Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
Ôi, lạy Chúa, ta phải sống giữa những thằng ngốc thế đấy! Tôi trút lên đầu ông ta những câu chửi độc địa rồi giải thích một cách tỉ mỉ những gì đã xảy ra. Tôi chỉ chỗ hôm ấy tôi và ông ta đứng, tiền nằm ở đâu và tôi cầm lấy, bóp chặt trong tay thế nào. Cuối cùng ông ta hiểu, nhưng không hề có phản ứng gì. Ông ta chỉ lắc lắc đầu, lắng nghe tiếng bước chân bên kia tường, ra hiệu cho tôi khẽ hơn, và nói:
- Vâng, ông đã có một hành động không tốt!
- Khoan, gượm đã! - Tôi quát to, cốt để ông ta cũng tức giận như tôi. - Ông là một kẻ bán hàng hạ đẳng, làm sao ông biết được tôi hành động tốt hay xấu! Đừng nghĩ tôi lấy số tiền ấy cho mình, tôi không định đem chúng ra tiêu, tôi là người trung thực, tôi không thể...
- Thế thì ông đã dùng số tiền ấy làm gì?
- Báo ông biết rằng tôi đã đem cho một bà già nghèo khổ, cho hết, không sót xu nào. Tôi là người thế đấy, trái tim tôi không là hòn đá, tôi thương những người nghèo khổ...
Người bán hàng có vẻ lưỡng lự. Ông ta không thật tin lắm rằng tôi là người tử tế. Cuối cùng
ông hỏi:
- Tại sao ông không trả lại cho tôi?
- Nhưng xin ông hiểu cho: tôi không muốn gây cho ông những điều phiền toái vô ích. Tôi thương ông, và quyết định tha cho ông, - tôi trâng tráo đáp. - Thế mà ông đền ơn cho tôi thế này đây! Tôi tới đây, bỏ ra chừng ấy thời gian giải thích ông hiểu mọi chuyện, còn ông thì không chút xấu hổ, đã chẳng chịu làm gì tôi cả. Thế thì thôi, xong nhé! Quỷ tha ma bắt ông đi! Chào ông!
Tôi bước ra, đóng sập cửa thật mạnh.
Nhưng khi về tới nhà mình, về cái hang chuột tối om ấy, bị ướt từ đầu đến chân, sự hùng hổ tự nhiên biến đâu mất. Và tôi lại thiểu não như trước. Tôi lấy làm tiếc đã xử sự như thế với ông già tội nghiệp. Tôi oà lên khóc, tay bóp chặt cuống họng để tự trừng phạt mình đã có một hành động bỉ ổi như vậy, và để tự hối lỗi nữa. Tất nhiên ông lão rất sợ bị mất việc làm, nên chắc sẽ không dám làm ầm lên vì năm đồng curon ấy. Tôi lợi dụng điểm yếu ấy để quát tháo, sỉ nhục ông ta; trong khi có lẽ ông chủ hiệu đang ở bên kia tường và có thể bước vào bất kì lúc nào để xem chuyện gì đang xảy ra. Đúng là một hành động đê tiện hiếm có!
Chà, sao người ta không giữ tôi lại nhỉ? Nếu thế, mọi chuyện sẽ được kết thúc. Tôi sẵn sàng tự nguyện chìa tay cho người ta xích lại, không một cử chỉ nào chống đối, ngược lại tôi còn tạo điều kiện để bị bắt nhanh chóng hơn. Lạy Chúa, con xin đem đổi toàn bộ đời con để lấy một giây hạnh phúc! Cả cuộc đời con để lấy một mẩu bánh mì khô cứng! Hãy nghe lời cầu của con, dù chỉ một lần này!...
Tôi để cả quần áo ướt nằm ngủ. Tôi có ý nghĩ mơ hồ rằng đêm nay tôi sẽ chết, vì vậy tôi đem hết sức lực còn lại thu xếp lại giường nằm để sáng hôm sau nó không đến nỗi bừa bộn lắm. Rồi tôi nằm xuống, khoanh hai tay trên ngực.
Bỗng nhiên tôi nhớ tới Ilaialy. Làm sao suốt cả buổi chiều tôi không nhớ tới nàng lần nào nhỉ? Tâm hồn tôi lần nữa lại loé sáng, chỉ một tia nắng nhỏ bé thôi, nhưng cũng đủ làm tôi cảm thấy ấm áp. Mặt trời mỗi lúc một rực rỡ hơn. Đó là thứ ánh sáng dịu dàng, âu yếm và ngọt ngào, làm tôi ngây ngất. Sau đó mặt trời nóng dần, nó đốt hai má tôi, thiêu cháy óc tôi bằng ngọn lửa giận dữ. Bây giờ trước mắt tôi là một ngọn lửa khổng lồ, cả đất cả trời đều bốc cháy. Rồi người, thú vật, sông núi, sa mạc và quỷ dữ - cả thế giới đang bốc cháy, rừng rực cháy trong ngọn lửa của ngày tận thế.
Sau đó tôi chẳng nghe hay thấy gì nữa...
Hôm sau tôi tỉnh dậy, người đầy mồ hôi. Tôi bị sốt nặng, run lên bần bật. Lúc đầu, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi đưa mắt nhìn quanh và cảm thấy có cái gì đấy đang gãy vỡ trong tôi. Tôi sờ tay chân mình, rồi lấy làm ngạc nhiên vì cửa sổ ở tường này chứ không phải ở tường đối diện. Có tiếng móng ngựa từ dưới sân vọng lên, thế mà tôi cứ tưởng như từ trên xuống. Ngoài ra, tôi còn buồn nôn...
Mái tóc ướt và lạnh xoã lên trán. Tôi chống tay nhỏm dậy, nhìn xuống gối: trên gối cũng có các túm tóc ướt. Đôi chân vẫn nguyên giày chưa cởi sau một đêm đã phồng to, vất vả lắm tôi mới cọ quậy nổi các ngón.
Lúc này đã xế chiều, có lẽ mặt trời sắp lặn, tôi dậy khỏi giường và bắt đầu đi lại trong phòng. Tôi bước từng bước nhỏ, thận trọng để khỏi ngã và để chân không đau. Tôi không cảm thấy quá đau khổ, không muốn khóc và nói chung chẳng buồn chút nào. Ngược lại, tôi thấy vui và không muốn một số phận nào khác.
Sau đó tôi đi ra khỏi nhà.
Một điều duy nhất làm tôi khó chịu là cái đói, mặc dù tôi ghê tởm thức ăn. Lần nữa tôi lại cảm thấy sự háu ăn thấp hèn đang cào cấu trong bụng, mà mỗi lúc một dữ dội hơn. Ngực tôi đau nhức nhối, không sao chịu nổi, như thể trong đó đang có một cuộc đâm chém âm thầm nào đó. Hình như có hàng chục con thú nhỏ thi nhau cắn xé ngực tôi, lúc bên này, lúc bên kia, sau đó chúng tạm nghỉ, rồi lại cắn xé tiếp một cách lặng lẽ, rứt từng miếng thịt lớn...
Tôi không ốm, nhưng kiệt sức và người đầm đìa mồ hôi. Tôi hi vọng sẽ nghỉ ngơi ở quảng trường, nhưng đường tới đó khá dài và vất vả. Thế mà tôi vẫn tới được. Tôi đứng giữa đường phố dẫn tới quảng trường. Nước mắt chảy cả vào mắt, kính mờ, làm tôi không nhìn thấy gì phải dừng lại để lau kính. Tôi không biết tôi đang đứng ở đâu, và cũng chẳng nghĩ tới điều ấy. Có tiếng ồn nào đó rất to nổi lên quanh tôi.
Bỗng ai đó kêu thất thanh: "Cẩn thận!". Tôi nghe tiếng kêu ấy, nghe rất rõ nên đứng né sang bên và bước nhanh về phía trước trong chừng mực đôi chân yếu ớt của tôi cho phép. Một chiếc xe chở bánh mì phóng qua, giận dữ như con quái vật trong cơn điên, bánh xe va vào vạt áo khoác của tôi. Nếu tôi nhanh hơn một chút, chắc mọi việc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Vâng, lẽ ra tôi phải nhanh hơn, chỉ cần cố thêm một tí nữa thôi. Nhưng bây giờ thì quá muộn, chiếc xe đã lăn qua và chỉ đè dập các ngón chân của tôi. Tôi có cảm giác hai ngón vẹo hẳn sang một bên. Người đánh xe cho ngựa dừng lại, nhảy xuống, hốt hoảng hỏi tôi có sao không. Ô, may quá, chưa nặng lắm!... Có trời mới biết được, đáng sợ thật... Tôi tin là xương không gãy... Ôi, hãy làm ơn...
Tôi cố lê chân thật nhanh về phía chiếc ghế gần đó. Một đám đông tập trung lại nhìn, làm tôi rất khó chịu. Xe có chịu nghiến tôi chết đâu, dù tôi đang muốn từ giã cuộc đời này. Tệ hại nhất là chiếc giày của tôi đã bị hỏng, đế hầu như bong hẳn, còn mõm thì há ra như miệng cá sấu. Tôi giơ chân lên và thấy trong chiếc miệng cá sấu ấy có máu. Không sao, không ai có lỗi cả. Ông đánh xe chắc không hề muốn làm tồi tệ hơn cái hoàn cảnh vốn đã tồi tệ của tôi. Tôi có thể yêu cầu ông ta quẳng cho tôi một chiếc bánh, tất nhiên ông ta sẽ vui lòng làm cái điều nhỏ nhặt ấy.
Cái đói lại giày vò tôi hết sức khổ sở, tôi quả không biết phải làm gì để thoát khỏi sự háu ăn đáng xấu hổ ấy của mình. Tôi ngồi vặn vẹo trên ghế, co chân rụt cổ vào hai đầu gối. Khi trời tối, tôi lê bước tới Toà thị chính - có trời mới biết được tôi đã đến đấy bằng cách nào - và ngồi xuống trên bậc đá chân cầu thang của nó. Tôi xé chiếc túi khỏi áo khoác và đưa lên miệng nhá, một cách hoàn toàn vô ý thức, mắt nhìn trân trân vào chỗ trống. Tôi nghe tiếng trẻ cười đùa bên cạnh, chốc chốc lại đoán người nào đang đi ngang. Ngoài ra tôi không làm được gì khác.
Sau đó tôi bỗng nảy ra ý nghĩ đến chợ kiếm một miếng thịt sống. Tôi đứng dậy đi ra phía cuối chợ. Đứng chờ một chốc bên dãy hàng thịt, tôi quay lại nhìn và giả vờ như mắng một con chó tưởng tượng nào đó, ra lệnh cho nó phải đứng yên tại chỗ, rồi mạnh dạn nói với người bán thịt đầu tiên tôi gặp.
- Xin ông làm ơn cho con chó của tôi một miếng xương! - Tôi nói. - Chỉ xương thôi, không cần thịt; chả là nó phải ngậm một cái gì đó trong miệng mà.
Người ta cho tôi một khúc xương, một khúc xương tuyệt vời, trên đó còn dính ít thịt. Tôi vội giấu nó vào ngực rồi cảm ơn người bán thịt nhiều và nhiệt tình đến mức ông ta phải ngạc nhiên nhìn tôi.
- Ồ, chẳng có gì phải cảm ơn, - ông ta nói.
- Ấy, ông đừng nói thế, - tôi lẩm bẩm đáp. - Ông thật tốt!
Rồi tôi bước đi, tim đập mạnh trong lồng ngực.
Tôi rẽ vào một ngõ hẻm và dừng lại cạnh một cổng ra vào nào đó đã gần sụp đổ. ở đây rất tối, tôi mừng thầm và lấy khúc xương ra, bắt đầu gặm.
Chẳng ngon chút nào. Nó bốc mùi máu đông khó chịu. Một chốc sau tôi thấy buồn nôn. Nôn xong, tôi thử gặm lần nữa. Nhưng lại nôn. Tôi giận dữ dùng răng bóc thịt ra và bắt mình phải nuốt vào bụng. Than ôi, tôi làm thế cũng chỉ vô ích. Vì vừa nuốt khỏi họng, lập tức những miếng thịt sống ấy bị tống ra ngoài. Bất lực và tuyệt vọng, tôi nắm chặt hai tay, khóc to và lại giận dữ gặm tiếp. Mặt tôi dàn dụa nước mắt, khúc xương trở nên bẩn và ướt vì những giọt nước mắt ấy. Vẫn nôn. Tôi kêu lên những tiếng nguyền rủa, rồi lại gặm, lại khóc và lại nôn.
Im lặng, xung quanh không một bóng người, đâu cũng chỉ bóng tối và sự yên tĩnh. Tâm hồn tôi đang ở trạng thái xúc động đáng sợ. Tôi thở một cách nặng nhọc, hổn hển. Nước mắt chảy dàn dụa, miệng nôn hết miếng thịt này đến miếng thịt khác, những miếng thịt lẽ ra có thể giúp tôi đỡ đói ít nhiều. Cố hết mọi cách vẫn không kết quả gì, tôi giận dữ và tuyệt vọng vứt khúc xương vào ngõ tối rồi kêu to một cách man dại bằng giọng khàn khàn đứt quảng, tôi không ngớt lời nguyền rủa Chúa trời, giơ cao hai cánh tay gầy gò, còng queo với những ngón tay như móng chim ác..., Vaal, trên đời này chẳng làm quái gì có ngài, nhưng nếu có, tôi sẽ nguyền rủa ngài luôn miệng và trên cái thiên đường ấy của ngài, ngài sẽ bị thiêu cháy bằng chính ngọn lửa địa ngục. Tôi sẵn sàng phục vụ ngài, nhưng ngài đã ruồng rẫy tôi và từ nay tôi sẽ thù địch với ngài suốt đời., Apis, tôi biết tôi sắp chết, nhưng lúc này, đứng bên quan tài, tôi vẫn khinh bỉ nhổ vào mặt ngài!...
Im lặng.
Toàn thân tôi run lên vì hồi hộp và đau khổ; tôi vẫn đứng yên, không ngớt lẩm bẩm những lời nguyền rủa, khóc một cách cay đắng vì bất lực, đau khổ và vì cuồng giận tuyệt vọng. Cứ thế, tôi đứng cạnh cổng suốt nửa giờ, vừa khóc vừa tựa vào tường để khỏi ngã. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng người nói - có hai người đang lại gần tôi và trao đổi với nhau điều gì đó. Tôi vội rời cổng, lê chân đi dọc dãy nhà và lần nữa bước ra những đường phố được đèn chiếu sáng. Khi đi từ Yungxbaken xuống, trong đầu tôi bỗng xảy ra những điều hết sức kì lạ. Tôi có cảm giác như những căn lều tồi tàn ở cuối quảng trường và những nhà kho xiêu vẹo gần đó làm hỏng hết bức tranh chung. Chúng làm hỏng quảng trường, làm hỏng toàn bộ thành phố. Chà, phải hót những thứ đổ nát ấy đi mới được! Rồi tôi nhẩm tính trong đầu cần bao nhiêu tiền để chuyển về đây ngôi nhà đẹp đẽ của trường Đại học Địa lí mà lần nào đi ngang tôi cũng đứng lại ngưỡng mộ. Có lẽ để làm được việc ấy, phải có bảy mươi hai hay thậm chí tám mươi hai nghìn curon mới đủ - một số tiền kha khá đấy, hề hề, một số tiền nho nhỏ để bắt đầu một công việc nho nhỏ! Khi gật đầu khẳng định số tiền nho nhỏ ấy, tôi thấy đầu tôi trống không và nhẹ tênh. Người tôi còn run, và thỉnh thoảng tôi vẫn khóc.
Tôi có cảm giác như sự sống rời bỏ tôi, bài hát đời tôi đã chấm dứt. Nhưng đối với tôi, điều ấy chẳng có gì quan trọng và tôi không hề quan tâm tới nó. Ngược lại, tôi còn đi tắt qua cả thành phố để tới cảng, nghĩa là mỗi lúc một xa chỗ ở của mình. Tôi hoàn toàn có thể nằm xuống mặt phố rồi chết. Quá đau khổ, tôi trở nên hững hờ với tất cả. Các ngón chân bị xe nghiến đau nhức nhối, cái đau ấy chạy ngược lên tận đùi, nhưng cả điều này cũng không làm tôi lo lắng. Tôi đã từng chịu những cái còn ghê gớm hơn nhiều.
Cuối cùng tôi ra tới cầu đường sắt. ở đây không tàu xe nào đi lại, không cả tiếng ồn, thỉnh thoảng mới có một vài người xuất hiện - một ngư dân hay một thuỷ thủ nào đó vừa dạo chơi, vừa đút tay vào túi quần. Tôi chú ý một ông già thọt chân khi đi ngang đã quay sang nhìn tôi rất chăm chú. Vô tình tôi chặn lão lại, ngả mũ chào và hỏi có biết tàu "Monach" đã rời bến chưa. Hỏi xong, không kìm được, tôi còn bật móng tay ngay trước mũi lão và nói thêm:
- "Monach"! Quỷ quái thật! Thế mà tôi quên nó mất!
Nghĩa là dù sao, ý nghĩ về con tàu ấy vẫn bám riết lấy óc tôi.
- Rất tiếc là tàu "Monach" đã rời bến.
- Ông có biết nó đi đâu không?
Lão nghĩ ngợi chốc lát, khẽ nhấc chân thọt lên, lắc lắc và nói:
- Không. Ông không biết nó chở gì à?
- Không, - tôi đáp.
Nhưng lúc ấy tôi đã kịp quên con tàu "Monach" và hỏi ông thọt kia từ đây tới Hommextran bao xa, theo cách tính của người xưa, tức là mấy dặm địa lí?
- Đến Hommextran? Có lẽ...
- Hay đến Veblungxnes cũng được?
- Vâng, vâng: nghĩa là đến Hommextran, có lẽ..
- À mà này, để khỏi quên, xin ông cho tôi nhúm thuốc, - tôi lại ngắt lời lão. - Chỉ một nhúm nhỏ thôi.
Nhận được thuốc, tôi rối rít cảm ơn rồi bỏ đi. Tôi chẳng dùng nhúm thuốc ấy, mà nhét ngay vào túi. Ông già thọt chân đứng nhìn theo - có lẽ tôi đã có cái gì đó làm lão nghi ngờ. Lúc nào tôi cũng cảm thấy cái nhìn nghi ngờ ấy của lão. Tôi không thích như thế, và quay lại gần, nhìn thẳng vào mắt lão, nói:
- Đồ rác rưởi!
Đồ rác rưởi! Chỉ một chữ ấy thôi, ngoài ra không thêm một lời nào. Vừa nói, tôi vừa nhìn lão chăm chắm. Chắc cái nhìn của tôi phải đáng sợ lắm, cái nhìn của một người đã chết.
Nói xong, tôi đứng thêm chốc nữa rồi lê chân đi về phía nhà ga. Ông già thọt không hé miệng lần nào, chỉ đứng im đưa mắt nhìn theo.
Đồ rác rưởi à? Tôi bỗng đứng sững lại. Làm sao tôi không nhận ra ngay nhỉ? Tôi đã gặp ông già thọt này rồi. ở Grenxơn, một buổi sáng đẹp trời. Hôm ấy tôi đem chiếc áo gilê tới hiệu cầm đồ. Tôi có cảm giác như từ ấy đến nay là cả một thế kỉ.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói