầu tiên được chọn vào bội đánh vần mặc dù chị đánh vần cực kém. Hơn nữa, chúng tôi chả bao giờ cãi nhau. Không một lần nào. Chị rất tốt với tôi và tôi thì vô cùng ngưỡng mộ chị. Tôi thần tượng chị vì chị có mái tóc vàng kim đậm màu và đôi mắt sẫm trông như buồn ngủ - chỉ vì diện mạo và giọng cười của chị mà thôi. Giọng chị cười ngọt và thô ráp như đường nâu. Đáng ngạc nhiên là với bao nhiêu lợi thế như vậy mà chị vẫn rất thương người và tốt bụng.
Ngay sau khi tôi ngủ dậy, vào cái buổi sáng chị Queenie biến mất, một sáng chớm đông, tôi linh tính được ngay là chị đã đi mất.
Trời lúc ấy vẫn còn tối, quãng sáu, bảy giờ sáng. Căn nhà lạnh cóng. Tôi khoác lên người cái áo choàng tắm to đùng màu nâu, xốp như len mà chị Queenie và tôi vẫn dùng chung. Chúng tôi gọi nó là Buffalo Bill và thỏa thuận là ai ra khỏi giường trước thì được mặc nó. Nguồn gốc của cái áo này là cả một điều bí ẩn.
“Chắc là một người bạn của mẹ Bet tặng trước khi mẹ lấy dượng,” chị Queenie cho tôi biết. “Nhưng không được nói gì đâu đấy, mẹ sẽ giết tao.” Giường chị trống không, chị cũng không ở trong phòng tắm. Tôi xuống dưới nhà, không bật đèn vì không muốn đánh thức dì Bet. Tôi nhìn ra ngoài ô kính nhỏ trần cửa ra vào. Vỉa hè rắn đanh, lối đi bên vệ đường, sân cỏ phẳng lì trước nhà, tất thảy đều lấp lánh ánh sương giá. Tuyết đến muộn. Tôi bật máy điều nhiệt trong hành lang lên, thế là chiếc lò sưởi chuyển mình trong bóng tối, phát ra tiếng gầm gừ đáng tin cậy. Chúng tôi vừa mua lò sưởi dầu và cha tôi nói ông vẫn còn thói quen bừng tỉnh mỗi sáng lúc năm giờ, nghĩ bụng đã đến giờ xuống tầng hầm đốt lửa sưởi.
Cha tôi ngủ trong một gian phòng nhỏ cạnh bếp, trước đây là kho thực phẩm. Ông có một cái giường sắt và một cái ghế tựa gãy lưng đặt chồng tạp chí National Geographics cũ mà ông thường đọc khi khó ngủ. Ông bật tắt đèn trần bằng một sợi dây cột vào khung giường. Toàn bộ sự sắp xếp này đối với tôi dường như hoàn toàn tự nhiên và phù hợp với một người đàn ông là người cha, là trụ cột của gia đình. Ông cần phải ngủ như một người lính gác, đắp tấm chăn vải thô, với cái mùi không bao giờ bỏ được của ông, mùi máy móc pha trộn với mùi thuốc lá. Đọc báo và thức hàng giờ, tỉnh táo ngay cả trong khi ngủ. Vậy mà cha đã không hề nghe thấy chị Queenie bỏ đi. Ông bảo chắc chị phải ở đâu đó trong nhà. “Con đã tìm trong phòng tắm chưa?”
Tôi đáp, “Chị ấy không có trong phòng tắm.”
“Hay là đang ở trong phòng với mẹ nó. Chắc dì con lại bị ma ám.”
Cha tôi gọi đó là ma ám, khi dì Bet tỉnh dậy - hoặc nửa tỉnh nửa mê - sau một cơn ác mộng. Dì thường mò mẫm ra khỏi phòng, miệng ú ớ không thể nào giải thích được cái gì đã làm dì hoảng sợ, và chị Queenie sẽ phải đưa dì quay lại giường. Chị sẽ nằm ôm cuộn lấy lưng dì, vỗ về an ủi bằng những âm thanh nghe như tiếng chó con táp sữa, và sáng dậy, dì Bet sẽ chẳng còn nhớ gì nữa.
Tôi bật đèn phòng bếp.
“Con không muốn đánh thức dì Bet,” tôi nói.
Tôi nhìn cái khuôn bánh mì đáy đã gỉ sét, được lau chùi quá nhiều lần bằng khăn lau bát, nồi niêu trên mặt bếp đã được rửa sạch nhưng chưa cất đi, và tôi nhìn câu phương châm của công ty Fairholme Dairy: Chúa Trời là tâm linh của mỗi nhà. Tất cả những thứ này đang ngu ngốc chờ đợi một ngày mới bắt đầu mà không hề biết là cái ngày này đã bị một thảm họa khoét rỗng. Cửa dẫn ra hàng hiên bên hông nhà không khóa.
“Có người vào nhà mình,” tôi hốt hoảng. “Có người vào nhà bắt cóc chị Queenie rồi.”
Cha tôi đi ra, xỏ quần dài bên ngoài quần lót dài. Dì Bet choàng áo sợi len xù, lệt phệt đôi dép lê đi xuống cầu thang, vừa đi vừa bật sáng đèn trong nhà.
“Con Queenie không ngủ với em à cha tôi hỏi. Rồi ông quay qua tôi, “Cửa chắc chắn phải được mở khóa từ bên trong.”
Dì Bet hỏi, “Chuyện gì với con Queenie thế?”
“Chắc là nó chỉ muốn đi dạo thôi,” cha tôi trả lời.
Dì Bet phớt lờ câu nói của cha. Dì đang đắp mặt nạ, một thứ gì đó màu hồng đã khô. Dì làm đại lý bán mỹ phẩm, và dì không bao giờ bán cái gì mà không thử trước.
“Con qua nhà Vorguilla xem sao,” dì quay qua bảo tôi. “Chắc là chị con quên làm cái gì bên đó.”
Lúc đó đâu khoảng một tuần sau đám tang bà Vorguilla, nhưng chị Queenie vẫn tiếp tục làm việc bên nhà ấy, giúp xếp bát đĩa và chăn màn vào hộp để ông Vorguilla chuyển đến một căn hộ. Ông ấy bận chuẩn bị cho mấy buổi hòa nhạc mừng Giáng sinh ở trường nên không tự lo việc này được. Nhưng dì Bet lại muốn chị Vorguilla nghỉ làm để giúp việc ở một trong mấy cửa hàng của dì trong dịp lễ Giáng sinh.
Thay vì chạy lên lầu lấy giày, tôi xỏ chân vào đôi ủng cao su của cha để bên cạnh cửa ra vào. Tôi loạng choạng đi qua sân đến trước hiên nhà Vorguilla và bấm chuông. Đó là tiếng chuông nhạc, dường như thông báo cho khách đây là ngôi nhà của những người yêu âm nhạc. Tôi quấn chặt chiếc áo choàng Buffalo Bill quanh người và cầu khẩn. Chị Queenie, ôi chị Queenie, chị hãy bật đèn lên đi. Tôi quên mất là nếu chị đang làm việc trong nhà thì nhà đã phải sáng đèn rồi.
Không có ai trả lời. Tôi đập thình thình vào cánh cửa gỗ. Ông Vorguilla chắc là sẽ tức giận lắm nếu tôi đánh thức ông ấy dậy. Tôi áp tai vào cửa, lắng nghe tiếng động trong nhà.
“Ông Vorguilla. Ông Vorguilla. Cháu xin lỗi đã đánh thức ông, ông Vorguilla. Có ai ở trong nhà không?”
Cửa sổ nhà sát cạnh phía bên kia nhà Vorguilla được kéo lên. Đó là ông Hovey, một ông già độc thân sống ở đó với cô em gái.
“Mắt mũi cháu để đâu rồi?” ông Hovey gọi xuống. “Cháu thử nhìn lối lái xe vào nhà xem.”
Xe của ông Vorguilla không có đó.
Ông Hovey đóng sập cửa sổ xuống.
Khi tôi mở cửa vào bếp nhà mình, tôi thấy cha và dì Bet đang ngồi bên bàn với hai tách trà trước mặt. Trong thoáng chốc, tôi có cảm giác trật tự đã được vãn hồi. Đã có ai đó gọi điện, chắc thế, với tin tốt lành.
“Ông Vorguilla không có nhà tôi thông báo. “Xe ông ấy không có ở đó ạ.”
“Ồ, cha con và dì biết rồi,” dì Bet nói. “Chúng ta biết hết cả rồi.”
Cha tôi đẩy mảnh giấy qua bàn rồi nói, “Con xem đây này.” Tờ giấy ghi, Con sẽ cưới ông Vorguilla. Kính thư, Queenie.
“Chị con chặn nó ở dưới hũ đường,” cha tôi cho biết.
Dì Bet buông rơi cái thìa.
“Tôi muốn truy tố hắn,” dì hét lên. “Tôi muốn tống cái con ấy vào trại cải tạo. Tôi muốn gọi cảnh sát.”
Cha tôi ôn tồn, “Con bé mười tám tuổi rồi, nó có thể lấy chồng nếu nó muốn. Cảnh sát sẽ không mang lô cốt ra để cản đường đâu.”
“Ai nói chúng nó đang trên đường? Chúng nó đang hú hí ở một cái nhà trọ nào đó. Cái con bé ngu ngốc với thằng cha Vorguilla mắt lồi đít thối ấy.”
“Nói như thế chẳng mang được con bé về đâu.”
“Tôi không muốn nó về. Trừ phi nó phải lạy lục. Nó làm thì nó ráng mà chịu với cái thằng cha mắt lồi của nó. Thằng chó ấy có chịch vào mồm con mất dạy thì tôi cũng chẳng quan tâm.”
Cha tôi ngắt lời dì, “Đủ rồi đấy.”
Chị Queenie đưa cho tôi mấy viên thuốc giảm đau 222 để uống cùng Coca.
“Một khi lấy chồng, chứng đau bụng kinh sẽ biến sạch, tuyệt lắm. Vậy là… dượng đã nói cho mày nghe chuyện của tụi tao, phải không?”
Khi tôi nói với cha là tôi muốn kiếm một công việc mùa hè trước khi vào học trường Cao đẳng Sư phạm vào mùa thu, cha đã khuyên có lẽ tôi nên đi Toronto tìm chị Queenie. Ông cho biết chị đã viết thư cho ông, hỏi thăm về công ty vận tải của ông và xin ông ít tiền để họ qua được mùa đông.
“Có lẽ tao sẽ chẳng bao giờ viết thư cho dượng,” chị Queenie phân trần, “nếu không vì năm ngoái anh Stan bị viêm phổi.”
Tôi nói, “Đấy là lần đầu tiên em biết chị ở đâu.” Chả hiểu vì sao tôi bỗng ứa nước mắt. Vì tôi cảm thấy quá đỗi hạnh phúc khi biết tin chị, vì tôi đã quá đỗi cô đơn trước khi tôi nghe tin, vì ngay lúc này tôi ước ao giá mà chị nói, “Tất nhiên, tao đã luôn luôn muốn liên lạc với mày,” nhưng chị không nói.
“Dì Bet không biết gì đâu,” tôi nói. “Dì nghĩ là em ở đây một mình.”
“Mong là thế,” chị Queenie trầm tĩnh nói. “Ý tao là, mong là mẹ không biết.”
Tôi có biết bao nhiêu điều muốn kể chị nghe, những chuyện ở nhà. Tôi cho chị biết là công ty vận tải trước đây có ba xe bây giờ đã có một tá, dì Bet đã mua một chiếc áo khoác lông chuột xạ hương và mở rộng công việc làm ăn, mở thẩm mỹ viện ngay tại nhà. Để phục vụ mục đích ấy, dì đã sửa sang căn phòng trước đây cha tôi ngủ, và cha đã phải chuyển cái giường sắt và chồng tạp chí National Geographics vào phòng làm việc - một cái khoang trú ẩn dã chiến của không quân mà ông đã kéo về sân đậu xe tải. Ngồi học thi tốt nghiệp ở bàn ăn, tôi đã từng nghe dì Bet tán chuyện trước khi trát đầy kem dưỡng da lên khuôn mặt thô ráp của một khách hàng, “Với làn da nhạy cảm như thế này thì chị đừng bao giờ dùng đến khăn mặt.” Và đôi khi, với giọng điệu không kém phần sôi nổi, nhưng ít hy vọng hơn, dì nói, chị biết không, tôi đã từng biết một con quỷ ác, một con quỷ ác sống ngay cạnh nhà mà tôi chả hề nghi ngờ gì cả, vì thường người ta chả bao giờ nghi ngờ, đúng không? Lúc nào tôi cũng nghĩ tốt về người khác. Cho đến khi họ chơi đểu ngay vào mặt mình.”
Và khách hàng thường đồng tình, “Đúng đấy. Tôi cũng thế đấy.”
Hay là, “Người đời cứ nghĩ họ biết đau đớn là gì, nhưng họ thậm chí không biết đến một nửa cái cảm giác đau đớn ấy.”
Và sau khi tiễn khách ra cửa, dì Bet sẽ quay lại, rên rỉ và nói, “Trong tối mà sờ phải mặt bà ta thì không thể phân biệt được đấy là giấy nhám hay da mặt.”
Chị Queenie không có vẻ gì là muốn nghe những chuyện này. Mà đằng nào cũng chả có mấy thời gian. Chưa uống xong Coca thì chúng tôi đã nghe thấy tiếng bước chân bước nhanh và mạnh trên lối đi rải sỏi và ông Vorguilla bước vào bếp.
“Anh xem ai này,” chị Queenie kêu lên. Chị nhổm dậy, dường như muốn chạm tay vào ông nhưng ông đã đi né về phía bồn rửa.
Giọng chị đầy vẻ ngạc nhiên cười đùa khiến tôi nghi ngờ không biết ông ta có được kể trước về lá thư của tôi hay về chuyện tôi trên đường tới đây.
“Chrissy đây này,” chị nói.
“Anh thấy mà,” ông Vorguilla trả lời. “Chrissy, chắc cháu phải thích thời tiết nóng nực lắm nên mới đến Toronto vào mùa hè như thế này.” “Nó định đi tìm việc làm,” chị Queenie nói.
“Cháu có bằng cấp gì không?” ông Vorguilla hỏi. “Cháu có bằng cấp gì để tìm việc ở Toronto?”
Chị Queenie trả lời, “Nó có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.”
“Vậy à, hy vọng như vậy là đủ,” ông Vorguilla nói. Ông rót một ly nước và uống một hơi cạn ly, lưng quay lại chúng tôi. Giống hệt như ông vẫn thường làm ở nhà cũ, cái nhà họ Vorguilla cạnh nhà tôi, khi bà Vorguilla, chị Queenie và tôi ngồi ở trong bếp. Ông Vorguilla về nhà sau một buổi tập dượt đâu đó, hay ông nghỉ giải lao trong lúc dạy đàn piano phòng khách. Nghe tiếng chân ông, bà Vorguilla sẽ nhìn chúng tôi mỉm cười ra hiệu. Tất cả chúng tôi cùng cúi xuống nhìn vào những mẩu chữ cái của trò xếp chữ, cho ông ấy cơ hội tự quyết định có bắt chuyện với chúng tôi hay không. Đôi khi ông không bắt chuyện. Tiếng mở cửa tủ ly, tiếng vặn vòi nước, tiếng đặt cái ly xuống bàn, tất cả như một chuỗi những tiếng nổ nhỏ. Như thể ông thách thức đố ai dám thở trong khi ông ở trong phòng.
Khi dạy nhạc ở trường, thái độ của ông cũng như vậy. Ông vào lớp với bước chân của một người không có đến một phút để phí phạm, ông chỉ gõ que một lần để báo hiệu đã đến lúc bắt đầu. Ông khệnh khạng đi lên đi xuống lối đi, tai vểnh lên, cặp mắt xanh ốc nhồi đầy cảnh giác, vẻ mặt căng thẳng như sắp sinh sự. Bất cứ lúc này ông cũng có thể dừng ở bàn của ta, lắng nghe ta hát, để xem ta đang giả vờ hát hay hát lạc điệu. Rồi ông từ từ cúi đầu xuống, mắt ông lồi ra như muốn chạm vào mắt ta, tay ông sẽ ra hiệu cho những giọng hát khác im lặng, khiến ta phải xấu hổ. Nghe đồn là ông cũng độc tài như vậy ở những dàn đồng ca và câu lạc bộ hát bè khác của ông. Vậy mà ông rất được mọi người ưa chuộng, nhất là các bà các cô. Họ đan cho ông đủ thứ vào dịp Giáng sinh. Tất, mũ che tai, găng tay để ông giữ ấm trên những chặng đường đi từ trường học này đến trường học khác, từ dàn đồng ca này đến dàn đồng ca khác.
Chị Queenie bắt đầu cai quản ngôi nhà khi bà Vorguilla bệnh nặng đến mức không thể lo nổi. Có lần chị moi từ ngăn kéo ra một món đồ gì đó được đan bằng len và gí vào mặt tôi. Có ai đó gửi đến tặng nhưng giấu tên.
Tôi không nhận biết được đó là món đồ gì.
“Đây là cái để sưởi ấm thằng cu tí đấy,” chị Queenie giải thích. “Bà Vorguilla bảo không được để ông ấy thấy, không thì ông ấy sẽ tức giận. Mày không biết đó là cái gì à?”
Tôi trả lời, “Gớm quá!”
“Chỉ là trêu chòng thôi mà.”
Cả chị Queenie và ông Vorguilla đều phải đi làm vào buổi chiều tối. ông Vorguilla chơi đàn piano ở nhà hàng. Ông mặc áo đuôi tôm. Còn chị Queenie thì bán vé ở một rạp chiếu bóng. Rạp chiếu bóng chỉ cách nhà vài dãy phố nên tôi cùng chị cuốc bộ đến đó. Khi nhìn thấy chị ngồi trong phòng bán vé, tôi hiểu ra là cách trang điểm, kiểu tóc nhuộm bồng lên và đôi khuyên tai bự tổ chảng thực ra trông cũng không lạ lắm. Chị Queenie trông giống mấy cô gái đi ngang qua đường hay mấy cô khách vào rạp xem phim với bạn trai. Và trông chị khá giống mấy cô gái trẻ trong áp phích quảng cáo treo khắp nơi xung quanh chị. Chị trông có vẻ như có mối liên hệ với thế giới đầy kịch tính, thế giới của những cuộc tình nóng bỏng và những mối nguy hiểm, những thứ đang diễn ra trên màn ảnh.
Trông chị - như cách cha hay nói - không phải là một người chịu nhún nhường bất cứ ai.
“Sao mày không đi chơi lang thang đâu đó một chút đi?” chị bảo tôi. Nhưng tôi cứ có cảm giác lồ lộ. Tôi không thể hình dung ra cảnh tượng mình ngồi ở quán cà phê, quảng cáo cho cả thế giới biết là tôi chả có việc gì làm và chả có chỗ nào để đi. Hay vào cửa hàng, thử những bộ áo váy mà tôi chẳng có hy vọng gì mua nổi. Thế là tôi lại leo lên cái ngọn đồi ấy, vẫy tay chào người đàn bà Hy Lạp đang gọi với ra từ cửa sổ tầng trên. Tôi mở cửa vào nhà bằng chìa khóa của chị Queenie.
Tôi ngồi trên chiếc giường xếp trong phòng đón nắng. Chẳng có chỗ nào để treo mớ quần áo tôi mang theo, và tôi nghĩ đằng nào thì có lẽ cũng chưa nên dỡ hành lý vội. Ông Vorguilla có lẽ không thích bất cứ một dấu hiệu gì chứng tỏ tôi sẽ trú lại đây.
Tôi tưởng là bề ngoài của ông Vorguilla cũng sẽ khác đi, như chị Queenie vậy. Nhưng ông chẳng hề thay đổi như cách mà chị đã đổi thay, theo cái chiều hướng mà đối với tôi là sành điệu và có sức quyến rũ ngoại lai mạnh mẽ. Tóc ông trước đây màu muối tiêu nay đã hoàn toàn bạc, và vẻ mặt ông - trước đây lúc nào cũng như sẵn sàng bùng lên phẫn nộ trước khả năng xuất hiện một sự thiếu tôn trọng, một buổi trình diễn không đạt yêu cầu, hay chỉ là do một cái gì không nằm đúng chỗ trong nhà ông - giờ đây dường như đã trở thành nỗi bất bình muôn thuở, như thể một sự lăng mạ đang diễn ra, hay một hành động xấu xa nào đó xảy ra thường xuyên mà không bị trừng phạt, ngay trước mắt ông.
Tôi đứng dậy đi vòng quanh căn hộ. Người ta thường không thể nào quan sát kỹ được nơi người khác ở trong khi họ có mặt ở nhà.
Phòng bếp là gian phòng đẹp nhất, mặc dù hơi tối. Cây thường xuân leo vòng quanh cửa sổ trước bồn rửa, những cái thìa gỗ cắm vào cái ly vại xinh đẹp không có tay cầm, như cách bà Vorguilla từng sắp xếp. Phòng khách có cây đàn piano, cũng là cây đàn đã từng đặt ở phòng khách trước đây. Một cái ghế bành, một kệ sách xây từ gạch và ván gỗ, một máy quay đĩa và vô số đĩa nhạc trên sàn nhà. Không có ti vi. Không có ghế bập bênh bằng gỗ óc chó hay màn cửa bằng thảm hoa. Thậm chí không có cả cái đèn sàn có phong cảnh Nhật Bản vẽ trên lớp giấy chụp đèn. Vậy mà tất cả những thứ này đã được chuyển đến Toronto trong một ngày tuyết rơi. Tôi đã về nhà vào giờ ăn trưa và nhìn thấy cái xe tải chở đồ. Dì Bet không thể nào rời mắt khỏi ô kính trên cửa ra vào. Cuối cùng, dì đã quên phéng mất cái nhân phẩm mà dì thường thích phô trương với người lạ, mở cửa và hét vào mặt những người chuyển đồ. “Chúng mày về Toronto, nói với cái thằng ấy là nếu nó về đây thì giờ hồn với tao.”
Những người chuyển đồ vui vẻ vẫy tay, cứ như thể họ đã quá quen với những cảnh thế này, và cũng có thể là họ quen thật. Di chuyển đồ đạc có lẽ đặt người ta vào tình thế phải chịu nhiều cơn thịnh nộ và la hét điên cuồng. Nhưng mà những thứ này biến đi đâu được nhỉ? Bán đi rồi chăng. Chắc là bán hết thật rồi. Cha tôi nói có vẻ như ông Vorguilla đang khổ sở vì bị sa cơ trong ngạch nghề nghiệp của mình ở Toronto. Chị Queenie có nói gì đó về chuyện “không trả nổi”. Chị sẽ không bao giờ viết thư cho cha tôi nếu họ không gặp khó khăn đến mức không trả nổi.
Chắc và họ đã bán hết đồ đạc trước khi viết cho cha tôi.
Trên giá sách tôi thấy quyển Bách khoa toàn thư về âm nhạc, sách tham khảo hoàn cầu về nhạc kịch, và Cuộc đời của những nhà soạn nhạc vĩ đại. Và cả cuốn sách to, mỏng có bìa rất đẹp – thơ tứ tuyệt của Omar Khayyám - cuốn sách mà bà Vorguilla thường để bên cạnh đi văng của mình.
Có một cuốn sách khác có bìa trang trí tương tự nhưng tôi không nhớ chính xác nhan đề. Có gì đó trong nhan đề khiến tôi nghĩ là mình sẽ thích nó. Từ “khai hoa” hay “tỏa hương” thì phải. Tôi mở sách, và tôi nhớ khá rõ câu đầu tiên đọc được.
“Những cung tần trẻ trong harim cũng được hướng dẫn cách sử dụng tinh tế móng tay của mình.”
Tôi không chắc cung tần là gì, nhưng từ “harim” (tại sao lại không là “harem”[21]?) đã mách nước cho tôi. thế là tôi đọc tiếp, để xem họ được dạy làm gì với móng tay của họ. Tôi đọc miết, chắc phải cả tiếng đồng hồ, và rồi tôi để cuốn sách rớt xuống sàn nhà. Tôi cảm thấy vừa kích thích, vừa ghê tởm, vừa sửng sốt. Chẳng lẽ đây là thứ mà những người lớn đĩnh đạc quan tâm đến?
Ngay cả cách trang trí trên bìa sách cũng có vẻ gì hơi độc hại và hư hỏng, những dây leo xinh đẹp, cong cong xoắn xuýt. Tôi nhặt cuốn sách lên để trả về chỗ cũ nhưng cuốn sách rơi xuống, để lộ hàng chữ trên trang lót. Stan và Marigold Vorguilla. Nét chữ phụ nữ. Stan và Marigold.
Tôi nhớ đến vầng trán trắng cao và những lọn tóc muối tiêu nhỏ xoăn tít của bà Vorguilla. Đôi bông tai ngọc trai trơn và những chiếc áo cánh cổ thắt nơ. Bà cao hơn ông Vorguilla khá nhiều và người ta cho rằng đó là vì sao mà hai ông bà ít đi chơi cùng nhau. Nhưng thực tế là vì bà mệt đứt hơi. Bà mệt đứt hơi khi lên cầu thang, hay khi phơi quần áo trên dây. Và rồi cuối cùng, bà mệt đứt hơi cả khi ngồi chơi xếp chữ.
Lúc đầu, cha tôi không cho phép chúng tôi nhận tiền giúp bà đi chợ hay phơi quần áo - cha bảo chỉ là hàng xóm láng giềng giúp nhau.
Dì Bet thì cho rằng bà Vorguilla chỉ nằm ì ra đấy để xem người khác có đến phục vụ bà ấy miễn phí không.
Thế rồi ông Vorguilla qua nhà chúng tôi và thỏa thuận việc cho chị Queenie qua làm việc cho họ. Chị Queenie muốn làm lắm vì chị bị trượt một lớp ở trung học và chị không muốn phải đi học lại. Cuối cùng thì dì Bet cũng đồng ý, nhưng với điều kiện là chị Queenie sẽ không làm bất cứ việc gì liên quan đến chăm sóc bệnh nhân.
“Nếu lão ấy keo kiệt tới mức không chịu thuê y tá thì đấy không phải việc mày phải lo.”
Chị Queenie kể ông Vorguilla cho bà Vorguilla uống thuốc mỗi buổi sáng và tối nào cũng lau mình cho bà. Thậm chí ông còn giặt khăn trải giường của bà trong bồn tắm, cứ như thể là họ không có một thứ được gọi và máy giặt trong nhà vậy.
Tôi nhớ về những lần chúng tôi ngồi chơi xếp chữ trong phòng bếp, sau khi uống xong ly nước của mình, ông Vorguilla sẽ đến đặt tay lên vai bà Vorguilla, buông tiếng thở dài như thể ông vừa quay trở lại sau một hành trình dài và mệt mỏi.
Ông sẽ nói với bà, “Chào cưng.”
Bà sẽ cúi đầu hôn nhẹ lên tay ông.
Rồi bà sẽ nói, “Chào cưng.”
Và rồi ông sẽ nhìn chúng tôi, Queenie và tôi, như thể sự hiện diện của chúng tôi không hoàn toàn xúc phạm đến ông.
“Chào hai cháu.”
Sau đó chị Queenie và tôi sẽ cười rúc rích trên giường trong bóng tối.
“Ngủ ngon, cưng nhé.”
“Ngủ ngon, cưng nhé.”
Ôi, giá mà chúng tôi có thể quay ngược thời gian.
Ngoài việc vào phòng vệ sinh buổi sáng và lẻn ra ngoài để vứt băng vệ sinh vào thùng rác, tôi không đi đâu mà chỉ ngồi trên cái giường xếp đã gấp gọn chăn gối trong phòng đón nắng cho đến khi ông Vorguilla ra khỏi nhà. Tôi cứ sợ là ông không phải đi đâu cả, nhưng có vẻ như ông vẫn có nơi để đi. Ngay khi ông vừa đi, chị Queenie gọi tôi vào. Chị bày ra quả cam đã lột vỏ, ngũ cốc ngô điểm tâm và cà phê.
“Báo đây,” chị nói. “Tao đang xem mục Cần Người. Nhưng mà trước hết, tao muốn sửa lại tóc của mày cái đã. Tao sẽ cắt bớt đằng sau và cuộn lô cho quăn. Mày thấy được không?”
Tôi bảo được. Thậm chí trong lúc tôi đang ăn, chị Queenie vẫn đi vòng quanh tôi, nhìn ngắm để nghĩ cách sửa soạn cho tôi. Rồi chị đặt tôi ngồi lên cái ghế đẩu - tôi vẫn còn đang uống cà phê - còn chị thì bắt đầu chải và cắt xén.
“Mình tìm việc gì bây giờ?” chị hỏi. “Tao thấy có một việc ở tiệm giặt ủi. Làm ở quầy. Mày thấy thế nào?”
Tôi trả lời, “Cũng được.”
“Mày vẫn muốn học làm cô giáo chứ hả?”
Tôi bảo tôi không biết. Không hiểu sao tôi nghĩ chị sẽ cho đây là công việc buồn tẻ.
“Tao nghĩ là mày nên làm. Mày đủ thông minh mà. Giáo viên được trả lương cao hơn. Cao hơn những người như tao. Mày sẽ ít bị phụ thuộc hơn.”
Rồi chị bảo, nhưng không sao, làm việc ở rạp chiếu bóng cũng tốt. Chị kể chị kiếm được việc này tầm một tháng trước Giáng sinh năm ngoái, lúc ấy chị rất vui vì cuối cùng cũng có tiền của riêng mình và có thể mua tất cả nguyên liệu để làm bánh Giáng sinh. Chị kết bạn với một ông bán cây thông giáng sinh trong thùng sau xe tải. Ông ta cho chị mua một cây với giá chỉ năm mươi xu và chị đã tự kéo cái cây ấy lên đồi. Chị chăng những đài hoa giấy nhăn màu xanh đỏ, loại rẻ tiền. Chị tự làm một số đồ trang trí cây thông từ giấy thiếc bạc bóc ra từ bìa các tông và mua thêm vài thứ ở hiệu thuốc vào trước ngày lễ Giáng sinh để được đại hạ giá. Chị làm bánh quy và treo lên cây như chị đã thấy trong một tạp chí. Đấy là một phong tục ở Châu Âu.
Chị muốn mở tiệc nhưng không biết mời ai. Chị chỉ quen mấy người Hy Lạp, và anh Stan có một vài người bạn. Thế rồi chị nảy ra ý định mời học trò của anh ấy.
Tôi vẫn không thể nào làm quen được với cách chị gọi “anh Stan”. Nó không chỉ là lời nhắc nhở đến mối quan hệ thân mật riêng tư giữa chị và ông Vorguilla. Dù tất nhiên đúng là thế thật. Cách gọi này còn cho tôi cái cảm giác như chị đã nặn ra một anh Stan từ hai bàn tay trắng. Một người mới hoàn toàn. Anh Stan. Như thể xưa nay chưa từng có một ông Vorguilla mà chúng tôi đã cùng quen biết - đó là chưa kể đến bà Vorguilla.
Học trò của anh Stan bây giờ đều là người lớn - quả thực anh ấy thích dạy người lớn hơn bọn học sinh trẻ con - thế nên họ không phải lo đến chuyện nghĩ ra mấy trò chơi mua vui cho con trẻ. Buổi tiệc được tổ chức vào tối Chủ nhật, vì tất cả những buổi tối khác anh Stan phải làm việc ở nhà hàng và chị Queenie phải làm việc ở rạp chiếu bóng.
Mấy người Hy Lạp mang theo rượu họ tự ngâm, vài học trò mang theo sữa trứng, rượu rum và rượu vang sherry. Có người mang theo đĩa nhạc nhảy. Họ nghĩ anh Stan không có loại nhạc này, và họ đã không nhầm.
Chị Queenie làm bánh xúc xích và bánh gừng, còn bà người Hy Lạp mang theo bánh bích quy làm theo kiểu của họ. Tất cả mọi việc đều trôi chảy. Buổi tiệc đã thành công. Chị Queenie nhảy với anh chàng người Tàu tên Andrew, anh ta mang tới cái đĩa nhạc rất vừa ý chị.
“Xoay, xoay, xoay,” chị nói, và tôi quay đầu như chị bảo. Chị phá lên cười,
“Không, không phải, tao không bảo mày quay đầu. Cái đĩa nhạc ấy. Cái bài hát ấy. Đó là bài hát của ban nhạc Byrds.”
“Xoay, xoay, xoay,” chị hát. “Vạn vật đều có một mùa…”
Andrew là sinh viên nha khoa. Nhưng anh ta lại muốn học chơi bản sonata “Ánh trăng”. Anh Stan bảo sẽ phải rất lâu mới học nổi. Nhưng Andrew là một người kiên nhẫn. Anh ta nói với chị Queenie là anh ta không có tiền để về Bắc Ontario thăm nhà vào dịp Giáng sinh.
“Em tưởng anh ta đến đây từ Trung Quốc,” tôi ngạc nhiên.
“Không, không phải Tàu Trung Quốc. Tàu ở đây.”
Nhưng rồi cũng có một trò chơi trẻ con. Đó là trò ghế nhạc. Mọi người lúc đó ai cũng rất vui vẻ, huyên náo. Thậm chí cả anh Stan. Anh kéo chị Queenie vào lòng khi chị chạy ngang và không chịu buông chị ra. Khi mọi người đã ra về hết, anh không chịu để chị thu dọn. Anh chỉ muốn chị lên giường.
“Đàn ông là thế đấy,” chị Queenie bảo. “Mày đã có bồ chưa?”
Tôi nói không. Có một người mới đây ba tôi mướn làm tài xế hay đến nhà tôi đưa tin nhắn này nọ, cha tôi bảo, “Nó chỉ kiếm cớ để nói chuyện với con Chrissy.” Tuy nhiên, tôi tỏ ra lạnh nhạt nên cho đến bây giờ anh ta vẫn chưa dám mời tôi đi chơi.
“Vậy là mày chưa thực sự biết gì về chuyện này chị Queenie kết luận.
Tôi cãi, “Tất nhiên em biết chứ.” “Hừm hừm,” chị ậm ừ.
Khách ăn hầu hết mọi thứ ở buổi tiệc, trừ món bánh ngọt. Không mấy ai ăn món này nhưng chị Queenie chẳng tự ái. Bánh rất béo, và đến khi bày ra món bánh này thì mọi người đã no căng món xúc xích và những món khác. Vả lại, đằng nào cũng không có đủ thời gian để bánh chín như sách hướng dẫn nên làm, thế nên chị Queenie đã rất mừng là còn dư bánh. Chị định, trước khi anh Stan kéo chị vào giường, chị sẽ gói bánh trong khăn tẩm rượu và để vào chỗ mát. Chị định sẽ làm thế, hoặc cũng có thể chị đã làm thật. Buổi sáng ngủ dậy, khi không thấy cái bánh trên bàn, chị nghĩ chị đã cất nó đi. Chị nghĩ, tốt, mình cất cái bánh đi rồi.
Tầm một ngày sau anh Stan bảo, “Cái bánh đâu lấy ra ăn một miếng đi.” Chị bảo, thôi để bánh chín thậm, nhưng anh vẫn đòi ăn. Chị tìm trong tủ bếp, rồi tủ lạnh, nhưng cái bánh không có đó. Chị tìm khắp nơi nhưng không thấy cái bánh đâu cả. Chị nhớ mình nhìn thấy cái bánh trên bàn. Thế rồi chị dần dần nhớ ra cảnh chị lấy khăn sạch, nhúng vào rượu và cẩn thận gói cái bánh. Rồi chị lấy giấy sáp gói ra ngoài cái khăn. Nhưng mà chị làm những việc ấy lúc nào nhỉ? Chị thực đã làm tất cả những việc ấy hay chị chỉ mơ thôi. Chị đã cất cái bánh ở đâu sau khi gói ghém xong? Chị cố gắng nhớ đến đoạn cất cái bánh đi nhưng hoàn toàn không nhớ nổi.
Chị tìm khắp nơi trong tủ bếp, nhưng chị biết là cái bánh lất lớn nên không thể giấu trong đó được. Chị tìm trong lò nướng và thậm chí cả ở những chỗ điên khùng nhất như ngăn kéo bàn phấn, dưới gầm giường và trên kệ tủ kho. Không thấy đâu cả.
“Nếu em nhớ đã cất nó đi thì nó nhất định phải ở đâu đó,” anh Stan khẳng định.
“Em có mà. Em cất đâu đó,” chị Queenie nói.
“Hay là em say rồi vứt nó đi rồi,” anh giả dụ. Chị cãi, “Em không có say. Em không có vứt nó đi.” Nói vậy nhưng chị cũng ra thùng rác tìm. Không có.
Anh ngồi bên bàn, quan sát chị. Nếu em đã cất nó đi thì nó nhất định phải ở đâu đó. Chị bắt đầu phát cuồng.
“Em có chắc không đó?” anh Stan nghi ngờ. “Em có chắc là em không cho ai rồi chứ?”
Chị chắc chắn. Chị chắc chắn không cho ai cả. Chị gói để cất. Chị chắc chắn, chị gần như chắc chắn là chị gói để cất. Chị chắc chắn chị không cho ai cả.
“Ồ, chưa chắc,” anh Stan phán. “Anh nghĩ em cho đi rồi. Anh biết cả chuyện em cho ai nữa kìa.”
“Chị Queenie sững người. Cho ai?
“Anh nghĩ em cho Andrew.” Cho Andrew?
“Ừ, đúng thế đấy. Tội nghiệp Andrew, thằng bé than với cô ấy là nó không có tiền về thăm nhà vào dịp Giáng sinh. Thế là cô ấy tội nghiệp thằng bé quá. “Và thế là em cho nó cái bánh.”
Không đúng, chị Queenie phủ nhận. Tại sao chị lại làm thế cơ chứ? Chị không thể nào làm cái chuyện đó. Chị không bao giờ nghĩ đến chuyện cho Andrew cái bánh.
Anh Stan nói, “Lena. Đừng có nói dối nữa.”
Thế là bắt đầu cuộc vật lộn triền miên và khốn khổ của chị Queenie. Chị chỉ có thể nói là không. Không, không, em không cho ai cái bánh cả. Em không cho Andrew cái bánh. Em không nói dối. Không. Không.
“Chắc là em đã say,” anh Stan nói. “Em đã say và bây giờ em không nhớ rõ mọi chuyện.”
Chị Queenie bảo chị không say.
“Anh mới chính là người đã say,” chị cãi.
Anh đứng dậy, giơ tay sấn tới chị, nói là đừng có nói anh say, đừng bao giờ nói anh say.
Chị Queenie thét lên, “Em sẽ không nói. Em sẽ không nói. Em xin lỗi.” Anh không đánh chị. Nhưng chị bắt đầu nức nở. Chị cứ khóc hoài trong lúc cố gắng thuyết phục anh. Tại sao chị lại cho đi cái bánh mà chị đã phải khó nhọc bao nhiêu công sức để làm? Tại sao anh lại không tin chị? Tại sao chị lại phải nói dối anh cơ chứ?
“Ai mà chẳng nói dối,” anh Stan nói. Chị càng khóc, càng năn nỉ thì anh lại càng lạnh lùng và mỉa mai.
“Cứ thử logic một chút xem. Nếu mà cái bánh ở đây thì đứng dậy đi tìm đi. Nếu nó không ở đây thì cô đã cho rồi còn đâu.”
Chị Queenie bảo đấy không phải là logic. Nếu chị không tìm thấy thì không có nghĩa là chị đã cho nó đi. Rồi anh đến gần chị lần nữa, bình tĩnh và hơi mỉm cười, trong khoảnh khắc, chị nghĩ anh sẽ hôn chị. Nhưng anh đã đưa tay lên bóp cổ chị, chỉ trông giây lát, cắt đứt hơi thở của chị. Anh thậm chí không để lại dấu vết nào.
“Sao,” anh nói. “Sao… cô lại còn đòi dạy tôi về logic hả?”
Rồi anh đi thay quần áo để đi làm, đi chơi đàn ở nhà hàng.
Anh không chịu nói chuyện với chị. Anh viết cho chị mẩu giấy, bảo anh sẽ không bao giờ nói chuyện với chị nếu chị không chịu nói sự thật. Chị khóc suốt cả lễ Giáng sinh. Lẽ ra chị và anh Stan phải qua thăm gia đình chủ nhà người Hy Lạp vào ngày Giáng sinh nhưng chị không đi được vì mặt mũi sưng húp. Anh Stan phải đi một mình và nói là chị bị ốm. Gia đình Hy Lạp chắc là đằng nào cũng đã biết sự thật. Qua vách tường, có lẽ họ đã nghe thấy hết tất cả những khóc lóc, la ó.
Chị nhồi cả tấn phấn son lên mặt và đi làm, ông quản lý bảo, “Sao, cô định ám chỉ với khách hàng đây và một câu chuyện đầy nước mắt đấy hả?” Chị bảo chị bị viêm xoang và ông cho chị về.
Đêm đó khi anh Stan về nhà và giả tảng như chị không có trên đời này, chị quay qua nhìn anh. Chị biết là anh sẽ lên giường, sẽ nằm cạnh chị, cứng đơ như một khúc gỗ và nếu chị nằm sát và thì anh sẽ tiếp tục cứng đơ như khúc gỗ cho đến khi chị nằm tránh ra. Chị hiểu ra và anh sẽ tiếp tục sống như vậy và chị không thể nào sống như vậy. Chị nghĩ là nếu phải tiếp tục sống như thế này thì chị sẽ chết mất. Giống như anh đã bóp nghẹt lấy chị, chị sẽ không thở được, chị sẽ chết.
Vì vậy chị nói, Tha lỗi cho em.
Tha lỗi cho em. Em đã làm như anh nói. Em xin lỗi.
Em xin anh. Em xin anh. Tha lỗi cho em.
Anh ngồi dậy trên giường. Không nói gì.
Chị bảo chị thực đã quên mất chuyện cho bánh và bây giờ chị nhớ ra là chị đã làm chuyện đó và chị xin lỗi.
“Em không nói dối,” chị nói. “Em quên.”
“Cô quên là cô đã đưa cái bánh cho Andrew?” anh nói.
“Chắc là thế. Em quên.”
“Cho Andrew. Cô đã cho Andrew.”
Vâng, chị Queenie nói. Đúng, đúng, chị đã cho. Rồi chị gào lên khóc, níu lấy anh, van xin anh tha lỗi cho chị.
Thôi được rồi, đừng có quá kích động nữa, anh nói. Anh không nói anh tha lỗi cho chị, nhưng anh lấy cái khăn ấm, lau mặt cho chị, nằm xuống ôm ấp chị, và rồi chẳng mấy chốc, anh muốn làm tất tật những thứ khác.
“Không dạy thêm buổi nhạc nào cho ngài Sonata Ánh Trăng nữa nhé.” Thế rồi, tác hại hơn nữa là sau đó chị tìm ra cái bánh.
Chị tìm thấy nó, gói trong cái khăn và gói trong giấy sáp đúng như chị nhớ. Và bỏ vào trong túi đi chợ rồi treo lên cái móc trong phòng đón nắng. Tất nhiên rồi. Phòng đón nắng là chỗ lý tưởng vì quá lạnh nên không dùng được vào mùa đông, nhưng không lạnh đến mức đông cứng. Chắc là chị nghĩ như vậy khi treo cái bánh ở đó. Đây là chỗ lý tưởng. Nhưng rồi chị quên mất. Chị hơi say - chắc là chị hơi say. Chị quên tiệt. Và cái bánh ở ngay đó.
Chị tìm thấy và chị vứt tuốt. Chị không bao giờ nói với anh Stan.
“Tao liệng nó đi,” chị tiếp tục kể. “Mặc dù nó vẫn còn ngon lành với bao nhiêu trái cây và đủ thứ mắc tiền trong đó, nhưng tao không đời nào muốn khơi lại chuyện đó nữa. Nên tao liệng phéng nó đi.”
Giọng của chị, nghe thống khổ biết chừng nào ở những đoạn buồn bã của câu chuyện, giờ đây có vẻ ranh mãnh và đầy tiếng cười, như thể nãy giờ chị đang kể một truyện cười, và chuyện vứt cái bánh đi như là đỉnh điểm hài hước của câu chuyện.
Tôi phải kéo đầu mình ra khỏi tay chị, quay lại nhìn chị.
Tôi nói, “Nhưng ông ấy sai mà.”
“Ừ thì tất nhiên là anh ấy sai. Đàn ông không bình thường, Chrissy. Đó là một điều mà mày sẽ học được nếu một ngày nào đó mày lấy chồng.”
“Vậy thì em sẽ không bao giờ. Em sẽ không bao giờ lấy chồng.”
“Anh ấy chỉ ghen thôi mà,” chị giải thích. “Anh ấy chỉ ghen tuông quá thôi.”
“Em sẽ không bao giờ lấy chồng.”
“Biết nói thế nào nhỉ, mày với tao rất khác nhau, Chrissy. Rất khác nhau.” Chị thở dài. Chị bảo, “Tao là người sinh ra để yêu.” Tôi nghĩ người ta chỉ đọc được những từ này trên áp phích quảng cáo phim. “Sinh ra để yêu.” Cũng có thể câu này có trên một trong những áp phích quảng cáo phim ở rạp chỗ chị Queenie làm việc.
“Đợi tao gỡ mấy cái lô uốn tóc này ra, mày sẽ thấy mày xinh như thế nào,” chị bảo. “Rồi chẳng bao lâu nữa mày sẽ không nói là mày không có bạn trai. Nhưng hôm nay thì muộn rồi. Mai đi sớm nhé! Nếu anh Stan hỏi gì, mày cứ bảo mày có đi vài chỗ, người ta lấy số điện thoại của mày. Cứ nói cửa hàng, nhà hàng hay cái gì đó, miễn là anh ấy nghĩ mày đang đi tìm việc là được.”
*
* *
Tôi được thuê ngay ngày hôm sau, ngay chỗ đầu tiên tôi thử, dù tôi không đi sớm được như dự định. Chị Queenie đã quyết định làm thử kiểu tóc khác cho tôi và trang điểm mắt, nhưng kết quả không như chị mong đợi. “Mày đúng là loại người nên để tự nhiên,” chị bảo, và tôi xóa hết son phấn của chị, bôi cây son của mình, màu đỏ bình thường, không lóng lánh nhợt nhạt như của chị.
Đến lúc này thì đã quá muộn, chị Queenie không thể đi cùng tôi đến kiểm tra hộp thư của chị. Chị phải chuẩn bị đi làm. Hôm ấy là thứ Bảy nên chị phải làm cả buổi chiều và buổi tối. Chị lấy chìa khóa ra và nhờ tôi đi kiểm tra thư cho chị. Chị giải thích cho tôi chỗ để hộp thư.
“Tao phải có hộp thư riêng khi tao viết cho dượng,” chị phân bua.
Công việc tôi tìm được là hiệu thuốc dưới tầng hầm một khu căn hộ. Tôi được thuê phục vụ quầy bán đồ ăn trưa. Lúc mới bước vào tôi nghĩ mình sẽ chẳng có hy vọng gì. Tóc tôi xõa xượi vì trời nóng và mồ hôi lấm tấm phía trên miệng như một lớp ria mép bằng nước. Ít ra tôi đã đỡ đau bụng hơn.
Một bà mặc đồng phục trắng đang uống cà phê ở quầy.
“Cô đến tìm việc à?” bà ta hỏi.
Tôi trả lời vâng. Bà ta có khuôn mặt thô, vuông vức, chân mày kẻ chì, và bộ tóc màu tim tím bới lên như cái tổ ong.
“Cô nói tiếng anh chứ?”
“Dạ có.”
“Ý tôi là không phải cô vừa mới học nói tiếng Anh đấy chứ? Cô có phải là người nước ngoài không?” Tôi bảo không.
“Hai ngày vừa rồi tôi đã thử hai cô và phải cho nghỉ cả hai. Một cô làm bộ như biết tiếng Anh nhưng không nói được gì, còn cô kia thì việc gì tôi cũng phải nói đi nói lại cả chục lần. Ra bồn đằng kia rửa tay thật kỹ, tôi sẽ lấy cho cô cái tạp dề. Chồng tôi là dược sĩ, còn tôi tính tiền. (Lúc này tôi mới nhận ra người đàn ông tóc muối tiêu đằng sau cái quầy cao trong góc, đang nhìn tôi nhưng lại giả vờ như không nhìn.) “Bây giờ vắng khách, nhưng chút nữa sẽ đông. Khách toàn và người già trong khu, sau giấc ngủ trưa họ thường xuống đây kiếm cà phê.”
Tôi buộc dây tạp dề và đến đứng sau quầy. Được thuê làm việc ở Toronto hẳn hoi nhé. Tôi cố gắng tự mình tìm xem mọi thứ ở đâu mà không phải hỏi và tôi chỉ hỏi đúng hai câu - dùng máy pha cà phê như thế nào và tính tiền la sao. “Cô ghi vào hóa đơn rồi khách mang hóa đơn đến cho tôi. Vậy được chứ?”
Mọi việc cũng trôi chảy. Khách đến một hai người một, thường là mua cà phê hoặc Coca. Tôi lau rửa ly tách, giữ quầy sạch sẽ, và hình như tôi làm hóa đơn đúng nên không có ai khiếu nại. Đúng như bà kia nói, khách hầu hết là người già. Có mấy người khách nói chuyện rất tử tế, nhận ra tôi là người làm mới và thậm chí hỏi thăm tôi từ đâu tới. Mấy người khác thì trông như thể đang ở trong tình trạng hôn mê. Một bà muốn bánh mì nướng và tôi cũng loay hoay làm xong cho bà. Rồi tôi làm một cái sandwich kẹp giăm bông. Tôi hơi bối rối một chút khi có bốn khách đến cùng một lúc. Một ông muốn bánh nướng và kem, tôi thấy kem cứng như xi măng mãi không múc ra được. Nhưng rồi tôi cũng làm được. Tôi tự tin hơn. Tôi nói với họ, “Xin mời” khi đặt đồ ăn thức uống xuống bàn, và đùa tếu, “Còn đây là thiệt hại” khi đưa cho họ hóa đơn.
Khi không có khách, bà chủ từ quầy tính tiền đi ra chỗ tôi.
“Tôi thấy cô nướng bánh mì cho khách,” bà ta nói. “Cô có biết đọc không đấy?”
Bà ta chỉ tấm bảng dán trên chiếc gương đằng sau quầy.
KHÔNG BÁN ĐỒ ĂN SÁNG SAU MƯỜI MỘT GIỜ TRƯA.
Tôi bảo tôi cứ tưởng nếu bán sandwich nướng được thì tức là có thể bán bánh mì nướng được.
“Cô tưởng sai rồi. Sandwich nướng thì được, nhưng phải trả thêm mười xu. Còn bánh mì nướng thì không. Rõ chưa?”
Tôi bảo vâng. Lúc đầu tôi còn chưa thấy buồn lắm, dù như bình thường thì chắc tôi đã rất chán nản. Trong suốt lúc làm việc, tôi cứ nghĩ thật nhẹ cả người khi về báo với ông Vorguilla rằng vâng, tôi đã kiếm được việc. Bây giờ thì tôi có thể đi tìm thuê một phòng để sống. Có thể ngay ngày mai, Chủ nhật, nếu hiệu thuốc đóng cửa. Thậm chí nếu tôi có phòng riêng, tôi nghĩ, thì chị Queenie sẽ có chỗ trốn đi nếu ông Vorguilla lại nổi điên với chị. Và nếu có bao giờ chị Queenie quyết định bỏ ông Vorguilla (bất kể cái cách chị Queenie kết thúc câu chuyện, tôi vẫn cứ dai dẳng nghĩ về khả năng chị sẽ bỏ đi), với số tiền nhận được từ cả hai việc làm, biết đâu chúng tôi có thể thuê được một căn hộ nho nhỏ. Hoặc ít ra là một phòng có bếp và buồng tắm riêng. Sẽ giống như khi chúng tôi ở nhà với cha mẹ, chỉ khác là sẽ không có cha mẹ chúng tôi ở đó. Tôi bày thêm mấy lá xà lách rách tươm và một quả dưa chuột bao tử muối thìa là bên cạnh mỗi miếng sandwich. Vì một tấm bảng khác dán trên gương hứa như vậy. Nhưng khi lấy quả dưa chuột ra từ cái hũ, tôi nghĩ như vậy là quá nhiều, nên tôi cắt ra làm đôi. Tôi vừa bưng ra cho một ông khách miếng sandwich như thế thì bà chủ từ quầy thu tiền ra rót cho mình tách cà phê. Bà ta mang tách cà phê trở lại quầy thu tiền, vừa đứng vừa uống. Khi ông khách ăn xong miếng bánh, trả tiền và đi ra, bà ta lại ra chỗ tôi.
“Cô cho ông ta một nửa quả dưa chuột muối. Cô làm như thế cho tất cả những ai mua sandwich à?”
Tôi bảo đúng thế.
“Thế cô không biết thái dưa chuột à? Một quả dưa chuột muối đủ cho ít nhất mười suất sandwich.”
Tôi nhìn lên tấm bảng. “Nhưng cái bảng này có nói một lát dưa chuột muối đâu. Nó ghi là một quả dưa chuột muối mà.”
“Đủ rồi,” bà ta nói. “Cởi cái tạp dề ra ngay. Tôi không đời nào cho phép nhân viên cãi lại mình. Cô đi lấy túi xách và ra khỏi đây ngay. Và đừng có mà đòi trả tiền vì cô chưa làm được cái gì lợi lộc cho tôi cả, vả lại đây chỉ là tập sự thôi?”
Người đàn ông tóc muối tiêu len lén nhìn ra, nụ cười lo lắng.
Thế là tôi lại thấy mình lang thang ngoài đường, đi bộ đến bến xe điện. Nhưng bây giờ thì tôi đã biết vài con đường và biết cách chuyển xe. Tôi thậm chí đã được thử việc. Tôi có thể nói là tôi đã làm việc ở quầy bán đồ ăn trưa. Nhưng nếu có ai đòi thư giới thiệu thì khá gay go đây - nhưng tôi có thể nói là tôi làm ở quê nhà. Trong khi chờ xe, tôi lấy ra danh sách những nơi định xin việc khác và bản đồ chị Queenie đưa cho tôi. Nhưng lúc ấy đã muộn hơn tôi tưởng và nhiều chỗ có vẻ quá xa. Tôi hoảng sợ khi nghĩ đến chuyện phải nói cho ông Vorguilla biết sự thật. Tôi quyết định đi bộ về, hy vọng là khi về đến nhà thì ông ta đã đi làm.
Khi vừa rẽ vào để lên đồi thì tôi sực nhớ đến hộp thư ở bưu điện. Tôi vòng trở lại bưu điện, lấy lá thư ra từ hộp thư và đi bộ về nhà. Chắc giờ này ông ta đã đi rồi.
Nhưng hóa ra ông ta chưa đi. Khi tôi đi ngang qua cửa sổ phòng khách trông ra con đường mòn bên cạnh nhà, tôi nghe thấy tiếng nhạc. Đây không phải là nhạc chị Queenie nghe. Đó là kiểu nhạc phức tạp mà đôi khi chúng tôi nghe được qua cửa sổ để ngỏ từ nhà Vorguilla - loại nhạc đòi hỏi sự chú ý của người nghe nhưng rồi chẳng đi đến đâu cả, hay ít ra là nghe mãi cũng chả thấy đi đến đâu. Nhạc cổ điển.
Chị Queenie đang ở trong bếp, mặc một cái váy bó sát người khác, và trang điểm kỹ càng. Chị đeo vàng đầy hai cánh tay. Chị đang chuẩn bị khay trà. Tôi hơi chóng mặt vì vừa ở ngoài trời nắng về, và không một mẩu da nào là không ướt đầm mồ hôi.
“Suỵt,” chị Queenie ra hiệu, vì tôi vừa đóng sập cửa. “Họ đang ở trong nhà nghe nhạc. Anh ấy với anh bạn Leslie.”
Chị vừa nói xong thì tiếng nhạc đột ngột ngưng lại và một cuộc bàn luận sôi nổi tuôn ra như pháo rang.
“Một người cho máy chơi nhạc và người kia phải đoán là bài gì từ một đoạn nhạc ngắn,” chị Queenie giải thích. “Họ chơi cứ chút một rồi ngưng, chơi tới chơi lui hoài. Muốn điên cái đầu luôn.” Chị bắt đầu thái thịt gà nguội đặt lên những lát bánh mì quết bơ. “Mày có tìm được việc không?” chị hỏi.
“Có, nhưng mà chẳng được lâu.”
“Ừ, không sao.” Chị không có vẻ quan tâm lắm. Nhưng khi nhạc vừa bắt đầu lại, chị ngước lên và mỉm cười hỏi, “Mày có đến…” Chưa dứt câu thì chị nhìn thấy lá thư tôi đang cầm trên tay.
Chị buột tay rơi con dao, chạy vội vàng đến chỗ tôi, nói nhỏ, “Mày đi thẳng vào nhà với cái thư trong tay như thế. Tao quên dặn trước là phải cất nó vào trong túi. Đấy là thư riêng của tao.” Chị giật lá thư từ tay tôi, ngay lúc đó, ấm nước trên bếp bắt đầu réo sôi.
“Ôi chết, lấy cái ấm ra ngay. Chrissy, nhanh lên, nhanh! Lấy cái ấm ra ngay, không là anh ấy sẽ ra đây, anh ấy không ưa tiếng nước sôi réo.” Chị quay bưng bóc thư xem.
Tôi lấy cái ấm ra khỏi bếp, chị bảo, “Pha trà đi, làm ơn nhé…” Giọng chị khe khẽ, lo lắng như đang đọc một tin nhắn khẩn cấp. “Cứ rót hết nước vào thôi, đong sẵn rồi.”
Chị cười như vừa đọc một truyện cười tình riêng tư. Tôi rót nước lên những lá trà và chị rối rít, “Cảm ơn. Ôi, cảm ơn, Chrissy; cảm ơn.” Chị quay lại nhìn tôi. Mặt chị ửng hồng và những cái vòng đeo tay của chị leng keng trong nỗi khích động vui sướng. Chị gấp thư lại, kéo váy lên và lận nó vào lưng chun quần lót.
Chị giải thích, “Nhiều lúc anh ấy hay lục lọi túi tao.”
Tôi hỏi, “Trà cho họ à?”
“Ừ. Mà tao phải đi làm đây. Tao đang làm cái gì ấy nhỉ à phải, cắt sandwich. Con dao đâu rồi?”
Tôi nhặt con dao lên, cắt bánh đặt vào đĩa.
“Mày không muốn biết thư của ai à?” chị hỏi.
Tôi không đoán ra.
Tôi nói, “Của dì Bẹt à?”
Chắc vì trong thâm tâm tôi hy vọng chuyện dì Bet tha thứ chính là nguyên nhân đã khiến cho gương mặt chị Queenie rạng rỡ như hoa.
Tôi thậm chí chẳng để ý gì đến chữ trên phong bì.
Gương mặt chị Queenie thay đổi - trong khoảnh khắc, như thể chị không biết dì Bét là ai. Thế rồi vẻ hạnh phúc trở lại với chị. Chị đến bên tôi, ôm choàng lấy tôi và thì thầm vào tai tôi, giọng run rẩy, e thẹn và hân hoan.
“Thư của Andrew đấy. Mày mang cái khay đến cho họ được không? Tao không làm được. Tao không thể làm được ngay lúc này. Ôi, cảm ơn mày.”
Trước khi đi làm, chị Queenie vào phòng khách hôn ông Vorguilla và bạn ông ta. Chị hôn cả hai người lên trán. Chị vẫy tay chào tôi. “Chào nhé.”
Khi tôi đem cái khay vào, tôi thấy vẻ khó chịu trên mặt ông Vorguilla, khi ông thấy đó không phải là chị Queenie. Nhưng ông nói với tôi bằng một giọng khoan dung đáng ngạc nhiên và ông giới thiệu tôi với Leslie. Leslie là một anh chàng mập mạp hói đầu. Thoáng nhìn thì tôi nghĩ anh chắc phải gần già bằng ông Vorguilla. Nhưng khi quen quen rồi và đừng để ý đến cái đầu hói thì anh có vẻ trẻ hơn nhiều. Anh không phải là loại người mà tôi nghĩ sẽ là bạn của ông Vorguilla. Anh không lỗ mãng và không tỏ vẻ cái gì cũng biết, mà ngược lại, thoải mái và đầy vẻ khích lệ. Ví dụ như khi nghe tôi kể về chuyện làm việc ở quầy ăn trưa, anh bảo, “Chà, cũng là một chuyện đáng tự hào đấy chứ. Được thuê ngay từ nơi đầu tiên thử xin việc. Chứng tỏ là cô biết cách làm cho người khác có ấn tượng tốt về mình.
Tôi không cảm thấy khó chuyện trò về trải nghiệm đó. Sự hiện diện của Leslie làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và có vẻ như khiến hành xử của ông Vorguilla dễ chịu hơn. Như thể, trước mặt bạn, ông buộc phải lịch sự nhã nhặn với tôi. Cũng có thể là ông cảm nhận được có gì đó thay đổi từ phía tôi. Người ta thường cảm nhận được sự khác biệt khi người khác không sợ họ nữa. Có lẽ ông không chắc lắm về sự thay đổi này và mù tịt về chuyện tại sao có sự thay đổi này, nhưng nó đã làm cho ông bối rối và khiến ông thận trọng hơn. Ông đồng ý với Leslie là may mà tôi không làm cái việc ấy, ông thậm chí còn bảo bà này nghe có vẻ như thuộc loại lừa đảo ngoan cố mà đôi khi người ta gặp ở mấy nơi mờ ám kiểu đó ở Toronto.
“Bà ta đã sai khi quỵt tiền của cháu,” ông nói.
“Lẽ ra chồng bà ta phải lên tiếng Leslie bồi thêm. Nếu ông ấy là dược sĩ thì ông ấy là chủ.”
Ông Vorguilla nói, “Chắc chắn rồi một ngày nào đó lão sẽ chế một liều thuốc đặc biệt cho bà ta. Cho mụ vợ lão.”
Đúng là chẳng khó khăn gì mấy khi rót trà, mời đường sữa, đưa bánh và thậm chí nói chuyện với một người, khi mình biết một điều gì đó mà họ không biết, về mối nguy cơ đang đe dọa họ. Chính bởi vì ông Vorguilla không biết nên tôi có một cảm giác khác trước ông, ngoài cảm giác căm ghét ra. Chứ không phải vì bản thân ông đã thay đổi - hoặc giả nếu ông có thay đổi thì có lẽ là do tôi đã thay đổi.
Chẳng mấy chốc ông cho biết đã đến giờ ông chuẩn bị đi làm. Ông đi thay quần áo. Rồi Leslie hỏi tôi có muốn đi ăn tối với anh hay không.
“Tôi hay đi ăn ở một chỗ ngay góc đường đây thôi,” anh nói. “Chẳng có gì sang trọng đâu. Không phải như chỗ anh Stan làm việc đâu.”
Tôi mừng rỡ khi nghe nói đấy không phải là chỗ sang trọng. Tôi nói,
“Vâng.” Sau khi thả ông Vorguilla ở nhà hàng, chúng tôi đi xe của Leslie đến một chỗ bán cá và khoai tây chiên. Leslie gọi suất ăn tối đặc biệt - mặc dù anh vừa mới ngốn hết mấy cái sandwich thịt gà xong- còn tôi thì chỉ gọi suất vừa. Anh uống bia, còn tôi uống Coca.
Anh kể về mình. Anh bảo ước gì trước đây chọn học Cao đẳng Sư phạm thay vì chọn âm nhạc, vì cái nghề này bấp bênh quá.
Tôi thì đang quá mải nghĩ về tình huống của mình nên cũng không hỏi anh là nhạc sĩ gì. Cha tôi mua cho tôi cái vé khứ hồi và bảo, “Ở với ông ta và với con bé ấy, con chả bao giờ biết chắc được cái gì đâu.” Tôi đã nghĩ đến cái vé khứ hồi lúc tôi quan sát chị lận lá thư vào lưng quần lót. Mặc dù lúc ấy tôi thậm chí chưa biết đó là thư của Anthew.
Tôi đến đây đâu phải chỉ để đến Toronto, hay tôi đến Toronto đâu phải chỉ để kiếm việc làm mùa hè. Tôi đến đây để được là một phần cuộc sống của chị Queenie. Hoặc nếu cần, một phần cuộc sống của chị và của ông Vorguilla. Thậm chí khi tôi tưởng tượng đến chuyện chị Queenie sống với tôi, những tưởng tượng ấy cũng liên quan đến ông Vorguilla, đến chuyện chị trừng phạt ông ấy đích đáng. Khi tôi nghĩ về cái vé khứ hồi, tôi đã coi một chuyện khác là đương nhiên.
Rằng đương nhiên tôi có thể trở về sống với dì Bet, với cha, và là một phần cuộc sống của họ.
Cha tôi và dì Bet. Ông bà Vorguilla. Chị Queenie và ông Vorguilla. Thậm chí cả chị Queenie và Andrew. Đó là những cặp đôi, và mỗi cặp, dù cho có bị chia lìa thế nào chăng nữa, giờ đây, hay trong ký ức, đều có một hang ổ riêng tư với những nóng lạnh và rung động riêng, và tôi hoàn toàn bị cắt lìa khỏi thế giới đó. Tôi phải bị cắt lìa, tôi mong muốn được cắt lìa, bởi vì tôi không thấy có bất cứ điều gì trong cuộc sống của họ có thể chỉ dẫn cho tôi, khích lệ tôi.
Leslie cũng là một người bị cắt lìa. Thế nhưng anh lại kể cho tôi nghe về người này người kia, liên quan với anh qua quan hệ ruột thịt hay qua tình bằng hữu. Vợ chồng cô em gái. Mấy đứa cháu gái cháu trai, những cặp vợ chồng anh đến thăm và nghỉ lễ với họ. Tất cả những người này đều có vấn đề, nhưng họ có giá trị của họ. Anh kể về công việc của họ, hay về việc họ không có công ăn việc làm, về tài năng, vận may, sai sót khi đánh giá. Anh kể với vẻ quan tâm sâu sắc, nhưng lại chẳng có tí thiết tha nồng nhiệt nào. Dường như anh bị cắt lìa khỏi tình yêu hay hận thù.
Sau này trong đời mình tôi nhận ra những thiếu sót của tình trạng này. Tôi sẽ cảm thấy sự sốt ruột, chậm chí sự ngờ vực mà phụ nữ thường cảm thấy khi gặp một người đàn ông không có động cơ. Những người chỉ có thể cho đi tình bạn và họ cho dễ dàng đến nỗi nếu có bị từ chối thì họ vẫn có thể vui vẻ bỏ qua, như không có chuyện gì xảy ra. Đây rõ ràng không phải là một anh chàng cô đơn đang hy vọng kiếm được một cô bồ. Đến cả tôi còn thấy được điều này. Anh chỉ là một người tìm khuây khỏa trong giây lát và trên bề mặt hời hợt chấp nhận được của cuộc sống.
Bầu bạn với anh chính là cái tôi cần, mặc dù lúc ấy tôi hầu như không nhận ra điều đó. Có thể anh đang đối xử tử tế với tôi một cách có chủ ý. Cũng như tôi đã nghĩ là mình đã tử tế với ông Vorguilla, hoặc ít ra là che chở ông, mặc dù hoàn toàn không định như thế, mới chỉ cách đây không lâu.
Khi tôi đang học Cao đẳng Sư phạm thì chị Queenie lại bỏ nhà ra đi. Tôi biết tin qua thư của cha. Cha bảo cha không biết chuyện xảy ra như thế nào và vào lúc nào. Mất một dạo ông Vorguilla không cho cha tôi biết gì, rồi ông quyết định báo cho cha tôi, phòng khi chị Queenie trở về quê. Cha tôi nói với ông Vorguilla và chắc chẳng có mấy khả năng chị sẽ về. Trong lá thư gửi cho tôi, cha nói, ít ra lần này mình có thể chắc chắn, bỏ nhà ra đi là chuyện con Queenie rất có thể làm.
Nhiều năm sau này, thậm chí cả sau khi tôi đã lập gia đình, ông Vorguilla vẫn gửi thiệp Giáng sinh cho tôi. Cảnh xe trượt tuyết với những gói quà màu sặc sỡ; hay cảnh một gia đình hạnh phúc đang đứng ở ngưỡng cửa trang hoàng đẹp đẽ chào đón bạn bè. Có thể ông cho rằng cứ nhìn vào lối sống hiện nay của tôi thì đó hẳn là những cảnh tượng tôi thấy hấp dẫn. Hoặc cũng có thể là ông nhắm mắt chọn đại từ trên giá. Ông luôn luôn để địa chỉ hồi âm - nhắc nhở tôi về sự tồn tại của ông và cho tôi biết ông đang ở đâu, phòng khi có tin tức.
Bản thân tôi thì đã từ bỏ hy vọng sẽ có tin tức của chị. Tôi không bao giờ biết được có phải chị đã chạy trốn với Andrew hay với ai khác. Hay liệu chị có ở lại với Andrew không, nếu anh ta là người chị đã đi theo. Khi cha tôi qua đời, ông để lại cho chúng tôi ít tiền, và chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm chị nhưng không thành. Nhưng một điều gì đó đã xảy ra. Giờ đây, trong những năm tháng khi con cái đã khôn lớn, chồng tôi đã về hưu và hai vợ chồng thường xuyên đi du lịch, tôi có cảm giác là đôi khi tôi nhìn chấy chị Queenie. Không phải vì tôi ao ước quá hay cố gắng quá mà tôi nhìn thấy chị, và tôi cũng không chắc chắn lắm đó có đúng là chị hay không.
Một lần là ở sân bay đông đúc, chị mặc cái xà rông và đội mũ rơm viền hoa. Rám nắng và sôi nổi, trông giàu sang, đầy bạn bè xung quanh. Lần khác chị đứng giữa đám đàn bà con gái bu ở cổng nhà thờ để rình xem cảnh đám cưới. Chị mặc cái áo vét da lộn lốm đốm và trông chị không có vẻ gì là giàu sang hay khỏe mạnh. Một lần khác nữa chị đứng đợi ở ngã tư đường, dẫn theo một đám trẻ con tuổi mẫu giáo trên đường đến hồ bơi hay công viên. Đó là một ngày nóng nực, tôi trông thấy thân hình đầy đặn ở lứa tuổi trung tuần của chị rất rõ và rất thật, trong bộ quần soóc hoa và áo thun có in chữ. Lần cuối lạ lùng nhất, trong một siêu thị ở thành phố Twin Falls, tỉnh Idaho. Tôi vừa rẽ ở một góc, tay ôm mấy đồ ăn trưa mua cho buổi dã ngoại, thì nhìn thấy một bà già đang tựa vào cái xe đẩy siêu thị, vẻ như đang đợi tôi. Một bà già nhỏ nhắn, nhăn nheo, miệng hơi méo, da nâu nâu như bệnh. Tóc nâu vàng lởm chởm, quần màu tím kéo xốc lên trên gò bụng nhỏ - bà ta thuộc loại phụ nữ gầy gò nhưng vì tuổi tác nên đã mất đi dường cong eo ót lẽ ra đã dễ dàng có được. Cái quần chắc là mua từ cửa hàng từ thiện, và chắc là áo len cũng thế, áo màu tươi nhưng đã xỉn và bị co rút, cài nút choàng lên bộ ngực lép kẹp như của con nít mười tuổi.
Cái xe đẩy không có gì. Bà ta thậm chí không có túi xách.
Khác với những phiên bản trước đó, người này có vẻ như biết mình là Queenie. Bà ta cười với tôi như thể vui mừng nhận ra tôi, với một khát khao là tôi sẽ nhận ra bà là ai, tha thiết đến nỗi ta có cảm giác như đây sẽ là một ân huệ lớn lao - một khoảnh khắc được trao cho bà để thoát ra khỏi bóng tối, dù chỉ một lần sau hàng ngàn ngày.
Vậy mà tôi chỉ toát miệng ra cười lịch sự và bâng quơ, như thể cười với một người lạ điên điên khùng khùng, và rồi tiếp tục đi ra phía quầy tính tiền.
Trong bãi đậu xe, tôi viện cớ với chồng là quên một món đồ và vội vã quay lại cửa hàng. Tôi đi tới đi lui hết dãy này qua dãy khác, tìm kiếm. Nhưng chỉ trong phút chốc mà người đàn bà đó dường như biến mất. Chắc là bà ta đi ngay sau khi tôi ra khỏi cửa hàng; có lẽ bà ta đang ở đâu đó trên đường phố Twin Falls. Đi bộ, hay đi xe họ hàng hay hàng xóm chở. Hay thậm chí là tự lái. Rất ít khả năng bà ta còn ở cửa hàng và chúng tôi cứ đi tới đi lui giữa các giá kệ mà không nhìn thấy nhau. Tôi thấy mình đi hết hướng này sang hướng khác, rùng mình vì không khí lạnh căm trong cửa hàng giữa mùa hè, đăm đăm nhìn vào những gương mặt tôi gặp, có lẽ tôi đã làm họ sợ, vì cái nhìn của tôi là lời khẩn nài lặng lẽ, hãy cho tôi biết liệu tôi có thể tìm chị Queenie ở đâu.
Cho đến khi tôi tỉnh ngộ ra và tự thuyết phục chính bản thân mình rằng không thể có chuyện đó, và rằng cho dù đó là chị Queenie hay không phải chị, thì người đàn bà đó cũng đã bở rơi tôi rồi.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới