Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ầm Ma
Mùa hè năm 1979, tôi bước vào bếp nhà Sunny, bạn tôi, ở gần Uxbridge, Ontario, và nhìn thấy một người đàn ông đang đứng bên kệ bếp, tự làm món sandwich phết xốt cà chua.
Nãy giờ tôi cứ lái xe loanh quanh trong vùng đồi phía Đông Bắc Toronto, cùng với chồng - chồng thứ hai, chứ không phải người tôi đã bỏ vào mùa hè năm đó - tôi đã đi tìm ngôi nhà này một cách bền bỉ vô ích, tôi cố gắng định vị nó nằm trên đường nào nhưng công cốc. Có thể nó đã bị phá đi. Vợ chồng Sunny đã bán nó vài năm sau lần tôi đến thăm. Nó quá xa Ottawa nơi họ sống, nên không tiện làm nhà nghỉ mùa hè. Con cái họ đến tuổi thiếu niên lại ngại đến đó. Và có quá nhiều việc sửa sang mà Johnston - chồng Sunny - phải làm, trong khi anh ta lại thích cuối tuần đi đánh gôn.
Tôi tìm thấy sân gôn - tôi nghĩ đúng là nó, dù lề sân nham nhở đã được sửa lại gọn ghẽ và có nhà câu lạc bộ trang trí cầu kỳ hơn.
Ở làng quê nơi tôi sống lúc nhỏ, giếng có thể bị cạn vào mùa hè. Chuyện này xảy ra cỡ năm hay sáu năm một lần, khi mưa không đủ. Những cái giếng này là hố đào dưới đất. Giếng nhà tôi sâu hơn đa số giếng khác, nhưng chúng tôi lại cần nhiều nước dự trữ cho thú nuôi trong chuồng - cha tôi nuôi cáo xám bạc và chồn - vì thế một ngày nọ thợ khoan giếng đến, mang theo thiết bị trông rất ấn tượng, và cái hố được đào sâu nữa sâu mãi vào lòng đất đến khi tìm được nước trong đá. Từ đó chúng tôi có thể bơm lên nước tinh khiết mát lạnh, bất kể thời điểm nào trong năm và dù thời tiết có khô đến đâu. Đó là điều đáng tự hào. Một cái ca thiếc treo trên máy bơm, và khi uống nước trong ca vào một ngày nóng bỏng, tôi nghĩ đến những tảng đá đến nơi nước chảy lóng lánh như kim cương.
Thợ khoan giếng - thỉnh thoảng bị gọi là thợ đào giếng, như thể chẳng ai thèm bận tâm gọi tên chính xác công việc ông làm vào lối mô tả nào càng cũ kỹ thì càng thuận tiện - là một người đàn ông tên Mike McCallum. Ông sống ở thị trấn gần trang trại nhà tôi nhưng không có nhà riêng ở đó. Ông trọ trong khách sạn Clark - ông đến đó vào mùa xuân, và sẽ ở lại cho đến khi làm xong bất kỳ việc gì tìm được ở vùng đất này. Rồi ông lại đi tiếp.
Mike McCallum trạc tuổi cha tôi, nhưng ông có một cậu con trai lớn hơn tôi một năm hai tháng. Cậu này sống với cha trong phòng khách sạn và nhà trọ, bất kỳ nơi nào cha cậu làm việc, và cậu đi học ở bất kỳ trường nào gần đó. Tên cậu cũng là Mike McCallum.
Tôi biết đích xác tuổi cậu, vì đó là điều trẻ con xác minh ngay lập tức, một trong những vấn đề chủ chốt mà dựa vào đó chúng thương lượng có làm bạn với nhau hay không. Cậu chín tuổi, còn tôi tám tuổi. Sinh nhật cậu vào tháng tư, còn tôi vào tháng Sáu. Khi cậu cùng cha đến nhà tôi, thì kỳ nghỉ hè đã bắt đầu từ lâu.
Cha cậu lái chiếc xe tải màu đỏ thẫm luôn lấm bùn hoặc bụi. Mike và tôi leo vào buồng lái khi trời mưa. Tôi không nhớ lúc đó cha cậu đi vào bếp nhà tôi, để hút thuốc và uống một tách trà, hay đứng dưới cây, hay đi làm việc ngay nữa. Mưa xối rửa cửa sổ buồng lái và gây tiếng ồn như đá rơi trên mái nhà. Mùi đàn ông - áo bảo hộ lao động và đồ nghề và thuốc lá và ủng nhớp nhúa và tất chua loét. Cả mùi chó lông dài ẩm ướt, vì chúng tôi mang chú chó Ranger theo. Tôi coi Ranger là vật nghiễm nhiên đã có đó, tôi quen có nó đi theo khắp nơi và đôi khi chẳng có lý do gì tôi cũng bắt nó ở nhà, hay đi ra nhà kho, hay để tôi yên một mình. Nhưng Mike thì rất thích nó và luôn gọi nó thân mật bằng tên, kể cho nó nghe kế hoạch của chúng tôi và đợi chờ nó khi nó bỏ đi đeo đuổi một trong những công cuộc của loài chó, truy đuổi chuột chũi hay thỏ. Sống như cậu đang sống với cha, Mike không bao giờ có được một chú chó của riêng mình.
Một hôm khi đang đi với chúng tôi thì Ranger đuổi theo một con chồn hôi, và con chồn quay lại phun dịch lên nó. Mike và tôi bị kết tội đôi chút. Mẹ tôi phải ngưng mọi việc đang làm dở để lái xe vào thị trấn mua vài hộp nước cà chua. Mike thuyết phục Ranger vào bồn tắm, chúng tôi đổ nước cà chua lên người nó và chải cho nước cà chua thấm vào lông. Trông như là chúng tôi tắm nó trong máu. Cần bao nhiêu người để cung cấp chừng ấy máu chúng tôi tự hỏi. Bao nhiêu con ngựa? Bao nhiêu con voi?
Tôi quen với máu và với việc sát sinh hơn Mike. Tôi dẫn cậu đi xem cái chỗ ở góc đồng cỏ gần cổng sân kho, nơi cha tôi bắn và mổ ngựa để nuôi cáo và chồn. Mặt đất bị giẫm trụi và dường như nhuốm màu máu đậm, một sắc đỏ gỉ sắt. Rồi tôi đưa cậu đến nhà mổ thịt trong sân kho, chỗ xác ngựa được treo lên trước khi bị xay ra làm thức ăn. Nhà mổ thịt chỉ là một cái lán có tường chăng dây thép, đen kịt lũ ruồi đang cuồng lên vì mùi xác thối. Chúng tôi lấy đá cuội đập chết chúng.
Trang trại nhà tôi nhỏ thôi - chín mẫu. Đủ nhỏ để tôi thám hiểm mọi ngóc ngách, và mỗi ngóc ngách đều có dáng vẻ và tính cách riêng tôi không tả nổi thành lời. Thật dễ nhận thấy điều đặc biệt toát ra từ cái lán chăng dây thép với những xác ngựa dài thượt tái nhợt thõng xuống từ những cái móc bạo tàn, hay toát ra từ mặt đất bị đạp giẫm, đẫm máu, nơi chúng bị biến từ những con ngựa sống thành nguồn cung cấp thịt. Nhưng còn có các thứ khác, như những hòn đá trên hai bờ lối đi hẹp trong sân kho, vốn cũng thổ lộ với tôi nhiều điều như thế, dù chẳng có chuyện gì đáng nhớ xảy ra ở đó cả. Một bờ có hòn đá trăng trắng trơn nhẵn cộm lên và nổi trội hơn tất cả, vì thế mà với tôi bờ đó có vẻ rộng rãi công khai, và tôi luôn chọn trèo lên đó chứ không phải bên kia. Còn những hòn đá phía bên kia có màu sẫm hơn và dính vào nhau theo phong thái bần tiện hơn. Cũng như thế, mỗi cái cây ở chốn đó cũng mang một thái độ và tinh thần riêng - cây du trông thư thái còn cây sồi hăm dọa, những cây thích thân thiện và bình dị, cây táo gai già cỗi và cáu kỉnh. Thậm chí cả những hố lõm dưới lòng sông - nhiều năm trước cha tôi lấy sỏi đó đem bán - cũng có cá tính riêng, có lẽ dễ phát hiện nhất nếu nhìn chúng đẩy nước khi các cơn lũ mùa xuân rút đi. Một hố nhỏ, tròn, sâu và hoàn hảo; một hố trải dài như hình cái đuôi; còn một hố thì rộng, hình dạng không cố định, bề mặt luôn gợn sóng vì nước quá nông.
Mike nhìn tất cả những thứ ấy từ một góc độ khác. Và tôi cũng vậy, khi ở bên cậu. Tôi nhìn chúng theo cả cách của cậu lẫn cách của tôi, mà cách của tôi thì về bản chất là không thể nói ra, vì thế nó buộc phải là điều bí mật. Cách của cậu liên quan đến những lợi ích tức thì. Hòn đá rộng nhạt màu ở lối đi hẹp là để nhảy xuống, chạy một quãng ngắn thật nhanh rồi phóng mình lao vào không trung, để tránh những hòn đá nhỏ trên con dốc phía dưới và rồi hạ cánh lên đống đất nén cạnh cửa chuồng ngựa. Cây cối là để leo trèo, nhưng đặc biệt là cây thích cạnh nhà, cây này có cành từ đó có thể bò ra để thả người xuống mái hiên. Và hố sỏi chỉ đơn thuần là để nhảy vào, rú lên tiếng của loài thú đang lao vào con mồi, sau khi điên cuồng chạy qua lùm cỏ cao. Nếu giờ mà là thời điểm sớm hơn trong năm, Mike nói, khi mấy hố này chứa nhiều nước hơn, thì chúng mình đã có thể làm một cái bè rồi.
Dự án đó được xem xét, cho con sông. Nhưng sông vào tháng Tám gần như chỉ là một con đường đá, như một dòng nước, và thay vì trôi xuôi theo nó hay dừng ở đó thì chúng tôi lại cởi giày lội qua - nhảy từ một hòn đá trơ trụi trắng như xương sang một hòn khác, trượt trên những hòn đầy cặn bẩn chìm dưới mặt nước, xuyên rẽ qua những thảm hoa súng lá phẳng và những loại cây thủy sinh khác mà giờ tôi không nhớ ra tên, mà có khi là chưa từng biết tên (củ cải vàng hoang, độc cần nước?). Chúng mọc dày đến độ trông như bén rể trên đảo, trên đất khô, nhưng thực ra chúng mọc lên từ rác bẩn dưới sông, và bẫy chân chúng tôi vào đám rễ như rắn quấn.
Con sông đó cũng chính là con sông chảy khơi khơi xuyên suốt thị trấn, và khi đi ngược dòng, ta sẽ đến chỗ nhìn được cây cầu cao tốc hai làn. Lúc ở một mình hay chỉ với Ranger, tôi không bao giờ ra xa đến tận cầu, vì ở đó thường có dân thị trấn. Họ đến đứng trên thành cầu câu cá, và khi nước đủ cao, bọn con trai nhảy xuống từ lan can. Chúng sẽ không làm thế lúc này, nhưng rất nhiều khả năng là vài đứa đang té nước dưới đó to mồm và thù địch, như bọn trẻ con phố thị vẫn thế.
Cũng có khả năng sẽ đụng phải những kẻ lang thang. Nhưng tôi không hé mồm gì với Mike về điều này, cậu đi trước tôi như thể cây cầu là một cái đích bình thường, không có gì khó chịu hay bị cấm. Tiếng những giọng nói vọng đến chỗ chúng tôi, và đúng như tôi dự đoán, đó là giọng bọn con trai đang la hét - nghe cứ như thể cây cầu là của chúng. Ranger theo chúng tôi đến tận đây, một cách thiếu nhiệt tình, nhưng giờ thì nó đổi hướng đi về phía bờ sông. Lúc đó nó đã là một con chó già, và chưa bao giờ thích trẻ con mà không có chọn lọc.
Một người đàn ông đang câu cá, không phải từ trên cầu mà từ bờ sông, gã chửi thề vì chấn động Ranger gây ra khi chạy lên bờ. Gã bảo sao chúng tôi không để con chó ngu xuẩn đó ở nhà. Mike cứ đi thẳng tiếp như thể gã kia chỉ huýt sáo với chúng tôi mà thôi, rồi chúng tôi đi vào bóng râm của chính cây cầu, chỗ tôi chưa từng đến trong đời.
Thềm cầu là mái nhà của chúng tôi, với những dải nắng lọt qua khe ván. Giờ thì một chiếc ô tô đi qua, ầm ầm như sấm và che mất ánh sáng. Chúng tôi đứng im trước sự kiện này, ngước lên nhìn. Gầm cầu là một chốn riêng độc lập, chứ không chỉ là một quãng ngắn của con sông. Khi chiếc xe đi qua, mặt trời lại chiếu qua các kẽ nứt, ánh nắng phản chiếu trên mặt nước hắt những sóng ánh sáng và những bọt ánh sáng lạ lùng lên cột cầu xi măng phía trên cao. Mike hét lên để thử âm vọng, và tôi cũng làm thế, nhưng yếu ớt, vì bọn con trai trên bãi sông ở bờ kia cây cầu, những đứa không quen đó, làm tôi sợ hãi, còn hơn cả những kẻ lang thang.
Tôi đi học ở trường làng ở phía bên kia trang trại. Số người đăng ký học càng ngày càng ít đi đến độ tôi là đứa duy nhất trong lớp. Nhưng Mike đi học ở trường trên phố từ mùa xuân và bọn con trai này không xa lạ với cậu. Có lẽ cậu sẽ chơi với chúng, chứ không chơi với tôi, nếu mà cha cậu không có cái ý tưởng mang cậu theo khi đi làm, để có thể thỉnh thoảng để mắt đến cậu.
Nếu thế thì hẳn đã có vài lời chào qua lại giữa bọn con trai phố thị và Mike.
Này. Mày nghĩ mày đang làm gì đây hả?
Chẳng làm gì cả. Thế mày nghĩ mày đang làm gì?
Chẳng làm gì cả. Mày kiếm được ai đi cùng thế?
Chẳng ai cả. Chỉ là con bé ấy.
Chẳnggg aiii. Chỉ là con bé ấy.
Trên thực tế thì đang diễn ra một trò chơi mà ai nấy đều bị cuốn vào. Và ai nấy ở đây bao gồm cả con gái - đám con gái ở xa hơn trên bờ sông, chú tâm vào việc riêng của chúng - cho dù cả lũ đã qua cái tuổi con trai con gái chơi chung là chuyện thường. Có lẽ đám con gái đó đã theo bọn con trai ra khỏi thị trấn - giả vờ là không theo - hay có lẽ đám con trai đi theo chúng, với ý đồ quấy rối, tuy nhiên khi cả hội đi cùng nhau, chẳng hiểu sao trò chơi này hình thành và cần tất cả tham gia, vì thế những giới hạn thông thường được phá vỡ. Và càng nhiều người tham gia thì chơi càng hay, nên Mike dễ dàng được nhập cuộc và đưa tôi đi theo.
Đó là trò trận giả. Đám con trai chia thành hai phe đánh nhau từ sau chướng ngại vật tạo dựng sơ sài bằng cành cây, và cả từ chỗ trú ẩn và đám cỏ thô sắc, cỏ nến và rong đuôi chó cao quá đầu chúng tôi. Vũ khí chủ đạo là đạn đất sét, đạn đất bùn, to cỡ trái bóng chày. Tình cờ sao ở đó có một nguồn đất sét đặc biệt, một hố màu xám sâu hoắm, nửa ẩn nửa hiện trong đám cỏ dại, ở lưng chừng đường lên bờ sông (có lẽ chính khám phá này đã gợi ra trò chơi), và đó cũng là chỗ đám con gái lao động, chuẩn bị đạn dược. Chúng ép và vỗ đất sét bầy nhầy thành các viên đạn chắc cứng hết mức - có thể nhặt vào trong vài hòn sỏi và chất liệu kết rắn bằng cỏ, lá và các mẩu cành cây thu lượm tại chỗ, nhưng không được cố tình thêm đá vào - và phải có thật nhiều đạn như thế, vì đạn chỉ dùng được cho một lần ném thôi. Không thể thu nhặt đạn ném trượt, xếp lại và ném lần nữa.
Luật chiến tranh đơn giản. Nếu ai bị trúng đạn - tên chính thức cho loại đạn này là đạn đại bác - vào mặt, đầu, hay thân người, thì phải ngã xuống chết. Nếu ai bị trúng vào tay hay chân, thì phải ngã xuống, nhưng chỉ bị thương. Rồi còn một việc nữa đám con gái phải làm là bò ra kéo các chiến binh bị thương trở lại cái chỗ tan tành được dùng làm bệnh viện. Lá cây được đắp lên vết thương của các chiến binh, và chúng phải nằm yên cho đến khi đếm tới một trăm. Đếm xong, chúng có thể đứng dậy chiến đấu tiếp. Các chiến binh tử trận thì không được đứng dậy cho đến khi hết chiến tranh, và chiến tranh chỉ kết thúc khi quân của một phe bị chết hết.
Con gái lẫn con trai cũng chia thành hai phe, nhưng vì con gái ít hơn con trai đáng kể, nên không thể đủ người sản xuất đạn được và y tá phục vụ riêng mỗi chiến sĩ. Dù sao thì cũng có các liên minh. Mỗi đứa con gái có đống đạn riêng và phục vụ riêng cho một số chiến sĩ, và chiến sĩ nào khi bị thương ngã xuống thì gọi tên một đứa con gái để con bé đến kéo nó ra và đắp thuốc lên vết thương ngay khi có thể. Tôi làm vũ khí cho Mike và tên tôi được Mike gọi. Quá nhiều tiếng ồn - những tiếng hét không ngưng nghỉ “Mày chết,” với giọng hoặc đắc thắng hoặc phẫn nộ (phẫn nộ vì dĩ nhiên những đứa đáng ra phải chết thì lại luôn cố lên quay lại chiến đấu) và tiếng chó sủa, không phải tiếng của Ranger, dù không hiểu sao nó cũng lạc vào giữa cuộc chiến - ồn ào đến độ đám con gái phải thật tỉnh mới nghe ra tiếng đứa con trai gọi mình. Một cảm giác lo âu nhói buốt khi tiếng thét cất lên, như một sợi dây thép rít xuyên khắp thân thể, một cảm xúc tận tâm cuồng tín. (Ít nhất thì với tôi là như thế, vì không giống đám con gái kia, tôi có trách nhiệm phục vụ chỉ một chiến binh mà thôi.)
Tôi cũng không nghĩ là trước đó tôi đã từng chơi trong một nhóm kiểu này.
Thật vui khi được tham gia vào một đội ngũ đông đảo và tuyệt vọng, được chọn ra từ đội ngũ áo, để mà thực thụ thề nguyện phục vụ một chiến sĩ. Khi Mike bị thương, cậu không bao giờ mở mắt, cậu nằm im ủ rũ khi tôi ép những chiếc lá to nhầy nhớt lên trán và cổ họng cậu, rồi - kéo áo cậu lên - đắp lên phần bụng trắng nhợt mềm mại, với cái rốn xinh xắn dễ bị tổn thương.
Không ai thắng cả. Sau một lúc lâu, trò chơi tan rã thành cãi cọ và phục sinh hàng loạt. Trên đường về nhà, chúng tôi cố gỡ phần nào đất sét ra khỏi người, bằng cách nằm thẳng cẳng trong nước sông. Quần soóc và áo của chúng tôi bẩn thỉu, nước nhỏ tong tỏng.
Lúc đó là chiều muộn. Cha của Mike đang chuẩn bị ra về.
“Trời đất ơi,” ông nói.
Nhà tôi có một người làm thuê bán thời gian, lão này đến giúp cha tôi khi có việc mổ thịt hay việc phụ thêm cần làm. Lão có dáng vẻ của người già, điệu bộ như trai trẻ và điệu thở khò khè hen suyễn. Lão thích tóm lấy tôi mà cù cho đến khi tôi nghĩ mình sắp nghẹt thở. Không ai can thiệp cả. Mẹ tôi không thích chuyện này, nhưng cha tôi nói với bà đó chỉ là đùa vui thôi. Lão đang ở đó trong sân, giúp cha của Mike.
“Hai đứa vừa lăn lộn trong bùn,” lão nói. “Việc đầu tiên, hai đứa biết đấy, là phải làm đám cưới.”
Từ sau cửa lưới mẹ tôi nghe thấy vậy. (Nếu hai người đàn ông này mà biết bà ở đó thì không ai nói thế cả.) Bà bước ra nói gì đó với lão làm thuê, hạ giọng quở trách, trước khi nói đến bộ dạng của chúng tôi.
Tôi nghe thấy một vài câu bà nói.
Như anh trai em gái.
Lão làm thuê nhìn xuống ủng, nhe răng cười toe toét không sao ngậm lại được.
Bà đã nhầm. Lão làm thuê hiểu đúng hơn bà. Chúng tôi không phải là anh trai em gái, hay có lẽ là không giống kiểu anh trai em gái nào tôi từng gặp. Em trai duy nhất của tôi chỉ là một em bé, nên tự tôi không có kinh nghiệm về chuyện này. Và chúng tôi cũng không giống các cặp vợ chồng mà tôi biết, họ già là một nhẽ, và họ còn sống trong những thế giới cách biệt đến độ dường như họ không thừa nhận nhau mấy. Chúng tôi là một cặp yêu nhau mãnh liệt đã thành quen, và mối gắn bó giữa chúng tôi không cần nhiều biểu hiện bề ngoài.
Và ít nhất với tôi mối gắn bó đó thật trang nghiêm và cảm động.
Tôi biết lão làm thuê nói đến tình dục, dù tôi không nghĩ lúc đó tôi đã biết đến từ “tình dục”. Và vì chuyện đó, tôi ghét lão ta còn nhiều hơn lúc thường. Chính xác là lão đã nhầm. Chúng tôi không thích thú chuyện phô bày và cọ xát và những lối thân mật tội lỗi - không hề có trò phiền phức tìm chỗ trốn, không hề có khoái cảm nghịch ngợm, hay vỡ mộng, hay hổ thẹn non nớt tức thì. Những cảnh này xảy đến với tôi cùng một người anh họ và một cặp thiếu nữ hơn chút tuổi, hai chị em, học cùng trường với tôi. Tôi không thích những đối tác này cả trước và sau sự kiện ấy, và tôi sẽ giận dữ phủ nhận, thậm chí ngay trong tâm trí, rằng không có chuyện nào như thế xảy ra cả. Những sự tự do phóng túng như vậy không bao giờ được xét đến, với bất kỳ ai tôi cảm thấy đôi chút yêu mến hay tôn trọng - mà chỉ với những kẻ làm tôi ghê tởm, như những thèm khát dâm dục đáng ghét vốn làm tôi ghê tởm bản thân.
Trong tình cảm tôi dành cho Mike, tên quỷ sứ bị giam cầm đã chuyển hóa thành niềm phấn khích lan tỏa và lòng thương mến tràn khắp dưới da, một niềm khoái cảm trong mắt, trong tai và sự mãn nguyện rộn lên, trước sự hiện diện của người kia. Tôi tỉnh dậy mỗi sáng khao khát được nhìn thấy cậu, khao khát được nghe tiếng xe tải của người thợ khoan giếng chồm lên chạy rầm rầm dọc đường làng. Tôi tôn thờ, mà không thể hiện ra, gáy và hình dáng đầu, nét nhíu mày, các ngón chân dài để trần và khuỷu tay nhem nhuốc, giọng nói to tự tin, và mùi của cậu. Tôi sẵn sàng chấp nhận, thậm chí một cách thành kính, những vai trò vốn không cần được giải thích hay vạch ra tỉ mỉ giữa chúng tôi - rằng tôi sẽ giúp đỡ và ngưỡng mộ cậu, cậu sẽ chỉ đạo và luôn sẵn sàng bảo vệ tôi.
Một buổi sáng, xe tải không đến. Một buổi sáng, dĩ nhiên, toàn bộ công việc đã hoàn tất, giếng đậy lại, bơm lắp lại, nước ngọt làm người ta kinh ngạc. Bàn ăn ít đi hai ghế vào bữa trưa. Cả hai người tên Mike, trẻ và già, trước đó luôn ăn với chúng tôi. Người trẻ tên Mike và tôi thì không bao giờ nói chuyện và gần như không nhìn nhau. Cậu thích phết xốt cà chua lên bánh mì. Cha cậu nói chuyện với cha tôi, và đề tài đa phần là giếng, tai nạn, mức nước ngầm. Một người đàn ông nghiêm túc. Chỉ có công việc, cha tôi nói vậy. Tuy thế ông - cha của Mike - kết thúc mọi lời bằng một tiếng cười. Trong tiếng cười đó có âm oang oang cô độc, như thể ông vẫn còn đang ở sâu dưới giếng.
Họ không đến. Công việc đã xong, họ chẳng còn lý do nào để đến thêm lần nữa. Và hóa ra đây là việc cuối cùng người thợ khoan giếng đó phải làm trên vùng đất của chúng tôi. Ông đã nhận việc ở chỗ khác, và ông muốn đến đó càng sớm càng tốt, lúc thời tiết vẫn còn đẹp. Sống như ông, trong khách sạn, thì chỉ cần xếp hành lý và ra đi. Và ông đã làm như thế.
Vì sao tôi lại không hiểu chuyện gì đang xảy ra? Không một lời chào, không biết rằng khi Mike leo lên xe tải buổi chiều cuối cùng đó, cậu sẽ đi mãi mãi? Không vẫy tay, không quay đầu về phía tôi - hay không ở đó cho tôi thấy - lúc chiếc xe tải chất nặng toàn bộ đồ nghề, lảo đảo chạy dọc con đường làng lần cuối? Khi nước phun ra - tôi nhớ nước đang phun ra, và mọi người đang tụ tập xung quanh để uống - tại sao tôi lại không hiểu rằng bao điều đã kết thúc, đối với tôi? Lúc này đây tôi tự hỏi phải chăng đã có một kế hoạch chủ ý để không biến nó thành một dịp gì đó, để loại trừ mọi cảnh chia tay, để cho tôi hay chúng tôi - không phải trở nên khổ sở và rầy rà.
Dường như thời đó tình cảm của trẻ con khó mà được lưu tâm. Đau khổ hay kìm nén là việc của chúng tôi.
Tôi không gây rầy rà. Sau cơn sốc ban đầu, tôi không để ai thấy gì. Lão làm thuê trêu tôi mỗi khi nhìn thấy tôi (“Người yêu bỏ cháu đi rồi à?”), nhưng tôi không bao giờ nhìn về phía lão.
Hẳn tôi đã biết rồi Mike sẽ phải ra đi. Cũng như tôi biết Ranger đã già và chẳng bao lâu nữa sẽ chết. Tôi chấp nhận những sự thiếu vắng trong tương lai - chỉ là tôi chưa có chút ý tưởng nào về việc sự thiếu vắng ấy có thể ra sao, cho đến khi Mike biến mất. Toàn bộ lãnh địa của riêng tôi sẽ bị biến đổi thế nào, như thể một cơn lở đất quét qua và gạn đi hết mọi ý nghĩa, ngoại trừ sự mất mát Mike. Tôi không bao giờ có thể nhìn lại hòn đá trắng ở lối đi hẹp mà không nghĩ đến cậu, thế nên tôi có ác cảm với nó. Tôi cũng có cảm giác này với cành cây thích, và khi cha tôi chặt nó đi vì nó quá sát nhà, tôi coi đó như vết sẹo để lại.
Một hôm sau đó nhiều tuần, khi mặc chiếc áo khoác mùa thu đứng bên cửa một hiệu giày trong khi mẹ thử giày, tôi nghe thấy giọng một phụ nữ gọi, “Mike”. Người phụ nữ đó vừa chạy qua cửa hiệu vừa gọi “Mike”. Bất chợt tôi tin chắc rằng người phụ nữ tôi không quen đó là mẹ của Mike - tôi biết, dù không phải từ cậu, rằng bà ly thân với cha cậu, chứ không phải đã qua đời và rằng họ quay lại thị trấn vì một lý do nào đó. Tôi không nghĩ đến sự trở về này và tạm thời hay lâu dài, mà tôi chỉ nghĩ rằng - lúc này tôi đang chạy ra khỏi cửa hiệu - trong một phút nữa thôi, tôi sẽ nhìn thấy Mike.
Người phụ nữ đuổi kịp một thằng bé khoảng năm tuổi, nó vừa tự lấy ăn một quả táo từ giỏ táo đặt trên vỉa hè trước cửa hiệu tạp phẩm bên cạnh.
Tôi đứng lại và đăm đăm nhìn đứa trẻ, không tin nổi, như thể một trò bỏ bùa thái quá bất công vừa diễn ra trước mặt tôi.
Một cái tên phổ biến. Một đứa trẻ mặt bèn bẹt ngờ nghệch, tóc vàng xỉn.
Tim tôi đập thình thịch, như những tiếng gào rú đang dội lên trong lồng ngực.
* * *
Sunny đón chiếc xe buýt chở chúng tôi ở Uxbridge. Cô là một phụ nữ khung xương to, mặt sáng sủa, tóc quăn màu nâu bạc được túm lại phía sau bằng mấy cái xược lẻ bộ ở hai bên mặt. Kể cả khi béo lên - điều đã đến với cô - trông cô cũng không bị già mà có vẻ thiếu nữ một cách uy nghiêm.
Cô cuốn tôi vào chuyện đời cô như thường lệ, kể với tôi rằng cô cứ tưởng mình sẽ đến muộn vì sáng hôm đó Claire bị một con bọ chui vào tai phải đưa đi bệnh viện để rửa ra, rồi thì con chó nôn trên cái thang bếp, có lẽ vì nó ghét chuyến đi và ngôi nhà cùng làng quê, và trong lúc cô - Sunny - phải đi đón tôi thì Johnston đang bắt hai cậu con dọn chỗ nôn, vì hai đứa là người muốn nuôi chó, còn Claire thì than rằng nó vẫn còn nghe thấy cái gì đó kêu dzi dzi trong tai.
“Thế nên giả thử chúng mình đến chỗ nào đó dễ chịu yên tĩnh, rồi uống say và không bao giờ quay về đó nữa có được không nhỉ?” cô nói. “Dù sao chúng ta vẫn phải về. Johnston đã mời bạn rồi, vợ con anh ta đang đi Ai Len, còn họ thì muốn đi chơi gôn.”
Sunny và tôi làm bạn với nhau ở Vancouver. Những lần mang thai của chúng tôi ăn khớp vừa vặn nên hai đứa có thể xoay xở chỉ với một bộ gồm mấy món quần áo bầu. Trong bếp của tôi và của cô, mỗi tuần một lần hay áng chừng vậy, trong khi bị lũ trẻ làm quẫn trí và đôi khi chóng mặt vì thiếu ngủ, chúng tôi nốc đầy cà phê đặc, thuốc lá và lao vào một cuộc trò chuyện đầy giận dữ - về hôn nhân, cãi cọ, những khuyết điểm cá nhân, những động cơ cả thú vị lẫn nhục nhã, những hoài bão đã qua. Chúng tôi đọc Carl Jung cùng một lúc và cố gắng theo dõi các giấc mơ của mình. Trong đoạn đời đó, đáng ra phải mê mụ do sinh sản, với tâm trí đàn bà ngập lún giữa hỗn dịch của cơ thể người mẹ, chúng tôi vẫn buộc phải bàn luận về Simone de Beauvoir và Arthur Koestler và vở kịch Bữa tiệc cocktail.
Hai ông chồng hoàn toàn không có tâm trạng đó. Khi chúng tôi cố bàn luận những thứ kiểu như thế với họ, họ sẽ nói, “Ôi, văn chương thôi mà” hay “Em nói như Triết học 101[15].”
Giờ thì cả hai chúng tôi đã chuyển nhà khỏi Vancouver. Nhưng Sunny chuyển đi cùng chồng con và đồ đạc, theo cách thông thường và vì lý do thường gặp - chồng cô có công việc mới. Còn tôi chuyển đi vì một lý do khác lạ, trong sự tán thành mạnh mẽ nhưng thoảng qua và chỉ từ vài nhóm đặc biệt - lý do đó là bỏ chồng, bỏ nhà và bỏ mọi thứ có được trong suốt cuộc hôn nhân (dĩ nhiên trừ con cái, rồi chúng sẽ được phân chia) trong niềm hy vọng tạo dựng một cuộc sống không phải đạo đức giả, không phải chịu mất mát, không phải hổ thẹn.
Bấy giờ tôi sống trên tầng hai một ngôi nhà ở Toronto. Những người sống tầng dưới - tức chủ nhà - đến từ Trinidad mươi năm trước. Từ đầu đến cuối phố, những ngôi nhà gạch cũ kỹ có mái hiên với cửa sổ cao hẹp vốn trước đây là của các tín đồ giáo hội Giám Lý và Trưởng Lão với những cái tên như Henderson, Grisham, McAllister, giờ đây đầy kín người da màu ô liu hay nâu nâu; họ nói tiếng Anh theo kiểu tôi không quen, nếu quả là họ có nói thứ ngôn ngữ này, còn không khí thì ngập mùi thức ăn cay ngọt bất kể giờ nào. Tôi vui lòng với hoàn cảnh này - nó làm tôi cảm thấy như mình đã có một thay đổi thực sự, một cuộc du hành dài, cần thiết, xa khỏi mái nhà hôn nhân. Nhưng mong chờ hai cô con gái, một lên mười và một lên mười hai, chia sẻ cảm xúc đó với tôi thì quả là quá mức. Tôi đi khỏi Vancouver vào mùa xuân, và hai con đến chỗ tôi vào đầu kỳ nghỉ hè, dự định ở lại trọn hai tháng. Hai đứa trẻ thấy mùi phố đến buồn nôn và tiếng ồn thật đáng sợ. Trời nóng, và chúng không ngủ được dù đã có cái quạt tôi mua. Chúng tôi phải để cửa sổ mở, mà những cuộc tiệc tùng ở sân sau thì đôi khi kéo dài đến tận bốn giờ.
Những chuyến thám hiểm tới Trung tâm Khoa học và tháp C.N.[16], viện bảo tàng và sở thú, những cuộc chiêu đãi ở quán ăn mát mẻ trong các cửa hàng bách hóa, một chuyến du thuyền đến đảo Toronto, cũng không thể đền bù cho chúng nỗi thiếu vắng bạn bè hay khiến chúng cam chịu dáng vẻ như trò hề của ngôi nhà tôi chu cấp cho chúng. Chúng nhớ lũ mèo của chúng. Chúng muốn có phòng riêng, có tự do láng giềng, và có những buổi ở nhà nhởn nhơ.
Trong một thời gian, chúng không phàn nàn gì cả. Tôi nghe thấy đứa lớn nói với đứa bé. “Hãy để mẹ nghĩ chúng mình đang sung sướng. Không thì mẹ sẽ buồn đấy.”
Cuối cùng cảm xúc cũng bùng nổ. Những lời cáo buộc, thú nhận nỗi khổ sở (thậm chí còn phóng đại nỗi khổ sở lên, tôi nghĩ thế, vì lợi ích của tôi). Đứa nhỏ rên rĩ, “Sao mẹ không thể về nhà mà sống,” và đứa lớn chua chát nói với em, “bởi vì mẹ ghét bố.”
Tôi gọi điện cho chồng - anh hỏi tôi một câu hỏi tương tự và tự đưa ra một câu trả lời tương tự. Tôi đổi vé và giúp hai con thu xếp hành lý rồi đưa chúng ra sân bay. Suốt đường đi chúng tôi chơi một trò ngớ ngẩn do đứa lớn giới thiệu. Người chơi phải chọn một con số - 27, 42 - rồi nhìn ra cửa sổ và đếm đàn ông nhìn thấy, và người thứ 27 hay 42, hay bất kỳ số nào, sẽ là người phải cưới.
Quay về một mình, tôi thu nhặt mọi thứ gợi nhớ tới hai con - một bức tranh vui đứa bé vẽ, một tờ tạp chí Glamour đứa lớn mua, đủ loại đồ trang sức và quần áo chúng có thể mặc ở Toronto nhưng không mặc được ở nhà - rồi nhét cả vào túi rác. Và mỗi lần nghĩ đến con tôi lại làm một việc gần tương tự - tôi đóng sập tâm trí của mình lại. Tôi có thể chịu được nhiều nỗi khổ sở - những chuyện liên quan đến đàn ông. Còn những nỗi khổ sở khác - liên quan đến con cái - tôi không chịu đựng nổi.
Tôi quay lại nếp sống trước khi các con đến. Tôi thôi nấu bữa sáng và ra ngoài uống cà phê, ăn bánh mì mới ra lò ở quầy đồ ăn sẵn kiểu Ý. Từ trước tới nay cái ý tưởng được giải thoát khỏi khung cảnh gia đình vẫn làm tôi vui thích.
Nhưng lúc này tôi mới nhận ra điều trước đây tôi không hề thấy, đó là nét mặt của mấy người sáng nào cũng ngồi trên ghế đẩu đằng sau cửa sổ hay ở bàn tròn vỉa hè - đối với họ, đây không hề là việc hay ho thú vị gì, mà chỉ là thói quen cũ rích của một cuộc đời cô đơn.
Sau đó về nhà, tôi sẽ ngồi viết hàng giờ bên chiếc bàn gỗ dưới cửa sổ, ở cái chỗ từng là hiên hứng nắng giờ thành bếp tạm thời. Tôi đang hy vọng kiếm sống bằng nghề viết văn. Mặt trời nhanh chóng làm căn phòng nhỏ nóng lên, và mặt sau của chân tôi - tôi đang mặc quần soóc - dán vào ghế. Tôi có thể ngửi thấy mùi hóa học ngòn ngọt kỳ cục từ đôi xăng đan nhựa đang hấp thu mồ hôi chân. Tôi thích mùi này - đó là mùi sự cần cù, và tôi hy vọng, mùi thành quả của tôi nữa. Những gì tôi viết không hay hơn những gì trước đó tôi xoay xở viết được trong quãng đời cũ, khi mà khoai tây đang được nấu và quần áo đang đập quanh trong chu kỳ tự động của máy giặt. Chỉ là viết nhiều hơn, và không dở hơn - vậy thôi.
Muộn hơn trong ngày, tôi sẽ đi tắm và có thể đi gặp người này người kia trong số các bạn gái của mình. Chúng tôi uống rượu vang ở bàn vỉa hè trước những nhà hàng nhỏ nhắn trên phố Queen, phố Baldwin hay phố Brunswick và nói chuyện về cuộc sống của chúng tôi - chủ yếu là về những người tình, nhưng vì cảm thấy buồn nôn khi nói “người tình” nên chúng tôi gọi họ là “những người đàn ông chúng ta qua lại.” Và đôi khi tôi gặp người đàn ông tôi đang qua lại. Anh bị xua đuổi khi các con đến với tôi, cho dù tôi phá luật này hai lần, khi bỏ chúng trong rạp chiếu phim lạnh lẽo.
Tôi biết anh trước khi bỏ chồng và anh là lý do trực tiếp khiến tôi làm việc đó, cho dù tôi giả bộ với anh - và với mọi người khác - là không phải vậy. Khi gặp anh, tôi cố vô tư lự và trưng ra một tinh thần độc lập. Chúng tôi trao đổi tin tức - tôi đảm bảo sao cho tôi có tin để kể - và chúng tôi cười, rồi đi dạo ở hẻm núi, nhưng điều duy nhất tôi muốn là dụ anh làm tình với tôi, vì tôi nghĩ hăng hái tình dục cao độ sẽ hợp nhất những bản ngã tốt đẹp nhất trong con người. Về mặt này thì tôi thật ngốc, theo kiểu rất liều lĩnh, nhất là đối với phụ nữ ở tuổi tôi. Có những lần tôi thấy hạnh phúc, sau khi chúng tôi gặp nhau - cảm thấy sững sờ và an toàn - lại có những lần tôi nằm thượt, lòng nặng trĩu nghi ngờ. Sau khi bỏ đi, tôi thấy nước mắt chảy dài rồi mới hiểu ra mình đang khóc. Bởi một bóng tối nào đó tôi thoáng thấy trong anh, hay là bởi sự thiếu ân cần, hoặc là vì một lời cảnh báo lắt léo anh gửi đến tôi. Bên ngoài cửa sổ, khi trời tối dần, những cuộc tiệc tùng ở sân sau sẽ bắt đầu, trong tiếng nhạc và la hét và công kích có thể tiến triển thành cãi vã, và tôi sẽ thấy sợ hãi, không phải sợ hãi một sự thù địch này, mà sợ một dạng cảm giác không-tồn-tại.
Trong tâm trạng như thế tôi gọi điện cho Sunny, và được mời đến chơi cuối tuần ở quê.
“Chỗ này đẹp quá,” tôi nói.
Nhưng cảnh làng quê nơi chúng tôi đang lái xe qua chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Dãy đồi chỉ là một chuỗi những ụ đất màu xanh lá, thỉnh thoảng xuất hiện mấy con bò. Có những cây cầu bê tông thấp bắc qua những con suối nghẽn cỏ dại. Cỏ khô được thu hoạch theo kiểu mới, cuộn tròn rồi bỏ lại trên đồng.
“Cứ đợi đến khi cậu nhìn thấy ngôi nhà,” Sunny nói. “Dơ dáy lắm. Trong ống nước có một con chuột. Đã chết. Bọn mình cứ liên tục thấy những sợi lông ngắn trong nước tắm. Giờ thì chuyện đó được xử lý rồi, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Cô không hỏi tôi - do tinh tế hay vì không tán thành? - về cuộc sống mới của tôi. Có lẽ chỉ là cô không biết bắt đầu thế nào, không hình dung ra nổi mà thôi. Đằng nào thì tôi cũng sẽ nói dối cô, hay là nửa dối nửa thật. Khó mà dứt bỏ nhưng phải làm vậy thôi. Mình nhớ các con kinh khủng, nhưng luôn có cái giá phải trả. Mình đang học cách để một người đàn ông được tự do và để chính bản thân mình tự do. Mình đang học cách coi nhẹ tình dục, chuyện này khó đối với mình vì đó không phải là cách mình bước vào đời, và mình cũng chẳng còn trẻ nữa, nhưng mình đang học.
Hai ngày cuối tuần, tôi nghĩ. Dường như rất dài.
Những viên gạch của ngôi nhà trưng ra một vết sẹo ở nơi hàng hiên bị dỡ bỏ. Hai cậu con trai của Sunny đang chạy bình bịch quanh sân.
“Mark đánh mất quả bóng,” đứa lớn - Gregory hét lên.
Sunny bảo thằng bé chào tôi.
“Chào cô. Mark ném bóng qua cái lán và giờ thì bọn con không tìm được nữa.”
Cô con gái ba tuổi, ra đời sau lần cuối tôi gặp Sunny, chạy ra từ cửa bếp rồi đứng lại, ngạc nhiên khi nhìn thấy người lạ. Nhưng rồi con bé trở lại bình thường và nói với tôi, “Có một con bọ đang bay trong đầu cháu đấy ạ.”
Sunny bế con bé và tôi xách túi đựng đồ qua đêm lên, rồi chúng tôi đi vào bếp, ở đó Mike McCallum đang phết xốt cà chua lên một miếng bánh mì. “Cậu đấy ư,” chúng tôi nói, gần như cùng một lúc. Chúng tôi cười phá lên, tôi vội chạy về phía cậu, còn cậu về phía tôi. Chúng tôi bắt tay.
“Mình cứ tưởng là cha cậu,” tôi nói.
Giờ đây tôi cũng chẳng rõ có thật lúc ấy tôi đã nhầm lẫn đến độ nghĩ đó là người thợ khoan giếng không. Tôi đã nghĩ, Ai mà trông quen thế này? Một người đàn ông di chuyển thân hình một cách nhẹ nhõm, như thể anh ta coi việc leo ra leo vào giếng là như không. Tóc cắt ngắn, chuyển màu muối tiêu, mắt sâu nhạt màu. Mặt gầy, vui vẻ nhưng khắc khổ. Một vẻ dè dặt theo thói quen, nhưng không khó chịu.
“Không thể thế được,” anh nói. “Cha mình đã mất.”
Johnston đi vào bếp, tay cầm mấy túi đồ chơi gôn, chào tôi rồi bảo Mike làm nhanh lên, còn Sunny thì nói, “Họ quen nhau đấy, anh yêu à. Họ quen nhau. Ai mà tưởng tượng được!”
“Từ hồi nhỏ,” Mike đáp.
Johnston nói, “Thật sao? Đặc biệt quá nhỉ.” Và hai chúng tôi cùng nói ra cái câu mà chúng tôi biết anh ta sắp nói.
“Thế giới này nhỏ thật.”
Mike và tôi vẫn nhìn nhau cười lớn - dường như chúng tôi đang tỏ rõ cho nhau thấy rằng cái khám phá mà có lẽ Sunny và Johnston thấy đặc biệt thì với chúng tôi lại là một vận may lóe lên làm hoa mắt đến khôi hài.
Suốt buổi chiều khi hai người đàn ông không có nhà, người tôi tràn trề sinh lực hạnh phúc. Tôi làm bánh nướng quả đào cho bữa tối và đọc truyện cho Claire để con bé chìm vào giấc ngủ, trong khi Sunny đưa bọn con trai đi câu cá nơi con lạch váng bọt mà không được gì. Rồi cô và tôi ngồi trên sàn phòng khách với một chai vang và lại thành bạn bè, bàn luận về sách truyện thay vì về cuộc sống. Những gì Mike nhớ lại khác những gì tôi nhớ. Anh nhớ đã đi quanh trên đỉnh nhỏ hẹp của một cái móng nhà bằng xi măng cũ kỹ nào đó và giả bộ nó cũng cao như tòa nhà cao nhất, và nếu vấp thì chúng tôi sẽ rơi xuống rồi chết. Tôi nói chắc đó là chỗ khác, rồi tôi nhớ ra cái móng cho một ga ra đã được đổ, nhưng cái ga ra thì chẳng hề được xây lên, chỗ đó là nơi đường làng tôi cắt con đường chính. Chúng mình đã đi lên đó thật sao?
Chúng mình đã đi thật.
Tôi nhớ là đã muốn hét ầm lên dưới cầu nhưng lại sợ bọn con trai thị trấn. Anh thì chẳng nhớ ra cái cầu nào.
Cả hai đều nhớ những viên đạn đại bác bằng đất sét, và trò trận giả.
Chúng tôi cùng rửa bát đĩa, để có thể nói hết mọi chuyện muốn nói mà không ngại bất lịch sự.
Anh kể cho tôi cha anh qua đời thế nào. Ông chết trong một tai nạn giao thông, khi trở về từ chỗ làm gần Bancroft.
“Cha mẹ cậu vẫn còn sống chứ?”
Tôi đáp là mẹ tôi đã chết và cha tôi cưới vợ mới.
Đến một lúc, tôi kể cho anh là tôi đã ly thân với chồng, tôi đang sống ở Toronto. Tôi kể rằng các con sống với tôi một thời gian nhưng giờ đang đi nghỉ với cha chúng.
Anh kể cho tôi rằng anh sống ở Kingston, nhưng mới ở đó chưa lâu lắm. Anh mới quen Johnston thôi, qua công việc. Anh, cũng như Johnston, là kỹ sư xây dựng. Vợ anh là một cô gái Ai Len, sinh ở Ai Len nhưng làm việc ở Canada khi anh gặp cô. Cô là y tá. Hiện giờ cô đang về Ai Len, ở hạt Clare, để thăm gia đình. Cô mang trẻ con theo.
“Mấy đứa con vậy?”
“Ba.”
Khi bát đĩa đã rửa xong, chúng tôi vào phòng khách và đề nghị chơi ghép chữ với hai thằng bé để Sunny và Johnston có thể đi dạo. Chỉ một ván - rồi sau đó là đến lúc đi ngủ. Nhưng hai đứa thuyết phục chúng tôi chơi thêm ván nữa, và khi cha mẹ mấy đứa trở về chúng tôi vẫn còn đang chơi.
“Bố đã dặn các con thế nào?” Johnston hỏi.
“Vẫn là ván đó mà,” Gregory nói. “Bố nói chúng con có thể chơi hết một ván, thì giờ vẫn đang là ván đó mà.”
“Hẳn rồi,” Sunny nói.
Cô kể tối đó thật dễ chịu, cô với Johnston đang được nuông quá thành hư rồi, có đến hai người trông trẻ tại gia.
“Thực ra tối qua chúng tôi đã đi xem phim đấy chứ, Mike ở nhà với bọn trẻ. Một bộ phim cũ. Cây cầu qua sông Kwai.”
“Trên,” Johnston nói. “Trên sông Kwai.”
Mike nói, “Dù sao thì tôi cũng đã xem phim ấy rồi. Nhiều năm trước.”
“Phim khá hay,” Sunny nói. “Chỉ có điều tôi không đồng ý với cái kết. Tôi nghĩ kết cục như thế là hỏng. Anh biết khi Alec Guinness nhìn thấy sợi dây thép trong nước vào buổi sáng, và nhận ra ai đó sẽ phá nổ cầu chứ? Và anh ta phát điên lên, rồi câu chuyện trở nên quá rắc rối và ai cũng phải bị giết và đủ thứ? Hừm, tôi nghĩ anh ta đáng ra chỉ nên nhìn thấy dây thép và biết chuyện gì sắp xảy ra và ngồi trên cầu để mình nổ tung cùng với nó. Tôi nghĩ đó mới đúng là điều nhân vật của anh ta làm, và như thế sẽ hiệu quả hơn về mặt kịch tính.”
“Không, sẽ chẳng hiệu quả hơn đâu,” Johnston nói, với giọng của người trước đó đã trải qua cuộc cãi cọ này. “Thế thì hồi hộp ở chỗ nào?”
“Tôi đồng ý với Sunny,” tôi nói. “Tôi nhớ mình cũng từng nghĩ kết cục đó quá rắc rối.”
“Thế còn Mike?” Johnston hỏi.
“Tôi thấy phim khá hay,” Mike đáp. “Khá hay theo kiểu của nó.”
“Đàn ông chống lại đàn bà,” Johnston nói. “Đàn ông thắng.”
Rồi anh bảo mấy cậu con trai xếp hộp ghép chữ lại và chúng vâng lời.
Nhưng Gregory lại nảy ra ý xin đi ngắm sao. “Đây là chỗ duy nhất bọn con có thể nhìn thấy sao,” thằng bé nói. “Ở nhà chỉ có đèn và cứt.”
“Coi chừng mồm miệng đấy,” cha thằng bé nhắc. Nhưng anh lại nói tiếp, thôi được rồi, năm phút, thế là tất cả chúng tôi cùng ra ngoài ngắm bầu trời. Chúng tôi tìm sao Bắc Cực, sát cạnh ngôi sao thứ hai ở tay cầm của chòm Bắc Đẩu. Nếu ai nhìn thấy ngôi sao đó, Johnston nói, thì thị lực người ấy đủ tốt để vào được không quân, ít ra trong Thế chiến thứ hai là thế.
Sunny nói, “Hừm, em có thể thấy nó, nhưng là vì em biết trước nó ở đó.”
Mike nói, “anh cũng thế.”
“Con có thể thấy nó,” Gregory nói giọng khinh khi. “Con thấy nó dù con có biết nó ở đó hay không.”
“Con cũng thấy nó đấy ạ,” Mark nói.
Mike đứng phía trước tôi một chút và chếch về một bên. Thực ra anh đứng gần Sunny hơn. Không ai ở sau chúng tôi cả, và tôi muốn cọ vào người anh - chỉ vô tình cọ nhẹ vào tay hay vai anh thôi. Và nếu anh không nhích ra - vì nhã nhặn coi sự đụng chạm của tôi là tình cờ thực sự? - tôi lại muốn chạm một ngón tay vào chiếc cổ trần của anh. Anh có làm thế không, nếu giả sử anh đứng sau tôi? Anh có chú tâm vào chuyện đó không, thay vì ngắm sao?
Tuy thế, tôi có cảm giác anh là người thận trọng, anh sẽ kiềm chế.
Và hẳn nhiên, vì lý do đó, đêm hôm ấy anh sẽ không vào giường tôi. Dù thế nào đi chăng nữa, làm thế là liều lĩnh cũng như bất khả. Nhà có ba phòng ngủ trên gác - phòng cho khách và phòng cha mẹ đều mở ra phòng rộng hơn chỗ trẻ con ngủ. Để đến gần một trong hai phòng ngủ nhỏ thì chỉ có cách đi qua phòng bọn trẻ. Đêm trước Mike ngủ ở phòng cho khách, giờ thì anh đã bị chuyển xuống tầng dưới, để ngủ trên ghế xô pha giường trong phòng khách. Sunny mang cho anh chăn ga sạch chứ không tháo chăn ga cũ rồi trải lại chăn ga mới cho cái giường anh để lại cho tôi.
“Anh ấy khá sạch sẽ,” cô nói. “Mà xét cho cùng, anh ấy cũng là bạn cũ của cậu mà.”
Nằm trong bộ chăn ga đó không giúp đêm bình an. Trong giấc mơ, dù không phải trong thực tế, chúng có mùi rong đuôi chó, bùn sông, và sậy dưới nắng nóng.
Tôi biết anh sẽ không đến chờ tôi dù ít nguy cơ đến đâu. Sẽ quá thấp hèn nếu làm thế ở nhà bạn của anh, những người cũng sẽ là bạn của vợ anh - nếu không phải họ đã là bạn rồi. Vả lại làm sao anh có thể biết chắc tôi muốn điều đó? Hay biết chắc anh có thực sự muốn hay không? Thậm chí tôi cũng không chắc. Cho đến giờ, tôi luôn có thể nghĩ về bản thân như một phụ nữ chung thủy với người đàn ông mình ngủ cùng, ở bất kỳ thời điểm nào.
Giấc ngủ của tôi không sâu, những giấc mơ đầy dục vọng theo kiểu đơn điệu, với những tình tiết đến phát cáu và khó chịu. Có lúc Mike sẵn sàng hợp tác, nhưng chúng tôi lại gặp trở ngại. Có lúc thì anh lãng ra, như khi anh nói anh mua quà cho tôi, nhưng để thất lạc món quà, và tìm nó là việc cực kỳ quan trọng với anh. Tôi nói anh đừng bận tâm, tôi không quan tâm đến quà, bởi vì chính anh đã là món quà cho tôi, người tôi đang yêu và đã luôn yêu, tôi nói vậy. Nhưng anh lại bận tâm. Và đôi khi anh trách cứ tôi.
Cả đêm - hay ít nhất những khi tôi tỉnh giấc, mà tôi thì tỉnh giấc thường xuyên - dế đang gáy bên ngoài cửa sổ. Ban đầu tôi nghĩ đó là tiếng chim, dàn đồng ca những chú chim ăn đêm miệt mài. Tôi sống trong thành phố đủ lâu để mà quên hẳn dế có thể tạo nên một thác âm thanh hoàn hảo.
Cũng phải nói rằng, có lúc khi tỉnh giấc tôi lại thấy mình mắc cạn trên một mảnh đất khô khốc. Đầu óc minh mẫn không phải lúc. Mày biết gì về người đàn ông này? Hay anh ta biết gì về mày? Anh ta thích loại nhạc nào, quan điểm chính trị ra sao? Anh ta chờ đợi gì từ phụ nữ?
“Hai người ngủ ngon không?” Sunny hỏi.
Mike nói, “Ngủ một mạch.”
Tôi nói, “Ổn cả. Ngủ được.”
Sáng hôm ấy mọi người được mời đến ăn bữa điểm tâm muộn ở nhà hàng xóm có bể bơi. Mike nói anh thấy làm một vòng sân gôn thì hay hơn, nếu làm vậy không phiền ai.
Sunny nói, “Tất nhiên rồi,” và nhìn tôi. Tôi nói, “Ờ, không biết nếu mình…” và Mike hỏi, “Cậu không chơi gôn, phải không?”
“Không.”
“Kể cả thế. Cậu có thể đi cùng và kéo bao gậy cho mình.”
“Cháu sẽ đi kéo bao gậy,” Gregory nói. Thằng bé đã sẵn sàng gia nhập mọi hành trình của chúng tôi, chắc mẩm rằng chúng tôi sẽ rộng rãi và vui thú hơn cha mẹ nó.
Sunny nói không. “Con đi với bố mẹ. Con không muốn đi bơi à?”
“Đứa nhóc nào cũng đái trong bể bơi đó. Con hy vọng là mẹ biết điều này.”
Trước khi chúng tôi đi, Johnston đã cảnh báo rằng có dự báo trời mưa. Mike đáp là chúng tôi sẽ phó mặc cho số phận. Tôi thích cách anh nói “chúng tôi” và tôi thích ngồi trong xe bên cạnh anh, vị trí người vợ. Tôi cảm thấy vui sướng khi nghĩ về chúng tôi như một cặp - một niềm vui sướng tôi biết là nông nổi như một cô bé mới lớn. Ý niệm làm vợ khiến tôi khuây khỏa, như thể tôi chưa bao giờ làm vợ vậy. Điều này chưa bao giờ xảy đến với người đàn ông giờ đang là người tình thực thụ của tôi. Liệu có thể nào tôi đã thực sự quen dần với một tình yêu đích thực, và phần nào đã dứt bỏ được những phần không thích hợp của bản thân, và sẽ hạnh phúc?
Nhưng giờ khi chỉ còn hai đứa với nhau, giữa hai chúng tôi lại có đôi chút gượng gạo.
“Làng quê ở đây đẹp nhỉ,” tôi nói. Và hôm nay tôi nghĩ thế thật. Dưới bầu trời mây trắng, dãy đồi trông mềm mại hơn, so với hôm qua trong ánh nắng màu đồng thau. Cây cối, vào cuối hè, tả tơi tán lá, nhiều lá bắt đầu chuyển màu gỉ sắt quanh mép, lại có nhiều lá khác đã thực sự chuyển sang màu nâu hay đỏ. Giờ thì tôi đã nhận biết được các loại lá cây khác nhau. Tôi nói, “Cây sồi.”
“Chỗ này là đất cát,” Mike nói. “Khắp vùng này đều thế - người ta gọi nó là Đỉnh Sồi.”
Tôi nói chắc là Ai Len đẹp lắm.
“Nhiều vùng ở đó trụi lơ trụi lóc. Trơ ra toàn lá.”
“Vợ cậu lớn lên ở đó à? Cô ấy có nói giọng Ai Len đáng yêu không?”
“Nếu nghe cô ấy nói cậu sẽ nghĩ cô ấy nói giọng Ai Len. Nhưng khi quay về Ai Len, người ta lại bảo cô đã mất giọng đó. Người ta bảo cô ấy nói như người Mỹ. Họ luôn nói người Mỹ - họ chẳng thèm nghĩ đến người Canada.”
“Thế trẻ con nhà cậu - mình đoán chúng không hề nói giọng Ai Len?”
“Không hề.”
“Chúng thế nào - trai hay gái?”
“Hai trai và một gái.”
Đến đây tôi chợt tha thiết muốn kể cho anh về những mâu thuẫn, những nỗi sầu khổ và những điều cấp thiết trong đời mình. Tôi nói, “Mình nhớ con.”
Nhưng anh không nói gì. Không một lời cảm thông, không một lời động viên. Có lẽ anh nghĩ rằng nói về bạn đời và con cái của hai người trong hoàn cảnh này là không thích hợp.
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi lái vào bãi đỗ xe bên ngoài nhà câu lạc bộ, và anh nói, giọng khá huyên náo, như thể bù lại vẻ cứng nhắc của mình, “Có vẻ cơn mưa đã giữ chân những người chơi gôn ngày Chủ nhật ở nhà.”
Chỉ có một xe đỗ trong bãi.
Anh xuống xe và đi vào văn phòng trả phí khách chơi.
Tôi chưa bao giờ đến sân gôn. Tôi đã xem người ta chơi trò này trên vô tuyến, một hay hai lần, chưa lần nào là do tự chọn, và tôi chỉ biết lờ mờ rằng một số loại gậy đánh gôn được gọi là gậy sắt, hay một số loại gậy bằng sắt, và có một cây gậy sắt được gọi là gậy đánh võng, còn bản thân sân gôn thì được gọi là sân ven biển. Khi tôi nói thế với Mike, anh đáp, “Có lẽ cậu sẽ thấy chán ngấy đấy.”
“Nếu chán thì mình sẽ đi dạo.”
Điều đó có vẻ làm anh hài lòng. Anh đặt sức nặng bàn tay ấm áp của mình lên vai tôi và nói, “Cậu cũng sẽ chán cả đi dạo cho mà xem.”
Sự ngô nghê của tôi không gây phiền hà gì lắm - dĩ nhiên tôi không thực sự phải kéo bao gậy - và tôi không thấy chán. Việc duy nhất tôi phải làm là đi theo anh và xem anh chơi. Thậm chí tôi cũng chẳng phải xem anh chơi. Tôi có thể ngắm cây ở rìa sân - đó là những cây cao, ngọn trông như lông chim và thân mảnh, tên chúng thì tôi không chắc lắm - cây keo? - Chúng lao xao trong những cơn gió thỉnh thoảng nổi lên, dù ở dưới đất chúng tôi không hề cảm thấy. Có cả những đàn chim, chim két hay chim sáo, bay vòng quanh, tất cả đều có chung cảm giác gấp rút, nhưng chỉ từ ngọn cây này sang ngọn cây khác. Giờ tôi nhớ ra chim chóc vốn vậy; và tháng Tám hay thậm chí cuối tháng Bảy chúng bắt đầu những cuộc họp ồn ĩ cả đàn, chuẩn bị cho chuyến đi xuống miền Nam.
Đôi khi Mike nói, nhưng hầu như không nói với tôi. Tôi không cần phải trả lời, và thực tế là lúc đó tôi cũng không thể trả lời được. Tuy thế, tôi nghĩ anh nói nhiều hơn một người đang chơi một mình. Những lời rời rạc của anh là những lời trách móc, khen ngợi cẩn trọng, cảnh báo bản thân, hay có lẽ chúng cũng chẳng hẳn là lời lẽ gì thực sự - mà chỉ như loại âm thanh dùng để truyền tải ý nghĩa, và đã thực sự truyền tải được ý nghĩa ấy, trong sự mật thiết lâu dài của những đời người sống gần gũi một cách tự nguyện.
Đáng ra tôi phải làm một việc lúc đó - mang cho anh một ý niệm được mở rộng và kéo dài, về bản thân anh. Một ý niệm an ủi hơn, có thể nói vậy, một cảm giác yên lòng về lớp đệm nhân tính bao quanh nỗi cô đơn của anh. Giả sử tôi là người đàn ông khác, anh sẽ không đón chờ việc này theo cùng một cách, hay cũng không tự như dễ dàng đòi hỏi nó. Và cũng sẽ như vậy nếu tôi là một người phụ nữ khác, một người mà anh không cảm thấy một mối liên hệ vững chắc.
Tôi đã không nghĩ ra. Tất cả đều nằm trọn trong niềm vui sướng tôi cảm thấy đang choán lấy mình, trong khi chúng tôi đi quanh sân gôn. Nỗi ham muốn vốn làm tôi đau nhói ban đêm giờ đây bị kìm nén và dọn sửa thành ngọn lửa châm ngòi gọn ghẽ, chu đáo, như một người vợ. Tôi làm theo sự bố trí, chọn lựa, suy ngẫm, nheo mắt và vung gậy của anh, rồi ngắm quỹ đạo trái bóng bay tới vị trí thách thức tiếp theo, tới tương lai tức thì của chúng tôi - tôi luôn thấy quỹ đạo ấy là thắng lợi, nhưng anh thì thường thấy nó nan giải.
Khi đi bộ đến vị trí tiếp theo, chúng tôi hầu như không nói chuyện. Trời có mưa không nhỉ? Chúng tôi hỏi nhau. Cậu có cảm thấy giọt nào không? Tớ nghĩ mình cảm thấy một giọt. Mà cũng có lẽ là không. Đây không phải là đoạn hội thoại về thời tiết kiểu câu nệ - nó hoàn toàn nằm trong bối cảnh trò chơi. Chúng tôi có kết thúc được vòng này hay không đây?
Hóa ra chúng tôi không kết thúc được. Một giọt mưa, chắc chắn và một giọt mưa, rồi một giọt nữa, rồi mưa rơi lộp độp. Mike nhìn dọc theo sân gôn, đến chỗ mây chuyển màu trở thành xanh thẫm chứ không trắng, và anh nói, giọng không có vẻ báo động hay thất vọng đặc biệt nào, “Thời tiết của chúng ta đến rồi.” Anh bắt đầu tuần tự xếp đồ và cài túi lại.
Lúc đó chúng tôi đang ở cách nhà câu lạc bộ rất xa. Trên đầu chim chóc rối loạn hơn và lượn vòng quanh một cách bồn chồn, lưỡng lự. Các ngọn cây lắc lư, và có một âm thanh dường như ở phía trên chúng tôi - như âm thanh một con sóng chứa đầy đá đang xô lên bãi biển. Mike nói, “Được rồi. Chúng ta nên vào đây,” và anh nắm lấy tay tôi, vội vã kéo tôi đi băng qua bãi cỏ đã cắt tỉa, đến đám bụi rậm và cỏ dại cao mọc giữa sân gôn và con sông.
Những cây bụi ngay rìa bãi cỏ có lá sẫm màu và mang vẻ khá chỉn chu, như thể chúng đã từng là một bờ giậu người ta sắp đặt ở đó. Nhưng giờ chúng mọc hoang thành lùm. Chúng cũng có vẻ không đi xuyên qua được, nhưng gần đó có những lỗ hổng nhỏ, những lối đi hẹp mà thú vật hay người đi tìm bóng gôn làm thành. Mặt đất hơi dốc xuống, và một khi qua được bức tường bụi cây không đúng quy cách này, người ta có thể nhìn thấy một góc nhỏ con sông - con sông này đích thị là lý do cho tấm biển ở cổng, cái tên trên nhà câu lạc bộ. Câu lạc bộ gôn Bờ Sông. Nước có màu xám thép, và trông như đang cuồn cuộn dưới cuộc tấn công của thời tiết, chứ không vỡ ra thành gợn sóng như nước trong ao. Giữa con sông và chúng tôi là một bãi cỏ dại, dường như chỗ nào cũng đang nở hoa. Hoa cúc hoàng anh, hoa bóng nước với những chùm chuông đỏ và vàng, một loài cây tôi nghĩ là tầm ma đang nở những cụm hoa tím hồng, và cúc tây dại. Cả dây nho nữa, bám lấy và cuốn quanh bất cứ thứ gì tìm được, vướng víu dưới chân. Mặt đất mềm và không dính lắm. Kể cả những cây cuống mảnh trông ẻo lả cũng mọc lên cao, gần như ngang tầm, có khi vượt quá cả đầu chúng tôi. Khi dừng lại nhìn lên qua đám cây ấy, chúng tôi có thể thấy các cây ở cách đó một quãng ngắn đang lật qua lật lại như những bó hoa. Và một điều gì đó đang đến, từ hướng những đám mây màu nửa đêm. Mưa thật, xông đến đằng sau những giọt lộp độp đang rơi lên chúng tôi, nhưng có vẻ còn hơn cả mưa rất nhiều. Như thể một mảng rộng của bầu trời tách rời ra và đang đổ sập xuống, ồn ào quả quyết, biến thành một hình thù chẳng nhận ra là cái gì nhưng náo động. Những rèm mưa - không phải màn mưa mà những tấm rèm rất dày đang vỗ đập điên cuồng - bị dồn đuổi ở phía trước mảng trời đang sụp xuống đó. Chúng tôi nhìn rõ những tấm rèm ấy, ngay từ khi mới chỉ cảm thấy những giọt mưa lười nhác này. Gần như giống việc nhìn qua một ô cửa sổ, và không mấy tin cửa sổ sẽ vỡ vụn, cho đến lúc nó thực sự vỡ vụn, còn mưa gió thì giáng lên chúng tôi, cùng một lúc, tóc tôi bị tốc lên và bay tung tóe trên đầu. Tôi cảm thấy như thể tiếp đến da tôi cũng sẽ như thế.
Lúc đó tôi cố quay người lại - tôi có cảm giác bị thúc hối chưa từng có, phải chạy ra khỏi bụi cây hướng về phía nhà câu lạc bộ. Nhưng tôi không dịch chuyển nổi. Đứng lên thôi đã đủ khó rồi - ra ngoài chỗ quang thì sẽ bị gió đánh gục ngay tức thì.
Cúi người, húc đầu qua cỏ dại, Mike di chuyển ngược chiều gió, vòng ra phía trước tôi, suốt lúc đó vẫn giữ cánh tay tôi. Rồi anh quay mặt về phía tôi, cơ thể anh ở giữa tôi và cơn bão. Làm thế thì cũng chẳng thấm tháp gì. Anh nói gì đó, thẳng vào mặt tôi, nhưng tôi không nghe được. Anh đang hét lên, nhưng không một âm thanh nào đến được với tôi. Lúc này anh đã giữ cả hai tay tôi rồi, anh dịch chuyển tay mình xuống cổ tay tôi và nắm chặt. Anh kéo tôi xuống - cả hai loạng choạng ngay khi cố gắng thay đổi tư thế - để chúng tôi cúi người cho sát đất. Gần sát đến độ chúng tôi không nhìn được nhau - chúng tôi chỉ có thể nhìn xuống, chỗ có những dòng sông li ti đang làm mặt đất nứt quanh chân, quanh những cây cỏ bị xô đẩy và quanh đôi giày ướt sũng của chúng tôi. Và thậm chí cả điều này cũng phải nhìn qua thác nước đang trút xuống trên mặt.
Mike thả cổ tay tôi ra và giữ chặt vai tôi. Cách anh động chạm vẫn là kiểu kiềm chế, chứ không phải an ủi. Chúng tôi ngồi như thế đến khi gió qua đi. Chừng đó không thể hơn năm phút, có lẽ chỉ hai hay ba. Mưa vẫn rơi, nhưng bây giờ đó chỉ là cơn mưa lớn bình thường. Anh rút tay lại, và chúng tôi run rẩy đứng dậy. Áo quần chúng tôi dính chặt vào cơ thể. Tóc tôi rũ xuống trên mặt thành xoắn dài như phù thủy, còn tóc anh phẳng ra thành những cái đuôi ngắn sẫm màu bết vào trán. Chúng tôi cố cười nhưng hầu như chẳng có sức để cười. Rồi chúng tôi hôn và ép sát vào nhau một lúc ngắn. Cử chỉ này như là một thủ tục, một cách ghi nhận sự sống sót hơn là do ý muốn của cơ thể. Môi trượt trên môi, trơn và mát, áp lực của vòng ôm làm chúng tôi thoáng ớn lạnh, còn nước mát từ quần áo thì rỏ xuống lõm bõm.
Mưa ngớt đi từng phút. Hơi loạng choạng, chúng tôi len qua đám cỏ dại bị đánh rạp chỉ còn cao bằng một nửa, rồi len giữa những bụi cây dày ướt sũng. Những cành cây to văng khắp sân gôn. Mãi về sau tôi mới nghĩ đến việc bất kỳ cành nào cũng đã có thể giết chết chúng tôi.
Chúng tôi bước đi ngoài chỗ quang, vòng qua những cành cây đổ. Mưa gần như đã tạnh, và trời hửng lên. Tôi cúi đầu bước - để nước từ tóc rơi xuống đất chứ không chảy lên mặt - và cảm thấy hơi nóng của mặt trời chiếu lên vai trước khi nhìn lên ánh sáng tưng bừng của nó.
Tôi đứng yên, hít một hơi thở sâu, và lắc tóc ra khỏi mặt. Giờ đã đến lúc, khi cả hai ướt sũng và bình an vô sự và rạng rỡ đối diện nhau. Giờ thì điều gì đó phải được nói ra.
“Có một chuyện mình chưa kể cho cậu.”
Giọng anh làm tôi bất ngờ, như mặt trời vậy. Nhưng theo cách ngược lại. Nó trĩu một gánh nặng, một lời cảnh báo - một quyết tâm bọc trong vẻ hối lỗi.
“Về con trai út của mình,” anh nói. “Con trai út của bọn mình chết hè năm ngoái.”
Ôi.
“Thằng bé bị xe cán,” anh nói. “Mình là người cán thằng bé. Lùi xe khỏi lối lái xe.”
Tôi dừng lại lần nữa. Anh dừng lại với tôi. Cả hai nhìn chằm chằm về phía trước.
“Thằng bé tên là Brian. Nó ba tuổi.”
“Chuyện là, mình cứ nghĩ nó đang ngủ trên gác. Những đứa khác vẫn thức, nhưng nó đã được đưa đi ngủ. Rồi nó lại tỉnh dậy.”
“Dù sao thì đáng ra mình phải nhìn. Đáng ra mình phải nhìn cẩn thận hơn.”
Tôi nghĩ đến khoảnh khắc anh xuống xe. Tiếng động anh gây ra. Khoảnh khắc khi mẹ đứa trẻ chạy ra khỏi nhà. Không phải thằng bé đâu, nó không ở đây, chuyện này không xảy ra.
Anh lại đi tiếp, vào bãi đỗ xe. Tôi đi sau anh một chút. Và chúng tôi không nói gì - không một lời ân cần, thông thường, vô ích. Chúng tôi đã lờ hẳn việc đó rồi.
Anh không nói. Đó là lỗi của mình và mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này. Mình sẽ không bao giờ tha thứ bản thân. Nhưng mình cố làm những gì có thể. Hay, vợ mình tha thứ cho mình nhưng cô ấy cũng sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này.
Tôi biết hết những điều đó. Giờ thì tôi biết rằng anh là người đã sa xuống chỗ thê thảm nhất. Anh là người biết - tôi thì không biết, còn lâu mới biết được - sa xuống chỗ thê thảm nhất đích xác là thế nào. Anh cùng vợ biết điều đó và việc này kết gắn họ lại, vì một chuyện kiểu như thế hoặc sẽ làm người ta tan nát hoặc ràng buộc họ suốt đời. Không phải họ sẽ sống chỗ thê thảm nhất đó. Nhưng họ sẽ chia sẻ hiểu biết về nó - cái khoảng không gian trung tâm lạnh lẽo, trống rỗng và khóa trái. Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Đúng thế. Nhưng có vẻ không phải vậy. Dường như nó chỉ xảy ra với người này, người kia, được đặc biệt chọn ra từ chỗ này chỗ kia, từng người một.
Tôi nói, “Thật bất công.” Tôi đang nói đến việc phân phối những sự trừng phạt vô căn cớ, những cú đánh ác độc và tàn hại như thế. Có lẽ còn tồi tệ hơn cả khi những chuyện ấy xảy ra giữa cơn đau buồn chất ngất, giữa chiến tranh hay thảm họa trên trái đất. Tồi tệ nhất là khi một ai đó phải đơn độc và vĩnh viễn chịu trách nhiệm cho một hành vi, có lẽ là không đặc trưng, của mình.
Đó là điều tôi đang muốn nói. Nhưng câu đó cũng có nghĩa là, Thật bất công. Chuyện bình thường thì liên quan gì đến chúng ta?
Một lời phản kháng tàn bạo đến độ nghe có vẻ gần như vô tội, bởi được thốt ra từ cốt lõi nguyên sơ của cái tôi. Đúng ra là, vô tội nếu ta chính là người thốt ra nó, và nếu nó không được công bố.
“Ờ,” anh nói, khá dịu dàng. Sự công bằng không ở chỗ này cũng không ở chỗ kia.
“Sunny và Johnston không biết chuyện này,” anh nói. “Không ai biết cả, không ai trong số những người chúng mình quen sau khi chuyển nhà. Dường như thế lại hay hơn. Thậm chí hai đứa lớn - chúng hầu như không nhắc đến thằng bé. Không bao giờ nhắc đến tên nó.”
Tôi không phải là một trong những người họ quen sau khi chuyển nhà. Không phải một trong những người sẽ ở bên cạnh khi họ làm lại một cuộc đời mới, gian nan, bình thường. Tôi là một người biết chuyện này - vậy thôi. Một người anh có, cho riêng mình, biết chuyện này.
“Thật kỳ lạ,” anh vừa nói vừa nhìn quanh trước khi mở cốp xe để xếp gọn hộp đựng đồ chơi gôn. “Chuyện gì xảy ra với người đỗ xe ở đây lúc trước nhỉ? Cậu có thấy một cái xe khác đỗ ở đây khi chúng ta lái vào không? Thế mà mình chẳng hề thấy ai trên sân gôn. Giờ mới nghĩ đến. Cậu có thấy ai không?”
Tôi nói không.
“Bí hiểm,” anh nói. Và lần nữa, “Ờ.”
Đó là từ tôi nghe khá thường xuyên, được nói với cùng một tông giọng, khi tôi còn nhỏ. Một cầu nối giữa chuyện này và chuyện khác, hay một kết luận, hay một cách để nói điều gì đó vốn không thể nói hay suy ngẫm đầy đủ hơn.
“Giếng là một cái hố trong đất.” Đó là câu trả lời đùa cợt.[17]
Cơn bão làm bữa tiệc bể bơi kết thúc. Quá nhiều người đến dự nên không phải ai cũng có thể chen chân vào nhà, thế nên những người mang theo trẻ con đa phần chọn đi về.
Trong khi chúng tôi lái xe về, Mike và tôi đều để ý và nói đến cảm giác như bị kim châm, ngứa ngáy và bỏng rát, trên cẳng tay trần, trên mu bàn tay và quanh mắt cá chân. Những chỗ không được quần áo che khi chúng tôi ngồi xổm trong đám cỏ dại. Tôi nhớ đến cây tầm ma.
Khi ngồi trong bếp căn nhà nông thôn của Sunny, mặc quần áo khô, chúng tôi nói về cuộc phiêu lưu của mình và tiết lộ những chỗ mẩn ngứa.
Sunny biết cần làm gì cho chúng tôi. Chuyến đi hôm qua với Claire, đến phòng cấp cứu ở bệnh viện địa phương, không phải là lần đầu đi thăm khám của gia đình này. Hồi cuối tuần trước, hai cậu con trai đi xuống cánh đồng đầy cỏ dại, đáy ngập bùn, ở đằng sau nhà kho rồi quay về người đầy những vết lằn và tấy. Bác sĩ nói chắc là chúng đã động vào cây tầm ma. Hẳn là chúng đã lăn lộn trong đó, ông ta nói thế. Bác sĩ kê đơn thuốc gồm gạc lạnh, kem chống dị ứng và thuốc viên. Một phần lọ kem vẫn còn chưa dùng, và còn cả vài viên thuốc, vì Mark và Gregory đã chóng khỏi.
Chúng tôi từ chối thuốc viên - ca của chúng tôi không có vẻ bị nghiêm trọng đến thế.
Sunny kể cô đã từng nói chuyện với một chị bơm xăng cho xe cô trên đường cao tốc, chị ta nhắc đến một loại cây có lá làm thuốc đắp hiệu quả nhất cho vết mẩn ngứa do tầm ma. Không cần thuốc viên hay mấy thứ linh tinh kia, chị đó nói vậy. Tên của cây ấy hình như là chân-bê-con. Hay chân-tê-cóng nhỉ? Chị đó nói với cô là có thể tìm thấy cây này ở một con đường cắt qua núi nào đó, cạnh một cây cầu.
Cô hăm hở muốn làm việc đó, cô thích ý tưởng bài thuốc dân gian. Chúng tôi phải chỉ ra là đã có thuốc bôi rồi và đã trả tiền thuốc rồi.
Sunny vui thích với việc chăm sóc chúng tôi. Thực ra, cảnh ngộ của chúng tôi làm cả nhà vui vẻ và thoát khỏi sự tẻ nhạt của một ngày mưa bão với những kế hoạch bị hủy bỏ. Việc chúng tôi chọn cùng nhau đi ra ngoài và rồi có chuyến phiêu lưu này - một chuyến phiêu lưu để lại bằng chứng trên thân thể dường như khơi lên trong Sunny và Johnston niềm háo hức muốn trêu chọc. Các kiểu mặt khôi hài từ anh, vẻ lo âu rạng rỡ từ cô. Nếu chúng tôi không mang về bằng chứng cho một lầm lẫn thực thụ - vết lằn trên mông, đốm đỏ trên đùi và bụng - thì dĩ nhiên họ đã không thích thú và khoan dung như thế.
Bọn trẻ thì thấy rất buồn cười khi nhìn chúng tôi ngồi ngâm chân trong chậu, cánh tay và bàn tay vụng về vì bị băng bó bằng vải dày. Claire đặc biệt vui sướng nhìn bàn chân người lớn, để trần và dại dột của chúng tôi. Mike ngúc ngoắc những ngón chân dài của anh cho con bé xem, và nó phá lên những trận cười khúc khích sợ hãi.
Ờ. Mọi chuyện sẽ lại như cũ, nếu chúng tôi có bao giờ gặp lại nhau. Hay là không gặp lại. Một tình yêu không sử dụng được, một tình yêu biết thân biết phận. (Một vài người sẽ nói là tình yêu ấy không có thật, vì nếu và thật nó sẽ không bao giờ mạo hiểm để bị siết cổ, hay mạo hiểm trở thành trò đùa dở ẹc, hay mạo hiểm buồn bã bao mòn đi.) Không mạo hiểm làm gì cả, mà vẫn sống như một tia nước ngọt ngào, một nguồn nước ngầm. Dưới sức nặng mà sự tĩnh lặng mới mẻ này đè lên, cái dấu niêm phong này.
Tôi không bao giờ hỏi thăm Sunny về anh, hay nhận được tin gì, trong suốt những năm tháng tình bạn giữa chúng tôi hư hao dần.
Thứ cây có hoa tím hồng to tướng đó không phải là tầm ma. Tôi khám phá ra rằng chúng tên là cỏ rễ sỏi. Những cây tầm ma gây đau rát mà chắc chúng tôi đã dính vào là loại cây ít nổi bật hơn, có hoa tím nhạt hơn, và thân được trang bị dữ dằn với những cái gai mảnh, hung dữ, xuyên thủng da và làm sưng tấy. Có thể cây đó cũng góp mặt trong đám hoa cỏ đang khoe sắc ở bãi hoang đó, mà không ai đến tới.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới