Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
on đâu cần nói xóc như vậy hả,” ông Herman nói với Edith khi ông già McCauley vừa đi khỏi.
Trong bữa tối bác Herman kể lại với vợ tất cả câu chuyện về ông McCauley.
“Lão ấy không còn là chính mình nữa,” bác bình thêm. “Lão như bị bắt vía rồi.”
“Có lẽ lão bị đột quỵ dạng nhẹ,” bác gái nói. Kể từ khi phải mổ - vì bị sỏi mật - bác thường bình luận với vẻ hiểu biết pha lẫn đắc ý ngầm về bệnh tật của người khác.
Giờ đây khi Sabitha đã chuyển khỏi thị trấn, biến mất vào một cuộc sống kiểu khác dường như luôn chờ đón nó, Edith lại trở lại với đúng bản chất của mình, như trước khi Sabitha tới đây. Già trước tuổi cần mẫn, khó tính. Chỉ sau ba tuần ở trường cấp ba, nó biết mình sẽ giỏi tất cả các môn mới - tiếng La tinh, đại số, văn học Anh. Nó tin là trí thông minh của mình sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng, và một tương lai tươi sáng sẽ mở ra cho nó. Những trò ngu muội năm ngoái với Sabitha đang lui dần vào dĩ vãng.
Nhưng khi nó nghĩ đến việc cô Johanna bỏ đi miền Tây, nó cảm thấy một cơn ớn lạnh dội về từ quá khứ, một hồi chuông cảnh tỉnh thúc giục. Nó cố tìm cách nén cảm giác đó lại, nhưng chẳng ăn thua.
Ngay sau khi rửa bát xong, nó chui tọt về phòng mình với cuốn sách mới được chỉ định phải đọc cho lớp văn học. Cuốn David Copperfield.
Nó là một đứa bé chưa bao giờ bị bố mẹ nói nặng lời hơn mức quở trách qua loa, kiểu nuông chiều thường thấy ở những cặp vợ chồng già rồi mới sinh được một đứa con nhỏ tuổi như nó. Người ta vẫn bảo đó là nguyên nhân khiến nó có cách hành xử như vậy - nhưng bản thân nó thì lại thấy mình có cảnh ngộ bất hạnh rất giống David. Nó cảm thấy là mình cũng hệt như cậu ta, có thể như một đứa bé mồ côi, vì có lẽ nó sẽ phải bỏ nhà đi trốn và tự lo cho bản thân, một khi sự thật bị phát giác và quá khứ của nó sẽ chặn hết đường đến tương lai.
Tất cả bắt đầu từ lúc Sabitha tự nhiên nói, trên đường đi học, “Chúng mình phải ghé qua bưu điện đã. Tớ phải gửi một lá thư cho bố.”
Hằng ngày hai đứa đều đi cùng đường tới trường và về nhà. Đôi khi chúng còn thử vừa đi vừa nhắm mắt, hay đi lùi. Đôi khi, gặp người qua đường, hai đứa còn thì thầm bằng một thứ ngôn ngữ lạ tai do chúng tự bịa ra để làm họ rối trí. Hầu hết những trò hay ho đó đều do Edith nghĩ ra. Trò duy nhất mà Sabitha đầu têu được là trò viết tên một thằng con trai cùng với tên một trong hai đứa, rồi gạch bỏ những chữ cái trùng nhau xong bắt đầu đếm những chữ còn lại. Vừa đếm vừa bấm đốt ngón tay, nhẩm, Ghét, thân, thương, yêu, cưới rồi đảo lại cho đến chữ cuối cùng để bởi định mệnh giữa hai người.
“Thư gì mà dày thế,” Edith nói. Nó để ý mọi thứ, ghi nhớ mọi thứ và có thể thuộc làu nhiều trang sách giáo khoa trong thời gian cực ngắn, khiến lũ bạn cùng học phát khiếp. “Cậu có nhiều điều để kể lể với ông bô thế à?” nó nói với vẻ sửng sốt vì nó không tin điều đó - đúng ra là không tin được Sabitha có thể viết ra những điều đó trong một bức thư dài đến vậy.
“Tớ chỉ viết có một trang thôi,” Sabitha vừa nói vừa nhấp nhấp lá thư trong tay để ước lượng độ nặng.
“A ha,” Edith gật gù. “À há.”
“A ha gì cơ?”
“Tớ cá là mụ ấy đã bỏ cái gì nữa phong bì. Mụ Johanna ấy.”
Kế hoạch phát sinh đột xuất từ phát hiện này là chúng không mang thư ra thẳng bưu điện nữa, mà giữ lại rồi mang về nhà Edith sau giờ học, hơ trên hơi nước nóng để bóc trộm. Chúng có thể thoải mái làm việc này ở nhà Edith vì mẹ nó phải làm suốt ngày hiệu sửa giày.
Chào anh Ken Boudreau,
Em nghĩ mình phải viết để gửi lời cảm ơn những lời tốt đẹp anh đã dành cho em trong thư gửi con gái. Anh đừng lo em sẽ bỏ việc. Anh nói em là người anh có thể tin cậy. Đấy là theo ý em hiểu, và em ngẫm lại, cho đến giờ phút này, điều đó đúng. Em cảm kích vì anh đã nói ra điều đó, vì có người cho rằng với một người giúp việc không biết rõ gốc gác như em thì thật là ‘câu chuyện cảnh giác’. Vậy nên em nghĩ mình cần kể với anh đôi điều về bản thân. Em sinh ra ở Glasgow, nhưng mẹ bỏ em khi bà đi lấy chồng. Em được đưa vào nhà cô nhi khi mới được năm tuổi. Em cứ chờ bà quay lại đón em, nhưng bà không bao giờ trở lại và em quen dần với mọi thứ ở đó, và mọi người cũng không Tệ[4]. Năm mười một tuổi, em được đưa sang Canada theo một Chương trình hỗ trợ và sống với ông bà Dixon, làm việc ở trang trại, lau nhà họ. Trong Chương trình có điều khoản được đi học, nhưng em chẳng mấy khi được đi. Mùa đông, em làm việc trong nhà đỡ đần bà chủ nhưng hoàn cảnh khiến em nghĩ mình phải đi khỏi đó, và vì cao lớn hơn tuổi, em được nhận vào làm trong Viện Dưỡng lão, chăm sóc người già. Em cũng không ngại làm ở đó, nhưng thấy được nhiều tiền hơn nên chuyển đến làm ở một Xưởng Sản xuất Chổi. Ông chủ xưởng Willets có một bà mẹ già đến ngó qua xem công việc ra sao, và bà ấy với em cũng kiểu khá hợp nhau. Không khí ở nhà xưởng làm em khó thở, nên bà ấy bảo em nên về làm cho bà, và em đã nghe theo. Em sống với bà 12 năm bên một cái hồ tên là hồ Chim Gáy ở miền Bắc. Chỉ có hai người với nhau, nhưng em quán xuyến được hết mọi việc trong nhà ngoài đường, lái được cả xuồng máy và ô tô. Em học đọc thành thạo vì mắt bà càng ngày càng kém và bà thích được em đọc cho nghe. Bà mất năm 96 tuổi. Chắc anh sẽ nói còn trẻ thế mà phải sống đời như vậy, nhưng em hạnh phúc. Bữa nào em cũng ăn cùng với bà, và em ngủ trong phòng bà vào khoảng một năm rưỡi trước khi bà qua đời. Nhưng sau khi bà mất, gia đình bảo em phải dọn ra trong một tuần. Bà để lại cho em ít tiền, và chắc điều đó làm họ không vui. Bà muốn em dùng tiền đó chi cho Giáo dục, nhưng như thế thì em lại phải ngồi cùng lớp với bọn trẻ con. Nên khi em thấy quảng cáo ông McCauley đăng trên báo Hoàn cầu và Thư tín, em đã đến xem thử. Em cần làm việc để vượt qua nỗi nhớ bà Willets. Em nghĩ em đã làm anh đủ chán với Hoàn cảnh Gia đình rồi, em nên buông tha cho anh và trở về với Hiện tại. Cảm ơn anh về lời nhận xét tốt và về việc đưa em đi cùng tới Hội chợ. Em đi không phải để chơi trò chơi này kia hay ăn quà, nhưng chắc chắn em thấy rất vui khi được đi cùng.
Bạn anh, Johanna Parry.
Edith nhại lại lời lẽ của Johanna với chất giọng da diết và biểu cảm bi ai. “Em sinh ra ở Glasgow, nhưng mẹ em bỏ em khi bà nhìn thấy em lần đầu…”
“Thôi thôi,” Sabitha nói. “Tớ chết vì cười mất.”
“Làm thế nào mà mụ ấy nhồi được thư của mụ vào cùng với lá thư của cậu mà cậu không biết?”
“Mụ bảo tớ đưa thư tớ viết cho mụ để mụ bỏ vào phong bì và viết địa chỉ, mụ nghĩ chữ tớ khó đọc.”
Edith phải dùng băng dính dán ngoài mép phong bì vì không còn đủ hồ dính bên trong. “Mụ đang yêu ông bô đấy,” nó nói.
“Ôi, ọe ọe,” Sabitha vừa nói vừa ôm bụng. “Không đời nào. Bà cô Johanna ơi.”
“Thế ông bô nói gì về mụ?”
“Chỉ nói là tớ phải quý trọng mụ, và nếu mụ bỏ việc thì rất dở, vì may lắm mới kiếm được một người giúp việc như mụ, và ông bô không có chỗ nuôi tớ còn ông ngoại thì không thể tự mình chăm cháu gái, rồi cà kê dê ngỗng. Ông nói mụ là người đứng đắn lịch thiệp. Ông nói ông cảm nhận được như thế.”
“Thế rồi mụ mang lòng y-ê-u.”
Lá thư phải để lại nhà Edith qua đêm, nếu không Johanna sẽ phát hiện ra rằng thư chưa được gửi đi, và lại còn được dính lại bằng băng dính nữa. Sáng hôm sau hai đứa mới mang ra bưu điện.
“Rồi chúng mình xem ông bô nhà cậu viết lại thế nào. Cứ chờ đấy,” Edith nói.
Mãi chẳng có thư hồi âm. Rồi khi có, thì hai đứa lại thất vọng. Chúng lại đem hơ trên hơi nước nóng để mở thư ở nhà Edith, nhưng chẳng thấy có dòng nào cho Johanna hết.
Sabitha con yêu,
Giáng sinh năm nay đến đúng lúc bố hơi kẹt, rất tiếc bố không có gì hơn để gửi cho con ngoài tờ hai đô la. Nhưng bố mong con khỏe mạnh và có một lễ Giáng sinh vui vẻ và chăm học. Riêng bố thì không được khỏe lắm, bị viêm phế quản, hình như cứ đến mùa đông là bố lại bị, nhưng đây là lần đầu tiên bố bị nó quật phải nằm dưỡng bệnh ngay trước lễ Giáng sinh. Chắc con cũng thấy trên địa chỉ gửi thư, bố đã chuyển đến nơi ở mới. Căn hộ trước ở một nơi rất ồn ào và có quá nhiều người ghé lại đòi tụ tập ăn uống. Bố đang ở một ký túc xá, cũng thấy hợp vì không phải đi chợ nấu nướng, là những việc bố không bao giờ rành.
Chúc lễ Giáng sinh vui vẻ và yêu con, Bố.
“Johanna tội nghiệp,” Edith nói. “Trái tim mụ sẽ tan nát mất.”
Sabitha nói, “Ai hơi đâu mà lo.”
“Trừ chúng ta,” Edith nói.
“Gì cơ?”
“Viết trả lời mụ.”
Chúng sẽ phải đánh máy lá thư, vì Johanna sẽ nhận ra chữ viết không phải của bố Sabitha. Nhưng đánh máy có khó gì. Trong nhà Edith có một máy đánh chữ, trên một cái bàn chân xếp ở phòng khách. Trước đây khi còn chưa lấy chồng mẹ Edith có làm cho một văn phòng, và thỉnh thoảng bác ta vẫn kiếm thêm bằng việc soạn những thư từ người ta cần trình bày trang trọng. Bác đã dạy Edith những thao tác đánh máy cơ bản với hy vọng một ngày nào đó Edith cũng sẽ kiếm được việc làm ở một văn phòng.
“Johanna thân,” Sabitha nói, “Tôi xin lỗi không thể yêu em được vì em bị những nốt xấu xí đầy khắp mặt.”
“Tớ đang cần suy nghĩ nghiêm túc,” Edith nói. “Cậu ngậm miệng lại đã.”
Nó bắt đầu gõ, “Tôi rất mừng khi nhận được thư em…” và đọc to những lời tự bịa, chỉ dừng khi cần nghĩ ngợi thêm, giọng nó càng lúc càng trịnh trọng và dịu dàng. Sabitha nằm xoải trên đi văng và cười khúc khích. Có lúc nó bật ti vi lên, nhưng Edith nói, “Làm ơnnn nào. Tớ tập trung vào cảm xúccc sao được khi những thứ cứt đái ấy dội vào tai?”
Edith và Sabitha tập tọng văng những từ như “cứt đái” và “chó đẻ” hay “lạy Chúa” khi chỉ có chúng với nhau.
Johanna thân,
Tôi rất mừng khi nhận được thư em gửi cùng với thư Sabitha và được biết về cuộc đời em. Thật là nhiều buồn tủi và cô đơn, dù em cũng có may mắn gặp được bà Willets. Em lúc nào cũng thật chịu khó, không kêu ca và tôi phải nói rằng tôi rất quý trọng em. Cuộc đời tôi cũng chìm nổi và tôi chưa bao giờ ổn định được. Tôi không biết vì sao luôn thấy bồn chồn và cô đơn trong tâm, có lẽ là số phận. Tôi cũng gặp gỡ và chuyên trò với mọi người, nhưng đôi khi tôi tự vấn, ‘Ai là bạn mình?’ Rồi lá thư của em đến và em viết ở cuối thư, ‘bạn anh.’ Rồi tôi nghĩ, Có phải cô ấy nói thật không? Và nếu Johanna nói với tôi rằng em coi tôi đúng là một người bạn thì thật là một món quà giáng sinh ý nghĩa. Hay là em chỉ viết thế để kết thúc lá thư một cách lịch sự, và em chưa hiểu tôi đủ. Dù sao cũng chúc Giáng sinh vui vẻ.
Bạn em, Ken Boudreau.
Bức thư được chuyển về nhà cho Johanna. Lá thư cho Sabitha cũng được đánh máy lại, vì thư viết cho người này viết tay còn cho người kia lại đánh máy thì hơi kỳ. Lần này chúng hơ hơi nước nóng vừa đủ và mở thư cẩn thận hơn, nên không bị bong nhiều hồ và không cần phải dùng băng dính một cách lộ liễu nữa.
“Sao chúng mình không kiếm một cái phong bì mới và đánh máy luôn địa chỉ? Nếu ông bô đã dùng máy chữ thì phải đánh luôn trên phong bì chứ.” Sabitha vừa hỏi vừa nghĩ rằng mình cũng khôn ngoan.
“Vì một cái phong bì mới sẽ không có dấu bưu điện hiểu chưa đồ ngốc.”
“Thế nhỡ mụ trả lời thư thì sao?”
“Thì chúng ta lại đọc.”
“Ừ, nhưng nếu mụ ta viết rồi gửi trực tiếp cho ông ấy?”
Edith không muốn tỏ ra rằng mình chưa nghĩ đến tình huống ấy. “Mụ sẽ không làm thế đâu. Mụ cáo lắm. Dù sao, cậu cũng cần viết lại ngay cho ông bô để mụ nghĩ có thể nhồi thư vào cùng.”
“Tớ ghét phải viết những lá thư ngu xuẩn lắm rồi.”
“Cố đi. Có chết đâu mà lo. Cậu không muốn xem mụ sẽ nói gì à?”
Bạn thân mến,
Anh hỏi rằng em có đủ hiểu anh để kết bạn không, và câu trả lời của em là em nghĩ đã đủ. Em mới chỉ có một người Bạn trong đời, bà Willets, người em yêu thương và cũng rất tử tế với em, nhưng bà đã mất rồi. Bà hơn em nhiều tuổi quá và điều nan giải với Bạn Vong niên là họ bỏ mình mà chết trước. Bà ấy lại già cả lú lẫn quá, đến nỗi nhiều khi gọi em bằng tên của một người khác. Nhưng em không chấp đâu.
Em muốn kể cho anh một chuyện lạ. Bức ảnh anh thuê thợ chụp ở Hội chợ, có anh và bé Sabitha và bé Edith bạn nó, và em, em đã phóng to và lồng khung treo trong phòng khách. Bức ảnh không được đẹp lắm và chắc gã thợ chụp vẫn đòi anh đủ tiền, như có còn hơn không. Hôm kia em lau chùi quanh đã tưởng rằng mình nghe được tiếng anh gọi, ‘Chào em,’ anh nói thế, và em nhìn chăm chú mặt anh trong ảnh và em nghĩ, Ôi, mình mất trí rồi. Hoặc đó và dấu hiệu em sắp nhận được thư anh. Em đang nói nhảm đấy, em chẳng tin những điều như thế. Nhưng hôm qua có thư đến thật. Nên anh thấy đấy, đề nghị em làm bạn của anh chẳng có gì là quá. Em có thể tìm cách khỏa lấp bằng công việc, nhưng có một người Bạn thực sự lại là một chuyện khác.
Bạn anh, Johanna Parry.
Tất nhiên, lá thư này không thể bỏ vào phong bì chung được. Bố của Sabitha sẽ nhận ra điều bất ổn khi đọc đoạn nói tới lá thư trước mà anh ta không bao giờ viết. Chữ nghĩa của Johanna phải đem xé nhỏ và xối nước xuống bồn cầu nhà Edith.
Phải hàng mấy tháng sau bức thư tiếp theo của bố Sabitha, nói về khách sạn, mới đến. Khi ấy là mùa hè. Và chỉ nhờ may mắn tình cờ mà Sabitha mới nhận được lá thư đó, vì nó vừa đi xa ba tuần, tới chơi với gia đình dì Roxanne và chú Clark tại ngôi nhà nghỉ bên hồ Simcoe thuộc sở hữu của họ.
Câu đầu tiên mà Sabitha lập tức thốt lên ngay khi vừa bước vào nhà Edith là, “Hự, hự. Chỗ này mùi kinh quá.”
“Hự, hự” là từ nó mới học được từ đám em họ.
Edith hít hít không khí. “Tớ chẳng ngửi thấy mùi gì cả.”
“Mùi giống hệt cửa hàng bố cậu vậy, chỉ không nặng bằng thôi. Chắc dính theo quần áo đồ đạc của bố mẹ cậu.”
Edith bắt tay vào việc hơ nước nóng và mở thư. Trên đường từ bưu điện đến đây, Sabitha đã ghé hiệu bánh mua hai cái bánh su kem phủ sô cô la. Nó nằm xuống đi văng và ăn cái bánh của mình.
“Chỉ có mỗi một lá. Cho cậu,” Edith nói. “Tội nghiệp bà cô Johanna. Tất nhiên là ông ấy chẳng bao giờ nhận được thư của mụ.”
“Cậu đọc giúp đi,” Sabitha nói buông xuôi. “Tay tớ dính đầy kem rồi.”
Edith đọc nhanh như đọc công văn, không thèm dừng ở những chỗ chấm câu.
Ôi, Sabitha, vận may của bố chợt đổi bất ngờ, như con thấy trong địa chỉ, bố không còn ở Brandon nữa mà đang ở một thị trấn tên là Gdynia. Và không còn đi làm ở chỗ cũ nữa. Mùa đông trước bố chật vật vì luôn bị tức ngực do thời tiết, và họ, những sếp ở chỗ bố làm, vẫn không cho bố làm việc trong văn phòng mà định bắt bố rong ruổi ngoài đường bất chấp nguy cơ bố bị viêm phổi nên đã xảy ra cãi cọ và hai bên quyết định chia tay nhau. Nhưng vận may luôn là thứ khó hiểu, vì đúng lúc này thì bố lại được làm chủ một khách sạn. Những chi tiết cụ thể rất phức tạp bố không giải thích hết được, nhưng nếu ông ngoại hỏi thì con cứ nói là có người nợ bố tiền không trả được nên đã gán cho bố cái khách sạn này. Thế là giờ bố chuyển từ một phòng trong ký túc xá đến một tòa nhà mười hai phòng ngủ, từ chỗ chẳng sở hữu được chính cái giường mình nằm cho đến chỗ có trong tay bao nhiêu giường. Thật là kỳ diệu khi mỗi sáng thức dậy thấy mình được làm chủ chính mình. Bố còn phải sửa sang vài chỗ, và thực ra là nhiều chỗ nữa, và sẽ bắt tay làm ngay khi thời tiết ấm lên. Bố sẽ phải thuê người phụ giúp và sau này sẽ thuê một đầu bếp tốt để mở một nhà hàng cùng với quầy đồ uống trong khách sạn. Chắc sẽ bán chạy như tôm tươi vì thị trấn này chưa có những thứ đó. Mong con khỏe, chăm chú học hành và rèn luyện những thói quen tốt.
Yêu con, Bố.
Sabitha hỏi, “Nhà cậu có cà phê không?”
“Có loại uống liền,” Edith nói. “Sao?”
Sabitha nói cà phê đá là thứ mọi người ở nhà chú dì đều uống cả và ai cũng mê. Cả nó cũng mê nữa. Nó bật dậy và lục lọi trong bếp, đun nước và quấy cà phê với sữa và đá viên. “Cái này mà có kem va ni nữa thì mới hợp,” nó nói. “Ôi lạy thánh, tuyệt làm sao. Cậu không muốn ăn bánh su kem à?”
“Có chứ. Để đấy tớ ăn hết,” Edith nói phũ phàng.
Sabitha thay đổi đến thế, trong có ba tuần - suốt thời gian đó Edith phải làm việc ở cửa hàng còn mẹ nó nghỉ ngơi ở nhà sau ca phẫu thuật. Da của Sabitha giờ đây lên màu bánh mật rất ngon mắt, tóc nó được tỉa ngắn hơn, bồng ra ôm lấy khuôn mặt. Lũ em họ Sabitha đã cắt và uốn tóc kiểu đó cho nó. Nó mặc một kiểu như áo liền quần, phần quần sóc trông như váy ngắn còn có khuy cài đằng trước và dải đăng ten trên vai tông màu xanh da trời tươi tắn. Nó đã có da có thịt hơn, và khi cúi xuống với ly cà phê sữa trên sàn, nó bày ra một cái khe mịn màng, bóng bẩy.
Bầu vú. Có khi từ trước lúc đi nghỉ, nó đã bắt đầu nẩy ngực nhưng Edith không để ý thấy. Hay là tự nhiên một hôm ngủ dậy vú nó đã to lên như thế. Chịu không biết được.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, đôi bầu vú có vẻ như là một lợi thế tự nhiên có, và rất không công bằng.
Sabitha nói hết chuyện này đến chuyện khác về lũ em họ và cuộc sống ở ngôi nhà nghỉ của chú dì nó. Nó kể, “Nghe này, tớ phải kể chuyện này cho cậu, buồn cười cực…” rồi liến thoắng về những lời dì Roxanne quát chú Clark khi họ cãi nhau, về chuyện đứa em họ Mary Jo không có bằng vẫn lái chiếc xe của Stan (Stan là ai vậy?) lại còn hạ mui xuống và đưa cả bọn vào chỗ mua đồ ăn phục vụ tại xe - nhưng ý nghĩa của câu chuyện hay cái chỗ buồn cười cực thì chẳng rõ là gì.
Nhưng sau một hồi thì chuyện cũng rõ ràng. Những cuộc phiêu lưu mùa hè đích thực. Bọn con gái lớn hơn - trong đó có Sabitha - ngủ ở tầng trên của nhà thuyền. Đôi khi chúng chơi cù ky - cả bọn xúm vào cù một đứa cho đến khi đứa ấy phải thét lên xin tha và chịu tụt quần ngủ cho mọi người xem có lòng chưa. Rồi chúng kể những câu chuyện về bọn con gái ở trường nội trú làm việc đó với cán lược gỗ, cán bàn chải. Hự hự. Đôi khi hai đứa trong số các em con dì nó diễn trò cho cả bọn xem - một đứa nằm lên trên đứa kia, giả vờ làm con trai, rồi chúng quắp chân lấy nhau, rên rỉ và thở hồng hộc rồi cứ thế.
Cô em ruột chú Clark và chồng đến nghỉ tuần trăng mật, và chúng đã bắt gặp chú ta cho tay vào trong quần bơi của vợ.
“Họ yêu nhau thắm thiết lắm, làm chuyện đó cả ngày lẫn đêm,” Sabitha nói. Nó ôm một cái gối vào ngực. “Con người ta không thể thiếu được chuyện đó khi yêu nhau đến thế.”
Một đứa em họ nói đã làm với con trai rồi. Đó là một cậu làm vườn và mùa hè, trong số những người được thuê để chăm sóc khu vườn của nhà nghỉ ở cuối đường. Cậu ta chèo thuyền đưa nó ra giữa hồ và dọa đẩy nó xuống nước cho đến khi nó đồng ý để cậu ta làm chuyện đó. Như thể con bé không hề có lỗi.
“Thế nó không biết bơi à?” Edith hỏi.
Sabitha kẹp cái gối vào giữa hai chân. “Á á á,” nó thốt lên. “Làm thế này sướng quá.”
Edith biết tỏng tất cả những trò lạc thú Sabitha đang tán tụng, nhưng nó hơi sửng sốt vì người ta lại có thể nói khơi khơi như thế. Bản thân nó thì thấy sợ hãi những cảm giác ấy. Nhiều năm trước đây, trước khi nó ý thức được mình đang làm gì, nó đã kẹp chăn vào giữa hai chân khi đi ngủ, rồi mẹ nó phát hiện ra và kể cho nó chuyện một đứa con hay làm như thế, cuối cùng phải đi mổ để chữa chứng ấy. “Người ta tạt nước lạnh vào người nó, nhưng không ăn thua gì,” mẹ nó kể. “Rồi cuối cùng phải đưa nó đi cắt.”
Nếu không thì bộ phận ấy có thể sẽ bị tắc dẫn đến tử vong.
“Thôi đi nào,” nó bảo Sabitha, nhưng Sabitha phản đối bằng tiếng rên kích động và nói, “Không sao đâu. Ở đấy ai cũng làm thế này. Cậu không lấy gối dùng à?”
Edith đứng dậy và đi vào bếp, đổ đầy nước lạnh vào ly cà phê đá vừa uống hết. Khi nó trở lại phòng khách, Sabitha đang nằm rũ ra trên đi văng, cười lớn, cái gối bị quăng xuống sàn.
“Cậu nghĩ tớ đang làm gì lúc nãy,” nó nói. “Cậu không biết là tớ đùa cậu à?”
“Tớ khát,” Edith nói.
“Nhưng cậu vừa uống hết nguyên một ly cà phê đá mà.”
“Tớ khát nước.”
“Nói chuyện với cậu chả thú gì cả.” Sabitha ngồi dậy. “Nếu cậu khát thế sao không uống nước đi?”
Chúng ngồi trầm ngâm không nói với nhau câu nào nữa, rồi đột nhiên Sabitha nói với giọng làm lành nhưng không giấu được vẻ thất vọng, “Chúng mình viết cho Johanna một lá thư nữa đi chứ? Viết cho mụ một lá thư thật tình tứ vào.”
Edith không còn mấy hứng thú về chuyện thư từ nữa, nhưng nó vui khi thấy Sabitha vẫn chưa hết hứng. Cảm giác mình là kẻ sành sỏi hơn Sabitha đã trở lại phần nào, sau cú sốc về những chuyện ở hồ Simcoe và cặp vú. Edith thở dài vẻ miễn cưỡng, đứng dậy và mở nắp máy chữ.
“Người tình thân yêu nhất Johanna…” Sabitha nói.
“Không. Nghe chối quá.”
“Nhưng mụ ấy không thấy thế đâu.”
“Mụ sẽ thấy chối đấy,” Edith nói.
Nó băn khoăn không biết có nên nói với Sabitha về nguy cơ bị tắc cơ quan ấy không. Rồi quyết định là không. Vì một lẽ, thông tin đó rơi vào tập hợp những lời cảnh báo từ phía mẹ nó, và không bao giờ phân loại được là có thể tin hay không. Điều đó không đáng ngờ đến độ như lời giảng về việc đi dép cao su trong nhà sẽ làm giảm thị lực, tuy nhiên cũng chẳng nói trước được một ngày nào đó có thể nó sẽ phát hiện ra cả hai điều trên đều ngớ ngẩn như nhau. Và vì một lẽ khác - chắc Sabitha sẽ chỉ cười phá lên thôi. Sabitha luôn cười phá lên khi nghe những lời cảnh báo - nó thậm chí sẽ cười khi bạn bảo với nó là ăn nhiều bánh su kem sô cô la sẽ làm nó béo.
“Thư trước của em làm anh thật sung sướng…”
“Thư trước của em khiến anh ngất ngây…” Sabitha nói.
“… làm anh thật sung sướng khi nghĩ rằng mình có một người bạn thực sự trên thế gian này, đó chính là em…”
“Suốt đêm anh không ngủ được vì luôn mong chờ được ôm siết em trong vòng tay…” Sabitha vòng tréo hai tay tự ôm lấy người nó và đung đưa.
“Không. Anh thường thấy rất cô đơn, không có người chia sẻ, dù có mặt cuộc sống hướng ngoại…”
“Chữ đó nghĩa là gì… ‘hướng ngoại’ ấy? Mụ sẽ không hiểu đâu.”
“Mụ ấy hiểu.”
Những từ đó làm Sabitha tắt tiếng và có lẽ cảm thấy phật ý. Nên cuối cùng Edith đọc to, “Anh phải nói lời tạm biệt thôi, và cách duy nhất anh có thể kết thúc bức thư là tưởng tượng rằng em sẽ đỏ mặt khi đọc những dòng này…”
“Thế là đúng ý cậu muốn thêm rồi chứ gì?”
“Đọc những dòng này trên giường, lúc đang mặc váy ngủ,” Sabitha nói, như nó vẫn thường vui lại rất nhanh, “và nghĩ về lúc anh ôm siết em trong vòng và mút ti em…”
Johanna thương yêu,
Lá thư trước của em khiến anh hạnh phúc khi nghĩ rằng mình có một người bạn thực sự trên thế gian này, đó chính là em. Anh thường thấy rất cô đơn và không có người chia sẻ dù có một cuộc sống hướng ngoại.
Ừ, anh đã kể với Sabitha trong thư cho nó về vận may của anh và anh khởi nghiệp kinh doanh khách sạn ra sao. Nhưng anh không kể cho nó mùa đông trước mình đã bị ốm như thế nào, vì anh không muốn làm nó lo lắng. Anh cũng không muốn làm em lo lắng, Johanna yêu dấu, chỉ muốn nói với em rằng anh rất hay nghĩ về em và mong được nhìn thấy khuôn mặt dịu dàng thân thương của em. Trong cơn sốt, anh có cảm giác mình nhìn rõ khuôn mặt em đang cúi xuống và nghe tiếng em nói rằng anh sẽ chóng khỏe thôi và cảm nhận đang được bàn tay vị tha của em chăm sóc. Lúc đó anh đang ở ký túc xá, và khi anh khỏi sốt thì rất nhiều người xung quanh chế nhạo và trêu anh, cái cô Johanna đó là ai vậy? Nhưng anh buồn cực độ khi tỉnh dậy mà không thấy em ở bên. Anh tự vấn có cách nào em bay xuyên không gian đến với anh được không, dù anh biết điều đó không thể xảy ra. Tin anh, tin anh đi, ngay cả ngôi sao điện ảnh xinh đẹp nhất cũng không được anh đón nhận như em. Anh không biết có nên kể với em những gì em đã nói vào tai anh không, vì đó và những lời ngọt ngào và tình cảm nhưng có thể làm em ngượng đấy. Anh không muốn dừng bút vì giờ đây anh cảm thấy như mình đang ôm chặt em và đang thì thầm vào tai em trong bóng tối nơi căn phòng riêng tư của chúng mình, nhưng anh phải nói lời tạm biết thôi, và cách duy nhất anh có thể kết thúc bức thư là tưởng tượng rằng em đang đọc những dòng này và đỏ mặt lên. Nếu em đọc trên giường khi đang mặc váy ngủ và nghĩ về vòng tay của anh đang ôm chặt em thì càng tuyệt.
Y-e, Ken Boudreau.
Một điều hơi lạ là Johanna không hồi âm lại bức thư này. Sau khi Sabitha viết xong lá thư của nó, dài đâu chừng nửa trang, Johanna liền bỏ vào phong bì rồi viết địa chỉ ra ngoài, và chỉ có thế.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới