The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trương Đắc Vị
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thanh Xuân
Số chương: 79
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7161 / 216
Cập nhật: 2018-08-18 10:44:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giới Thiệu Tác Phẩm
ừ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra đã chinh phục dư luận người đọc trong nước cũng như ngoài nước. Ngay trong năm 1605, tại Tây Ban Nha, tập truyện đã được tái bản 5 lần, và sinh thời, Xervantêx đã nhìn thấy tác phẩm của mình được xuất bản 13 lần (6 lần ở Tây Ban Nha, 3 lần ở Bồ Đào Nha, 3 lần ở Bỉ, 1 lần ở Ý). Trải qua gần 400 năm, vượt ra khỏi sự đào thải của thời gian, Đôn Kyhôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra vẫn giành được sự hâm mộ rộng khắp và được công nhận là một trong những tác phẩm văn học lớn nhất của nhân loại. Năm 1795, nhà đại văn hào Đức, Gớt (Goethe), viết cho nhà thơ lớn Silơ (Schiller): "Tôi đã tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết của Xervantêx cả một kho tàng thú vị và bổ ích".
Pho truyện thật sự đã đi sâu vào quần chúng. Trong các ngày hội, những cuộc vui hóa trang ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, người ta thường thấy xuất hiện hiệp sĩ đôn Kihôtê và giám mã Xantrô Panxa "hệt như tả trong truyện", Cuốn sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới: Anh, Pháp, Ý, Đức, Thổ, Arập, Êbrơ, Xăngxcri, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên... và cả Thế giới ngữ. Ngót bốn thế kỷ nay, Đôn Kihôtê vẫn là đề tài của sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, màn ảnh. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, các nhà phê bình, triết học, các nhà văn, nhà thơ, những người làm công tác văn nghệ, không ai không xác nhận giá trị tư tưởng và nghệ thuật của cuốn truyện này.
Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là cuốn tiểu thuyết cận đại đầu tiên của Tây Ban Nha, viết theo hướng hiện thực phê phán. Trước đó, độc giả các nước phương Tây rất ham thích loại tiểu thuyết kiếm hiệp kể "những truyện hoang đường không lệ thuộc vào những yêu cầu chính xác của sự thật, những nhận xét của ngành thiên văn học, những luật lệ về hình học hay tu từ học" (Lời mở đầu phần thứ nhất, cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra. Loại tiểu thuyết hoang đường đó có tác dụng rất tai hại vì nó tạo cho người đọc một quan niệm hoàn toàn sai lầm về vũ trụ, về nhân sinh, về tư tưởng, về xã hội. Sách kể lại rằng có cả một gia đình đã khóc lóc thảm thiết khi đọc tới đoạn nói về cái chết của hiệp sĩ Amađix! Với cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Xervantêx đã chôn vùi văn chương kiếm hiệp và khai sinh cho tiểu thuyết cận đại. Selinh (Schelling), triết gia Đức, đã phát biểu: "Chúng ta sẽ không quá lời khi khẳng định rằng cho tới nay chỉ có hai cuốn tiểu thuyết, đó là cuốn Đôn Kihôtê của Xervantêx và cuốn Vinhem Maixtơ của Gớt". Sơlêgơn (Schlegel), nhà phê bình văn học người Đức, cũng đã đánh giá Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là "tác phẩm có một không hai trong loại của nó, mở đầu cho tiểu thuyết cận đại..."
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra gồm 126 chương, là một bức tranh sinh động về xã hội Tây Ban Nha với những màu sắc thật của địa phương, của thời đại. Tác giả đã đưa vào truyện trên hai trăm con người thuộc đủ lứa tuổi và tầng lớp, từ lão chủ quán "giảo quyệt" đến những cô gái quán trọ "nom cũng chẳng phải thiện nhân", từ chàng sinh viên Grixôxtômô si tình đến cô Marxêla xinh đẹp và yêu tự do, từ gã lái la độc ác đến tên chủ trại tham lam, cha xứ, bác phó cạo, bà quản gia, ông thầy tu, lão chăn dê, viên cảnh sát, đám phạm nhân cùng một loạt vương tôn công tử, quan lại, nhà giàu... Và ngần ấy con người xoay quanh hai nhân vật chính là anh chàng quý tộc nhưng nghèo đôn Kihôtê và bác giám mã Xantrô Panxa, một thợ cày chính cống. Tác giả đã đưa hiệp sĩ và giám mã của chàng đi khắp đó đây trên đất nước Tây Ban Nha, từ thành thị đến thôn quê, từ những cánh đồng bao la tới những miền núi sâu vực thẳm, từ những quán trọ bình dân tới chốn thâm nghiêm quyền quý. Cảnh vật, con người đều có thật. Và nếu như trí tưởng tượng phong phú của Đôn Kihôtê đã biến quán trọ thành lâu đài, chậu thau thành mũ sắt, đàn cừu thành đạo quân thì, trái lại, những lời nói giản dị mà chí lý của bác giám mã gốc nông dân luôn luôn lôi kéo ta về với hiện thực. Tóm lại, Xervantêx phản ánh khá toàn diện cuộc sống thật của xã hội đương thời. Và ông đã thành công.
o O o
Một hôm, vua Tây Ban Nha Phêlipê III đứng trên lâu đài nhìn xuống đường, thấy một anh học trò đang đọc một cuốn sách, thỉnh thoảng lại ngừng đọc cười vang. Nhà vua thầm nghĩ: "Hoặc tên học trò kia điên, hoặc là hắn đang đọc cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra". Quả nhiên anh học trò đang đọc cuốn tiểu thuyết đó thật.
Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra đúng là một cuốn tiểu thuyết giàu tính trào lộng. Làm sao người đọc không cười được khi thấy Đôn Kihôtê một thương một mã lăn xả vào tấn công những chiếc cối xay gió vô tội trên cánh đồng Môntiel mà chàng tưởng là "những tên khổng lồ hung tợn có cánh tay dài tới gần hai dặm", hoặc khi chàng cứ nhè những bao rượu trong quán trọ mà đâm, mà chém, ngỡ mình đang đọ sức với tên khổng lồ ở vương quốc Mi-cômicôn!
Thế nhưng Đôn Kihôtê có phải là một kẻ viển vông, điên rồ không? Và Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra phải chăng chỉ là pho sách kể về những hành động nực cười của chàng hiệp sĩ xứ Mantra? Bàn về tác phẩm số một của Xervantêx, năm 1821 Bairơn (Byron), nhà đại thi hào Anh, viết: "Đó là cuốn truyện buồn nhất, và nó càng buồn vì làm chúng ta cười". Prôxper Mêrimê (Prosper Mérimée), nhà văn thế kỷ XIX của Pháp, cũng đã nói: "Bất hạnh thay kẻ nào không có được một vài ý nghĩ của Đôn Kihôtê và không dám cả gan nhận roi đòn cùng sự chế giễu để bênh vực kẻ yếu hèn!".
Có hai cách đọc tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra: một là trên những dòng chữ, và ta sẽ thấy toàn bộ pho sách là mũi nhọn tấn công vào tiểu thuyết kiếm hiệp; hai là đọc giữa những dòng chữ để tìm hiểu ý tứ sâu xa của tác giả và tác phẩm. Đọc theo cách thứ hai ta sẽ thấy toát ra từ toàn bộ tác pho truyện một bài học nhẹ nhàng, ý nhị về chính nghĩa, công lý, tự do. Đôn Kihôtê là một người chân chính. Mục đích cuộc đời chàng là "trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ hèn yếu, uốn nắn những điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng, bất công". Ta hãy xem chàng lý luận với tên chủ trại và giải thoát cho chú bé chăn cừu Anđrê bị tên này hành hạ và quịt tiền công:
"- Tên đê tiện này dám nói dối cả ta ư? Đôn Kihôtê thét lên... Cởi trói cho nó ngay.
Tên chủ trại cúi đầu, không dám hé răng, vội vàng cởi trói cho chú bé. Đôn Kihôtê hỏi số tiền công chủ còn thiếu là bao nhiêu. Chú bé thưa rằng chủ còn nợ chín tháng công, mỗi tháng bảy đồng. Đôn Kihôtê nhân lên thành sáu mươi ba đồng, chàng bảo tên chủ trại muốn sống phải trả ngay. Tên này sợ hãi đáp rằng đúng như lời y đã thề (thực ra y đã thề câu nào đâu), số tiền không nhiều đến thế vì y đã chi cho chú bé ba đôi giày và một đồng để chích máu hai lần khi chú ốm.
- Được rồi, Đôn Kihôtê vặn lại; nhưng việc thằng bé phải chịu roi vọt, mặc dù nó không có tội tình gì, cũng đủ bù vào số tiền giày và tiền chích máu. Nó làm rách da giày của ngươi thì ngươi làm rách da thịt của nó. Người ta chích máu khi nó đau ốm thì ngươi chích máu khi nó mạnh khỏe. Như vậy là hòa..."
Đôn Kihôtê - hay nói đúng hơn là Xervantêx - đã vạch trần tính tham lam độc ác của bọn nhà giàu thôn quê.
Đây, một đoạn khác về tính chất hà khắc và thối nát của pháp luật phong kiến. Một hôm, trên đường phiêu lưu, Đôn Kihôtê gặp một toán người "cổ đeo chung một dây xiềng to bằng sắt, tay đeo xích; đi theo họ có hai người cưỡi ngựa và hai người đi bộ; hai người cưỡi ngựa có súng còn hai người đi bộ cầm gươm mác". Chàng hiệp sĩ bèn dừng ngựa hỏi duyên cớ vì đâu mà họ khốn khổ như vậy. Đám tù nhân đã kể tội trạng của họ: một anh chỉ vì quá "yêu" một cái giành quần áo mà phải chịu một trăm roi và ba năm khổ sai; một anh ăn trộm gia súc mà bị hai trăm roi và sáu năm khổ sai; một anh bị năm năm khổ sai chỉ vì không có mười đồng tiền vàng đút lót cho bọn lục sự, biện lý; một ông già "đạo mạo" cũng bị đưa đi đày chỉ vì ông muốn cho mọi người sung sướng sống yên lành, vui vẻ với nhau, không cãi cọ, không ưu phiền..."
Trong những hành động có vẻ điên rồ của Đôn Kihôtê, vẫn thấy toát lên tình thương yêu nhân loại. Nếu đối với Xantrô Panxa, những cối xay gió là... những cối xay gió, thì trái lại, dưới con mắt của Đôn Kihôtê, chúng là những tên khổng lồ hung ác, một giống xấu xa cần phải quét sạch khỏi trái đất".
Đôn Kihôtê yêu tự do, công lý, chính nghĩa. Chàng mong muốn với "cánh tay dũng mãnh" của mình mang lại hạnh phúc, cuộc sống yên vui cho mọi người. Với một tinh thần dũng cảm, không biết sợ, không ngại gian nguy, đơn thương độc mã, chàng lao vào "cuộc chiến đấu không cân xứng", luôn luôn tin tưởng và lạc quan, mặc dù mỗi lần lại bị biêu đầu sứt trán trước những thực tế đáng buồn của thời đại.
Đôn Kihôtê là biểu hiện của sự tương phản giữa thực tế phũ phàng với lý tưởng cao đẹp mà chàng mơ ước và chiến đấu cho nó, là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đấu tranh giữa thế giới thực tại và thế giới tương lai mà chúng ta vươn tới. Cuộc sống phải trút bỏ cái vỏ bề ngoài của nó, trút bỏ sự giả dối, ích kỷ, bất công, và phải mang trong nó những ước mơ và làm cho những ước mơ đó trở thành hiện thực.
Đó là nội dung tư tưởng sâu xa của tác phẩm.
o O o
Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là một kho tiểu thuyết trường thiên bằng tiếng Tây Ban Nha. Khung cảnh hoạt động của các nhân vật là một địa bàn bao la, với nhiều màu sắc dân tộc, với những đặc điểm của từng địa phương và những tính cách riêng biệt của từng nhân vật. Tác giả cũng đã sử dụng một ngôn ngữ phong phú, đa dạng, đặc biệt là ông dùng nhiều ca dao, tục ngữ, từ ngữ dân gian của từng vùng đất nước Tây Ban Nha. Văn chương trong Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra lại là văn chương của thế kỷ XVI - XVII. Dịch nó quả là khó. Bản dịch này chắc không khỏi còn những sai sót, những "hạt sạn" mà trình độ có hạn của tôi đã không cho phép tôi tránh được. Tôi thành thật mong độc giả lượng thứ cho. Tôi cũng trông chờ những nhận xét, phê bình của các bạn để rút kinh nghiệm cho bản dịch phần thứ hai cuốn truyện được tốt hơn.
Người dịch
Đôn Kihôtê - Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra Đôn Kihôtê - Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra - Miguel de Cervantes Đôn Kihôtê - Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra