A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 166
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hương 11: Nhà sử học trong gia tộc tôi
Vào mùa xuân năm 2005 tôi về thăm quê nhà nơi tổ tiên của tôi từng sống. Người Trung Quốc gọi dây là huijia (hồi gia), quay về nhà, cho dù bạn đến một nơi bạn chưa từng đến bao giờ. Cha tôi sáu mươi tuổi khi ông lần đầu quay về Lục Đài. Tôi đã sống ở Trung Quốc bảy năm, trong suốt thời gian đó tôi cố gắng cưỡng lại lực kéo của quê hương. Nhưng có điều gì đó từ chuyến đi cùng Mẫn về thăm nhà khiến tôi muốn đến thăm nơi bắt nguồn của gia đình mình. Đã chín mươi năm kể từ khi ông nội tôi rời Lục Đài, và tôi không chắc rằng làm thế nào mà cái chết của ông lại diễn ra tại nơi này. Tôi thậm chí còn không biết nên nghĩ thế nào về hồi gia: quay về nhà là bổn phận hay là quyền lợi, liệu nó có ý nghĩa gì không sau một khoảng thời gian dài như thế.
Đường về Lục Đài một bên là hàng cây bu lô lá óng ánh màu bạc, tựa như khung cảnh trong tiểu thuyết của Tolstoy, một bên là những cánh đồng đất đen đã được bón phân trải dài đến tận đường chân trời. Còn hai mươi ngày nữa là đến vụ gieo hạt mùa xuân. Từ cửa sổ ô tô tôi nhìn thấy nông dân dùng bò cày ải lật đất, một số người đốt những đống vỏ ngô trên cánh đồng, những đốm lửa rực sáng trên suốt cánh đồng. Đây là vùng thảo nguyên Mãn Châu đã thu hút những vị tổ tiên đầu tiên của tôi đến lập nghiệp tại nơi này, nhưng tôi không thể mường tượng được cái thế giới từ thời nhà Thanh ấy. Thay vào đó tôi nghĩ đến những cuốn truyện kiểu Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên mà tôi đã từng yêu thích khi còn nhỏ - đó là hình ảnh đã xuất hiện trong đầu tôi, nhưng nó sai lệch hoàn toàn về cốt lõi. Những người nông dân Trung Hoa thời nhà Thanh không bao giờ viết những cuốn sách như vậy. Thậm chí ngay cả thời nay, hầu hết những người Trung Quốc đều không tin rằng lịch sử của một gia tộc tiên phong đi khai khẩn đất hoang lại đáng được kể lại.
Con đường hẹp dần lại, đi qua một vũng bùn, và đột ngột bị chặn lại ở chỗ một cây chổi đặt ngang đường trên lưng hai cái ghế. Một bà già đòi tiền mãi lộ. Đây là chuyện thường gặp ở vùng nông thôn - một trạm thu phí tạm thời, hoạt động dưới quyền lực to lớn của đói nghèo và sự ương ngạnh.
"Hãy để chúng tôi qua đi," người lái xe nài nỉ. "Chúng tôi đã vất vả cả ngày trời rồi."
Bà già vẫn không hề mềm lòng. "Tôi bị què chân đây này," bà ta nói. "Tôi cũng phải chịu đau đớn đấy chứ." Tôi đưa cho bà ta một nhân dân tệ, tương đương với mười hai xu Mỹ, và cái chổi được nhấc lên.
Những ngôi nhà đầu tiên của Lục Đài nằm rải rác xuất hiện trong tầm mắt. Tôi chỉ biết mỗi một cái tên, Trương Lập Cách. Khi cha mẹ tôi về thăm quê năm 1995, họ đã tình cờ gặp người họ hàng xa này và được ông ta mời về thăm nhà.
"Cho hỏi ông Trương Lập Cách còn ở đây không?" Tôi hỏi một thanh niên đang đứng bên vệ đường. Câu hỏi này có nghĩa là: Ông ấy còn sống không?
"Ông ấy không còn nữa," người thanh niên đáp, "nhưng bà vợ ông ấy vẫn còn đấy." Cậu ta chỉ đường cho tôi. Hai phụ nữ trẻ ở độ tuổi hai mươi mở cửa; họ mang vẻ đẹp của miền Bắc Trung Quốc, vai rộng và xương to, gò má ửng đỏ vì gió. Họ đưa tôi lên đồi đến thăm ngôi nhà của bà bác.
Thẩm Tịnh Chi tám mươi ba tuổi, bà sống cạnh khu thái ấp của gia đình chúng tôi khi còn trẻ. Ngay khi hiểu ra tôi là ai, bà bắt đầu nói một cách dữ dội với tôi bằng chất giọng địa phương nằng nặng, lợi bà lặng lẽ siết lại trong khoảng lặng giữa các từ. Gương mặt của bà gầy và đầy nếp nhăn, tựa như da dê, với đôi mắt kèm nhèm. Tôi không hề hiểu bất cứ thứ gì bà nói. Một người họ hàng ít tuổi hơn, người đàn ông trạc ngũ tuần có gương mặt vuông đẹp trai, dịch từ tiếng địa phương sang tiếng phổ thông.
"Những bức tường ở chỗ này. Ta sống ở bên kia bức tường," bà già kể, đôi tay xương xẩu phác ra một khu hợp viện đã biến mất từ sáu mươi năm trước. "Mặc dù gia đình cô là gia đình quan lớn, họ luôn luôn hồ hởi khi nhìn thấy chúng tôi, dù cho chúng tôi có địa vị thấp kém hoặc quần áo rách rưới."
Tôi hỏi liệu bà có nhớ ông nội tôi, hay anh của ông, hay cha của họ hay không. Mỗi khi tôi đọc lên một cái tên, bà lắng nghe rồi lắc đầu. "Bọn họ luôn ở Bắc Kinh," bà nói.
Nhưng người đàn ông ít tuổi hơn, có cái tên là Thẩm Chân Pháp, biết mọi thứ. Ông biết rằng cha tôi sống ở Mỹ và từng làm việc trong một trường đại học tại Hồng Kông, tôi có họ hàng ở Cáp Nhĩ Tân. Ông ấy biết một người họ hàng tên là Trương Hồng và nói rằng sẽ lấy số điện thoại của ông ta cho tôi. Ông biết về ông nội tôi. "Ông ấy là một người xuất sắc," Thẩm Chân Pháp nói. "Ông muốn làm điều gì đó cho đất nước Trung Quốc, vì vậy ông đã chết ở mỏ Phủ Thuận."
Tôi hỏi Thẩm Chân Pháp làm sao ông biết nhiều như vậy về gia đình tôi.
"Khi cha tôi còn sống, ông nói rất nhiều về những chuyện lịch sử đó," ông đáp. "Cha tôi đã từng làm việc cho gia đình cô. Ông chăn lợn và cừu."
Thẩm Chân Pháp cũng nhớ chuyến về thăm của cha tôi. Một thập kỷ trước, sự kiện đó dường như còn được nâng tầm ảnh hưởng lên nhiều. "Ông ấy đi cùng một người nữa, tôi nghĩ là người của chính phủ. Ông ấy có đôi vai rộng. Có đúng thế không?"
"Không hẳn thế," tôi nói. Cha tôi người mảnh khảnh, ông ấy có đôi vai của một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc.
"Vai rộng," Thẩm Chân Pháp khẳng định, "và mắt to. Đúng không?"
Đúng là như vậy - cha tôi có đôi mắt to.
"Sau khi cha cô đến, nhà thờ họ bị thiêu hủy."
Bà lão nói rằng các viên chức nhà nước đã đến và lấy đi cuốn gia phả, cuốn sổ ghi chép lịch sử gia tộc tôi từ cách đây ba trăm năm. Bà bị ám ảnh bởi sự mất mát này. "Không có gia phả," bà nói, "thật nguy hiểm vì những người họ hàng ở các thế hệ khác nhau có thể sơ suất mà lấy phải nhau."
Sau chuyến viếng thăm của cha mẹ tôi, các viên chức nhà nước tháp tùng họ đã quay lại ngôi làng, lấy đi cuốn gia phả, và gửi cho cha tôi ở nước Mỹ. Tôi nói với bà lão rằng tôi có thể gửi cho bà một bản sao.
"Không cần đâu," một trong số mấy người đàn bà trẻ tuổi hơn trả lời thay. "Bây giờ không còn người nhà họ Trương nào ở đây nữa."
TÔI TỪNG HÌNH DUNG RẰNG sẽ có một ngôi làng gồm toàn những người có cùng cái mũi và đôi mắt giống mình, và tôi từng nghĩ rằng mọi người sẽ đều có cùng một họ với mình. Nhưng tất cả bọn họ đã ra đi từ lâu lắm rồi. Ngôi mộ của ông cố nội tôi, nằm trên một sườn đồi nhìn xuống ngôi làng, đã bị đào lên và phá hủy trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Nhà thờ của dòng họ đã bị thiêu hủy, nhưng ông Thẩm vẫn đề nghị đưa tôi bằng xe máy đến nơi xưa kia là ngôi từ đường. Khi chúng tôi chuẩn bị đi, bà lão đứng dậy và nắm lấy tay tôi, có vẻ xúc động. Bà vẫn nghĩ về cách xưng hô đúng đắn giữa những người ở các thế hệ. "Nhưng ta sẽ gọi cô là gì?" Bà hỏi. "Và cô sẽ gọi ta là gì đây?" Tôi nắm tay bà nói lời từ biệt.
Chúng tôi đi nhanh xuyên qua ngôi làng trên chiếc xe máy của ông Thẩm. Những ngôi nhà của Lục Đài nằm giữa những ngọn đồi uốn lượn, các ngôi nhà nằm cách xa nhau và quay ra các hướng khác nhau, tựa như một nắm xúc xắc được quăng xuống thung lũng này. Bên cạnh những nếp nhà tranh cũ kỹ xây bằng gạch và bùn là những ngôi nhà mới hơn được lát gạch men trắng; nhiều thanh niên trẻ tuổi trong làng đã ra ngoài làm việc hoặc chuyển ra thành phổ". "Làng đã thay đổi nhiều trong những năm gần đầy," ông Thẩm nói.
Những ngôi nhà thưa thớt dần. Chúng tôi leo lên con dốc dẫn đến một cánh đồng mà vỏ ngô vẫn còn ngập đến tận mắt cá chân kể từ vụ thu hoạch năm ngoái. Những bức tường đã từng bao quanh nhà thờ họ vẫn còn đó, ở ba phía của cánh đồng - phần dưới xây bằng đá, phần trên xây bằng bùn. Những gì còn lại của những bức tường này cao khoảng 1,2 mét. Nằm ngoài bức tường, trải dài đến tận đường chân trời, là những cánh đồng ngô.
Khu vực này giống như một phế tích cổ - Karakorum, thủ đô của Mông cổ vào thế kỷ thứ mười ba - chứ không phải là thứ vừa mới được xây dựng chỉ cách đây chừng một thế kỷ. Nơi này cũng không lâu đời hơn ngôi nhà xây vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ ở San Francisco, nơi anh trai tôi sống. Có lẽ là vì mặt đất bị che phủ quá nhiều, và có quá nhiều người ra đi, nên có cảm tưởng rằng nó đã có từ thật lâu đời.
Tôi chỉ vào những chiếc vỏ ngô. "Ai đã trồng ngô ở đây thế?"
"Chúng tôi cho một gia đình hàng xóm canh tác trên mảnh đất này," ông Thẩm nói một cách lo lắng, tựa như tôi có thể đột nhiên đòi quyền thừa kế đối với mảnh đất này. Chúng tôi đứng im lặng nhìn mảnh đất có gió thổi qua xào xạc. "Đã từng có ba mảnh sân trong," ông Thẩm nói. "Những người lớn tuổi kể lại rằng khi trời mưa cô có thể đi từ đầu đến cuối mà không bị ướt." Đó là cách ông mô tả nơi này đã từng rộng lớn như thế nào.
Có lẽ không thể viết về lịch sử của một nơi nhỏ bé trên đất nước Trung Quốc, bởi vì tất cả những người có tài hoặc có tham vọng đều đã ra đi cả. Lịch sử diễn ra ở một nơi khác. Khi cuối cùng tôi đã quay trở về quê hương, chẳng còn ai ở đó đón tôi - chỉ có một bà lão với một ít ký ức và một người đàn ông có cha từng chăn lợn và cừu cho gia tộc tôi. Gia tộc tôi đã phân tán ở trên khắp xứ Mãn Châu, trên toàn thế giới. Với những người còn ở lại, chỉ còn một vài mảnh quá khứ còn sót lại. Những thứ đó không đủ để kể một câu chuyện. Những điều mà ông Thẩm kể lại toàn là những điều tôi đã biết, tức là ông cũng chỉ biết những điều về lịch sử gia tộc giống như tôi mà thỏi.
Tôi cũng không cảm thấy buồn. Tôi đã chờ đợi một thời gian dài để tới được nơi này, và giờ đây tôi đã hiểu ra một điều. Tân Phát Nguyên, một nơi tốt đẹp: giờ đây tôi là hiện thân của từ này. Một gia tộc không phải chỉ là một mảnh đất. Nó chính là những con người thuộc về gia tộc đó, là những sự kiện tạo nên cuộc đời họ. Thỉnh thoảng những sự kiện này sẽ được gom lại - đó là vai trò của tôi hiện giờ. Gia tộc tôi là cả một câu chuyện, không phải là một địa điểm, và ở tại Lục Đài này tôi có thể thấy được mục đích của việc viết ra câu chuyện này.
Tôi chỉ mới ở trong làng một tiếng đồng hồ, nhưng đã đến lúc phải đi. Thẩm Chân Pháp đưa tôi quay trở lại nơi xe taxi đang đợi. "Sau này khi cô quay trở lại đây," ông nói, "cô cứ đến thẳng nhà tôi." Những lời không nói ra trong lời mời của ông là: Bởi vì cô chẳng còn gia đình quyến thuộc ở đây nữa.
o O o
Chẳng còn người nhà họ Trương ở đây nữa, người phụ nữ trẻ tuổi ở quê hương tổ tiên tôi đã nói như vậy. Người họ hàng gần nhất của tôi ở Trung Quốc là gia đình của bác Lập Giao, người bác họ đã lớn lên cùng cha tôi. Vào mùa hè năm đó, ba tháng sau chuyến đi của tôi tới Lục Đài, tôi đến gặp họ lần đầu tiên ở Cáp Nhĩ Tân, một thành phố Mãn Châu cách biên giới nước Nga khoảng ba trăm kilômét.
Họ đã ở lại đằng sau và chịu nhiều đau khổ, và có phần là vì chúng tôi. Việc sở hữu đất đai trong quá khứ của gia đình tôi đã khiến bác Lập Giao trở thành kẻ thù giai cấp và vợ chồng bác cùng với hai người con trai bị kết án đi lao động tại nông thôn trong cả một thập kỷ. Việc gia đình cha tôi đến Đài Loan còn làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn - trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, mối liên hệ gia đình đó khiến gia đình bác Lập Giao bị coi là gián điệp.
Khi tôi tới thăm, cả gia đình tập trung trong căn hộ ba phòng ngủ của con gái bác Lập Giao. Ba người con của bác Lập Giao cùng thế hệ với tôi nhưng đều đã ở độ tuổi ngũ tuần. Người anh cả cao và chắc nịch, đeo đôi kính gọng đen dày cộp gợi tôi nhớ đến Giang Trạch Dân, người anh thứ hai gầy hơn một chút, xương quai hàm hẹp dần thành một điểm nhọn ở cằm. Tôi nhận ra những đặc điểm đó - gương mặt của cha tôi. Hai anh em họ gặp tôi mà chỉ mặc áo may ô và nói chuyện như những người công nhân, đệm vào những từ tamade (tha mụ đích), một từ đệm đa năng, có nghĩa là "fucking" (đ. mẹ) trong tiếng Anh. Họ đang học trung học cơ sở khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, và trong suốt thập kỷ đó họ bị đưa đi cải tạo ở nông thôn. Khi họ lần đầu quay trở lại thành phố, người anh kiếm được việc ở một nhà máy sản xuất lò xo còn người em làm việc ở một nhà máy xẻ gỗ. Ân Kiều, cô em út, thuộc về một giai cấp khác. Chị đã tốt nghiệp trung học cơ sở vào năm 1971, sau giai đoạn triệt để của Cách mạng Văn hóa, nên không phải đi về nông thôn như các anh mình. Chị còn lấy được bằng phổ thông trung học, và bây giờ chị giữ một chức vụ quản lý cấp cao ở trường đại học. Giống như nhiều gia đình Trung Quốc khác, thứ tự ra đời đã xác định số phận của các con bác Lập Giao.
Vợ của bác Lập Giao, bà Chu Thư Lan, đưa tôi vào một phòng ngủ. Một ông già nằm trên giường, bất động, một con mắt hé mở. Mặt ông sưng húp, đầu hói nhẵn thin và các cơ thịt trên mặt và cổ của ông mềm và trần trụi như thể một quả trứng luộc kỹ vừa mới bóc. Bụng ông nhấp nhô như một cái gò nhỏ dưới tấm ga trải giường bằng vải bông. Đó là bác Lập Giao.
"Ông ấy không nhận ra ai cả," vợ bác Lập Giao nói.
"Ông ấy không biết gì nữa đâu," vợ của người con trai thứ nói. Chị ta vỗ nhẹ vào mặt ông già. "Bố có nhận ra con không?" Chị ta nói to.
Lông mày phía trên con mắt đang mở của ông khẽ nhích động. Cả hai người đàn bà phá lên cười. Họ đối xử với ông như thể một đứa trẻ dại khờ - giờ đây ông chỉ còn là một trách nhiệm đối với họ. Họ làm mọi thứ cho ông, cho ông ăn thức ăn mềm, giặt ga trải giường cho ông và giám sát mức độ bình ôxy của ông. Ông đã như thế này kể từ lần bị đột quỵ vào năm kia và đã suýt chết.
Tôi hỏi Ân Kiều liệu họ có thể thuê ai đó để giúp chăm sóc ông ấy. "Nếu bố chị không được gia đình chăm sóc," chị ta nói thẳng thừng, "ông ấy đã chết rồi."
Trong suốt cả một ngày dài mà tôi ở cùng với gia đình, ông lão nằm trên giường. Đối với tôi thì như thế thật đáng buồn, nhưng trên thực tế cuộc đời ông đã thắng lợi. Bác Lập Giao đã bảo vệ cả gia đình không bị ảnh hưởng gì qua cuộc Cách mạng Văn hóa. Vào những năm 1980, ông đã giứp các con mình xin được việc ở trường đại học nông nghiệp nơi ông làm việc, cả ba người bây giờ vẫn đang làm việc ở đấy. Đó là thành tựu của bác Lập Giao, ở tuổi tám mươi chín, định mệnh của ông là ra đi một cách thanh thản trên giường.
BÀN ĂN BÀY ĐẦY những món ăn trưa. Ân Kiều đã chuẩn bị chunbing (xuân bính), món ăn miền Bắc ưa thích của tôi làm từ vỏ bánh xèo với nhân là thịt trộn rau húng mà mẹ tôi luôn làm vào dịp sinh nhật tôi. Tôi kể cho họ về chuyến thăm Lục Đài của mình - họ rất ấn tượng về việc tôi đã đến nơi đó.
"Chưa có ai trong số chúng tôi từng quay về quê hương," Ân Kiều nói. Cha của họ có hai người chị gái mà họ chỉ gặp đúng một lần khi còn nhỏ. Không thành viên nào của gia đình còn ở lại làng, tôi nói, nhưng có một người hàng xóm cho tôi số điện thoại của Trương Hồng.
Các anh chị em họ của tôi nhìn nhau. "Cô biết gì về Trương Hồng không?" Người anh cả hỏi.
"Em nghĩ là anh ta rất giận gia đình em vì một lý do nào đó," tôi cẩn trọng nói. Cha tôi đã từng đề cập đến người họ hàng "điên khùng" này.
"Ông ta có vấn đề về thần kinh!" Vợ của người con thứ thốt lên.
Trương Hồng là người em họ đầu tiên của cha tôi. Bác Lập Giao và cha tôi là hậu duệ của con cái người vợ cả của ông cố nội tôi, còn Trương Hồng là hậu duệ của con cái người vợ thứ ba. Ông ta phải chịu nhiều đau khổ vì mối liên hệ này. Năm 1957, cha ông ta bị coi là phần tử cánh hữu và mất việc ở trường đại học tại Thẩm Dương. Suốt cuộc Cách mạng Văn hóa, cả gia đình đã bị đưa xuống nông thôn trong cả một thập kỷ. Sau khi họ quay về thành phố, cha của Trương Hồng đã bỏ ra hàng năm trời viết thư và đưa đơn kháng cáo để rửa sạch tội lỗi của mình. Ông muốn Đảng Cộng sản tuyên bố rằng mình chưa bao giờ là phần tử cánh hữu. Ông đã đề nghị, và đã thắng, về việc yêu cầu trường đại học đền bù số lượng bị mất. Sau khi cha của Trương Hồng mất, Trương Hồng tiếp tục việc kiện tụng. Ông ta không chỉ nghiên cứu vụ kiện của cha mình mà còn nghiên cứu cả lịch sử của ông nội tôi và của gia đình ông nội; ông ta dành toàn bộ thời gian rỗi để đọc báo cũ và sao lưu tài liệu. "Bất cứ nơi nào ông ta tới, ông ta đều mang theo hai túi đựng đầy tài liệu," vợ của bác Lập Giao kể lại với tôi.
Tôi đã gặp loại người này - mọi phóng viên ở Trung Quốc đều đã từng gặp. Ông ta là một người khiếu kiện, khiếu nại, chỉ chăm chăm vào việc sửa chữa một oan sai đến nỗi mà những nỗ lực này chiếm cả cuộc đời và đưa ông ta vào một vũ trụ riêng biệt nơi ông ta sống cô đơn. Ở Trung Quốc, sự tập trung đầy ám ảnh ấy là cần thiết để chiến đấu với một hệ thống pháp luật được thiết kế nhằm chôn vùi bạn trong sự quan liêu và chậm trễ. Nếu nhìn từ xa, một người như vậy quả là đáng ngưỡng mộ, nhưng không thể chịu đựng nổi nếu đến gần. Ông ta nói hàng giờ về "Vụ kiện 7 tháng 3" hay "Quyết định 14 tháng 12" - người ta có xu hướng tập trung vào những ngày tháng cụ thể mà các phán quyết được đưa ra. Nhưng những con số cứ bao trùm lên cuộc nói chuyện, chúng lặp đi lặp lại, người đi khiếu kiện lần theo những mốc thời gian của những oan khiên mà ý nghĩa của chúng chỉ có mình ông ta biết. Bạn muốn thông cảm với ông ta, nhưng cuối cùng bạn chỉ cảm thấy trơ cứng vì những tài liệu và đơn kiện, sự kiện và ngày tháng.
Lần lượt, Trương Hồng phá vỡ mối liên hệ với mọi thành viên trong gia tộc. Ông ta gửi một lá thư đầy giận dữ cho bác Lập Giao và sau đó không còn đến thăm nữa. Ông ta cãi nhau với bà bác của tôi ở Bắc Kinh. Ông ta viết những lá thư đầy độc địa cho cha và chú tôi, Ân Kiều đã giữ và trao lại cho tôi đầy miễn cưỡng - chị ngượng ngùng vì lời lẽ trong thư đầy vẻ thù địch.
"Ông ta buộc tội ông nội cô đã gây nên việc cha ông ta bị coi là phần tử phái hữu," Ân Kiều nói. "Một triệu người đã bị coi là phần tử phái hữu. Tất cả chỉ tại vì họ đã biết ông nội cô hay sao? Thậm chí đến cả Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ cũng không được bảo vệ nữa là một người dân thường như vậy." Gò má chị bừng đỏ khi nói chuyện.
"Ông ta đến gặp cha tôi nhiều lần," người anh cả nói. "Cha tôi luôn thuyết phục ông ta rằng: "Đã có quá nhiều người phải chịu đau khổ, đâu chỉ có mỗi mình anh.
Anh phải bỏ qua mọi việc và nhìn về tương lai." Nhưng ông ta không thể."
Trương Hồng phủ một bóng đen lên ngày hôm đó. Khi gia đình họ nói về ông ta, luôn là những lời lẽ thô bạo - ông ta có vấn đề về thần kinh! - nhưng vẫn có cả sự kính sợ trong đó. Có thể những mối hận mà ông ta bày tỏ là những gì mà họ vẫn giữ sâu kín trong lòng, có lẽ họ đã cố nén lại những suy nghĩ đó để có thể sống tiếp một cách bình thường. Có lẽ họ cũng ngờ rằng ông ta đúng.
"Ông ấy cảm thấy ông ấy xứng đáng được nhận thứ gì đó từ cha và chú cô," Ân Kiều nói với tôi, hết lần này đến lần khác. "Ông ấy đã chịu đựng quá nhiều đau khổ trong suốt ngần ấy năm chỉ vì quan hệ họ hàng với ông nội cô, và giờ đây ông ấy thấy rằng gia đình cô nợ ông ấy điều gì đó. Nhưng gặp được cô là chúng tôi đã thấy mừng rồi."
Lắng nghe họ nói chuyện, tôi nhận ra rằng thật ngạc nhiên khi không có nhiều người như Trương Hồng ở Trung Quốc. Hầu hết những người bạn gặp ở một độ tuổi nhất định đã mất đi nhiều năm trời vì các chiến dịch chính trị, nhiều người vẫn đang phải trả giá cho sức khỏe kém, hoặc thất học, hoặc các thành viên trong gia đình không còn. Nhưng đáng ngạc nhiên là sự thiếu vắng của nỗi cay đắng. Khi bạn hỏi về những trải nghiệm cá nhân, mọi người có xu hướng lùi lại thành một giọng mang tính tập thể. Có rất nhiều người phải đau khổ - như thể điều đó hợp lý hóa mọi việc. Các anh em họ của tôi luôn viện dẫn Lưu Thiếu Kỳ, người từng là Chủ tịch nước của Trung Quốc và là người kế thừa chính thức của Mao. Ông đã phải chịu đựng hai năm bị đánh đập và đấu tố. Mặc dù ông có địa vị cao nhưng ông đã chết trong một nhà tù ở tỉnh Hà Nam vào năm 1969. Tầm quan trọng của người đàn ông này, và kết cục bi thảm của ông, đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người họ hàng của tôi. Dường như họ coi ông là một vị Chúa Jesus của Trung Quốc, với một đức tin hư vô ngoan cố: Bởi vì Ngài còn qua đời theo lối đó, chuyện của ngươi phỏng có nghĩa lý gì kia chứ?
Trương Hồng lại khác. Ông ta giận dữ vì những gì mình đã mất và không thể bỏ qua điều đó, ông ta cư xử như thể những nỗi đau đớn của cá nhân là quan trọng. Ông ta dám coi nỗi đau đớn của mình ngang với nỗi đau đớn của Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Câu chuyện của Trương Hồng có tính chất quan trọng và ông ta kiên quyết kể nó. Trước đó tôi luôn luôn tự hỏi rằng tại sao không có nhiều người giận dữ trước những tổn thương mà Cách mạng Văn hóa đã gây ra. Thì đây là một người như vậy, và ông ấy là người trong gia tộc.
SAU BỮA TRƯA, tôi ngồi nói chuyện với người anh cả về lịch sử gia đình. Những người họ hàng khác thỉnh thoảng tham gia vào cuộc trò chuyện khi họ đi qua phòng khách. Anh có biết gì về ông nội em không? Tôi hỏi.
Người có thể trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi của cô - anh ta lặng lẽ chỉ tay về phía phòng ngủ nơi có ông lão bất động, không thể thốt nên lời, đang nằm chờ chết.
Anh biết những gì về ông nội của mình?
Sau này ông đổi tên thành Trương Thanh Ba.
Ông ấy đến Bắc Kinh học đại học. Ông làm việc ở Bắc Kinh.
Không, ông làm việc ở Cáp Nhĩ Tân.
Trong suốt cả một ngày thật dài - chín tiếng đồng hồ, với sáu người họ hàng trò chuyện không ngừng - tôi đã cố thử, nhưng không thể. Mỗi lần tôi đặt một câu hỏi, chúng tôi lại chuyển chủ đề sang một cuộc bàn luận về tên của một ai đó khác, hay là năm sinh chính xác của ông, hoặc ai đó đã từng nói về ông một lần nào đó. Chúng tôi chìm đắm trong các sự kiện, luẩn quẩn trong hàng đống ngày tháng. Không ai có thể tập hợp chúng lại, gom các chi tiết này thành một câu chuyện mạch lạc. Thậm chí còn khó khăn khi tìm hiểu những nỗi khổ mà họ hàng của tôi phải chịu đựng hàng năm trời. Họ bưng bít những chuyện cá nhân, họ bỏ qua những khoảng thời gian dài và dường như họ quên đi những sự kiện chủ chốt. Trong một thế giới mà có quá nhiều người phải chịu đau khổ, câu chuyện của một người chẳng có nghĩa lý gì. Thậm chí cả Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ cũng không được bảo vệ, nữa là một kẻ vô danh tiểu tốt.
Cuôì cùng tôi cũng đành từ bỏ việc đặt câu hỏi. Trong cuộc trò chuyện kéo dài bảy tiếng của chúng tôi, tôi biết được rằng bà nội của họ - mẹ bác Lập Giao - đã ở lại Lục Đài và bị giết chết trong giai đoạn cải cách ruộng đất vào cuối những năm 1940. Trong bữa tối, Ân Kiều quay sang tôi và nói, "Ông nội chúng tôi đã tự tử. Cô có biết điều đó không?" Tôi ngồi và để cho cuộc trò chuyện trôi tuột qua trong trí óc, chỉ để lại những mẩu rời rạc tôi muốn biết như thể đá cuội lắng xuống rìa đại dương.
o O o
Quay trở về Bắc Kinh, tôi ngồi đọc lá thư của Trương Hồng mà con gái của bác Lập Giao đã giữ lại cho tôi. Lá thư gồm hai trang giấy đánh máy gửi cho cha tôi và các cô chú tôi. Thậm chí một người không biết tiếng Trung Quốc cũng có thể thấy được đó là một lá thư toàn những lời rủa xả. Các chữ cái in đậm toàn bộ và được gạch chân một cách bức bối, cỡ chữ to quá khổ, với rất nhiều dấu chấm than, như thể những chữ cái được đánh máy nằm ngay ngắn trong các ô vuông không thể nói hết cảm xúc của ông ta. Chữ viết tiếng Trung Quốc không hề được mong muốn sẽ thành như thế này.
Ông đã nói bao lần rằng ông sẽ không gặp chúng tôi... Thay vào đó ông dửng dưng trước nỗi thống khổ của chúng tôi và hả hê trước sự bất hạnh của chúng tôi.
Vài năm trước, tôi đã gửi một lá thư gần như là một lời thông báo sự tình nguy ngập, hy vọng rằng ông sẽ đứng ra giúp đỡ cha tôi và cha ông trong cùng thời điểm đó. Nhưng ông chẳng hề để tâm, ngoảnh mặt đi một cách tàn nhẫn trước một người đang gặp mối hiểm nguy chết người.
Nhà họ Trương ở Lục Đài tiếp tục thực hiện những hành động độc ác của quá khứ, chà đạp lên nhân quyền và gian xảo giành lấy địa vị về mình giữa chi của chính thất và chi của thê thiếp trong gia đình.
Mục đích của tôi là phục hồi lại truyền thống hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ và trách nhiệm của anh em trong nhà đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà ông nội và ông cố nội của chúng ta đã tạo ra. Tôi không bao giờ nghĩ rằng cha tôi cuối cùng lại bị Trừng phạt vì các ông, những người anh em ruột thịt!!
Ở đầu trang hai, ông ta đề cập đến tôi:
Liệu Trương Đồng Hà vẫn còn muốn viết về lịch sử của gia đình hay không? Nó có viết về những điều này không? Nếu nó không viết, thì đó là loại lịch sử gia đình kiểu gì vậy?
Lá thư này, theo như tôi được biết qua việc nói chuyện với cha tôi, là cao trào của một chuỗi thư từ trao đổi qua lại mà hầu hết nội dung đều chỉ từ một phía. Vào cuối những năm 1990, Trương Hồng viết thư cho cha tôi. Ông ta muốn cha tôi xin Đảng Cộng sản bãi bỏ những phán quyết chính trị đối với ông nội tôi, quá trình này, gọi là pingfan (bình phản), cho phép những người đã bị đấu tố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa phục hồi lại danh dự của mình. Dường như Trương Hồng nghĩ rằng điều này sẽ có ích cho trường hợp của cha ông ta, và ông ta đề nghị cha tôi hỗ trợ. Nhưng đó là một lời yêu cầu kỳ quái. Cha tôi tin rằng, ông nội tôi đã bị Cộng sản giết chết, vậy thì giờ đây làm sao chúng tôi có thể đề nghị Đảng đã giết ông trả lại sự trong sạch cho ông? Cha tôi đáp lại một cách lịch sự rằng ông không có hứng thú với việc đó.
Trương Hồng viết lại một lá thư đầy phẫn nộ cho cha và chú tôi. Một vài năm sau, ông ta gửi thêm một lá thư khác, buộc tội gia đình cha tôi đã gây nên đau khổ cho ông ta và không để ý đến những nỗi thống khổ mà ông ta phải gánh chịu. Ông ta thề sẽ trả thù và gửi bản sao của bức thư tới các đồng nghiệp ở trường đại học mà cha và chú tôi đang giảng dạy. "Cha cho rằng Trương Hồng cảm thấy là chúng ta không quan tâm đến ông ấy, rằng chúng ta không quan tâm đến các vấn đề của gia đình," cha tôi nói với tôi. Ông ngừng lời rồi nói thêm: "Mà có lẽ là đúng như thế."
Trương Hồng đã dành hàng năm trời để nghiên cứu lịch sử của gia đình. Ông ta đã được đưa tới sống ở Lục Đài trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nơi ông ta lần đầu gặp rất nhiều người họ hàng. Ông ta đã xem các tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng sản.
Ông ta đã phỏng vấn vị giám đốc đã nghỉ hưu của mỏ than Phủ Thuận, nơi ông nội tôi đã bị giết chết. Ông ta có những bức ảnh về nhà thờ họ trước khi nó bị đốt cháy và sơ đồ mô tả bố cục của các tòa nhà.
Càng biết về Trương Hồng nhiều chừng nào, tôi càng nhận ra rằng cần phải nói chuyện với ông ta. Ông ta là nhà sử học chân chính trong gia đình tôi, dù cho ông ta có bị thần kinh vì quá khứ ám ảnh. Ông ta có tư liệu và các bức ảnh, ông ta đã thực hiện nghiên cứu. Là kẻ đến sau và là một người nghiệp dư, tôi sẽ không bao giờ biết được những gì ông ta biết. Ý nghĩ gặp ông ta khiến tôi kinh sợ.
Lá thư cuối cùng Trương Hồng gửi cho gia đình chúng tôi là vào năm 2004, khi tôi vẫn còn là phóng viên tác nghiệp tại Bắc Kinh. Lúc ấy tôi vẫn chưa về thăm quê hương, hoặc nghĩ về việc viết lịch sử gia đình. Tuy vậy trong lá thư của ông ta, Trương Hồng dường như đã biết về dự định tương lai của tôi.
Liệu Trương Đồng Hà vẫn còn muốn viết về lịch sử của gia đình hay không? Nó có viết về những điều này không?
o O o
Người Trung Quốc ngày nay có một mối quan hệ phức tạp với quá khứ của họ. Bề ngoài, họ tự hào về quá khứ của mình - người Mỹ nên nhớ rằng Trung Quốc có năm nghìn năm lịch sử - tuy nhiên họ vẫn e ngại việc tìm hiểu sâu xa hơn mức độ một bộ phim truyền hình về thời nhà Thanh. Tại sao một nền văn minh lớn đến như vậy lại sụp đổ quá nhanh chóng khi phải đối đầu với phương Tây? Điều gì đã khiến mọi người sẵn sàng trở nên thù địch với nhau - ở nơi làm việc, ở làng quê, trong gia đình - trong suốt các phong trào chính trị những năm 1950 và 1960? Và làm sao họ có thể trở lại cuộc sống bình thường sau tất cả những chuyện đó, tựa hồ như chẳng có chuyện gì xảy ra?
Câu hỏi cuối cùng là dễ trả lời nhất: thông qua sự quên lãng. Vào năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã chỉ đạo rằng chính sử của ba mươi năm vừa qua nên được ghi chép "sơ sài thay vì chi tiết" vì mục đích đoàn kết dân tộc. Vì vậy Cách mạng Văn hóa thường được đổ cho một nhúm các lãnh đạo có tư tưởng cực đoan và vụ biểu tình tại Thiên An Môn là tác phẩm của một vài kẻ khủng bố lôi kéo và thao túng đám đông quần chúng. "Hãy để điều đó cho lịch sử quyết định," người ta nói vậy khi bàn đến các vấn đề này - tựa như đang nói về chuyện xa xưa thay vì những sự kiện mà bản thân họ đã từng chứng kiến và tham dự vào.
Quên lãng là lựa chọn cá nhân - một thỏa thuận ngầm giữa nhiều người đối với việc để quá khứ sang một bên. Đối với những người trong gia tộc tôi đã rời bỏ đất nước Trung Quốc, tốt hơn là tiếp tục sống thay vì than khóc cho tương lai đầy hứa hẹn đã bị tước mất của ông nội tôi. Đối với những người trong gia tộc còn ở lại, tốt hơn hết là nói về Lưu Thiếu Kỳ thay vì truy vấn xem tại sao những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời họ đã bị đem làm vật hy sinh. Việc này là dễ dàng nhất đối với những người di cư. Thoát kiỏi cái bẫy của gia tộc, lịch sử, quá khứ cũng đơn giản như là thay tên đổi họ hoặc nói thật to một từ. "Thương mại quốc tế" nói như thế nào nhỉ?
Quá khứ dường như chỉ toàn những câu chuyện đau buồn. Một người đàn ông bị ám sát ở ga tàu hỏa sau chiến tranh. Một người phụ nữ bị đánh đến chết tại quê hương. Một người phụ nữ đến đền thờ và rút được quẻ bói "đại hung". Quá nhiều đau khổ xứng đáng được ghi chép trong sử sách vào một ngày nào đó - nhưng bản năng chống lại sự tự vấn nội tâm đã ăn sâu vào trong nền văn hóa này.
Ở HUYỆN LỴ nằm gần Lục Đài, tôi đến thăm một ông già chín mươi hai tuổi tên là Quách Đức Huy. Ông có đôi mắt sáng, đôi lông mày bờm xờm, rái tai dày và dài tròn trịa như dấu hỏi: ở Trung Quốc tai to là dấu hiệu của sự may mắn. Ông Quách Huy Huệ đã từng là viên chức cảnh sát trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu và sau đó là chuyên viên lập pháp của Quốc dân Đảng, và ông ta biết gia tộc chúng tôi. Một viên chức địa phương đi cùng tôi và anh ta giải thích cho ông già rằng tôi là cháu gái của Trương Sân Phu. Lanh lợi như một đứa trẻ, ông hỏi: "Cháu là con gái của Trương Lập Dự hay Trương Lập Cương?"
"Ông từng đến nhà cháu chơi," ông nói. "Nhà cháu ở Bắc Kinh, quận Tây Thành, Phấn Tử Hồ Đồng, số hai mươi lăm." Ông đọc một mạch địa chỉ, tựa như lúc này chúng tôi có thể bắt một chiếc taxi và đi đến đó. Sau đó tôi phát hiện ra rằng ông chỉ nhớ sai ba số nhà so với địa chỉ thực - không tồi chút nào sau hơn nửa thế kỷ. Ông nhớ lại chuyến thăm nhà của gia đình tôi vào năm 1947, lần cuối cùng ông gặp bà nội và ông họ của tôi. Ông và ông họ của tôi đã làm bạn từ những năm 1930 ở vùng Lục Đài, nơi ông làm quan chức cảnh sát còn ông họ của tôi làm thị trưởng. "Ông ấy rất thân thiện và được mọi người yêu mến. Đó là lý do tại sao ông ấy không hề gặp phải vấn đề gì cả sau thời kỳ cách mạng."
"Ông cháu có quay lại trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa," tôi nói. "Ông có gặp ông ấy không ạ?"
Ông già lắc đầu. "Sau đó ta không gặp lại ông ấy nữa."
Vào năm 1954, ông Quách bị buộc tội làm gián điệp cho Đài Loan trong chiến dịch "Thanh trừ các thế lực phản cách mạng". Ở tỉnh Cam Túc miền Tây Bắc, ông bị cầm tù trong một nhà kho tọa lạc sau nhà máy sản xuất ô tô. Ông dành cả ngày đọc báo, chăm nom các cây táo và đào - ông ở đó trong hai mươi năm.
Khi quay trở lại thành phố vào năm 1975, ông đã ở độ tuổi về hưu. "Bây giờ nhà nước chăm sóc ta," ông nói. Tôi hỏi ông già bí mật sự trường thọ của ông. "Ta ăn thịt, nhưng ta không ăn thịt mỡ," ông nói. "Hồi chưa đến tám mươi tuổi, hằng ngày ta đều chạy bộ nửa tiếng đồng hồ. Bây giờ ngày nào ta cũng đi bộ. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là suy nghĩ. Suy nghĩ phải phóng khoáng. Khi điều gì đã là quá khứ, đừng lo lắng gì về nó nữa. Cháu phải luôn nghĩ về mặt tích cực của vấn đề."
o O o
Mùa thu năm đó, tôi trở lại quê nhà. Ngô đang chín trên cánh đồng và cao hơn đầu người, một tháng tới sẽ là thời điểm thu hoạch. Tôi đã quay lại bởi vì nghĩ rằng điều không hoàn toàn chính xác là không còn người họ Trương nào ở đó nữa. Sau chuyến viếng thăm của tôi, một người họ hàng tên Trương Đồng Hiến sống ở thị trấn gần đó đã nghe tin về tôi và liên lạc với tôi. Anh ta gặp tôi ở chợ của thị trấn gần làng. Đồng Hiến có gương mặt dài đẹp trai và mặc một bộ com lê màu đen sọc nhỏ trang trọng - tựa như một nhà truyền giáo ở phương Tây thời xưa, ngoại trừ cặp kính màu và chiếc xe máy màu đỏ. Anh dạy ở trường tiểu học.
Đồng Hiến đưa tôi quay trở lại nhà anh, nơi anh và vợ trồng trọt hai mẫu ngô, hai con gái của họ đi học ở thành phố. Tôi ngồi xuống kháng(29), loại giường truyền thống phổ biến ở các làng quê phía Bắc Trung Quốc, và anh đặt cuốn sách vào tay tôi. Đó là phả hệ của gia tộc tôi, được biên soạn dưới sự chỉ đạo của ông cố nội tôi vào năm Dân quốc thứ mười hai, năm 1923. Cuốn sách được buộc dây ở ngoài. Nó có các vết ố nước ở bìa, mép các trang giấy mềm và xơ ra. "Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, cha tôi đã bọc nó bằng nylon và chôn xuống đất," Đồng Hiến kể lại.
Cuốn phả hệ truy nguyên gia tộc tôi đến mười một đời tới những vị tổ tiên đã chuyển tới Mãn Châu. Một phiên bản cập nhật, từ năm 1993, đã mở rộng phạm vi thêm ba thế hệ nữa. Đồng Hiến đã tham gia vào việc chỉnh lý này, đó là phiên bản của cuốn phả hệ đã bị lấy đi khỏi quê và đưa cho cha tôi.
Tôi hỏi Đồng Hiến mục đích của việc biên soạn cuốn phả hệ này là gì.
"Nó dùng để xử lý các mối quan hệ trong gia tộc." Anh ta nhỏ giọng đáp.
"Một vài người" - anh đọc tên một làng - "lấy người trong họ. Đây là điều mà cô không nên ghi vào làm gì."
"Họ không biết họ là họ hàng à?" Tôi hỏi.
"Họ không rõ lắm về điều đó," anh trả lời, "và họ không được giáo dục tử tế. Điều này là lý do tại sao phải giáo dục cho thế hệ trẻ."
Anh rút ra một chiếc hộp các tông. Trong chiếc hộp có những bức ảnh, thư từ, bản vẽ thái ấp của gia tộc tôi và ngôi đền mà anh đã vẽ lại dựa trên việc thu thập các lời mô tả của những người già trong làng. Bản vẽ thể hiện các căn phòng ở trung tâm là chỗ ngủ của mọi người trong gia tộc, các kho ở hai bên là nơi ở của người hầu. Các ký hiệu được đánh dấu chỉ ra chỗ của bồn rửa mặt, các bài vị bằng đá, và các khẩu súng Mauser được đặt ở bốn góc sân - quá chi tiết, được biên soạn hết sức cẩn thận và góp nhặt từng chút một. Đồng Hiến còn đưa cho tôi một tài liệu hai mươi ba trang về lịch sử gia đình mà anh đã viết lại, tổng kết tất cả những gì anh biết được.
Cũng vào ngày hôm đó tôi hiểu được định mệnh của cha bác Lập Giao, Trương Phượng Ân. Ngay sau khi các cuộc tấn công chính trị bắt dầu, bác Lập Giao đã đưa cha quay lại Lục Đài để được an toàn - ông tin rằng ngôi làng là một nơi ẩn náu truyền thống. Đó là một tính toán sai lầm. Hồng vệ binh đang tiến đến vùng nông thôn Trung Quốc, và họ đem theo các sách lược tàn bạo của đấu tranh giai cấp. Cha của bác Lập Giao đã thoát được các cuộc tấn công này trong thời kỳ cải cách ruộng đất những năm 1940. Giờ đây ông sẽ hiểu rằng đôi khi những người biết bạn lâu nhất lại là những người có lý do để ghét bạn nhất.
Là một cậu bé tám tuổi, Đồng Hiến đã chứng kiến mọi chuyện.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bác Lập Giao bị quy chụp chính trị xấu xa và bị đưa về nông thôn. Ông Phượng Ân quay trở lại Lục Đài sống trong nhà của cô cháu họ.
Vào năm 1969, hai đội công tác tới Kỳ Tháp Mộc. Đó là mùa hè. Họ ra lệnh đưa ông Phượng Ân đến. Có câu tục ngữ rằng, Mỡ dâng đến miệng mèo(30). Ông Phượng Ân là mỡ, đội công tác kia là những con mèo.
Đêm hôm đó, ông treo cổ tự tử trên cây.
Trước đó, ông đã bị đấu tố. Họ giải ông đi khắp làng, trên đầu ông phải đội mũ chóp nhọn. Một trong những người đấu tố ông chính là Trương Lập Cách.
Tôi biết cái tên này. Trương Lập Cách là người họ hàng mà cha mẹ tôi đã gặp khi họ về thăm làng năm 1995. Họ đã làm khách trong nhà ông ta và tỏ ra kính trọng ông ta, vì ông ta là người duy nhất của gia tộc còn sống tại đó. Vậy là người đàn ông này đã tố cáo cha của bác Lập Giao và góp phần đẩy ông vào chỗ chết.
Trương Lập Cách rất lười biếng. Cả đời ông ta chẳng chịu làm gì cả. Ông Phượng Ân đã giúp ông ta tổ chức đám cưới mà ông ta không phải trả chi phí gì. Rồi trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Trương Lập Cách lại buộc tội ông. Bạn làm ơn cho ai đó và đây là cách hắn trả ơn bạn. Trương Lập Cách và những người khác hô to các khẩu hiệu: Đả đảo Trương Phượng Ân! Đả đảo bọn địa chủ!
Lúc đó tôi đang đứng bên rìa đám đông và tôi nhìn thấy cảnh tượng đó. Tôi òa khóc. Ông Trương Phượng Ân thường đến nhà chúng tôi, và tôi mến ông ây. Chúng tôi gọi ông là chú Sáu.
Tôi thấy ông bò trên sân trường học bằng tay và đầu gối. Điều tồi tệ nhất tôi thấy là việc đó xảy ra ngay trước mắt nhân dân Lục Đài. Ông bị đánh đến mức lưng nhuộm toàn máu đỏ. Đó là ngày tồi tệ nhất.
Lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ. Nhưng không người lớn nào đứng đó dám đứng ra nói điều gì. Nếu bạn nói, bạn sẽ gặp rắc rối.
Trước khi tôi đi, Đồng Hiến nói rằng anh có một thứ muốn cho tôi xem. Anh đưa tôi đi bằng xe máy đến một ngôi nhà xây bằng gạch đơn sơ của một người nông dân là người bà con xa trong họ. Ở chân cửa trước có hai khối cẩm thạch lớn khác thường - những viên đá ở nhà thờ họ của chúng tôi. Khi tòa nhà bị phá hủy trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông lão sống ở đây đã bỏ trốn và mang những thứ này về nhà. Chôn vùi trong đám bùn của sân nhà người nông dân là tất cả những gì còn lại của ngôi nhà gia tộc - hai tảng đá, trơn nhẵn và trắng tinh tựa như các cây cột trong một đền thờ Hy Lạp. Mỗi tảng đá được khắc chữ shou (thọ), có nghĩa là "sống lâu".
o O o
Theo gia phả Trung Quốc truyền thống, một gia tộc truy nguyên dòng dõi của mình đến vị shiqiamu (thủy thiên tổ), "vị tổ tiên đầu tiên di cư đến nơi đây", người đến từ đâu đó và kiến lập cơ đồ nơi các con cháu của người ấy hiện đang sinh sống. Các gia đình mong muốn có được địa vị có thể sẽ đòi được chứng nhận mối liên hệ với một người nổi tiếng ở trong quá khứ xa xôi, nhưng các mối liên hệ giả mạo đó sẽ tự phản lại chính nó trong những trang phả hệ. Chỉ có những ghi chép sau vị tổ tiên đầu tiên được coi là đáng tin cậy. Việc di cư ấn định người ta vào một vị trí trong không gian và thời gian, lịch sử của một gia tộc bắt đầu khi có một người rời nhà ra đi.
Gia phả của người Trung Quốc, bắt đầu xuất hiện rộng rãi từ đời Tống cách đây hơn một nghìn năm, là một văn bản Nho giáo rất cứng nhắc. Mục đích của nó là để ghi chép lại những thành tựu và đạo đức của các thành viên trong gia tộc, tựa như tài liệu tuyên truyền của Đảng Cộng sản, người ta thích nhấn mạnh vào sự tích cực hơn. Các góa phụ tái hôn sau khi chồng chết - vi phạm vào khuôn phép của đạo Khổng - thường bị bỏ qua trong các trang gia phả, cũng như những người thiếp không có con và những người con trai đi tu. Danh sách các tội ác dẫn tới việc bị trục xuất tên ra khỏi gia phả rất dài. Theo một bộ luật đựợc ban hành trong thời nhà Thanh, các tội này bao gồm: xúc phạm phần mộ tổ tiên, lập gia thất không môn đăng hộ đôi, có các hành vi bạo lực, làm đĩ, tham gia quân phiến loạn có vũ trang, phản quốc hoặc dị giáo, giấu giếm sự thật trước hoàng đế, bóp cổ đến chết một người mà không có lý do, hoặc lấy kỹ nữ, ca kỹ, nô lệ, hoặc người hầu làm vợ. Gia phả phản ánh quan điểm truyền thống của người Trung Quốc rằng mục đích của lịch sử không phải là để thuật lại các sự kiện hoặc ghi chép các câu chuyện, mà là để thiết lập một chuẩn mực đạo đức để hướng dẫn những người đang còn sống. Lịch sử không đơn giản chỉ là những gì đã xảy ra, mà là những gì lẽ ra đã xảy ra nếu con người cư xử như họ nên làm.
Ông tổ đầu tiên di cư đến nơi này Hoa Long
Thành thân với Lưu thị, cùng được chôn cất tại nghĩa địa huyện Khai Nguyên, Phụng Thiên
Hai con trai Dịch Quân, Dịch Chấn
Trong cuốn Phả hệ gia tộc họ Trương ở Cát Lâm mà Đồng Hiến đưa cho tôi, bản ghi về ông tổ đầu tiên di cư đến vùng đất này của chúng tôi, Trương Hoa Long, chỉ dài có năm dòng. Hầu hết các bản ghi tiếp theo cũng chỉ ngắn gọn như vậy. Một người đàn ông được xác định bởi tên của ông ta, họ của người vợ, tên của các con trai, và nơi chôn cất. Đó là những sự kiện duy nhất đáng để biết: liệu anh ta có tiếp tục dòng giống gia tộc hay không, và được chôn cất ở đâu để con cháu đời sau tỏ lòng tôn kính. Các bản ghi sau cung cấp thêm ngày sinh và ngày mất, thỉnh thoảng có một bản ghi liệt kê thành tựu, mặc dầu các bản ghi này cũng chỉ tuân theo một tiêu chuẩn hạn hẹp - bằng cấp, chức vụ, và các giải thưởng. Hầu hết các bản ghi chỉ tiếp tục liệt kê tên của người đàn ông, vợ, các con trai, nơi chôn cất. Việc thiếu vắng các chi tiết khác chỉ ra rằng người đàn ông này đã không đạt được điều gì đáng kể trong cuộc đời: ông ta là một người nông dân.
Bản ghi dài nhất trong cuốn gia phả thuộc về ông nội tôi.
Xuân Ân
Tên thường gọi Hạnh Phu, sau đổi thành Sân Phu
Đại học Quốc gia Bắc Kinh
Tốt nghiệp khoa Kinh tế
Sang Mỹ
Tốt nghiệp khoa kinh tế Đại học Chicago
Tốt nghiệp khoa Mỏ Đại học Michigan
Sau đó trở về Trung Quốc nhậm chức giám đốc kỹ thuật tại Cục Công nghiệp tỉnh Cát Lâm (một chức vụ cao hơn chuyên gia cao cấp)
Giám đốc và kỹ sư trưởng mỏ than Mục Lăng
Kỹ sư trưởng mỏ than Tiêu Tác
Dạy học tại Học viện Kỹ thuật Đường Sơn
Để chống lại quân Nhật, đứng đầu kế hoạch chiến lược sản xuất thủy ngân, thiếc và vonfram
Sinh năm 1899 Mất năm 1946
Vợ Lý Hương Hành
Tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Nữ Bắc Kinh
Các con trai Lập Dự, Lập Cương
Trong thế hệ của cha tôi, chỉ có một bản ghi duy nhất trong các chi phả hệ của gia đình: Lập Giao. Sinh năm 1917. Cả phần còn lại của trang giấy để trống.
Nhưng cuốn gia phả không mô tả nhiều về từng thành viên trong gia đình bằng việc xóa đi tất cả những điều khiến họ trở nên khác biệt. Đọc Phả hệ của gia tộc họ Trương ở Cát Lâm giống như việc đọc nhật ký của ông nội tôi. Các mô tả về ông bị khuyết ở cả những nơi mà tôi hy vọng sẽ tìm thấy. Bản ghi chép về ông nội tôi - mất năm 1946 - có thể đã đề cập đến vị trí chính xác trong hệ thống cấp bậc của chính phủ của ông - một vị trí cao hơn chuyên gia cao cấp - nhưng không nói gì về việc ông bị ám sát khi quay lại Mãn Châu, việc người vợ góa của ông phải một mình nuôi nấng năm đứa con, hay những đứa trẻ đó sẽ lớn lên và đi tới Đài Loan và Mỹ nhưng trong lòng luôn luôn hướng về quê hương, giống như bác Nellie của tôi:
Con trẻ lang bạt nơi hải đảo
Một lòng vẫn hướng về quê hương
Bản ghi về ông trẻ của tôi, Trương Phượng Ân - mất năm 1969 - cũng không nói gì về việc tại sao ông chết, tự tử vào một đêm mùa hè trong làng sau khi bị đánh dập và lăng mạ bởi những người thân trong chính gia tộc của mình. Gia phả cũng không đề cập đến việc Trương Lập Cách - thuộc thế hệ thứ mười, được nêu tên trong trang năm mươi lăm của cuốn gia phả - là kẻ cầm đầu đám người hành hạ ông. Gia phả cũng không ghi chép rằng Trương Đồng Hiến - thuộc thế hệ thứ mười một, ghi chép ở trang ba mươi bảy - đã chứng kiến vụ việc đó khi còn là một đứa trẻ.
Nhưng có lẽ đó là bí mật của cuốn gia phả, lý do của truyền thống không ghi chép các vấn đề riêng tư của từng cá nhân đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Bằng cách chỉ bám vào các thông tin thiết yếu - tên, vợ, con trai, nơi chôn cất - gia phả áp đặt nền nếp trật tự và sự hài hòa lên sự tồn tại của con người. Gia phả tô hồng những sự thật về một thế giới đã không cư xử như lẽ ra nó phải làm, và có lẽ là sẽ không bao giờ làm. Ý nghĩa của việc tiếp tục truyền thống này cũng thật là kỳ lạ. Mười bốn thế hệ sau khi tổ tiên của chúng tôi tới Mãn Châu, phần lớn các con cháu trong gia tộc vẫn được đặt tên theo thứ tự được đặt bởi ông cổ của tôi vào sáu thế hệ trước.
Cuốn gia phả còn chứa một sự bất ngờ bị che giấu. Ông tổ đầu tiên của gia tộc tôi đã rời huyện Uyển Bình ở tỉnh Hà Bắc để tới Mãn Châu. Khi tra cứu tài liệu, tôi phát hiện ra rằng Uyển Bình là một phần của Bắc Kinh ngày nay. Ông nội tôi đã rời Bắc Kinh năm 1920 để du học tại Mỹ, để có thể giúp đỡ đất nước. Cha tôi rời Bắc Kinh năm 1948 trên một trong những chuyến bay cuối cùng rời khỏi thành phố, khi phe Dân quốc gần như đã thua trận. Và từ Mỹ tôi quay trở lại sống ở Bắc Kinh, nơi mà ông tổ đầu tiên của gia tộc đã rời khỏi cách đây ba trăm năm.
o O o
Vào mùa đông năm 2005, tôi tới Thẩm Dương để gặp người đàn ông đã thề sẽ trả thù gia đình tôi. Trương Hồng hẹn gặp tôi ở cổng trường Đại học Kỹ thuật Thẩm Dương, nơi ông ta dạy môn vi tính. Ông ta có gương mặt dài nhợt nhạt, mũi cao cùng các nếp nhăn hằn sâu hai bên khóe miệng - gương mặt giống cha tôi, mặc dầu các đường nét sâu hơn khiến ông ta trông buồn bã hơn. Ông ta có mái tóc gợn sóng lòa xòa kiểu các ca sĩ thần tượng thiếu niên, mặc chiếc quần sẫm màu và chiếc áo len dài tay kiểu polo có hình con cá sấu trên ngực đang quay đầu ngược hướng so với hình trên áo chính hãng. Trương Hồng bắt tay tôi không hề mỉm cười, đôi mắt đen nhìn tôi chăm chú một cách điềm tĩnh sau cặp kính đầy trí thức. Tôi có cảm giác rằng ông ta hiếm khi mỉm cười.
Ông ta dẫn tôi đi qua khu học xá đến một tòa nhà vắng vẻ và leo lên các cầu thang tối đen như mực. Văn phòng của ông ta rất đơn sơ, với hai chiếc bàn gỗ kê sát đối diện nhau.
Ông dửng dưng trước nỗi thống khổ của chúng tôi và hả hê trước sự bất hạnh của chúng tôi.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng cha tôi cuối cùng lại bị trừng phạt vì các ông, những người anh em ruột thịt!!
Trương Hồng lấy ra một máy ghi âm cầm tay. "Cô có bằng lòng cho tôi ghi âm cuộc trò chuyện ta không?" Ông ta hỏi. "Trí nhớ của tôi rất tệ." Chắc là trông tôi có vẻ sửng sốt lắm, nên ông ta nhanh chóng cất cái máy ghi âm đi.
"Cô đang viết cuốn sách này theo quan điểm nào?" Trương Hồng tiếp tục hỏi. "Quan điểm của nhân dân Trung Quốc?"
Tôi suy nghĩ về câu hỏi này, một câu hỏi thật là mang tính đặc trưng Trung Quốc. "Cháu viết cuốn sách này theo quan điểm của bản thân cháu," cuối cùng tôi nói. Ông ta kể rằng mình cũng đang viết sách, về lịch sử của gia tộc chúng tôi. Cuốn sách bao gồm ba phần: Hưng thịnh, Suy tàn, Phục hưng. Ông ta đã nghiền ngẫm về nó trong vòng mười lăm năm.
Trong hai ngày tôi gặp Trương Hồng, ông ta luôn tỏ ra lịch sự. Ông ta đưa tôi về nhà gặp vợ và con trai, ông mời tôi ăn tối và ăn bữa trưa vào ngày kế tiếp. Ông ta nói rằng cuộc trò chuyện của chúng tôi là một trong những điều quan trọng nhất mà ông đã trải nghiệm trong cả năm nay. Ông ta không đả động gì đến bức thư đầy hằn học đã gửi cho cha tôi nhiều năm về trước, tôi cũng không đề cập tới việc này.
TRƯƠNG HỒNG MỚI BA TUỔI khi cha ông ta bị gán cho tội danh là phần tử cánh hữu, thậm chí khi đó dù mới chỉ là một đứa trẻ ông ta đã cảm thấy hổ thẹn vì thân phận chính trị đó. Nếu một người lớn nói chuyện với ông ta, ông ta lập tức sẽ thú nhận tội lỗi của gia đình: Cha cháu là phần tử phái hữu. Nhưng khi không có ai ở xung quanh ông ta sẽ hét lên những lời nguyền rủa. Đả đảo Đảng Cộng sản! Cuộc cách mạng của Trung Quốc đã thất bại! "Tôi cho rằng có hai mặt tồn tại trong con người tôi," Trương Hồng nói. "Một mặt hét lên những lời nguyền rủa đó và một mặt nói với mọi người "Cha cháu là phần tử phái hữu". Thật khó mà giải thích được điều gì nảy sinh ở trong trí óc một đứa trẻ."
Cha Trương Hồng bị buộc thôi việc giảng dạy ở trường đại học và bị đưa xuống nông thôn lao động chân tay. Mẹ ông bị đưa tới bệnh viện tâm thán với lời chẩn đoán của bác sĩ là mắc chứng tâm thần phân liệt. "Tình trạng chính trị của cha tôi đã dẫn đến điều đó," Trương Hồng nói sau đó cha ông ta cũng bị đưa vào bệnh viện. Nhìn lại quá khứ, Trương Hồng không thể nhớ nổi ai đã trông nom ông và người em trai trong suốt thời gian dài đó. Vào một học kỳ, hai anh em nội trú tại trường để nhờ các thầy cô giáo chăm sóc, và trong những kỳ nghỉ thì hai anh em được đưa đến sống cùng với các bác bảo vệ ở trường đại học. Khi Trương Hồng lên tám tuổi, cha mẹ ông ta ly dị, rồi ba năm sau bà mẹ bỏ đi biệt tích.
Cách mạng Văn hóa đã triển khai ở các trường học rõ rệt hơn bất kỳ nơi nào. Nạn nhân bị đánh đập trong các lớp học và bị bắt đi diễu quanh các sân chơi thể thao, bị các giáo viên đồng nghiệp đấu tố và bị học sinh cũ hành hạ. Văn hóa truyền thống Trung Quốc luôn coi trọng hàng đầu việc dạy và học. Việc trường học trở thành địa điểm của sự lăng mạ và tra tấn là một trong những điều làm cho cuộc Cách mạng Văn hóa trở nên quá đỗi khủng khiếp.
Giờ đây thỉnh thoảng trong khuôn viên của trường, Trương Hồng vẫn chạm trán những người đã từng tấn công cha mình; giống như ông, họ vẫn ở lại nơi này. Một người đàn ông khi còn là sinh viên đã nổi tiếng vì ra những đòn đánh tàn bạo. Sau Cách mạng Văn hóa, anh ta đến gặp cha Trương Hồng nói lời xin lỗi.
BUỔI TỐI HÔM ĐÓ, tôi đi ăn lẩu cùng gia đình Trương Hồng. Vợ ông ta có gương mặt béo tròn và mái tóc uốn quăn. Bà ta làm ở phòng kế toán của một công ty bất động sản. Con trai ông là sinh viên năm thứ hai, đang học ngành kế toán. Trong bữa ăn, Trương Hồng nói chuyện với tôi hai tiếng đồng hồ về Đảng Cộng sản và đạo Khổng, sử dụng các câu tục ngữ và những lời trích dẫn mà tôi không hiểu. Shakespeare được nhắc đến, rồi cả Tolstoy và Beethoven nữa. Tôi nhớ rằng Trương Hồng chỉ mới tốt nghiệp lớp bảy.
Mao Trạch Đông đã nói: Nếu đội quân của bạn chỉ còn một chiến sĩ, hãy để cho chiến sĩ đó tấn công.
Beethoven đã nói: Có hàng nghìn hoàng tử, nhưng chỉ có một Beethoven.
Vợ con Trương Hồng không tham gia vào cuộc trò chuyện. Họ chỉ lặng lẽ nhìn vào khoảng trống trước mặt, giống như mọi người quen với tình trạng người họ hàng đang ở trong tình trạng bệnh tật đáng xấu hổ. Vợ Trương Hồng chỉ nói một lần. Khi chồng bà hỏi tôi có biết một câu nói nổi tiếng của Khổng Tử hay không - tôi nói là không biết - thì bà lặng lẽ nói: "Ai cũng học theo nền văn hóa của nơi người ấy trưởng thành."
Con trai của Trương Hồng cũng không nói gì. Cậu ta là một thanh niên đẹp trai với đôi mắt tròn sẫm màu và mái tóc ngắn lởm chởm. Mỗi lần tôi nhìn cậu ta, cậu ta lại nở nụ cười chân thành nhưng đầy ranh mãnh, tựa như cậu ta hiểu rằng mọi thứ mà cha cậu ta và tôi đang nói là vô nghĩa nhưng cậu ta hiền lành nên không thốt lên điều đó. Sau đó tôi hỏi Trương Hồng liệu ông có nghĩ rằng con trai ông ta một ngày nào đó sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu giành lại sự trong sạch cho thanh danh của cha ông hay không. Ông ta đáp rằng không, và ông kể lại một cuộc trò chuyện giữa hai cha con. "Bây giờ là thời đại kinh tế," con trai Trương Hồng đã nói với ông, "Đảng chỉ quan tâm đến kinh doanh thôi, vấn đề của cha là vấn đề chính trị. Nếu cha tìm kiếm ở Đảng một câu trả lời, cha sẽ chẳng bao giờ nhận được đâu."
NHỮNG GÌ MÀ TRƯƠNG HồNG ĐÃ PHẢI CHỊU ĐỰNG suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa chẳng có gì là khác thường so với mọi người. Thậm chí những chi tiết kỳ lạ của lịch sử gia đình ông - vụ ly dị, chứng bệnh tâm thần phân liệt - cũng chỉ là bình thường trong một thời đại mà nhiều cá nhân, và gia đình tan vỡ dưới áp lực của truy bức. Trong hầu hết các trường hợp, những trải nghiêm của Trương Hồng phản ánh những trường hợp tương tự của gia đình bác Lập Giao - mang danh phần tử phái hữu, mất việc làm ở trường đại học, cả thập kỷ lao động ở nông thôn. Thậm chí, gia đình bác Lập Giao còn tổn thất nặng nề hơn: cả bố mẹ bác đều chết tức tưởi ở quê hương, trong khi đó bố mẹ Trương Hồng đều sống sót.
Gia đình Trương Hồng bất bình thường ở một khía cạnh: họ phản kháng lại. Khi cha ông ta bị gọi là phần tử phái hữu trong những phiên đấu tố, ông đáp trả: "Cứt!" Nếu một Hồng vệ binh đấm vào mặt ông, ông đấm trả. Ông đã viết những lá thư cam đoan về sự vô tội của mình, bắt đầu bằng việc gửi tới Đảng ủy Thẩm Dương và gửi tới các cấp cao hơn. Đầu những năm 1970, cha của Trương Hồng đã gửi thư cho Mao Chủ tịch và vợ ông là Giang Thanh, thậm chí ông còn tới Bắc Kinh để đưa đơn kiến nghị rửa sạch thanh danh cho mình.
Vào năm 1978, Đảng Cộng sản lập ra các ủy ban để rà soát và sửa sai cho hàng trăm nghìn nạn nhân của hai thập kỷ đấu tố chính trị. Theo nhận định của Đảng Cộng sản, phong trào chống phái hữu đã "mở rộng không cần thiết", với nhiều người bị buộc tội là phần tử phái hữu "một cách lầm lẫn". Việc này đi theo hướng tiếp cận từng mẩu cụ thể với lịch sử do Đặng Tiểu Bình sắp đặt, cho phép sửa sai cho từng cá nhân mà không nêu cụ thể liệu có phải bản thân phong trào là sai hay không. Nhưng con số nạn nhân lại nói lên điều đó. Trên khắp đất nước Trung Quốc, hơn nửa triệu người bị buộc tội là phần tử phái hữu - không phải tất cả nhưng cũng phải đến chín mươi sáu phần trăm cuối cùng đã được kết luận là bị buộc tội oan.
Cha của Trương Hồng đòi bồi thường cho khoản tiền lương ông đã bị mất, trường đại học trả cho ông mười một nghìn nhân dân tệ - hơn 1.300 đô la Mỹ, một khoản tiền lớn vào giữa những năm 1990. Trường còn nhận Trương Hồng vào học một khóa hai năm về máy tính và xếp cho ông một công việc giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Trường học còn cố gắng bỏ đi danh hiệu phần tử phái hữu của ông ta, nhưng cha Trương Hồng không đồng ý. Ông mong muốn trường phải nói là ông chưa bao giờ là phần tử cánh hữu - một lời tuyên bố triệt để mà không quan chức nào muốn nói ra cả.
Thái độ duy lý của gia đình Trương Hồng có phần kỳ lạ. Khi ai đó bị quy chụp là phần tử phái hữu trong những năm 1950, điều này phải được xác nhận bởi một đảng ủy Đảng Cộng sản của thành phố. Ở Trung Quốc, đến cả việc săn lùng phù thủy cũng phải tuân theo các thủ tục mang tính quan liêu. Nhưng trong trường hợp của cha Trương Hồng, cái mác này đã không được chính thức thông qua. Lý lẽ của ông ta là không phải phán quyết đó là sai lầm, mà là nó không tuân thủ đúng quy trình. Đối đầu với một trong những thời kỳ hỗn loạn nhất trong lịch sử Trung Quốc, cha của Trương Hồng đã lựa chọn việc tranh cãi theo hướng chuyên môn.
Trong một chuyến đi tới Bắc Kinh, em trai của Trương Hồng đã chết đuối trên một con kênh ở vùng ngoại vi phía Bắc thành phố, rõ ràng là mội vụ tự tử. Sau khi cha mất vào năm 2001, Trương Hồng tiếp tục theo đuổi vụ kiện của cha mình. Ông viết thư gửi tới nhà trường và chính quyền thành phố, tới Ban Lịch sử của Đảng Cộng sản, tới tòa án, tới cả văn phòng của Thủ tướng. Ông nói với tất cả họ rằng cha mình chưa bao giờ là phần tử phái hữu, bởi vì ông đã bị gán tội không theo đúng quy định. Một vài nơi gửi thư trả lời rằng họ không thể xử lý trường hợp này vì lý do này lý do kia, còn hầu hết không trả lời. Trương Hồng giống như một tù nhân tiếp tục chứng minh sự vô tội của mình một thời gian dài sau khi cửa phòng giam đã mở và những người cai ngục đã cuốn gói cao chạy xa bay.
TRƯỚC KHI RỜI THẨM DƯƠNG, tôi ăn trưa cùng Trương Hồng và một người bạn của ông hiện làm việc ở phòng kỹ thuật của Tân Hoa xã. Người bạn này chuẩn bị đi công tác tại Ai Cập theo nhiệm kỳ ba năm. Hầu hết những người được Tân Hoa xã cử đi công tác ở nước ngoài nghe nói là điệp viên của chính phủ, nhưng tôi quyết định rằng bây giờ không phải là thời điểm tốt nhất để khám phá vấn đề đó. Tôi hỏi Trương Hồng cuốn sách của ông viết tới đâu rồi.
"Tôi đã viết sáu vạn từ, nhưng tôi chỉ mới viết đến giai đoạn Đại Nhảy Vọt," ông nói. "Cả cuốn sách phải cỡ sáu mươi vạn từ."
"Đại Nhảy Vọt," tôi nhắc lại, mà thâm tâm đột nhiên cảm thấy rất mệt mỏi.
Người đàn ông làm ở Tân Hoa xã nói với vẻ ngạc nhiên: "Chị cũng biết về Đại Nhảy Vọt à?"
Tôi hỏi Trương Hồng: "Tại sao chú chưa viết xong sách?"
"Sức khỏe tôi kém," ông nói, "vì vậy tôi chỉ viết sách khi nào có thể viết thôi." Ông ngừng lời. "Nói thật là, tôi không biết nên tiếp cận lịch sử từ góc độ nào. Tôi nên nhìn nhận về quá khứ như thế nào? Tôi có nên nói mọi việc đã xảy ra là sai? Hay tôi nên chấp nhận điều đó?"
"Chú không thấy tiếc về tất cả những điều tồi tệ đã xảy ra à?" Tôi hỏi.
"Trong suốt thời gian đó cũng có rất nhiều người đốì xử tốt với chúng tôi," Trương Hồng đáp. "Tôi phải quyết định quan điểm của mình về việc nhìn nhận thời kỳ đó. Hoặc là tôi có thể kết hợp cả hai quan điểm, nhưng điều này không được thú vị lắm."
Sau bữa trưa, Trương Hồng đưa tôi quay trở lại căn hộ của ông. Ông có một số tài liệu về ông nội tôi mà ông muốn đưa cho tôi. Trong phòng ngủ tù túng rộng gấp đôi văn phòng của ông, Trương Hồng lấy ra hai túi ni lông và đổ các thứ bên trong túi ra: những bản photocopy sờn rách, các bài xã luận, thư từ. Giấy, giấy, cơ man là giấy. Ngay khi tôi nhìn thấy hệ thống lưu trữ tài liệu của Trương Hồng, tôi nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ viết xong cuốn sách của mình.
Chồng tài liệu bao gồm các lá thư mà cha ông đã viết để gửi cho nhiều cơ quan chính quyền, một văn bản xác nhận cha ông nhập viện tâm thần vào giữa những năm 1960, một lá thư gửi từ đơn vị làm việc của em trai ông sau khi người em này tự tử, xác nhận rằng người đã khuất là một công nhân chăm chỉ, và một tờ giấy xác nhận được ký bởi một viên chức tám mươi mốt tuổi đã về hưu, người không thể nhớ liệu cha của Trương Hồng có bị gán là phần tử phái hữu hay không. Giấy tờ của vụ ly dị, tiền cấp dưỡng cho vợ sau khi ly dị, các thẻ báo cáo. Liên quan đến ông nội tôi, Trương Hồng có một vài bài báo cắt ra - mà tôi cũng đã có rồi - và hai bài báo lấy từ mạng Internet với những suy luận vô tích sự về vụ giết ông nội tôi.
Trương Hồng ghi bản kiểm kê mỗi lần ông gửi thư hoặc lời yêu cầu thay mặt cho cha mình. Từ năm 1993 đến năm 2005, có năm mươi mốt lần, năm 2002 có mười một lần, và mười hai lần trong năm 2003. Lá thư gần đây nhất, gửi Tòa án Nhân dân tối cao, được viết năm ngày trước chuyến thăm của tôi.
CHO TỚI KHI TÔI GẶP TRƯƠNG HỒNG, thật không thể nào tưởng tượng được ông ta giống như một vị anh hùng. Trong một thế giới mà hầu hết mọi người chọn cách im lặng và quên lãng, thì ông dám đứng lên và nói ra. Trong suốt lịch sử Trung Quốc, đã có những người như vậy - những nhà chép sử cá nhân, viết những ghi chép của riêng mình về các sự kiện trong khi chính sử lại quá ngắn gọn. Trương Hồng tin tưởng vào tầm quan trọng của câu chuyện của ông, và ông nói điều này với bất kỳ ai chịu lắng nghe.
Nhưng nỗ lực của ông không dẫn tới một sự rõ ràng sáng sủa nào - thay vào đó, nó đã bóp méo suy nghĩ của ông đến mức không thể cứu chữa được. Ông khẳng định rằng cha mình không phải là phần tử phái hữu, nhưng không nhận ra rằng toàn bộ phong trào chống các phần tử phái hữu đã là vô nghĩa. Ông có bản năng của chủ nghĩa cá nhân - chỉ có một Beethoven và chỉ có một Trương Hồng, ông khẳng định - nhưng những ý tưởng thì lại lẫn lộn một cách tuyệt vọng. Tôi nên nhìn nhận về quá khứ như thế nào? Ông đã hỏi tôi, tựa như tôi có thể cho ông câu trả lời.
Trong các thành phố nhà máy phía Nam, tôi đã gặp những cô gái trẻ và xem cách họ học trở thành những con người độc lập như thế nào. Họ đã tìm được việc làm, họ đương đầu với các ông chủ, họ cố gắng học các kỹ năng mới. Hầu hết trong số họ bắt đầu tin rằng mình đã trở thành người quan trọng, mặc dầu có xuất thân thấp kém. Đừng cảm thấy xấu hổ vì chúng ta chỉ là những công nhân di trú bình thường, Xuân Minh đã viết như vậy trong nhật ký của cô. Chúng ta không có lý do gì phải cảm thấy thấp kém cả. Còn trong thế giới của Trương Hồng, mọi thứ vẫn đang là năm 1957. Ông ta yêu bản thân mình, ông cũng ghét bản thân mình. Ông ghét Mao, nhưng lại thường xuyên trích dẫn lời của Mao. Ông khinh miệt Đảng Cộng sản, nhưng lại ở trong hàng ngũ đảng viên. Cuộc Cách mạng Trung Quốc đã thất bại! Cha tôi là phần tử cánh hữu.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng