The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ạm biệt! - Tôi nói một cách dứt khoát.
Nhưng "Cô gái" nắm tay tôi, hỏi:
- Bây giờ cậu đang làm gì?
- Làm gì à? Tất nhiên là tớ viết. Tớ còn có thể làm gì nữa? Tớ sống bằng nghề viết mà! Hiện giờ tớ đang viết một vở kịch lớn, gọi là "Điềm báo trước của cây thánh giá", về đề tài trung cổ.
- Thế cơ à? - "Cô gái" cảm phục một cách chân thành. - Cậu mà viết xong thì chắc chắn...
- Tớ chẳng quan tâm tới điều ấy! - Tôi đáp. - Tớ hi vọng tám ngày nữa các cậu sẽ được nghe tên tớ.
Nói rồi tôi bỏ đi.
Về tới nhà, lập tức tôi tìm bà chủ, hỏi mượn chiếc đèn. Tôi rất cần có đèn. Tôi định đêm nay không ngủ. Vở kịch đang sôi sục trong đầu, và tôi nghĩ chắc chắn đến sáng mai tôi có thể viết xong một phần khá lớn. Tôi trình bày yêu cầu của mình với bà chủ hết sức nhã nhặn, vì đã kịp thấy vẻ mặt bà lộ vẻ không hài lòng khi biết tôi lại về nhà bà. Tôi viết gần xong một vở kịch tuyệt vời, tôi nói, còn hai cảnh nữa là kết thúc. Tôi cho bà ta biết chắc sẽ có nhà hát nào đấy tự xin tôi cho phép diễn nó trước khi tôi đặt vấn đề với họ, và rằng bây giờ nếu giúp tôi, sau này tôi sẽ...
Nhưng bà chủ nhà không có đèn. Hồi lâu bà ta cố nhớ xem chiếc đèn cũ của bà ta ở đâu, nhưng không sao nhớ nổi. Nếu chờ đến mười hai giờ, có thể tôi sẽ được mượn chiếc đèn từ nhà bếp. Nhưng tại sao tôi không mua nến mà thắp?
Tôi im. Tôi không có nổi mười ere để mua nến, và bà ta thừa hiểu điều đó. Than ôi, thế là kế hoạch của tôi lại sụp đổ. Cô hầu bếp ngồi với chúng tôi trong phòng, dưới bếp chẳng có ai, nghĩa là thậm chí người ta không thắp đèn trong bếp. Tôi nghĩ thế, nhưng không nói thêm lời nào.
Bỗng cô hầu bếp nói:
- Hình như vừa rồi tôi thấy ông từ lâu đài quốc hội đi ra. Ông dự tiệc ở đấy à? - Rồi cô ả phá lên cười ngặt nghẽo vì câu pha trò của mình.
Tôi ngồi xuống, lấy giấy bút ra định làm việc ngay ở đây. Tôi giữ tờ giấy trên gối rồi nhìn chằm chằm xuống sàn nhà để khỏi phân tán tư tưởng. Nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích, tôi vẫn không nặn ra được dòng nào. Hai cô bé con bà chủ bước vào và bắt đầu chơi đùa ầm ĩ với con mèo. Con mèo ấy to một cách lạ lùng và hầu như không có lông. Khi chúng thổi vào mắt nó, nước mắt nó chảy ra, lăn cả xuống mũi. Ông chủ và hai người khách nữa chơi bài trên bàn. Như thường lệ, chỉ một mình bà chủ làm việc - bà ta đang ngồi khâu. Bà ta biết chắc tôi không thể viết nổi ở một nơi ồn thế này, nhưng bà ta đã chẳng cần quan tâm gì tới tôi, thậm chí còn mỉm cười khi cô đầu bếp giễu tôi về việc dự tiệc trong lâu đài. ở nhà này ai cũng thù địch với tôi; hình như việc tôi phải nhục nhã nhường phòng mình cho người khác đã cho phép họ coi tôi như một người thừa. Cả đến cô đầu bếp, một cô gái xấu xí, bé nhỏ, mắt đen, trán thấp, ngực lép mà cũng bĩu môi cười giễu tôi khi mỗi tối tôi cầm bánh mì cho vào miệng. Cô ả thường hay hỏi tôi ăn trưa ở đâu, và vì sao không bao giờ ả thấy tôi xỉa răng khi ra khỏi hiệu "Grand". Rõ ràng ả biết về tình cảnh khốn cùng của tôi, và lấy làm thích thú khi nhắc tôi điều đó.
Tất cả những ý nghĩ ấy cứ chui vào đầu làm tôi không viết nổi một dòng nào cho vở kịch. Mọi cố gắng đều không mang lại kết quả. Đầu tôi lại bắt đầu kêu ong ong, cuối cùng tôi phải bỏ không viết nữa. Tôi nhét giấy vào túi, ngước nhìn lên. Cô đầu bếp ngồi ngay trước mặt, tôi nhìn ả, nhìn đôi vai so và cái lưng hẹp của ả. Tại sao ả phải trêu chọc tôi nhỉ? Cứ cho như tôi được mời tới lâu đài thì đã sao? Việc gì ả phải bận tâm điều đó? Những ngày gần đây ả trêu chọc tôi càng trâng tráo hơn trước, nhất là khi tôi vấp ngã trên cầu thang, hay áo khoác vướng vào đinh bị rách. Như hôm qua chẳng hạn, ả đã nhặt những trang nháp tôi vứt ở hành lang rồi đem vào phòng đọc to cho mọi người nghe, vừa đọc vừa mỉa mai bình luận. Tôi nhớ tôi chưa bao giờ làm ả phật lòng, cũng chẳng hề nhờ vả ả điều gì. Ngược lại, đêm đêm, để khỏi phiền ả, tôi tự trải chăn đệm xuống sàn làm giường ngủ. ả còn cười giễu cả việc tóc tôi rụng nhiều. Sáng dậy, thấy tóc rụng đầy chậu rửa mặt, ả lại cười ré lên thích thú. Đôi giày của tôi mòn vẹt, đặc biệt là bị chiếc xe đè nát, cũng là đề tài cho ả cười giễu tôi. "Ôi, lạy Chúa, thế này mà gọi là giày ư? - ả nói. - Chiếc nào cũng như cái ổ chó ấy!". Vâng, giày của tôi quả đúng đã hỏng, nhưng tạm thời tôi chưa có tiền thay đôi khác.
Tôi nhớ lại tất cả những điều này và lấy làm ngạc nhiên vì sao cô đầu bếp lại thù ghét tôi đến vậy. Trong khi đó các cô bé con bà chủ bắt đầu trêu chọc ông già đang nằm trên giường. Chúng chạy nhanh quanh ông lão rồi lấy cọng rơm chọc vào tai ông. Lúc đầu tôi không muốn can thiệp vào chuyện này. Ông lão không cử động được để thoát khỏi những trò chơi độc ác của chúng. Ông chỉ biết nhìn những kẻ hành hạ mình, những đứa cháu ngoại của ông, bằng con mắt giận dữ khi chúng cù ông và lắc đầu một cách bất lực để giũ các cọng rơm bị nhét vào ta rơi ra.
Đối với tôi, cảnh ấy dần dần trở nên không sao chịu nổi, nhưng tôi không thể rời mắt khỏi nó. Ông chủ chốc chốc lại ngước đầu khỏi những quân bài, cười khen trò chơi của hai cô con, thậm chí còn lưu ý khách khứa cùng thưởng thức. Nhưng sao ông già cứ nằm yên? Sao không dậy đánh cho hai con bé mấy cái? Tôi bước một bước về phía giường.
- Kệ chúng! Kệ chúng! Lão già bị bại liệt! - Ông chủ kêu to với tôi.
Và tôi, sợ làm ông ta tức giận, sợ bị tống ra đường đang đêm, đành lặng lẽ quay về chỗ cũ và ngồi xuống. Sao tôi cứ phải xen vào việc gia đình người khác để có thể bị đe doạ tước mất chỗ ngủ và những miếng bánh mì? Chẳng việc gì phải vất vả với ông già nửa sống nửa chết ấy! Nghĩ thế, tôi cảm thấy cứng rắn hẳn lên, cứng rắn như đá vậy.
Hai con bé vẫn tiếp tục tra tấn ông già. Chúng lấy làm thích thú vì ông ngoại chúng không cọ quậy đầu được, chúng cứ việc chọc cọng rơm vào mắt, vào mũi ông. Ông già nhìn chúng với sự căm thù vô hạn, nhưng không thể nói một lời hay làm bất kì một cử động nào. Bất chợt ông đem hết sức nhỏm dậy, nhổ nước bọt vào mặt một đứa. Sau đó ông lại nhỏm dậy, nhổ vào đứa kia nhưng không trúng. Tôi thấy chủ nhà vội vứt bài xuống, chạy tới giường, mặt đỏ bừng vì tức giận. Ông ta quát:
- Con chó già kia, sao mày dám nhổ vào mặt con tao, hả?
- Vì chúng không chịu để ông ấy yên! - Không nhịn thêm được nữa, tôi nói xen vào.
Nhưng do lúc nào cũng sợ bị đuổi ra đường, tôi nói không cương quyết lắm. Toàn người tôi run lẩy bẩy.
Ông chủ nhà quay sang nhìn tôi:
- Giỏi đấy! Ai khiến anh xỏ mũi vào việc người khác? Câm ngay, nghe không? Biết điều thì câm đi, kẻo phiền đấy!
- Sao, ông mà cũng dám tỏ ra bất bình, hả? - Bà ta rít lên. - Xin mời cả hai im đi cho, kẻo tôi lại vứt ra đường hết bây giờ, hiểu chứ? Hừ, thế mà tôi lại còn uổng công sưởi ấm và nuôi béo con chó này nữa, mà thử hỏi để làm gì? Tôi không chịu thế đâu, nghe không?! Câm mồm, đồ rác rưởi! Mà lau mũi đi, kẻo tôi đến vặn đi bây giờ! Lạ lùng thật đấy! Từ ngoài phố mò vào, không đồng xu dính túi, đến mua hộp thuốc mỡ chống rận cũng không mua nổi, thế mà giữa đêm khuya dám làm ầm ĩ lên, dám cãi lại người khác. Tôi không cho phép thế đâu! Ai là người ngoài phải ra khỏi nhà này ngay! Trong nhà này phải được yên tĩnh! Tôi muốn thế đấy!
Tôi không đáp gì, thậm chí không dám mở miệng, chỉ lặng lẽ đến ngồi bên cửa và nghe chửi. Mà chửi thì ai cũng chửi, kể cả bọn trẻ con và cô đầu bếp. Cô ả cứ nhất định muốn biết do ai mà xảy ra cuộc cãi cọ này. Nếu vừa rồi tôi im lặng, chắc mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp. ừ mà đáng lẽ tôi không nên nói mới phải, nếu thế chắc sẽ không đến nỗi. Nhưng suy kĩ, thì tôi chẳng đã im lặng mãi đó sao? Bên ngoài trời rất lạnh, lại khuya khoắt thế này. Nào tôi có dám đấm bàn đấm ghế tự bào chữa cho mình đâu? Không, tôi không ngốc đến thế? Vì vậy tôi ngồi yên, và mặc dù người ta không cho ở nữa, nhưng tôi vẫn không rời khỏi căn nhà này. Tôi nhìn dán mắt vào tường, nơi có bức tranh vẽ Đấng cứu thế; tôi nhẫn nhục im lặng, coi như không có những lời chửi rủa cay độc của bà chủ.
- Nếu bà muốn tôi đi khỏi nơi này, thì thưa bà, tôi đi ngay bây giờ! - Một trong số những người chơi bài nói.
Và ông ta đứng dậy. Người thứ hai cũng làm theo.
- Không, tôi không nói ông. Cả ông nữa. - bà chủ nhà vội thanh minh. - Đã đến nước này thì tôi sẽ nói thẳng tôi muốn đuổi ai. Các vị thừa biết người ấy...
Bà ta cố tình dừng lại để tôi biết người đó chính là tôi. "Bình tĩnh! - Tôi thầm bảo mình. - Phải bình tĩnh mới được!" Bà ta chưa đuổi tôi, chưa nói thẳng cái từ ấy ra miệng. Mong sao tôi đừng tỏ ra quá kiêu, phải dẹp cái tự trọng kia đi, giờ không phải lúc! Hãy bịt tai lại... Chà, Chúa Giêsu trên tranh có mái tóc màu xanh lạ lùng quá... Rất giống một đám cỏ xanh... Hay nói chính xác hơn - giống một đám cỏ xanh dày bò mới gặm! Lập tức các ý nghĩ liên tiếp xuất hiện trong đầu tôi: cỏ xanh làm tôi nhớ đến một đoạn trong Kinh Thánh, nói rằng ngày tháng của con người giống cỏ xanh, bị cháy trụi. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ về ngày tận thế, là khi vạn vật sẽ bị thiêu cháy trong lửa. Rồi tôi nghĩ tới trận động đất ở Lixabon, và thấy rõ mồn một trước mặt một ống nhổ nước bọt bằng gang kiểu Tây Ban Nha và một bộ đồ viết bằng gỗ đen như ở nhà Ilaialy. Chà, mọi thứ đều nhảm nhí cả! Cả đám cỏ xanh bị thiêu cháy! Ai cũng có một phần kết giống nhau là chiếc quan tài bốn tấm và miếng vải liệm của hiệu Anđerxơn, lối vào bên phải...
Tất cả những điều kiện trên hiện nhanh trong đầu tôi vào cái giây phút nguy kịch nhất, khi bà chủ nhà chuẩn bị đuổi tôi ra đường.
- Trời ơi, thậm chí đến nghe hắn cũng chẳng thèm nghe! - Bà ta lại rít to. - Tôi nói với ông đấy: Xéo khỏi đây ngay, xéo ngay, hiểu chưa? Hắn hoá điên rồi! Có đúng trời bắt tội tôi không? Cút đi! Muốn đi đâu thì đi, không dài dòng gì nữa!
Tôi nhìn về phía cửa, nhưng không phải để bước ra khỏi nhà, hoàn toàn không phải thế. Trong đầu tôi nẩy ra một ý nghĩ táo bạo: nếu trong ổ có chìa khoá, tôi sẽ khoá trái cửa lại rồi vứt chìa, thà chịu giam chung với mọi người, nhưng được ở lại trong phòng. ý nghĩ rằng bây giờ lại phải ra ngoài trời lạnh làm tôi khiếp sợ. Tiếc thay, trong ổ không có chìa khoá, nên tôi phải đứng dậy. Chẳng còn gì để chờ thêm nữa.
Bỗng nhiên, xen vào giữa những câu chửi của bà chủ nhà, tôi nghe có tiếng chồng bà ta. Tôi chững lại, ngơ ngác. Con người vừa đe doạ tôi lúc nãy bây giờ lại lên tiếng bênh tôi. Ông ta nói:
- Không được đuổi người ta ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt thế này! Bà không biết điều đó sao? Làm thế sẽ bị luật pháp trừng trị đấy!
Tôi không biết luật pháp có trừng trị hay không, chắc là không, mà cũng có thể có, ai biết đấy, nhưng vừa nghe nói vậy, lập tức bà chủ nhà chững lại ngay. Bà ta nguôi dần và cuối cùng để tôi yên. Thậm chí bà ta còn mời tôi hai miếng bánh mì kẹp thịt, nhưng tôi không ăn - để tỏ lòng biết ơn với ông chủ nhà, tôi không ăn, nói là đã ăn ngoài phố.
Cuối cùng, tôi ra hành lang chuẩn bị chỗ nằm, bà chủ nhà đi theo, đứng bên bậc cửa, che hết ánh sáng bằng cái bụng to đến quái dị của mình. Bà ta nói to:
- Nhưng đừng quên đêm nay là đêm cuối cùng ông ngủ ở nhà tôi đấy!
- Vâng, - tôi đáp.
Ngày mai, nếu chịu khó, tôi sẽ tìm được chỗ ngủ đâu đó. Không chỗ này thì chỗ khác. Còn tạm thời tôi lấy làm mừng rằng đêm nay vẫn có mái nhà che đầu.
Tôi tỉnh dậy vào lúc năm hoặc sáu giờ sáng. Trời còn tối, nhưng dù sao tôi vẫn dậy ngay. Vì lạnh, tôi đã để cả quần áo mà ngủ. Uống xong ít nước, tôi lặng lẽ mở cửa, và cũng lặng lẽ như thế, tôi bước ra ngoài, thầm mong không phải chạm trán với bà chủ nhà.
Ngoài phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới gặp một người cảnh sát trực qua đêm. Một chốc sau xuất hiện hai nhân viên đèn đường, họ lần lượt tắt tất cả các ngọn đèn đốt bằng hơi hai bên phố. Tôi đi lang thang không mục đích, ra tới phố Nhà thờ rồi đi về phía pháo đài. Tôi muốn ngủ, run lên vì lạnh. Do đi nhiều, lưng và hai chân đau nhức nhối. Cảm thấy rất đói, tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài và bắt đầu ngủ gật. Suốt ba tuần liền tôi chỉ sống bằng những miếng bánh mì bà chủ nhà cho vào buổi sáng và buổi tối, còn một ngày một đêm nay tôi chưa có gì vào bụng, và cái đói lại bắt đầu hành hạ tôi. Phải nhanh chóng tìm một lối thoát nào đó. Tôi ngồi ngủ gật trên ghế với ý nghĩ ấy...
Tôi chợt tỉnh vì nghe có giọng nói của ai đó. Tôi đưa mắt nhìn quanh trời sáng hẳn, thành phố đã tỉnh dậy. Tôi đứng lên rồi đi. Mặt trời nhô lên khỏi ngọn đồi, cả khoảng không bao la được nhuốm một lớp hồng màu sáng. Một buổi sáng tuyệt đẹp sau nhiều tuần ảm đạm. Nó làm tôi vui lên và tạm quên những phiền muộn của mình. Bây giờ tôi cảm thấy hoàn cảnh của tôi chưa đến nỗi nào, nhiều lần trước đó tôi thấy còn tồi tệ hơn gấp bội. Tôi vỗ mạnh vào ngực rồi khe khẽ hát. Giọng tôi nghe thật buồn, thật yếu, đến mức tự tôi cũng cảm thấy muốn chảy nước mắt. Vả lại, hôm nay trời đẹp, bầu trời trong xanh rực rỡ tác động lên tôi quá mạnh, và rồi tôi oà lên khóc.
- Chuyện gì xảy ra với ông thế? - Một người đi ngang hỏi tôi.
Tôi vội bỏ đi ngay không đáp, hai tay che mặt.
Tôi ra tới cảng. Người ta đang bốc than lên từ một chiếc tàu lớn mang cờ nước Nga; tàu "Kôpegôrô". Hồi lâu tôi giải trí bằng cách đứng nhìn con tàu ngoại quốc ấy.
Có lẽ nó bốc hàng sắp xong vì bảng đo mực nước trên mạn tàu đã chỉ con số ba mét chiều nổi. Dưới chân ủng nặng nề của đám phu khuân vách, boong tàu kêu lên rền rĩ.
Mặt trời, ánh sáng, không khí có mùi mặn của biển - tất cả cái cuộc sống vui vẻ và thú vị này đã kích thích tôi, làm máu trong người tôi chảy mạnh. Bỗng tôi chợt có ý nghĩ rằng có thể ngồi ngay ở đây để viết thêm vài cảnh nữa cho vở kịch của mình. Rồi tôi rút giấy ra khỏi túi.
Tôi bắt đầu vắt óc tìm các câu từ để đặt lên môi cha tu sĩ - những câu từ giận dữ, thiếu kiên nhẫn. Thất bại! Tôi gác cha tu sĩ sang một bên để nghĩ lời cho quan chánh án khi ông ta nói với cô gái tội lỗi đã làm nhơ bẩn nhà thờ. Viết được nửa trang, tôi bỏ giấy bút xuống. Không được! Không có chất hào hùng tôi muốn có. Xung quanh tôi mọi người đang làm việc sôi nổi với đủ trăm thứ tiếng động khác nhau, chẳng ăn nhập chút nào với không khí ảm đạm, ngột ngạt của thời trung cổ mà vở kịch của tôi phải có. Thu dọn giấy tờ xong, tôi đứng dậy.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói