Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 166
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hương 4: Chợ việc làm
Buổi tối sau khi Mẫn tan ca, tôi đi xe buýt đến gặp cô ở trước cổng nhà máy. Đông Quản vươn mình sống dậy khi vầng dương lặn xuống; khi cái nắng nóng khó chịu của ban ngày biến mất, những con phố đang tối dần sẽ tràn ngập những người trẻ tuổi vừa tan ca làm việc - những người biến hình, lắc mình biến đổi trước mặt tôi, từ những công nhân tận tụy với công việc trở lại thành những thanh thiếu niên hăm hở nồng nhiệt. Mẫn và tôi sẽ dạo bộ quanh vài khu nhà gần nhà máy cô làm việc và chọn một nhà hàng rẻ tiền để ăn tối. Lần nào cô cũng gọi một món thịt, rau xào, và nguyên một con cá mà lần nào cũng hóa ra là toàn xương là xương cho hai chúng tôi; nếu chúng tôi gặp nhau vào thời điểm gần ngày trả lương, cô sẽ khăng khăng đòi mời tôi cho bằng được. Mẫn ăn như thể thèm thuồng được ăn ngon lắm vậy. Sau khi tôi đã ăn xong một lúc lâu, cô vẫn tiếp tục đảo qua các đĩa? Vét sạch mùi vị từ những mẩu vụn nhỏ nhất, hệt như một tay sành ăn có cỡ vậy.
Một lần khi anh họ cô vào thành phố, anh ta đưa chúng tôi đến cửa hàng McDonald's. Mẫn nhìn chiếc Big Mac của mình một lúc lâu, hạ thấp gương mặt xuống bàn cho đến khi chiếc bánh ở ngang tầm mắt, rồi cô ăn nó từng lớp từng lớp một - bánh mì, cà chua, rau diếp, thịt bò. Trước đó, cô chưa bao giờ vào một cửa hàng McDonald's cả. Khi tôi tặng cô hai khung tranh nhỏ nhân một dịp sinh nhật, tôi phải chỉ cho cô cách mở phần sau lưng ra để nhét một tấm ảnh vào trong như thế nào. Có lần cô lại hỏi tôi chứng khoán là gì. Cô hoàn toàn không quan tâm gì đến các sự vụ quốc gia cả. Có một buổi chiều, trong bữa ăn với hai công nhân lớn tuổi hơn cùng làm trong nhà máy, câu chuyện chuyển sang đề tài lớn lên trong thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước dưới thời Mao Trạch Đông. "Chúng tôi lúc nào cũng đói meo cả bụng," một trong hai người đàn ông nhớ lại. "Phải đến tận những năm 1980, chúng tôi mới hết bị đói ăn."
"Ai là Mao chủ tịch bây giờ thế?" Mẫn bỗng nhiên cất tiếng hỏi. "Tôi chẳng biết gì cả."
"Hồ Cẩm Đào," một trong hai người đàn ông trả lời.
"Hơi hơi nhận ra rồi. Thế không phải là Giang Trạch Dân nữa à?" Cô nói.
Tôi bảo không, Giang Trạch Dân đã về hưu, Hồ Cẩm Đào lên thay vị trí của ông ấy.
"Ồ, em tưởng Giang Trạch Dân chết rồi." Sau đó cô nói. "Những người đó có vẻ ở rất xa chỗ em."
Những chi tiết trong cuộc sống của bản thân cô đã lấy số lượng áp đảo mọi thứ khác: hầu như lần nào gặp Mẫn, cô cũng có thứ gì đó mới mẻ để kể với tôi. Thỉnh thoảng tôi tưởng chừng các định luật của thế giới vật chất không hề ảnh hưởng đến cô, rằng cô chỉ phải nghĩ đến một việc gì đó - đổi chỗ làm, chia tay với bạn trai - là đã hoàn thành việc đó luôn rồi. Nếu bẵng đi không gặp cô một thời gian, Mẫn có thể sẽ quên, không kể với tôi rằng cô đã nghỉ việc ở một nhà máy hay mới được tăng lương, bởi vì trong tâm trí cô, cô đã lại tiếp tục tiến lên phía trước rồi. Hiếm khi nào Mẫn dừng lại để điểm lại những gì cô đã làm từ khi rời bỏ quê hương ra đi, một nét tính cách thường thấy ở Đông Quản. Có lẽ người ta e ngại rằng mình sẽ mất đà nếu dừng lại đủ lâu để nhìn về chặng đường mình đã đi qua.
Khi bài báo đầu tiên về Mẫn của tôi được đăng trên tờ Wall Street Journal, tôi mang cho cô một bản dịch khi chúng tôi gặp nhau vào buổi tối trong một tiệm bánh gần nhà máy cô làm việc. Chiếc bánh trứng và món đậu xanh đá của cô không hề được đụng đến trong lúc cô đọc. Đến trang ba, cô cười khúc khích - "Chị nhớ kỹ thật đấy," cô nói - và một lần nữa ở trang bốn. Cô đọc một mạch từ đầu đến cuối, rồi lật trang cuối cùng lên, tìm xem còn nữa không. "Thế thôi à?"
"Thế thôi," tôi đáp.
"Phần kết cho thấy chị còn muốn nhiều hơn nữa," cô nói.
"Sẽ còn nữa."
"Thật chứ?" Cô hỏi. "Chị đang viết nó à?"
"Cô đang sống trong đó," tôi nói. "Nó đang diễn ra ngay lúc này đây." Mẫn nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, như thể nghi ngờ rằng có phải tôi đang đùa với cô hay không.
Cô đọc bài báo thêm vài lần nữa, và sau đó cô gửi email cho tôi. Nhìn lại xem mình từng như thế nào, cô viết, tôi nhận ra mình đã thực sự thay đổi.
Có một chuyện Mẫn không bao giờ quên, cô không thể nào quên nổi quãng thời gian một năm làm ở dây chuyền lắp ráp khó khăn tới nhường nào. Trong cái thế giới công xưởng này, người ta thường hay nói với giọng gần như hoài niệm về những ngày tháng họ làm việc ở dây chuyền lắp ráp, cái thời còn ít lo âu và trách nhiệm. Mẫn không thế. "Chẳng có gì khó khăn bằng làm một công nhân bình thường cả," tôi thường nghe cô nói vậy. Cô không bao giờ quên mình đến từ nơi đâu. Đó là một trong những điểm mà tôi thích nhất ở cô.
o O o
Tháng Tư năm 2004, Mẫn nhận được hai tuần lương đầu tiên ở chỗ làm mới, nhưng cô đã không gửi tiền về nhà. Thay vì thế, cô đến cửa hàng bách hóa mua một chiếc sơ mi đen vừa vặn và một chiếc quần lửng trắng. Cô đang thực hiện một lời hứa, đến thăm những người bạn cũ, mà đi thăm bạn cũ thì cần có quần áo mới. Tám giờ sáng hôm sau, Mẫn và tôi bắt xe buýt đến một quận ngoại thành Đông Quản, nơi cô đã làm việc năm đầu tiên khi rời bỏ quê nhà. Chiếc xe buýt chật cứng người di trú đi chơi cuối tuần. Các cô gái trẻ đi thành đôi, diện những bộ đẹp nhất cho ngày Chủ nhật - sơ mi trắng, quần bò sạch sẽ, tóc đuôi ngựa suôn mượt - và những hành khách đứng tràn ra cả lối đi giữa hai hàng ghế đung đưa một cách vui nhộn, giống như cả đám người đang nhảy điệu conga(12) theo từng nhịp rung lắc của chiếc xe buýt. Vài phụ nữ trẻ bị say xe bám chặt lấy thanh rào chắn, đầu họ cúi gục xuống, hai mắt nhắm tịt lại, như thể muốn ngăn cảm giác khó chịu ở bên ngoài cơ thể vậy.
Mẫn nói suốt cả hai tiếng ngồi xe. Cô hy vọng thuyết phục được các bạn mình nhảy sang nhà máy khác, giống như cô đã làm. Cô liên tục bình luận về những nơi chúng tôi vừa đi qua.
Chương Mục Đầu: "Người ta gọi chỗ này là Tiểu Hồng Kông. Ở đây sang trọng lắm. Tôi đã đến tìm việc ở đây nhiều lần nhưng chẳng tìm được việc gì cả."
Thanh Khê: "Ở đây có nhiều nhà máy sản xuất máy tính lắm, nhưng phải có nghề thì mới vào đấy làm được."
Phong Cương: "Chỗ này không phát triển bằng chỗ tôi bây giờ, đúng không?"
Đối với tôi, chỗ nào cũng như chỗ nào. Các công trường xây dựng và nhà hàng rẻ tiền. Nhà máy, nhà máy và nhà máy, những ô mạng kim loại trên cánh cổng của chúng chi chít như lưới. Mẫn nhìn thành phố qua một cặp mắt khác: mọi nơi đều có triển vọng của một công việc đáng ao ước hơn công việc hiện tại. Bản đồ Đông Quản trong tâm trí cô là tất cả những chuyến đi bằng xe buýt cô đã đi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
CÁC BẠN CỦA MẪN đợi chúng tôi dưới gầm một cầu vượt, nôn nóng ngó nghiêng sai hướng. Lương Dung cao, có gương mặt khá xinh xắn, Hoàng Kiều Nga thấp và hơi đậm người, cô có đôi mắt sáng và hai gò má núng nính như trẻ con. Hai cô đều lớn hơn Mẫn một tuổi. Ba cô gái nắm tay nhau rú lên và nhảy tưng tưng như những người tham gia trò chơi truyền hình vừa mới thắng giải lớn vậy.
"Ồ! Chị giảm cân rồi đấy!"
"Em cao hơn đấy!"
"Chị cắt tóc rồi à!"
"Em vừa mua bộ này này," Mẫn nhấn giọng nói, "Có đẹp không?" Hai người bạn đều đồng ý rằng bộ đồ mới rất đẹp.
Cạnh đường cao tốc là một công viên nhỏ có một quảng trường lát bê tông. Những chiếc ghế đá bị phơi nắng cho trắng ởn ra, hệt như những lăng mộ cổ, vài gốc cây non gầy guộc trông như đang trút những hơi thở cuối cùng rủ bóng lên ghế đá. Các cô gái tìm một ghế trống, ngồi xuống và nghịch ngợm mái tóc của nhau. Họ lấy làm ngưỡng mộ bộ đồ mới của Mẫn, và cô kể cho hai người bạn nghe mỗi món giá bao nhiêu.
"Vậy, có phải em đã thay đổi rồi không?" Mẫn hỏi. Chính xác là cô đã đi khỏi dây được hai tháng.
"Phải, em đã thay đổi," Hoàng Kiều Nga đáp.
"Em thay đổi thế nào?"
"Trông em trưởng thành hơn."
Lương Dung và Hoàng Kiều Nga kể cho Mẫn nghe tin tức ở nhà máy: ai đã tìm việc mới, ai vừa cắt tóc. Đây là ngày nghỉ đầu tiên trong tháng vì nhà máy bị cắt điện. Tiền lương vẫn thế và thường xuyên bị chậm, tùy theo tâm trạng của ông chủ.
Mẫn không thể kìm được mà khoe khoang một chút về nơi cô đang làm việc. "Mọi người ở cái nhà máy này thật sự là rất kém," cô nói. "Nhà máy em đang làm tốt hơn nhiều. Ông chủ giàu lắm ấy."
"Đến chỗ em đi," Mẫn đột nhiên nói. "Em sẽ mời hai chị đi ăn tối. Bao giờ thì hai chị đến được?"
"Nhưng nếu bọn chị đến," Lương Dung nói, "nhỡ em không được nghỉ thì sao."
"Các chị đến thăm em và em sẽ giới thiệu bạn trai cho các chị," Mẫn nói chắc như đinh đóng cột: "Ở nhà máy em làm có nhiều con trai lắm."
Hai cô gái tròn mắt. Họ đồng thanh thốt lên "ối chà!" rồi cả ba cùng phá lên cười.
Một người ăn xin chống gậy đi tới, các cô gái ngừng cười. Lương Dung thoáng do dự rồi nhẹ nhàng dặt một quả táo vào cái bát của ông già, cảnh hệt như trong một câu chuyện cổ tích. Đông Quản là một nơi không dễ sống, có lẽ chính vì vậy mà người ta có thể tử tế với người khác một cách đáng ngạc nhiên. Tôi thấy người ta bố thí cho ăn xin ở Đông Quản nhiều hơn bất cứ thành phố nào ở Trung Quốc. Các công nhân nhà máy động lòng trắc ẩn với người già hoặc những người tàn tật, nhưng họ tỏ ra không hề thương tiếc những người đồng trang lứa với mình. Nếu anh còn trẻ và mạnh khỏe, không có lý do gì để không làm việc cả.
NHÀ MÁY CŨ CỦA MẪN cách khu phố chính nửa giờ đi bộ, ở đó, nước Trung Quốc công nghiệp mở rộng ra ruộng đồng bao la. Một dòng nước chảy lờ đờ và đen bóng, trông như dòng sông dầu. Con đường lát gạch chuyển sang thành đường đất nện, một dải bụi bặm hai bên là các tiệm mì lưu động và bàn bi-a ngoài trời. Hàng tốp các chàng trai trẻ mặc áo bảo hộ lao động đi dép lê đang đánh bi-a. Mẫn bước đi, hai bên là hai cô bạn, đầu cô ngẩng cao như một vị bách phu trưởng trở về sau trận chiến. Thanh thiếu niên nam nữ hai bên đường gọi toáng tên cô: "Về lúc nào thế?" "Cậu đang ở đâu rồi?" Tất cả bọn họ đều lấy làm ấn tượng khi biết cô đang làm việc ở khu vực trung tâm Đông Quản.
"Tôi có thay đổi gì không?" Mẫn hỏi tất cả mọi người xuất hiện trước mắt mình.
"Cậu gầy và đen hơn," một cô gái trẻ nói.
Mẫn hơi thất vọng. "Tôi muốn cậu nói là tôi trưởng thành hơn trước cơ."
Lương Dung và Hoàng Kiều Nga vào trong nhà máy để lĩnh lương, có lẽ ông chủ đang trong tâm trạng tốt nên đã đồng ý trả lương cho công nhân của mình ngày hôm đó. Mẫn đợi ngoài cổng, nhìn chằm chằm vào khu nhà lợp ngói và cả núi bùn đất giữa sân. Nhà máy đang mở rộng.
"Chị thấy nó thế nào?" Mẫn hỏi tôi.
"Cũng được," tôi nói.
"Nhìn bên ngoài thì nó hoàn toàn ổn," cô nói, "nhưng chị không bao giờ nhìn được bên trong cho đến khi chị chấp thuận làm việc ở đấy. Và sau đó là chị chẳng còn chỗ nào khác để đi nữa."
BUỔI CHlỀU, các cô gái nhập bọn với hai người bạn khác trong nhà máy và tới một công viên gần đó. Một đặc điểm của công nhân di trú chính là không có ý tưởng gì để sử dụng thời gian nhàn rỗi. Ở công viên Đường Hạ, họ thấy một bé gái khoảng sáu bảy tuổi đang ném những hòn sỏi vào đầu một con rùa chồm hỗm trong cái hồ nông choèn. Nhưng hầu hết các trò giải trí ở công viên đều tốn tiền cả. Du khách có thể dùng súng hơi để bắn cá trong hồ, Mẫn đưa mắt nhìn con cá gầy guộc đang chờ hành quyết và nghiêm nghị nói, "Đây là điều sẽ xảy ra khi ta không có tự do." Có một xe cáp đưa khách lên đỉnh đồi gần đó, nhưng tốn mười lăm nhân dân tệ. Các cô gái ngồi xuống một điểm cắm trại bên dưới, nhìn chiếc xe đi qua đỉnh đầu mình.
Hoàng Kiều Nga đã tham gia một lớp học vi tính. Cô muốn rời khỏi nhà máy, đến chợ việc làm để tìm một công việc tốt hơn, giống như Mẫn đã từng làm. "Chị đã lên kế hoạch rồi," cô ngượng ngùng nói.
"Chị biết lên mạng thế nào chưa?" Mẫn hỏi.
"Chị đã bao giờ lên mạng đâu."
"Em sẽ dạy chị." Mẫn nhìn đồng hồ: bốn giờ rồi. "Có lẽ không phải hôm nay, thôi thì... để lần sau nné."
"Cứ cố học những gì chị có thể ấy," Mẫn khuyên. "Nếu chị học được gì đó, chị luôn có thể mang nó theo đến với công việc mới. Ít nhất đấy là kinh nghiêm của em," cô kết luận một cách khiêm tốn. Ở đâu đó trong cả ngày hôm ấy, cô đã nhận ra rằng những gì mình có thể làm để giúp bạn bè rất ít ỏi. Tìm kiếm dũng khí để rời bỏ một nhà máy là việc người ta phải làm một mình. Giống như những người di trú vẫn luôn nói: Bạn chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình.
Năm giờ chiều, các cô gái chia tay nhau với những lời chào tự nhiên nhất. "Em vẫn chưa mệt," Mẫn nói khi chúng tôi tìm được chỗ ngồi trên xe buýt. "Em sẽ mệt sau. Ngay lúc này, em phấn khởi quá." Nhưng khi xe buýt đi qua những khu cô đã đến tìm việc, giờ đã chìm vào màn đêm tối, tâm trạng Mẫn trở nên u ám. Cô vừa đến thăm cuộc đời cũ của mình và biết nó đã qua. Nhưng cả cuộc đời mới của cô, vì lý do nào đó, cũng chẳng thấy đâu. Ngoài phố, những bóng đèn trong nhà máy bắt đầu sáng lên, và những cái bóng di chuyển lặng lẽ sau các ô cửa sổ; thậm chí cả vào tối Chủ nhật, người ta cũng vẫn làm việc. "Nếu em chỉ đi học, rời bỏ quẻ nhà và đến đây làm việc vài năm, sau đó trở về, lấy chồng và sinh con," Mẫn nói, "có lẽ em cũng không sống trọn vẹn được thế này."
TRONG ÁNH ĐÈN XANH LAM CỦA BUỔI TỐI, tôi và Mẫn đứng bên ngoài cánh cổng nhà máy nơi cô làm việc. Người bạn làm thợ điện của cô sẽ ăn tối cùng chúng tôi, còn chúng tôi đang đợi anh ta thay quần áo. Anh chàng bảo vệ đẹp trai mặc quần rằn ri - 1,7 MÉT HOẶC HƠN, BIẾT CHƠI BÓNG RỔ LÀ MỘT LỢI THẾ - đi qua với một nụ cười lướt qua trên mặt và ném cho Mẫn một chùm chìa khóa, cô đã gửi chúng ở chỗ anh ta nhờ giữ hộ. Mọi người rải rác trở về nhà máy sau buổi đi chơi ngày Chủ nhật của mình. Mẫn gọi to một cô gái trẻ, cô này cứ nhìn chằm chằm vào những cái bóng và quát lên quang quác, "Đói chết rồi đây này!" Nói xong cô ta đi thẳng vào nhà máy mà không thèm chào lấy một câu.
Mẫn có vẻ ngạc nhiên và khó chịu trước sự khiếm nhã của cô ta. Cô gái đó vừa mới cố thử dùng thảo dược phá thai, nhưng không hiệu quả, Mẫn kể với tôi. Cô đã đi cùng với cô ta đến bệnh viện để mổ. "Cô ấy là một trong những người tôi định tạo quan hệ tốt, nhưng thực sự chúng tôi không phải là bạn," Mẫn giải thích.
Một người đàn ông đứng tuổi bụng phệ đeo kính đi qua chỗ chúng tôi vào nhà máy. "Có phải cô là người để ngỏ cửa văn phòng không?" Ông ta hỏi.
"Tôi ở ngoài cả ngày cơ mà," Mẫn vặc lại.
Đó là sếp của Mẫn, cô ghét ông ta. "Lão ấy kiêu căng lắm," cô nói. "Chẳng ai trong nhà máy này thích lão cả." Vài phút sau đó, sếp cô lại đi qua, lần này là ra ngoài, ông ta lừ mắt nhìn cô. Mẫn đứng thẳng và lườm lại. Cả hai đều không nói năng gì.
"Ngày mai thể nào lão ta cũng hỏi em chị là ai cho mà xem," Mẫn nói. "Em biết là lão sẽ làm thế mà. Em sẽ bảo chị là một người bạn, thế thôi." Ở sau lưng, cô thường gọi ông ta là Liu Laotou - Lưu lão đầu, lão Lưu già.
Mười phút đứng cạnh cổng nhà máy, tôi có cảm giác như thể mình đã thấy thế giới của Mẫn: tình bạn dễ dàng với người bảo vệ, sự lạnh lùng của cô gái trẻ và cách phá thai vụng về của cô ta, sự ngược ngạo vô cớ của những ông chủ.
Sự thực rằng Mẫn vẫn đứng thẳng ở vị trí của mình.
NGƯỜI BẠN LÀM THỢ ĐIỆN CỦA MẪN XUẤT HIỆN - anh chàng có hai cánh tay khá cơ bắp, gương mặt rộng và nụ cười bẽn lẽn - chúng tôi vào một quán ven đường ăn thịt bò nướng, cá hầm và uống bia. Sau cả một ngày dài, bao nhiêu bực tức khó chịu trong Mẫn ùa ra cùng một lúc. "Ở nhà máy cũ, có lần em đã khóc suốt nửa tiếng đồng hồ, các bạn em đã cố an ủi nhưng không được," cô kể. "Từ khi vào làm trong cái nhà máy này, em đã khóc hai lần, nhưng chẳng có ai biết cả.''
Anh chàng thợ điện nhìn vào bát cơm của mình mà không nói một lời.
Cơn giận của Mẫn chuyển sang hai người bạn đã ra công viên chơi với chúng tôi lúc chiều. "Chúng em không thân. Chúng em chỉ giả vờ là bạn thôi," cô nói. "Cái cô béo hơn ấy à? Tất cả những điều cô ta quan tâm là cố mà kiếm được một anh người yêu. Khi cô ta nhận lương, cô ta chẳng gửi đồng nào về nhà hết. Cô ta toàn tiêu phí chúng vào những thứ như trả hóa đơn điện thoại di động cho người yêu hay mời lũ con trai ra ngoài ăn tối. Mà cô ta thậm chí còn chẳng xinh xắn gì nữa chứ! Cô kia có bạn trai nhưng đã chia tay anh ta khi phát hiện ra thằng cha ấy lừa mình. Gã người yêu kia cho cô ta một cái đồng hồ và đến giờ cô ta vẫn còn đeo nó."
"Chị có thấy bọn họ đều không vui vẻ gì khi nhận tiền lương của mình không? Tất cả đều nghĩ: mình làm việc chăm chỉ như thế và đây là tất cả những gì mình nhận được hay sao? Làm việc hằng ngày trong nhà máy là một việc vô cùng khó khăn."
Rồi sau đó cô chuyển hướng sang tôi. "Chị không thể biết cảm giác ấy nó như thế nào đâu," cô nói. "Chỉ có ai từng trải qua nó mới biết thôi."
o O o
Mẫn mệt mỏi vói những thứ mà cô vừa mới đây còn khao khát. Niềm hứng khởi được tham gia vào công việc văn phòng nhanh chóng bị thay thế bởi nhận thức rằng cô là người có vị trí thấp nhất ở đó. Mọi người đổ dồn việc lên đồng nghiệp trẻ nhất và mới nhất của họ, trong khi ấy, đồng minh duy nhất của Mẫn ở chỗ làm đã biến mất. Hai tuần sau khi cô đến đây, người đàn ông tử tế nhận cô vào làm bất ngờ bỏ đi vì một công việc tốt hơn ở Bắc Kinh. Bị bỏ lại một mình, Mẫn tìm hiểu về quan hệ lằng nhằng phức tạp trong thế giới cổ cồn trắng này. Sếp mới của cô, người đàn ông bụng phệ lúc nãy, đã bị đuổi việc khỏi nhà máy năm kia vì tội bao gái - bởi chẳng ai thèm tôn trọng ông ta, nên mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với Mẫn. Những đồng nghiệp của cô có vẻ hăm hở chờ cô phạm lỗi: mỗi khi cô bước vào phòng, các cuộc đối thoại liền ngưng lại, và không ai giúp gì cô trong công việc mới này cả. Cô khám phá ra rằng một người có thể nói thế này nhưng lại mang hàm nghĩa thế khác, và rằng cả cô cũng phải học lấy kỹ năng đó nữa. "Trong văn phòng, họ có thể hết sức thân thiện với chị, nhưng họ nói đủ thứ ở sau lưng chị," Mẫn bảo tôi. "Chị không thể có lấy một người bạn trong cái nhà máy ấy được đâu."
Vượt qua lằn ranh tầng lớp làm Mẫn thêm cô đơn. Công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp là những người gần cô nhất về tuổi tác và hoàn cảnh, nhưng cô không còn thuộc về thế giới đó nữa. Các đồng nghiệp ở văn phòng lớn tuổi hơn cô, nhiều người trong số họ đã có gia đình, và chẳng có điểm gì chung với cô cả. Phòng ở tập thể trống không vào các ngày cuối tuần khi những người khác ra ngoài thăm người yêu hoặc chồng mình. Mẫn giả vờ không quan tâm, và cô không bao giờ để ai nhìn thấy mình rơi nước mắt.
Tháng Tư, sếp cũ của cô gọi từ Bắc Kinh đề nghị cô một công việc mới. Công ty anh ta đang lắp ráp các linh kiện máy tính để bán cho các tỉnh và anh ta cần một người trông cửa hàng. Anh tầm ba mươi tuổi, đã học trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng, là người trưởng thành duy nhất ở Đóng Quản này đã đối xử có chút tử tế với cô: đó là tất cả những gì cô biết. Mẫn quyết định lên đường.
Cô gọi cho chị gái mình ở Thâm Quyến.
"Em sẽ làm gì ở đó?" Chị cô hỏi.
"Trông cửa hàng." Mẫn đáp.
"Lương lậu thế nào?"
"Em không biết. Nhưng chắc là phải khá hơn ở đây."
"Em tin anh ta à?"
"Vâng."
"Cẩn thận đấy."
Mẫn gửi cho tôi một bức thư về kế hoạch của cô:
Cuối cùng tôi cũng quyết định đi Bắc Kinh, để cho bản thân mình một cơ hội. Tôi sẽ xử lý tốt cái cảm giác giữa "anh trai lớn" và "em gái nhỏ". Nhưng vừa mới quen được việc ở đây, tôi thật không nỡ bỏ đi chút nào.
Một người không thể trưởng thành qua hạnh phúc. Hạnh phúc khiến người ta nông cạn. Chỉ có trong gian khổ chúng ta mới trưởng thành, thay đổi và hiểu thêm về cuộc đời!
Nhưng ở một nơi vốn chẳng có gì chắc chắn, Mẫn rất dễ thay đổi ý kiến của mình theo tâm trạng. Cô quyết định rằng đến chỗ sếp cũ của mình ở Bắc Kinh là không thích đáng lắm. Anh ta là một người đàn ông, anh ta không phải gia đình cô, rốt cuộc thì cô cũng đâu có tin anh ta. Cô nên ở lại nơi cô đang ở thì hơn.
Sản lượng của nhà máy tăng cao, phòng ở tập thể của cô từ sáu người nay đã tăng lên chín người. Có quá nhiều người làm việc trong nhiều ca khác nhau, nên buổi đêm khó mà ngủ cho yên được một giấc, Mẫn lại nghĩ đến chuyện rời bỏ nhà máy. Ngay cạnh văn phòng nơi cô làm việc là bộ phận nhân sự, thỉnh thoảng Mẫn lại thấy người ta xếp hàng để chờ phỏng vấn. Cứ mười người phỏng vấn thì mới có một người được nhận, rất nhiều người trong số họ có hẳn bằng đại học. Vậy là, Mẫn lại cảm thấy may mắn vì công việc hiện nay của mình.
Các công nhân dây chuyền lắp ráp trong nhà máy của Mẫn kiếm được 320 nhân nhân tệ một tháng. Đó là mức lương thấp ở Đông Quản, điều ấy làm Mẫn lấy làm khó chịu. Cô luôn chào các công nhân, nhưng không bao giờ có thể kết thân hơn với họ. "Vài người trong văn phòng thậm chí còn chẳng thèm nói chuyện với công nhân, vì họ khinh thường những người ấy," Mẫn nói. "Nhưng tôi cũng từng là một công nhân mà."
o O o
Cuối tháng Năm, Mẫn gửi cho tôi một tin nhắn qua điện thoại di động. Em có một điều ngạc nhiên thích thú cho chị. Bây giờ thì chưa nói đâu. He he.
Tôi đang trên đường đến gặp cô, trong đầu lướt nhanh qua những khả năng có thể xảy ra. Cô đã nghỉ việc. Cô đã có người yêu. Rốt cuộc, cô vẫn sẽ đi Bắc Kinh.
Tôi trả lời: Tôi tò mò lắm rồi đây.
Có lẽ chị sẽ thấy điều đó không tốt, cô nhắn lại. He he. Em hy vọng chị không quá thất vọng.
Mẫn đang đợi tôi ở cổng nhà máy, tôi nhận ra cô đã ép thẳng mái tóc mình. Nó được cắt một đường gọn ghẽ bất đối xứng, những lọn tóc xoăn dài đầy nữ tính của cô đã biến mất. Cả quá trình xử lý hóa chất ở hiệu tốn ba tiếng đồng hồ và một trăm nhân dân tệ, Mẫn kể. Cô vừa nhận được tháng lương đầu tiên.
Cô kể với tôi những tin đồn vặt ở chỗ làm. Cấp trên trực tiếp của Mẫn, một anh chàng chỉ hơn cô vài tuổi, đã cãi lộn với bạn gái của anh ta. Cô gái kia rất giỏi và kiếm được nhiều tiền gấp đôi anh ta, một sự thật mà mọi người trong văn phòng đều biết và lấy làm thích thú. Cô gái đã tiết kiệm được tám mươi nghìn nhân dân tệ, mọi người cũng đều biết chuyện đó. Nếu họ chia tay, cô bạn gái sẽ đòi mười nghìn nhân dân tệ để bồi thường cho bảy năm cô ở với anh ta. Đó là một vụ chia tay kiểu Đông Quản: tổn thương tình cảm được thay bằng tính toán tài chính, mọi người trong nhà máy đều biết từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của vụ việc. Giờ anh chàng cấp trên trẻ tuổi đang làm thủ tục nghỉ việc ở nhà máy, vài người khác cũng đi theo anh ta. Chẳng còn lý do gì để ở lại nữa, vì vậy hôm qua cô cũng đã xin nghỉ luôn.
"Cô đã quyết định đi rồi hả?" Tôi hỏi. Sự mau lẹ trong những quyết định của cô làm tôi nghẹt thở.
"Em đã nộp đơn xin thôi việc hôm qua rồi," Mẫn nói.
Sếp của Mẫn, người mà cô không thích, đã hỏi tại sao cô muốn đi.
"Tôi muốn về nhà," Mẫn nói dối.
"Cô đã tìm được việc nào khác à?" Ông ta hỏi.
"Không," cô đáp. "Đơn giản là tôi có việc ở nhà thôi." Thêm một lời nói dối nữa.
"Cô đang làm tốt ở đây," sếp của cô nói. "Tại sao cô muốn đi?" Chỉ một lần duy nhất ông ta không tỏ ra thô lỗ với cô. Nhưng ông ta cũng không đồng ý cho cô ra đi ngay, ông ta bảo sẽ quyết định trong vòng một tháng.
Điều này làm Mẫn hơi ngạc nhiên: cô đã ép thẳng tóc. Cô đã quyết định nghỉ việc và nhảy trở về cõi bất tri, nhưng có vẻ như cô không nghĩ đến chuyện kia.
CHlỀU HÔM ĐÓ, tôi và Mẫn ra công viên nhỏ gần nhà máy cô làm việc. Nó bị các tòa chung cư vây kín xung quanh, giữa có một hồ nước màu vàng xanh, màu của Mountain Dew(13). Lũ trẻ con lội đến đầu gối, múc đầy các bát nông và bình thủy tinh. "Mấy cái ao chúng em hay bơi ở quê sâu lắm và nước thì sạch nữa," Mẫn nói.
"Những mùa hè hồi em còn bé," cô mơ màng tiếp tục, "chúng em trồng dưa hấu. Cách nhà khoảng mười phút đi bộ, người lớn dựng một cái chòi canh có thân cây làm cột trụ và một tấm ván gỗ phủ cỏ lén trên. Chúng em sẽ ngồi dưới cái lán ấy cả ngày để canh dưa hấu, còn bố em thì ngủ qua đêm ở đó."
"Chị gái em, anh họ em, hai đứa em gái và em nữa, cả bọn ở đấy cả ngày. Chúng em chơi bài, câu cá và bơi lội. Chúng em có bài tập hè, và mẹ thường nhắc chúng em phải làm cho hết nhưng chúng em vẫn không làm."
"Bọn em thả mấy trái dưa hấu xuống dòng sông chảy xiết. Bọn em đã buộc chúng vào bờ sông bằng dây thừng, nên chúng chẳng thể trôi đi được. Khi bọn em ăn dưa, đúng là mát lạnh."
Tôi chưa bao giờ nghe một người di trú kể về miền nông thôn giống như Mẫn.
"Nếu em là chị, nếu em có khả năng và nhiều tiền như chị," cô nói, "em sẽ làm việc thật chăm chỉ khi còn trẻ. Nhưng khi nhiều tuổi em sẽ về nông thôn, kiếm một người chồng và sống trong một ngôi nhà nhỏ ở đó. Sống trong một túp lều và nuôi mấy con gà cũng được." Cô thoáng im lặng, gạt ra khỏi tâm trí một ảo ảnh mà cả hai chúng tôi đều biết rằng sẽ không bao giờ thành hiện thực.
o O o
Đầu tháng Sáu, một công nhân mới vào làm ở nhà máy của Mẫn mất bốn ngón của bàn tay trái trong máy đột dập. Một tuần sau, cũng cái máy đó xơi mất ba ngón tay của một người mới khác. Cả hai công nhân đó đều không được đào tạo bài bản. Trong các công xưởng của thành phố này, thương tật gắn liền với nhu cầu sản xuất. Trong những tháng mùa đông, sản xuất chững lại, các nhà máy có đủ điều kiện để đào tạo công nhân mới; khi các đơn hàng dồn dập đến vào mùa xuân, những khóa đào tạo như vậy thường bị cắt ngắn thậm chí ngay cả khi những người mới không có kinh nghiệm tràn vào. Vì dây chuyền sản xuất trả tiền theo sản phẩm, làm việc nhanh hơn trong thời gian bận bịu đồng nghĩa với một khoản lương nhiều hơn - tốn thời gian dạy cho người khác chẳng mang lại cái gì cả. Đó là quy luật sống còn của nhà máy ở Đông Quản, giúp người khác chính là làm tổn thương chính mình.
Cuối tháng đó, Mẫn bất ngờ được đề bạt vào bộ phận nhân sự của nhà máy. Nhiệm vụ của cô là đứng bên đường dưới cái nóng như đổ lửa thuyết phục người qua đường gia nhập nhà máy, cô đã chiêu mộ được mười công nhân trong ngày đầu tiên. Cô cũng thực hiện các buổi học định hướng cho công nhân mới, những người mà hầu hết đều hơn tuổi cô. Giờ Mẫn không được nghỉ cuối tuần nữa, vì vậy chúng tôi gặp nhau vào một tối thứ Sáu cuối tháng, khi ca làm thêm giờ của cô kết thúc lúc chín giờ, trong một tiệm giải khát bên ngoài cổng nhà máy. Người bạn ở nhà máy cũ của Mẫn, Hoàng Kiều Nga đến ngay sau tôi, chỉ mang theo một chiếc va li nhỏ. Cô đến để làm việc ở dây chuyền lắp ráp.
Mẫn kể cho chúng tôi nghe về công việc mới của mình. "Em đứng bên đường thuyết phục mọi người đến nhà máy chúng em làm việc."
"Cô nói gì với họ?" Tôi hỏi.
"Em bảo họ: "Có thể anh chị nghĩ rằng các nhà máy khác trông có vẻ tốt hơn. Nhưng nhà máy nào cũng có những khó khăn riêng mà các anh chị không thể thấy được đâu. Ở lại đây và ổn định có phải tốt hơn không? Tiết kiệm chút tiền, kiếm thêm kinh nghiệm, sau đó hãy quyết định xem các anh chị muốn làm gì"." Những lời đó khá quen thuộc, đó chính là những điều bố mẹ Mẫn luôn nhắc nhở cô.
"Nhưng nó trái ngược với những gì cô đã làm," tôi nói.
"Đúng thế." Cô gật đầu và mỉm cười. "Nó trái hẳn với những gì em tin tưởng."
"Chị chưa bao giờ nghe thấy em nói kiểu cường điệu như vậy cả!" Hoàng Kiều Nga nói.
"Đây là trách nhiệm của em," Mẫn phòng thủ. "Chị cũng làm thế nếu chị ở địa vị của em thôi." Mặc dù cuộc đối thoại có vẻ cợt nhả thoải mái, nhưng vẫn có giới hạn của nó. Hai cô gái từng là bạn và bình đẳng với nhau, nhưng giờ Mẫn làm việc trong văn phòng, cao hơn hẳn những công nhân làm ở dây chuyền lắp ráp như Hoàng Kiều Nga.
Mẫn đi ra cái sạp bên cạnh mua mấy bát mì cho bữa tối. "Nếu không phải vì Mẫn, em còn lâu mới đến chỗ này," Hoàng Kiều Nga thổ lộ sau khi Mẫn đi khỏi. Hai ngày trước, cô đã đến thăm nhà máy và thấy không thích điều kiện ở đây rồi. Từ đầu đáng lẽ ra cô đã chuyển tới ngày hôm qua, nhưng cô do dự; cuối cùng hôm nay cô rời khỏi nhà máy cũ, không xin phép ai mà cũng không lấy lại hai tháng tiền lương. Có nhiều cách để nghỉ việc ở một nhà máy. Một công nhân có thể nghỉ việc với sự đồng ý của ông chủ và nhận lại toàn bộ số tiền giữ chân. Cô ta có thể tạm nghỉ một thời gian, cách này đảm bảo cho cô một vị trí khi quay lại. Vài công nhân xin nghỉ việc đã đàm phán với những người chủ thuê mình để nhận lấy một phần số tiền vốn là của họ. Nhưng không gì tệ hơn kuangli (cuồng ly) - dịch theo nghĩa đen: "muốn nghỉ việc đến phát cuồng lên" - chính xác đó là việc Hoàng Kiều Nga vừa mới làm xong.
Tôi hỏi Kiều Nga xem cô định ở lại đây bao lâu.
"Để xem đã," cô nói. "Em đang thử họ và họ cũng đang thử lại em."
Mẫn trở lại bàn. "Nếu chị làm tốt, chị sẽ được thăng tiến." Cô nói thêm, nhưng vẫn đầy vẻ đề phòng, "Lương của bọn em cũng không cao lắm đâu: tám trăm đồng. Nếu chị làm thêm giờ, có khi còn được hơn em ấy chứ."
"Nhưng chị sẽ mệt đến chết mất!" Hoàng Kiều Nga nói.
"Có nhiều kiểu mệt lắm," Mẫn nói. "Làm công việc này, cả thân xác lẫn tinh thần em đều mệt mỏi cả." Cô đang dần nâng cao vị thế của mình. Trách nhiệm mới của cô bao gồm cả rót trà cho khách đến thăm, và cô đã đăng ký vào một lớp học tiếng Anh hằng tuần dành cho các quản lý của nhà máy. "Chị có biết "pardon" nghĩa là gì không?" Mẫn hỏi Hoàng Kiều Nga một từ tiếng Anh. Cô có vẻ hơi thất vọng khi bạn mình nói "có".
HOÀNG KIỀU NGA PHẢI thúc giục mãi Mẫn mới chịu nói ra tin tức còn lại. Một anh chàng ở quê mới lên Đông Quản làm công nhân dây chuyền lắp ráp. Anh chàng này và Mẫn từng hẹn hò với nhau một thời gian ngắn hồi học cấp II, nhưng đã ba năm rồi cô chưa gặp anh ta lần nào. Mới tuần trước, anh ta đến đây thăm cô.
"Giữa hai chúng em vẫn còn tình cảm," cô tuyên bố. Rồi ngay sau đó - "nhưng anh ta lùn lắm: có mỗi 1 mét 65." Cô tiếp tục đi vào chi tiết: "Anh ta hút thuốc, uống rượu và đánh nhau. Hoàn cảnh gia đình cũng không được tốt lắm. Anh ta có một bà mẹ kế."
"Gia đình anh ta làm gì?" Tôi hỏi.
"Em không biết," cô đáp. "Em không muốn biết. Đến cuối cùng, chúng ta vẫn phải dựa vào chính bản thân mình thôi."
Hai người bọn họ đã ở với nhau cả ngày. Lúc ăn cơm trưa, Mẫn rót trà cho anh chàng bạn trai cũ trong khi anh ta cứ nhìn chằm chằm vào cái ti vi gắn đâu đó phía trên đầu cô. Trong các nhà hàng rẻ tiền ở Trung Quốc, lúc nào cũng có một cái ti vi bật to hết cỡ, ánh mắt của khách và cả đám nhân viên thường xuyên gắn chặt vào cái màn hình.
"Tại sao chúng ta không nói chuyện?" Mẫn căn vặn anh chàng kia. "Tại sao anh cứ nhìn vào cái ti vi thế?"
Sau khi anh bạn trai cũ về, Mẫn nhắn tin vào điện thoại di động của anh ta. Anh cảm thấy một ngày ở bên nhau của chúng ta thế nào?"
Anh thấy rất áp lực, anh ta nhắn lại. Cảm giác của anh rất phức tạp.
Đêm qua họ vừa mới nói chuyện điện thoại với nhau. Mẫn đi thẳng vào vấn đề: "Anh nghĩ chúng ta có tương lai không?"
Anh chàng bạn trai nói cần ba ngày để suy nghĩ về điều đó.
"Vậy là em sẽ có câu trả lời trong hai ngày nữa," cô nói. "Anh ấy trả lời thế nào em cũng chấp nhận được." Nói vậy nhưng cô đã xoay tròn giấc mơ của mình xung quanh chàng trai đã được đào tạo làm đầu bếp kia rồi. "Chúng em có thể về quê mở một nhà hàng nhỏ," cô nói. "Tha phương cầu thực thế này chẳng có tương lai gì hết."
"Cô có muốn kết hôn không?" Tôi hỏi. Cả cuộc nói chuyện này đã khiến tôi lấy làm ngạc nhiên.
"Đó không phải là vấn đề," cô nói một cách thiếu kiên nhẫn. "Em đã mười tám tuổi. Em không muốn phí hoài thời gian của mình. Nếu anh ta không nghiêm túc với em, em muốn anh ta nói với mình ngay bây giờ."
CUỐI CÙNG, mọi việc đều đã quyết định đối với Mẫn. Ba ngày sau cuộc nói chuyện với bạn trai cũ, cô nhận được một tin nhắn qua điện thoại di động lúc bảy giờ sáng: anh ở truớc cổng nhà máy. Cô không tin và đã chạy xuống cầu thang để xem. Anh chàng kia vừa hết ca đêm là bắt xe buýt thẳng tới nhà máy của cô. Mẫn phải làm việc, vì vậy anh chàng kia đợi bên ngoài từ tám giờ sáng đến trưa. Hai người cùng ăn bữa trưa, sau đó anh ta trở về và Mẫn quay vào làm việc.
"Anh ấy có nói hai người có tương lai gì không?" Tôi hỏi. "Không," Mẫn nói. "Nhưng vì anh ấy đã đến, nên em biết."
Cô vừa mới bắt xe buýt - ngồi hai tiếng đồng hồ - để ở bên anh chàng kia cả buổi chiều. "Anh ấy không cao, anh ấy không đẹp trai, anh ấy không có tiền, công việc của anh ấy cũng không tốt," Mẫn nói.
Tôi đợi một lời gì đó tiếp theo một tràng những khuyết điểm ấy.
"Nhưng cô thích anh ta," tôi chốt lại.
Mẫn không nói gì, nhưng cô mỉm cười.
Giờ anh chàng đang rời khỏi Đông Quản vì bố anh ta muốn con trai mình làm việc gần nhà hơn. Mẫn vừa mới nhìn thấy một viễn cảnh ổn định thì anh ta cũng biến mất, nhưng cô không hề bối rối. "Chúng em vẫn liên lạc bằng di động," cô nói. Cả cô cũng không ở nguyên một chỗ. Cuối tháng đó, sếp đồng ý cho cô đi khỏi nhà máy và trả lại hai tháng tiền lương. Mẫn lại ra chợ việc làm lần nữa. Cô đã làm trong bộ phận nhân sự của nhà máy được chính xác hai mươi tư ngày, và dựa trên đó, cô có thể tạo dựng một sự nghiệp mới.
o O o
Trong một thành phố không có sự khoan thứ, chợ việc làm Đông Quản là nơi tàn khốc nhất. Với mười nhân dân tệ, tức là khoảng 1,25 đô la, bất cứ ai cũng có thể vào và phỏng vấn cho hàng trăm công việc được đề nghị tại quầy của các công ty ở bên trong. Nhưng để vào trong, người ta cần đến dũng khí - để nói chuyện với người lạ, để bán chính bản thân mình, để đối mặt với sự từ chối khi mọi người xung quanh đều nghe thấy. Mẫn ghét chợ việc làm vì nó khiến cô có cảm giác "có thể thay thế được". Danh sách công việc kéo lùi con người xuống chỉ còn những đặc điểm cần thiết cho công việc ấy, và hiếm khi những thành tố cần thiết này cần đến hơn hai mươi từ:
TIẾP TÂN, GIỌNG DỄ NGHE, NGOẠI HÌNH ĐẸP VÀ NGĂN NẮP. BIẾT DÙNG PHẦN MỀM VĂN PHÒNG VÀ TIẾNG QUẢNG.
CÔNG NHÂN TIỆN. 18 ĐẾN 20 TUỔI, NAM, CÓ KINH NGHIỆM LÀM Ở NHÀ MÁY NƯỚC NGOÀI. KHÔNG CẬN THỊ. DA KHÔNG MẪN CẢM.
CHUYÊN VIÊN BÁN HÀNG. CÓ THỂ CHỊU KHÓ CHỊU KHỔ. TUYỂN CẢ NAM NỮ HỘ KHẨU NÔNG THÔN. CHỈ KHÔNG TRẺ EM.
Trong một ngày thứ Bảy đông đúc, chợ việc làm lớn nhất Đông Quản có thể hiện diện tới bảy mươi nghìn khách. Giữa buổi sáng, tất cả những người này sẽ kẹt cứng trong một đống hỗn độn phùng phình, khiến cho việc di chuyển trong ấy trở nên bất khả; chốc chốc, lại có một nhóm người tách ra và tràn vào một quầy nào đó, mặc dù chẳng thể xác định được rằng điều gì đã khiến một công việc đột nhiên có giá hơn mọi cái khác. Những quầy được chuộng nhất có poster được sơn xịt, thường là những công trình dài không cửa sổ nền láng xi măng; một quầy đơn giản thì chỉ có một người, đàn ông hoặc phụ nữ cầm một tập bìa kẹp hồ sơ. Chợ việc làm chiếm trọn cả một khối phố(14), kín cả một tòa nhà bốn tầng đã một thời dùng làm quán karaoke và sân bowling. Sau khi chuyển sang kinh doanh tương lai con người, người ta mới thấy hóa ra nó còn sinh lời nhiều hơn kinh doanh giải trí.
THƯ KÝ. 18 ĐẾN 25 TUỔI, CAO 1 MÉT 55 TRỞ LÊN. NGOẠI HÌNH CÂN ĐỐI.
BẢO VỆ. 20 ĐẾN 26 TUỔl, CAO 1 MÉT 72 TRỞ LÊN.
Luật ở đây là phân biệt đối xử. Các ông chủ thích thư ký của mình là nữ, xinh xắn và còn độc thân, họ chỉ để ý đến đàn ông trong các công việc kỹ thuật nhất định. Một nhà máy có thể cấm cửa những người quê ở Hồ Nam, nhà máy khác có thể từ chối tiếp nhận bất cứ người nào đến từ An Huy. Đôi khi cả gia cảnh một ứng viên nào đó cũng trở thành một yếu tố cần khảo sát, vì người ta tin rằng những người có anh chị em có vẻ sẽ chiku nailao (ngật khổ nại lao) - chịu khó chịu khổ, giỏi hơn con một. Thấp hơn 1 mét 60 thì đảm bảo là bạn sẽ có một ngày bực bội ở chợ việc làm.
Chiều cao là một nỗi ám ảnh chung của người Trung Quốc. Ở một đất nước đã trải qua thời kỳ thiếu thốn và thậm chí là cả đói khát trong ký ức những người đang sống, chiều cao là biểu hiện của may mắn, và có chức năng như một đại diện của tầng lớp: ở bất cứ công trình xây dựng nào, cả đội quân công nhân - nông dân đều thấp hơn những người thành phố chủ nhân của ngôi nhà họ đang xây dựng. Đội quân lao động chân tay ở miền Tây có thể đông hơn dân cổ cồn trắng, nhưng ở Trung Quốc, phía kia mới có giá trị - những người có giáo dục có thể nhìn xuống các tầng lớp thấp hơn theo đúng nghĩa đen. Đối với phụ nữ, yêu cầu về chiều cao gắn liền với những ngành kinh doanh hấp dẫn quyến rũ hơn. "Em chỉ cần cao hơn mười xăngtimét nữa thôi," một cô gái trẻ làm việc trong tiệm cắt tóc có lần từng nói với tôi, "thì em đã đi bán ô tô được rồi."
Tuổi tác cũng là một trở ngại khác - ở chợ việc làm, điều đó có nghĩa với bất cứ ai quá ba mươi lăm tuổi sẽ bị giới hạn ở rất nhiều vị trí công việc. "Những người trên ba lăm tuổi kém suy nghĩ và cả nỗ lực nữa," một quản lý nhà máy giải thích trên tờ báo quảng cáo được công ty điều hành hoạt động khu chợ này xuất bản. Tờ báo ấy cũng đưa ra lời khuyên cho vấn đề thuộc về nhân khẩu học này: "Đừng bao giờ nói về kinh nghiệm trong quá khứ của bạn. Phải luôn có tâm lý bắt đầu từ con số không." Nhìn theo hướng ngược lại, giới hạn tuổi tác là bằng chứng của khả năng tiến lên trên nấc thang sự nghiệp. Trong quầy tuyển dụng của một công ty sản xuất tấm ván đầu giường, danh sách công việc và tuổi tác tương ứng có vẻ như là một thời gian biểu thăng cấp vậy:
KẾ TOÁN THANH TOÁN: 25
TRƯỞNG PHÒNG MARKETING: 30
PHÓ GIÁM ĐỐC SẢN XUẤT: 35
Những công việc tuyển nhiều nhất là thư ký, tiếp tân, nhân viên bán hàng, bảo vệ và đầu bếp, ngoài ra nhu cầu tuyển nhân viên thiết kế khuôn và sửa máy móc cũng rất cao. Một công ty đang tìm người "có kỹ năng vận hành các máy móc của hãng Mitsubishi và Fujitsu". Các chức danh công việc khá đặc trưng và đôi khi gây bối rối: THU THẬP MẪU. CÔNG NHÂN ĐÍNH. THỢ HÀN BÌNH ÁP SUẤT. Ở đây sức mạnh công nghiệp của nước Trung Quốc hiện đại bị đập tan thành từng mảnh nhỏ, các mảnh ấy chính là con người.
Những cuộc phỏng vấn ở chợ việc là ra thường ngắn và thẳng thắn đến độ khốc liệt. Người tuyển dụng không làm bộ làm tịch rằng công việc giống như thứ gì đó để mà viết thư về nhà kể, ứng viên thoải mái thú nhận sự ngù ngờ của minh. Hiếm có cuộc phỏng vấn nào kéo dài hơn năm phút. Việc tuyển dụng thường xong xuôi ngay tại chỗ, cũng chẳng ai buồn đi kiểm tra lý lịch làm gì cả.
Ở quầy của nhà máy sản xuất khuôn Hồng Phong, một cô gái trẻ ngồi xuống.
"Lương chỗ chúng tôi không được cao lắm," người tuyển mộ nói ngay tức khắc. Sau đó là: "Cô đã làm việc với máy tính bao giờ chưa?"
"Rồi, tôi học sử dụng máy tính ở trường."
"Ừm, chúng tôi chỉ trả được sáu trăm."
Ở một quầy khác, một phụ nữ khác: "Cô có thể làm gì?"
"Tôi liên lạc với khách hàng, hầu hết là qua email, nếu họ đến văn phòng, tôi có thể tiếp đãi họ. Nếu công việc đòi hỏi chuyên môn nhiều hơn, thì tôi chẳng biết gì hơn cả."
Cô có thể làm gì? Ở hầu hết các thành phố trên đất Trung Quốc, những nơi mà yêu cầu để tìm một công việc là bằng đại học, tiền và các mối quan hệ, đó là một câu hỏi hiếm khi được đặt ra. Ở chợ việc làm Đông Quản, bạn sẽ không bao giờ nghe thấy: Anh,cô học ở trường nào? Anh,cô biết ai? Hay ít nhất là, Quê anh,cô có ở gần đây không? Lúc nào cũng chỉ là: Anh,cô có thể làm gì? Có biết sử dụng máy tính không? Có biết tiếng Anh không? Danh sách công việc, thường được viết tay trên những tấm thẻ in sẵn, thường là điền lung tung bừa bãi vào các ô có sẵn. Ở chỗ đáng lẽ phải điền địa chỉ, người sử dụng lao động thường xác định giới tính của nhân viên mà mình muốn tuyển, thay vì điền nghề nghiệp chuyên môn, một công ty có thể đưa yêu cầu chiều cao vào chỗ đó.
Không phải ai đến chợ việc làm cũng dám đi vào bên trong. Một đám đông tập trung trên vỉa hè trước một tấm bảng điện tử khổng lồ thông báo tìm việc, như thể người ta đã được định sẵn chỉ có thể mơ ước về một miền đất hứa mà họ không bao giờ đặt chân vào. Danh sách công việc chuyển động liên tục từ dưới lên trên, giống kiểu bảng giá chứng khoán, và đám đông nhìn chằm chằm như bị thôi miên.
o O o
Đến chợ việc làm lần thứ hai, Mẫn biết chính xác cần làm gì. Cô đặt mục tiêu cao, chỉ tiếp cận những công ty có công việc ở bộ phận nhân sự. "Thư ký là một vị trí rất thấp trong công ty, vì vậy tôi không tìm việc đó nữa." Trong các cuộc phỏng vân, cô hỏi về tốc độ thay thế công nhân và quy mô công ty, cô đang tìm một nhà máy nhỏ hơn, có nghĩa là ít cấp trên phải làm vừa lòng hơn. Cô né tránh những câu hỏi lý do tại sao cô lại bỏ công việc cũ. Đó là chuyện cá nhân, Mẫn đáp, rằng tốt hơn là không nói chuyện đó.
Và lần này, cô không còn thành thực hơn những người khác nữa. Ở quầy tuyển dụng của nhà máy cao su Thẩm Tinh, cô nói với người tuyển dụng rằng mình đã làm trong bộ phận nhân sự được một năm. "Nếu chị nói ít hơn," cô giải thích với tôi sau đó, "họ sẽ nghĩ chị không đủ kinh nghiệm." Cô được nhận với mức lương cao hơn lương người mà cô thay thế sáu đô la một tháng.
Mẫn bắt đầu làm việc ở bộ phận nhân sự của công ty ấy hai ngày sau đó, công ty này sản xuất các thành phần bằng cao su cho điện thoại di động và bàn phím máy tính.. Ngày làm việc của cô kéo dài tám giờ, nghỉ ngày Chủ nhật. Các nhân viên ở cấp độ cô ngủ bốn người một phòng tập thể, trong phòng có buồng tắm riêng và điện thoại. Cô kiếm được tám trăm nhân dân tệ một tháng, bao ăn bao ở - giống như công việc trước, kèm cơ hội thăng tiến nếu cô làm tốt.
Công việc mới của Mẫn là theo dõi các ghi chép về người lao động, biểu hiện, sai phạm và lương lậu của bốn trăm công nhân nhà máy. Cô đã từng giám sát máy móc, giờ thì cô chịu trách nhiệm ấy với con người, và có vẻ như đó là một công việc phù hợp hơn. Mỗi khi các công nhân đi tới cửa nhà máy, cô lại chặn họ lại để tuyển dụng. Anh,chị có chứng minh thư không? Anh,chị có kế hoạch ở lại bao lâu?
Cám ơn, cô đáp lại những người không trả lời đúng ý mình. Chúng tôi chưa tuyển người ngay lúc này.
Ngày mùng mười hằng tháng, bà vợ người Đài Loan của ông chủ nhà máy lại đến để trả lương cho công nhân và cầu Phật phù hộ. Mẫn sẽ theo bà chủ đi vòng quanh nhà máy - đến nhà ăn, cổng trước, và cùng chiếc máy nguy hiểm - hai người họ sẽ cầu Phật bảo vệ cho các công nhân và khiến công việc làm ăn thêm hưng vượng. Mẫn sẽ lặng lẽ cầu khấn cho gia đình và bạn bè cũng như ông bà đã sang thế giới bên kia của mình, nhưng cô không nói điều ấy với bà chủ.
Cô dần tiến bộ trong công tác chính trị văn phòng. Không lâu sau khi vào làm, ông chủ lớn gọi Mẫn đến văn phòng của ông ta. Người ở vị trí cô trước đây, ông ta bảo, nói rất nhiều và đã gây lỗi. "Cô không thích nói quá nhiều," ông ta khen ngợi.
"Không ạ," cô đồng ý.
Ông chủ mỉm cười. "Khi nào cô cần phải nói," ông ta lên tiếng, "cô nên nói. Nếu cô không được phép nói, thì đừng nói." Đó là quy tắc bí mật để tồn tại trong các công sở Trung Quốc, nhưng chưa từng một ai chia sẻ nó với Mẫn cả.
Lần này cô đã đối phó với cha mẹ mình một cách thành thục hơn. Cô không kể với họ rằng mình đã nghỉ việc. Thay vào đó, cô tìm một việc khác, gửi về nhà 120 đô la, sau đó gọi điện báo tin cho họ; cú chuyển tiền mặt là một đòn phủ đầu khiến họ sững sờ trong im lặng. "Họ không biết mọi việc bên ngoài diễn ra thế nào hết," Mẫn kể với tôi. "Vì vậy tôi làm chuyện gì đó trước, rồi kể cho họ biết sau."
Mọi người cô biết đều thay đổi, nhiều người trong số họ cũng đang vươn lên cao. Chị gái Mẫn ở Thâm Quyến đã được đề bạt lên làm thư ký điều hành, anh họ cô giờ là một quản lý ở Quảng Châu. Hai người bạn ở nhà máy cũ của Mẫn đã chia tách. Lương Dung về quê kết hôn với ai đó mà cha mẹ cô đã chọn lựa. Hoàng Kiều Nga, người đã chuyển tới làm việc ở nhà máy của Mẫn, đã nghỉ việc cùng ngày với cô và chuyển sang làm thư ký phụ trách sản phẩm ở đâu đó trong thành phố. Và sếp cũ của Mẫn cũng trở về Đông Quản. Anh ta rời Bắc Kinh về đây để làm cho một nhà máy sản xuất bít tất của Đài Loan, nhưng Mẫn không chịu gặp anh. Các công nhân ở nhà máy cũ của cô nói anh ta có ý đồ lãng mạn với cô. Cô đọc lại tin nhắn cũ của anh ta - Anh trai đang nhớ em gái đây - và cho rằng tin đồn đó là sự thật. Xét cho cùng thì người trưởng thành duy nhất đã tử tế với cô cũng không đáng tin cậy nốt.
Các nhà máy nhỏ cũng có vấn đề của riêng chúng, Mẫn đã nhanh chóng nhận ra những vấn đề ấy là gì. Nơi làm việc rất lộn xộn vô tổ chức, trách nhiệm của cô không bao giờ được làm rõ; cô phải hết sức vất vả để theo kịp tất cả nhũng nhiệm vụ ném lên đầu mình. Giống như người cũ, ông chủ mới của cô lúc nào cũng bấp bênh và có ý thức rất rõ rệt về địa vị. Mẫn tìm hiểu được rằng có rất nhiều người đàn ông Trung Quốc mắc khiếm khuyết này. Ông ta không thích cái kiểu Mẫn không xin phép ông ta trước khi làm bất cứ việc gì. Ông ta không thích việc Mẫn cư xử thân thiện với đám bảo vệ. Ông ta phản ứng lại bằng cách bắt đầu phỏng vấn các ứng viên vào vị trí của Mẫn - một đồng nghiệp, một đối thủ cạnh tranh hay một kẻ sẽ thay thế Mẫn.
Tháng Tám năm 2004, hai tháng sau khi đến làm việc tại công ty này, Mẫn nhận tiền lương và ra đi mà không nói với bất cứ người nào. Một đồng nghiệp cũ đã vào làm ở một nhà máy tại Thâm Quyến mời cô đến đó làm với anh ta, thế là cô quyết định đi. Cô ngủ qua đêm trong một khách sạn gần nhà máy; khi đang ngủ, kẻ trộm đã phá khóa và lấy đi chín trăm nhân dân tệ cùng chiếc điện thoại di động của Mẫn, nơi duy nhất cô lưu giữ số điện thoại của mọi người cô quen biết trong thành phố này; người đồng nghiệp cũ, mối liên hệ duy nhất với công việc mới, những bạn bè cô đã có từ khi rời khỏi quê hương lên thành phố, và cả người bạn trai ở quê nữa.
o O o
Chiếc điện thoại di động là khoản chi mua sắm lớn đầu tiên của hầu hết dân di trú. Không có điện thoại, gần như là không thể giữ liên lạc với bạn bè hay tìm một công việc mới. Thư từ giữa các nhà máy thường xuyên bị thất lạc, và gọi điện cho một công nhân qua số của nhà tập thể, nơi mà có thể có tới một trăm con người dùng chung một cái điện thoại cố định ngoài hành lang, là rất khó khăn. Điện thoại ở văn phòng trong nhà máy thường được lập trình sẵn để không cho thực hiện cuộc gọi ra bên ngoài hoặc tự động ngắt sau vài phút. Mà dù sao chăng nữa, người ta nhảy việc quá thường xuyên nên số điện thoại nhà tập thể và văn phòng đều nhanh chóng trở nên lỗi thời. Trong thế giới của những chuyển động vĩnh hằng này, chiếc điện thoại di động chính là kim chỉ nam, thứ ghim giữ một con người ở một nơi nào đó.
Tôi đã hiểu được tất cả những điều này một cách khá đau đớn. Trong những ngày đầu tiên ở Đông Quản, tôi làm bạn với rất nhiều người mới đến, những người chưa có điện thoại di động, rồi tôi đánh mất liên lạc với họ, hết người này lại đến người khác. Khi gặp Mẫn, tôi quyết định mua cho cô một cái máy nhắn tin, nhưng dịch vụ đó đã bất ngờ tan biến từ mấy năm trước, nên người bán hàng ở tiệm đồ điện tử chỉ cười giễu tôi khi tôi nói mình muốn mua một cái. Vậy nên tôi cho Mẫn một chiếc điện thoại di dộng để khỏi mất luôn cả cô nữa.
Trong thế giới của người di trú, chiếc điện thoại đi động là một ẩn dụ của nhịp sống đô thị không ngừng nghỉ. Một quản lý nhà máy giày đã tổng kết lại sự thiếu kết nối với thế giới xung quanh của người di trú như thế này: "Ở nhà họ chẳng có điện thoại gì hết, và rồi đột nhiên họ ở đây và nó là Nokia 6805." Để mô tả lại cuộc sống ở nông thôn, một phụ nữ trẻ bán bảo hiểm nói với tôi rằng, "Ở nhà họ chuyền tay nhau một chiếc di động." Người ta nói về mình bằng những thuật ngữ dùng cho điện thoại di động: Mình cần sạc. Mình đang tự nâng cấp. Các ông bố bà mẹ của những cô gái di trú xa quê hương không tin tưởng vào điện thoại di động một cách bản năng, một số người còn cấm con gái mình mua một chiếc. Điện thoại di động, thiết bị cho phép và thậm chí còn cổ súy liên lạc bí mật với người lạ, là tất cả mọi thứ, trừ cuộc sống ở cộng đồng làng quê.
Một cô gái có thể đánh tín hiệu tình cảm của mình với một chàng trai trẻ bằng cách đề nghị trả hóa đơn điện thoại di động của anh ta. Các cặp đôi tuyên bố tình cảm chung thủy của mình bằng cách dùng chung một điện thoại, mặc dù thi thoảng những mối quan hệ này đã tan vỡ khi một người lén đọc tin nhắn gửi riêng cho người kia. Những người di trú mà tôi biết tốn rất nhiều thời gian để chăm sóc cho những chiếc điện thoại của mình - họ đổi số liên tục để được hưởng dụng những gói cước rẻ hơn, và đổi thẻ điện thoại khi đến một thành phố khác để tiết kiệm phí chuyển đổi cuộc gọi. Đó là tâm lý ngắn hạn ở Đông Quản này: tiết kiệm vài xu lẻ vẫn tốt hơn, thậm chí việc đó có làm mất liên lạc với một số người.
Công nhân di trú là lý do chính để thị trường điện thoại di động Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất thế giới, nhưng cảm giác của những người làm trong ngành này đối với họ lại rất phức tạp, một người bạn làm trong ngành công nghiệp viễn thông của tôi cho biết: có vẻ như họ [các công ty viễn thông] hạ giá cước là vì họ [người dùng] chỉ muốn trả tiền cho dịch vụ nào rẻ nhất. Văn hóa đại chúng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực: tôi cũng được nghe người ta nhận xét rằng, chất lượng nhạc pop Trung Quốc tệ hơn trong vài năm trở lại đây, bởi dân di trú thường chọn những bài hát ít phức tạp nhất làm nhạc chuông cho những chiếc điện thoại của họ.
Có hàng trăm nhà máy ở Đông Quản sản xuất linh kiện điện thoại di động, dường như mọi đại lý cấp ba trong thành phố này đều là cửa hàng bán diện thoại di động. Thành phố này cũng là một vùng thịnh vượng của ngành kinh doanh điện thoại ăn cắp. Một số quận nổi tiếng vì tỷ lệ trộm cướp điện thoại di động quá cao, một trong những chiêu được sử dụng là phóng xe máy lao nhanh trên vỉa hè và giật điện thoại khỏi tai người đi bộ, khi họ đang dở câu chuyện. Những chiếc điện thoại bị đánh cắp được thay vỏ khác và bán như đồ mới. Gia công, bán, ăn cắp, đóng gói lại và bán lại, chiếc điện thoại di động tựa hồ như một nguồn tài nguyên có thể làm mới vô tận giữa lòng nền kinh tế Đông Quản.
Điện thoại di động đồng thời cũng là sợi dây liên kết Mẫn với thành phố này. Cùng với chiếc điện thoại bị mất cắp, quan hệ bạn bè một năm rưỡi của cô cũng biến mất như thể chúng chưa bao giờ từng tồn tại. Cô lại đơn độc một lần nữa.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng