One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 63
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ề tới nhà thì thấy đèn đuốc đỏ rực, người ta lao xao. Hai Liêm hỏi tôi:
- Bộ ông bà nông dân lấy nhà chú làm điểm họp hành sao vậy?
Tôi pha trò.
- Đó là trường tiểu học hỗn hợp đó anh Hai. Anh có huấn thị gì không?
- Tiểu học gì? Sao tôi chưa hay? Huấn thị cái con khỉ già.
- Nó không nằm trong hệ thống Giáo Dục của anh nên anh không biết chớ gì.
Khi vào nhà anh mới vỡ nhẽ ra đó là lớp học của vợ tôi. Ba chục trẻ con chớ ít ỏi gì! Nhưng để bảo đảm sinh mạng học trò lẫn cô giáo, lớp học phải tiến hành ban đêm. Không có bàn ghế, không có bảng đen, không cố phấn. Mỗi đứa phải mang dầu đèn và một tấm ván nhỏ để kê trên bắp vế làm bàn. Tôi lấy một tấm cửa ván dựng lên và vợ tôi có sáng kiến lấy than trong bếp thay cho phấn.
- Rủi trực thăng soi, pháo bắn rồi làm sao?
- Thì cứ nằm xuống, tắt đèn, sống chết phó cho trời.
Hai Liêm lắc đầu:
- Cái Ban Giáo Dục của tôi đến giải tán mất. Sự thực hiện giờ Ban Giáo Dục chỉ còn trên danh nghĩa. Toàn tỉnh đâu còn cái trường nào. Giáo viên thì đi bồi mía, gặt cấy mướn hoặc làm việc khác để kiếm sống, còn học trò thì cha mẹ bắt ở nhà hết ráo!
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Vừa được tiền chiều nay thì sáng mai bị chụp to. Sư Đoàn 9 hành quân trên Cao Mên đuổi Việt Cộng hơi mệt nên tìm nơi dưỡng quân. Tội nghiệp, xã Tân Hào được chọn làm nơi nghỉ xả hơi của họ.
Tôi đành phải chạy theo Hai Liêm và Tư Mô, bỏ nhà bỏ vợ mất ba ngày. Ba Dành là người tốt bụng nên thấy tôi vắng nhà thì đem vợ tôi về cải trang thành cô thôn nữ lọ lem ở chung trong gia đình. Một đơn vị của Sư Đoàn 9 đóng ngay trong vườn chuối của Ba Dành.
Khi họ rút đi, tôi mới trở về, bụng phập phồng lo sợ, không biết chuyện gì đã xảy ra ở nhà. Chẳng ngờ vợ tôi vui vẻ và tỉnh bơ kể chuyện lại với tôi:
- Lính Sài Gòn tinh mắt thiệt anh ạ!
- Tại sao?
- Họ hỏi em sao mặt mày sáng sủa vậy mà không ra thành ở? Em nói loanh quanh một hồi, một người trong đám họ bảo: cô này là dân thành chớ đâu phải dân nông thôn. Họ thấy con anh Dành nhặm mắt, họ cho pommade xức.
Nàng kể tiếp:
- Họ bắt được ông Mười Đờn ở Văn Công tình với cây đờn kìm. Ổng định leo lên ngọn dừa mà trực thăng bắn rát không leo kịp.
- Rồi làm sao?
- Khi biết được ổng là Văn Công thì họ bảo ông đờn cho họ nghe rồi họ thả (*)
(*) Tôi có viết truyện này trong tập “Con Người Vốn Quý Nhất” xb hồi 1989.
- Trời đất, thiệt à?
Chị Ba Dành thêm vô:
- Thiệt mà chú Hai. Cái ông đờn kìm đầu bạc trắng. Ổng ngồi trên cối giã gạo ổng đờn lẳn tẳn con nít bu lại như coi văn công. Ổng đờn một hồi rồi ông chỉ huy cho gói thuốc biểu về nhà làm ăn đừng theo Việt Cộng nữa, kỳ sau bắt được không tha. Việt Cộng là ai vậy chú Hai?
Chị hỏi tôi. Tôi cười:
- Việt Cộng là ông Ba Dành hội viên nông hội đó!
Tôi dắt vợ tôi về nhà và móc trong túi ra cả nạm me chín lẫn me dốt. Lâu nay cô nàng thèm chua nên mỗi lần chạy, bận về, gặp me, khế, ổi, tôi đều xin đem về thưởng cho nàng. Cây me già ở Ngã Ba Giồng Chùa đã ban cho chúng tôi nhiều ân huệ nhất. Vợ Ba Sơn cũng đang mang bầu, nên thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng gọi từ ngoài đường vọng vô:
- Anh Hai ơi t Đi Giồng Chùa không?
Thì tôi biết đó là công tác trèo me của hai thằng đàn ông sắp được làm bố. Ba Sơn là người tốt bụng vô cùng. Lúc nào chạy chụp mà có y thì tôi khỏi lo đói. Vì vùng này toàn là bà con bên vợ y. Có nhiều bữa gặp đám giỗ, tha hồ bồi dưỡng cặp giò.
Thấy tình hình quá căng thẳng, tôi và Ba Sơn tìm chỗ đào hầm bí mật. Chúng tôi làm được một cái. Đất giồng, toàn cát, dễ đào, lại không ngập nước. Chúng tôi chỉ dùng có một lần. Đó là lần duy nhất trong đời tôi sống dưới hầm bí mật trong ba tiếng đồng hồ. Cũng may, lính chỉ đi qua. Nếu chúng đóng quân thì không biết cách nào chui lên. Nhớ tụi thằng Lê Anh Xuân và thằng Hồng Đức chết ngộp dưới hầm ở Long An mà ớn quá. Ba Sơn biết tôi có cây “cun” trong túi xách con nên dặn:
- Hễ bị moi thì mình bò lên chớ anh đừng bắn nghe anh Hai. Để mình sống mà nuôi vợ nuôi con!
Tôi bảo thầm: Chú mày đừng lo tôi bắn. Nó vừa đến là tôi chui lên liền, không đợi mời. Tôi mà bị bắt như Mười Đờn thì được tha tôi không về!
Tôi luôn luôn bàn với Ba Sơn nay mai lấy nhà bảo sanh ở đâu cho vợ đẻ? Ba Sơn cho biết y sẽ gởi vợ về gia đình ở thị xã Bến Tre. Y hỏi.
- Còn anh?
- Chắc cũng phải vậy thôi. Nhưng tôi gởi về Mõ Cày.
- Phải tính sớm đi anh ạ. Tôi coi bộ tình hình căng đến nơi rồi.
- Nó xơi tái xong Cù Lao Minh thì nó sẽ sang xào ròn Cù Lao Bảo chớ chạy sao khỏi.
- Bên này khu giải phóng hẹp hơn bên Minh nhiều.
Muốn có vợ thì đã có vợ. Muốn có,con thì sắp có con. Còn muốn gì nữa. Côn nhiều chứ! Muốn cho vợ con an toàn, no ấm, muốn cho gia đình sống chung được một mái nhà không chồng Bắc vợ Nam. Làng tôi giờ đây nát như tương. Việc nhà việc nước không xong việc nào.
Số là tôi có hai thằng em, thằng Tâm con cậu Bảy, thằng Đức con dì Năm. Hai đứa thi rớt Tú Tài sợ ở lại Sài Gòn bị bắt đi quân dịch nên cậu và dì tôi giữ chúng ở lại nhà ngoại tôi, nhưng ở lại nhà thì lại bị Giải Phóng bắt dân công chiến trường nên một lần, hồi ngoại tôi còn tại đường, tôi về thăm nhà thì dì và cậu tôi gởi hai em đi theo. Không gì thì cũng nối được chí của cha mẹ ngoài ra còn tránh được cái vụ quân dịch. Dân Miền Nam thời đó khổ thay. Sống giữa lưới đạn bom. Không biết phải tránh né bên nào. Theo VC thì ăn đạn Quốc Gia. Theo Quốc Gia thì xơi mã tấu Cộng Sản.
Cậu Bảy tôi đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, còn dượng Năm tôi là chiến sĩ cách mạng từng bị tù Côn Đảo. Nay hai em tôi đi theo giải phóng thì cũng xuôi chèo lắm, hơn nữa dưới sự “dìu dắt” (!) của tôi thì vui biết chừng nào. Tôi đem gởi thằng Tâm cho chị Sáu Hòa Phụ Nữ Giải Phóng Tỉnh còn thằng Đức được Văn Công nhận vào đoàn. Vào đây Đức phải lòng một cô nữ diễn viên múa. Đức muốn tôi nói đùm một tiếng. Nhưng tôi biết những cô nhảy cóc nhảy nhái này. Trong khu có câu: “Má văn công, mông hộ lý (hay y tá)” nên gạt ngang. Nó cũng biết nghe lời nên quác ra. Về sau khi đoàn chạy thục mạng qua Tân Hào thì cậu em lại để ý một cô con nhà dân giả ở gần mé sông Cái Hàm Luông. Tuy cách sông như vậy, nhưng Tân Hương Tân Hào đường chim bay thì chỉ chừng ba, bốn cây số. Ngày trước bộ đội anh Hai Phải từ Vàm Cái Mít băng qua Vàm Tân Hương bằng xuồng bơi trong vòng một tiếng đồng hồ.
Đức bèn nhờ người về Tân Hương rước dì Năm tôi sang cưới vợ cho nó. Dì Năm tôi lên bến Tre và đi đò máy xuống.
Do đó tôi mới có dịp gặp dì Năm tôi. Và cơ hội “ngàn năm có một”: Tôi gởi vợ tôi về nhà. Bấy giờ cái bụng của vợ tôi đã lớn. Đêm nào tôi cũng để tay lên bụng vợ tôi để nghe đứa con máy, có khi máy mạnh, có khi máy nhẹ, nhưng tôi đều nghe cả đất trời rung rinh theo “cái máy” của con tôi. Có niềm vui nào hơn niềm vui của thằng con trai sắp được làm cha. Chạy chụp về tới cửa, câu đầu tiên của tôi là: “ở nhà con có máy không em?” Vợ tôi đáp: “Có! Con
máy hai ba lần!” Tôi cụ thể hơn: “Mấy cái mạnh, mấy cái nhẹ?” Đêm nằm, tôi luôn luôn thủ sẵn chiếc đèn pin trên
tay, hễ vợ tôi kêu: “Con máy mạnh đau quá!” thì tôi bật đèn lên để nhìn con tôi máy trong bụng vợ. Thật là huyền diệu, mầu nhiệm thay đấng Hoá Công đã tạo nên con người.
Vợ tôi phải bỏ dạy một đêm để chia tay với đám học trò. Cô giáo vườn và đám học sinh ngây ngô nhếch nhác quyến luyến nhau vô cùng. Chúng khóc mùi mẫn. Con của anh Ba Dành, thằng Bút, thằng Tải, thằng Luận, con Nâu, con Yến… là những người bạn tí hon của chúng tôi trong những ngày tá túc ở đây. Chính chúng là niềm vui của vợ chồng tôi. Thằng Tải giỏi ngoéo cua biển. Mỗi lần bắt được một con, nó đem lại cho, chúng tôi trả tiền, nó không lấy. Nhà thằng Định có nhiều dừa khô, thỉnh thoảng nó xách đến cho chúng tôi một cặp. Đêm nào cũng vui như đêm nào nhờ có tiếng học ê a của chúng. Bây giờ bỗng đứt ngang tình cảm. Tôi bảo tôi sẽ dạy tiếp theo cô giáo, nhưng sau đó tôi buồn quá lơi dần, rồi nghỉ hẳn.
Tôi gói ghém mọi món đồ tế nhuyễn của vợ tôi dồn vào cái xách tay bằng ni-lông, gia tài chỉ có thế, rồi đưa vợ ra Thạnh Phú Đông, gần bến đò máy đi Bến Tre. Vợ chồng tôi ở tạm trong nhà bà suôi sau này của dì Năm tôi.
Dì Năm ôm vợ tôi khóc ròng. Đêm đó tôi không ngủ được vì xa vợ xa con.
Đêm chia ly, tôi nằm bên vợ tôi, tay để trên bụng vợ chờ nghe con cựa mình để cảm thấy giờ phút làm cha gần hơn, để được sờ đứa con rõ hơn qua làn da bụng của vợ.
Mới đám cưới đây mà đã có con. Lạy Trời, lạy Phật. Tôi xin đội ơn Người đã mang đến cho tôi và dòng họ tôi một niềm vui vĩ đại mà suốt hai mươi năm theo đảng tôi đã bị chúng cướp mất.
Tôi dặn vợ tôi đủ thứ chuyện như một bà già xưa. Nào đừng có làm công việc nặng, đừng có bước lên bước xuống thềm cao, đừng xem đánh lộn, đừng ăn món gì và nên ăn món gì.
- Anh muốn em về đâu? Về má trên An Định hay má dưới Hương Mỹ?
- Má nào cũng được, miễn về nhà mình thì thôi.
Tiếng còi điện của đò máy văng vẳng đưa từ phía Sơn Đốc. Người đi thị xã Bến Tre lục tục kéo ra bến. Họ từ trong vườn men theo một bờ ranh lớn, gánh, xách rau cải bầu bí gà vịt, khiêng cả heo đem lên thành bán. Tiếng người trò chuyện, tiếng gà vịt heo cúi hòa lẫn nhau cùng với những ngọn đuốc chấp chới trong buổi hừng đông, làm thành một nét sinh hoạt đặc biệt của khu giải phóng. Dì Năm tôi bảo:
- Dì đưa vợ cháu về nhà ngoại ở Tân Hương trước, dì sẽ nghe ngóng tình hình trong Hương Mỹ rồi nếu êm ái dì sẽ đưa nó về nhà cháu ở với má cháu. Nếu tình hình còn lộn xộn thì dì để nó ở với dì một thời gian rồi sẽ tính sau. Chừng nào nó sanh xong, cứng cát dì sẽ đem mẹ con nó qua thăm cháu. Ờ, chắc chừng đó sẽ tới đám cưới thằng Đức. Mọi việc đã xong, chờ ngày cưới.
Đèn pha sáng rực của chiếc đò máy xuyên thủng màn sương lù lù tới. Khách khá đông nhưng không ai chen lấn vì nếu hụt chuyến này còn chuyến khác ngay sau đó. Vợ tôi gục đầu vào vai tôi, nức nở, không ra lời.
- Anh ở lại cho cẩn thận, ít bữa em qua!
Tôi không nói gì hết. Đã nói cả ngàn chuyện đêm qua rồi. Tôi rọi đèn pin lên chiếc đòn dài và dắt nàng bước lên đò. Mọi cuộc biệt ly đều giống nhau: nước mắt và hứa hẹn tái ngộ. Dì Năm tôi bảo:
- Lên tới Bến Tre dì sẽ ghé nhà mợ Tám và nhắn tin cho cháu.
Nhà mợ Tám tôi bị cháy rụi trong Mậu Thân nay mới dựng lại bằng tôn gỗ của Ty Xã Hội cấp. Sau này, khi hồi chánh, tôi đi thẳng một mạch từ Châu Đốc xuống đây và bảo thằng em con mợ lên báo tin cho Bộ Chiêu Hồi.
Đò lui. Tôi nghe như chết nửa thân người. Từ trước tôi chỉ chia tay với người yêu. Lần này chia tay vợ và con. Đau khổ gấp trăm lần. Sông Hàm Luông, một trong những ngành lớn của Cửu Long Giang, tôi đã vượt qua cả chục lần từ 1945 tới nay, bây giờ tới vợ con tôi, con sông máu và nước mắt. Tuy từ đây lên thị xã đò chỉ chạy ba tiếng đồng hồ, nhưng tôi vẫn lo sợ.
Tôi trở lại nhà nhạc mẫu em Đức, chờ tin từ Bến Tre. Chiều hôm đó, đò về tới. Chủ đò cho tôi biết rằng vợ tôi đã tới Bến Tre.
Tôi càng nung nấu ý chí về thành. Một ngàn cái cách mạng, một trăm cái giải phóng này tôi cũng bỏ. Mười năm ở Hà Nội tôi trốn không thoát. Ba năm ở Miền Nam việc bỏ CS chỉ là một bước như, nhưng gia đình tôi còn ở ngoài khu giải phóng. Tôi đi là bọn du kích mừng lắm vì chúng sẽ có cớ bắt má tôi và cướp của cải tôi. Tôi nằm ở đây ẩn nhẫn chờ quân Bình Định hoàn thành việc chiếm đóng Cù Lao Minh là xin chào. Không luyến tiếc chút gì.
Nói thì dễ, nhưng trên thực địa thì không. Đã lỡ tay trót đã nhúng chàm rồi, khó rửa sạch, cũng như theo Cộng Sản không dễ gì rứt ra. Cộng Sản không rộng lượng như người Quốc Gia. Chúng là loại người đê tiện nhất thế gian. Chúng có thể làm bất cứ việc gì để trả thù.
Tôi trở lại nhà anh Ba Dành với một tâm sự não nề chán chê tê tái. Giá tôi vứt ba lô súng ngắn nhảy xuống đò đi luôn với vợ tôi thì giờ này tôi đã ở nhà mợ Tám tôi, rồi ra chợ uống nước đá, hoặc dạo chơi ở bờ Hồ giếng nước cũ Bến Tre rồi.
Về sau, các vị trong Ban Chỉ Huy đoàn Văn Công Tỉnh đã chuồn về thị xã bằng những chuyến đò máy này. Một tay là trưởng đoàn, nhạc sĩ đờn kìm đã từng vô dĩa Pathé, một tay là bí thư chi bộ đoàn. Cả hai đã ngụy trang thành những ông già rồi rã bành tô luôn. Nhiều em về nhà trong vùng Quốc Gia vừa chiếm lại, lấy chồng, nhiều em vọt thẳng lên Sài Gòn. Sau này có vài em gặp tôi. Số còn lại bị hốt ở Thạnh Phong, sẽ kể tới.
Về đến nhà gặp chị Ba Dành và mấy đứa con đang quét dọn sân trước. Chị Ba hỏi.
- Chú đưa thím ra đò rồi hả?
Đám con chị cũng hỏi làm cho tôi suýt bật khóc.
- Thím Hai chừng nào trở lại, chú Hai?
Tôi vò đầu chúng, an ủi:
- Ít bữa thím qua.
Tôi vào nhà, vô buồng. Hoang vắng kinh hoàng. Tôi ra sau múc nước rửa mặt. Thấy như vợ tôi còn đó, đứng xách nước đổ vô lu và lóng phèn để xài hằng ngày. Một lần tôi chạy chụp về, thấy vợ tôi ngồi nôn ọe bên chiếc lu. Cả tôi lẫn nàng đều không biết đó là hiện tượng gì. Mãi sau vợ Ba Sơn mới cho biết và Ba Sơn rủ tôi đi hái me ở Giồng Chùa. Gói me, trái bưởi tôi đem về kỳ rồi, nàng còn bỏ lại đó càng gợi thêm buồn. Tôi ra sân nói mấy lời cảm ơn chị Ba trước khi dời địa điểm. Chị la lên.
- Chú đi đâu? Thím đi về thì chú ở đây với vợ chồng tôi chớ? Tụi nhỏ mến chú thím lắm.
- Tôi cũng ở gần đây thôi chị Ba à! Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh chị và các cháu.
Tội nghiệp con nít xóm này mới học được nhấp nhem, bây giờ không có cô giáo. Tôi phải gạt nước mắt lặng lẽ ra đi. Trong đám dân địa phương chạy chụp dù tôi có quen với Sáu Tiến. Tiến là chi ủy viên xã, có đi học lớp đào tạo cán bộ gì đó trên R, có nghe Trần Bạch Đằng diễn thuyết. Tôi tìm tới y chớ không nhờ Mười Lết nữa, để nhờ giúp cho tôi một chỗ ở. Sáu Tiến dẫn tôi đến nhà Năm Tích là anh ruột của y và gởi tôi ở đó “cho có bạn” chạy với nhau. Năm Tích chỉ có một đứa con gái chừng mười tuổi. Vậy là chuyện ăn ở rất gọn.
Tôi cố gầy dựng lại lớp học của vợ tôi để có gạo ăn, ba chục lít một tháng là một nguồn lợi rất lớn, và giữ quan hệ với bà con trong xóm, để có việc gì thì được sự giúp đỡ, như đau ốm, nhất là bị thương tìm được cái gọi là “y xá” trong khu giải phóng cũng không dễ hơn ở Trường Sơn. Người ta giữ bí mật triệt để, đến nỗi thương binh tìm không
ra phải khiêng trở về và đành chịu chết.
Đó là trường hợp của em Hồng, một thanh niên ở xóm. Nhà Hồng khá giả có ruộng và nhiều đìa ao, nơi tôi thường chọn tép đã kể trên kia. Một hôm Hồng khoe với tôi sẽ tát cái ao trước cửa nhà và mời tôi đến ăn tôm nướng. Tôi cũng đến hụ hợ để chốc nữa ăn cho mạnh miệng.
Nước giựt xuống quá nửa ao. Bùn đất bị khuấy lên. Tôm càng xanh bị xốn mắt nổi lên quơ râu đỏ cả mặt nước. Hồng kêu cô em gái cắt rau sống và đi mua bánh tráng ở lò gần đó. Tất cả hứa hẹn một bữa tôm nướng đã đời. Nước còn chừng một gang thì lộ đáy ao, Hồng lội xuống quơ bắt những chú tôm càng xanh đang hết nước sống. Khi ra tới giữa ao Hồng càng quơ mạnh. Tôm đầy một giỏ đìa.
Bỗng “ụp” một tiếng. Bùn chung quanh Hồng bắn lên. Một người trên bờ reo lên:
- Cha chả, cá trê trắng to lắm.
Hồng nhăn mặt và biến sắc. Một ông già bảo:
- Bộ bị cá trê chém rồi hả?! Không sao, tôi có bùa. Ngắt cái đuôi nó dán vào vết thương và miệng nói “không nhức, không nhức”, chừng một hồi thì khỏi.
Nhưng Hồng khuỵu xuống và gục mặt trong bùn. Không ai rõ chuyên gì lạ vậy. Mấy người đứng gần đó nhảy xuống lôi Hồng lên. Chân phải của Hồng máu me dầm dề. Không phải cá trê trắng mà là lựu đạn. Trời ơi! Ác thế! Cô em gái Hồng chạy đi báo tin. Ông già của Hồng đang làm ngoài đồng nghe vậy chạy bò càn. Bờ lộ không đi, ông lủi dưới mương, vừa lội vừa la như điên.
Vết thương Hồng đã được băng bằng cả chiếc mùng cũ xé ra. Nhưng máu không ngưng chảy. Bị thương ở giữa đất sình, vết thương làm độc. Hồng bất tỉnh ngay sau đó. Hồng được chở đi tìm bệnh xá, quân y xá, đủ thứ xá, bất cứ chỗ nào để được một tí thuốc đỏ bôi vào và một bàn tay cứu thương mó tới, nhưng chèo đi ba đồng bảy đổi suốt nửa ngày và một đêm. Đến chỗ này, người ta bảo ở chỗ kia, đến chỗ kia lại được biết y xá mới vừa dời. Rốt cuộc, cậu thanh niên 18 tuổi chết vì phong đòn gánh.
Người nhà cậu chửi rủa mấy ông nội du kích lúc trời mưa ghé lại rửa chân đã làm rớt lựu đạn dưới ao rồi không dám mò, bỏ luôn. Nhưng mấy ông nội thì đổ thừa đó là đạn M79 của Thủy Quân Lục Chiến mới vừa càn.
Thiên hạ hoang mang không ai dám chịu cha ăn cướp. Lúc cởi băng ra lau vết thương để tẩn liệm cho thằng nhỏ thì thấy một miểng lựu đạn trong quần cậu ta.
Chuyện du kích gài lựu đạn chết dân là sự thường. Không ai bắt đền bồi hoặc kiểm thảo gì cả. Vì “đó là họ chống càn, giặc rút họ quên không gỡ, dân có lỡ đạp chết thì thôi. “
Gài lựu đạn thời kỳ chống Mỹ không có vui vẻ dễ ăn và dễ trở thành anh hùng như trước. Thời Pháp, lính ruồng đi bộ, du kích có thể biết trước đường đi của chúng cả giờ đồng hồ. Du kích tha hồ gài và ngụy trang rồi lui vào bụi lùm xa xa ngồi chờ kết quả. Còn bây giờ lính chụp dù không đi đường lộ, mà nhảy cóc hoặc có trực thăng vừa bắn vừa dẫn đường. Cho nên mấy ông nội, cứ phóng chừng mà gài cho thật nhanh rồi phóng. Có khi ông nội gài, ông ngoại đạp. Có khi gài rồi không nhớ chỗ, vì lúc gài bị trực thăng bắn rát nên không làm dấu kịp, lúc rút, trở ra tìm không thấy loay hoay một chập lại dẫm lên lựu đạn của chính mình. Hoặc có nhiều ông nội làm biếng, gài không nổ rồi bỏ luôn, kẻ nào đạp ráng chịu. Ai mà truy cho ra tác giả. Hoặc tệ hơn nữa, các ông vô tình gài trên đường thoát thân của dân cán.
Thằng Hồng chết vì mảnh lựu đạn cũ lại quết đầy bùn non sình thối, cũng chưa bi thảm bằng cái chết của ông Năm Hữu, Khu ủy Viên khu 8. Ông là thầy giáo dạy trường Mõ Cày. Khi kháng chiến bùng nổ, ông bỏ trường đi theo tiếng gọi non sông làm trưởng ban tuyên truyền tỉnh, sau thầy Ngọc, trong ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh tỉnh của ông Mười Huệ.
Ra Bắc ông được cho làm phó một thời gian rồi gởi về Nam. Đạo đức của ông cao lắm nên ông được mệnh danh là Cụ Hồ Con. Ông dư sức vào Khu Ủy nhưng tụi đàn em trong này giành hết ghế, ông không có chỗ. Trung ương phải điện vào chỉ định ông làm Phó Bí Thư Khu Ủy thì đàn em mới chịu nhín cái rìa ghế cho Cụ Hồ Con ngồi tạm.
Ông là trí thức nên muốn đi đường thành đến các tỉnh ông phải phơi nắng cho tiệp với nước da lãnh đạo của bần cố hỉ để không bị nghi ngờ. Ông về Bến Tre gặp tôi hai ba lần. Vì không có quan hệ cũ cũng không có quan hệ trong công tác hiện tại, chỉ dính tí bà con nên gặp nhau chỉ chào hỏi rồi mạnh ai nấy lủi. Kỳ đó ở Tân Hào, ông gặp tôi, bảo:
- Cháu cẩn thận, tụi du kích ở đây gài lựu đạn ẩu lắm!
Chẳng ngờ vài hôm sau ông lại chết vì một trái lựu đạn gài. Không phải của du kích mà chính của tên cận vệ ông. Nghe pháo nổ dọn bãi ở Bào Sen, anh chàng cận vệ vác lựu đạn gài chặn đường vào căn cứ mà không cho ông biết. Ông ra ngoài chỗ trống ngước nhìn con đầm già bắn điểm. Ông né qua né lại thế nào mà lại giẫm trên quả lựu đạn… Cái chết của ông Cụ Hồ Con làm rúng động cả một vùng. Tỉnh Ủy đã giấu nhẹm tin này. Tội nghiệp thay vợ con ở trong thị xã mà không cho hay. Cứ mỗi lần ra thăm, họ được đám Tỉnh Ủy cho biết ông về khu hoặc lên R hội nghị, nào ngờ ông đi công tác vô thời hạn ở âm ty.
Ở Củ Chi năm 1967, chẳng khác Nam Bộ kháng chiến 1946: cưa tay chân thương binh bằng cưa thợ mộc không có tê, mê. Đó là bác sĩ Tám Lê, anh hùng quân đội Việt Cộng.
Ở Bến Tre bác sĩ mổ chiến thương trên xuồng, nước lớn lắc lư và bác sĩ đứng dưới nước ngập đến ngực. Đó là bác sĩ Bích. Trên đầu thì đầm già quần tìm điểm. Tôi trông thấy tận mắt. Ai có thể bịa ra nổi những chuyện như vậy?
Tư Mô cứ than vắn thở dài với tôi:
- Nếu bắt tôi phải chết, cho tôi xin cá i chết bình thường, đừng quá bi thảm.
Bình thường sao được? Cuộc sống này đã là một sự mọi rợ rồi. Lúc này quân Bình Định đã ổn định hoàn toàn Cù Lao Minh. Đi tới đâu như chẻ tre tới đó. Dân cán chính cấp tỉnh chạy thoát thân qua bên Cù Lao Bảo, chỉ còn đám huyện xã ở lại mặc tình chui hang.
Rồi cuối cùng Cù Lao Bảo cũng không yên. Những cuộc chụp liên tiếp của Sư Đoàn 7, Sư Đoàn 9, Thủy Quân Lục Chiến có phù hiệu con ó đậu trên trái đất, Biệt Động Quân, Trâu Điên sau Tết Mậu Thân đều thừa thắng xông lên. Không ngày nào là tôi và Tư Mô không chạy. Chạy ngày không giờ, tuần không thứ, ban ngày không đủ tranh thủ ban đêm. Còn nói gì đến việc sáng tác. Tư Mô cười buồn:
- Mình càng chạy xa chiến thắng càng gần!
Một hôm nằm ở quán Bà Mười, vặn đài Sài Gòn nghe tin lén, bỗng Tư Mô la lên:
- Thằng Dương Văn Đức ca-ma-lố của tôi!
- Sao?
- Nó làm tới Trung Tướng.
- Anh quen nó hồi nào?
- Nó học Le Myre de Vilers với tôi. Mà bây giờ nó vậy, mình vầy. Chú coi đó.
- Thì tại nó đi bên kia mình đi bên nầy, nên nó vậy mình vầy, còn than nôi gì bác nó! Ai biểu già rồi còn ham vui chi mà bây giờ than thở!
Từ đó tôi và Tư Mô dính với nhau sinh tử bất ly, khi thì ở Thạnh Phú Đông, lúc lên Phước Long, lúc lại sụt về Tân Hào, tùy tình hình, nhưng nói chung không ngày nào nghỉ chân trên con đường chạy đua với trực thăng, lủi trốn chẳng khác gì hồi bác bí mật đi tìm hình của nước.
Đoán chừng vợ sắp sanh, hằng ngày tôi từ Tân Hào lội ra Thạnh Phú Đông để đón đò máy hỏi tin tức. Tôi đã dặn các em con cậu Tám tôi ở Bến Tre, hễ vợ tôi sanh thì đến đò máy Sơn Đốc nhắn cho tôi hay liền.
Một bữa tôi vào một ngôi nhà thật tồi tàn, gặp một bà già hom hem. Trong lúc ngồi đợi đò, qua câu chuyện xã giao, tôi được biết đó là bà vợ của một anh hùng trong thời kỳ chống Pháp: anh Phan Văn Kích, tự Ba Kích, Chỉ Huy Phó, sau lên Chỉ Huy Trưởng bộ đội Đoàn Trần Nghiệp, gốc là bộ đội của Hai Phải.
Nguyên hồi đó ở bên Cù Lao Bảo có hai nhóm tự động võ trang, một là nhóm của anh Phan Văn Phải tự Hai Phải do anh và hai người em ruột của anh là Ba Kích và Năm Hà gây dựng. Nhóm thứ hai là nhóm của Đồng Văn Cống, tức Bảy Cống.
Anh Hai Phải đã anh dũng hi sinh trong trận hạ đồn Cầu Mống tại làng tôi. Sau đó anh Ba Kích và anh Ba Lắm lên chỉ huy thay cho anh Hai Phải. Anh Kích hi sinh trong một trận đánh đồn ở Trà Vinh. Năm Hà tiếp tục chỉ huy thay hai anh.
Đó là những người hùng yêu nước tuyệt vời, không đảng phái không cờ đỏ Mác Lê gì cả. Thế nên khi Năm Hà tập kết ra Bắc thì bị coi như một con người tầm thường, công lao bị phủi sạch. Thói thường Cộng Sản là như thế. Khi còn lao đao lận đận trốn chui trốn nhủi trong chuồng heo thì khác. Nhưng khi đớp được mồi ngon thì bọn đầu xỏ quên hẳn nhờ ai chúng được lên ngôi. Một vạn trường hợp như thế đã xảy ra cho cán bộ Nam Kỳ. Ba anh em Hai Phải là một trường hợp. Một lần tôi đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tìm đến thăm chú Năm Hà thì thấy chú đang ở một cái chòi gần Cầu Rào. Chú đi săn vịt trời bán lấy tiền sinh nhai. Bây giờ về Nam tôi gặp bà góa phụ Phan Văn Kích, nghèo nàn và cô độc sống trong một ngôi chòi tranh. Bà có một cô con gái tên là Huấn Ngọc đang làm biên đạo trong đoàn Văn Công Giải Phóng Tỉnh đang rã ra đi cuốc đất trồng rau ở Tân Hào. Sau này tôi và Tư Mô có dịp chạy chung với đoàn này xuống Thạnh Phong.
Việc gặp bà Phan Văn Kích làm tôi nhớ lại nhiều vị công thần Nam Bộ bị bạc đãi, hất hủi một cách lạ lùng mà tôi đã kể ra không biết bao nhiêu lần, bất cứ ở đâu để cảnh tỉnh những ông bà nhắm mắt đốt nhang thờ Bác Đảng suốt gần nửa thế kỷ nay. Viết đến đây tôi nhớ thêm một trường hợp khác: Khu Phó Nguyễn Hùng Phước. Thời kỳ đầu kháng chiến, ở Miền Tây Nam Bộ giặc Pháp khiếp đảm những cuộc đột nhập hạ đồn xuất quỉ nhập thần của nhóm xung kích cảm tử Nguyễn Hùng Phước, mà người dân Miền Tây tặng cho danh hiệu Con Hùm Xám Miền Tây. Em ruột của Nguyễn Hùng Phước là Nguyễn Hùng Minh là một thợ máy từng làm giám đốc một công binh xưởng đã đem mẹ già 70 tuổi ra Bắc những mong nhìn dung nhan bác Hồ. Nguyễn Hùng Minh không có nhà ở phải đem mẹ ẩn náu dưới gầm cầu Long Biên trong một túp lều làm bằng cạc-tông.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc