Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ả một tuần trôi qua trong no đủ và vui sướng.
Tôi đã vượt qua tai nạn, được ăn trưa hàng ngày, sự sảng khoái mỗi lúc một tăng và tôi luôn nghĩ ra hết trò này đến trò khác. Tôi viết cùng một lúc cả ba hoặc bốn bài báo, đưa lên giấy tất cả các cảm hứng và ý nghĩ xuất hiện trong cái đầu tội nghiệp của tôi. Tôi có cảm giác rằng việc viết lách của tôi khá hơn trước rất nhiều. Bài báo cuối cùng mà tôi viết rất công phu và đặt nhiều hi vọng ấy đã bị ông chủ bút trả lại. Lập tức tôi xé tan nó ngay, vô cùng giận dữ và với cảm giác bị xúc phạm, xé mà không thèm đọc lại. Bây giờ tôi sẽ cố cộng tác với một tờ báo khác để có thể dễ được in hơn. Trường hợp xấu nhất, nếu cả điều này cũng không giúp được gì, tôi sẽ đăng kí xin làm thủy thủ. Tàu "Monach" đang đậu ở cảng, sắp rời bến, có lẽ tôi sẽ thu xếp được để làm việc cho nó và nó sẽ đưa tôi đến Arkhanghenxkơ hay một nơi nào đó. Nghĩa là tôi vẫn còn khối hi vọng.
Các bất hạnh tôi vừa trải qua không phải không để lại dấu vết gì. Tóc tôi bắt đầu rụng, thần kinh rệu rã, đầu đau nhức nhối. Ban ngày tôi ngồi viết, tay quấn đầy giẻ, chỉ đơn giản vì tôi không thể chịu nổi khi hơi thở của chính mình phả lên tay. Mỗi lần phía dưới Ienx Olai dập cửa chuồng ngựa quá mạnh hay ngoài sân có chó sủa, bỗng dưng tôi thấy lạnh buốt óc, và sau đó cái lạnh ấy chạy khắp cơ thể. Sức khỏe của tôi đã suy sụp một cách đáng kể.
Tôi làm việc căng thẳng hết ngày này đến ngày khác, tiết kiệm cả thời gian ăn trưa, và ăn xong lại cúi đầu xuống bàn viết ngay. Không chỉ cái bàn ọp ẹp mà cả giường tôi đều ngổn ngang những trang giấy viết kín chữ được tôi chữa đi chữa lại nhiều lần và ghép thành các bài báo. Tôi xoá chỗ này, thêm chỗ kia, các đoạn lủng củng cũng được chữa lại bằng những từ rất kêu. Cứ thế tôi viết, viết một cách khó nhọc hết câu này đến câu khác. Một chiều nọ, cuối cùng bài báo đã được viết xong hoàn toàn. Sung sướng và hạnh phúc, tôi nhét nó vào túi và vội đến gặp "Huân tước". Đã đến lúc phải nghĩ tới việc kiếm tiền, vì túi tôi hầu như đã trống rỗng.
"Huân tước" yêu cầu tôi chờ một phút... Rồi ông lại cắm cúi viết tiếp cái gì đó.
Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng chật hẹp: những bức tượng bán thân, những tờ tranh khắc gỗ, các mẩu báo cắt rời, một chiếc sọt rác thật lớn, tưởng có thể chứa nổi cả một người. Tôi cảm thấy buồn bã khi nhìn con rồng khủng khiếp ấy há to miệng, suốt đời há to miệng sẵn sàng nuốt vào cái bụng không đáy của nó tất cả các bài báo bị gạt bỏ, tất cả hi vọng của người khác.
- Hôm nay là ngày mấy nhỉ? - "Huân tước" bỗng hỏi tôi, vẫn không ngước đầu khỏi bàn.
- Hai mươi tám, - tôi đáp, thầm lấy làm mừng vì đã có thể giúp được ông điều gì đó.
- Hai mươi tám! - Ông lại viết tiếp. Cuối cùng, ông dán mấy phong thư, vứt vào sọt rác một số giấy tờ nào đó và đặt bút xuống. Chỉ sau đó ông mới quay ghế nhìn tôi. Thấy tôi vẫn đứng bên cửa, với vẻ nửa nghiêm túc, nửa đùa cợt, ông đưa tay chỉ vào một chiếc ghế, mời tôi ngồi.
Để ông khỏi thấy tôi không có áo gilê, tôi quay người, hé áo ngoài và rút tập bản thảo từ ngực ra.
- Đây là bài báo không lớn lắm về Correggio(1), - tôi nói. - Nhưng rất tiếc nó được viết hơi khác thường...
"Huân tước" lấy từ tay tôi tập giấy rồi bắt đầu đọc. Ông quay mặt về phía tôi. Từ ngày còn trẻ, tôi đã được nghe tên tuổi con người này, và trong suốt nhiều năm qua, tờ báo của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Còn bây giờ, trước tôi là con người bằng xương bằng thịt của ông. Tóc ông xoăn, đôi mắt xám có vẻ gì đấy như không chịu yên. Ông có thói quen chốc chốc lại khẽ khịt mũi. Bề ngoài ông giống một mục sư, có chiếc bút rất sắc có thể dùng để đánh người ta đến chảy máu. Nhìn ông, tôi cảm thấy ngạc nhiên và sợ hãi; và suýt khóc, tôi tiến thêm một bước lại gần ông, muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với tất cả những gì tôi học được ở ông. Tôi muốn ông chiếu cố, vì tôi chỉ là một người nghèo đáng thương rất cần được giúp đỡ...
Ông nhìn tôi, rồi với vẻ lưỡng lự, đặt bài báo của tôi xuống bàn.
Để ông từ chối mà không cảm thấy bất tiện, tôi chìa tay về phía trước, nói:
- Chắc bài này không phù hợp với báo ông?
Rồi tôi mỉm cười, làm ra vẻ tôi xem việc này chẳng có gì quan trọng.
- Chúng tôi chỉ có thể đăng các bài có tính chất đại chúng, - ông đáp, - ông biết độc giả của chúng tôi rồi đấy. Ông có thể viết đơn giản hơn một chút được không? Hay viết về đề tài khác, dễ hiểu hơn chẳng hạn?
Sự thận trọng của ông làm tôi ngạc nhiên. Tôi hiểu bài báo của tôi đã bị từ chối, nhưng đây là một sự từ chối hết sức lịch sự. Để không quấy rầy ông thêm, tôi vội nói:
- Vâng, tất nhiên, tôi có thể viết như thế.
Tôi đi về phía cửa khẽ ho và xin lỗi rằng đã làm phiền ông... Khi tôi cúi chào từ biệt, tay đã cầm quả đấm cánh cửa, ông nói:
- Nếu ông muốn, tôi có thể trả trước cho ông một ít, sau này có bài in sẽ trừ.
Tôi thấy đề nghị của ông ít nhiều có tính chất xúc phạm, nên vội đáp:
- Không, cảm ơn ông, hiện tôi vẫn có thể sống tàm tạm. Tôi rất biết ơn ông. Tạm biệt.
- Chào ông! - "Huân tước" đáp rồi quay ngang sang bàn làm việc của mình.
Suy cho cùng, tôi không đáng được cư xử một cách nhã nhặn như thế; tôi rất biết ơn ông điều đó. Tôi sẽ không tới gặp ông cho đến khi viết xong một bài báo mà chính tôi cũng rất hài lòng. Lúc ấy "Huân tước" sẽ ngạc nhiên và trả cho tôi mười curon. Tôi về nhà và lại bắt tay vào viết.
Những ngày tiếp theo, vào khoảng tám giờ, khi đèn hơi ngoài phố được thắp sáng, tôi thường ra khỏi nhà đi dạo quanh các phố để nghỉ ngơi chút ít sau một ngày làm việc căng thẳng. Tôi nhận thấy một điều lạ là cạnh cốt đèn gần cổng vào sân nhà tôi nhất bao giờ cũng có một người đàn bà mặc áo quần màu đen đang đứng, và khi tôi đi ngang người ấy thường nhìn theo tôi rất lâu. Tôi chú ý thấy cô ta hôm nào cũng mặc bộ quần áo ấy, vẫn chiếc khăn che mặt dày dài tới ngực ấy, và tay luôn cầm một chiếc ô nhỏ đầu cán có một vòng bằng ngà voi.
Đêm này là đêm thứ ba tôi nhìn thấy cô gái ấy, vẫn ở chỗ cũ. Tôi vừa đi ngang, cô thong thả quay người và đi theo hướng ngược lại.
Trong đầu tôi liền nảy ra đủ các điều tưởng tượng. Tôi có ý nghĩ ngu ngốc rằng cô ta đến đây là vì tôi. Tôi muốn bắt chuyện với cô, hỏi cô định tìm ai chăng, cô có cần tôi giúp đỡ gì không, tôi có thể tiễn cô về nhà được không, dù rất tiếc, tôi ăn mặc hơi xoàng xĩnh. Biết đâu đi một mình giữa phố tối, cô chẳng cần người bảo vệ? Nhưng liền lúc ấy tôi bỗng băn khoăn, lo sợ rằng điều đó có thể kéo theo những chi phí tốn kém, như mời cô uống rượu, mời đi xe ngựa, vân vân, mà tiền thì tôi chẳng có đồng nào. Túi tôi trống rỗng, điều này đè nén tôi, khiến tôi không dám nhìn thẳng vào cô khi đi ngang. Cơn đói lại bắt đầu hành hạ tôi; từ hôm qua tới nay tôi chưa được ăn gì. Tất nhiên như thế là ít, vì trước đó tôi từng nhịn hàng mấy ngày liền. Nhưng bây giờ sức khoẻ tôi đang suy sút một cách đáng nghi ngờ, và tôi không còn có thể chịu đói lâu như trước. Mới chỉ một ngày, một ngày không ăn thôi, tôi đã khổ lắm rồi, và hễ uống nước vào là buồn nôn không sao chịu nổi. Thêm vào đó ban đêm tôi rất lạnh. Tôi mặc cả quần áo khi ngủ, thế mà vẫn lạnh cóng, cả khi ngủ thiếp vẫn thấy lạnh. Chiếc chăn cũ không còn đủ che cho tôi khỏi những cơn gió lùa, và cứ mỗi sáng dậy, gặp gió lạnh thổi từ sân vào, mũi tôi lại chảy nước ròng ròng.
Tôi vừa đi giữa phố vừa sợ có thể tôi sẽ gục trước khi kịp viết xong bài báo đang viết dở dang. Nếu có nến, tôi sẽ làm việc cả ban đêm, thêm hai giờ nữa, nếu đủ sức, và sáng mai tôi đã có thể tới gặp "Huân tước".
Không suy nghĩ dài dòng thêm nữa, tôi bước vào quán cà phê tìm gặp một người quen để hỏi vay mười ere mua nến. Tôi được phép đi khắp các phòng, các bàn, nơi đang có người ăn uống và nói chuyện vui vẻ. Tôi đi tận cuối cửa hàng, tới "phòng đỏ", nhưng không thấy người tôi muốn gặp. Bực mình và buồn bã, tôi ra phố, đi về phía lâu đài.
Quỷ quái thật, không lẽ những điều bất hạnh của tôi không bao giờ kết thúc? Tôi bước những bước dài, giận dữ, dựng ngược cổ áo khoác, bóp chặt nắm đấm trong túi quần và vừa đi vừa nguyền rủa số phận hẩm hiu của mình. Suốt tám tháng qua, tôi chưa có được một phút nào hạnh phúc thực sự, tuần nào tôi cũng nhịn đói, ốm đau và mất dần sức lực. Tuy thế, nghèo nhưng tôi vẫn là người tử tế, bao giờ cũng tử tế, tử tế trong mọi chuyện, ha ha! Ôi lạy Chúa, tôi mới đáng buồn cười làm sao! Rồi tôi lẩm bẩm nhắc lại chuyện tôi bị lương tâm giày vò thế nào khi lần nọ tôi đem chiếc chăn của Hanx Pauli tới hiệu cầm đồ. Tôi đã cười giễu một cách khinh bỉ cái lương tâm bệnh hoạn của tôi, tôi ghê tởm nhổ xuống đất, không ngớt tìm đủ từ xấu xa để mắng mỏ sự ngu ngốc của mình. Nhưng bây giờ thì khác rồi! Nếu đúng lúc này nhìn thấy chiếc ví nhỏ của một cô bé học sinh nào đó đánh rơi giữa phố, hay đồng xu của một bà quả phụ, chắc chắn tôi sẽ cúi xuống nhặt lên, vội vàng cho vào túi. Tôi sẽ làm điều đó không chút cắn dứt lương tâm, và suốt đêm sẽ ngủ một cách ngon lành. Không phải vô ích khi tôi chịu chừng ấy đau khổ, bây giờ lòng kiên trì đã cạn và tôi sẵn sàng làm tất cả.
Tôi đi mấy vòng quanh lâu đài rồi quyết định trở về nhà. Sau khi nấn ná một chốc trong công viên, cuối cùng tôi bước đi theo phố Carlơ Juhan.
Lúc này đã gần mười một giờ. Xung quanh là bóng tối nhờ nhờ, đâu cũng thấy người đi dạo, từng đôi hoặc từng tốp lớn ồn ào. Giờ phút vĩ đại, giờ phút của tình yêu đã đến, khi các tâm hồn hoà nhập với nhau, còn cuộc đời thì lâng lâng như trong câu chuyện cổ tích. Tiếng váy đàn bà kêu xột xoạt, tiếng cười ngây ngất, những bộ ngực nhô cao, những hơi thở nóng hổi, vồ vập. Phía xa, gần Grand, có ai đó khẽ gọi: "Emma!". Cả phố như một đầm lầy đang bốc hơi nóng hầm hập.
Vô tình tôi cho tay vào túi xem có tìm được trong đó vài curon không. Sự đam mê đang ngự trị xung quanh, thậm chí cả ánh đèn mờ đục và đêm yên tĩnh mơ mộng cũng bắt đầu tác động lên tôi. Khắp nơi đầy những tiếng thầm thì yêu đương, những vòng tay ôm nhau, những lời tỏ tình say đắm, những câu nói giữa chừng, những tiếng kêu nho nhỏ. Một vài con mèo giở trò với nhau, gào rất to trong ngõ phố Blumquizt. Thế mà tôi không có nổi hai curon trong túi! Thật nhục nhã, thật bất hạnh, rằng tôi đã trở nên nghèo đến thế! Rồi tôi lại nghĩ tới đồng xu cuối cùng của người đàn bà goá tội nghiệp mà tôi sẵn sàng ăn cắp, và chiếc mũ hay chiếc khăn lau mũi mà tôi không ngần ngại mang đến hiệu cầm đồ để đổi lấy mấy ere. Để tự an ủi và ban thưởng cho mình, tôi bắt đầu tìm những khuyết tật có thể có ở những con người hạnh phúc kia. Tôi giận dữ nhún vai, khinh bỉ nhìn theo những cặp trai gái đang lần lượt đi qua tôi. Đó là những cậu sinh viên bụ sữa và hợm mình, cứ tưởng như chúng là những công tử châu Âu thực sự khi chúng chạm được cái tay vào vú một cô gái lẳng lơ nào đó. Cái bọn người trẻ tuổi ấy, bọn chủ nhà băng, thương gia hay bọn đĩ đực mạt hạng ấy không chừa cả vợ con của đám thuỷ thủ, cả những con búp bê béo quay từ các khu chợ bán lợn, những mụ mà chỉ cần một cốc bia là ai cũng có thể dẫn vào ngõ tối. Thật là những nàng tiên tuyệt trần! Giường ngủ của chúng chắc còn chưa sạch hơi một thằng cha làm nghề chữa cháy hay một gã trông ngựa nào đó vừa tới "thăm" chúng... Ngai vàng của chúng luôn để trống, ai cũng có thể lại gần, bất kì ai, xin mời!... Tôi phùng má nhổ nước bọt, không thèm nghĩ tới việc có thể té vào người khác. Tôi vô cùng khó chịu, vô cùng khinh bỉ những con người đang quyện vào nhau trước mắt tôi kia. Tôi ngẩng cao đầu, lấy làm hạnh phúc vì còn chưa để mình vấy bẩn.
Cạnh một gốc cây, thấy một cô gái nhìn tôi chăm chăm, tôi bước lại gần.
- Chào cô. - Tôi nói.
- Chào anh!
Cô ả đứng lại.
- Hừm... Cô làm gì ở đây muộn thế? Lẽ nào một cô gái trẻ như cô đi dạo một mình giữa phố vào giờ này không nguy hiểm? Không à? Vâng, nhưng chẳng nhẽ từ trước tới nay chưa có ai tìm cách bắt chuyện với cô, xúc phạm cô hay rủ cô về nhà.
Cô ả ngạc nhiên, cố nhìn mặt tôi để đoán tôi muốn gì. Rồi bỗng nhiên ả nắm tay tôi, nói:
- Nào, thì ta đi!
Tôi đi theo. Khi đi xa những tay đánh xe ngựa, tôi đứng lại, rút tay ra và nói:
- Này cô em thân mến ơi, anh chẳng có đồng xu nào cả, có lẽ để anh đi đường anh thì hơn.
Lúc đầu ả không muốn tin tôi, nhưng sau khi nắn hết các túi của tôi mà không thấy gì, ả liền hất đầu, bĩu môi gọi tôi là "chàng rách".
- Chào cô em! - Tôi nói.
- Gượm đã! - ả gọi theo. - Thế gọng kính của anh mạ vàng đấy chứ?
- Không.
- Thế thì mời ông anh đi đi!
Tôi đi.
Nhưng ả vội chạy theo, nói to:
- Thôi được, không có gì cũng đi!
Lời đề nghị này của một cô gái làm tiền khiến tôi cảm thấy bị sỉ nhục, và tôi từ chối. Vả lại, đêm đã khuya, tôi còn phải đến nơi khác. Cô ả cũng chẳng là người đáng để tôi phải hạ mình như thế.
- Nhưng em muốn đi với anh!
- Còn tôi thì không thể đi với cô trong hoàn cảnh thế này được.
- Chắc anh muốn đi với cô khác chứ gì?
- Không, - tôi đáp. Vâng, tôi chẳng có tí thích thú nào đối với việc này. Với tôi, các cô nàng này cũng gần như là đàn ông vậy. Sự nghèo đói đã làm tôi kiệt sức. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng tôi là một thằng thảm hại dưới con mắt của ả kia. Tôi quyết định phải giữ thể diện.
- Tên cô là gì? - Tôi hỏi. - Mary à? Thế này nhé, Many, cô hãy nghe tôi nói đây! - Rồi tôi bắt đầu trình bày hoàn cảnh của mình. ả mỗi lúc một ngạc nhiên hơn.
Không lẽ ả nghĩ tôi là một trong những người đêm đêm lùng gái khắp các phố? Không lẽ tôi đã nói với ả điều gì bất nhã? Một người có ý định xấu trong đầu lẽ nào lại cư xử như tôi? Tóm lại, tôi đứng nói chuyện với ả rồi tiễn ả đi một quãng, cốt để xem sau đó ả sẽ làm gì. Tôi bảo ả rằng tôi là một mục sư, tên thế này, thế này... - Chúc cô ngủ ngon! Cô đi đi, và đừng phạm tội thêm nữa!
Đói Đói - Knut Hamsun Đói