Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 166
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
hương 7: Vuông và tròn
Không một ai trong các công xưởng ở Đông Quản được đào tạo đúng chuẩn để có thể làm việc ngay lập tức. Trong quá khứ, giáo dục ở Trung Quốc luôn được định hướng, và những con đường đều rành mạch rõ ràng. Thời nhà Thanh, người con trai nối dõi đọc Tứ thư và Ngũ kinh để chuẩn bị cho kỳ thi khoa cử của triều đình. Ở Đài Loan, bố tôi và các anh em của bố học các môn khoa học để có thể đến nước Mỹ. Trong thời Cách mạng Văn hóa, sinh viên ở Trung Quốc Đại lục thuộc nằm lòng cuốn Sách Đỏ của họ để sống qua các chiến dịch chính trị của Mao Trạch Đông. Nhưng không có chương trình giảng dạy phù hợp cho Đông Quản. Thế giới trong các công xưởng là nơi không có truyền thống hay dòng dõi, và con người phải học cách để xác định lại bản thân họ. Phần lớn các chàng trai và cô gái trẻ đã cắt ngắn thời gian học của họ để ra ngoài làm việc, những người tốt nghiệp đại học tôi quen biết đã học những ngành xa cách công việc hiện tại của họ đến độ nực cười. Một thầy giáo đã nghiên cứu môn giáo dục chính trị đi đào tạo các quản lý nhà máy, trong khi đó, một nhà báo ở tờ báo địa phương đã học kế toán và từng làm việc trong ngành quản lý rừng. Nhìn từ Đông Quản, nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc thay đổi quá nhanh đến nỗi hệ thống giáo dục thậm chí còn chẳng buồn cố theo kịp nó nữa.
Nhưng nếu chương trình học của nhà nước không thỏa đáng, thì những trường học thương mại phát triển rất mạnh trong thành phố. Vào buổi tối và các ngày cuối tuần, những lớp học tối lờ mờ của họ đông nghịt những thanh thiếu niên mặc áo sơ mi lao động, tất cả bọn họ đều đang tham lam nuốt lấy những kỹ năng họ chưa bao giờ được học ở trường. Tiếng Anh và máy tính là những môn học phổ biến nhất, nhưng cũng có cả những bài học đặc thù dành riêng cho ngành kinh tế sản xuất của thành phố. Một số giảng viên tập trung vào cách làm các bộ phận bằng nhựa, các buổi thảo luận hướng về chủ đề thi đổ khuôn nhựa. Những lớp học như vậy không truyền đạt một kiến thức toàn diện - thông thường họ chỉ dạy học viên đủ để phỏng vấn vào những công việc mà họ chẳng có khả năng chuyên môn thực sự gì. Đó chính là chìa khóa của nền giáo dục ở Đông Quản: bất cứ thứ gì khác bạn cần đến sẽ được học sau.
Các bạn không biết tất cả mọi điều mà các bạn cần phải biết, giáo viên lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại với các học viên. Nhưng trong quá trình làm việc các bạn sẽ được học.
Một phụ nữ di trú trẻ kể với tôi rằng cô đang học ở một trường học của Công ty Tư vấn Quản lý Doanh nghiệp Suren (Tố Nhân). Cái tên ấy, Tố Nhân, cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi: nó có nghĩa là "nhào nặn con người". Các lớp học dạy những công nhân ở dây chuyền lắp ráp cách cư xử trong môi trường văn phòng, những người tốt nghiệp ở đây tìm kiếm các công việc như thư ký, văn thư và trợ lý bán hàng. "Trong bốn tháng, chúng tôi nâng cao chất lượng của họ," Hoàng An Quốc, một quản lý ở trường nói với tôi khi tôi gặp anh ta để phỏng vấn. "Chúng tôi là trường duy nhất có hình thức đào tạo này." Khoản tiền học phí 680 nhân dân tệ - khoảng một tháng lương của công nhân bình thường - tính kèm cả bốn cuốn giáo trình bìa mềm mà Hoàng An Quốc đưa cho tôi với một thái độ có vẻ như là miễn cưỡng:
QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP KỸ NĂNG
THƯ KÝ KINH DOANH
PHÉP XÃ GIAO VÀ CHẤT LƯỢNG
GIAO TIẾP XÃ HỘI VÀ HÙNG BIỆN
Chương trình giảng dạy thật sáng tạo độc đáo, Hoàng An Quốc nói với tôi rằng các giáo viên của anh ta không thể tìm được bộ giáo trình nào phù hợp, vì vậy họ đã tự viết lấy. Anh ta mời tôi tham gia một lớp học. Tôi bảo với anh ta rằng tôi rất hứng thú.
Các bạn phải nắm lấy cơ hội hoặc các bạn sẽ luôn luôn chậm một bước.
Ngày hôm sau tôi đến tham quan một trường khác, do Công ty Phát triển Trí tuệ Tài năng Trí Đồng Đông Quản điều hành. Lớp Đào tạo Đặc biệt Kỹ năng Thư ký Công sở của họ cũng nhắm vào đối tượng là các cô gái làm việc trong công xưởng muốn vươn lên thế giới văn phòng. "Chúng tôi tự phát triển các tài liệu giáo dục của mình để giảng dạy cho nhóm người này," Lưu Lập Quân, giám đốc bộ phận đào tạo nói với tôi. Sau đó anh ta giới thiệu cho tôi một bộ giáo trình:
QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
KỸ NĂNG THƯ KÝ KINH DOANH
PHÉP XÃ GIAO VÀ CHẤT LƯỢNG
GIAO TIẾP XÃ HỘI VÀ HÙNG BIỆN
Tôi không nói với Lưu Lập Quân mình vừa đến thăm một ngôi trường cạnh tranh cũng có chiến lược kinh doanh giống hệt như họ. Tôi không có ý cho rằng, trường này đã đánh cắp chương trình giảng dạy của trường kia; có vẻ như khả năng lớn hơn là cả hai đã sao chép nó từ một nơi nào khác. Tôi đơn giản chỉ cảm ơn Lưu Lập Quân về mấy cuốn sách và nhận lời mời của anh ta tham gia một học kỳ của Lớp Đào tạo Đặc biệt Kỹ năng Thư ký Công sở.
Tôn trọng ý kiến của ngườii khác và đừng lỡ miệng chỉ ra lỗi lầm của họ.
o O o
Tôi ra đi năm tôi mười lăm tuổi. Trước tiên tôi làm bán hàng ở một thành phố gần nhà. Rồi tôi đến Đông Quản, ở đây tôi là một công nhân bình thường và sau đó làm trợ lý ở nhà máy sản xuất ti vi Nhã Tâm ở Thạch Kiệt.
Trong một nhà máy có một nghìn hoặc mười nghìn con người, rất khó để ông chủ có thể phát hiện ra bạn. Bạn phải tự phát hiện ra mình. Bạn phải tự phát triển mình. Để nhảy ra khỏi nhà máy, bạn phải học tập.
Bạn ở đây bởi vì bạn không muốn là một công nhân bình thường với cuộc đời buồn tẻ. Nếu bạn đang đợi công ty cất nhắc mình, thì bạn sẽ phải đợi đến già.
Diễn giả tên Điền Bồi Diễm. Cô mười bảy tuổi, hôm nay cô mặc một chiếc áo ngắn màu xanh, đeo cà vạt sọc đỏ, như thể cô vừa bước ra từ một cuốn sách quảng cáo cho trường nội trú ở New England vậy. Khi cô nói, đôi má gầy guộc phập phồng xúc động, hơi thở cô nghe rất rõ, nhịp nhàng theo từng câu nói, giống như ai đó đang chạy thi vậy. Nếu việc một thanh niên trẻ cảnh báo những người đến nghe giảng về chuyện trưởng thành có vẻ kỳ lạ, thì Điền Bồi Diễm chính là một ví dụ có sức thuyết phục: từng là học viên ở Trí Đồng, giờ cô là cố vấn giáo dục cho ngôi trường này.
Một diễn giả khác, Trần Anh, làm việc ở dây chuyền sản xuất của một công ty tên là VTech, chuyên sản xuất điện thoại không dây. Cô có gương mặt rộng và cặp môi đầy đặn; đã hai mươi tuổi, Trần Anh đang hết sức vội vã hoàn thiện bản thân. Thỉnh thoảng những người trong nhà máy lại nói với cô: "Cô già quá rồi mà vẫn còn là một công nhân bình thường."
Tôi cũng giống như các bạn. Tôi tốt nghiệp trường trung học. Tôi làm việc ở dây chuyền lắp ráp cho đến khi nào tê liệt. Tôi thậm chí còn không biết mình đang nghĩ đến cái gì nữa.
Một hôm, tôi hỏi một người bạn: "Đời là gì nhỉ? Tại sao chúng ta lại làm việc vất vả thế?" Người bạn ấy của tôi không thể trả lời. Tôi tìm trong sách. Chúng cũng không có đáp án. Tôi thầm nghĩ: "Nếu ta làm việc ở dây chuyền lắp ráp, cuộc đời còn nghĩa lý gì không? Không."
Vì vậy tôi bắt đầu tham gia lớp học này. Trong một tháng, tôi đã học được rất nhiều. Trước đây thậm chí tôi còn không thể nói nổi một từ trước mặt người khác nữa. Tôi hay xấu hổ và sợ hãi. Giờ bạn thấy khả năng hùng biện của tôi thế nào?
Tôi nghĩ tất cả các bạn đều muốn học những gì tôi đã học được. Rời khỏi dây chuyền lắp ráp. Đừng để người khác khinh thường mình thêm giây phút nào nữa. Đừng để người ta nói: "Mày chỉ là đồ công nhân mạt rệp." Chúng ta phải ngẩng cao đầu lên và nói: "Chúng tôi cũng có thể thành công."
Các buổi tối mùa xuân ấm áp năm 2005, khi công nhân đã trở về thành phố sau kỳ nghỉ Tết, trường Trí Đồng tổ chức chiêu sinh cho lớp Công sở. Giáo viên mở những buổi cung cấp thông tin miễn phí xung quanh thành phố, ở những nơi có thể mở lớp được. Các buổi gặp mặt thường kéo dài trong vài tối, lúc nào cũng chật cứng người. Vài học viên tiềm năng đến đi đến lại nhiều lần, trăn trở không biết có nên đăng ký học hay không.
Những người mới tốt nghiệp đứng lên và kể về kinh nghiệm mình đã bỏ lại nhà xưởng phía sau lưng như thế nào, kể lại những câu chuyện thay đổi của họ như thể đang trong một buổi gặp mặt cải đạo tôn giáo vậy. Thời gian làm việc ở dây chuyền lắp ráp đã khiến họ ngu dốt và tê dại - mamu (ma mộc), một từ nghe rùng cả mình khi nó thốt ra từ miệng một cô gái trẻ vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Họ phát hiện ra lớp học Công sở, và lớp học đã cho họ được tự khám phá bản thân. Tôi đã từng lạc lối nhưng giờ tôi tìm được đường. Giờ tôi làm thư ký và kiếm được 1.200 nhân dân tệ một tháng. Giờ bạn thấy khả năng hùng biện của tôi thế nào? Nhưng mọi bằng chứng của thành công vinh hiển đều ẩn chứa một lời cảnh báo ngầm: Thay đổi sớm hoặc sẽ quá muộn.
Rất nhiều học viên của chúng tôi đã chuyển sang một công việc mới thậm chí trước cả khi khóa học ba tháng kết thúc. Vài người đã kiếm được 1.200 nhân dân tệ một tháng. Khoản lợi nhuận đầu tư là một ăn năm trăm.
Nếu bạn không làm việc chăm chỉ khoảng hai hay ba năm này, cả đời bạn sẽ ở tầng thấp nhất của xã hội. Khi bạn hai tư hai lăm và bắt đầu cuộc sống gia đình, người bạn đời của bạn có khả năng cũng là một công nhân bình thường. Hai người các bạn có thể kiếm được một nghìn nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng nếu bạn vươn lên, người bạn kết hôn có thể là một quản lý. Toàn bộ thế giới của bạn sẽ khác biệt.
Người đứng đầu tổ chức lớp học tên là Đặng Thuận Trường. Ông này bốn mươi tuổi, đến vùng đồng bằng sông Châu Giang này sau một sự nghiệp ngoằn ngoèo ở tỉnh Hồ Nam, bao gồm cả dạy ở trường trung học, làm việc trong chính quyền địa phương, bán quảng cáo trên báo, điều hành một cửa hàng bán băng ca nhạc. Ở Đông Quản, ông đã từng quản lý các nhà máy - sản xuất đồ chơi, đế giày, cây Noel giả, và những bức tượng Ông già Noel nhỏ bằng nhựa - nhưng trông ông ta không giống một ông chủ nhà máy điển hình. Ông có đôi mắt đen tử tế trên gương mặt thanh mảnh màu như màu quả óc chó, ông nói năng khá thận trọng, với điệu bộ chuẩn xác như một nghệ sĩ Kinh kịch, và không bao giờ lên giọng cả. Dù thời tiết có thế nào, ông cũng luôn mặc một bộ com lê, áo len không tay và thắt cà vạt.
Thầy giáo Đặng là người trưởng thành tử tế đầu tiên mà rất nhiều người di trú gặp ở Đông Quản, và trong suốt các buổi giới thiệu thông tin, họ hỏi ông các câu hỏi họ đã giữ kín từ rất lâu. Phải xử lý thế nào khi ông chủ quấy rối tình dục? Trung Quốc là đất nước tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa? Nếu ai đó quát mắng tôi và tôi khóc, thế có nghĩa tôi là kẻ yếu đuối phải không? Thầy giáo Đặng kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi một. Ông để phần nhồi nhét lại cho những cô gái từng một thời làm trong các công xưởng dưới quyền ông.
Các bạn sẽ chờ đợi đến già.
Rời bỏ dây chuyền lắp ráp đi.
Bạn phải tự khám phá bản thân.
Tôi cũng giống như các bạn.
Hơn hai trăm phụ nữ trẻ đã đăng ký vào khóa học mùa xuân của Lớp Đào tạo đặc biệt kỹ năng thư ký công sở. Mỗi học viên trả trước 780 nhân dân tệ tiền học phí - hơn một tháng lương của nhiều người trong số họ. Họ sẽ đến lớp ba buổi một tuần trong ba tháng tới. Có nhiều thời gian để trở thành một ai đấy khác.
o O o
Các lớp học được tổ chức trên tầng sáu của một tòa nhà văn phòng phía đối diện nhà máy sản xuất điện thoại không dây VTech, tầng trệt của trường học là một cửa hàng bán điện thoại di động. VTech và nhà máy của Pioneer sản xuất đầu DVD gần đó tổng cộng có mười sáu nghìn công nhân, một nhóm đông các học viên tiềm năng với giờ làm việc ổn định. Giống như mọi thứ khác ở Đông Quản, giáo dục xoay quanh nhu cầu của sản xuất. Các lớp học bắt đầu từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 để không gây trở ngại gì cho việc làm thêm giờ. Nếu ngày làm việc của một nhà máy kéo dài lâu hơn, các giáo viên sẽ tổ chức một giờ học bổ sung cho những người phải nghỉ học.
Buổi tối sau một ngày làm việc mười giờ ở dây chuyền lắp ráp, các cô gái công nhân nhà máy sẽ đến trường. Những con phố xung quanh các nhà máy đầy những quầy hàng bán mấy món ăn vặt, nước hoa quả, các đồ trang sức tóc và áo nịt ngực cỡ bằng quả bưởi. Các quầy hàng chiếu sáng bằng những bóng đèn để trần, và trên nền bóng đêm thăm thẳm chúng tạo nên một đường lấp lánh giống như một quãng đường lễ hội sau khi mặt trời đã lặn. Các cô gái khó khăn lắm mới chen chúc được qua cửa hàng bán điện thoại được chiếu đèn lòe loẹt và lúc nào cũng đông nghịt người, sau đó đi qua một tấm quảng cáo lớn hình ba cô gái mặc bikini trên bãi biển. Mỗi cô đội một cái mũ miện và vuốt ve một chiếc điện thoại di động, chòng ghẹo các cô gái với những lời chiêu dụ dễ chịu: gợi tình, quyến rũ, chiếc Nokia mới nhất.
Trong lớp học kê những chiếc ghế sắt thấp và bàn cỡ trẻ con, rồi các học viên ngồi ở đó hai người một bàn. Một tấm quảng cáo cho lớp học Công sở chiếm cứ bức tường phía sau, với hình ảnh một cô thư ký mặc váy ngắn hở hang bên dưới khẩu hiệu ĐÀO TẠO TĂNG CƯỜNG TÍNH CẠNH TRANH. Ngay cả trong nhà tắm chỉ có một ngăn toilet và một bồn nước đổ luôn xuống sàn, cũng có những chỉ dẫn về phép lịch sự: ĐỂ TRÁNH TRƯỜNG HỢP KHÓ XỬ, LÀM ƠN KHÓA CÁNH CỬA SAU LƯNG BẠN LẠI.
Mỗi lớp học đều bắt đầu với một bài phát biểu động viên của hiệu trưởng Lưu Kiệt Nguyên. Ông này luôn nói với vẻ khích lệ gượng ép của một người bán đồ dùng nhà bếp trong chương trình quảng cáo giới tniệu sản phẩm phát buổi tối muộn trên ti vi. Trong ngày đầu tiên của khóa học, ông ta quan sát kỹ cả lớp học gồm hai mươi lăm cô gái trẻ và nói: "Tôi muốn đề nghị các bạn không mặc đồng phục đến lớp học này."
"Nhưng chúng tôi từ nhà máy đến thẳng đây," một học viên phản đối.
"Tôi muốn các bạn cố gắng hết sức và không viện cớ gì hết. Hiểu không?"
Bài học ngày hôm ấy là "Tăng trình độ xã giao lịch sự và bộc lộ nét hấp dẫn của tính cách". Thầy giáo Phó là một người đàn ông trẻ trông có vẻ đứng đắn, mặc áo sơ mi trắng, quần đen và thắt cà vạt, tất cả các giáo viên đều được yêu cầu phải thắt cà vạt khi đứng lớp. Có rất nhiều luật lệ mà các học viên sẽ cần phải nắm được trong ba tháng tới đây, nhưng thầy giáo Phó đã bắt đầu giờ học với một câu chuyện.
"Giấc mơ của bạn là gì? Mời bạn ngồi giữa ở hàng cuối cùng."
Một cô gái đứng lên. "Ngay từ lúc rời nhà ra đi..." Cô sụp xuống, nhìn ngó bên này bên kia, đờ người ra sợ hãi vì mình là người được thầy gọi.
"Đứng ngay ngắn vào," thầy giáo Phó bảo cô. "Tự tin lên."
Cô đứng thẳng hơn, rồi lại sụm xuống, bắt đầu, ngưng lại, và cuối cùng nói liền một hơi: "Ngay từ lúc rời nhà ra đi, tôi muốn trở thành một trợ lý trong bộ phận kinh doanh."
Cả lớp vỗ tay cổ vũ. Cô gái ngồi xuống.
"Được rồi," thầy giáo nói, "Tôi sẽ kể cho các bạn nghe giấc mơ của mình."
Hồi tôi còn là một đứa trẻ, tôi rất thích môn lịch sử. Tôi muốn mình có tên trong sử sách. Tôi muốn cống hiến gì đó thật lớn lao cho Tổ quốc quê hương.
Khi lớn hơn, tôi nhận ra điều này chẳng thực tế chút nào. Sau đó tôi quyết định mình muốn đứng trên Quảng trường Thiên An Môn và vẫy tay với ba quân. Nhưng tôi lại quyết định, có thể mình sẽ không đạt được ước mơ ấy. Đứng trên Quảng trường Thiên An Môn vẫy tay với những người lính không thực tế đối với một người đến từ nông thôn như tôi. Tôi sẽ để lại ước mơ này cho những thế hệ sau.
Tiếp đó tôi quyết định mình sẽ đưa gia đình từ nông thôn lên thành phố: để nuôi dạy con cái tôi ở thành phố và cho chúng phát triển xa hơn. Khi nâng tầm mình lên, bạn đồng thời cũng nâng cả gia đình mình theo nữa.
Tôi tin rằng các bạn cũng đến Đông Quản với cùng một lý do như tôi. Chúng ta cùng mang trên lưng gánh nặng giống như nhau. Tất cả chúng ta đều muốn đưa gia đình mình ở nông thôn lên thành phố, giúp đỡ gia đình mình. Điều này có đúng không?
Nếu bạn bước được ra khỏi vùng nông thôn, bạn sẽ nâng được cả gia đình theo mình. Cha mẹ bạn sẽ khác đi bởi những thành tích bạn giành được.
Từ khi tôi đến Đông Quản, tôi đã gặp phải rất nhiều trở ngại khó khăn. Nhiều lần tôi đã muốn trở về quê nhà. Nhưng bạn phải kiên cường. Nếu trở về, tất cả sẽ lại như thể bạn chưa từng ra đi vậy.
Thầy giáo quay người lại phía tấm bảng đen sau lưng và viết: Làm thế nào để tạo một hình ảnh lịch thiệp: Cách ăn mặc.
"Màu của quần áo bạn hết sức quan trọng. Giờ tôi cho các bạn biết người ta sẽ nghĩ bạn là người thế nào khi bạn mặc các màu khác nhau. Hãy chép chúng lại."
Màu đỏ thể hiện nhiệt tình.
Màu cam thể hiện sự sôi nổi.
Màu vàng thể hiện sự sáng sủa.
Màu tím thể hiện sự thần bí.
Màu xanh lục thể hiện sự tươi mới.
Màu đen thể hiện sự điềm tĩnh.
Màu trắng thể hiện sự thuần khiết.
Xanh da trời thể hiện sự đúng mực.
Thầy giáo Phó giảng rất nhiều điều trong ngày đầu tiên đó. Thầy đưa ra những lởi khuyên nhỏ về cách xây dựng lòng tin. Hãy tập luyện thể hiện mình một cách táo bạo. Bước vào một căn phòng như thể nó chính là phòng của bạn. Để khơi nguồn cảm hứng, thầy chuyển sang nói về lịch sử. Thần tượng của tôi là Mao Trạch Đông. Tưởng Giới Thạch đã phá đê Hoàng Hà để ngăn bước quân đội Nhật: đó chính là dám quyết định. Cơn lũ đã ngăn bước quân đội Nhật ấy đồng thời cũng giết chết vài trăm nghìn nông dân Trung Quốc, đó là sự thật mà thầy giáo Phó không nhắc đến. Và đây là lớp học nghi thức xã giao, chứ không phải giờ lịch sử.
Đến 9 giờ 15 phút, thầy ngừng bài giảng lại để hát vài đoạn trong một bài hát nổi tiếng. Bài học ở đây là: Khi nào bạn thích thú với cái gì đó, bạn phải thể hiện mình. 9 giờ 30 phút, một học viên giơ tay để trả lời câu hỏi, lần đầu tiên có người dám xung phong. 10 giờ 15 phút, lớp học kết thúc sớm vài phút, hiệu trưởng Lưu trở lại với một bài phát biểu hô hào kêu gọi. "Hãy tự nói với bản thân mình rằng bạn là thành viên của lớp Công sở," ông ta nói với các học viên. "Các bạn không giống với tất cả những người khác trên phố."
Đây là một mớ hổ lốn kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy, kết hợp tính ưu việt của cá nhân với những quy tắc ngay từ đầu đã thấy là cứng nhắc và học theo phong trào New Age(22): Màu tím thể hiện sự thần bí. Thông điệp hiện đại - thể hiện mình, hãy tự tin - nhưng lại đi cùng với một giả định truyền thống: Bạn sẽ đưa cả gia đình mình lên theo. Và lịch sử thì không biến mất khỏi các lớp học ở Đông Quản, mà chỉ hết sức không thích hợp. Một cô công nhân mười bảy tuổi thì học được gì từ Tưởng Giới Thạch, người đã xả lũ vào quân đội Nhật và nhấn chìm vài trăm nghìn đồng bào của chính ông ta?
Trong những tuần tiếp theo, những quy tắc được chất chồng rất nhanh. Khi rót trà, chỉ nên rót đầy khoảng 70% chiếc tách. Phấn mắt màu tím phù hợp với tất cả phụ nữ châu Á. Trên con đuờng đeo đuổi thành công, kiến thức chiếm ba mươi phần trăm và quan hệ giữa cá nhân với cá nhân chiếm bảy mươi phần trăm, cầm ông nghe bằng tay trái và quay số bằng tay phải. Khi mỉm cười, miệng phải hé mở sao cho không được lộ răng, môi thẳng và góc miệng hơi nhếch lên. Trong giờ nghỉ trưa, đừng nằm ngang ra trên ghế hoặc bàn. Không hành động nào là sơ đẳng đến mức không cần phải hướng dẫn, nên thỉnh thoảng có cảm giác lớp học như một khóa cấp tốc của người Sao Hỏa để vượt qua kỳ kiểm tra làm con người. Những người hùng trong lịch sử không bao giờ thay đổi. Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông đứng hàng đầu, còn Hitler xếp thứ ba nhưng ở xa phía sau. Ông ta được đánh giá cao nhờ tài hùng biện của mình, nhà lãnh đạo Đức Quốc xã là một diễn giả tuyệt vời. Nghi thức xã giao, không phải lịch sử.
Nhưng tôi để ý thấy vài điều: các học viên không ngủ gật. Họ không có vẻ buồn chán. Không ai ra ngoài để đi vệ sinh trong suốt hai tiếng học, họ sợ rằng sẽ bỏ lỡ mất điều gì đó. Cả cuộc đời mình, những phụ nữ trẻ này đã được các giáo viên cùng những cuốn sách giáo khoa dạy dỗ cách cố gắng để hòa nhịp với thế giới hiện đại. Họ thuộc lòng những mớ hổ lốn lỏng lẻo những quy tắc, những bài học tự giúp bản thân và những lời khuyến dụ của Khổng Tử. Họ chỉ chọn lấy những thứ họ cần, nắm bắt bài học chính yếu trước tôi từ rất lâu: nếu bạn có vẻ ngoài và hành xử giống ai đó ở tầng lớp trên, bạn sẽ trở thành người đó.
Sau ngày đầu tiên, tôi không bao giờ thấy cô gái nào mặc đồng phục nhà máy đến trường nữa.
BUỔl HỌC ĐẦU TIÊN, tôi đi chung taxi về thành phố với thầy giáo Phó. Buổi học này mới là buổi thứ hai anh ta dạy - buổi đầu tiên là sáng ngày hôm ấy. Hầu hết tài liệu giảng dạy của anh ta đều lấy từ Internet. Thầy giáo Phó là hiện thân của đặc điểm ngành giáo dục Đông Quản: Thông qua làm việc, bạn sẽ học được cách làm việc ấy. Anh ta vẫn là một sinh viên năm cuối đại học, nhưng đã kết thúc đời sinh viên của mình sớm hơn để ra ngoài làm việc.
Như hầu hết mọi người khác trong thành phố, anh ta đang sống theo lối tua nhanh về phía trước. Chuyên ngành của anh ta là quản lý nhân sự và thần tượng là một nhà quản lý bậc thầy người Đài Loan, người đòi 1.200 nhân dân tệ cho mỗi bài giảng. Tôi lấy làm băn khoăn không hiểu bằng cách nào mà tất cả những điều ấy có thể đứng chung với một thần tượng khác của anh ta là Mao Trạch Đông.
Tôi hỏi thầy giáo Phó xem anh ta đã ở Đông Quản được bao lâu.
"Hôm nay ngày mấy nhỉ?"
"29 tháng Ba."
"Tôi ở đây được hai mươi hai ngày rồi," anh ta đáp.
Trong khi chiếc taxi lướt nhanh trên con đường cao tốc tối om, anh ta kể cho tôi nghe vài chuyện đã thấy khi mới đến thành phố. Ở một chỗ giao lộ, một chiếc xe con vượt đèn đỏ, dưới lòng đường, thầy giáo Phó thấy một người đi mô tô nằm trong vũng máu. Anh ta nghĩ hai chuyện này hẳn phải có liên quan đến nhau và nên báo thông tin này với ai đó, nhưng anh ta không biết nên phải báo cho ai. "Có lẽ, giống như tôi, người đó cũng không có người thân nào ở đây," anh ta suy đoán về người lái mô tô đã tử nạn. "Chắc sẽ mất một thời gian dài để gia đình anh ta biết được chuyện gì đã xảy ra với người thân của mình."
Chúng tôi đến khu nhà có căn hộ thầy giáo Phó ở chung với bốn thầy giáo khác. Những người đến từ nông thôn hiếm khi nói xin chào hay tạm biệt, sống trong thành phố có vẻ như cũng không thay đổi thói quen này. Thay vào đó, anh ta nói điều mọi người ở Đông Quản thường nói với nhau khi chia tay: "Cẩn thận khi cô ra ngoài đấy."
o O o
Việc học ở Đông Quản diễn ra ở những nơi cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Lớp học trơ trọi, tối tăm và hay mất điện, còn máy tính bẩn thỉu và cổ lỗ sĩ như thể chúng được các nhà khảo cổ học tìm ra. Các học viên nghèo và có trình độ giáo dục không đồng đều, thậm chí cả các giáo viên cũng phải xin lỗi vì giọng địa phương rất nặng của mình. Hầu như là không có giảng viên nào có bằng cấp tử tế; rất nhiều người, giống như thầy giáo Đặng, mang theo một chuỗi những công việc thất bại phía sau lưng. Nhưng dù vậy, họ vẫn mang khí chất cách mạng.
Trong hệ thống trường học Trung Quốc thông thường, sinh viên không nói trong giờ học, thậm chí họ thường không ghi chép cho tới khi nào giáo viên bảo họ làm vậy. Họ học theo chương trình giảng dạy được quyết định bởi một hội đồng của chính phủ. Các giáo viên để sinh viên cạnh tranh ganh đua lẫn nhau hòng khiến họ học tập chăm chỉ hơn, toàn bộ hệ thống xoay quanh các kỳ thi cử - một kỳ thi để vào trường trung học cơ sở tốt, tiếp đó là trường trung học phổ thông tốt, cuối cùng là một trường đại học tốt, hoặc bất cứ trường đại học nào. Giống như kỳ khoa cử thời phong kiến, hệ thống giáo dục được thiết kế để tưởng thưởng cho số ít hằng năm, chỉ có khoảng mười một phần trăm số người đến tuổi sinh viên vào được trường đại học. Những người trượt khỏi con đường ấy được chuyển hướng sang các trường dạy nghề để học những kỹ năng có thể kiếm được việc làm như vận hành máy móc công cụ và sửa chữa ô tô, nhưng về cơ bản, chương trình học đã quá lỗi thời đến nỗi các trường học hoạt động giống như là giữ chân học viên cho đến khi họ ra ngoài làm việc hơn là giảng dạy.
Trung Quốc đang cố gắng cải cách lại hệ thống giáo dục của mình. Một số giáo viên nêu cao khẩu hiệu "giáo dục chất lượng," nhấn mạnh vào khả năng sáng tạo và sự chủ động của sinh viên hơn là học vẹt học gạo. Nhằm mục đích ấy, những trường học giàu hơn và cấp tiến hơn đã đưa ra những môn học tự chọn như nghệ thuật và âm nhạc. Một mục tiêu nữa là làm cho nền giáo dục đại học dễ tiếp cận hơn: trong những năm gần đây, chính phủ đã tăng mạnh chỉ tiêu đại học. Nhưng giáo dục vẫn là một trong những vấn đề thủ cựu nhất trong xã hội Trung Quốc, nặng gánh với những giáo viên và nhà quản lý bảo thủ, những ràng buộc chính trị và nỗi ám ảnh xưa nay về điểm thi.
Các trường học thương mại ở Đông Quán thuộc về một thế giới khác. Không mang gánh nặng của lịch sử, họ được tự do dạy thứ mà họ muốn. Họ tập trung một cách không hề ngượng ngập vào các kỹ năng thực hành, giáo viên sử dụng tài liệu từ Internet hoặc từ kinh nghiệm của chính họ khi làm việc tại các nhà máy hay công ty. Họ không ép các học viên phải cạnh tranh với nhau và cũng không xếp hạng xếp thứ. Vì mọi sinh viên đều ở đó để nâng cao khả năng thành công trong công việc của họ, nên xếp thứ trong lớp học là điều thừa thãi. Họ bỏ qua kỹ năng viết - nền móng của nền học thuật truyền thống - mà ưu đãi nhiều cho khả năng nói trước công chúng. Biết cách nói sẽ giúp các học viên giành được công việc tốt hơn, có được báo giá thấp hơn, hoặc bán được nhiều hơn bất cứ cái gì mà họ bán. "Tất cả chúng ta đều ở trong ngành kinh doanh hết," các giáo viên của lớp Công sở nhắc nhở những học viên của mình hết lần này đến lần khác. "Chúng ta bán cái gì? Chúng ta bán mình."
Các giáo viên đến từ những nhánh giữa và thấp hơn của ngành công nghiệp. Thầy giáo Đặng từng làm việc cho các công xưởng ở Đông Quản trong mười năm. Thầy giáo Đoan Mộc, dạy môn hùng biện từng là nhân viên bán hàng cho một công ty điện tử, trong khi đó, một phụ nữ trẻ từng làm việc cho hãng luật giờ dạy môn Nghi thức xã giao và trang điểm. Hầu hết các giáo viên đều tầm hai mươi đến ba mươi tuổi. Cũng như những học viên của mình, họ đến Đông Quản từ nơi nào đó khác để gây dựng nên sự nghiệp của mình; khác với hầu hết những người Trung Quốc được giáo dục tốt, các giáo viên không coi thường công nhân di trú. "Những cô gái này giỏi hơn tôi rất nhiều," thầy giáo Đoan Mộc nói với tôi sau buổi học đầu tiên của anh. "Để rời bỏ quê hương và làm việc trong nhà máy, điều đó cần rất nhiều sự tự tin."
Thành phần lớp học ở Đông Quản chủ yếu là nữ; một cuộc điều tra với đối tượng là bốn nghìn công nhân ở gần Thâm Quyến cho thấy một phần ba trong số họ đã đăng ký học các lớp thương mại, tỷ lệ phụ nữ đi học nhiều hơn đàn ông. Các phụ nữ trẻ bắt đầu với kiến thức nền ít hơn, phản ánh truyền thống trọng nam khinh nữ của cha mẹ họ. Họ cảm thấy bức thiết cần phải vươn lên hơn: các gia đình thuờng gây áp lực buộc con gái phải về quê và kết hôn, nhưng một công việc tốt hơn sẽ làm cha mẹ họ im lặng và nâng cao cơ hội hôn nhân. Sự mất cân bằng giới ở Đông Quản có lẽ cũng là một nguyên nhân - trong một công xưởng hầu hết toàn là phụ nữ, học tập là một cách để không bị thua cuộc. Trong một nhà máy có một nghìn hoặc một vạn con người, rất khó để ông chủ có thể phát hiện ra bạn. Bạn phải tự phát hiện ra mình.
Khi tôi tham dự hết một khóa học của lớp Công sở, tôi nhận ra rằng mình đang là nhân chứng của một cuộc cách mạng bí mật trong ngành giáo dục Trung Quốc. Những người bị từ chối bởi hệ thống giáo dục truyền thống được trao cho cơ hội thứ hai. Các nhà máy cũng dang vươn đến lĩnh vực đào tạo con người. Những lớp học này không hề có thứ bậc và cũng không có thi cử kiểm tra, đó là điều thích hợp. Bài thi chính là thế giới bên ngoài lớp học, chính là cuộc đời.
o O o
Từ màu sắc quần áo, các cô gái ở lớp Công sở tiếp tục học cách sử dụng cử chỉ tay và cách đứng, ngồi, gập chân, bước đi, mang tài liệu và ngồi xổm để nhặt thứ gì đó trên sàn văn phòng. Một phụ nữ nên ngồi trên khoảng từ một phần ba đến một nửa chiếc ghế của cô ta. sử dụng điệu bộ một cách tự nhiên, không gượng ép. Đầu tháng Năm, thầy giáo Phó dành cả một buổi học giảng về phép xã giao trong khi ăn uống, và dự tiệc. Anh ta viết lên tấm bảng đen những quy tắc khi tham dự một bữa tiệc buffet.
1. Xếp hàng để lấy thức ăn.
2. Lấy thức ăn theo thứ tự.
3. Đi nhiều lượt nhưng mỗi lượt chỉ lấy một chút.
4. Chỉ lấy một ít thức ăn để chúng không trộn lẫn vào nhau.
5. Không mang đồ từ một bữa tiệc buffet về nhà.
Uống rượu đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với môi trường làm việc ở Trung Quốc, mặc dù chuyện ép uống liên tục sẽ biến niềm vui thích thành nhiệm vụ khủng khiếp. Những hướng dẫn của thầy giáo Phó về chuyện sử dụng chất cồn rất chi tiết và không chút khoan dung. Theo như anh ta, uống rượu là công việc.
Thứ tự những người các bạn chạm cốc nên giống như thứ tự những người các bạn bắt tay. Các bạn phải bắt đầu với người quan trọng nhất hoặc lớn tuổi nhất và lần lượt đến những người thấp hơn.
Các bạn phải tránh không để bị say.
Để hòa nhập với mọi người ở Trung Quốc, các bạn phải học cách uống rượu, cũng như đàn ông phải hút thuốc lá vậy thôi.
Trước khi tham dự một bữa tiệc, các bạn nên ăn hoặc uống thuốc nếu bị dị ứng với chất cồn.
Sau đó thầy giáo Phó chuyển qua những phép xã giao trong một bữa ăn kiểu phương Tây. Anh ta viết lên bảng:
Món khai vị→bánh mì→xúp→món chính→món tráng miệng→hoa quả→thức uống nóng.
"Tôi lấy những thông tin này trên mạng Internet," anh ta nói, "nhưng tôi chưa bao giờ dự một bữa ăn kiểu phương Tây cả. Nhưng hôm nay chúng ta rất may mắn vì có nhà báo Trương, cô ấy lớn lên ở Mỹ." Anh ta chỉ tay về phía tôi. Tôi đứng lên và bước lên phía trước căn phòng. Bước vào một căn phòng như thể bạn sở hữu nó.
Tôi nói cho cả lớp biết ở thời điểm nào trong chuỗi trên thì ta có thể gọi một ly rượu. Sau đó tôi giải thích đôi khi ta không có cả món khai vị và xúp. Tôi còn nói thêm rằng có vẻ như là có rất nhiều thức ăn, và đúng là như vậy, đó là lý do tại sao rất nhiều người Mỹ mắc bệnh béo phì. Các học viên chép lại mọi thứ ấy.
"Có ai muốn hỏi gì không?"
Thầy giáo Phó giơ tay lên. "Tôi luôn băn khoăn một điều: món khai vị là những món gì?"
Tôi giải thích về các loại salad và đồ biển khác nhau.
Thầy giáo Phó lại giơ tay lần nữa và yêu cầu tôi giải thích rõ hơn quy tắc sử dụng bộ dao nĩa. Tôi vẽ sơ đồ cách bày dao nĩa lên tấm bảng. Tồi giải thích đâu là thìa dùng ăn xúp và thìa dùng ăn món tráng miệng, cái nĩa nào để ăn salad và cái nĩa nào để dùng cho món chính. Tôi diễn tả lại cách cắt một miếng bít tết, về cách bạn phải cầm dao tay phải và nĩa tay trái rồi cuối cùng chuyển nĩa sang tay kia như thế nào.
"Nghe có vẻ phức tạp không?" Tôi hỏi cả lớp.
"Có!"
"Nếu các bạn không biết phải làm thế nào," tôi nói, "chỉ cần nhìn những người bên cạnh và làm hệt như họ."
"Và nếu các bạn làm sai điều gì đó," tôi vốn định nói, "thì cũng chẳng sao cả." Nhưng tôi đã kịp thời kìm mình lại. Chìa khóa dẫn đến thành công chính là cách cư xử đúng mực - đó là điểm mấu chốt của lớp học này. Sự thoải mái tự nhiên là dành cho người Mỹ. Buổi học hôm đó kết thúc với màn thực tập uống rượu. "Nếu quản lý của bạn hơi ngà ngà say, có thể bạn sẽ phải thay thế anh ta," thầy giáo Phó nói, với vẻ long trọng của một người đang nói về việc cần phải hạ cánh một chiếc 747 trong trường hợp khẩn cấp. Anh ta nói lướt qua quy tắc của trò chơi đoán ngón tay và trò đập tay - những trò tiêu khiển khi uống rượu ở Trung Quốc - rồi sau đó anh chia các học viên thành những nhóm nhỏ để thực hành.
HAI TUẦN SAU KHI BẮT ĐẦU khóa học, một cô gái bước đến chỗ tôi ngồi ở cuối phòng học. Tôi chưa thấy cô phát biểu trong lớp, và cô đỏ mặt khi giới thiệu về bản thân. Tôi có cảm giác mình vừa mới trở thành một phần trong kế hoạch phát triển bản thân của ai đó.
Cô gái tên là Giang Hải Yến. Cô có gương mặt rộng xinh xắn với vẻ mơ màng, những đường nét mềm mại mơ hồ và mái tóc nhuộm màu hạt dẻ buộc đuôi ngựa. Mười sáu tuổi, cô đang làm việc ở dây chuyền lắp ráp nhà máy VTech vì cha mẹ cô không thể trả tiền học phí cho cả cô và anh trai cô được. "Em nghĩ rằng trong hai bọn em, em sẽ dễ dàng trụ được trong thế giới lao động hơn, bởi vì thị lực của anh ấy kém lắm," cô kể với tôi trong bữa tối không lâu sau khi chúng tỏi gặp nhau. "Vì vậy em nói dối bố mẹ và bảo với bố mẹ là em không muốn đi học nữa." Giờ anh trai cô đang học thiết kế trong trường đại học.
Hành động hy sinh kiểu Nho giáo ấy ẩn chứa một ý chí rất khủng khiếp thì mới thực hiện được. Qua một người họ hàng đang làm việc ở VTech, Giang Hải Yến tìm được công việc lắp ráp những linh kiện điện tử nhỏ xíu tạo thành một chiếc điện thoại không dây. Trong ngày đào tạo thứ ba, cấp trên yêu cầu một người tình nguyện làm việc ở bộ phận sản xuất. Giang Hải Yến không hề biết bộ phận sản xuất là gì, nhưng cô đã táo bạo giơ tay lên, và đoán rằng dù là cái gì thì cũng còn tốt hơn sự nhàm chán, tẻ ngắt của công việc lắp ráp linh kiện. Ở bộ phận sản xuất, cô nói dối và bảo với cấp trên mới của mình rằng cô từng là thư ký trong một nhà máy khác ở Đông Quản.
"Cô làm thư ký được bao lâu rồi?" Cấp trên mới của cô hỏi.
"Một năm," Giang Hải Yến nói.
"Vậy tại sao cô lại vào làm công nhân bình thường ở nhà máy này?" Anh ta chất vấn.
Dưới áp lực, cô nhận ra khả năng hùng biện của mình. "Tôi muốn phát triển bản thân trong lĩnh vực này," Giang Hải Yến trả lời. Anh ta liền giao cho cô việc kiểm tra các máy điện thoại thành phẩm xem có lỗi không; sau một tháng, cô được thuyên chuyển đến nhà kho để lưu giữ các bản ghi về nguyên vật liệu trong nhà máy. Câu chuyện của cô cũng giống như tất cả những câu chuyện của dân di trú khác tôi từng nghe: nhờ khả năng ăn nói và nói dối, cô đã vươn lên.
Vì mới mười sáu tuổi, Giang Hải Yến đã mượn chứng minh thư của một người họ hàng để vào làm trong nhà máy. "Mọi người ở nhà máy biết em với cái tên Trần Hoa," cô nói. "Chỉ có chị họ em và vài người bạn tốt mới biết em là Giang Hải Yến."
"Em có thấy không quen khi bị gọi bằng tên của ai đấy khác không?" Tôi hỏi.
"Không, giờ cảm giác giống như nó là tên của em rồi," cô nói. "Trong nhà máy, em là Trần Hoa. Khi người ta gọi em là Giang Hải Yến, em phải nghĩ mất một giây trước khi nhận ra đó là mình mà!"
Giang Hải Yến rất chủ động. Cô đã tham gia một khóa học máy tính, và tập luyện trong hành lang khu nhà ở tập thể của mình để giữ dáng. Cô mang theo một cuốn sách giao tiếp tiếng Anh bỏ túi để học trong lúc rảnh rỗi - It's nice to meet you. It's been donkey's years. Khi chúng tôi tạm biệt nhau sau bữa tối, cô trở về nhà tập thể để đọc một cuốn sách về hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ đang mượn của thư viện nhà máy. Giấc mơ của cô là được trở thành thư ký trong một văn phòng.
MỘT CHỦ ĐỀ KHÔNG BAO GIỜ XUẤT HIỆN trong lớp học này là đạo đức. Các học viên học để biết thế giới văn phòng hoạt động như thế nào và họ dùng kiến thức đó để gian lận hòng giành được công việc mà họ không đủ tiêu chuẩn. Nếu mánh lới này thành công - nó thường xuyên thành công - điều chắc chắn sẽ xảy ra tiếp theo đó là một cuộc gọi hoảng loạn cho thầy giáo cũ: Tôi nên làm gì bây giờ? Trên đường đến thăm vài trường học vào sáng Chủ nhật nọ, tôi ngồi chung xe taxi với thầy giáo Đặng khi điện thoại di động của anh ta đổ chuông.
"Bạn khỏe không?" Anh ta nói. "Phối hợp năng lực sản xuất hả? Ok. Lấy ví dụ một nhà máy có ba khu vực sản xuất, mỗi khu vực có thể sản xuất được mười nghìn cái ti vi một tháng. Đó là năng lực sản xuất. Nếu một trong ba khu vực sản xuất ấy đã hoạt động hết công suất, nhưng nó vẫn phải hoàn thành gấp một đơn đặt hàng, nó có thể phối hợp với một khu vực khác để mượn năng lực của cái kia. Câu hỏi tiếp theo là gì nào?"
Sau khi gác máy, anh ta kể với tôi là một học viên cũ vừa bắt đầu đi làm và không hiểu công việc của mình, nhưng cũng không muốn để lộ sự kém cỏi của mình với các đồng nghiệp mới. "Tôi có những học viên đến một hai năm sau vẫn còn gọi điện xin lời khuyên," anh ta nói. Các giáo viên không nói rõ với học viên rằng họ nên không thành thực; đó là một sự thật đã được chấp nhận của cuộc sống. Khi đã quen thân với thầy giáo Đặng hơn, tôi hỏi anh ta về điều đó.
"Trong các cuộc phỏng vấn tuyển người," tôi nói, "các cô gái thường được hỏi họ có kinh nghiệm không. Họ nói có, nhưng sự thực là không."
Tôi đang định tiếp cận chủ đề này một cách thận trọng, thì thầy giáo Đặng đã xổ toẹt ra luôn. "Đúng thế, và câu hỏi tiếp theo là: "Cô đã làm công việc gì?" Chúng tôi dạy họ những chi tiết nhỏ về nhà máy để họ có thể trả lời những câu hỏi này sao cho có sức thuyết phục."
"Nhưng họ đang nói dối," tôi nói.
"Đúng thế."
"Thế nếu họ không muốn thì sao?"
"Tùy họ thôi," thầy giáo Đặng nói. "Nhưng những người quá thành thật sẽ bị loại ra khỏi cái xã hội này." Sau này tôi tìm hiểu được, không phải từ thầy giáo Đặng mà từ các học viên của anh ta, rằng trường Trí Đồng bán bằng cấp giả. Đó là một cuốn sách nhỏ có bìa bọc bằng màng nhựa co giãn, giống như những cuốn album ảnh rẻ tiền mà vài cô gái vẫn mang theo mình. Một chứng chỉ giả của trường cao đẳng dạy nghề giá sáu mươi nhân dân tệ - khoảng 7,5 đô la - trong khi bằng của trường trung cấp dạy nghề chỉ bằng nửa giá đó. Giáo dục chính quy không có giá trị ở Đông Quản, nhưng cho đến khi ấy tôi vẫn còn chưa nhận ra nó rẻ mạt đến nhường nào.
o O o
Một buổi tối đầu tháng Sáu, Trần Anh đến lớp trong chiếc váy vàng dài cùng chiếc áo rất hợp. Cô là người phụ nữ trẻ đã nói ở buổi giới thiệu thông tin đầu tiên; cho đến thời điểm ấy, cô vẫn mặc quần jean và đi giày đế mềm giống những cô gái khác. Kiểu cách ăn mặc là một lời tuyên bố rằng giờ cô đã là một người khác. Cô đã nghỉ việc ở nhà máy, đến chợ việc làm ba ngày một tuần, với hy vọng sẽ được nhận vào làm văn thư hoặc trợ lý bộ phận kinh doanh. "Như thầy giáo Đặng đã nói: không cần thiết phải nôn nóng," cô nói với tôi. "Thực tình thì tôi khá thích đi phỏng vấn." Buổi học tiếp theo, Trần Anh thậm chí còn ăn mặc cầu kỳ hơn: váy màu vàng chanh tỉa đăng ten gần như trong suốt, tất trắng, giày cao gót. Trước khi buổi học bắt đầu, tôi đã quan sát khi một phụ nữ trẻ từ lớp khác bước đến chỗ Trần Anh và tự giới thiệu. Trần Anh đứng lên bắt tay đối phương và hai người họ nói chuyện một lúc.
Trước đó, tôi chưa bao giờ thấy người, dân di trú làm vậy, bắt tay và nói chuyện với một người lạ. Thậm chí cả người Trung Quốc ở thành thị cũng không thực hiện được hành động đơn giản ấy một cách thoải mái. Người Trung Quốc rất kém xử lý với người lạ: nếu ai đó không nằm trong vòng quen biết gồm gia đình, bạn học hay đồng nghiệp của họ, phản ứng thông thường là lờ anh ta đi. Những người bạn Trung Quốc của tôi ở Bắc Kinh không bao giờ hy vọng gì ở những bữa tiệc - họ dính chặt với nhóm bạn mà họ đi cùng, khóa chặt vào vị trí như một phi đội máy bay chiến đấu bay vào vùng chiến sự theo đội hình mà họ biết.
Lớp học Công sở buộc các học viên phải phá vỡ rào cản của nhóm. Trong khóa học, mọi học viên đều phải phát biểu tự giới thiệu bản thân. Các bài phát biểu lúc nào cũng bắt đầu giống nhau: Tôi cũng như các bạn. Đó là một cách ngồ ngộ để một cô gái bắt đầu câu chuyện của riêng mình, và thậm chí câu chuyện ấy còn không phải là sự thật. Nhưng có lẽ chỉ bằng cách dựng lên rằng cô ta là một phần của cả nhóm, thì một cô gái trẻ mới đủ dũng khí để đứng tách ra khỏi nó. Ngày hôm ấy, khi Trần Anh đứng lên và bắt tay với một người lạ, cô làm tôi gợi nhớ đến, hơn hết thảy, một người Mỹ.
CÁC HỌC VIÊN ĐÃ MẤT ĐI nỗi sợ nói trước đám đông của mình và đua nhau trả lời câu hỏi. Họ chủ động chào giáo viên, chào tôi. Họ ồn ào và thích tán gẫu, bây giờ tất cả họ đã là bạn. Nhưng thời điểm họ phải rời cộng đồng này đã tới. Giờ mỗi khi các cô gái gặp nhau, câu hỏi đầu tiên là: "Cậu đến chợ việc làm chưa?" Những cô đã kể chuyện về trải nghiệm của mình ở đó giống như những người du hành mới trở về từ miền đất xa lạ nơi những người bản địa tra vấn liên tục và không thương xót:
Cô ta hỏi tôi: "Nếu cô cố bán hàng cho một vị khách và người ta từ chối, cô sẽ làm gì?"
Tôi chẳng biết trả lời ra sao cả. Tôi nói: "Chuyện như vậy là bình thường mà."
Trong buổi phỏng vấn, họ hỏi tôi, "Nếu ba chiếc điện thoại đổ chuông cùng một lúc? Cô sẽ làm gì?"
Tôi nói, "Tôi sẽ trả lời từng chiếc một, tìm ra cuộc gọi nào quan trọng nhất, và xử lý nó trước tiên."
Một cô gái trẻ có mái tóc cắt như con trai diễn tả lại buổi phỏng vấn của mình tại một công ty viễn thông tên là Kỹ thuật Hoa Vi(23).
Tôi muốn làm việc ở Hoa Vi, vì vậy tôi đã đến buổi tuyển dụng của họ. Cả đám người đang ngồi trong phòng, người phụ trách tuyển dụng sẽ chỉ vào ai đấy và hỏi. Sau đó cô ta sẽ nói: "Được rồi, cô có thể đi ra."
Cuối cùng chỉ còn lại ba người đàn ông và tôi. Người phụ trách nhìn tôi và nói, "Cô không thích hợp với công việc này. Cô có thể đi."
Tôi thầm nhủ: "Thật là mất mặt! Nhưng người phụ trách này thậm chí còn chẳng biết tôi. Làm sao chị ta biết được tôi có thích hợp hay không?" Vì vậy tôi vẫn ngồi nguyên đấy và không đi ra.
Sau đó người phụ trách hỏi một trong mấy người đàn ông: "Kể cho tôi nghe về khoảnh khắc đáng tự hào nhất của anh."
Anh ta rất bồn chồn lo lắng. Anh ta trả lời rằng anh ta vẫn đang đi tìm việc và chưa có thành tựu nào đáng để tự hào cả.
Tôi khẽ bảo anh ta: "Anh có thể nghĩ đến điều gì đó đáng tự hào anh đã làm ở trường học." Người phụ trách nghe thấy và đưa mắt nhìn tôi.
Cuối cùng cả ba người đàn ông đều bị loại. Chỉ còn lại mình tôi. Người phụ trách nhìn tôi và nói: "Ba người đó đều là đối thủ cạnh tranh của cô, nhưng cô lại cố giúp họ. Tại sao thế?"
Tôi đáp: "Em không nghĩ họ là đối thủ của mình. Nếu chúng em được chọn, trong tương lai chúng em sẽ là đồng nghiệp và chúng em sẽ phải giúp đỡ lãn nhau."
Người phụ trách nói: "Tôi đã nói rằng cô không thích hợp, nhưng cô vẫn không đi. Tại sao?"
Tôi trả lời: "Chị chưa biết gì về em cả. Chị không biết em có thích hợp hay không. Em luôn có ấn tượng rất tốt về Hoa Vi, nhưng em phải nói rằng em rất không bằng lòng với thái độ của chị đối với những người tìm việc hôm nay. Dù em có trở thành nhân viên của Hoa Vi hay không, là một khách hàng của Hoa Vi, em cảm thấy rất bất mãn."
Người phụ nữ ấy mỉm cười. Chị ta hài lòng với câu trả lời của tôi. Vậy là tôi được nhận.
Ngày 2 tháng Sáu, lớp học bắt đầu với một thông báo đầy phấn khích của thầy giáo Đoan Mộc dạy môn Hùng biện. "Tôi vừa nghe được tin tốt. Một học viên của chúng ta đã tìm được việc làm." Cả căn phòng vỡ òa. Một cô gái trẻ tên là Mã Tiểu Nam đã được nhận vào làm nhân viên tiếp tân. Cô là người đầu tiên trong lớp tìm được việc làm mới, tin tức này nhắc nhở mọi người rằng đã đến thời điểm bắt đầu hành động. Giờ học hôm đó, và tất cả những buổi tiếp theo, đều tập trung vào tìm việc làm. Thầy giáo Đoan Mộc giảng giải cách tự giới thiệu mình với người tuyển dụng, và phương pháp đi phỏng vấn càng nhiều càng tốt, cùng với cách để nhận ra và tránh các mô hình bán hàng kiểu kim tự tháp. Cuối giờ học, mỗi cô gái đứng lên và đọc to khẩu hiệu của mình:
Người buồn nhất thế giới là người không có mục tiêu hay giấc mơ.
Vì tuổi trẻ, hãy tự tin.
Người quan trọng nhất thế giới là bản thân bạn.
Mã Tiểu Nam không bao giờ đến lớp học nữa. Đó là dấu hiệu duy nhất của thành công ở cô: cô đã biến mất.
GIANG HẢI YẾN CŨNG MUỐN RA ĐI. Cô bắt đầu đến chợ việc làm để thực hành phỏng vấn, nhưng cấp trên của cô ở VTech phản đối. Anh ta thiếu người, anh ta cần cô giúp đỡ. Giang Hải Yến lại nói dối một cách tự động - chị họ cô ở Thâm Quyến biết có một vị trí tiếp tân còn trống ở nhà máy của cô ta - nhưng cấp trên đã khẩn nài cô ở lại.
"Em muốn nghỉ," cô nói với tôi. "Nhưng không dễ gì để nói ra điều đó."
"Sếp của em có phải là người xấu không?" Tôi hỏi. "Anh ta không có vẻ xấu cho lắm."
"Không, anh ta là người tốt," cô trả lời. "Nhưng vài người khác đã ra đi, vì vậy anh ta thực sự rất thiếu người."
"Nếu em đã quyết định," tôi nói, "em phải cho anh ta biết rằng em muốn đi, anh ta sẽ phải để em đi." Đối với tôi, thái độ của cô rất đặc trưng cho người Trung Quốc. Cô đã gian dối để có công việc, và sau đó lại gian dối để leo lên trong bậc thang công việc, cô không hề day dứt gì về sự thật Nhưng giờ sếp của cô đang khiến cô cảm thấy tội lỗi vì rời bỏ nhóm của mình, có vẻ như cô bất lực trong việc xử lý vấn đề này. Trong xã hội Trung Quốc truyền thống, duy trì sự hòa hợp với những người khác là chìa khóa để sinh tồn. Quan niệm đạo đức không cần thiết phải sai hay đúng, quan trọng là mối quan hệ của ta với những người xung quanh. Và ta phải dồn hết sức lực của mình để phá vỡ rào cản của mối quan hệ ấy.
Một hôm sau khi hết giờ học, Giang Hải Yến xin lời khuyên của Vũ Trầm, cô giáo dạy môn Nghi thức xã giao và trang điểm. Cô giáo Vũ lập tức nắm quyền kiểm soát. "Bạn đang làm việc ở đâu?" Cô ta hỏi.
"Trong nhà kho."
"Bạn đã đến chợ việc làm chưa?"
"Rồi."
"Bạn có quyền nghỉ việc," cô giáo Vũ nói.
"Nhưng họ đã giữ một tháng lương của em," Giang Hải Yến nói.
"Tôi biết rất nhiều người gặp phải tình huống như vậy," Cô giáo Vũ nói nhanh. "Nhưng nếu bạn đã quyết định, vậy thì bạn nên ra đi. Nếu cần phải thế, thì hãy bỏ một tháng lương ấy lại. Để theo đuổi mục tiêu thì phải trải qua cả gian khó nữa."
Đó là một lời khuyên táo bạo, chính xác là những gì lớp Công sở cố thấm nhuần vào tư tưởng của các học viên. Nhưng Giang Hải Yến vẫn không thể thực hiện được. Tháng Sáu đã chuyển qua tháng Bảy, khóa học sẽ kết thúc sớm, cùng với việc các học viên nhảy sang công việc mới, lớp học cứ thu lại dần theo từng buổi học. Giang Hải Yến đã mua một tấm bằng trung học dạy nghề giả nhưng cô vẫn sợ sử dụng nó trong các cuộc phỏng vấn. Những cuộc nói chuyện của cô với tay sếp tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp, cô đã nghĩ đến việc tham gia vào một lớp học khác, lần này là để học tiếng Anh. "Thật là khó để biết cách xử sự đúng hướng!" Cô nói.
Bạn có thể nói Giang Hải Yến sợ hãi, và chắc chắn là có một phần trong cô đang sợ hãi. Nhưng tình huống có vẻ phức tạp hơn thế. Cô muốn biết cách cư xử với người khác - cốt yếu là làm thế nào để những quy tắc ứng xử truyền thống của Trung Quốc phù hợp với thế giới làm việc hiện đại. Nhưng điều đó thì nằm ngoài chương trình giảng dạy của lớp Công sở.
o O o
Vùng đồng bằng sông Châu Giang này thu hút các nhà diễn thuyết và những bậc thầy quản lý ở mọi cấp hạng. Ở tầng cao, thị trường do các nhóm chuyên gia Đài Loan chiếm lĩnh, có những cuộc hội thảo về quản lý riêng biệt đến nỗi chỉ những người được mời mới được tham dự. Ngôn ngữ của sự tự trau dồi bản thân cũng lan tỏa đến cả đời sống thương mại bình thường: các công ty bán hàng trực tiếp, các chuyên gia "săn đầu người", và người mai mối, tất cả đều hướng lời chiêu hàng của mình vào kho từ vựng khơi gợi tham vọng. Những cửa hàng sách ở Đông Quản xếp hết giá này đến giá khác toàn những cuốn sách về chủ đề tự trau dồi bản thân. Vài cửa hàng còn chẳng có khu vực nào khác. Dale Carnegie là tác giả được ưa thích mọi lúc mọi nơi, mặc dù rất dễ nhận ra những dấu hiệu của trò cắt dán bất cẩn. Cách để có bạn bè và gây ảnh hưởng tới ngitời khác và quẳng gánh lo đi mà vui sống. Hướng dẫn nhanh và dễ dàng để nói năng hiệu quả. Những bí mật kinh doanh của người Trung Quốc bán khá chạy - Ba mươi sáu kế kiếm tiền của người Ôn Châu - và có một niềm tin huyền bí vào các con số. Bảy bí mật của một nhà lãnh đạo tự mình làm nên. Năm mươi chín chi tiết để quyết định thành công hay thất bại trong bán hàng. Có một số ít sách đưa ra những lời khuyên về quan hệ - Tại sao đàn ông yêu phụ nữ hư hỏng - nhưng sách công cụ vẫn nhiều hơn gấp mười lần. Loại sách tự giúp bản thân có thể là một phát kiến của người Mỹ, nhưng người Trung Quốc đã tinh lọc và đổi tên thể loại này để phản ánh mối bận tâm trong khoảng hẹp hơn của họ: chenggong xue (thành công học), môn học để thành công.
Một buổi tối ẩm ướt tháng Năm năm 2005, tôi bước qua cửa hàng sách ở phố đi bộ gần căn hộ tôi ở. Trên một bục tạm đặt trước cửa hàng, một người đàn ông đang diễn thuyết với đám đông vài trăm thính giả, hầu hết đều là dân di trú nam giới, khoác trên mình những chiếc jacket và quần không hề hợp nhau. "Tôi muốn viết một cuốn sách," người đàn ông nói. "Tôi có đợi cho đến khi tôi học được mọi thứ rồi mới viết nó không? Không. Tôi học trong khi tôi viết, và tôi viết khi tôi học. Phần mềm máy tính có thể lọc ra tất cả những từ tôi viết sai. Và biên tập viên thì cũng chỉ làm việc ấy thôi."
Tiếng cười lan đi trong đám người đứng nghe. Người đàn ông ấy người tầm thước, đầu hói, gương mặt mập mạp, trắng và bóng nẫn như cái bánh bao. Anh ta không cỏ vẻ gì là một người phát ngôn cho môn khoa học về thành công mà bạn có thể tưởng tượng ra được.
"Vì vậy nếu bạn muốn trở thành một nhà doanh nghiệp," anh ta tiếp lời. "Bạn đang đợi khi nào tình hình trở nên lý tưởng. Nhưng có bao giờ nó được lý tưởng không? Không. Hành động ngay bây giờ, bạn sẽ khiến nó trở nên lý tưởng. Bạn có biết tất cả những điều bạn cần phải biết không? Không. Nhưng thông qua làm việc bạn sẽ học được, và bài học này rất đáng giá."
Rồi bài phát biểu chuyển hướng một cách đáng ngạc nhiên. "Giờ tôi sẽ nói về việc sao chép. Tôi nghĩ sao chép có vai trò rất quan trọng. Mọi người đều nói về chuyện sáng tạo quan trọng thế nào. Nhưng bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian để sáng tạo và mức độ mạo hiểm cũng rất cao. Tại sao lại không lấy những thứ đã được chứng minh là có thể thực hiện ở nơi khác chứ? Đó chính là sao chép."
Người đàn ông này tên là Đinh Viễn Trĩ. Không lâu trước đó anh ta từng dạy môn vật lý ở trường trung học. Cuốn sách của anh ta, Vuông và tròn, nghe nói đã bán được sáu triệu bản. Giờ Đinh Viễn Trĩ đang đi khắp đất nước để dạy người ta cách tìm đến thành công như anh ta đã từng làm.
Hằng ngày bạn sẽ cảm thấy một áp lực vô hình không để cho bạn ngừng nỗ lực phấn đấu. Chúng ta đều là con người, nhưng những người khác thì tới nhà hàng và các buổi biểu diễn đắt đỏ còn bạn chỉ đến những nơi có chất lượng thấp... tại sao người khấc có thể hưởng thụ xa hoa trong khi bạn chỉ có những thứ chất lượng thấp? Khi bạn nghĩ đến những điều ấy, bạn có cảm thấy nhục nhã không?...
Trên đường ngày ngày có vô số chiếc Mercedes-Benz đi qua. Giờ chúng ta không có chiếc nào, đó không phải bi kịch. Bi kịch là chúng ta không dám khao khát sở hữu lấy một cái.
Vuông và tròn là sự bóp méo của một cuốn sách dạng tự giúp bản thân kiểu Mỹ. Nó không khuyến khích người ta tự khám phá mình, nhìn vượt lên những thành công vật chất, hoặc thành thật về những thất bại và trong các mối quan hệ. Nó không cố thay đổi độc giả của mình. Thay vào đó, cuốn sách dạy họ phương pháp để làm tốt hơn những gì họ vốn đã biết rất rõ: hẹp hòi, trọng vật chất, ganh tị, tranh đấu, bợ đỡ và mánh khóe. Vuông và tròn là cuốn sách tương đương với việc đứng ở một góc phố Đông Quản rao giảng về ích lợi của việc vi phạm bản quyền. Cả đám đông đã thuộc về ta.
Vuông và tròn mô tả một thế giới ảm đạm đầy những mối quan hệ phức tạp, môi trường làm việc khắc nghiệt, tình bạn hai mặt, tham ô hối lộ và những ông sếp ý thức được địa vị của mình có quyền lực tuyệt đối với số phận của ai đó. Đồng nghiệp ngấm ngầm chơi xấu nhau trước mặt cấp trên. Các sếp lạm dụng quyền lực để làm giảm giá trị của người khác và nhận tiền hối lộ. Những người đàn ông vô sỉ có được những cô gái hấp dẫn nhất. Tiền và địa vị là thước đo hạnh phúc. Trung thực chưa bao giờ được đặt lên hàng đầu. Nếu chính phủ đã từng để ý, chắc chắn cuốn sách này sẽ bị cấm - chưa bao giờ tôi thấy một cái nhìn đen tối về xã hội Trung Quốc được nêu lên một cách bình thản như thế. Nhìn bề ngoài Vuông và tròn là cuốn sách về cách thức có thể tồn tại trong một xã hội trong khi mình vẫn là người tốt. Nó đề xướng theo ý tưởng truyền thống neifang waiyuan (nội phương ngoại viên) - trong vuông, ngoài tròn - một người kết hợp sự chính trực và sự lão luyện trong những quan hệ giữa người với người. Nhưng cuốn sách đã bỏ qua sự chính trực chỉ sau bảy mươi trang, trong khi các kỹ năng xã hội chiếm hơn hai trăm trang, vì vậy bất cứ ai cũng có thể nhận ra vấn đề nào được ưu tiên hơn.
Tôi luôn có cảm giác sự tương tác xã hội giữa người Trung Quốc với nhau phức tạp một cách không cần thiết. Truyền thống đạo Khổng không nhấn vào cá nhân mà vào vai trò của anh ta trong một hệ thống thứ bậc tôn ti phức tạp, đánh giá hết sức cao địa vị, sự tự kiềm chế và việc thể hiện sự tôn kính đúng mực. Người Trung Quốc đã sống trong những cộng đồng đông đúc qua vài ngàn năm, và họ đã phát triển những kỹ năng tài tình tinh vi trong việc thể hiện và phát hiện sự khinh mạn, vận dụng sức mạnh thông qua các phương tiện gián tiếp, lợi dụng tình huống để có lợi cho mình, tất cả đều nằm bên dưới một lớp vỏ lịch sự nhã nhặn trau chuốt tinh vi. Thậm chí cả bản thân người Trung Quốc cũng than phiền rằng sống trong xã hội họ thật lei (lụy), mệt mỏi. Tôi còn chưa đánh giá đúng mức độ mệt mỏi ấy cho đến khi tôi đọc cuốn sách này, một cuốn sách dành đến tám trang để dạy cách mỉm cười và bốn mươi lăm trang để khuyến dụ người khác gỡ hàng rào cảnh giác quanh mình xuống.
Bắt tay: Bắt tay ngay khi gặp gỡ thể hiện rằng bạn không khác gì đối phương cả.
Đưa hối lộ: Cố gắng tránh thói quen cho ai đó thứ gì mỗi lần anh ta giúp đỡ bạn.
Nhờ vả: Nếu bạn có một yêu cầu nhỏ, trước tiên hãy đưa ra vài yêu cầu lớn hơn và để người đó từ chối. Khi anh ta cảm thấy có lỗi, hãy đợi cơ hội để đưa ra yêu cầu nhỏ của mình.
Lấy lòng: Nhớ ngày sinh nhật và những ngày kỷ niệm quan trọng của trưởng phòng và các khách hàng dài hạn, cả vợ, bố mẹ và con họ nữa.
Tiếp tục lấy lòng: Nếu ai đó mặc một bộ đồ giá hai trăm đồng, bạn hãy nói: "Bộ này chắc phải ba trăm đồng đúng không?"
Mặc cả: Hỏi giá những quần áo đắt tiền trước nếu bạn muốn mua thứ rẻ hơn. Hỏi giá những bộ rẻ hơn nếu bạn muốn mua những thứ đắt tiền.
Giúp người: Đừng nhận những món quà cảm ơn và lời mời các bữa tối cảm ơn... Chi bằng để người ta nhớ sự giúp đỡ của ta và món nợ họ nợ ta.
Lại tiếp về lấy lòng: Làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng là một phương cách hiệu quả để tăng lòng nhiệt tình của họ.
Một cách hiệu quả để hủy diệt sự tự tin của một con người là nhìn đi nơi khác khi anh ta nói chuyện với bạn. Để các thuộc cấp xử lý công việc trong khi giới hạn sự xuất hiện của bản thân sẽ làm tăng độ quan trọng của bạn lên. Dàn dựng những cuộc gọi giả của khách hàng trong buổi họp sẽ giành được các điều khoản tốt hơn từ phía nhà cung cấp. Chia sẻ bí mật tài chính của một công ty với cấp dưới là một cách hay để giành được sự trung thành của họ. Và đến thăm người nào đó đang ốm nằm bệnh viện là phương thức tốt nhất để xây dựng quan hệ. Nếu một người đàn ông muốn tiến tới với một cô gái trẻ nào đấy, anh ta nên tấn công khi cô ta bị ốm để lấy lòng. Cách đó chắc chắn sẽ hiệu quả, bởi trong thời điểm đó cô ta đang yếu ớt và cần đến sự an ủi nhất.
VUÔNG VÀ TRÒN về mặt bản chất là một sự chối bỏ đến từng chi tiết đức hạnh truyền thống của người Trung Quốc đã được rao giảng suốt hai ngàn năm nay.
Học hành: Người có thành tích tốt nhất làm thuê cho người khác, người có thành tích hạng hai là những ông chủ.
Khiêm tốn: Nếu người khác chưa hiểu bạn, sự khiêm tốn của bạn sẽ không dược coi là một đức tính tốt mà là sự bất tài.
Gia đình: [Một người bạn] đã được Đại học Thâm Quyến tuyển dụng tạm thời, nhưng vợ anh ta thúc giục anh ta trở về, và nói: "Nếu anh không về nhà, chúng ta sẽ ly dị." Anh ta nghĩ vợ mình quan trọng hơn công việc, vì vậy anh ta từ bỏ vị trí của mình và trở về nhà. Nhưng rốt cuộc thì cô ta vẫn ly dị anh ta.
Trung thành: Nếu bạn và người bạn thân nhất cư xử với nhau rất tốt, vậy thì các bạn la những người bạn chân chính trong thời điểm này. Nhưng giả dụ có một thương vụ trị giá một triệu đô la, nếu bạn không đá anh ta sang một bên hoặc anh ta không đá bạn sang một bên, vậy thì cả hai đều có vấn đề về tâm lý.
Trung thực: Một 'lời nói dối vô hại" đôi khi cũng cần thiết. Lấy ví dụ, đối với một bệnh nhăn mắc phải chứng bệnh không chữa được, thì sự trung thực có thể hủy diệt tinh thần của anh ta. Một lời nói dối có thể giúp anh ta kéo dài thêm một thời gian và vui sống những ngày còn lại.
Phần lạnh lùng nhất của cuốn sách là về các mối quan hệ. Các quy tắc của những cuộc chiến trên thương trường lúc nào cũng có thể áp dụng vào những mối quan hệ cá nhân. Chiêu Trước tiên hãy đưa ra những mục tiêu mà đối phương có thể chấp nhận thích hợp cho cả một cuộc đàm phán khó nhằn hay cuộc hẹn hò đầu tiên. Một cách khá hay để chia tay bạn gái là "Trở nên lịch thiệp": Anh ta đột nhiên trở nên lịch sự một cách quá mức với bạn gái. Nếu cô ta giúp anh điều gì, anh ta nói cảm ơn. Khi người ta đi, anh ta chào tạm biệt. Kiểu lịch thiệp quá đà này khiến một người trở nên lạnh lùng và không thể tiếp cận. Chiến thuật này cũng rất hữu dụng khi từ chối những người bạn nhờ giúp đỡ.
Khi tất cả các phương cách khác đã thất bại, tác giả đưa ra phương thức hết sức dễ hiểu của cá nhân anh ta dùng để phá vỡ hàng rào phòng vệ của những người khác:
Một trong những kỹ thuật quan trọng để đánh thức và lay động lương tâm của người khác và khơi gợi những ý định tốt đẹp trong họ là khóc... dùng răng cắn vào môi dưới và để nước mắt ngân ngấn long lanh ở khóe mắt khi bạn nhìn kiên định về phía trước. Lần sau khi bạn làm sai việc gì, hãy giả bộ như vậy, tôi tin rằng chẳng ai lại không cảm động đâu.
TÁC GIẢ của cuốn cẩm nang tâm lý không có nguyên tắc đạo đức này ra mở cánh cửa căn hộ ở Thâm Quyến của anh ta trong bộ áo ngắn tay, quần kaki và đi chân trần. Ở khoảng cách gần, anh ta trông có vẻ già và u sầu hơn, với những đường rãnh sâu dọc theo mũi và miệng. Anh ta dẫn tôi bước vào một căn hộ độc thân sành điệu - sàn nhà gỗ sẫm màu, thảm thô màu trắng, ghế bành ghép màu xanh sẫm - rót cho tôi một cốc Pepsi, cái cốc được đặt cẩn thận trên cái bàn cà phê bằng kính.
Vốn là một giáo viên dạy môn Vật lý trung học ở tỉnh Hồ Bắc, Đinh Viễn Trĩ đến Thâm Quyến năm 1987 và kiếm được một chân dạy học, tất nhiên là nhờ mánh lới. Anh ta đã tìm hiểu được hiệu trưởng của trường anh ta muốn làm việc là người đam mê Hồng Lâu Mộng, cuốn tiểu thuyết được viết hồi thế kỷ mười tám. Một buổi tối nọ, Đinh Viễn Trĩ đến thăm nhà ông hiệu trưởng. Anh ta không nói thẳng mục đích của mình; thay vào đó, như đã kể lại trong những trang sách Vuông và tròn, anh ta hút người đàn ông kia vào một cuộc thảo luận dài về cuốn tiểu thuyết.
Chúng tôi càng nói càng thấy hợp nhau, và đến khi chúng tôi nhận ra thì đã là mấy tiếng đồng hồ sau rồi. Ông hiệu trưởng đột nhiên nhìn lên và nhận ra đã hơn mười giờ. Như thể vừa tỉnh giấc mơ, ông ta hỏi tôi, "Ôi chà, anh đến gặp tôi có việc gì thế nhỉ?"
Trong cuộc trò chuyện suốt mấy tiếng trước, tôi đã hoàn toàn giành được thiện cảm của ông hiệu trưởng, vì vậy khi tôi nói lên ước vọng đến Thâm Quvến làm việc, đương nhiên là ông ta không thể tìm cách từ chối và đã đồng ý để tôi có thể dạy học...
Tôi đã đánh bật rất nhiều đối thủ để được thuyên chuyển đến Thâm Quyến. Và tôi không phải tốn một đồng xu nào.
Không lâu sau đó, Đinh Viễn Trĩ và một người bạn quyết định mở công ty PR (Quan hệ công chúng). Cả việc ấy, cũng là một bước đi được tính toán. "Chúng tôi nghĩ sẽ thật dễ dàng khi nói: chúng tôi là công ty PR đầu tiên của Trung Quốc," Đinh Viễn Trĩ kể với tôi. "Bọn tôi đoán các cơ quan thương mại không biết nó là cái gì, vì vậy sẽ dễ dàng được chấp thuận hơn." Vấn đề là cả Đinh Viễn Trĩ và bạn anh ta cũng đều không biết nhiều về quan hệ công chúng. Họ đã tổ chức một sự kiện quảng cáo nhưng không thể kiếm thêm được vụ làm ăn nào mới. Sau đó họ bắt đầu tổ chức đào tạo về PR cho những người quản lý, Đinh Viễn Trĩ khám phá ra anh ta có biệt tài này. Anh ta bắt đầu đọc các sách của Dale Carnegie và xuất hiện trên truyền hình.
Ấn bản Vuông và tròn năm 1996 gần như là không chính thống. Đinh Viễn Trĩ không ký hợp đồng xuất bản hợp pháp, anh ta đơn giản chỉ mua một số đăng ký từ một nhà xuất bản sau đó tự in và bán sách ra thị trường. Những ngày cuối tuần, anh ta đi đến các cửa hàng sách khắp Thâm Quyến, treo băng rôn, kê một chiếc bàn bên ngoài cửa trước, và ký tên sách. Vuông và tròn được viết ở mức độ dành cho học sinh trung học nên cả công nhân nhà máy cũng hiểu được. "Các công nhân di trú cần được khuyến khích trong tâm hồn," Đinh Viễn Trĩ nói. "Họ cần được biết rằng thành công là có thể. Những cuốn sách này là niềm an ủi đối với họ."
Tôi hỏi Đinh Viễn Trĩ xem anh ta nghĩ gì về những cuốn sách thành công học khác được bán ở Trung Quốc. Anh ta chưa từng đọc một cuốn nào. "Tất cả sách ở Trung Quốc đều chỉ lấy ý tưởng từ nước ngoài," anh ta nói. "Sự thực là Trung Quốc chẳng có ý tưởng ban đầu nào hết."
Khi tôi hỏi về dự án tiếp theo, Đinh Viễn Trĩ rời phòng và trở lại với một cuốn Lợi thế cạnh tranh của Michael Porter bản tiếng Trung Quốc. Cuốn sách tiếp theo của anh ta, Đinh Viễn Trĩ ôn tồn nói, sẽ tái sử dụng những ý tưởng này, và một lần nữa, lại ở mức độ dành cho học sinh trung học. "Cuốn sách của tôi về cơ bản sẽ tóm lược lại khái niệm của Porter thành dạng có thể hiểu được," anh ta nói. "Ở Thâm Quyến có rất nhiều ông chủ trình độ mới ở mức tiểu học, nhưng họ rất khao khát học hỏi." Đó là sao chép.
Cuộc gặp với Đinh Viễn Trĩ là một sự thất vọng. Anh ta không có phẩm chất nào để trở thành một giáo viên thành công học. Anh ta không phải một diễn giả gây cho người khác ấn tượng sâu sắc và cũng không có những ý tưởng hấp dẫn, công việc PR của anh ta chưa bao giờ ra đâu vào đâu. Và không ai từng gặp tay họ Đinh này mà lại coi những lời khuyên về quyến rũ các cô gái trẻ của anh ta là thật. Nhưng Đinh Viễn Trĩ đã dám làm điều những người khác không dám làm. Anh ta đã lập nên một công ty. Anh ta đi nói chuyện. Và anh ta viết sách dạy thành công. Hành động là thứ duy nhất để phân tách những người thành công khỏi những người khác. Sự khác biệt giữa những người thành công và thất bại không phải ở chất lượng ý tưở'ng hay cách đánh giá khả năng của họ, anh ta viết, mà là ở chỗ họ có tin vào phán đoán của mình và dám hành động hay không. Trần Anh đã mạo hiểm nhảy sang một công việc mới, trong khi Giang Hải Yến thì không. Xét cho cùng, đó là điểm khác biệt quan trọng duy nhất giữa hai người họ.
o O o
Một buổi tối Chủ nhật tháng Bảy năm 2005, các học viên khóa hai của Lớp Đào tạo đặc biệt kỹ năng thư ký công sở tốt nghiệp. Để tổ chức buổi lễ, bàn trong lớp học được đẩy lại thành một hình vuông với khoảng trống ở giữa dành cho các bài phát biểu và biểu diễn. Mỗi chỗ ngồi đều đặt rải rác những đĩa lạc, kẹo dẻo, bánh quy và cốc dùng một lần đựng nước ấm. Các giáo viên mặc sơ mi lễ phục, quần tối màu và đeo cà vạt. Khoảng năm mươi học viên đến tham gia, bao gồm cả những người mới tốt nghiệp, tốt nghiệp từ khóa trước và những học viên của kỳ tiếp sau đang chuẩn bị bắt đầu nhập học. Hiệu trưởng Lưu, người chủ trì buổi lễ, chính thức giới thiệu từng giáo viên một, từng tràng pháo tay vang lên. Thầy giáo Dương hát một bài tên là "Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong hai mươi năm nữa".
Hai mươi năm sau chúng ta hãy gặp lại,
Đất mẹ của ta khi ấy sẽ dẹp nhường nào!
Thiên đường sẽ mới, mặt đất mới, cảnh tượng mùa xuân sẽ thêm rực rỡ huy hoàng,
Thành phố làng mạc đều quang vinh hơn bội phần.
"Tôi nghĩ nếu chúng ta gặp lại trong hai mươi năm nữa," thầy giáo Lưu nói, "tất cả các bạn sẽ trở thành những triệu phú và bà chủ lớn." Ông ta đọc to tên của tất cả những học viên tốt nghiệp - khoảng nửa lớp - đã tìm được việc làm và không thể có mặt tối hôm ấy. Trần Anh cũng có tên trong danh sách đó, cô đã tìm được một chân văn thư trong nhà máy sản xuất đồ ngũ kim. "Chúng tôi hy vọng công việc của họ sẽ được suôn sẻ." Vài học viên tốt nghiệp đứng lên phát biểu.
Mười năm nay, đây là giây phút tự hào nhất của tôi, vì tôi chưa bao giờ tham gia buổi lễ tốt nghiệp nào cả. Giờ tôi đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty. Công việc rất mệt mỏi và tôi phải ở bên ngoài cả ngày. Tôi học được rất nhiều điều.
Tên tôi là Diệp Phương Phương. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhớ tôi. Mọi người đã thay đổi tôi từ một người nhút nhát rụt rè thành một cô gái tự tin. Tôi đã học cách hành xử. Đó là sự hòa hợp giữa vuông và tròn. Tôi sẽ luôn nhớ đến mọi người.
Giữa buổi lễ tốt nghiệp thì mất điện, vài học viên đi quanh phòng thắp nến lên. Giang Hải Yến, mặc váy, đi tất mỏng và giày cao gót, đã làm tôi ngạc nhiên khi biểu diễn một bài hát và tự tin ôm cả phòng. Trong khi một bài hát tên là "Tiếng cổ vũ" vang lên, các học viên tốt nghiệp đi vòng quanh căn phòng thắp nến và bắt tay với các giáo viên, long trọng cảm ơn từng người một. Hiệu trưởng Lưu tuyên bố khóa học thứ ba của lớp Công sở sẽ bắt đầu sau một tuần nữa.
Chỉ có bốn học viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm mới đến tham dự buổi lễ. Đó chính là thước đo thành tựu của trường học: sự vắng mặt của thật nhiều cô gái trẻ, rải rác đi khắp vùng đồng bằng sông Châu Giang, những người không thể có mặt ở đây tối nay vì họ đã vươn lên một nấc. Các giáo viên cũng đang không ngừng chuyển động. Thầy giáo Phó đã tốt nghiệp đại học, nghỉ dạy và chuyển đến Thượng Hải sống chung với bạn gái anh ta. Thầy giáo Đoan Mộc đã được đề bạt và nhận thêm trách nhiệm quản lý.
Trong năm tới, mọi người tôi quen biết ở trường Trí Đồng đều trải qua một hoặc vài thay đổi quan trọng trong đời mình. Trần Anh nhảy việc đi làm nhân viên bán hàng ở một nhà máy sản xuất băng dính trong và sau đó là một tổ hợp sản xuất điều hòa nhiệt độ, nơi cô quản lý việc thu mua và sản xuất của hai mươi công nhân. Khi tôi gặp cô trong bữa tối một năm sau đó, cô đã thay hình đổi dạng. Cô nói chuyện với giọng đều đặn chừng mực, tay mang một chiếc túi xách dài sành điệu, và tự tin gọi món trong một nhà hàng có những chiếc bàn gỗ cổ. Cô kiếm được 1.600 nhân dân tệ một tháng - hai trăm đô la - và có ba người đàn ông đang theo đuổi. "Nếu chị muốn em trở lại là em trước đây," cô nói với tôi, "em không nghĩ là em có đủ dũng khí để tiếp tục sống."
Giang Hải Yến trở về nhà, rồi lại ra đi một thời gian ngắn để tìm việc, sau đó lại trở về giúp gia đình trông coi cửa hàng bán thực phẩm và văn phòng phẩm. Cha mẹ cô không muốn cô sống ở Đông Quản vì họ cảm thấy thành phố này không an toàn. Bị mắc kẹt trong tấm lưới nghĩa vụ gia đình, Giang Hải Yến không muốn thách thức cha mẹ mình một cách trực tiếp. "Em không muốn gia đình có cảm giác em bắt buộc phải làm chuyện này, hoặc là sẽ rất khó xử cho mọi người," cô nói khi tôi gọi điện cho cô ở nhà.
Thầy giáo Đặng nghỉ việc ở trường Trí Đồng để theo đuổi công việc sinh lợi nhiều hơn: dạy kỹ năng quản lý cho những người phụ trách, với năm nghìn nhân dân tệ mỗi kỳ học. "Tôi bốn mươi tư tuổi rồi," ông ta nói. "Tôi cần phải nghĩ đến chuyện chăm sóc tuổi già của mình." Một tối sau giờ học, ông bỏ chiếc va li có điện thoại di động của mình trong cốp một chiếc taxi, khiến tất cả học sinh cũ của ông đều không thể liên lạc với ông được nữa.
Khi buổi lễ gần kết thúc, đèn sáng trở lại, và các học viên hát một bài cuối cùng - "Bạn bè". Âm nhạc ngân lên và vang khắp căn phòng khi thầy giáo Đặng lấy danh thiếp của mình phát cho các học viên tốt nghiệp và hiệu trưởng Lưu giới thiệu chứng chỉ của họ, những cuốn sách nhỏ bìa bọc lụa. Bên trong có in tên và mẫu biểu trưng của Công ty Phát triển Trí tuệ Tài năng Trí Đồng Đông Quản ở phần trống, nơi mà đáng lẽ in tên trường học.
Bạn bè, ôi bạn bè
Bạn có nghĩ đến tôi
Nếu bạn đang hưởng hạnh phúc,
Xin hãy quên tôi đi.
Bạn bè, ôi bạn bè
Bạn có nhớ đến tôi
Nếu bạn đang chịu nỗi khổ đau
Xin hãy nói với tôi.
Bạn bè, ôi bạn bè Bạn có nhớ đến tôi,
Nếu bạn tìm thấy bến bờ xa lắc của mình
Hãy bỏ tôi, bỏ tôi lại sau lưng.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng