There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ùa đông đến, lạnh, ẩm và hầu như không có tuyết. Mùa đông đến, kéo theo đêm sương mù vĩnh cửu, hàng tuần liền không một ngọn gió nhỏ. Trên đường phố đèn được thắp liên tục ngày này sang ngày khác, thế mà người đi đường vẫn cứ va vào nhau. Tất cả các âm thanh - tiếng chuông nhà thờ, tiếng lục lạc xe ngựa, tiếng người nói - như bị chôn vùi trong lớp không khí dày đặc. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua mà thời tiết vẫn không thay đổi.
Tôi vẫn chưa chuyển chỗ ở.
Càng ngày tôi càng gắn bó hơn với những căn phòng có sẵn đồ gỗ của "Nhà nghỉ dành cho khách vãng lai", nơi tôi đang ở tạm, dù nghèo đói đến thế. Từ lâu tôi chẳng còn đồng tiền nào, nhưng vẫn cứ tiếp tục đến đây, như thể tôi có quyền làm thế, như thể nó là nhà riêng của tôi. Bà chủ tạm thời chưa nói gì, nhưng tôi vẫn cảm thấy khổ sở vì chưa trả được tiền cho bà ta.
Ba tuần trôi qua trong tình trạng ấy.
Đã mấy ngày nay tôi bắt đầu viết trở lại, nhưng những cái viết xong tôi đều không thích. Tôi kiên nhẫn viết, viết từ sáng đến tối mà chẳng mang lại kết quả gì. Tôi bắt tay vào viết đề tài nào là đề tài ấy hoá ra nhạt nhẽo, trục trặc, và tất nhiên viết không thành.
Tôi thử viết cả trong căn phòng ở tầng hai, phòng tốt nhất của "Nhà nghỉ". Từ đêm đầu tiên đến đây, khi tôi có tiền và có thể thanh toán mọi khoản, không người nào quấy rầy tôi. Lúc nào tôi cũng hi vọng sẽ viết được cái gì đó, sẽ có tiền trả tiền phòng và các nợ nần khác. Đó là nguyên nhân vì sao tôi làm việc tích cực như vậy. Đặc biệt tôi bị lôi cuốn bởi một bài báo viết dở mà tôi đặt rất nhiều hi vọng. Đó là một bài có tính chất cách ngôn về đám cháy ở một cửa hàng sách. ở đây có một vài ý rất sâu sắc, mà tôi muốn phát triển thật hay, thật cẩn thận rồi đem những gì viết được gửi cho "Huân tước" để trừ nợ. Để ông biết ông đã giúp đỡ một người thực sự có tài. Tôi không chút nghi ngờ rằng ông sẽ nghĩ đúng như thế. Có điều phải chờ lúc nào tôi có cảm hứng. Nhất định cảm hứng sẽ đến với tôi, tại sao lại không? Mà cũng không lâu nữa đâu. Bây giờ chẳng có gì cản trở tôi. Bà chủ nhà vẫn cho tôi ăn hàng ngày, mấy miếng bánh mì cặp thịt vào buổi sáng và buổi tối. Tôi đã bình tĩnh hơn nhiều. Khi viết, tôi không cần quấn giẻ vào tay như trước, và có thể từ tầng hai nhìn xuống mà không sợ chóng mặt. Về tất cả mọi phương tiện tôi khá hơn trước rất nhiều, và tôi lấy làm ngạc nhiên rằng không hiểu sao mãi vẫn không viết xong bài báo đó. Tôi không thể nào giải thích nổi điều ấy.
Nhưng rồi cuối cùng tôi đã gặp dịp để biết sức khoẻ tôi sút yếu và đầu óc tôi làm việc uể oải, kém hiệu quả thế nào. Hôm ấy bà chủ nhà mang đến một hoá đơn thanh toán nào đó và nhờ tôi kiểm tra lại. Hình như các phép trong đó không đúng, không phù hợp với sổ ghi chép của bà, nhưng bà không biết sai chỗ nào.
Tôi bắt tay vào tính toán. Bà chủ nhà ngồi đối diện nhìn tôi. Tôi cộng tất cả hai mươi con số với nhau, lúc đầu từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, và thấy tổng số đúng như đã ghi. Tôi nhìn bà chủ. Bà ta đang chờ tôi trả lời. Bà ta đang có chửa, điều ấy không qua nổi đôi mắt tinh nhạy của tôi, dù tôi hoàn toàn không hề có ý định xoi mói việc riêng của người khác.
- Mọi cái đều đúng cả, - tôi đáp.
- Không, xin ông kiểm tra lại từng con số riêng biệt, - bà chủ nói. - Tôi tin chắc rằng tổng số chừng ấy là quá nhiều.
Và tôi bắt đầu rà lại từng con số: 2 bánh mì mỗi bánh 25 ere, bóng đèn - 18, xà phòng - 20, dầu - 32... Chẳng cần phải thông minh đặc biệt mới làm nổi những con tính đơn giản này của một cửa hiệu tạp hoá; thế mà dù rất cố gắng, tôi vẫn không tìm ra được chỗ sai bà chủ nói. Thêm vào đó hí hoáy tính toán mới mấy phút, tôi đã cảm thấy đầu óc quay cuồng, chẳng còn phân biệt nổi đâu là các khoản thu, đâu là chi; tất cả đều lẫn lộn. Cuối cùng, tôi quyết tâm tập trung tính bằng được phép tính: 35/16 pound(1) phó mát, mỗi pound giá 16 ere. Nhưng não tôi nhất định không chịu làm việc. Tôi ngồi yên đờ đẫn nhìn chữ "phó mát" trên trang giấy.
- Quỷ tha ma bắt nó đi, viết chẳng rõ ràng gì cả! - Tôi nói một cách tuyệt vọng. - Lạy Chúa! ở đây người ta viết: năm phần mười sáu pound phó mát! Ha, ha! Viết quái gì mà phức tạp thế! Đây, bà nhìn xem!
- Vâng, - bà chủ nhà đáp. - Họ có thói quen viết như thế đấy. Đây là thứ phó mát xanh ấy mà. Nghĩa là họ tính đúng à? Năm phần mười sáu - tức là năm phần của...
Tôi lại chúi đầu vào bảng thanh toán với những phép tính mà một tháng trước đây tôi chỉ giải một phút là xong. Người tôi đầm đìa mồ hôi. Tôi đem hết sức cố hiểu bằng được những con số bí hiểm kia. Tôi nhắm mắt với vẻ trầm ngâm suy nghĩ, nhưng chẳng ăn thua gì. Cái món phó mát chết tiệt kia đã làm tôi kiệt sức. Hình như có cái gì đấy nổ tung trong óc.
Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục hí hoáy tính toán để giữ thể diện với bà chủ. Tôi mím môi, chốc chốc lại nói to một con số nào đó và đưa mắt nhìn lại một lượt các phép tính từ trên xuống dưới, như thể tôi phải làm việc rất căng và cuối cùng đã kiểm tra xong tất cả. Bà chủ vẫn ngồi chờ trả lời. Tôi nói:
- Tôi đã tính lại từ đầu chí cuối, và thấy tất cả đều đúng!
- Không lẽ lại thế? - Bà chủ hỏi. - Ông tin chắc chứ?
Nhưng tôi thấy rất rõ rằng bà ta không tin tôi. Bỗng nhiên tôi có cảm giác như trong giọng nói của bà xuất hiện một vẻ mỉa mai, xem thường đối với tôi mà trước đấy không thấy. Bà ta nói chắc tôi không quen làm các con tính có phần mười sáu, rồi chua thêm một câu rằng bà ta sẽ phải nhờ ai đó giỏi hơn kiểm tra lại hộ. Bà ta nói tất cả những lời này không chút giận dỗi, cũng không định làm nhục tôi. Bà ta nói một cách nghiêm túc và có cân nhắc. Khi ra tới cửa, không ngoái nhìn tôi, bà ta còn nói:
- Xin lỗi vì đã làm phiền ông.
Rồi bỏ đi.
Một chốc sau cửa bỗng mở và bà chủ nhà lại xuất hiện, chắc mới đi một quãng dọc hành lang.
- Có chuyện thế này, - bà ta nói. - Xin ông thông cảm, tôi muốn phải thanh toán với ông đôi việc. Hình như đến hôm qua là vừa trọn ba tuần ông dọn đến đây. Vâng, đúng ba tuần. Ông biết đấy, nuôi một gia đình lớn như gia đình tôi không phải dễ, vì vậy tôi không thể cho khách trọ chịu tiền lâu được...
Tôi ngắt lời bà ta:
- Thì tôi đã nói với bà rằng tôi đang viết một bài báo. Viết xong tôi sẽ có ngay tiền đưa bà. Xin bà yên tâm.
- Thế nhỡ ông không bao giờ viết xong thì sao?
- Bà nghĩ thế à? Ngay ngày mai hay thậm chí đêm nay cảm hứng sẽ đến với tôi. Vâng, rất có thể đêm nay; lúc ấy chỉ cần mười lăm phút là tôi viết xong. Tôi làm việc khác hẳn mọi người. Tôi không thể bắt mình một ngày viết được một số trang nào đó, mà tôi phải chờ cảm hứng. Và không một ai biết trước ngày giờ cái cảm hứng ấy đến. Nó đến bao giờ là tuỳ nó.
Bà chủ nhà bỏ đi. Nhưng hình như lòng tin của bà ta đối với tôi đã bị sứt mẻ tợn.
Còn lại một mình, tôi nhảy chồm dậy, vò đầu bứt tóc một cách tuyệt vọng. Không, đúng là không còn lối thoát nào nữa, hoàn toàn không! Đầu óc tôi không chịu phục vụ tôi thêm nữa. Chẳng phải tôi đã thành thằng ngốc đó sao, một khi không còn làm nổi một phép trừ đơn giản về giá mấy lạng phó mát nào đó? Nhưng thử hỏi, nếu tôi biết tự đặt cho mình những câu hỏi thế này, lẽ nào tôi là một người điên thực sự? Lẽ nào không phải tôi, dù đang bận tính toán, vẫn nhận thấy một cách rất chính xác rằng bà chủ có chửa? Trước đây, tôi không biết gì về điều ấy, cũng chẳng nghe ai nói. Tự nó đến, ngoài ý muốn của tôi; tôi nhìn thấy bằng chính đôi mắt của mình và lập tức hiểu ngay mọi chuyện, mà lại đúng vào cái lúc tôi bất lực không làm nổi phép tính phần mười sáu kia. Làm sao có thể giải thích nổi tất cả những điều này?
Tôi đến bên cửa sổ, nhìn ra phố. Cửa sổ ngoảnh ra đường Vogmansgaten. Trẻ con đang chơi trên hè phố, những đứa trẻ nghèo của một đường phố nghèo. Chúng ném cho nhau bắt một chiếc chai không và kêu ré lên vui thích. Một chiếc xe ngựa chậm chạp đi ngang, chở đầy các đồ đạc gia đình. Chắc ai đó đã bị quẳng ra phố, nên mới phải dọn đi vào cái thời gian rất không thích hợp thế này. Tôi hiểu ngay mà. Trên xe chất đống chăn màn, gối và đồ gỗ, gồm những chiếc giường tủ mọt, những chiếc ghế ba chân, chiếu gai và các đồ lặt vặt khác bằng sắt. Một cô bé, còn bé tí, xấu xí, với chiếc mũi thâm bầm vì lạnh ngồi trên xe, đưa hai tay trần bám chặt càng xe để khỏi ngã. Dưới nó là một đống nệm trải giường ẩm ướt, đen xỉn mà ở nhà anh em nó đã từng nằm ngủ. Nó nhìn những đứa trẻ đang ném chai cho nhau trên hè phố...
Tôi nhìn xuống phố và hiểu một cách dễ dàng những gì đang xảy ra. Đứng bên cửa sổ, tôi nghe rõ cô nấu bếp của bà chủ nhà đang khe khẽ hát trong bếp, ngay sát phòng tôi. Tôi biết bài cô ta đang hát, và lắng nghe xem cô ta có hát sai điệu không. Rồi tôi tự bảo mình rằng một người ngớ ngẩn không thể có những nhận xét như thế được. Nghĩa là, lạy Chúa, tôi vẫn bình thường, bình thường như bất kì ai khác.
Bỗng nhiên tôi nhìn thấy ngoài phố hai cậu bé đang cãi nhau. Tôi biết một đứa, đó là con trai bà chủ. Tôi mở cửa sổ lắng nghe chúng cãi nhau điều gì; lúc ấy dưới phố bọn trẻ tập trung lại rất đông, và chúng đang ngước nhìn lên một cách chăm chú. Chúng chờ gì thế nhỉ? Chờ được cho gì chăng? Một bông hoa khô, những chiếc xương, những mẩu thừa xì gà, hay những cái gì đấy có thể ăn hoặc dùng để chơi được? Chúng nhìn rất lâu lên cửa sổ phòng tôi, mặt tím bầm vì lạnh... Còn hai đứa kia vẫn cãi nhau. Từ miệng chúng tuôn ra những lời lăng mạ, những tiếng lóng và những câu chửi tục tĩu của thuỷ thủ có lẽ do chúng học được ở càng. Cả hai chửi nhau say sưa tới mức không nhận thấy bà chủ nhà đang chạy đến xem chuyện gì xảy ra.
- Mẹ ơi, - cậu con bà chủ mách. - Nó bóp cổ con, suýt nữa làm con chết ngạt! - Rồi quay sang đối thủ lúc này đang thích thú cười một cách độc ác, nó giận dữ kêu to: - Cút đi! Đồ chó chết! Mày dám bóp cổ tao hả? Được, tao sẽ cho mày biết tay...
Nhưng bà mẹ chửa của cậu, với cái bụng chửa to tướng choán hết cả đường phố hẹp, đã túm tay cậu con mười tuổi của mình, định lôi đi.
- Câm! Câm ngay! Không được chửi như thế! Mày văng tục như bọn chuyên quan hệ với đĩ điếm không bằng! Đi về!
- Con không về!
- Về ngay!
- Không!
Tôi đứng bên cửa sổ và nhìn thấy bà chủ nhà của tôi đang vô cùng tức giận. Cái cảnh đáng kinh tởm kia làm tôi rất bực mình. Không đủ sức chịu thêm được nữa, tôi gọi to xuống, bảo đứa bé lên với tôi một chốc. Tôi gọi hai lần, để ngăn cái cảnh kia lại. Lần thứ hai tôi gọi rất to, bà chủ nhà nghe thấy, bối rối ngước lên. Nhưng liền lúc đó vẻ bối rối liền biến mất, và bà ta nhìn tôi một cách trâng tráo, với vẻ của một người thắng thế. Sau đó bà ta mắng con trai thêm mấy câu rồi bỏ đi. Bà ta nói với nó to đủ để tôi nghe thấy:
- Đồ không biết xấu hổ, cứ đi mà cho người khác biết mày là một đứa đáng ghét thế nào!
Khi quan sát tất cả những cảnh trên, tôi không bỏ qua điều gì, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Khả năng quan sát của tôi rất tốt, tôi nhận thấy từng chi tiết nhỏ, và rồi sau đó lần lượt nghiền ngẫm suy nghĩ về chúng. Nghĩa là bộ não của tôi chưa bị tổn thương. ừ mà làm sao bị tổn thương được?
- Này, nghe đây, - tôi tự bảo mình. - Mày lo lắng khá lâu về đầu óc của mình, bây giờ thì đủ rồi chứ? Lẽ nào điên được khi mày có thể nhận thấy tất cả, kể cả những cái nhỏ nhặt nhất? Mày buồn cười lắm, ta có thể cam đoan như vậy. Vâng, ngộ thật. Tóm lại, ai cũng có lúc lầm lẫn, nhất là với những việc bình thương, đơn giản. Chẳng có gì quan trọng, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên không đáng kể. Ta nói thật đấy, mày ngốc lắm. Còn về tờ hoá đơn thanh toán kia, cái khoản năm phần mười sáu phó mát thối ấy mà - ha, ha, ha, phó mát có hạnh nhân và hạt tiêu! - thì ta dám cam đoan rằng thứ phó mát ấy có thể dễ dàng làm người ta trở nên đần độn, và chỉ riêng cái mùi thối của nó cũng đủ đưa mày sang thế giới bên kia!... - Rồi tôi phá lên cười giễu tất cả các loại phó mát trên đời. - Nào, mày phải cho ta cái gì ăn được chứ! - Tôi nói. - Nếu muốn, cho ta năm phần mười sáu cân bơ ôliu tươi cũng được. Đó lại là chuyện khác.
Tôi sặc sụa cười vì chính những trò đùa của mình, và tự thấy chúng khá độc đáo. Rõ ràng là tôi không có một chút khuyết tật nào. Tôi hoàn toàn khoẻ mạnh.
Tôi đi lại trong phòng, vừa đi vừa nói chuyện với mình và mỗi lúc một thêm vui vẻ. Tôi cười to, ngất ngây như đang say. Có thể nghĩ rằng tôi chỉ chờ cái giây phút vui sướng ngắn ngủi và lạ lùng này để khả năng làm việc quay lại với tôi. Tôi ngồi xuống bàn, cầm bút viết tiếp. Công việc khá trôi chảy, trôi chảy hơn rất nhiều so với trước, tuy không thật nhanh lắm. Nhưng những gì mới viết được, tôi thấy thật tuyệt. Thêm vào đó, tôi đã làm việc suốt một giờ liền vẫn không thấy mệt.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói