Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Thể loại: Cổ Tích
Upload bìa: Hà Ngô
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2388 / 20
Cập nhật: 2021-01-30 16:20:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
PHẦN THỨ I. THỜI THƠ ẤU VÀNG SON
– MÁI NHÀ THÂN YÊU
Mặt trời đã khuất sau rặng núi Gonde, và ánh hoàng hôn êm dịu mà tất cả các loài thú đều yêu thích đang trải dài trên một dải đồi núi và bình nguyên bao la. Ráng chiều sáng rực, phủ ánh hào quang hiền dịu lên những thung lũng xinh xắn như muốn ngăn cản màn đêm. Cao trên ngọn đồi gần sông Soban là một cánh rừng thông nho nhỏ đang độ xanh rờn. Ở đây thật dễ chịu và yên tĩnh lúc chiều tà. Giữa khu rừng đó trên khoảng rừng thưa có một gia đình nhà cáo. Lối vào hang nằm khuất ở ngay bìa rừng. Đúng giờ nay cả gia đình cáo chui ra ngoài nô đùa và tận hưởng hơi mát lúc chiều hôm.
Cáo mẹ theo dõi bầy con nô đùa. Nó rất sốt sắng duy trì cuộc vui chung. Lũ cáo con nhiều lông tơ mềm mại nô đùa không hề quan tâm đến thực chất của cuộc sống vừa mới bắt đầu trong khi người mẹ dồn hết cả sức lực cao cả vào việc phục vụ chúng, và đối với chúng dĩ nhiên tất cả thế giới này đều là bạn. Chúng nô đùa và ẩu đả, chúng đuổi bắt nhau trong niềm vui mãnh liệt không gì kìm hãm, đuổi theo cả lũ ruồi bọ, hít hít một cách dũng cảm những con ong đất béo tròn và chạy như điên để cố tóm lấy cái chót đuôi của mẹ hoặc giật của nhau mẩu thức ăn cũ nào đó đã quăng bỏ từ lâu.
Chúng nô đùa cốt để giải trí và thỏa mãn với bất cứ lý do nào khiến cho chúng lại được chạy nhảy tứ tung.
Chiều hôm đó trò chơi của lũ cáo con là một cái cánh vịt đã khô queo. Hàng chục lần nó bị thảy qua thảy lại từ con nọ sang con kia. Nhưng cuối cùng thì chú cáo con lanh lợi nhất có một khoang đen ngang mõm chiếm được cái cánh vịt. Nó không nhường cho ai cả và bắt đầu ngậm vật đoạt được chạy vòng tròn cho đến lúc những con cáo kia chán cái trò đuổi bắt vô bổ này. Nó liền nhả cái cánh ra và bám luôn lấy đuôi mẹ mà lắc mà giật cho đến khi mẹ nó bất ngờ nhảy lên hất đuôi đi khiến cho kẻ hay gây rối ngã ngửa người ra.
Giữa lúc nhốn nháo đó, bỗng nhiên trên bãi trống xuất hiện một con cáo già. Vừa nhìn thấy nó cáo mẹ đứng phắt lên và lũ cáo con hoảng sợ, nhưng hình dáng quen thuộc của con cáo kia lập tức làm cho chúng yên tâm. Nó chính là con cáo bố.
Nó mang thức ăn tới cho nên tất cả đều hướng mắt và mũi về phía nó. Con bố đặt vật mang về xuống đất, đó là một con chuột xạ vừa bị cắn chết, và cáo mẹ vội chạy đến.
Những người thợ săn thường kể rằng, cáo không bao giờ đem mồi về gần hang nếu cáo con không có nhà. Và trong các câu chuyện của người đi săn đôi lúc cũng có những điều nói đúng.
Cáo mẹ xé con chuột xạ ra cho bầy con và chúng lao ngay vào. Chúng giằng co, giành giật con mồi, tru lên, giương mắt nhìn nhau dữ tợn, con nào con nấy đều hục hặc lúc lắc cái đầu, cố gắng đoạt lấy phần thức ăn của mình.
Cáo mẹ nhìn cáo con xúm quanh con chuột chết, đồng thời vội quan sát cả khu rừng. Ở đó luôn ẩn chứa những kẻ thù thâm độc: bọn người có súng ống, lũ trẻ với bầy chó, chim ưng và cú vọ, tất cả đều thèm muốn săn bắt lũ cáo con.
Cáo mẹ thường xuyên thận trọng và cáo bố cũng giúp đỡ nó trong công việc này. Mặc dù cáo bố giữ vai trò thứ yếu trong việc gia đình và tạm thời khi cáo con còn chưa mở mắt thì thậm chí không được vào hang, nhưng nó vẫn tự nguyện mang thức ăn về và canh gác trước hang.
Bữa tiệc vui vẻ của bầy con đang lúc sôi nổi nhất thì bỗng nhiên từ xa đưa lại tiếng kêu “ua, ua, ua, áp” của cáo bố. Đó là dấu hiệu báo một nguy hiểm đang đến gần. Giá như lũ cáo con già dặn hơn chút nữa thì chúng đã hiểu ý nghĩa của tín hiệu đó. Nhưng chúng còn quá bé nên cáo mẹ vội vàng giải thích để cho chúng biết phải làm gì. Sau khi nhắc lại cho bầy cáo con nghe tiếng sủa xa xa của cáo bố bằng một giọng trầm trầm đầy đe dọa, cáo mẹ lùa chúng vào trong cái hang tranh tối tranh sáng để chúng có thể bình tĩnh ăn hết con chuột xạ.
Chỉ tính ở một trang trại của vùng New England thôi cũng đã có không dưới một ngàn cặp cáo sinh sống. Mỗi cặp hàng năm lại cho ra đời một lứa cáo mới, và vì thế rất có thể những cảnh vừa thấy trên đây xảy ra thường xuyên trước mỗi hang cáo vào những ngày xuân đẹp trời. Từ đó ta suy ra rằng mỗi năm có trên một trăm ngàn lần cảnh như thế này lặp đi lặp lại mỗi ngày trước mắt chúng ta. Tuy nhiên tất cả những cảnh này diễn ra trong bí mật và bố mẹ lũ thú rừng thận trọng đến mức, rất có thể chỉ có một người trong số một trăm ngàn người mới có diễm phúc được chứng kiến cái khung cảnh gia đình tương tự như thế.
Ở Gonde con người hạnh phúc duy nhất trong số một trăm ngàn người đó chính là Apne Giucxo. Đó là một cậu bé cao nhồng, tóc bạch kim, mặt đầy tàn nhang, lúc nào cũng leo trèo trên cây tìm tổ quạ thay vì chăn dắt đàn bò.
Cậu theo dõi bầy cáo nô đùa không phải như mọi đứa bé bất kỳ mà theo dõi với sự hồi hộp của một nhà tự nhiên học tương lai. Cậu chú ý ngay đến con cáo con có cái vệt đen ngang mõm trông như chiếc mặt nạ ở bộ áo đôminô dùng trong ngày hội hóa trang, và sung sướng mỉm cười với nó.
Cậu bé không hề có ý nghĩ quấy rầy cuộc giải trí của bầy cáo con, nhưng dù sao cậu cũng là kẻ ngẫu nhiên có lỗi cho cuộc vui dừng lại bất ngờ và gây ra tất cả thảm họa sẽ giáng xuống đầu gia đình cáo sau này.
Apne chỉ săn cáo vào mùa đông. Cậu rất tự hào về con chó săn của mình, nó đầy hứa hẹn sẽ trở thành một con chó nòi tốt nhất trong toàn bang. Sự thực tạm thời thì đó chưa phải là con chó trưởng thành mà mới là một chú cún con, nhưng là chú cún có những cẳng chân khá to, cái bụng thon và bộ ngực nở. Giọng nó rất khỏe, vang xa, và căn cứ vào tính tình hung hăng dễ cáu thì lúc lớn nó sẽ là một con chó dữ. Apne thường nhốt nó ở trong nhà nhưng lần này không hiểu sao nó thoát được ra ngoài, và dĩ nhiên là nó chạy ngay đi tìm cậu chủ. Nó tới gần làm cho cáo bố lo sợ.
Sau khi biết chắc tất cả bảy đứa con thơ dại yêu quí đã ở ngoài vòng nguy hiểm, cáo mẹ liền chạy ngay ra đối mặt với kẻ thù. Nó cố ý chọn con đường để lọt ngay vào tầm mắt con chó lúc con này chạy gần tới hang, và quả nhiên nó nghe thấy tiếng sủa lanh lảnh khiến cho ngay cả trái tim đã được tôi luyện của chồng nó cũng phải đập mạnh.
Nhưng giờ đây nó không nghĩ gì đến bản thân mình. Nó thu hút sự chú ý của con chó về phần mình, và khi đã cảm thấy chạy được cách hang một khoảng vừa đủ bảo đảm an toàn cho hang là nó bứt luôn khỏi con chó, làm rối loạn dấu vết và quay trở về hang. Ở nhà mọi việc vẫn đâu vào đấy. Chỉ có con cáo con mõm đen mọi khi hay chạy ra đón mẹ ngay lối ra vào, lần này nép vào xó sâu nhất trong hang và chúi mũi vào đó.
Năm phút trước nó còn ngó ra ngoài hang, nhưng đến khi nghe thấy tiếng chó sủa ghê rợn chói tai thì nó run sợ đến ớn lạnh xương sống, run rẩy cả đến mẩu chót cái đuôi xù lông. Cáo con cuống quít lẩn vào góc sâu, nằm co rúm lại và cứ nằm mãi như thế rất lâu cả sau khi cơn sóng gió đã đi qua.
Từ trước tới giờ nó chỉ sống trong thế giới tình thương. Nhưng bây giờ nỗi sợ hãi đã bắt đầu xâm nhập vào thế giới đó rồi.
II. NỖI BẤT HẠNH
Trong những người thợ săn rất phổ biến ý kiến cho rằng hình như cáo không động đến những gia cầm ở gần nơi hang nó. Nó cố không làm cho người láng giềng gần gũi nổi cơn thịnh nộ và vì thế luôn luôn tìm cách kiếm mồi ở những trang trại xa hơn.
Rất có thể vì lý do đó mà ở chuồng gà của Juck mọi việc đều tốt đẹp, còn ở trại Benton thì gà cứ mất luôn luôn. Cụ Benton cũng giống như tất cả mọi người không thể chịu đựng mãi được, và đến khi hơn một phần tư số gà trứ danh của cụ mất tăm thì cụ thực sự phát khùng lên.
Vào ngày Chủ nhật kế đó hai đứa con trai nhà Benton là Xi và Bed đi ngang qua đỉnh đồi vừa lúc nghe thấy con chó của Juck theo vết cáo. Hai chú bé này không mấy thân thiện với con chó nên chẳng muốn can thiệp vào chuyện của nó. Các chú dừng lại, đứng trên cao quan sát một cuộc rượt đuổi trong thung lũng, theo dõi xem cáo xỏ mũi chó một cách linh hoạt như thế nào sau khi đã chán không muốn chạy nữa.
Nhưng các chú bé chưa kịp cất bước thì con cáo lại hiện ra, lần này ngoạm trong miệng một con gà mái trắng phau. Nhà Benton rất hãnh diện về đàn gà trắng của mình, và rõ ràng là cáo đang tha chính con gà của chúng. Gà trắng rất dễ nhận ra từ xa, và hai chú bé chẳng tốn công gì cũng theo dõi được kẻ ăn trộm đến tận cửa hang của nó.
Sau nửa giờ đồng hồ chúng đã đứng giữa đám lông trắng phau của con gà thuần chủng. Các chú bé thử luồn cây sào dài chọc vào hang, nhưng sào bị mắc kẹt ở khúc ngoặt của hang và lũ cáo con tuy sợ chết khiếp nhưng vẫn an toàn. Hai con cáo bố mẹ lúc đó cứ chạy tới chạy lui trong rừng ngay gần hang. Chúng hoảng sợ chạy khỏi hang nhưng cáo con còn bị kẹt lại nơi đó cho nên cái hang cứ thôi thúc chúng quay về. Chúng cố lại gần hang nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng người thì lại chạy đi và lẩn vào bụi cây.
Mặc dầu cái hang nằm trên địa phận sở hữu của nhà Juck nhưng các chú bé nhà Benton vẫn quyết định ngày hôm sau quay lại và lôi lũ cáo con ra. Tuy nhiên cáo mẹ đã lo xa trước nỗi nguy hiểm đe dọa ngôi nhà của nó. Ngay sau khi các chú bé bỏ đi nó đã bắt tay vào việc đào một cái hang mới và đến lúc bình minh thì tiến hành di chuyển gia đình.
Nếu những người nông dân muốn lựa chọn con mèo con tốt nhất trong số những con mới sinh thì họ dùng một phương pháp tự nhiên và đơn giản là mang lũ mèo con ra ngoài đồng trống. Mèo mẹ chẳng mấy chốc đã tìm ra con và bắt đầu tha chúng về. Con đầu tiên nó tha về sẽ được coi là con mèo con tốt nhất. Đó là một dấu hiệu đáng tin cậy. Con mèo linh lợi nhất bao giờ cũng leo lên trên cả đám mèo con, làm cho mẹ nó chú ý đến trước nhất, và chính do thế mà mẹ nó tha nó về trước mọi con khác.
Trong hang cũ Đomino là con cáo nhanh nhẹn nhất, khỏe mạnh nhất ra đón mẹ trước tiên, và mẹ nó mang nó đầu tiên qua nơi ở mới, anh toàn. Sau đó mẹ nó tha con khỏe nhất trong số các chị em gái của nó, rồi đến lượt thằng em trai vạm vỡ. Trong thời gian này bố chúng canh gác ở các ngọn đồi lân cận.
Trời sáng dần. Cáo mẹ vừa lên đường với con cáo con thứ ba thì cáo bố phát tín hiệu báo động.
Các chú bé nhà Benton đã xuất hiện, mang theo thuổng và cuốc chim để đào hang cáo. Nhưng vừa đào được ba bước chân thì chúng vấp phải một tảng đá lớn. Chúng đang bàn luận cách làm thì nghe thấy tiếng nổ rầm rầm đưa đến từ công trường khai thác đá ở trong núi. Thế là chúng có ngay một kế hoạch hành động. Một chú bé chạy vào công trường và quay trở lại ngay với một gói thuốc nổ. Chúng đặt gói thuốc vào khe nứt của tảng đá. Một phút sau tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển cả sườn đồi. Khi đám mây bụi tan đi cửa hang đầy những tảng đá lớn. Chắc chắn là lũ cáo con còn lại ở trong hang đã bị đè bẹp hoặc chết ngạt. Tiếng nổ đã biến nơi cư trú thành nấm mộ, và các chú bé bỏ đi.
Giá như các chú bé quay lại nơi đây vào ban đêm thì chúng sẽ được chứng kiến cảnh cáo bố và cáo mẹ dùng chân bới đất như thế nào và cắn xé một cách vô ích những mẩu đá hoa cương để cố chui vào cái hang thân yêu. Đêm hôm sau cáo lại đến nữa. Đến đêm thứ ba chỉ có một mình cáo mẹ đến, và sau đó nó cũng từ bỏ luôn mọi cố gắng đào bới vô vọng.
III. NHÀ MỚI
Ngôi nhà mới của cáo nằm cách nhà cũ một dặm và không ở trên đồi nữa. Nó nằm lui xuống phía dưới, gần mé sông, nơi đây con sông rời bỏ đồi núi và chảy len lỏi giữa đồng cỏ. Tại đó, cáo dựng ngôi nhà mới ở giữa một chỗ trũng rộng lớn có vách đá bao bọc xung quanh, có rễ cây hoàn diệp liễu và bạch dương quấn vào nhau dày đặc. Cửa ra vào có hai tảng đá lớn che chắn. Hang cũ nằm trên sườn đồi, trong rừng thông, còn cái hang này đào trong lòng trũng phủ bóng hoàn diệp liễu. Thông reo rì rầm và thở dài muôn thuở, còn hoàn diệp liễu lúc nào cũng run rẩy và lo âu. Và dòng sông đưa những cơn sóng của mình đi mãi với khúc nhạc âm vang. Ngay từ cửa vào hang đã bắt đầu là bụi cỏ rậm rạp, kéo dài đến tận một vũng sông êm đềm mọc đầy cỏ lác. Sườn dốc xanh tốt này được dùng làm chỗ chơi đùa của ba đứa nhóc, và suốt mùa hè ở nơi đây có thể hàng vài chục lần quan sát thấy cái cảnh cũ rích cáo bố đi săn trở về nhà. Cỏ xung quanh nhàu nát vì cáo con nô đùa, vật lộn. Chúng lớn nhanh như thổi, nhưng nhanh nhất là con cáo có cái vệt đen trên mõm, cái vệt cứ mỗi ngày một đen hơn.
Cáo bố mẹ bắt đầu dạy chúng đi săn. Cáo con hầu như không bú nữa và ăn những gì mà cha mẹ chúng ăn. Thế là bố mẹ chúng thu xếp để bắt buộc lũ trẻ tìm lấy thức ăn giống như chúng tự đi kiếm lấy. Bố mẹ không mang thức ăn về hang nữa mà để ở trong rừng, cứ mỗi ngày một xa dần theo đà lớn lên của các con.
Vừa nghe thấy tiếng mẹ gọi là lũ con lao ngay vào rừng, và ở trong đó chúng bắt đầu một trò chơi nghiêm chỉnh mà kết quả sẽ quyết định bữa ăn trưa của chúng. Chúng lao vào các bụi cây, tìm kiếm và quay cuồng dọc theo sườn dốc phủ đầy cỏ, vừa láo liên vừa hít hít từng cái hố nhỏ.
Chúng lướt đi mới vui vẻ làm sao, chúng bứt lên trước nhau khi hơi gió mách bảo chúng phải chạy về hướng nào, và thật tuyệt diệu làm sao, cuối cùng chúng đã học được cách phóng như bay theo chân bố mẹ đến thẳng nơi cất giấu thức ăn.
Chúng được dạy cách săn mồi như vậy. Con cáo con mõm đen sáng dạ nhất, mạnh khỏe nhất và nhanh nhẹn nhất. Nó sống tốt hơn. Nó thường xuyên chiếm được miếng to nhất, béo bở nhất. Nó lớn nhanh hơn các con khác và sự khác biệt này ngày càng dễ nhận ra. Nó lại còn có một nét khác biệt nữa: bộ lông xám đen thời thơ ấu của nó ngày càng xẫm màu hơn. Trên mình các chị em nó bắt đầu lốm đốm nhựng đám lông màu hung và vàng, màu lông đặc trưng của giống nhà cáo, còn lông nó thì ngày một đen đi, và mõm với bốn chân lại đen hoàn toàn.
Đó là cuối tháng Bảy. Cáo bố mẹ không những miệt mài kiếm miếng ăn cho bầy con từ các trang trại gần đó mà còn chăm lo giữ gìn chúng khỏi mọi hiểm nguy. Tiếng sủa chát chúa của con chó đen luôn luôn vang lên gần nơi lòng trũng chúng ở, và mỗi lần nghe thấy tiếng sủa đó là con cáo đen con lại run lên. Nhưng thường thường cáo bố hoặc cáo mẹ tiến ra đối mặt với kẻ thù và luôn luôn đánh lừa được chó bằng một mưu mẹo đơn giản nào đó buộc chó phải trở về nhà tay không. Trong vùng vách núi đá ven sông cáo đánh lừa chó dễ đến mức chúng bắt đầu coi thường kẻ địch thủ vụng về của mình và quá tin vào tài khéo léo của bản thân.
Một bữa, khi cả ba chú cáo con đang chạy tới lui sục tìm trên bãi cỏ non con mồi mà cáo bố vừa mang về, thì bỗng đâu một con chó đốm nhảy xổ vào chúng.
Lũ cáo con khiếp sợ tiếng sủa oang oang bỏ chạy tán loạn, nhưng con cáo bé nhất không kịp né tránh đã bị hàm răng kếch xù của con chó ngoạm chặt.
Con chó khủng khiếp mang chiến lợi phẩm của mình về trang trại, đặt xuống bên chân chủ rồi nhìn chủ chờ đợi một lời khen. Nhưng chủ nó chẳng khen ngợi gì nó cả.
Thảm họa không bao giờ chỉ giáng xuống một lần. Tinh mơ ngày hôm sau cáo bố vừa bắt được một con vịt chạy về thì bỗng tiếng chó sủa buộc nó phải chạy trệch khỏi cái hướng đi đã quá quen thuộc với nó. Nó rơi vào một con đường nhỏ chạy dọc theo hai bờ giậu cao. Nó không thể chui qua bờ giậu với con vịt ngậm chặt trong mồm. Cáo chạy dọc bờ giậu, nhưng lũ chó đã đuổi kịp nó. Nó bèn luồn nhanh sang một lối đi ngang bắt gặp đầu tiên. Than ôi! Kẻ bất hạnh rơi ngay vào một sân nhà có con chó khác, và thế là kết thúc cuộc đời nó.
Gia đình nó không biết gì về chuyện này. Cáo bố không trở về, không mang mồi kiếm được về. Mẹ và hai đứa con bị bỏ đói. Cơn đói đó có thể là tất cả những gì chúng nhận biết được ngày hôm ấy.
Trong cái hang ở giữa rừng hoàn diệp liễu chỉ còn cáo mẹ và hai đứa con. Cáo mẹ can đảm gánh vác tất cả nỗi gian truân vất vả. Tuy nhiên nó cũng đã gần hết trách nhiệm đối với bầy con. Suốt tháng Tám cáo con theo mẹ đi rất xa săn mồi và tự tìm lấy thức ăn. Đến tháng Chín con cái đã to bằng mẹ, còn con đực lông xẫm màu thì lớn vượt hẳn mẹ và khỏe hơn mẹ rất nhiều. Bây giờ mối quan hệ giữa em gái với anh trai và giữa mẹ với con trai đã thay đổi: cả hai con cái bắt đầu xa lánh chàng cáo đẹp trai to lớn đó và cuối cùng chúng cùng tránh né nó.
Cáo mẹ và cáo con còn sống chung với nhau nhưng một bản năng khó nhận thấy nào đó đã phá tan mối quan hệ gia đình. Chúng giữ tình bạn với con cáo đen to lớn khi tình cờ gặp nhau, nhưng rõ ràng chúng tránh những cuộc gặp gỡ đó. Vậy là chàng Đomino “chạy nhanh” sau khi đã học được cách tự lo lấy cho mình liền rời bỏ vùng trũng trong rừng liễu và bắt đầu cuộc sống của một con cáo độc thân.
IV. TRANG PHỤC MỚI VÀ CUỘC SỐNG MỚI
Từ đó Đôminô bước vào thế giới rộng lớn đầy rẫy giông tố cuộc đời, vượt xa ngoài phạm vi cái góc nhỏ thân yêu dưới tán liễu. Nay nó bắt đầu một cuộc sống tự lập và chỉ trông cậy vào sức lực bản thân để có thể no nê và toàn vẹn. Mỗi ngày nó thêm thông minh hơn, thận trọng hơn và đẹp đẽ hơn.
Ngay sau khi rời khỏi cái hang thân thuộc nó đã buộc phải chạy thoát khỏi một cuộc săn đuổi và hiểu rằng tài mưu trí giải cứu cho mình tốt hơn bất cứ đôi chân nhanh nhẹn nhất nào. Ngoài ra nó còn phát hiện được là trong giây phút hiểm nghèo nó có một người bạn trung thành mà nó vẫn thấy hàng ngày từ trước nhưng bây giờ mới có dịp bắt quen.
Một lần hai con chó đuổi theo Đômino, và do chạy quá lâu theo các vách đá để thoát khỏi chúng nên nó đã bị cạnh đá cứa rách chân. Hôm đó là một ngày khô hanh và oi bức. Sau khi dốc hết sức chạy, Đômino đã bỏ xa được những kẻ đuổi bắt. Nó lao vút về phía con sông với ý định làm dịu bớt mấy cái chân bê bết máu, mỏi rã rời và nóng bừng bừng. Nó trườn xuống sông, lê bước theo bờ nước nông ngược dòng chảy, tận hưởng cái mát mẻ. Nó đi trong nước được chừng một phần tư dặm thì bỗng lại nghe thấy tiếng chó sủa tiến lại gần và nhìn thấy chó chạy tới bờ sông theo dấu chân nó. Chú cáo non trẻ ẩn nấp trong bụi cây trên một cù lao nhỏ, và từ nơi ẩn náu an toàn đó nó sung sướng theo dõi lũ chó bị mất dấu ở chỗ mép nước rồi cứ chạy tới chạy lui dọc bờ sông để cố tìm nó, nhưng cuối cùng chẳng tìm được gì đành phải quay về mà hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Có thể con cáo không hiểu rành rẽ rằng nước đã che đậy dấu vết, nhưng trong đầu óc nó đã hình thành một ý niệm sông là nơi rất tốt có thể giúp tránh được mối nguy hiểm khó thoát. Sau này điều đó còn được khẳng định thêm nhiều lần nữa. Ở nơi đó, bên bờ phía hạ lưu có một bãi cát dường như không in lại dấu vết và do đó không thể tố cáo sự có mặt của kẻ chạy trốn. Khi mùa đông đến và dòng sông phủ một lớp băng mỏng lấp lánh, Đômino đã nhận ra rằng băng nâng đỡ nó rất tuyệt nhưng lại vỡ ra dưới chân chó làm cho chó rơi tõm xuống nước.
Nhưng nơi có lợi nhất té ra lại là cái bờ dốc dựng đứng lởm chởm đá trên bờ sông. Dưới chân dốc có một con đường mòn lượn quanh, đoạn đầu khá to nhưng đoạn sau thu hẹp lại đến mức cáo lách qua còn chật vật và thành ra quá hẹp đối với chó săn. Con đường mòn đó vòng ra mũi đất rồi thoai thoải chạy lên vách đá và dẫn vào rừng, nơi mà đến đây bằng bất cứ con đường nào khác cũng phải mất không dưới hai năm.
Ngoài ra, Đômino còn nhận thấy rằng khi không săn được gì ở những nơi khác thì ở bên dòng sông bao giờ cũng có thể tìm thấy một cái gì đó ăn được. Lúc là một con cá bị quăng lên bờ, lúc là một con chim chết, hoặc cùng lắm là một con ếch, tất cả đều có thể làm dịu cơn đói. Thế là trong óc nó hình thành một điều khẳng định vững chắc: nói chung dòng sông là một nơi tuyệt diệu, rất có ích trong những giây phút khó khăn của cuộc sống. Con sông đã trở thành người bạn nó.
Vào thời gian này con thú mới lớn của chúng ta thay đổi hẳn và mối nguy hiểm luôn đe dọa cuộc sống của nó cũng tăng lên gấp bội.
Khi thời tiết bắt đầu bước vào những đêm thu trẻ trung lông của Đomino trở nên dày hơn, xốp hơn và thay màu. Mỗi ngày lông một xẫm hơn cho đến lúc cuối cùng sắc hung và xám biến mất hoàn toàn. Và bất cứ người nào am hiểu về lông thú đều có thể nói: “Đó phải chăng là dấu hiệu báo trước một vẻ đẹp không thể mong ước gì hơn. Phải chăng con cáo mới trưởng thành sẽ trở nên một con cáo nâu đen thực thụ?”
Kiếm được bộ lông cáo nâu đen – đó là một thứ hạnh phúc to lớn vô cùng mà người thợ săn chỉ dám mơ ước đến mà thôi. Thế nhưng cái báu vật đó lại được chính bản thân con thú giữ gìn cẩn thận bằng sự tinh khôn và nhanh nhẹn của mình.
Cáo nâu đen chỉ về mùa đông mới khác biệt rõ rệt với loại cáo khác. Cáo nâu đen con, khi còn chưa thay bộ lông thời thơ ấu, rất dễ nhầm với những con cáo bình thường. Chỉ lúc mùa đông đến gần mới có thể khám phá ra vẻ đẹp của anh chàng nhiều diễm phúc. Và thế là khi mùa thu đi qua và những đêm băng giá ập tới vùng Gonde thì bộ lông mùa đông sẫm màu của Đomino ngày càng mịn và dày hơn, cái đuôi có đốt cuối màu trắng ngày càng mềm mại hơn, và cái vệt đen xẫm nổi bật ngang mõm ngày càng đen hơn, giống hệt chiếc mặt nạ nằm giữa có lông trắng như bạc viền chung quanh. Đầu và cổ cũng một màu đen bóng. Những điểm lông trắng óng ánh xuất hiện trên nền lông đen như bóng đêm thật chẳng khác gì những ngôi sao sáng điểm rải rác trên bầu trời ban đêm. Ai đã từng trông thấy con cáo con lem nhem hồi tháng Sáu khó mà nhận ra nó vào tháng Mười một này với toàn bộ vẻ lộng lẫy huy hoàng của bộ quần áo mùa đông trang nhã. Đomino đã biến thành một con cáo nâu đen tuyệt diệu.
V. CÁO ĐẸP MÃ VÀ CON QUÁI VẬT
Chẳng bao lâu mọi người đều biết rằng ở Gonde xuất hiện một con cáo nâu đen. Người ta nhìn thấy con cáo đẹp mã ấy nhiều lần, nó là một kỳ quan trong số những con thú săn lấy lông, và một số người còn thậm chí cho rằng con chó Ghechia lông đen của Juck đã nhiều lần đuổi theo dấu chân nó. Điều này chí ít cũng là do chính Juck kể lại, tuy rằng bạn bè thường cười giễu coi là chuyện phịa và khẳng định rằng con cáo nâu đen rất khinh thường con chó ngốc nghếch, và bao giờ cũng đánh lạc hướng được chó bằng một trong vô vàn mánh khóe của nó sau khi đã bắt chó chạy thục mạng theo nó.
Ghechia có tiếng sủa tuyệt vời: to, trầm và vang xa đến mức gặp đêm yên tĩnh có thể nghe rõ cách hàng vài dặm. Tiếng sủa thực ra là máy móc, bởi vì con chó không hề thay đổi cách sủa trong lúc chạy, ngay cả lúc chạy về nhà theo dấu chân của chính mình.
Đám trẻ con nhà Juck tưởng tượng rằng Ghechia là một con chó săn mẫu mực, tuyệt vời. Nhưng láng giềng lại cho rằng đó chỉ là sự pha tạp một cái bẫy cáo và một một cái còi xe lửa, mà lại còn là một con vật hung dữ và càu quạu. Những người công tâm hơn thì xác nhận Ghechia là một con chó con to lớn, chạy nhanh, dữ tợn, có giọng sủa thật độc đáo, khó quên.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng sủa của Ghechia lúc nó bị nhốt trong trang trại. Cái tiếng sủa oang oang, dễ sợ, chát chúa đó cứ âm vang bên tai tôi mãi suốt cả ngày.
Thế rồi một lần, vào mùa thu khi hoàng hôn buông xuống, tôi đang lang thang trong rừng dưới chân đồi Gonde thì tiếng chó sủa chát chúa từ đằng xa vọng đến làm cho thính giác của tôi phải sửng sốt. Tôi nhận ra ngay lập tức và đoán là Ghechia đang chạy theo dấu một con thú nào đó. Tôi lắng nghe và hiểu ngay câu chuyện đang xảy ra. Tôi nghe thấy tiếng lá cây lay động nhẹ, và một khoảnh khắc sau đã thấy hiện ra một con thú kỳ diệu: con cáo có bộ lông đen như than. Nó ngoảnh nhìn về phía kẻ thù. Con cáo cách tôi cả thảy có năm chục bước, và tôi hiểu mình cần phải làm gì: tôi đặt tay lên môi rồi lấy hơi tắc lưỡi thật to. Con cáo quay ngoắt lại và trườn nhanh về phía tôi.
Khi giữa chúng tôi chỉ còn không đầy hai chục bước nó dừng lại trong tư thế duyên dáng, đôi tai căng thẳng chờ đợi, cái đuôi hơi cụp xuống và chân trước co lên như muốn cố xác định xem cái tiếng tắc lưỡi giả làm tiếng chuột hoặc thỏ kia từ đâu đưa lại.
Chao ôi, bộ lông mới đẹp làm sao!
Mới là đầu thu nhưng trên nền lông đen bóng đã nổi rõ chòm lông ngực trắng như tuyết và mẩu đuôi cuối màu sáng. Đôi mắt màu vàng của con cáo sáng rực lên như những đốm lửa nhỏm còn những chấm lông lóng lánh ánh bạc thì bao quanh đầu và cổ nó như vầng hào quang. Tôi cảm thấy chưa lần nào trong đời được nhìn thấy một tạo vật tuyệt tác như vậy. Cuối cùng tôi đã hiểu đó đích thực là con cáo nâu đen vùng Gonde. Tôi đứng yên không nhúc nhích, con vật cũng bất động. Dường như điều này vẫn thường hay xảy ra: loài vật có lẽ không nghĩ ra rằng đứng trước nó là một con người. Nhưng con cáo đã nghe thấy tiếng chó sủa oang oang đang lại gần, đó là Ghechia chạy theo dấu chân nó. Nó liền quay ngoắt lại, tiếp tục chạy. Tôi lại tắc lưỡi và lại có diễm phúc ngắm nghía lần nữa cái dáng đứng kiều diễm của con thú đang lo sợ. Nhưng tôi đã có một cử động thiếu thận trọng làm lộ mình và con cáo biến mất trong nháy mắt.
Sau mười phút, một con thú khác hiện ra, cứ cách vài bước nó lại sủa cầm chừng một tiếng. Nó chui qua các bụi cây, làm gãy tất cả những gì cản trở trên đường đi. Nó vụng về, nặng nề, đôi mắt đỏ ngầu như máu và chẳng để ý đến cái gì khác ngoài những dấu vết để lại trên mặt đất, nó tiến lên phía trước với bộ mặt bướng bỉnh, lầm lì. Đó chính là con Ghechia trứ danh định thử sức với nhân vật chạy nhanh nhất trong số dân cư vùng Gonde.
Tôi bất giác cảm thấy rùng mình phải chứng kiến cái cảnh con thú to béo, phục phịch đánh hơi và tìm ra chính xác mỗi chỗ ngoặt của dấu chân cáo. Tôi thấy thật ghê người khi nghĩ rằng dấu vết kia có thể nói cụ thể là con cáo chạy hướng nào. Chính vì thế mà Ghechia không bối rối, do dự một chút nào. Tôi tắc lưỡi gọi chó nhưng có lẽ chỉ gọi một cái bẫy cáo nào đó thì mới mong đạt được kết quả mà thôi. Con chó chỉ có một ý nghĩ duy nhất là không để mất dấu, đuổi theo kỳ được con cáo. Và sau đó ra sao thì tôi có thể căn cứ vào đôi mắt dữ dằn, ngầu máu của con chó và túm lông dựng đứng trên trán nó mà đoán ra được dễ dàng. Chính bản thân tôi cũng đi săn cáo và ưa thích kiểu săn bằng chó, nhưng ngày hôm đó cái hình ảnh một tạo vật kỳ diệu con chó ngao Xecbe nhẫn tâm săn đuổi và khó lòng thoát khỏi tay nó đã gây cho tôi ấn tượng y như đang đứng trước hình ảnh một con rắn độc định xiết chết nghẹt một con chim nhỏ có giọng hót tuyệt vời.
Tôi đã lãng quên tình bạn lâu đời giữa người và chó, và từ đó trở đi chuyển tình cảm của mình sang con cáo nâu đen.
VI. – ĐỜI SỐNG MÙA ĐÔNG CỦA ĐOMINO
Mùa đông đã đến, các cậu bé thôn quê bắt đầu mùa săn cáo chẳng theo quy củ gì cả. Chúng thường thả hai ba con chó chạy trước rồi chạy bộ theo sau, tay cầm súng.
Có một lần chúng mở cuộc săn bằng ngựa thực thụ cùng với bầy chó, nhưng Đomino náu kín trong các khe đá gần bờ sông. Mỗi lần trốn thoát kẻ thù nó lại trở nên dũng mãnh hơn và càng thành thạo hơn trong nghệ thuật đánh lạc hướng những kẻ săn đuổi nó. Ngoài ra nó còn trau dồi được cả cách chế ngự bản thân. Tiếng sủa ghê rợn của con chó to lớn vẫn làm cho nó khiếp hãi như trước, nhưng Đomino tập chế ngự được nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm của nó mỗi ngày một gia tăng.
Giờ đây nó sống cuộc đời bình dị của một con cáo độc thân. Nó không có tổ ấm, loài cáo mùa đông ít sống trong hang. Nó nằm ngủ ở những chỗ trống, bộ áo lông dày dặn, mịn màng và cái đuôi mượt mà bảo vệ nó khỏi bị lạnh. Còn tài đánh hơi thính nhạy giúp nó tránh thoát mọi nguy hiểm đang tới gần.
Nó chỉ ngủ ban ngày, dưới ánh nắng. Đó là quy luật không viết thành văn của loài cáo: “Đêm săn mồi, ngày ngủ”. Khi mặt trời lặn và bóng hoàng hôn bao phủ, Đomino bắt đầu đi kiếm ăn.
Có người nghĩ lầm rằng mọi con thú rừng đều có thể nhìn được trong bóng tối dày đặc. Không đúng, con thú cần ánh sáng. Dĩ nhiên là nó cần ít hơn con người, nhưng dù sao nó cũng cần có một chút ánh sáng. Con thú có khả năng dò dẫm, len lỏi trong bóng đêm tốt hơn con người, nhưng vẫn chỉ là dò dẫm mà thôi. Con thú không ưa ánh sáng chói chang buổi trưa. Thời điểm thích hợp nhất đối với chúng là lúc trời chạng vạng tối. Dưới ánh trăng hay vào đêm sao mùa đông, khắp nơi phủ tuyết, săn mồi tiện lợi hơn nhiều.
Như thế là mặt trời vừa lặn Đomino đã ra đi săn mồi. Nó chạy thoăn thoắt, cố giữ ngược hướng gió, quay ngang quay ngửa khắp bốn phía để kiểm tra từng bụi cây đáng ngờ, từng lùm cỏ nghi hoặc, ghé thăm tất cả những chỗ trước đây nó đã từng gặp may, và chạy lại ngửi hít từng gốc cây, tảng đá và cả những xó xỉnh bên hàng rào mà nó đã để dấu lại, cốt xem có con cáo nào vừa mới tới đó hay không. Loài cáo cũng như loài chó và sói vẫn có thói quen để lại dấu vết bên mỗi tảng đá và gốc cây. Sau đó nó chạy vượt lên đỉnh đồi, đánh hơi xem gió có đưa lại hương vị của thứ gì đó ăn được chăng. Chỉ có một tiếng xào xạo nhẹ cũng làm cho nó dừng lại và đứng bất động cho đến khi khẳng định rằng không có chuyện gì xảy ra cả, hoặc là rón rén như một con mèo để đến gần hơn tìm hiểu được kỹ xem có chuyện gì. Đôi lúc nó leo lên một cái cây nào đó có cành ngả sát đất, hoặc nếu không có cây thì nó nhảy lên một cái thật cao để nhìn quanh, quan sát.
Trong những chuyến đi đêm như thế, nó hoàn toàn không lẩn tránh các trang trại có chó canh giữ. Số cáo ở những vùng hoang vắng tăng lên đáng kể theo đà di dân tới nơi đó, bởi vì mỗi trang trại là một nguồn cung cấp thức ăn nuôi báo cô hai, ba con cáo sống bám. Thế là anh chàng Đomino của chúng ta cứ chạy từ trang trại này đến trang trại khác, bất chấp sự có mặt của lũ chó. Và để tránh khỏi rơi vào răng chó, nó dừng lại cách mỗi trang trại một khoảng rồi cất giọng đánh tiếng. Nếu chó xồ ra sủa thì nó đánh bài chuồn, còn nếu không có ai đáp lại thì nó kết luận rằng chó đã bị nhốt. Lúc đó nó mạnh dạn luồn vào sân và cuỗm tất cả nhữg gì bắt gặp. Dĩ nhiên con mồi béo bở nhất đối với nó là cô gà mái béo múp mà nó chế ngự được trong nháy mắt bằng cách ngoạm chặt hàm răng vào cổ gà. Nhưng cũng có lúc Đomino buộc phải bằng lòng với những mẩu bánh mì vứt bỏ hoặc một con chuột chết quẳng ra từ một cái bẫy chuột. Thậm chí nó không từ cả việc tha những mẩu thức ăn thừa trong máng lợn.
Nó tìm thấy thức ăn được gần như thường xuyên, tuy không phải đêm nào cũng có, và như thế cũng đã đạt yêu cầu bởi vì chỉ cần một tuần nói chung có 5 bữa tối khá giả là đã quá đủ để nó không tiêu hao số lượng mỡ trong người và chịu đựng được mùa đông.
VII. – ĐOMINO TÌM ĐƯỢC BẠN ĐỜI
Không một con thú rừng nào lại lang thang vô mục đích từ chỗ này qua chỗ khác. Mỗi con thú có một địa hạt quen thuộc riêng của mình, một khu vực để săn mồi nhất định. Vì khu vực đó, chúng sẵn sàng đánh nhau và bảo vệ nó chống lại bất kỳ con thú nào khác cùng loài với chúng.
Kết quả nhiều cuộc khảo sát cho biết rằng, địa phận săn mồi của cáo thường trải dài ba bốn dặm quanh hang cáo. Rất có thể địa hạt của con này có phần nào đó trùng với địa hạt của con khác. Tuy nhiên thú vật nhanh chóng quen với loại hàng xóm cố định như thế, sau khi đã nghiên cứu kỹ vẻ ngoài và mùi dấu vết của chúng, và cuối cùng thì những con thú ở cạnh nhau chẳng còn để mắt đến nhau nữa.
Nếu trong khu vực xuất hiện một con thú lạ thì tình hình sẽ hoàn toàn khác hẳn. Bấy giờ bắt buộc phải ẩu đả hoặc rời đi nơi khác.
Vào cuối tháng Tuyết, Đomino đến độ sung sức nhất với bộ áo lông sang trọng trên người. Nó bắt đầu đau khổ vì cảnh cô đơn. Đôi khi lòng khao khát vô ý thức được tiếp xúc với một ai đó khiến nó ngồi rất lâu trên cái gờ nhỏ gần một trang trại nào đó, lắng nghe tiếng chó sủa nếu việc đó chẳng gây ra điều gì nguy hiểm, hoặc thậm chí nó còn cố tình khiêu khích để cho chó đuổi bắt nó nữa. Thỉnh thoảng nó dừng bước trên đỉnh đồi tràn ngập ánh trăng và tru lên một hồi dài. Các nhà bác học gọi tiếng tru đó là tiếng cáo sủa, còn những người thợ săn gọi đó là tiếng khóc rầu rĩ:
I-áp, i-áp, i-u-rơ-ơ-ơ, i-ô-u
I-áp, i-áp, i-u-rơ-ơ-ơ, i-ô-u
Có lần vào một đêm trong tháng Đói, Đomino tru lên ai oán, chẳng hy vọng có kẻ nào đáp lại. Lúc tru lên như thế nó lại càng cảm thấy mãnh liệt hơn sự cô độc của mình.
Theo ngôn ngữ loài người thì tháng Đói là tháng Hai. Mùa đông bắt đầu tàn, gió Đông Nam mang hơi ấm nhè nhẹ thổi, nó chính là ngọn gió mang theo hơi thở bí ẩn của mùa xuân.
I-áp, i-áp, i-u-rơ-ơ-ơ, i-ô-u
I-áp, i-áp, i-u-rơ-ơ-ơ, i-ô-u
Đomino lại tru lên, nhắc lại lời kêu gọi của mình, và sau khi nhìn kỹ xung quanh thì lần này nó nhận thấy ở phía xa có một cái bóng lao nhanh trên lớp tuyết trắng bao phủ cánh đồng. Nó đang theo dõi cái bóng đó, đôi tai dỏng lên nghe ngóng, thì một cái bóng khác đã phóng qua trên tuyết ở một khoảng cách gần nó hơn, Đomino liền đuổi theo cái bóng thứ hai này.
Con người nhận ra những người xung quanh chỉ theo vẻ bề ngoài và rất dễ nhầm lẫn khi người ta thay đổi chút ít dáng vẻ bề ngoài. Về mặt này cáo giỏi hơn ta nhiều: nó nhận ra hàng xóm của nó qua vẻ ngoài và qua cả mùi của những dấu vết chúng để lại cũng như mùi của thân thể chúng và tất cả những thứ đó không thể đồng thời thay đổi đến mức không nhận ra được. Trong nháy mắt Đomino đã bắt được dấu vết của cái bóng thứ hai và linh cảm mách bảo nó ngay một cách chính xác rằng đó là dấu của con cáo Hung sống ở Soban. Từ lâu Hung có quyền kiếm ăn ở nơi này, cho nên Đomino yên trí chạy tiếp. Nhưng đến khi nó bắt gặp dấu vết của cái bóng thứ nhất thì máu trong người nó sôi sục niềm khát vọng kịch chiến: đó là dấu vết của một con cáo lạ đang lấn chiếm vùng đất của nó, và thế là nó vội vã lao theo. Tuy thế khi nó vừa chạy vừa hít hít dấu chân thì cơn giận dữ của nó vụt tan biến nhường chỗ cho một thứ tình cảm khác hẳn.
Nó ngửi lại dấu chân và cắm đầu cắm cổ lao theo. Mũi nó, một người chỉ huy tuyệt diệu, khó hiểu, đã thầm bảo nó: “Hãy nhanh lên!”.
Nó phóng về phía trước với một lòng hăng hái tăng gấp bội và bỗng nhiên lại bắt gặp dấu vết của Hung. Mới vài phút trước đây Đomino còn bước qua dấu vết đó một cách hoàn toàn dửng dưng, nhưng bây giờ mọi việc đã khác rồi. Cái cảm giác mới lại tràn ngập tâm hồn nó. Và nó bỗng thấy tức giận điên cuồng. Toàn bộ lông nó, từ tai đến đuôi, đều dựng đứng cả lên. Cuối cùng, sau khi đã chạy qua ba bốn ruộng ngải cứu nó trông thấy cả hai con cáo. Những gì chúng đang làm hoàn toàn không nói lên là chúng đuổi bắt, đánh nhau, và chẳng rõ được chúng đang có thái độ hòa bình hay thù nghịch với nhau. Con cáo lạ là một con cáo cái không to lắm, màu lông hung có một cái yếm trắng nhỏ, đang chạy cách xa một đoạn phía trước. Hung nhanh nhẹn rượt theo cô nàng. Cáo cái liền quay ngoắt lại và nhảy xổ vào anh chàng, cáo đực nhảy sang một bên nhưng không tỏ ra hằn học. Cứ như thế chúng tiếp tục vừa chạy, vừa lao từ bên này qua bên kia. Trước cảnh tượng đó cả một cơn bão dục vọng và thịnh nộ bùng ra, tràn ngập trong Đomino.
Không hiểu sao nó cảm thấy rằng nó có quyền được cô Yếm trắng chú ý đến hơn, và nó rất bối rối khi thấy cô nàng cự tuyệt nó còn hăng hơn so với kẻ địch thủ của nó. Đomino bèn quay sang phía Hung, rít lên dữ tợn. Hung cũng dựng đuôi lên ưỡn thẳng người và nhe hai hàm răng gớm ghiếc ra.
Chúng đứng đối mặt vài giây đồng hồ. Lợi dụng lúc đó, Yếm trắng lại bỏ chạy. Hai kẻ tình địch lao theo, vừa chạy vừa dọa nhau. Đomino đuổi kịp kẻ chạy trốn trước. Cô nàng dừng lại hầm hè nhưng không đến nỗi giận dữ lắm. Hung từ phía bên kia tiến lại gần và nhận thấy nó bị cả Đomino lẫn Yếm trắng uy hiếp.
Hai kẻ tình địch quấn lấy nhau. Hung bị quật ngã và nằm dài răng va vào nhau côm cốp. Đomino đứng trên người nó nhưng không làm hại gì nó cả.
Yếm trắng lại bỏ chạy, và hai kẻ tình địch lại chạy hai bên, con nọ gầm gừ với con kia.
Lúc chúng chạy ngang qua một cánh đồng Yếm trắng hơi tránh xa Hung một chút và xích lại gần con cáo nâu đen, và khi cả ba con dừng lại thì bây giờ không phải là ba con đối nghịch với nhau mà là hai con đối địch với một con. Con cáo đen to lớn, toàn thân ưỡn thẳng, lông trên cổ dựng ngược, đuôi vểnh cao. Nó tru lên dọa dẫm và nhe hàm răng sáng bóng của mình ra và tiến về phía địch thủ, có yếm trắng theo sát bên cạnh.
Hung hiểu rằng, với nó thế là đã hết. Nó quay đi và ủ rũ chạy mất.
Domino - Truyện Một Con Cáo Nâu Đen Domino - Truyện Một Con Cáo Nâu Đen - Truyện Cổ Tích Domino - Truyện Một Con Cáo Nâu Đen