I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ôi đứng yên, suy nghĩ về điều này, lưng tựa vào tường của một ngôi nhà nơi quảng trường và phố Cảng giao nhau. Bỗng nhiên tôi rùng mình, định lẩn trốn. Nhưng tôi không kịp làm điều đó. Tôi trâng tráo ngước đầu lên - thực ra tôi chẳng còn cách nào khác - và thấy trước mình là "Huân tước".
Tôi cũng không hiểu vì sao tôi mạnh dạn như thế - thậm chí tôi còn bước lên phía trước một bước để "Huân tước" nhìn tôi rõ hơn. Tôi làm điều ấy không phải để ông thấy và thương hại tôi. Không, đó là cách tôi tự trừng phạt mình. Tôi muốn làm nhục mình, bắt mình phải giơ đầu chịu nhục. Tôi sẵn sàng nằm xuống đất, yêu cầu "Huân tước" dẫm lên mặt tôi, đè nát tôi ra. Thậm chí tôi còn không chào ông.
Hình như "Huân tước" đoán hiểu có chuyện gì đấy không ổn đã xảy ra với tôi. Ông đi chậm lại. Để ông dừng hẳn, tôi nói:
- Tôi muốn mang tới cho ông một cái gì đó, thế mà vẫn chưa viết xong.
- Thế à? - Ông hỏi lại, vẻ không tin lắm. - Nghĩa là ông viết chưa xong?
- Vâng, mãi vẫn chưa xong.
Tôi cảm thấy "Huân tước" đang thương hại tôi. Hai mắt rưng rưng, tôi khẽ ho để giữ bình tĩnh. "Huân tước" khịt khịt mũi, nhìn tôi không chớp.
- Thế ông có cái để sống chứ? - Ông hỏi.
- Không, - tôi đáp. - Tôi không có gì cả. Mấy ngày nay tôi nhịn đói, nhưng...
- Trời ơi, ông bạn thân mến, có thể để ông chết đói được chăng? - Nói rồi ông cho tay vào túi lục lọi.
Nhưng lúc ấy sự xấu hổ lại thức dậy trong tôi. Tôi lảo đảo quay lại bức tường, bám vào nó rồi im lặng nhìn "Huân tước" mở ví. Ông chìa cho tôi mười curon. Ông cho tôi mười curon một cách thật đơn giản, không nghĩ ngợi nhiều. Vừa đưa tiền cho tôi, ông vừa nhắc lại rằng không thể để tôi chết đói được.
Tôi lắp bắp định từ chối và không nhận ngay tờ giấy bạc.
- Tôi, quả thật, tôi xấu hổ... Vả lại, chừng này quá nhiều...
- Cầm lấy, nhanh lên, - ông nói và liếc nhìn đồng hồ. - Tôi phải lên tàu bây giờ, kìa hình như nó đang tới.
Tôi cầm tiền, lặng đi vì sung sướng và chẳng nói thêm được lời nào nữa, thậm chí cả cảm ơn cũng không.
- Đừng ngại, - "Huân tước" nói trước khi bỏ đi. - Ông sẽ viết bài cho tôi mà!
Rồi ông đi.
Đứng nhìn theo, tôi sực nhớ rằng quên chưa cảm ơn ông. Tôi muốn đuổi theo nhưng đôi chân quá yếu không bước nổi. Chắc tôi sẽ ngã dọc đường. Còn ông thì đi mỗi lúc một xa. Tôi muốn gọi theo nhưng không dám. Cuối cùng, tôi thu hết dũng cảm gọi to một hai lần; ông không nghe vì lúc ấy đã ở xa, vả lại giọng tôi quá yếu.
Tôi đứng giữa phố, chỉ biết nhìn theo và lặng lẽ khóc.
"Một việc hiếm có! - tôi thầm nghĩ. - Ông ấy cho mình những mười curon!"
Tôi đến đứng ở chỗ tôi vừa đứng và bắt đầu bắt chước từng động tác của ông. Tôi đưa tờ giấy bạc sát đôi mắt đẫm nước của tôi, xem kĩ cả hai mặt, rồi nói thật to rằng quả tôi đang có mười curon trên tay.
Một thời gian sau - có thể lâu, rất lâu sau đó, vì lúc ấy quanh tôi hoàn toàn vắng vẻ và yên lặng - tôi có mặt ở phố Tômtegaten, nhà số mười một. Chính ở đây tôi lừa người đánh xe ngựa, và ở đây, không bị ai nhìn thấy, tôi đã chui qua nhà này để sang phố khác. Tôi đứng một chốc, chợt tỉnh lại, tự lấy làm ngạc nhiên, rồi đi qua cổng, vào thẳng "Nhà nghỉ cho khách vãng lai". Tôi yêu cầu được ngủ lại đây, và lập tức được nhận một chiếc giường.
Thứ ba.
Nắng và yên tĩnh, một ngày tuyệt đẹp.
Tuyết đang tan. Khắp nơi cuộc sống diễn ra sôi động, đâu cũng thấy những khuôn mặt vui vẻ, những nụ cười. Những dòng nước mảnh phun cao trên đài phun nước, vàng rực vì nắng và xanh biếc vì màu xanh của bầu trời...
Gần trưa, tôi đi khỏi nhà số mười một phố Tômtegaten, nơi bây giờ tôi sống một cách khá sung túc nhờ mười curon của "Huân tước". Tôi đi vào trung tâm thành phố. Tôi đang trong trạng thái phấn chấn, vui vẻ, và từ trưa cho đến tận chiều, tôi dạo chơi giữa các phố nhộn nhịp nhất, vừa đi vừa quan sát những đám đông sặc sỡ. Còn lâu mới đến bảy giờ, tôi đã có mặt ở quảng trường Thánh Ulaf, và đưa mắt nhìn lên dãy cửa sổ ngôi nhà số hai. Một giờ nữa tôi sẽ gặp nàng! Tôi vô cùng hồi hộp. Chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói gì với nàng khi nàng đi từ cầu thang xuống? Chào cô? Hay chỉ mỉm cười thôi? Tôi quyết định sẽ mỉm cười thay cho lời chào. Tất nhiên tôi sẽ cúi chào nàng một cách lịch sự.
Sau đó tôi đi khỏi quảng trường, thầm xấu hổ vì đến quá sớm. Tôi bắt đầu đi theo phố Carlơ Juhan, hầu như mắt lúc nào cũng nhìn chiếc đồng hồ trên toà nhà trường Đại học Tổng hợp. Tám giờ, tôi lại rẽ sang phố Đại học. Dọc đường, không hiểu sao tôi cứ nghĩ là đã muộn, nên rảo bước đi nhanh hơn. Chân tôi vẫn đau, rất đau. Nếu không, tôi đã cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc.
Đến đài phun nước, tôi dừng lại nghỉ lấy hơi, đứng rất lâu ở đấy và nhìn lên cửa sổ nhà số hai. Không thấy nàng xuất hiện. Không sao, tôi sẽ chờ, chẳng có gì phải vội. Rất có thể nàng bị giữ lại chút ít. Và tôi đứng chờ. Nhưng có phải tất cả những điều này là do tôi tưởng tượng ra không? Rất có thể tôi đã mơ thấy cuộc gặp gỡ vừa rồi với nàng, vì suốt đêm ấy tôi sốt nằm mê man bất tỉnh mà. Tôi phân vân suy nghĩ về điều này; mỗi lúc một thêm nghi ngờ.
- Hừm!
Có người nào đó ho sau lưng tôi.
Tôi nghe rõ tiếng ho ấy, nghe cả tiếng chân bước nhẹ, nhưng không ngoái lại mà vẫn nhìn chăm chắm vào chiếc cầu thang lớn.
- Chào anh!
Tôi quên cả cười, thậm chí không ngả mũ chào ngay do quá ngạc nhiên vì nàng đi từ phía ấy lại.
- Anh chờ lâu chưa? - Nàng hỏi, hơi thở dồn dập.
- Không, tôi vừa tới đây thôi, - tôi đáp. - Vả lại, nếu phải chờ chút ít cũng chẳng sao. Tôi cứ tưởng cô sẽ đi từ phía kia lại.
- Tôi vừa tiễn mẹ tôi xong. Hôm nay bà được mời ăn cơm khách.
- Thế à? - Tôi nói.
Chúng tôi cùng đi. Một người cảnh sát đứng ở góc phố nhìn chúng tôi.
- Bây giờ ta đi đâu? - Nàng hỏi và đứng lại.
- Đi đâu tuỳ cô.
- Chà, tự tôi phải chọn thì chán quá!
Im lặng.
Sau đó tôi nói, chỉ cốt để khỏi im lặng:
- Tôi thấy cửa sổ nhà cô tắt đèn.
- Vâng, tất nhiên! - Nàng sôi nổi đáp. - Cô hầu gái xin phép đi vắng. ở nhà chẳng có ai.
Chúng tôi dừng lại, cùng nhìn lên cửa sổ nhà số hai, như thể từ trước tới nay chưa hề nhìn thế bao giờ.
- Nếu vậy, về nhà cô có được không? - Tôi nói. - Nếu được, tôi sẽ ngồi ở bậc cửa.
Người tôi run lên, tôi lấy làm tiếc là đã cho phép mình nói một câu bạo dạn như thế. Nếu nàng giận, bỏ đi thì sao? Và mình sẽ chẳng bao giờ được gặp nàng nữa? Ôi, bộ quần áo rách rưới của tôi? Tôi chờ nàng một cách tuyệt vọng.
- Việc gì anh phải ngồi ở bậc cửa? - Cuối cùng nàng đáp.
Chúng tôi đi lên thang gác.
Hành lang khá tối, nàng nắm tay tôi, dắt đi. Không nhất thiết lúc nào cũng im lặng, nàng nói, có thể trò chuyện với nhau mà không sợ gì cả. Chúng tôi vào phòng. Nàng vừa thắp nến - không phải đèn mà là nến - vừa nói, pha chút đùa cợt:
- Có điều anh không được nhìn tôi đâu nhé. Tôi ngượng lắm. Tôi sẽ không bao giờ làm điều này nữa.
- Không làm điều gì cơ?
- Không bao giờ... Không, ôi lạy Chúa... Tôi sẽ không bao giờ hôn anh nữa.
- Không à? - Tôi nói và cả hai chúng tôi cùng cười.
Tôi chìa tay về phía nàng, nàng né tránh, chạy sang bên kia bàn. Chúng tôi đứng nhìn nhau, ngọn nến ở giữa.
Sau đó, nàng cởi khăn che mặt và mũ. Đôi mắt sáng của nàng nhìn tôi không chớp, theo dõi từng cử động nhỏ của tôi, nàng sợ tôi không giơ tay đỡ khi nàng ngồi ngả người vào hôn tôi. Tôi lại định bắt nàng lần nữa, nhưng vấp chiếc thảm, ngã xuống. Tôi ngượng ngập bò dậy.
- Trời ơi, sao mặt anh đỏ bừng thế kia? - Nàng nói. - Đau lắm à?
- Vâng, rất đau.
Rồi chúng tôi lại đuổi bắt nhau quanh bàn.
- Hình như anh đi cà nhắc?
- Vâng, một chân tôi bị đau, đau chút ít thôi.
- Lần trước anh đau ngón tay, bây giờ đau chân. Anh toàn gặp chuyện không may.
- Cách đây mấy ngày suýt nữa tôi bị một chiếc xe hòm chẹt chết.
- Suýt chẹt chết? Chắc anh lại say chứ gì? Lạy Chúa, anh sống buông thả quá, anh bạn ạ! - Nàng giơ một ngón tay lên doạ rồi trở nên nghiêm túc ngay. - Ta ngồi xuống đi! - Nàng nói. - Không, không phải bên bậc cửa đâu. Anh là người quá rụt rè, anh hãy ngồi kia. Còn tôi ngồi đây, được, như thế... Ôi, thật buồn khi đàn ông quá rụt rè! Tự tôi phải nói và làm mọi chuyện. Không trông chờ gì được ở anh cả. Thí dụ anh hoàn toàn có thể tựa lên tay ghế của tôi. Đáng lẽ tự anh phải đoán ra điều ấy. Nếu tôi nhắc, chắc anh sẽ không tin. Vâng, vâng, tôi đã nhiều lần nhận thấy như thế, cả bây giờ cũng vậy. Nhưng anh đừng nói với tôi rằng lúc nào anh cũng bẽn lẽn như vậy, nhiều khi anh cũng ghê lắm. Thí dụ hôm anh say rượu, theo chúng tôi về tận nhà, lại còn trêu thế này nữa: "Thưa tiểu thư, tiểu thư đánh rơi cuốn sách. Chắc chắn tiểu thư đã đánh rơi cuốn sách!" Ha, ha! Hôm ấy trông anh thật đáng sợ!
Đói Đói - Knut Hamsun Đói