If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ầu Phao
Cô đã từng rời bỏ gã một lần. Lý do ban đầu khá vặt vãnh. Gã đã về hùa với mấy đứa nhóc trong bọn Tội phạm Vị thành niên (mà gã gọi là bọn Ma cà bông) thuổng hết nguyên chiếc bánh ga tô vị gừng cô vừa làm định để dành mời mọi người sau buổi họp tối hôm đó. Cô đã lẻn ra khỏi nhà, không bị ai phát hiện - ít nhất là không bị Neal và lũ Ma cà bông nhận ra, và tới ngồi trong một trạm chờ xe buýt có ba mặt che kín, nằm ngay trên phố chính, tuy mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe nội đô dừng lại đây. Cô chưa bao giờ tới chỗ này, và đợi ở đây hẳn mấy tiếng đồng hồ. Cô ngồi xuống và đọc tất cả những thứ mọi người đã viết hoặc khắc vào vách gỗ nhà thờ. Vài cái tên viết tắt yêu nhau mãi mãi. “Laurie G. bú cặc”, “Dunk Cultis là đồ bóng. Thầy Garner (dạy toán) cũng thế”, “H.W Gange Ăn Cứt vô địch”, “Trượt pa tanh hay là Chết”, “Chúa Trời ghét ô uế”, “Kevin S. Là Thằng Thịt Ôi”, “Amanda W. xinh đẹp ngọt ngào và ước gì nàng không bị đi tù vì ta nhớ nàng bằng cả trái tim”, “Tao muốn V.P. Các bà phải ngồi đây mà đọc những thứ bẩn thỉu ghê tởm do chính các mụ viết.”
Vừa đọc những chùm thông điệp của con người kiểu này - choáng nhất là với câu tâm sự chân tình được viết rất nắn nót về cô gái tên Amanda W. Jinny vừa băn khoăn không hiểu khi viết những thứ đó người ta có ngồi một mình không. Và cô tiếp tục tưởng tượng đến đoạn mình sẽ ngồi đây hay một chỗ tương tự, trong khi chờ xe buýt một mình, mà nếu cứ theo đúng kế hoạch cô đang vạch ra, thì chắc chắn tình huống đó sẽ xảy ra. Liệu cô có bốc đồng đến mức để lại những tuyên bố này nọ bên những bức vách công cộng không nhỉ?
Lúc đó cô thấy có sự kết nối giữa bản thân với cảm xúc của những người bị đang bị thôi thúc phải viết ra một thứ gì đó - cô thấy kết nối qua cảm xúc bực tức, phần nào giận dữ (chắc chỉ phần nào thôi nhỉ và hào hứng vì những gì cô sắp làm với Neal, để trả thù gã. Nhưng cuộc đời cô sắp dấn thân vào có lẽ sẽ không cho cô một người nào để cô bực tức, hay nợ nần gì cô, hay được hưởng lợi hoặc bị trừng phạt, thậm chí chịu tác động thực sự từ những việc cô làm. Mọi cảm xúc của cô sẽ trở nên vô nghĩa với bất kỳ người nào khác ngoài chính bản thân cô, dù những xúc cảm vẫn sẽ tích tụ bên trong cô, bóp nghẹt trái tim và hơi thở của cô.
Rốt cuộc, cô chẳng phải là loại người thiên hạ đổ xô đến chiêm ngưỡng. Nhưng cô vẫn là người kén cá chọn canh theo kiểu riêng của mình.
Cho tới tận khi cô đứng dậy và đi bộ về nhà, vẫn chẳng có chuyến xe buýt nào lai vãng tới.
Neal không có nhà. Gã đang đưa bọn nhóc trở lại trường, và khi gã về tới nhà, đã có lác đác vài người đi họp tới sớm. Cô kể cho gã những việc mình đã làm, sau khi bình tâm trở lại và có thể coi đó như một chuyện đùa. Thực ra, đã khá nhiều lần cô mang câu chuyện đó ra làm trò đùa trong đám bạn - chỉ chừa ra, hoặc kể lướt về nội dung những dòng bậy bạ cô đã đọc được trên vách.
“Thế anh có nghĩ đến chuyện đi tìm em không?” cô hỏi Neal.
“Tất nhiên. Chưa phải lúc thôi.”
* * *
Bác sĩ chuyên khoa ung thư có cung cách của một cha cố, lại còn mặc một cái áo cổ lọ màu đen bên dưới áo choàng trắng - một dấu hiệu gợi ý rằng ông mới trải qua một buổi lễ ban thuốc định toa. Da ông trẻ trung mịn màng - trông giống như viên kẹo caramel. Trên chỏm đầu ông chỉ có một nhúm tóc đen mỏng manh, khá giống phần tóc còn sót lại của Jinny. Chỉ có điều tóc cô màu nâu xám, như lông chuột vậy. Thoạt tiên Jinny còn tự vấn không biết có phải ông vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ chăng. Rồi, lại băn khoăn hay là ông chọn kiểu tóc này để bệnh nhân thấy thoải mái hơn. Chắc đó là tóc cấy. Hay cũng có thể là thứ mốt ông tự chọn cho mình.
Ta chẳng dám hỏi ông. Ông đến từ Syria hay Jordan hoặc một nước nào đó, nơi các bác sĩ luôn giữ vẻ nghiêm trang. Cung cách lịch sự của ông toát ra vẻ lạnh lùng.
“Thế này,” ông nói. “Tôi không muốn gây ảo tưởng.”
Cô rời khỏi tòa nhà có điều hòa, bước ra ngoài trời nắng chói chang giữa buổi chiều muộn một ngày tháng Tám ở Ontario. Mặt trời lúc chiếu rát mặt, lúc lại ẩn sau những đám mây mỏng - nhưng lúc nào thì cũng nóng như nhau. Những chiếc xe đang đỗ, vỉa hè, tường gạch của những ngôi nhà xung quanh dường như đang chủ động tấn công cô, như những sự kiện riêng rẽ xuất hiện theo một trật tự kỳ quặc. Dạo này cô không thích nghi tốt với những thay đổi về ngoại cảnh, cô muốn mọi thứ phải quen thuộc và ổn định. Thay đổi về thông tin cũng vậy.
Cô nhìn thấy chiếc xe đón mình rời chỗ đậu ở lề đường, chạy xuôi phố về phía cô. Đó là một chiếc xe van sơn màu lam nhạt có nhũ trông muốn buồn nôn. Màu xanh nhạt đi ở những chỗ gỉ cũ bị sơn đè lên. Xe dán đầy đề can: TÔI BIẾT MÌNH ĐANG LÁI MỘT ĐỐNG SẮT VỤN, NHƯNG HÃY ĐẾN XEM NHÀ TÔI, rồi HÃY VINH DANH MẸ - TRÁI ĐẤT, và (đề can này mới được thêm vào) DÙNG THUỐC TRỪ SÂU DIỆT TRỪ CỎ DẠI, GIA TĂNG UNG THƯ.
Neal xuống xe, đi vòng ra để giúp cô.
“Cháu nó đang ở trong xe rồi,” gã nói. Trong giọng gã có nét hăm hở, không rõ ngầm ý cảnh báo hay cầu khẩn. Quanh gã toát ra một vẻ sôi nổi, căng thẳng khiến Jinny nghĩ giờ không phải lúc thông báo cho gã biết tin của cô, nếu có thể gọi đó và “tin”. Khi có mặt người khác, dù chỉ một người, ngoài Jinny, cách xử sự của gã khác hẳn, gã trở nên hoạt bát hơn, hào hứng hơn, vồn vã hơn. Jinny không còn thấy phiền lòng vì điều đó nữa - họ đã chung sống với nhau hai mươi mốt năm rồi. Và chính cô cũng thay đổi - cô từng nghĩ đó và phản ứng tự nhiên - cô đã trở nên giữ kẽ hơn, có phần cay nghiệt. Một vỏ bọc ngụy trang là điều cần thiết, hoặc chỉ là thói quen quá đà khó bỏ. Cũng như vẻ ngoài cổ lỗ sĩ của Neal - dải khăn sặc sỡ trên đầu, mái tóc rễ tre màu muối tiêu buộc túm đuôi ngựa, chiếc khuyên tai vàng lấp lánh phụ họa với những viền răng vàng khắp hai hàng, và kiểu quần lùng thùng bặm trợn.
Trong khi cô đang gặp bác sĩ, gã đã đi đón cái cô bé sẽ về đỡ đần cuộc sống của họ từ nay trở đi. Gã quen cô bé ở Trung tâm Giáo dưỡng Tội phạm Vị thành niên, nơi gã dạy học và cô bé làm việc cho bếp ăn. Trung tâm Giáo dưỡng nằm ngay ngoại ô thị trấn nơi họ sinh sống, cách thị trấn có bệnh viện này khoảng hai chục dặm. Cách đây mấy tháng cô bé đã bỏ việc ở nhà bếp để nhận một việc mới, làm giúp việc cho một gia đình chủ trang trại có người mẹ già ốm đau. Ở đâu đó không xa thị trấn lớn này. May mắn là đúng lúc này cô bé đang nhàn rỗi.
“Rồi bà lão làm sao?” Jinny từng hỏi. “Chết rồi à?”
Neal trả lời, “Bà ta phải nhập viện.”
“Thế thì cũng chả khác gì.”
Họ đã bất đắc dĩ phải thực hiện nhiều sự điều chỉnh mang tính thực dụng trong một thời gian ngắn. Dọn khỏi phòng khách toàn bộ hồ sơ, báo và tạp chí có những bài báo, thông tin cần thiết chưa được lưu vào đĩa - những thứ đó trước đây chất tràn ngập các giá kệ cao tới tận trần nhà. Cả hai chiếc máy vi tính, cái máy chữ cổ lỗ, và máy in nữa. Tất cả những thứ đó phải tìm chỗ mới - chỉ tạm thời, dù không ai nói điều đó ra - ở nhà một người khác. Phòng khách sẽ trở thành phòng bệnh.
Jinny đã nói với Neal rằng gã có thể giữ lại, ít nhất là một chiếc máy vi tính để lắp trong phòng ngủ. Nhưng gã đã gạt đi. Dù gã không nói ra, nhưng cô hiểu, gã tin mình không có thời gian dành cho máy tính.
Suốt những năm cô chung sống với gã, Neal dành hầu hết thời gian rảnh rỗi tổ chức và thực hiện các chiến dịch vận động. Không phải toàn các chiến dịch vận động chính trị (dù cũng có) mà về các chiến dịch bảo tồn các ngôi nhà cổ, cây cầu cổ và nghĩa địa cổ, hay ngăn không cho đốn cây cả trên các phố của thị trấn lẫn trong những cụm rừng già còn sót lại, hay bảo vệ các con sông khỏi nguồn nước thải ô nhiễm, các mảnh đất ngon lành khỏi các nhà đầu tư phát triển và dân cư địa phương khỏi các sòng bạc. Gã liên tục viết đơn và thư kiến nghị, vận động các phòng ban chính quyền, phân phát băng rôn khẩu hiệu và tổ chức các cuộc biểu tình. Phòng khách của ngôi nhà là nơi chứng kiến các cơn phẫn nộ (Jinny nghĩ là như thế thì mọi người hả dạ được rất nhiều) và các cuộc bàn luận cũng như đề xuất kiểu ông chằng bà chuộc, và cá tính bốc đồng đáng sợ của Neal. Giờ đây, căn phòng bỗng đột nhiên trống vắng, khiến cô nhớ lại lần đầu tiên bước chân vào ngôi nhà này, ngay sau khi chuyển khỏi tầng lửng với những bức rèm rủ nhà bố mẹ cô, và nghĩ về những giá kệ chất đầy sách, những bức mành gỗ ngoài cửa sổ và những tấm thảm Trung Đông đẹp đẽ mà cô không bao giờ nhớ nổi tên, trải trên sàn gỗ đánh véc ni. Bản in một tác phẩm của danh họa Canaletto cô mua để treo trong phòng ở hồi còn là sinh viên án ngữ một bức tường trống. Bức Ngày hội Ngài Thị trưởng trên sông Thames. Chính tay cô đã treo nó lên, nhưng sau đó không còn để ý đến nó nữa.
Hai người đã thuê một chiếc giường chuyên dụng từ bệnh viện - dù họ chưa cần đến nó, nhưng kiếm một chiếc ngay lúc đang sẵn có thì vẫn tốt hơn, vì giường loại này thường cung không đủ cầu. Neal đã tính đến mọi chuyện. Gã đã treo mấy tấm rèm nặng, được thải ra từ phòng khách nhà một người bạn. Mấy tấm rèm đó có họa tiết hình nhạc ngựa và vại uống bia, theo Jinny là rất xấu xí. Nhưng giờ cô biết, rồi sẽ đến lúc xấu hay đẹp cũng chỉ có một mục đích sử dụng tương tự nhau mà thôi, rồi sẽ đến lúc bất kỳ thứ gì mắt ta nhìn vào cũng chỉ là chỗ tạm treo những mảnh rối bời của tâm trí và cơ thể trong chốc lát.
Cô vừa bước sang tuổi bốn mươi hai, và luôn trông trẻ hơn tuổi rất nhiều, cho tới mãi gần đây. Neal già hơn cô mười sáu tuổi, nên cô từng nghĩ nếu mọi việc cứ theo dòng tự nhiên thì cô mới là người phải ở trong vị trí của gã hôm nay, và đôi lúc băn khoăn không biết mình sẽ xoay xở ra sao. Một lần khi cô nắm tay gã trên giường, trước khi họ chìm vào giấc ngủ, bàn tay gã ấm và hiện hữu, cô đã nghĩ mình sẽ nắm hay vuốt bàn tay này ít nhất là một lần khi gã lìa đời. Và cô không thể tin được điều đó. Rằng gã sẽ chết và không còn sinh khí. Dù có chuẩn bị trước tinh thần bao lâu chăng nữa, cô cũng không thể nào chấp nhận được sự thật này. Cô không thể tin được rằng, trong thâm tâm, gã chẳng có suy tư gì về thời điểm đó. Cứ nghĩ đến chuyện gã không suy nghĩ gì đến việc đó là cô như bị đưa đến trước một vực thẳm cảm xúc, một cảm giác rơi tự do đầy kinh hoàng.
Ấy thế nhưng… cũng đầy hứng khởi. Sự hào hứng không thể nói ra lời, khi cảm nhận được một thảm họa đang ập đến, hứa hẹn sẽ giải thoát ta khỏi tất cả mọi nghĩa vụ trong đời ta. Nhưng vì phải giữ thể diện, ta phải tỏ ra hết sức trật tự và nghiêm trang.
“Em định đi đâu thế?” gã đã hỏi như vậy, khi cô vừa thu tay về.
“Đi đâu đâu. Em chỉ trở mình thôi.”
Giờ đây khi việc này xảy đến với mình, cô không rõ Neal cũng có cảm giác giống vậy không. Cô đã có lần hỏi gã đã quen với ý nghĩ đó chưa. Gã lắc đầu.
Cô bèn nói, “Em cũng chưa?” Rồi cô tiếp, “Chỉ cần anh đừng đi gặp các ông bà Chuyên gia Tâm lý Tang gia. Chắc họ đã bu đầy xung quanh rồi. Chỉ chờ dịp tấn công phủ đầu.”
“Đừng giày vò anh thế,” gã nói với giọng tức giận hiếm thấy.
“Em xin lỗi.”
“Em không cần lúc nào cũng phải cố nhìn mọi chuyện ở góc độ nhẹ nhàng hơn.”
“Em biết,” cô nói. Nhưng thực tế là đã có quá nhiều chuyện đang xảy ra và những sự kiện trước mắt đã thu hết tâm trí cô, cô thấy gần như chẳng có độ lùi để nhìn sự việc ở bất cứ góc độ nào cả.
“Đây là Helen,” Neal nói. “Là người sẽ chăm sóc chúng ta từ nay trở đi. Nhưng cháu nó cũng không chấp nhận chuyện gì vô lý đâu.”
“Thế thì tốt cho con bé,” Jinny nói. Cô chìa tay ra, sau khi đã ngồi xuống ghế. Nhưng có lẽ cô bé không nhìn thấy bàn tay Jinny, vì cô đang ngồi lọt thỏm giữa hai ghế trước.
Cũng có thể cô bé không biết phải làm gì. Neal đã kể rằng cô bé vừa thoát khỏi một cảnh ngộ không thể tin được, một gia cảnh cực kỳ man dại. Thực tế đang diễn ra những việc ta không thể tin được ở thời đại này, vào lúc này mà còn có chuyện như vậy. Một trang trại biệt lập, người mẹ qua đời để lại một đứa con gái thiểu năng trí tuệ với một người cha già nua tàn bạo, loạn luân đến mất trí nhớ và hai đứa bé gái. Helen chính là đứa lớn hơn, đã chạy trốn được vào năm mười bốn tuổi sau khi đánh gục được lão già. Em được một người hàng xóm che chở và gọi điện báo cảnh sát. Cảnh sát đã tới giải cứu cho đứa em gái và đưa cả hai vào chương trình Bảo trợ Trẻ em. Lão già và cô con gái lão - tức là cha và mẹ của hai em - đều bị đưa vào bệnh viện Tâm thần. Hai chị em Helen lần lượt trải qua các gia đình cha mẹ nuôi và phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng được cho đi học, nhưng đều thấy rất khổ sở vì phải bắt đầu từ lớp một. Rồi cả hai cũng học đủ để đi làm.
Khi Neal đã khởi động xong chiếc xe, Helen quyết định lên tiếng.
“Cô chú chọn đúng ngày nóng nực để ra đường,” nó nói. Chắc đó là câu nó nghe thấy những người khác nói khi bắt đầu câu chuyện. Nó có một chất giọng cứng cứng, đều đều mang vẻ chống đối và nghi ngờ, nhưng giờ thì Jinny đã biết, kể cả thế thì cũng không nên nghĩ con bé có ý gì. Đơn thuần chỉ là phong cách nói chuyện của nhiều người ở miền đất này - nhất là những người vùng nông thôn.
“Nếu cháu nóng thì cứ bật điều hòa lên,” Neal nói. “Xe này có điều hòa kiểu cổ điển - chỉ việc quay hết kính xuống.”
Tới ngã tư tiếp theo, Neal cho xe rẽ vào hướng Jinny không ngờ tới.
“Chúng ta phải đi qua bệnh viện,” Neal nói. “Không có gì phải lo. Em gái của Helen làm việc ở đó, và nó đang giữ mấy thứ Helen muốn ghé vào lấy. Phải không Helen?”
Helen đáp lại, “Vâng. Đôi giày tốt của cháu.”
“Đôi giày tốt của Helen.” Neal nhìn vào gương chiếu hậu. “Giày tốt của cô Hồng Helen.”
“Tên cháu không phải là Hồng Helen,” Helen nói. Dường như đây không phải là lần đầu cô bé nói câu đó.
“Ta chỉ gọi cháu thế vì sắc mặt cháu hồng hào như thế mà,” Neal nói.
“Không có đâu.”
“Có đấy. Đúng không, Jinny? Đấy, cô Jinny đồng ý với chú rồi, cháu có sắc mặt hồng hào. Cô Helen Má Hồng.”
Cô bé quả thật có nước da hồng phớt. Jinny cũng đã kịp nhận thấy lông mi và lông mày của cô bé gần như bạc trắng, mái tóc màu vàng kim mềm như của trẻ sơ sinh, và cái miệng, có một vẻ trần trụi rất lạ, không chỉ kiểu trần trụi thông thường của đôi môi không đánh son. Cô bé có cái vẻ non nớt như con gà vừa chui từ trong vỏ trứng ra, như còn thiếu một lớp da nữa, hay lớp lông tơ cần phải thêm thời gian để cứng cáp hơn. Chắc chắn cô bé rất dễ bị mẩn ngứa hay viêm nhiễm, hơi chạm một tí là có thể để lại các vết bầm xước, hay bị nổi mụn quanh miệng và giữa đôi mi mắt trắng. Nhưng cô bé trông không hề yếu ớt. Đôi vai rộng, cô bé gầy nhưng có khung xương lớn. Trông cũng chẳng có vẻ gì ngốc nghếch, tuy có cách biểu lộ bộc trực như một con nai hay con bê vậy. Với cô bé, mọi thứ phải ngang bằng sổ thẳng, khiến có cảm giác như toàn bộ sự chú ý và cá tính của nó dồn hết vào người đối diện, với một vẻ ngây thơ, và - riêng với Jinny - một sức mạnh khó chấp nhận.
Họ đang ngược lên một con dốc dài để đến bệnh viện - chính và chỗ Jinny đã trải qua ca phẫu thuật và đợt hóa trị đầu tiên. Ngay phía bên kia đường, đối diện với bệnh viện có một nghĩa trang. Đây là trục đường chính, và mỗi khi hai người đi qua đây - trước đây họ chỉ đến thị trấn này để mua sắm, hay thỉnh thoảng đổi gió xem một suất phim - Jinny thường nói những câu kiểu như “Quang cảnh gì mà sầu đời thế” hay “Đây là ví dụ quá đáng về tính thuận tiện trong quy hoạch.”
Giờ thì cô chỉ im lặng. Cô không còn thấy phiền lòng về nghĩa trang nữa. Cô nhận ra nó cũng chẳng đáng ngại.
Neal hẳn cũng nhận ra điều đó. Gã nói vào gương, “Đoán xem có bao nhiêu người chết trong nghĩa trang đó?”
Mất một lúc Helen chẳng nói năng gì. Rồi - hơi đột ngột - “Cháu không biết.”
“Trong nghĩa trang đó ai mà chẳng là người chết.”
“Cô cũng đã bị chú xỏ bằng trò đó,” Jinny nói. “Đó là trò đùa của học sinh lớp bốn.”
Helen không đáp lại. Có lẽ cô bé chưa từng học qua lớp bốn.
Họ lái xốc tới cổng chính của bệnh viện, rồi theo chỉ dẫn của Helen, vòng qua phía sau. Nhiều người mặc áo choàng bệnh viện, trong đó có những người kéo theo chai truyền dịch, ra ngoài để hút thuốc.
“Hai chú cháu có thấy cái ghế băng đằng kia không,” Jinny nói. “Chẳng sao, đằng nào chúng ta cũng đi qua mất rồi. Trên đó có cái biển đề ĐỪNG HÚT THUỐC, XIN CẢM ƠN. Nhưng người ta để cái ghế đó ra là để cho mọi người ngồi khi ra ngoài tòa nhà chứ. Và tại sao họ lại ra ngoài? Để hút thuốc. Thế mà lại cấm họ ngồi ở đó à? Thật không hiểu nổi.”
“Em gái Helen làm ở bộ phận giặt là,” Neal nói. “Nó tên gì, Helen? Tên em cháu là gì?”
“Lois,” Helen đáp. “Dừng ở đây. Được rồi. Ở đây.”
Họ đang ở trong một bãi đỗ xe đằng sau một chái nhà của bệnh viện. Chẳng có cái cửa ra vào nào ở tầng trệt, ngoài cửa kéo, đang đóng chặt. Ở ba tầng trên có cửa mở ra một cầu thang sắt thoát hiểm.
Helen xuống xe.
“Cháu biết đường vào chứ?” Neal hỏi.
“Dễ ợt.”
Cầu thang thoát hiểm cao cách mặt đất chừng mét hai, mét rưỡi, nhưng nó bám được vào tay vịn và đu người lên chỉ trong vài giây, có lẽ nhờ đạp được một chân vào hõm gạch nào đó trên tường. Jinny không thể lý giải nổi nó làm được việc đó như thế nào. Còn Neal thì cười phá lên.
“Tóm hết bọn chúng đi, cô gái,” gã nói.
“Không có đường nào khác à?” Jinny hỏi.
Helen đã chạy tới tầng ba và mất hút.
“Nếu có chắc nó đã đếch phải dùng cách đó,” Neal nói.
“Gan lì tướng quân,” Jinny cố nói.
“Nếu không nó đã chẳng trốn khỏi chỗ đó được”, gã nói. “Lúc đó nó cần đến toàn bộ sự gan lì trời cho.”
Jinny đang đội một chiếc mũ cói rộng vành. Cô cởi nó ra và bắt đầu quạt.
Neal nói, “Xin lỗi. Hình như chẳng có chỗ nào râm để anh đỗ xe vào. Chắc nó ra ngay thôi.”
“Em trông có bê bối quá không?” Jinny hỏi.
Gã đã quen với câu hỏi đó của cô. “Em ổn lắm. Mà cũng có ai ở quanh đây đâu.”
“Ông bác sĩ hôm nay em gặp không phải là ông lần trước. Em nghĩ ông này quan trọng hơn. Buồn cười một nỗi là ông ấy có kiểu tóc lơ thơ như của em. Chắc ông ấy để như vậy để bệnh nhân thấy dễ chịu.”
Cô định tiếp tục kể về những lời bác sĩ đã nói, nhưng gã cất tiếng, “Cái đứa em gái này không sáng sủa bằng nó đâu. Helen vừa kiểu như chăm sóc, vừa bắt nạt nó. Cái vụ giày dép này - quá điển hình. Hình như em nó không có khả năng tự mua lấy giày cho mình hay sao ấy? Mà nó cũng chưa có chỗ ở riêng của mình nữa - vẫn phải sống với gia đình đang nuôi nó, đâu đó ngoài vùng quê.”
Jinny không tiếp lời nữa. Việc quạt mũ đã ngốn gần hết sức lực của cô. Gã ngắm nhìn tòa nhà.
“Anh hy vọng ơn Chúa con bé không bị người ta gô cổ vì tội đột nhập,” gã nói. “Vi phạm luật. Luật sinh ra không phải dành cho những đối tượng như con bé này.”
Vài phút sau gã bật lên tiếng huýt sáo.
“Cô bé ra đây rồi. Cô-bé-đang-ra. Nước rút những bước cuối cùng. Liệu-cô-có đủ khôn ngoan để dừng lại trước khi nhảy không? Có nhìn trước khi vọt xuống? Có-hay-không-có-hay… không. Không. Ối-trời-ơi.”
Helen không cầm đôi giày nào trên tay cả. Nó nhảy lên xe và sập cửa đánh rầm rồi nói, “Một lũ ngốc. Đầu tiên cháu lên đó và cái lão khỉ gió ấy chặn đường. Biển tên đâu? Phải đeo biển tên. Không ai được vào đây mà không có biển tên. Tôi nhìn thấy cô lên đây từ lối thang thoát hiểm, cô không làm thế được. Biết rồi, biết rồi, nhưng cháu cần gặp em cháu. Bây giờ thì không gặp được vì không phải giờ nghỉ của nó. Cháu biết mà, thế cháu mới phải vào bằng thang thoát hiểm vì cháu chỉ cần mấy mấy thứ thôi. Cháu không muốn nói chuyện với nó, cũng không muốn làm mất thì giờ của nó, cháu chỉ muốn lấy mấy thứ thôi. Thế không được. Được chứ. Không thể được. Rồi cháu bắt đầu gọi to Lois. Lois. Với đủ các thứ máy móc đang chạy, ở trong chỗ đó phải nóng tới sáu chục độ C, ai cũng mồ hôi mồ kê mướt mát, bận rộn việc nọ việc kia. Nhưng cháu kệ. Cứ Lois, Lois chẳng cần biết nó ở đâu hay có nghe thấy không. Nhưng rồi nó chạy ào ra, vì vừa nhìn thấy cháu là nó… Chết cha. Chết cha, nó nói, em đi mà quên mất. Nó quên mang giày trả cháu. Tối qua cháu đã gọi điện nhắc nó, thế mà đến lúc đó nó lại cứ, ối, chết cha, nó quên. Đúng ra cháu có thể tẩn cho nó một trận. Giờ cô đi ra ngay, lão kia nói. Đi xuống đường cầu thang và ra khỏi cửa. Không được dùng thang thoát hiểm vì như thế là phạm luật. Tổ sư nhà lão.”
Neal vừa cười ngặt nghẽo vừa lắc đầu.
“Thế nó quên thật à? Không mang giày đến cho cháu?”
“Quên ở nhà cô June chú Matt?”
“Thật là bi kịch.”
Jinny nói, “Giờ mình chạy xe cho có gió chút được chưa nhỉ? Quạt tay mãi cũng chả ăn thua.”
“Được ngay,” Neal nói. Gã lùi xe và quay đầu, một lần nữa lại chạy qua cổng trước quen thuộc của bệnh viện, cũng vẫn thấy những người đang đứng hút thuốc, có cả những khuôn mặt họ đã gặp khi tới lẫn những kẻ mới nhập bọn, trông thật ảm đạm trong đồng phục bệnh viện và chai truyền dịch.
“Helen phải chỉ cho chúng ta chỗ cần đến thôi.” Gã gọi với xuống ghế sau, “Helen?”
“Gì cơ?”
“Từ đây chúng ta rẽ ngả nào thì tới nhà họ?”
“Họ nào cơ?”
“Nơi em cháu ở. Nơi có giày của cháu. Chỉ đường để chúng ta đến đó đi.”
“Chúng ta không đi đến đó. Cháu chẳng chỉ đường đâu.”
Neal đi ngược lại con đường cũ.
“Chú cứ đi lối này cho đến khi nào cháu nhớ ra đường. Nếu đi ra đường cao tốc thì có tiện hơn không? Hay cứ đi vào trung tâm thị trấn? Bắt đầu từ chỗ nào?”
“Chẳng bắt đầu từ đâu cả. Chẳng đi đâu hết.”
“Chỗ đó không xa mấy, phải không nào? Tại sao chúng ta không đi chứ?”
“Chú giúp cháu một lần là đủ rồi.” Helen ngồi vươn lên đằng trước hết tầm, thò đầu ra giữa ghế lái của Neal và ghế phụ của Jinny. “Chú đã đưa cháu đến bệnh viện, thế là đủ rồi phải không nào? Chú không phải lái loanh quanh chỉ để giúp cháu.”
Xe chạy chậm lại, rồi rẽ vào một phố nhánh.
“Ngốc thật,” Neal nói. “Cháu sắp phải đi xa cả ba chục cây và cũng khá lâu nữa mới quay lại đây. Cháu cần mang theo đôi giày đó chứ?”
Không có tiếng đáp lại.
Gã cố thêm, “Hay là cháu không thuộc đường? Cháu không biết đường từ đây đến chỗ đó à?”
“Cháu biết, nhưng cháu không nói đâu.”
“Thế thì chúng ta cứ phải đi lòng vòng vậy. Đi vòng quanh cho đến khi cháu muốn chỉ đường.”
“Cháu chẳng muốn. Cháu không chỉ.”
“Chúng ta có thể quay lại bệnh viện gặp em cháu. Chú cá là nó sẽ chỉ đường. Chắc đến giờ nó tan ca rồi, và chúng ta có thể chở nó về nhà luôn.”
“Hôm nay nó làm ca chiều cơ, ê, ê…”
Họ đang đi ở một khu trong thị trấn mà Jinny chưa thấy bao giờ. Xe chạy rất chậm và rẽ phải rẽ trái liên tục nên chẳng có bao nhiêu gió vào được bên trong xe. Một nhà máy đã niêm phong, các cửa hàng bán đồ giảm giá, cửa hàng cầm đồ với một biển hiệu đèn nhấp nháy dòng chữ TIỀN, TIỀN, TIỀN MẶT gắn trên các cửa sổ gắn song sắt. Nhưng cũng có nhà cửa, những căn nhà cũ kỹ tồi tàn, và một kiểu nhà gỗ đơn được dựng lên cấp tốc trong Thế chiến thứ hai. Một khoảng sân nhỏ chất đầy các thứ đồ thanh lý - quần áo treo trên dây, mấy cái bàn chất đầy bát đĩa và đồ gia dụng. Một con chó chúi mũi đánh hơi quanh gầm một cái bàn, suýt húc đổ cả bàn nhưng người phụ nữ ngồi trên bậc thềm, vừa hút thuốc vừa nhìn cảnh vắng khách, chẳng có vẻ gì là bận tâm cả.
Bên ngoài một cửa hàng ở góc phố, mấy đứa trẻ đang mút kem. Một thằng bé đứng ngoài cùng trong bọn - chắc chỉ khoảng bốn năm tuổi - ném cây kem mút về phía chiếc xe họ. Cú ném mạnh không ngờ. Cây kem đập vào cửa xe phía Jinny ngay dưới chỗ cô để tay khiến cô bật lên tiếng kêu khẽ.
Helen thò đầu ra ngoài cửa kính ghế sau.
“Thằng kia, muốn bó bột tay à?”
Thằng bé bật lên tiếng tru. Nó không dám đôi co với Helen, chắc cũng không dám đôi co về chuyện cây kem đã mất.
Quay vào trong xe, Helen nói với Neal. “Chú chỉ làm tốn xăng thôi.”
“Ở phía Bắc thị trấn?” Neal nói. “Hay phía Nam Đông Tây Nam Bắc, Helen nói cho chắc.”
“Cháu nói rồi. Hôm nay chú đã làm xong việc cho cháu.”
“Và chú nói rồi. Chúng ta sẽ đi lấy giày cho cháu trước khi về nhà.”
Dù giọng gã có nghiêm đến mấy, Neal vẫn tươi cười. Khuôn mặt gã biểu lộ một sự ngờ nghệch cố ý mà vẫn tự nhiên. Dấu hiệu của một niềm vui đang xâm lấn. Xâm chiếm cả thể chất lẫn tâm hồn Neal. Gã rạng rỡ một niềm vui ngờ nghệch.
“Chú ương bướng quá,” Helen nói.
“Rồi cháu sẽ thấy bướng đến mức nào.”
“Cháu cũng thế. Cháu cũng cứng đầu không kém đâu.”
Dường như Jinny cảm nhận được hơi nóng từ cặp má của Helen, giờ đang ở rất gần mặt cô. Đương nhiên cô nghe rõ tiếng thở của nó, hơi nặng và gấp có lẽ do đang phấn khích, điểm những tiếng khò khè di chứng của bệnh hen. Sự hiện diện của Helen trong xe có thể so sánh với một con mèo nhà, không nên mang nó lên bất kỳ một chiếc xe ô tô nào vì quá dễ kích động, không thể cư xử đúng mực, mà cũng quá thông minh nên chẳng thể nhảy phắt từ ghế này sang ghế khác.
Nắng lại như thiêu như đốt xuyên qua cả mây. Mặt trời vẫn chiếu chói chang chưa chịu ngả bóng.
Neal ngoặt xe vào một con phố có hàng cây cổ thụ với những ngôi nhà khả dĩ hơn.
“Ở đây tốt hơn không?” gã hỏi Jinny. “Thêm bóng râm cho em đó?” Giọng gã hạ giọng xuống và có vẻ riêng tư, ý như có thể tạm thời gạt bỏ chuyện đôi co với cô bé, suy cho cùng cũng nhảm nhí thôi mà.
“Đi vào con đường thật đẹp,” gã nói, hướng xuống phía ghế sau. “Hôm nay ta được đi vào con đường thật đẹp nhờ cô Helen Má Hồng.”
“Có lẽ chúng ta nên đi thẳng luôn,” Jinny nói. “Đi luôn về nhà đi.”
Helen xen ngay vào, nói gần như quát. “Cháu đâu có ngăn cản ai về nhà.”
“Thế thì cháu phải chỉ đường cho chú,” Neal nói. Gã cố ghìm giọng để có vẻ nghiêm túc. Và cũng để nén nụ cười, cứ luôn xen vào bất chấp nỗ lực thường xuyên của gã cố nuốt vào trong. “Thôi, đi đến chỗ đó cho xong việc rồi chúng ta về nhà nào.”
Đi thêm được chừng nửa con phố với tốc độ rùa bò nữa thì Helen rên lên.
“Chắc phải làm việc cần làm thôi,” nó nói.
Họ không phải đi xa lắm. Qua một khu khác, rồi Neal lại nói với Jinny, “Chẳng thấy khe suối nào. Cũng chẳng có điền trang nào.”
Jinny hỏi, “Gì cơ?”
“Điền trang khe suối bạc. Trên biển đề thế.”
Chắc gã đọc được từ một biển chỉ dẫn mà cô không nhìn thấy.
“Rẽ,” Helen nói.
“Phải hay trái?”
“Ở chỗ đống rác.”
Họ đi qua một bãi chứa đồ thải, có những xác xe ô tô cũ nhô cao khỏi hàng rào chắn bằng những tấm tôn xập xệ. Rồi đi lên một ngọn đồi qua mấy cánh cổng tới một bãi sỏi, là nơi phong quang nhất ở ngay giữa ngọn đồi.
“Nhà họ ở đó. Hộp thư của họ ngay trước mặt kia,” Helen nói với vẻ trịnh trọng nhất định, và khi họ tới gần hơn, cô đọc to tên chủ nhà.
“Matt và June Bergson. Đúng họ rồi.”
Hai con chó xổ ra sủa dọc lối đi ngắn dẫn vào nhà. Một con to lớn màu đen, con kia nhỏ màu lông bò trông như còn non vậy. Chúng chạy nhặng lên quanh bánh xe khiến Neal phải nhấn còi. Rồi một con khác - con này trông gian và lì hơn, với bộ lông đốm khoang bóng mượt - chui ra từ đám cỏ cao.
Helen quát lũ chó im, nằm xuống và biến đi.
“Không cần để ý lũ này, trừ con Pinto,” cô bé nói. “Hai con kia thì nhát như cáy.”
Họ dừng lại một chỗ khá rộng, trống trải có rải sỏi. Một bên là nhà kho hay lán chứa dụng cụ gì đó, lợp tôn, cạnh đó, ngay sát bờ một ruộng ngô là một căn nhà trang trại cũ bỏ hoang, tường gạch đã bị dỡ gần hết để lộ những vách gỗ đen đúa. Chỗ đang dùng để ở là một cái nhà di động đã được tân trang đẹp đẽ với tiền sảnh và mái, và một vườn hoa bên trong hàng rào xinh xinh như đồ chơi. Căn nhà di động và vườn tược trông khá chỉn chu tươm tất, mọi chỗ còn lại ở khu đất thì rải rác đầy những thứ không rõ được đặt ở đó có mục đích hay chỉ vứt ra cho mục nát đi.
Helen đã nhảy xuống xe và đang tìm cách xích lũ chó lại. Nhưng chúng liên tục chạy thoát và nhảy xổ lại sủa vào xe, mãi cho đến khi một người đàn ông chui từ cái lán ra và quát chúng. Jinny không nghe rõ ông ta quát chúng những gì và gọi tên chúng như thế nào, nhưng lũ chó im bặt ngay.
Jinny đội mũ lại. Suốt từ nãy tới giờ cô cứ cầm mũ trên tay.
“Chúng cứ phải diễn thế ấy mà.” Helen nói.
Neal cũng đã rời xe và đang cố thương lượng với lũ chó với một vẻ dứt khoát. Người đàn ông rời lán tiến về phía họ. Ông ta mặc một chiếc áo phông tím đẫm mồ hôi, dính chặt vào bụng và ngực. Ông ta béo đến nỗi có ngực và người ngoài có thể nhìn lấy rốn ông ta lồi ra như rốn bà chửa, cứ nhấp nhô tràn bụng như viên bi ve khổng lồ.
Neal tiến lại phía ông ta, chìa tay ra. Người đàn ông chùi tay vào quần bảo hộ, cười lớn và bắt tay Neal. Jinny không nghe được họ nói những gì. Một người phụ nữ ra khỏi căn nhà di động và mở cánh cổng đồ chơi, còn gài chốt lại sau khi đã ra ngoài.
“Lois đi làm mà quên mang giày cho cháu.” Helen nói với về phía bà ta. “Cháu đã gọi điện dặn dò đủ thứ, thế mà lúc đi làm nó vẫn quên, nên chú Lockyer đưa cháu đến lấy.”
Bà ta cũng rất béo tuy không đến nỗi như ông chồng. Bà ta mặc một cái váy hoa dài kiểu Hawaii màu hồng với họa tiết mặt trời Aztec, tóc bà ta điểm xuyết những lọn vàng. Bà ta vượt qua bãi sỏi với vẻ bình thản và xởi lởi. Neal quay ra và tự giới thiệu, sau đó đưa bà ta lại chỗ chiếc xe để giới thiệu Jinny.
“Rất vui được gặp cô chú,” bà ta nói. “Cô không được khỏe lắm nên phải tìm người giúp việc phải không?”
“Tôi vẫn ổn,” Jinny nói.
“Ừ, giờ đã đến đây rồi thì nên vào nhà đi. Vào nhà cho đỡ nóng.”
“Ồ, chúng tôi chỉ ghé qua thôi,” Neal nói.
Người đàn ông đã đến sát bên. “Chúng tôi có điều hòa trong nhà,” ông ta nói. Ông ta vừa nói vừa săm soi bên trong chiếc xe van, mặt biểu lộ vẻ vừa thương hại vừa thông cảm.
“Chúng tôi chỉ ghé lấy giày thôi,” Jinny nói.
“Giờ các bạn đã tới nơi rồi thì phải làm được hơn thế chứ,” người đàn bà - tên June - nói và cười phá lên như thể ý định không vào nhà của họ là một trò đùa lố bịch. “Vào nhà đi, nghỉ ngơi chút cho hồi sức.”
“Chúng tôi không muốn làm phiền bữa tối của gia đình,” Neal nói.
“Chúng tôi ăn xong rồi,” ông Matt nói. “Chúng tôi ăn tối sớm lắm?”
“Nhưng còn rất nhiều bò xay xốt ớt.” Bà June nói. “Các bạn phải vào xử lý giúp món đó với.”
Jinny đáp, “Cảm ơn chị. Nhưng tôi nghĩ mình chẳng ăn được gì đâu. Khi trời nóng bức thế này tôi chả muốn ăn gì cả.”
“Thế thì cô phải uống chút gì vậy,” June nói. “Chúng tôi có soda gừng, Coca. Chúng tôi có cả rượu đào.”
“Bia nhé,” Matt nói với Neal. “Cậu muốn làm một chai Blue không?”
Jinny vẫy Neal lại gần chỗ cô ngồi lên xe.
“Em không vào được,” cô nói. “Hãy nói với họ em không thể.”
“Em biết làm thế là họ phật ý mà,” gã thì thầm. “Họ đang cố thể hiện lòng mến khách.”
“Nhưng em không thể. Hay là anh đi thôi.”
Gã cúi xuống sát hơn. “Em biết mình không vào thì họ sẽ nghĩ thế nào. Trông sẽ có vẻ như em tự cho rằng họ không xứng với mình.”
“Thôi anh vào đi.”
“Cứ vào trong nhà là em sẽ khá hơn mà. Điều hòa mát sẽ làm em dễ chịu ngay.”
Jinny lắc đầu.
Neal đứng thẳng người lên và nói.
“Jinny muốn nghỉ ngơi ngoài này vì ở đây có bóng râm.”
June nói, “Nhưng cô ấy cứ vào trong nhà nghỉ cũng được mà…”
“Thật tình tôi muốn làm một chai Blue,” Neal nói. Gã quay lại nhìn Jinny với nụ cười nặng nề. Cô thấy gã có vẻ vừa buồn bã vừa tức giận. “Em có chắc mình sẽ ổn không?” gã nói cho những người khác nghe thấy. “Chắc hả? Anh đi và nhà một chút không sao chứ?”
“Em sẽ ổn thôi,” Jinny nói.
Gã khoác một tay lên vai Helen và tay kia lên vai June, vui vẻ cùng họ tiến lại phía căn nhà di động. Matt nở nụ cười khó hiểu với Jinny rồi bước theo ba người.
Lần này, khi ông ta gọi lũ chó đi theo thì Jinny nghe rõ được tên từng con.
Goober. Sally. Pinto.
Chiếc xe đậu dưới một rặng liễu, toàn những cây to đã già nhưng lá quá thưa nên không tròn bóng. Dù sao thì được yên tĩnh một mình cũng khiến Jinny thấy nhẹ nhõm hẳn.
Sáng nay, khi đi trên đường cao tốc từ thị trấn nơi họ sống, họ đã dừng lại ở một quầy ven đường mua vài trái táo đầu mùa. Jinny lấy ra một trái từ chiếc túi để dưới chân cô và cắn một miếng nhỏ, chủ yếu để thử xem cô có còn cảm nhận được mùi vị, và có đủ sức nuốt trôi miếng táo xuống dạ dày mà không nôn ra không. Cô cần cái gì đó để chống lại cảm giác khi nghĩ đến món bò xốt ớt và cái rốn lồi quá khổ của Matt.
Cũng ổn. Quả táo giòn và rôn rốt nhưng không quá chua, nếu cô cắn từng miếng nhỏ và nhai cẩn thận, chắc cũng xoay xở hết được.
Cô từng chứng kiến Neal xử sự kiểu này - hay gần giống như thế này - đã vài lần rồi. Với một thằng nhóc nào đó ở trường gã. Kiểu nhắc đến cái tên ấy một cách suồng sã, thậm chí trịch thượng. Kiểu nhìn giả lả, kiểu cười hì hì vẻ biết lỗi nhưng có nét bất cần.
Nhưng cô không bao giờ phải chứa chấp người ấy ở nhà mình, nên chẳng bao giờ nảy sinh chuyện gì được. Hết giờ gặp gỡ thằng nhóc đó là ai về chỗ nấy. Nên lần này chắc cũng qua đi thôi. Chẳng nên phiền lòng.
Nhưng cô vẫn băn khoăn nếu việc này xảy ra ngày hôm qua thì có nhẹ nhàng hơn hôm nay không.
Cô xuống xe, vẫn để cửa mở để bám được vào tay nắm bên trong. Mọi thứ bên ngoài xe đều nóng quá, không thể bám vào được dù chỉ trong chốc lát. Cô phải thử xem mình có tự đứng vững được không đã. Rồi cô dò bước trong bóng râm. Lác đác vài nhành liễu đã chuyển vàng. Vài cọng lá đã rụng xuống gốc. Từ trong bóng râm cô bắt đầu quan sát mọi thứ xung quanh sân.
Một chiếc xe chở hàng méo mó, đã mất cả hai đèn pha và hàng chữ bên sườn bị sườn đè lên. Một chiếc xe nôi đã bị lũ chó cắn rời ghế ra, một đống củi làm chất đốt đổ bừa ra chưa được xếp lại, một chồng lốp xe cỡ lớn, vô vàn bình nhựa và vài can dầu cùng những tấm gỗ xe cũ và mấy tấm bạt màu da cam xiêu vẹo bên cạnh vách lán dụng cụ. Trong lán một xe tải GM hạng nặng, và một xe tải nhỏ hiệu Mazda đã te tua, cùng một chiếc máy kéo cỡ nhỏ, với các dụng cụ còn nguyên vẹn hay đã hỏng hóc và mấy bánh lái, tay cầm, thanh trục rời còn hữu dụng hay vô dụng tùy theo trí tưởng tượng về công dụng. Sao người ta lại có thể chuốc vào thân nhiều thứ đến thế. Cũng như cô đã phải quản lý đống hình ảnh, công văn, biên bản, bài báo, hàng ngàn hạng mục do cô tự nghĩ ra cách phân loại và lưu vào đĩa, cho đến khi cô phải bắt đầu đợt hóa trị và rồi mọi thứ bị mang đi. Chắc rốt cuộc rồi chúng cũng bị vứt bỏ thôi. Tất cả những thứ này chắc cũng chung số phận ấy, một khi Matt chết đi.
Ruộng ngô chính là nơi cô muốn tới. Những cây ngô cao quá đầu cô, có khi quá cả đầu Neal - cô muốn chui vào trong bóng râm của chúng. Cô băng ngang qua sân với duy nhất một nghĩ đó trong đầu. Ơn Chúa, lũ chó chắc đã bị bắt vào trong nhà.
Không có rào chắn ruộng. Các luống ngô cứ lan bừa lên cả sân. Cô thẳng bước về phía đó, tới rãnh hẹp giữa hai luống. Những tàu lá đập vào mặt, vào tay cô như những dải cờ bằng vải chống thấm. Cô phải bỏ mũ ra cầm ở tay cho khỏi bị lật. Mỗi thân ngô đều có bắp, trông như đứa trẻ sơ sinh trong tã quấn. Không gian đặc quánh mùi cây cỏ sinh sôi, mùi tinh bột xanh, mùi nhựa cây tươi khiến cô hơi váng vất.
Một việc cô định làm, sau khi đi được tới đây, là ngả lưng nằm xuống. Nằm xuống dưới bóng râm của những tàu lá dày đặc này cho đến khi nghe thấy tiếng Neal gọi thì mới ra. Có khi lâu hơn. Nhưng những luống ngô quá dày, ken sát nhau nên không cô không nằm lọt, hơn nữa đầu óc cô đang bận nghĩ việc khác nên không muốn cố tìm giải pháp. Cô đang giận sôi lên.
Không phải vì một việc mới xảy ra gần đây. Cô hồi tưởng lại một buổi tối trong phòng khách - hay còn gọi là phòng họp ở nhà cô, có một nhóm người ngồi chơi những trò chơi tâm lý khá nặng đô. Một trò trong số đó có mục đích làm cho người chơi trở nên trung thực hơn và cứng rắn hơn. Người chơi phải nói ra ý nghĩ của mình khi lần lượt nhìn và từng người xung quanh. Và một phụ nữ tóc bạch kim tên là Addie Norton, một người bạn của Neal, nói, “Tôi không hề muốn nói ra điều này, Jinny, nhưng mỗi khi nhìn cô, ý nghĩ duy nhất của tôi chỉ là, bà Neal tốt bụng.”
Jinny không nhớ lúc đó cô phản ứng ra sao. Hình như luật chơi không buộc người bị nhận xét đưa ra phản hồi thì phải. Nhưng lúc này đây, cô nghĩ, mình sẽ nói, sao chị lại nói không hề muốn nói ra điều đó? Chị không nhận ra được là mỗi khi ai đó nói mình không hề muốn nói điều gì ra thì thực ra là họ rất muốn nói ra điều đó à? Chị không nghĩ được rằng nếu chúng ta đang muốn trung thực, thì ít nhất hãy bắt đầu với việc thừa nhận thực tế đó sao?
Đây không phải là lần đầu cô đưa ra phản hồi tưởng tượng trong óc mình. Và tưởng tượng đến cảnh chỉ ra cho Neal thấy trò chơi này lố bịch ra sao. Vì khi đến lượt Addie, có ai dám nói điều gì mếch lòng bà ta không? Ồ, không đời nào. “Nhiệt tình, là lời nhận xét của họ, hay “Trung thực như một gáo nước lạnh?” Họ quá sợ bà ta, thế đấy.
Rồi giờ đây cô hét to lên, “Gáo nước lạnh” bằng một giọng tức giận đến the thé.
Tất nhiên, những người khác có nói những điều tử tế hơn về cô. “Em bé trong sáng” hay “Đức Mẹ Madonna bên dòng suối.” Cô tình cờ biết được tất cả những người nói ra nhận xét đó thực ra đều muốn nói “Manon bên dòng suối”[6] nhưng cô không đưa ra lời cải chính nào. Cô thấy rất bực bội vì phải ngồi đó mà nghe ý kiến của những người khác về mình. Ai cũng nói sai bét. Cô chẳng hề e thẹn hay ngoan ngoãn hay tự nhiên hay thuần khiết.
Tất nhiên, khi ta chết đi, những nhận định sai lầm đó là tất cả những gì còn lại.
Trong khi đang miên man với những ý nghĩ đó trong đầu, cô đã làm một việc dễ làm nhất trong ruộng ngô - đi lạc. Cô đã bước qua một luống, rồi một luống nữa, rồi chắc bị mất phương hướng. Cô cố trở lại lối cũ vừa đi nhưng rõ ràng là bị sai hướng. Mặt trời lúc đó lại đang khuất trong mây nên cô không biết đâu là hướng Tây. Mà cô cũng chẳng biết sau khi vào luống ngô thì mình đi về hướng nào nên nhìn mặt trời cũng chẳng giúp được gì. Cô đứng im và lắng nghe, nhưng chỉ thấy tiếng lá ngô rì rào và tiếng xe cộ ở đâu đó xa xăm.
Tim cô đập nhanh y như trái tim một người khỏe mạnh sẽ còn một quãng đời dài nhiều năm trước mắt.
Rồi một cánh cửa bật mở, cô nghe tiếng chó sủa và tiếng Matt quát rồi tiếng cửa đóng sập lại. Cô chen vội qua những thân và lá, đi về hướng đó. Và hóa ra cô chẳng đi xa mấy. Suốt lúc trước cô chỉ loanh quanh ở một góc nhỏ của ruộng ngô.
Matt đưa tay vẫy cô và nạt mấy con chó.
“Đừng dợn chúng, đừng dợn,” ông ta gọi cô. Cũng như cô, ông ta đang tiến lại chiếc xe, chỉ có điều từ một hướng khác. Khi họ đến gần nhau hơn, ông ta nói với một giọng thấp hơn, có lẽ thân mật hơn.
“Đáng ra cô cứ đến gõ cửa chứ.”
Thì ra ông ta nghĩ cô vào ruộng ngô đi giải.
“Tôi vừa bảo chồng cô để tôi ra xem cô ổn cả không.”
Jinny nói, “Cảm ơn ông. Tôi vẫn ổn.” Cô vào trong xe nhưng vẫn để cửa mở. Ông ta chắc sẽ thấy bị xúc phạm nếu cô đóng cửa. Mà cô cũng thấy mình không còn sức nữa.
“Chú ấy quả thật đói bụng, ăn món bò xốt ớt rất nhiệt tình.”
Ông ta đang nói về ai vậy? Neal.
Cô thấy mình hơi run và toát mồ hôi, đầu ong ong như có một sợi dây căng giữa hai tai.
“Nếu cô muốn ăn tôi sẽ mang ra cho cô một ít.”
Cô lắc đầu, mỉm cười. Ông ta giơ chai bia đang cầm ở tay lên - hình như ra dấu chào cô.
“Uống chút gì nhé?”
Cô lại lắc đầu, vẫn mỉm cười.
“Chút nước thôi cũng không được? Nước ở đây tốt lắm.”
“Không, cảm ơn.”
Nếu cô quay mặt lại và nhìn thấy cái rốn lồi dưới tấm áo tím của ông ta, cô sẽ nghẹt thở mất.
“Cô biết không, có một tay này,” ông ta nói với một giọng khác hẳn. Thoải mái hơn, xen tiếng khúc khích. “Có một tay đi ra khỏi nhà và cầm theo một hũ xốt củ cải ngựa trên tay. Thế là ông bố hắn liền hỏi, ‘Con mang củ cải ngựa đi đâu đấy?’
‘À, con đi kiếm một con ngựa,’ hắn nói.
‘Dùng củ cải ngựa thì mày không kiếm được con nghẽo nào đâu.’
Đến sáng hôm sau, có con ngựa đẹp nhất ta chỉ ước được trông thấy. Ngó con ngựa của con. Rồi hắn cho nó vào chuồng.
Tôi không muốn gây ảo tưởng. Chúng ta không nên để tính lạc quan làm lạc hướng. Nhưng dường như ta đang có những kết quả ngoài sự mong đợi.
Hôm sau ông bố lại thấy hắn ra khỏi nhà. Nách kép một cuộn băng dính vít. ‘Giờ mày đi đâu?’
‘À, con nghe mẹ nói muốn có một con vịt ngon để nấu bữa tối.’
‘Đồ ngốc, đừng có nghĩ là mày dùng băng dính vít để bắt vịt đấy chứ?’
‘Cứ chờ xem.'
Sáng hôm sau, hắn cắp nách về một con vịt vừa ngon vừa béo.
Trông có vẻ như đã thu nhỏ đáng kể. Tất nhiên đó là điều chúng tôi hy vọng nhưng thực lòng mà nói chúng tôi không mong đợi sẽ xảy ra. Và tôi không muốn nói rằng trận chiến đã kết thúc, nhưng đây là một dấu hiệu khả quan.
Ông bố không biết nói gì. Còn biết nói gì nữa.
Đêm hôm sau, ngay đêm hôm sau, thấy thằng con trai đi ra ngoài tay cầm một bó cành cây.
Một dấu hiệu rất khả quan. Chúng tôi chưa biết được trong tương lai sẽ còn những khó khăn gì nữa nhưng tôi có thể nói chúng tôi đang lạc quan một cách thận trọng.
‘Mày đang cầm cành cây gì trên tay thế?’
‘Mấy cành liễu bướm[7] ấy mà.’
‘Được rồi,’ ông bố nói. ‘Mày chờ một phút. Chờ tao một phút tao đi lấy mũ rồi cho tao theo với!’”
“Thật là quá quắt.” Jinny nói thành tiếng.
Thực ra cô đang nói với ông bác sĩ trong đầu mình.
“Gì cơ?” Matt nói. Một vẻ lo lắng và ngơ ngác trùm lên khuôn mặt ông ta, ngay khi vẫn đang còn cười khúc khích. “Có làm sao không?”
Jinny lắc đầu, bụm chặt bàn tay lên miệng.
“Chỉ là chuyện cười thôi mà,” ông ta nói. “Tôi không hề có ý định xúc phạm cô.”
Jinny nói, “Không, không. Tôi… Không.”
“Không sao, tôi đi vào nhà đây. Tôi đi vào ngay không làm phiền cô thậm một giây nào nữa.” Và ông ta quay ngoắt đi, quên cả gọi lũ chó.
Cô chưa từng nói điều gì như thế với bác sĩ. Mà sao phải nói? Ông ta có lỗi gì đâu. Nhưng điều đó cũng đúng mà. Thật là quá quắt. Những lời ông ta nói làm mọi chuyện nặng nề hơn. Nó khiến cô phải lặp lại đợt điều trị từ đầu năm nay. Nó tước đi một thứ tự do dù chỉ ở cấp thấp. Một màng bảo vệ mỏng manh, mà cô thậm chí chưa từng biết rằng nó có ở đó, đã bị bóc đi, để cô trơ ra.
Ý nghĩ của Matt rằng cô đã vào ruộng ngô để đi giải khiến cô nhận ra rằng mình đang thực sự muốn đi. Cô rời xe, thận trọng đặt hai chân xuống đất, giạng chân và vén chiếc váy cotton rộng đang mặc. Cô đã chọn mặc váy rộng và không mặc quần lót từ đầu mùa hè này, vì cô không còn tuyệt đối kiểm soát được bàng quang của mình nữa.
Một dòng nước đục chảy từ người cô xuống sân sỏi. Mặt trời đang lặn, buổi tối đang đến. Một bầu trời quang quẻ trên đầu cô, những đám mây đã tan hết.
Một con chó trong đàn sủa mừng rỡ, báo hiệu có người đang đến, nhưng là người quen. Chúng không đến quấy rầy cô khi cô xuống xe - chắc chúng cũng đã quen với cô. Chúng chạy ra đón người đang tới, với thái độ không có gì là cảnh giác hay kích động.
Đó là một cậu trai, hay một thanh niên, đang đi xe đạp. Cậu ta lượn tới chỗ chiếc xe đang đỗ và Jinny đi vòng ra để chào, một tay vẫn phải vịn vào thanh nắm cửa bằng kim loại, giờ đã nguội bớt nhưng vẫn còn ấm. Cô không muốn khi cậu ta cất tiếng thì hai người đứng đối diện nhau qua vũng nước cô vừa xả ra. Và cũng có lẽ đánh lạc hướng cậu ta khỏi nhìn xuống đất để thấy thứ đó, cô lên tiếng trước.
Cô nói, “Xin chào… cậu đến giao hàng gì à?”
Cậu ta bật cười, nhảy khỏi chiếc xe và thả nó đổ xuống đất, tất cả chỉ trong một động tác.
“Nhà tôi ở đây,” cậu ta nói. “Tôi vừa đi làm về.”
Cô nghĩ cô nên giải thích mình là ai, rồi kể với cậu ta cô đến đây như thế nào, ở đây bao lâu. Nhưng điều đó khó khăn quá. Phải vịn vào xe như thế, cô nghĩ chắc mình trông như người vừa thoát khỏi một vụ tai nạn.
“Vâng, tôi sống ở đây,” cậu ta nói. “Nhưng tôi làm ở một nhà hàng trong thị trấn. Tôi làm ở quán Sammy.”
Một cậu bồi bàn. Chiếc áo sáng trắng và quần âu đúng là quần của người chạy bàn. Và cậu ta có phong thái kiên nhẫn và nhanh nhẹn của một người chạy bàn.
“Tôi tên là Jinny Lockyer,” cô nói. “Helen. Helen là…”
“Được rồi, tôi biết rồi,” cậu ta nói. “Cô là người nhận Helen về làm giúp việc. Helen đâu rồi?”
“Ở trong nhà.”
“Thế không ai mời cô vào trong nhà à?”
Cậu ta chắc trạc tuổi Helen, cô nghĩ. Mười bảy hay là mười tám. Thanh mảnh, điển trai và hợm hĩnh, với một bầu nhiệt huyết nông nổi có lẽ sẽ không đưa cậu ta đi xa như vẫn mong đợi. Cô đã gặp vài đứa như thế rốt cuộc trở thành tội phạm vị thành niên. Nhưng cậu trai này có vẻ hiểu chuyện. Cậu ta có vẻ hiểu được rằng cô đang kiệt sức và đang trong trạng thái bất ổn.
“June cũng trong đó à?” cậu ta hỏi. “June bà mẹ tôi.”
Tóc cậu ta cũng nhuộm giống June, điểm mấy lọn vàng kim trên nền tóc sẫm. Cậu ta để tóc khá dài, rẽ ngôi giữa, cứ rủ xuống hai bên.
“Cả Matt nữa?” cậu nói.
“Ừ. Cả ông xã tôi nữa.”
“Thật đáng xấu hổ.”
“Ồ, không đâu,” cô nói. “Họ có bảo tôi vào. Nhưng tôi muốn đợi ngoài này hơn.”
Trước đây, Neal có đôi lần mang vài đứa trong bọn Ma cà bông của gã về nhà, để hướng dẫn chúng cắt cỏ hay sơn nhà hay làm nghề mộc cơ bản. Gã nghĩ như thế tốt cho chúng, khi được đón nhận ở nhà riêng của người khác. Jinny cũng thỉnh thoảng tán tỉnh ỡm ờ với chúng, theo cách mà không ai có thể bắt tội cô được. Chỉ là giọng nói êm dịu, một vài cử chỉ để chúng ý thức được chiếc váy mềm mại và mùi hương xà phòng tắm của cô. Không phải vì thế mà Neal thôi không đưa đứa nào về nhà nữa. Nhà trường có ý kiến rằng như thế là ra ngoài khuôn khổ.
“Thế cô đợi bao lâu rồi?”
“Tôi không biết.” Jinny nói. “Tôi không mang đồng hồ.”
“Thật à?” cậu ta nói. “Tôi cũng không mang. Tôi ít khi gặp người nào không mang đồng hồ lắm. Cô không bao giờ đeo đồng hồ sao?”
Cô nói, “Đúng vậy. Chẳng bao giờ?”
“Tôi cũng vậy. Chưa bao giờ. Tôi cũng chẳng bao giờ muốn đeo. Không biết tại sao. Chẳng bao giờ muốn. Kiểu như, tôi thường có thể nói ngay được giờ giấc bất cứ lúc nào. Chỉ sai số vài phút thôi. Không quá năm phút. Và tôi cũng biết tất cả những chỗ có đồng hồ. Trên đường đi làm, tôi nghĩ phải kiểm tra giờ, chỉ để chắc chắn lúc đó chính xác là mấy giờ. Và tôi biết nơi đầu tiên có thể xem giờ là nhìn đồng hồ trên nóc tòa án giữa các khu nhà cao tầng. Thường chênh không quá ba bốn phút. Cũng có khi khách ăn hỏi tôi mấy giờ, tôi cứ áng rồi nói đại. Họ thậm chí còn không để ý việc tôi chẳng đeo đồng hồ. Rồi ngay sau đó vừa rảnh ra là tôi đi xem giờ liền, đồng hồ trong nhà bếp. Nhưng chưa lần nào tôi phải ra báo lại giờ cho khách vì lệch quá.”
“Tôi cũng thỉnh thoảng đoán chuẩn được như thế,” Jinny nói. “Chắc là nếu không bao giờ đeo đồng hồ thì ta sẽ có được linh cảm về thời gian.”
“Ồ, đúng vậy.”
“Thế cậu nghĩ bây giờ là mấy giờ?”
Cậu ta cười. Cậu ta nhìn trời.
“Gần tám giờ. Tám giờ kém sáu, bảy phút gì đó? Nhưng lần này tôi có lợi thế. Tôi biết mấy giờ mình rời khỏi chỗ làm, sau đó tôi đi mua mấy điếu thuốc ở cửa hàng tạp hóa 7-Eleven, rồi tôi nói chuyện với mấy đứa khoảng vài phút trước khi đạp xe về nhà. Cô không sống ở thị trấn này phải không?”
Jinny xác nhận.
“Thế nhà cô ở đâu?”
Cô trả lời cậu ta.
“Cô mệt rồi phải không? Cô muốn về nhà chứ? Cô có muốn tôi vào nhà nói với chồng cô rằng cô muốn đi về không?”
“Không. Đừng làm thế,” cô nói.
“Được rồi. Được rồi. Tôi sẽ không làm thế. June chắc cũng đang xem bói cho họ ở trong nhà. Bà biết xem chỉ tay.”
“Biết thật à?”
“Biết thật. Bà có đến nhà hàng vài lần một tuần. Bà còn biết xem bói trà nữa. Xem bã trà.”
Cậu ta nhấc chiếc xe đạp lên và dắt ra khỏi mũi xe ô tô. Rồi cậu ta nhìn qua cửa kính bên ghế lái.
“Chìa khóa đang ở trong ổ điện,” cậu nói. “Vậy… cô có muốn tôi lái xe đưa cô về nhà không? Tôi sẽ cho xe đạp ra đằng sau. Chồng cô có thể nhờ Matt chở họ được thì June cũng lái xe được. June là mẹ tôi nhưng Matt không phải là bố tôi. Cô có lái được xe không?”
“Không,” Junny nói. Cô đã thôi lái xe từ mấy tháng trước.
“Tôi cũng nghĩ thế. Vậy cứ thế nhé? Cô muốn tôi lái chứ? Được chứ?”
* * *
“Đây là con đường tôi rành hơn. Đường đi này cũng đến đó nhanh như ra đường cao tốc.”
Họ vẫn chưa ra khỏi khu ấy. Đúng ra họ đi theo hướng ngược lại, theo một con đường nhỏ hình như chạy vòng quanh bãi sỏi. Dù sao thì họ cũng đang đi về hướng Tây, về phía trời còn sáng nhất. Ricky - là cái tên cậu ta tự giới thiệu với Jinny - chưa bật đèn pha lên.
“Không sợ gặp ai,” cậu ta nói. “Tôi nghĩ mình chưa bao giờ gặp một chiếc xe nào trên con đường này. Nhìn xem… không mấy ai biết có con đường này ở đây.”
“Và nếu tôi bật đèn lên,” cậu ta nói tiếp, “thì ánh đèn sẽ át hết ánh sáng tự nhiên từ bầu trời, và xung quanh sẽ tối sẽ không nhìn thấy rõ cảnh vật. Cứ chờ thêm một chốc nữa, cho đến khi nhìn thấy sao trên trời, thì đến lúc đó mới cần bật đèn.”
Bầu trời như một tấm kính nhuộm nhẹ một thoáng sắc đỏ, hay vàng, hay xanh lục hoặc xanh lam, tùy từng góc nhìn.
“Như thế có ổn không?”
“Được,” Jinny nói.
Các lùm cây, bụi cỏ sẽ tối đen một khi bật đèn pha lên, rồi sẽ chỉ nhìn thấy những cụm đen dọc đường, với bóng đen của các mảng cây ken đặc đằng sau, thay vì, như bây giờ, vẫn còn trông rõ cây nào ra cây ấy, nào tuyết tùng, nào là vân sam, nào là bách lạc diệp với những tán lá trông như lông vũ, nào những bụi hoa móng tay với những chùm hoa rực lên như những đốm lửa. Cảm giác như chúng ở gần đến mức chạm tay vào được, và xe đang chạy với tốc độ chậm. Cô thò tay ra ngoài.
Không chạm tới được. Nhưng rất gần. Đường hẹp quá, chắc chỉ rộng hơn thân xe một chút thôi.
Cô nghĩ mình nhìn thấy ánh phản chiếu từ một hồ nước phía trước.
“Ở đằng trước có nước phải không?” cô nói.
“Ở đằng trước à?” Ricky nói. “Nước ở đó và ở khắp nơi. Cả bên trái và bên phải chúng ta cũng có nước và rất nhiều nước phía dưới. Cô muốn xem không?”
Cậu ta cho xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. “Cô nhìn xuống bên phải xem,” cậu ta nói. “Mở cửa xe mà xuống.”
Cô làm theo và nhận ra rằng họ đang ở trên một cây cầu. Một cây cầu nhỏ dài không qua ba thước, với các khúc gỗ lót ngang làm sàn. Không có lan can ở hai bên. Và nước ở bên dưới dường như tĩnh lặng tuyệt đối.
“Quanh đây toàn là cầu,” cậu ta nói. “Và ở những chỗ không có cầu thì sẽ có cống tràn. Vì nước luôn chảy qua chảy lại bên dưới đường. Hoặc đọng nguyên một chỗ chẳng chảy đi đâu cả.”
“Sâu không?” cô hỏi.
“Không sâu. Vào mùa này thì không. Không sâu cho tới khi chúng ta đến hồ lớn - ở đó sâu hơn. Rồi đến mùa xuân thì nước tràn hết lên đường, lúc đó thì rất sâu, xe không chạy được. Con đường này rất bằng phẳng và chạy thẳng một mạch nhiều cây số. Thậm chí cũng chẳng có giao lộ nào cắt ngang. Đây là con đường duy nhất tôi biết đi xuyên qua đầm Borneo.”
“Đầm Borneo?” Jinny nhắc lại.
“Đó là tên người ta thường gọi.”
“Có một hòn đảo tên là Borneo,” cô nói. “Ở cách đây nửa vòng trái đất.”
“Tôi không biết điều đó. Tôi chỉ biết ở đây gọi là đầm Borneo.”
Rồi chợt thấy có một vệt cỏ đen mọc ở giữa đường.
“Đến lúc lên đèn rồi,” cậu ta nói. Cậu ta bật đèn lên và họ như đang ở trong một đường hầm khi xung quanh đột ngột tối đèn.
“Một lần khi tôi làm thế này,” cậu nói. “Tôi bật đèn lên như thế, và có một con nhím. Nó đứng ở giữa đường. Nó đứng thẳng trên hai chân sau và nhìn thẳng vào tôi. Trông giống như một ông già nhỏ thó vậy. Nó đang sợ chết khiếp đến nỗi không cử động được. Tôi còn nhìn thấy được cả những chiếc răng già nua đánh vào nhau lập cập.”
Cô nghĩ, đây là chỗ cậu ta hay đưa các cô gái đến.
“Vậy tôi phải làm thế nào? Tôi cố bóp còi, vẫn chẳng ăn thua gì. Tôi không muốn xuống xe để đuổi nó đi. Nó đang sợ thật, nhưng nó vẫn là nhím và nó có thể bắn lông. Nên tôi cứ đậu xe ở đó. Tôi chẳng vội gì mà. Khi tôi bật đèn lên lần nữa thì nó đã biến mất.”
Giờ đây các cành cây thật sát và quệt cả vào cửa xe, nhưng nếu có hoa trên cây đi chăng nữa thì cô cũng chẳng nhìn thấy được.
“Tôi sẽ chỉ cho cô cái này,” cậu ta nói. “Tôi sẽ chỉ cho cô điều mà tôi cá là cô chưa bao giờ thấy.”
Nếu tình huống này xảy ra khi cô còn có cuộc sống bình thường trước đây, hẳn cô đã bắt đầu thấy hoảng sợ. Nhưng nếu cô còn có cuộc sống bình thường lúc trước thì cô đã chẳng thể nào đến đây.
“Cậu chuẩn bị cho tôi xem con nhím đây,” cô nói.
“Không. Không phải. Thứ còn hiếm hơn nhím nhiều. Ít nhất là theo tôi được biết.”
Đi được chừng nửa cây số nữa thì cậu ta tắt đèn.
“Cô thấy các vì sao không?” cậu ta nói. “Tôi đã nói mà. Sao trời?”
Cậu ta dừng xe. Thoạt tiên xung quanh cực kỳ tĩnh lặng. Rồi khối tĩnh lắng đó bị xâm chiếm từ bốn phía bởi một âm thanh đều đều, có thể là tiếng xe cộ từ xa, kèm thêm các tiếng động nhỏ chưa kịp nghe rõ thì đã tắt lịm, có thể là âm thanh của các con vật ăn đêm hay chim chóc hay loài dơi.
“Nếu đến đây vào mùa xuân,” cậu ta nói, “sẽ không nghe thấy gì ngoài tiếng ếch nhái. Tưởng như có thể điếc tai vì tiếng ếch.”
Cậu ta mở cửa bên phía ghế lái.
“Xuống xe đi bộ với tôi một đoạn đi.”
Cô làm theo. Cô đi theo vết một bên bánh xe, cậu ta theo vết bên kia. Bầu trời phía trước dường như sáng hơn, và có một âm thanh khác xen vào - nghe như tiếng đối thoại rầm rì và có nhịp điệu.
Bề mặt đường giờ đây toàn là gỗ, và không thấy hàng cây hai bên nữa.
“Cứ bước lên đi,” cậu ta nói. “Đi tiếp đi.”
Cậu ta lại gần bên và chạm và eo cô như thể đang dẫn đường cho cô. Rồi cậu ta rút tay về, để mặc cô bước lên những tấm gỗ như trên boong một con thuyền vậy. Như trên boong thuyền, vì sàn gỗ đang dập dềnh lên xuống. Nhưng không phải theo nhịp sóng, mà theo nhịp bước chân, của hai người, khiến các tấm gỗ dưới chân họ hơi sụt xuống rồi lại trồi lên.
“Giờ cô biết mình đang ở đâu không?” cậu ta hỏi.
“Trên một bến tàu à?” cô nói.
“Trên một chiếc cầu. Cầu phao.”
Giờ thì cô đã nhìn ra - các tấm gỗ trải đường chỉ cách mặt nước phẳng lặng chừng mươi phân. Cậu ta kéo cô đến sát bên và họ cùng nhìn xuống. Những vì sao như đang lướt lên mặt nước.
“Nước ở đây rất sậm màu,” cô nói. “Ý tôi là… không phải sậm vì đêm tối, đúng không?”
“Lúc nào nước ở đây cũng sẫm,” cậu nói vẻ tự hào. “Vì đây là đầm. Nước ở đây có chất như nước trà và trông cũng giống màu nước trà đen.”
Cô bắt đầu nhìn được bờ, và những luống cỏ lác. Nước ở trong đám cỏ lác, nước vỗ vào bờ tạo nên âm thanh rì rầm cô vừa nghe thấy.
“Chất ta nanh,” cậu ta nói, phát âm từ đó một cách đắc ý như vừa moi được nó ra từ đêm tối.
Nhịp chuyển động nhẹ nhàng của cây cầu phao khiến cô tưởng tượng rằng cây cối và những đám cỏ lác mọc ở trên một chiếc đĩa đất, con đường là một dải đất bập bềnh còn bên dưới toàn là nước. Và nước thì có vẻ như rất tĩnh lặng, nhưng thực ra không thể tĩnh lặng đến thế, vì nếu ta nhìn cố định vào bóng của một ngôi sao, ta sẽ thấy nó rung rinh và nhòa đi rồi trượt khỏi tầm nhìn. Rồi hình ảnh ngôi sao lại tụ lại, nhưng chắc không còn là ngôi sao cũ nữa.
Chẳng phải đến lúc này cô mới nhận ra mình không mang mũ. Không chỉ riêng tại thời điểm đó cô đang không đội mũ, mà từ lúc ngồi trên xe cô cũng chẳng còn đội mũ nữa. Cô đã không đội mũ từ lúc rời xe đi giải và từ khi bắt đầu nói chuyện với Ricky. Cô cũng chẳng mang mũ khi cô ngồi trong xe, đầu tựa vào ghế và mắt nhắm nghiền, khi Matt kể câu chuyện cười của ông ta. Chắc cô đánh rơi mũ trong ruộng ngô, khi đang phát hoảng vì lạc đường và không để ý tìm lại mũ.
Trong suốt thời gian cô sợ nhìn thấy cái rốn lồi được phủ dưới tấm áo phông màu tím của Matt, thì ông ta chẳng nề hà gì khi nhìn vào chỏm đầu trọc của cô.
“Chán quá, trăng vẫn chưa lên,” Ricky nói. “Khi trăng lên cảnh ở đây đẹp lắm.”
“Giờ cũng đẹp rồi mà.”
Cậu ta luồn hai cánh tay quanh người cô như thể không có gì phải băn khoăn về việc mình đang làm, như thể cậu ta muốn có bao nhiêu thời gian để làm việc đó cũng được. Cậu ta hôn bên miệng cô. Đối với cô, dường như đây là lần đầu tiên cô góp phần trong một nụ hôn không đơn thuần chỉ là nụ hôn, mà là nguyên một sự kiện. Cả câu chuyện này cũng là cả một sự kiện. Một khúc dạo đầu nhẹ nhàng, một áp lực vừa đủ, một bước thăm dò và đón nhận nhiệt tình, một lời cảm ơn nấn ná, và một sự rút lui trong mãn nguyện.
“Ôi,” cậu ta nói. “Ôi trời.”
Cậu ta xoay cô lại, và họ cùng trở về phía chiếc xe. “Đây có phải là lần đầu cô đi trên cầu phao không?”
Cô nói đúng vậy.
“Còn giờ thì cô sắp lái xe đi trên đó.”
Cậu ta cầm bàn tay cô và vung mạnh như muốn hất tay cô đi.
“Và đây là lần đầu tiên tôi hôn một phụ nữ có chồng?”
“Cậu chắc sẽ còn được hôn nhiều phụ nữ có chồng nữa,” cô nói. “Trước khi cậu tới số.”
Cậu ta thở dài. “Ờ,” cậu ta nói. Vẻ như bị choáng ngợp và trầm ngâm với những nghĩ về tương lai. “Ờ, chắc sẽ vậy.”
Jinny chợt nghĩ đến Neal, đang ở trên đất liền. Neal nhẹ dạ và đa nghi đang chìa bàn tay chịu sự soi xét của người phụ nữ có những dải tóc sáng màu, một bà thầy bói. Hồi hộp trước ngưỡng cửa tương lai của mình.
Chẳng sao hết.
Giờ cô chỉ có cảm giác mê say hơi bâng lâng, gần như vui vẻ. Một luồng phấn khích nhẹ đang át hẳn những nỗi đau và sự trống rỗng trong cô, vào lúc này.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới