If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Cổ Tích
Upload bìa: Hà Ngô
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2388 / 20
Cập nhật: 2021-01-30 16:20:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
PHẦN THỨ HAI: CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH
III – MÙA XUÂN
Mùa xuân tươi mát đã đến trên đồi núi Gonde. Sườn đồi sẫm màu lại, dòng sông đã tan băng, không trung tràn ngập những tiếng vỗ cánh, tiếng chim kêu rộn rã lúc bình minh và tiếng kêu của những con ếch nhái bé nhỏ trong các đầm lầy đã tan hết băng.
Trong khu rừng hãy còn khoác bộ áo mùa đông, cây lê hé mắt nhìn qua tuyết và duỗi thẳng những cái lá nhỏ óng ánh ra dường như muốn nói: “Điều tôi hằng chờ đợi đã đến đó, những trái cây màu đỏ của tôi mới hợp thời làm sao”. Gà rừng, sóc, cu li thưởng thức khoản thết đãi đó của tháng Quạ, và tất cả những ai yêu thích thế giới những con thú rừng đều tự nhiên hân hoan nghĩ rằng: bà mẹ thiên nhiên quả là sáng suốt khi để dành thức ăn ngon lành đó cho thời kỳ đói kém.
Ở trong rừng cũng như ở trên hồ đã bắt đầu mùa kết đôi của thú báo hiệu sự ra đời của những thế hệ mới. Tất cả những điều này cũng được trái tim của Yếm trắng và Đomino hưởng ứng một cách sống động nhất.
Ngay khi tuyết tan vừa tạo thành những con suối nhỏ giá lạnh đầu tiên chạy dọc theo các sườn dốc, đôi cáo của chúng ta đã đi tìm nơi lập tổ ấm gia đình. Chúng chạy tới chạy lui và tìm kiếm, lại tìm kiếm và chạy khắp nơi. Nói đúng hơn, chỉ có mỗi mình Yếm trắng tìm kiếm còn Đomino thì ngoan ngoãn theo sau, và cứ như thế chúng đi khắp bình nguyên cát phía Đông đồi Gonde. Nhưng ở đấy đâu đâu cũng gặp những dấu vết nhỏ do những con cáo khác để lại, mà ý nghĩa của chúng nếu dịch ra ngôn ngữ loài cáo thì quá rõ ràng: “Kẻ lạ mặt muốn chiếm chỗ sẽ phải đổ máu”. Về sau chúng phải lặn lội khắp các khe sói vùng Gonde. Tuy nhiên tuyết trong khe vẫn còn quá dày. Chúng quay trở lại dòng sông và cuối cùng đến được cánh rừng thưa mọc đầy hoàn diệp liễu – chính là cánh rừng hoàn diệp liễu mà Đomino đã sống qua thời thơ ấu. Cuộc tìm kiếm của người bạn gái của Đomino kết thúc tại đây, bởi vì nó đã tìm được tất cả những điều cần thiết.
Sau khi ngửi hít khắp nơi khắp chốn, con cái bắt đầu đào hố trong một khóm rừng dẻ. Đất ở đây được phủ một lớp tuyết dày, bên dưới có một lớp lá rụng cho nên không bị rắn cứng lại. Ở các nơi khác đất hoàn toàn đóng băng và cáo không tài nào đào được hang.
Một linh cảm khó giải thích nào đó mách bảo nó rằng cần phải đào hang chính tại đây. Trong lúc ấy Đomino trèo lên đỉnh ngọn đồi bên cạnh và ở đó canh gác. Sau khi làm việc chừng một tiếng đồng hồ con cáo chui ra khỏi hố và Đomino thay chân nó.
Cứ như thế chúng thay phiên nhau đào bới mấy ngày liền. Cuối cùng hang đã đào xong, gồm một hành lang dài đầu tiên dốc xuống phía dưới, rồi chạy ngược trở lên tới một nơi ở rộng rãi hơn, tiếp đó lại có một hành lang khác dài chừng vài bước dẫn tới một nơi ở nữa ở bên cạnh, còn hành lang thứ nhất thì lại chạy vòng lên trên và kéo dài cho đến khi chạm vào tầng đất đóng băng thì tạm thời kết thúc.
Hàng ngày hai con cáo cứ cào bới từ trong ra phía đất đóng băng bên ngoài lúc này đã bắt đầu mỗi lúc một mềm hơn, và cuối cùng chúng chui được ra ngoài. Chúng phủ kín lối ra vào hang vòng vèo khéo léo bằng cỏ cũ từ năm ngoái. Sau đó chúng lấp kín lối vào, đào lúc đầu. Ở gần lối vào mới không có dấu vết đất bị đào bới, và kể cả người đứng gần cũng không ai có thể nhận ra được cửa hang, ấy là chưa kể cỏ mọc hàng ngày cứ mỗi lúc lại che dấu nó tốt hơn.
Thức ăn bắt đầu dễ kiếm, và một lần Yếm trắng tóm được một con cu li thiếu thận trọng mò ra kiếm ăn ban đêm. Nó đem con cu li giấu dưới cát khô trong cái hang ngách.
Bây giờ thì đôi vợ chồng cố gắng tìm mọi cách tránh càng ít lọt vào mắt người khác ở gần nơi hang càng tốt. Nhiều lần Yếm trắng chạy trong dòng nước của con suối nhỏ cốt không để lại dấu vết dễ dàng nhận thấy trên đường về nhà, còn Đomino thì nhiều lần nằm sát đất sau cái cây đổ trên cỏ khi một chú bé thôn quê nào đó đi ngang qua và không hề nghĩ rằng có một con cáo ở ngay sát bên cạnh. Con thú nâu đen cứ mỗi ngày mỗi phải đề phòng kẻ qua lại nhiều hơn như thế.
IX – SỰ KIỆN
Sau tháng Quạ đến tháng Cỏ, không khí trong rừng và trên cánh đồng tràn ngập cảnh chờ đón sự màu mỡ phì nhiêu đang tới. Trong người Yếm trắng đã có sự thay đổi rõ rệt: nó bắt đầu lảng tránh Đomino như lảng tránh kẻ thù và gầm gừ giận dữ mỗi khi con đực thử theo nó vào trong hang.
Đomino cả ngày không bước chân vào trong hang, và đúng trong thời gian nó vắng mặt đã xảy ra một biến cố phi thường.
Năm chú cáo con ra chào đời, bé xíu, vụng về, “chẳng ra hình thù gì cả” như mọi người vẫn nói, nhưng đối với người mẹ thì chúng là vật kỳ diệu nhất, đáng giá nhất trên thế gian. Từ giây phút đó, với cảm xúc được làm mẹ tràn ngập trong lòng nó phụ thuộc hoàn toàn và tuyệt đối vào bầy con nó.
Nhiều giờ sau nó mới dám để con lại trong giây lát chỉ cốt đẩy lùi cơn thèm khát uống những ngụm nước mát lạnh của dòng suối gần bên. Trên bờ Đomino đang đợi. Yếm trắng hơi ve vẩy tai, nhưng tuyệt đối yên lặng và làm ra vẻ không nhận ra chồng mình. Con chồng nằm sấp trên lá, nhưng con vợ quay về hang ngay. Ngày hôm sau Yếm trắng thấy đói, nhưng nó không nghĩ đến việc ra ngoài kiếm ăn. Nó vẫn còn đồ ăn giấu trong hang từ trước.
Qua hai ngày, khi nguồn thức ăn dự trữ đã cạn sạch nó mới ra khỏi hang và đã thấy một đống chuột mới bị cắn chết ở cạnh cửa hang. Rất có thể cáo bố mang chuột về cho lũ con chứ không phải cho cáo mẹ. Chuột được để dành cho bầy con nhưng con mẹ ăn no. Từ hôm đó ngày nào Yếm trắng cũng tìm thấy một thứ gì đó để gần cửa hang hoặc đâu đấy quanh ngay trong cỏ.
Hai tuần đầu cáo con còn chưa mở mắt, nhưng rồi chúng cũng đến lúc mở mắt được. Bây giờ chúng bớt kêu choe chóe và mẹ chúng có thể yên tâm ra ngoài hơn. Đomino nhận thấy vợ nó không xua đuổi nó nữa và sau vài ngày thì nó được phép sáp nhập vào gia đình.
Cáo con gần đầy tháng thì lần đầu tiên chúng được phép bò ra ngoài ánh sáng ban ngày. Chúng bò rất chậm chạp và vụng về: chúng hoàn toàn chưa có sự linh lợi cũng như vẻ đẹp, nhưng lại có vẻ đẹp tuyệt vời của những đứa trẻ yếu đuối. Và bất cứ ai có dịp thấy cái gia đình son trẻ đó đều có thể nhận ra ngay lập tức những tình cảm trong lòng của những người làm cha mẹ do chính sự yếu ớt đó mang lại: như tất cả những bậc cha mẹ khác, chúng mong muốn lúc nào cũng được âu yếm, vuốt ve bầy con ngay cả trước những kẻ thù mà vào lúc khác thì chúng đã lập tức cao chạy xa bay. Từ hôm đó trở đi mỗi ngày lại thấy diễn ra thường xuyên hơn cái cảnh tượng mà ta từng thấy trong thời thơ ấu ở trước căn nhà của chính Đomino. Lũ cáo con mỗi ngày thêm cứng cáp và hơi giống cáo.
X – KẺ THÙ CŨ
Một hôm Đomino mang con mồi kiếm được trở về nhà. Năm cái mũi đen bé xíu từ trong hàng thò ra đón nó, và năm cặp mắt sáng long lanh như hạt cườm nhìn dán vào nó. Thình lình có tiếng chó sủa rất to vang lên ngay gần đó. Đomino cảnh giác nhảy phắt lên một gốc cây để nghe cho rõ hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là tiếng sủa chói tai của kẻ thù cũ. Không thể để con chó lại gần tổ ấm thân yêu, và Đomino cố nén sự lo lắng trong lồng ngực dũng cảm lao ra đương đầu với kẻ thù, trong lúc cáo mẹ đưa bầy con vào trong hang.
Ghechia đuổi theo Đomino ngay tức thì, bây giờ nó cũng đang độ sung sức và khó lòng chịu rút khỏi cuộc đuổi bắt. Chó hơi dừng lại một chút khi đánh hơi thấy Yếm trắng nhưng Đomino đã can đảm ló khỏi bụi cây để lộ mình ra rồi cất tiếng sủa và lại thu hút kẻ đuổi bắt về phía mình. Cáo và chó đều trẻ và tràn đầy sức lực. Cuộc chạy đua kéo dài cả tiếng đồng hồ nhưng thậm chí chúng không hề thấy mệt. Cuối cùng Đomino chán ngấy cái trò chạy đuổi và cố bứt khỏi chó như trước kia nó vẫn thường làm. Tuy nhiên bây giờ việc đó hóa ra không dễ thực hiện: thời gian qua Ghechia đã học hỏi được nhiều và trở thành một kẻ đuổi bắt có kinh nghiệm. Cả mánh khóe đầu tiên giở ra lẫn mánh khóe thứ hai đều thất bại. Đomino chợt nhớ đến thành gờ hẹp trên vách núi lởm chởm đá, nơi con sông Soban đổ xuống phía dưới. Nó bèn lao về hướng đó, thu hút theo sau cả kẻ thù tàn nhẫn.
Không biết đó là một sự ngẫu nhiên hay là một kế hoạch đã định sẵn, chỉ biết cả hai con thú đều phóng vùn vụt thẳng hướng dốc núi, mỗi lúc một gần hơn. Bộ lông áo đen, mịn màng đã bắt đầu thấp thoáng trên bờ sông. Đomino bắt đầu giảm tốc độ, Ghechia dồn hết sức đuổi, hơi thở hổn hển, và nó đã gần kịp con cáo. Cuối cùng chúng tới một con đường mòn khá rộng. Đomino còn chạy chậm lại hơn nữa, và con chó đen nhìn thấy nạn nhân của nó ở rất gần liền gia tăng cố gắng thêm gấp bội. Nó tưởng như sắp đớp gọn được con cáo ngay bây giờ.
Con đường mòn cứ hẹp lại mãi. Chó cứ xông vào. Nó hoàn toàn tin vào thắng lợi: chỉ còn một bước nhảy nữa thôi là con cáo thấm mệt sẽ nằm gọn trong hàm răng nó. Nhưng con thú khôn ngoan bất thình lình lao nhanh như tên bắn theo gờ đá hẹp dọc vách núi. Và con chó Ghechia ngực nở, vạm vỡ lúc lao theo nó đã bị va vào vách núi và bay lộn nhào dọc theo dốc đá. Nó cứ rơi mãi, rơi mãi cho đến lúc lăn tõm xuống nước sông lạnh buốt, mình mẩy dập nát và đẫm máu.
Từ trên cao con cáo đen thản nhiên theo dõi chuyến bay đó.
Dòng sông Soban ở chỗ hẹp đó ngay mùa hè cũng chảy khá nhanh, còn về mùa xuân thì nó biến thành một dòng chảy xiết. Một con chó khỏe nhất cũng sợ chết khiếp cái trò nhảy xuống vực thẳm như thế, và con Ghechia bất hạnh bị thương nặng đến kiệt sức đang cố gắng đấu tranh giành lại sự sống. Dòng nước cuồn cuộn réo hung dữ mang nó đi đến hai dặm, quăng lên quật xuống, lộn ngược hất xuôi, ném nó vào những hòn đá nhọn hoắt và quay tròn nó trong các xoáy nước cho đến khi cuối cùng khinh bỉ vất con vật bất hạnh, què quặt lên bãi cát. Mãi đến ngày hôm sau con Ghechia mới lết được về nhà, và suốt cả mùa xuân rồi mùa hè năm đó nó không sao đi săn được nữa.
Còn năm cái mũi bé xíu và năm đôi mắt long lanh như hạt cườm trên nhưng cái mõm đầy lông tơ vô tội lại tiếp tục hàng ngày nhô ra bình thản trước cửa hang.
Bố chúng hóa ra là người bảo vệ cừ khôi, và khu trũng đầy hoàn diệp liễu, có ngôi nhà của chúng, trở thành thung lũng hòa bình.
XI – CON HƯƠU ĐAMA
Mùa hè đã bước sang thời kỳ nóng nhất, và tháng Hoa Hồng tỏa ánh sáng rực rỡ. Lũ cáo con lớn nhanh một cách kỳ lạ, hai con trong số chúng đã kịp khoác lên mình bộ lông xám xẫm nói lên nguồn gốc cao quý của chúng và hứa hẹn nhiều trong tương lai. Yếm trắng và Đomino bây giờ cố mang thú sống về nhà để lũ cáo con có thể học săn mồi và tự xé xác nó.
Hàng ngày cáo bố mẹ tổ chức cho cáo con những cuộc phiêu lưu mới, tạo cho chúng cơ hội bộc lộ sự nhanh nhẹn và tài đánh hơi. Cứ mỗi lần đi săn cáo con lại học được một điều mới mẻ và hoàn thiện được nghệ thuật săn mồi. Vì việc này mà Đomino hầu như ngày nào cũng phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm mà bất cứ con cáo nào khác có lẽ đã phải trả giá bằng cả mạng sống rồi. Nhưng nó đều thoát ra khỏi tất cả các cuộc thử thách bình an vô sự và chỉ phát triển sức lực, sự nhanh nhẹn và tháo vát hơn lên mà thôi.
Trên đồi Gonde có con cu li, và một hôm giữa lúc đang tìm hóng trong đám cây dương sỉ thì Đomino bất ngờ sửng sốt trước một mùi kỳ lạ. Sau vài khoảnh khắc nó nhìn thấy một con vật tương đối to lớn ẩn trong cỏ, màu lông hung sáng lốm đốm trắng.
Theo bản năng Đomino đứng sững luôn tại chỗ, mắt không rời con vật bí ẩn và sẵn sàng vọt qua một bên nếu như con vật đó xông vào nó. Nhưng con vật màu hung đốm trắng nằm yên như chết, đầu áp sát xuống đất, liếc cặp mắt to tròn sáng long lanh, sợ hãi nhìn nó.
Loài hươu đama – vì đó chính là một con hươu đama con – rất hiếm ở thung lũng sông Soban, bởi thế Đomino trước nay chưa từng trông thấy và không hiểu mình phải làm gì. Có điều quá rõ ràng là con thú đang cố giấu mình đi kia sợ cáo nhiều hơn là cáo sợ nó. Khi cơ hoảng hốt ban đầu qua đi thì sự tò mò nổi lên trên hết, Đomino bước một bước lại gần con thú đang nằm bẹp. Con vật không động đậy mà cũng không không dám thở nữa. Con cáo tiến thêm một bước nữa. Giữa chúng chỉ còn cách nhau một bước nhảy, nhưng con vật kia vẫn tiếp tục nằm yên không nhúc nhích.
Lại một bước nữa, và thế là Đomino đã ở ngay trước mũi con hươu con. Con vật vội đứng phắt dậy trên những cái chân cao kều và bắt đầu vừa vụng về nhảy trên đám cây dương xỉ vừa cất tiếng be be ai oán. Đomino cũng nhảy vọt về phía đó theo sát sau nó cốt để mua vui.
Bỗng nghe có tiếng móng nện thình thịch và một thoáng sau con đama mẹ đã lao vút tới, lông trán nó dựng đứng, mắt rực lửa xanh dữ tợn, và Đomino hiểu ngay rằng nỗi bất hạnh sắp sửa giáng xuống đầu nó. Nó quay phắt lại, nhưng con hươu đama phì phì tức giận đuổi theo, hung dữ gõ những cái móng guốc xuống đất. Con đama mẹ to gấp mười nó và lướt nhanh như gió, chẳng mấy chốc đã đuổi kịp Đomino. Con đama tung chân trước lên đá một cú hiểm vào người cáo khiến cho nó xuýt nữa ngã nhào. Con hươu lại đá nữa, nhưng cáo đã nhanh nhẹn nhảy sang bên tránh được.
Con hươu đama điên cuồng truy kích Đomino, nó chưa thỏa mãn về chuyện con nó vẫn còn nguyên vẹn và hết bị đe dọa rồi. Dường như nó quyết định dù sao cũng phải trừng trị con cáo đã dám tấn công con nó.
Nó tiếp tục đuổi theo nạn nhân của mình qua các truông mọc đầy hoàn diệp liễu. Nó không hề thấy mệt mỏi chút nào mà trái lại hình như càng đuổi càng thấy khỏe hơn. Các bụi cây cản trở con cáo chạy trốn, nhưng với con hươu đama nặng nề thì lại chỉ là những vật chướng ngại không đáng kể. Giá như không phải là những bụi cây đáng nguyền rủa này thì một cuộc chạy đua dữ dội như thế có lẽ đã làm cho Đomino thích thú.
Chúng cứ đuổi nhau như thế được nửa giờ, và Đomino đã thấy rõ là nếu cứ né mình tránh đòn thì trăm lần đều sơ hở cả trăm và một cú đá trời giáng sẽ giết chết nó chắc chắn. Vì thế nó khôn ngoan tính toán tìm cách nhanh chóng thoát ra nơi đỡ nguy hiểm hơn. Thế là nó bứt ra khỏi các bụi cây và cắm đầu cắm cổ chạy dọc theo cánh đồng trống. Nhưng dù Đomino chạy trốn nhanh thế nào đi nữa thì con hươu đama cũng vẫn bám sát từng bước. Chúng đã chạy vào rừng, Đomino vừa kịp né tránh một cú đá chân trước. May mắn sao cú đá đó lại trúng vào một cái cây to.
Ở trong rừng, giữa nhưng thân cây cứu tinh, Đomino có thể nghỉ ngơi thoải mái và cười nhạo con hươu đama điên khùng và đứa con ngu ngốc của nó. Dù sao nó cũng được một bài học bổ ích. Nó sẽ nhớ suốt đời rằng, kẻ lạ bao giờ cũng là kẻ thù.
XII – BÙA MÊ
Một số người đặt bẫy để kiếm lông thú, một số khác đặt bẫy để tiêu diệt lũ thú rừng có hại, còn một số khác nữa thì chính họ cũng chẳng hiểu lý do nhưng lại đặt bẫy quanh năm. Đám con trai nhà Benton thuộc loại này. Chúng không có khái niệm về kiểu săn bắt thực thụ bằng bẫy và cứ luôn luôn phạm phải cùng một sai lầm là không buộc mồi vào đúng nơi cần buộc. Lỗi lầm đó tố cáo ngay những cái bẫy chúng đặt, và bất kỳ con cáo nào dù chỉ có chút xíu trí khôn của loài cáo thôi thì cũng phải hết sức coi thường. Xung quanh những cái bẫy của đám trẻ nhà Benton bao giờ cũng có ba dấu hiệu đáng tin cậy, làm lũ cáo cảnh giác: đó là mùi sắt, mùi tay người và mùi chân người. Mùi chân tay có thể tan đi rất nhanh, nhưng các cậu bé tự mình phục hồi thường lại thường xuyên. Mùi sắt được lưu giữ và còn tăng cường rõ rệt sau mỗi trận mưa.
Đomino biết rõ tất cả các bẫy gài trong núi. Bất kỳ lúc nào, không kể ngày hay đêm nó cũng có thể tìm ra bẫy nhanh hơn cả đám trẻ nhà Benton. Mỗi lần đi ngang qua bẫy nó lại ghé thăm. Nó đứng từ xa ngắm nghía và tỏ thái độ khinh thị và chế giễu theo một thứ kiểu cách không thua kém gì ngôn ngữ của con người. Ngay cả con cu li ngốc nghếch và con thỏ ngắn chân cũng thừa đủ trí khôn để mà cười nhạo những cái bẫy của đám trẻ nhà Benton. Và dĩ nhiên Đomino cũng cười nhạo. Lúc đi ngang qua nó lại luôn luôn nhớ xem xét kỹ và để lại dấu vết cuộc viếng thăm của mình tại một gốc cây hoặc tảng đá nào đó.
Đúng vào thời gian đó Bed Benton học được một phương pháp gài bẫy mới. Một người thợ săn già từ miền Bắc tới cho cậu một thứ hỗn hợp thần diệu tanh lợm, chế từ tuyến nước bọt của hải ly trộn với dầu hôi, dầu trừ giun và các chất thơm khác. Cụ nói, chỉ cần vài giọt chất kỳ diệu bày là đủ cuốn hút tất cả bầy cáo, làm tê liệt mọi tính thận trọng của chúng và lôi chúng vào bất cứ thứ cạm bẫy nào.
Cậu bé Benton vớ được chai nước tuyệt vời đó bèn chạy một vòng rẩy thuốc vào tất cả những cái bẫy của mình. Có loại mùi con người hầu như không nhận thấy, đối với họ chúng hoàn toàn câm lặng, phải cố gắng lắm mới cảm giác thấy, nhưng đối với loài cáo thì chúng lại gào thét như cả một dàn nhạc bởi vì loài cáo có tài đánh hơi. Một mùi làm cho con người khó chịu có thể là cho cáo tưởng như mùi hoa hồng ngào ngạt, mùi trầm hương ngây ngất. Vài giọt chất thuốc kia rớt vào quần áo Benton bốc ra mùi khó chịu đến nỗi bầy ngựa nhốt trong tàu thở phì phì, còn ở trong nhà thì ông bố bắt cậu ngồi ở tít tận cuối bàn. Đối với tài đánh hơi tuyệt diệu của Đomino thì mùi đó do gió đưa tới rõ rệt như đám mây khói bốc lên cuồn cuộc từ đống lửa lớn, và con cáo có thể dễ dàng xác định được nơi phát ra mùi đó y như có thể dựa vào tiếng kèn mà biết được chỗ đứng của người thổi kèn hoặc nghe tiếng nước đổ mà biết được ngọn thác ở đâu. Mùi đó tỏa đi khắp nơi và không gây cho Đomino một cảm giác khó chịu nào, mà ngược lại lôi cuốn nó về phía mình chẳng khác gì ánh lửa vẫy gọi người đi đường lạc trong bóng đêm, hay một bản nhạc huyền diệu dụ dỗ một con người mơ mộng vào rừng. Vừa bắt đầu cuộc săn đêm Đomino đã nghếch mũi lên để tìm xem mùi đó từ đâu đưa lại và chạy thẳng về phía đó.
Qua một dặm mùi đó dẫn nó đến một nơi quen thuộc từ lâu, thường xuyên phảng phất hơi người và sặc sụa hơi sắt, chỉ đôi khi mới lẫn tí mùi đầu gà buộc vào bẫy một cách ngu xuẩn dường như chỉ cốt cho có vẻ lịch sự. Với Đomino nơi này bao giờ cũng gây cho nó cảm giác khinh thị, nhưng bây giờ cái gì đã làm cho nó thay đổi đi đến thế. Chẳng khác gì những tia sáng của vầng thái dương đang lặn biến đống rác thành đẹp tuyệt trần hoặc biến những đám mây xám xịt thành những ngọn núi hùng vĩ đỏ thắm và vàng chói, cái thứ ma lực mới càng lúc càng gia tăng đó, cái sức quyến rũ từ xa đã thấm qua lỗ mũi con cáo vào tận đáy sâu tâm hồn nó đó đã hủy diệt mọi khả năng làm chủ bản thân của nó.
Hươ hươ mũi về phía trước, Đomino chậm rãi nhưng nôn nóng tiến lại chỗ có mùi. Bây giờ cái mùi đó đã khiến cho nó ngây ngất, đầu óc choáng váng. Tai nó ù lên, toàn thân có một luồng điện êm dịu truyền qua. Nó có cả cảm giác được nghỉ ngơi sau một cuộc chạy đua mệt lẻ, cả cảm giác ấm áp dễ chịu trong ngày giá rét, cả niềm vui sướng ních căng thịt tươi, nóng hổi vào chiếc dạ dày lép kẹp.
Đomino căng hai lỗ mũi lên, tim đập thình thịch, hơi thở đứt quãng, mắt lim dim. Từ từ lết đến gần mãi, gần mãi nơi phát ra cái mùi tuyệt diệu, đầy sức quyến rũ đó, và cuối cùng đến sát một cái bẫy được ngụy trang kín. Nó đã biết ở đây có bẫy và đã trông thấy ngay bẫy, nhưng nó đã bị mê hoặc, đã hoàn toàn bị sức cám dỗ kia chi phối. Nó thèm khát dữ dội được chạm vào nơi ấy, được tắm trong cái mùi đầy rẫy uy lực và mê đắm đó. Nó cong người lên, nghiêng đầu về một bên và bắt đầu chà cái gáy đẹp của mình xuống đất bẩn, rồi lật ngửa ra và lại lăn qua lăn lại làm cho bộ lông mềm mại dính đầy đất bẩn. Nó hít lấy hít để thứ hơi độc địa đó. Nó đang ở đỉnh cao của khoái cảm thì bỗng – tách! Thế là hàm răng sắt nghiệt ngã bập xuống lưng nó, cắm sâu vào bộ lông đen ánh bạc quý giá.
Đomino giật mình, và tất cả mọi sự quyến rũ biến mất trong nháy mắt: bản năng tự vệ đã thức tỉnh. Nó đứng phắt dậy ưỡn thẳng tấm lưng chắc nịch. Hàm răng sắt ở cái bẫy vướng vào bộ lông đã tuột đi và Đomino thoát được ra. Giá như không phải là lưng mà là chân sập vào bẫy thì hẳn là mệnh vận nó đã được định đoạt rồi. Nhưng bây giờ nó đã phóng vụt đi mất, hai lỗ mũi phổng to.
Có những con cáo kém thông minh có thể bị mắc lỡm cái mùi hấp dẫn đó vài lần và do đó cũng là đùa với cái chết. Nhưng với Đomino thì một lần cũng đã đủ để hiểu nỗi khủng khiếp che giấu trong cái mùi đó. Sau này cái mùi mê hồn đó chỉ trong khoảnh khắc đã kích thích nó hồi tưởng lại cái ngoạm chết người của những hàm răng khỏe khủng khiếp.
XIII – MẬT NGỌT CHẾT RUỒI
Lũ cáo tiếp tục cuỗm gà của nhà Ben ton. Vì các cậu bé không làm gì nổi chúng nên cuối cùng chính ông Benton đã nổi giận. Thoạt đầu ông còn la hét và tuôn ra những lời chỉ trích khinh bỉ khác nhau, thường được bắt đầu bằng câu: “Khi tao còn bé thì…”, nhưng về sau ông đã quyết định gác tuổi già sang một bên và tự mình đi đặt bẫy.
Bẫy không nên đặt gần trang trại, bởi vì như thế chỉ làm què cẳng chó mèo và lợn. Người đặt bẫy giỏi thường giấu bẫy ở đâu đó trong rừng, cách xa nơi người ở.
Ông già bắt tay vào việc và đi thăm bẫy. Ông thực hiện ngay một số cải cách có giá trị trong việc bố trí bẫy. Trước hết ông hun từng cái bẫy bằng khói thông để làm mất mùi sắt. Sau đó ông gạt bỏ mọi việc rảy chất thơm vào bẫy. “Có lúc mùi này phát huy ác dung tốt – ông nói – nhưng nó chỉ lôi cuốn được những tên ngốc, còn con thú thông minh thì đoán ra ngay mọi sự và tránh xa những chỗ có mùi. Đối với mọi con cáo bao giờ cũng chỉ có một mùi duy nhất đáng tin cậy là mùi máu gà tươi”. Ông chyển bẫy ra xa những chỗ nhiều người biết và đã bị nhiễm mùi, vùi bẫy trong đất. Cách mỗi bẫy khoảng năm bước ông rải các mẩu thịt gà rồi xóa dấu vết bằng cành thông. Thế là bẫy đã đặt xong.
Sau vài đêm Đomino đi ngang qua. Còn cách khoảng hai trăm bước thì nó đánh hơi thấy mùi thịt gà, nhưng nó càng tiến lại gần thì tính thận trọng thành nếp của nó càng bùng lên mạnh mẽ. Nó từ từ rón rén lại gần. Lỗ mũi phập phồng cảnh giác, nó bò sát lại, cố giữ ở phía cuối gió. Không có mùi sắt, cũng chẳng thấy mùi dấu vết con người, nhưng lại thấy mùi khói khá hắc, thế mà con vật duy nhất có thể tỏa khói lại là con người. Tuy nhiên, rất có thể những mẩu thịt gà ngon lành này do một con cáo khác đánh rơi. Đomino nhận thấy nếu nó tiến lại gần những mẩu thịt gà từ phía bên cạnh thì mùi khói không lấn át mùi thịt gà.
Nó còn đang do dự thì vừa lúc đó gió đổi hướng, mùi khói biến mất, chỉ còn lại độc mùi thịt gà khêu gợi. Đomino tiến gần thêm ba bước nữa rồi dừng lại. Nó đưa mũi đi khắp bốn phía, đánh hơi kỹ lưỡng. Không đâu nghe mùi dấu vết con người. Trước mắt nó chỉ có thư đồ ăn mà nó đã ăn bao nhiêu đêm, cái thứ nó ưa thích làm sao và vẫn thường xuyên tha về hang. Tuy vậy đôi lúc nó vẫn cảm thấy rõ rệt chút ít mùi khói. Đomino là con thú thận trọng. Nó bắt đầu chậm rãi thụt lùi lại, dùng những cái chân chắc nịch dò đường và chỉ đặt chân lên mặt đất bằng phẳng chứ tránh không bước vào những chỗ gồ ghề. Nhưng bỗng – tách! Đomino đã bị tóm gọn, và lần này là bị tóm vào chân chứ không phải vào lưng để có thể vùng thoát ra được. Đúng thế, bây giờ nó đã bị giữ chặt lại.
Nó nhảy lên, co chân lại, dùng răng gặm cái bẫy đáng ghét, nhưng tất cả đều vô hiệu: các ngàm thép không nhả chân nó ra và mọi cố gắng thoát thân đều chỉ làm cho nó thêm mệt nhoài.
Thế là hai giờ đồng hồ vật lộn tuyệt vọng, kiệt sức đã trôi qua. Đomino, lúc thì nằm dài đau khổ và thở dốc, lúc lại nổi khùng một cách bất lực nhe răng gặm cái bẫy sắt lạnh ngắt, nghiệt ngã và rứt đứt những cây non mọc xung quanh. Nhiều lần nó vật vã ráng hết sức, nhiều lần nó bất lực lặng người đi. Nó rất đau khổ, một nỗi đau khổ pha lẫn lộn sự sợ hãi và cái đau xác thịt. Thỉnh thoảng cơn thịnh nộ lại bùng lên, và lúc đó mặc dù đã mệt lả và kiệt sức nhưng trong nháy mắt nó đã khỏe mạnh trở lại và lại bắt đấu vùng vẫy và cắn gặm cái bẫy.
Môt ngày đã qua đi…. Lại thêm một đêm nữa, một đêm dài dặc nặng nề.
Vừa hửng sáng đã nghe có tiếng chân ai bước. Con cáo bất hạnh, mệt rã rời, dính đầy bụi đất ngẩng cái mõm mới cách đây không lâu còn tuyệt đẹp lên nhìn. Nó kinh hoàng nhận ra kẻ thù không đội trời chung của nó là con hươu đama đi cùng với đứa con lông đốm! Đomino đứng đờ người ra như chết, hy vọng thoát khỏi sự chú ý của con hươu. Nhưng than ôi, thị giác và khứu giác của con đama lại quá sắc sảo. Nó phát hiện ra con cáo ngay tức thì. Nó chồm lên, mũi khịt phì phì, lông trên người dựng ngược, hai mắt quắc lên những tia lửa xanh lè, giận dữ lao vào con thú đang bị bắt giữ. Đomino né tránh. Nó nhảy qua một bên trong phạm vi cho phép của cái bẫy chứ không thể chạy xa hơn được. Dường như con hươu đama biết điều đó: bây giờ kẻ địch đã ở trong tay nó và nó chỉ có ý nghĩ duy nhất là tiêu diệt kẻ thù! Hân hoan với thắng lợi đến dễ dàng, nó nhảy phốc lên như các con hươu vẫn thường nhảy khi muốn dẫm chết một con rắn độc, lấy đà từ cao trên đầu Đomino giáng tất cả sức nặng toàn thân xuống người con cáo. Đomino giật chạy sang một bên. Chẳng còn gì cứu được nó nữa, một móng guốc nện hết sức đã giáng xuống… nhưng – ôi, hạnh phúc biết bao! – nó không giáng xuống con cáo mà lại giáng xuống đúng ngay cái lò xo của chiếc bẫy ghê rợn. Các ngàm thép mở rộng và Đomino được giải thoát.
Con cáo thu hết sức tàn lao về phía một bờ giậu gần nhất và chui qua khe hở. Con hươu đama chạy quanh hàng giậu vài vòng nhưng lần nào con cáo cũng tránh thoát được sang phía khác dù rằng nó đã hoàn toàn kiệt sức. Cuối cùng nó đã gặp may: con hươu con rống lên gọi mẹ làm cho mẹ nó đành bỏ dở cuộc truy kích. Đomino tập tễnh lê bước về nhà.
Kẻ ngu ngốc phải qua nhiều lần rơi vào bẫy mới rút ra được một bài học nào đó cho mình, còn người thông mình thì chỉ một lần là đã quá đủ để trở thành sáng suốt hơn. Hai bài học khủng khiếp này là hoàn toàn đủ đối với Đomino. Từ nay đến hết đời nó sẽ nhớ rằng không những phải tránh xa mùi sắt và mùi người, mà nói chung cần đề phòng tất cả những mùi khác thường.
Các mùi khác thường luôn mang theo sự chết chóc.
XIII- MÙA HÈ VÀ CÔ GÁI NHỎ
Một lần vào đầu mùa hè Đomino khập khễnh lê ba chân đến gần một trang trại nằm trên một quả đồi cao. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ có vườn cây bao la và vườn rau rộng lớn kéo dài gần tới bìa rừng và bao bọc quanh ngôi nhà. Nơi đó thật dễ đến gần mà vẫn không bị phát hiện. Đomino lang thang khắp nơi, hít ngửi tất cả để tìm hiểu tình hình. Cuối cùng nó thấy một khe hở gà bới dưới chân bờ rào bèn chui qua đó vào vườn. Nó rón rén đi giữa đán thân lá khoai tây mọc dày đặc và những bụi dâu đất rậm rì. Đang thận trọng tiến về phía trước nó bỗng trông thấy trong đám lá rậm có cái gì đó bé xíu, đen đen và sáng long lanh. Nó đứng sững lại như trời trồng và hiểu ra ngay lập tức đó là đôi mắt của một con gà tây đang ấp trứng.
Mỗi con cáo đều có một túm lông nhỏ nằm ngay trên đuôi chỗ giáp với lưng, túm lông này mỗi khi con vật bị kích động thường xù lên. Chỉ dựa vào túm lông xù lên đó cũng có thể nhận xét được vẻ hồi hộp, lo lắng của Đomino trong cuộc săn mồi mạo hiểm như thế này. Nhưng nó còn đang do dự thì phía đằng sau có tiếng động, và Đomino liền quay đầu lại. Nó thấy một con người bé nhỏ đứng cách nó không xa.
- A, con cáo nhỏ! Mày định giở trò tinh nghịch hả? – cô bé nói với giọng quở trách.
Đomino giật thót người khi nghe thấy tiếng nói của con người. Nó trong tư thế sẵn sàng nhảy đi nhưng chưa nhảy. Cô bé không có gì nguy hiểm đối với nó – cô ta bé tí thế kia mà. Mà con gà tây lại quá hấp dẫn.
Trong Đomino nỗi sợ đấu tranh với bản năng săn mồi. Nó vừa liếc nhìn cô bé vừa bước dần về phía con gà. Cô bé kêu lên và chạy đi. Tiếng kêu đó quyết định mọi sự: Đomino nhảy phắt vào bụi cây và trốn mất. Gà được cứu thoát.
Ngay chiều hôm đó cô bé hỏi cha:
- Ba ơi, nếu ba có con gà mái ấp trứng ở trong rừng thì ba làm cách nào để cho cáo khỏi bắt mất gà nhưng vẫn không hại gì đến cáo?
- Ba sẽ đặt xung quanh chỗ gà ấp vài miếng sắt, như thế sẽ chẳng con cáo nào dám đến gần nữa. – người cha đáp.
Sau đó cô bé nhặt trong vườn một mẩu xích, một mảnh lưỡi cày gãy, một cái móng ngựa và đem đặt chúng xung quanh ổ gà mái ấp.
Vài ngày sau Đomino lại tìm đến chỗ con gà. Nó nhớ rất rõ nơi đã bắt gặp miếng mồi thịnh soạn đó.
Nó bước thận trọng hơn mọi khi, bởi vì nó có thể gặp người cùng với con gà mái. Tuy nhiên trước khi con gà tây kịp kêu lên báo động thì khứu giác và thị giác của con cáo đã báo cho nó biết trước sự hiện diện của những vật nguy hiểm sặc sụa mùi sắt. Nó bò giật lùi lại và thử vòng sang hướng khác, nhưng cả ở đây cũng thấy có một trong những vật báo trước sự bất hạnh đó. Lý trí thì thầm bảo nó: “Quay lại!” – và Đomino bỏ đi.
Cô bé không biết điều đó, nhưng hôm sau người cha nói với cô: “A, con biết không, sáng nay ba nhìn thấy vết chân cáo mới nguyên trong vườn khoai tây”.
Như vậy là Đomino bị đánh lừa đã buộc phải để con gà mái tây yên ổn. Nhưng chẳng mấy chốc nó đã tìm được một miếng mồi khác là một con gà mái đang nằm ổ. Nó cắn một nhát đứt cổ con gà và tha về hang. Nhưng trên đường về nó chợt nghĩ ra rằng không tận hưởng cả số trứng gà thì thật uổng. Thế là nó giấu con gà vào đống lá rừng rồi quay trở lại, tha hết quả trứng này đến quả trứng khác tới một trảng rừng trống và giấu ở đó. Nó đánh dấu kho bí mật này bằng một chất tiết ra từ tuyến xạ của mình để sau này tìm lại được và cũng để cho các con cáo khác biết đó là kho riêng của nó. Bấy giờ nó mới lôi con gà đã giấu lên và tha về nhà.
Trứng gà có thể lưu giữ được lâu và chịu đựng được nhiều biến động trước khi Đomino phải dùng đến. Lúc nào cần đến là sẵn có ngay, và lúc đói thì dĩ nhiên trứng thối nó cũng ăn.
Đomino đã nhiều lần cất giấu mồi săn được. Một số con cáo không cất giấu thức ăn chỉ vì chúng là những thợ săn tồi chẳng bao giờ có thứ gì để cất giấu cả. Những con cáo săn mồi có kết quả đều nhanh chóng tạo ra thói quen cất giấu mồi kiếm được.
Một tháng sau, Đomino chú ý đến những trái mận gai năm đó được mùa một cách khác thường. Nó nhai nuốt chừng vài ba trái. Tuy nhiên nó không thích lắm, bởi vì lúc này nó đang no nê và béo núc. Dù sao nó cũng thích thú nhảy lên bứt những chùm quả đỏ mọng. Ban đầu nó còn ném lung tung, nhưng về sau thì ném dồn lại thành đống.
Cuối cùng, bản năng tích trữ lương thực nổi lên: nó giấu đống quả cây đó xuống dưới lá và đổ dấu xạ hương lại ở gốc cây bên cạnh. Khi nào cần tới nó có thể tìm được kho dự trữ đó ngay kể cả lúc tuyết phủ kín kho.
XV – NGƯỜI THỪA KẾ ĐOMINO
Mùa hè năm đó Đomino đi tập tễnh và không thể chạy nhanh được, nhưng may mắn thay cho nó con Ghechia “chạy nhanh”, kẻ thù của nó cũng bị què. Đomino phải kiếm ăn cho bầy con của nó, và Thiên nhiên mẹ hiền nằm đó đặc biệt hào phóng. Nó luôn luôn săn mồi có kết quả và mỗi ngày mang về hang một con thú còn sống nguyên: lúc là một con ếch nào đó khiến cho lũ cáo con cứ nhảy vồ trượt đến sức đầu mẻ trán nhiều lần mới tóm được, khi lại là một con chuột đồng béo mập biết lẩn trốn dưới đám lá để cho lũ cáo con phải sục đầy cát và cỏ vào mõm trước khi một con nào đó may mắn đoạt được con mồi tinh ranh. Nhưng một bữa cáo bố tha về một loại mồi khác để tập luyện.
Đomino đang lang thang trong màn sương mù ở gần dòng sông thì phát hiện ra nạn nhân của mình. Con vật mà nó theo dõi thoạt đầu đi trong nước ở một khúc sông hẹp rồi sau leo lên một khúc gỗ chìm trong nước và ngồi đó khéo léo cậy những con ốc nhai ngon lành. Đó là một con chuột xạ to bự. Nó dùng hàm răng cứng màu vàng nhai vỏ ốc rau ráu và do tiếng động đó mà nó không mảy may nhận ra nhà đi săn của chúng ta đang rón rén lại gần. Bộ lông đen vụt hiện ra và chỉ sau vài khoảnh khắc chiến đấu Đomino đã ngoạm được ngang cổ con chuột xạ. Con chuột vùng vẫy một cách vô ích, kêu chít chít và nghiến ken két những cái răng sắc nhọn như lưỡi cưa. Đomino chạy hết tốc lực và chỉ mười phút sau đã về tới trước hang.
Vừa nghe thấy tiếng khịt phì phì quá quen thuộc của bố, bầy cáo con đã nhanh nhẹn phốc ra khỏi hang, con nọ xô đẩy con kia. Cáo bố thả mồi xuống. Lũ cáo con lao theo ngay, nhưng đấy là con chuột xạ còn sống và nó chống cự lại dữ dội. Nó xông tới xông lui, đẩy dạt bầy cáo con đang nhảy choi choi quanh nó như lũ chó nhảy quanh một con gấu, khiến cho lũ cáo con phải vừa kêu the thé vừa nhảy giật lùi sau khi được nếm hàm răng sắc nhọn của nó. Chỉ có một con cáo con không hề lùi bước trước con chuột xạ ngay cả sau ba lần giao chiến với nó. Con cáo này không to hơn con chuột xạ và cũng chẳng lớn hơn anh chị em nó, nhưng rõ ràng là nó có lòng dũng cảm bẩm sinh, và trong khi những con cáo khác đứng vây quanh thì nó vẫn tiếp tục chiến đấu. Đó là một cuộc quyết đấu sống mái. Con cáo con xông lại gần đầu con chuột, xáp lại gần hơn nữa và cuối cùng đớp thẳng vào cổ kẻ thù. Nó ngoạm chặt cổ con chuột cho đến khi kết liễu đời con này và sau đó cả gia đình nó xúm vào dự tiệc.
Cáo bố và cáo mẹ rất bình tĩnh theo dõi trận đánh nhau. Tình cảm nào đã kiềm chế chúng lại, và tại sao chúng không tự ra tay giết chết con chuột? Có thể mọi vệc sẽ sáng tỏ hơn nếu như chúng ta tự hỏi mình rằng, người cha giao cho cậu con trai giải một bài toán dễ đối với ông ta nhưng khó đối với đứa con cốt để làm gì.
Con cáo con đó không phải là con lớn nhất trong bầy, nhưng là con có màu lông sẫm nhất. Sau này nó sẽ lớn lên thành người kế tục xứng đáng của cha nó, và ai muốn đều có thể đọc tiểu sử của nó trong cuốn biên niên sử vùng thượng lưu sông Soban.
Tháng “Giông bão” kết thúc một cách chậm chạp, và bầy cáo con đã lớn lên rõ rệt. Một số trong bọn chúng đã lớn bằng mẹ, và thế là bắt đầu cuộc phân chia tất yếu mối quan hệ gia đình, thoạt đầu là con cáo anh lớn nhất, rồi đến lũ cáo chị bắt đầu đi săn mồi một mình thường xuyên hơn và không về nhà vài ngày liền. Cứ thế, chúng xa nhau dần, và cuối cùng đến cuối tháng Đỏ gặt hái thì tất cả bọn chúng đã mỗi người đi một phương. Trong hang chỉ còn lại Đomino và Yếm trắng.
Đến đầu mùa thu cẳng chân Đomino đã hoàn toàn khỏi và nó lại trở thành con cáo chạy nhanh nhất vùng Gonde. Nó lại có thể thoát thân khỏi bất kỳ con chó nào y như thời kỳ trước. Bây giờ nó lại sung sức cao độ và hoàn toàn làm chủ được sự nhanh nhẹn là cái tài năng vĩ đại nhất của nó. Trong cả vùng núi lân cận chưa có con cáo nào dám đua tài chạy thi với nó, mà cũng chưa có con chó nào đe dọa nổi nó. Phổi nó dường như có sức chịu đựng vô hạn, và chân nó cũng vững chãi chẳng khác gì phổi. Chính nó cũng thích thú về tài nhanh nhẹn của mình.
Domino - Truyện Một Con Cáo Nâu Đen Domino - Truyện Một Con Cáo Nâu Đen - Truyện Cổ Tích Domino - Truyện Một Con Cáo Nâu Đen