If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ại sao chính bà ta lại ra gặp tôi? Bà ta tưởng tôi là kẻ hành khất. Bỗng nhiên, tôi trở nên lãnh đạm và bình tĩnh một cách lạ lùng. Tôi bỏ mũ cúi chào lễ phép và rồi, như không hề nghe bà ta vừa nói gì, tôi lên tiếng một cách hết sức lịch sự:
- Thưa bà, xin lỗi vì tôi giật chuông quá mạnh, tôi chưa quen với nó. Hình như ở đây có một người bệnh cần người đẩy xe chở ông ta đi dạo, phải không ạ?
Bà kia đứng im trong giây lát, chắc là để cân nhắc lời nói dối ngốc nghếch của tôi, trong khi vẫn không biết nên nghĩ về tôi thế nào.
- Không, - cuối cùng bà ta đáp. - ở đây không ai ốm cả.
- Lẽ nào lại thế được nhỉ? Một ông đã đứng tuổi. Ông ấy cần người đẩy xe cho ông ấy dạo chơi, một ngày hai giờ, mỗi giờ bốn mươi ere.
- Không.
- Thế thì một lần nữa tôi xin lỗi bà vậy, - tôi đáp. - Có thể ở tầng một cũng nên. Tôi muốn giới thiệu cho ông ấy một người có thể làm công việc đó. Đó là một người quen của tôi mà tôi muốn giúp đỡ. Tên tôi là Veden Iarlơxbec.
Tôi lại cúi chào và lùi một bước về phía sau. Bà kia đỏ bừng mặt, và vì lúng túng, bà ta vẫn đứng yên một chỗ nhìn theo tôi cho đến khi tôi đi xuống cầu thang.
Tôi bình tĩnh trở lại, đầu óc tỉnh táo dần. Câu nói của bà kia rằng hôm nay không có gì để cho tôi, tác động lên tôi mạnh như khi bị đổ một gáo nước lạnh xuống đầu. Tôi đã xuống dốc tới mức thoạt nhìn, ai cũng có thể nghĩ tôi là một thằng ăn xin đang tìm cách moi thức ăn của người khác để sống.
Ở Melergade, tôi dừng lại cạnh một quán ăn và hít lấy hít để mùi thịt bò rán ngon lành từ đấy bay ra. Tôi đã cầm nắm đấm cánh cửa định đi vào, mặc dù không biết vào để làm gì, nhưng đã kịp thời nghĩ lại và bỏ đi. Đến quảng trường, tôi đưa mắt tìm chỗ ngồi nghỉ, nhưng tất cả các ghế đã có người ngồi, thành ra tôi cứ đi quanh quẩn nhà thờ, tìm kiếm một cách vô ích chỗ có thể ngồi tạm. "Vâng, tất nhiên! - tôi cau có thầm bảo mình. - Tất nhiên. Tất nhiên!" Rồi tôi đi tiếp. Đến vòi phun nước cạnh góc chợ, tôi dừng lại uống no nước, rồi lại lê chân đi, gặp tủ kính nào cũng dừng lại ngắm rất lâu, và gặp chiếc xe ngựa nào phóng nhanh cũng đưa mắt nhìn theo. Đầu tôi nóng bừng hai bên thái dương. Có tiếng gì đấy lạ lùng đang đập mạnh. Bụng nước tôi vừa uống chẳng mang lại lợi ích gì - thỉnh thoảng tôi phải cố lắm mới không nôn oẹ giữa đường. Cuối cùng tôi đến khu nghĩa trang cạnh nhà thờ Đấng cứu thế.
Tôi ngồi xuống, co hai chân trước ngực, đầu gục xuống tay. ở tư thế ấy tôi dễ chịu hơn chút ít. Lúc này tôi không còn cảm thấy có cái gì đang cuồn cuộn trong ngực nữa.
Một anh thợ xây đang bò lổm ngổm, khắc những dòng chữ gì đó trên tấm đá cách tôi không xa. Anh ta mang kính đen, làm tôi bỗng nhớ tới một người quen mà tôi gần như đã quên. Anh này làm việc ở ngân hàng, và có lần chúng tôi đã gặp nhau trong quán cà phê.
Giá tôi thắng được cảm giác ngượng ngùng để đến với anh ta! Tôi sẽ nói thật với anh ta về việc tôi sống khổ sở và kiếm miếng ăn khó khăn thế nào. Tôi có thể đưa cho anh ta tập vé cạo mặt... ồ, quỷ quái thật, thế mà tôi quên mất rằng tôi đang có tập vé này! Số vé ấy đáng giá gần một curon cơ mà! Và rồi, vô cùng hồi hộp, tôi bắt đầu lần các túi tìm kho báu ấy của mình. Tìm một lúc vẫn không thấy, tôi đứng bật dậy, người lạnh toát vì hốt hoảng. Cuối cùng tôi tìm thấy nó ở đáy chiếc túi bên hông, cùng một số tờ giấy còn trắng hoặc đã viết nhưng không có chút giá trị nào. Tôi đếm sáu tấm vé ấy mấy lần liên tục, từ đầu đến cuối rồi ngược lại. Tôi chẳng cần chúng lắm - bây giờ tôi không thích cạo mặt nữa, cái tính của tôi là vậy. Tôi sẵn sàng đánh đổi chúng để lấy nửa đồng curon, tức là một đồng xu bóng nhoáng được đúc bằng thứ bạc Côngxbec! Nhà băng đóng cửa vào lúc sáu giờ. Tôi có thể chờ anh bạn kia của tôi cạnh quán cà phê. Anh ta sẽ tới đấy vào bảy hoặc tám giờ.
Rất lâu, tôi lấy làm vui mừng với ý nghĩ ấy. Thời gian trôi, trong tán lá bụi cây dẻ cạnh tôi gió thổi xào xạc; ngày đã ngả về đêm. Nhưng liệu chìa một tập sáu chiếc vé cạo mặt cho một người trẻ tuổi làm việc ở nhà băng có bất tiện không? Biết đâu anh ta chẳng có trong túi một lúc những hai tập vé dầy, lại còn mới và sạch hơn vé của tôi? Tôi cho tay vào các túi, hi vọng tìm được cái gì đấy phụ thêm cho anh ta, nhưng chẳng tìm được thấy cái gì. Hay đưa cho anh ta chiếc cà vạt? Tôi có thể không cần đến nó, chỉ cần cài cúc cổ áo khoác thật chặt, là điều tôi vẫn làm vì do không còn áo gilê nữa. Nghĩ thế, tôi cởi cà vạt, thắt thành một chiếc nơ to có thể che hết nửa ngực tôi. Tôi cọ, phủi nó một cách cẩn thận rồi lấy một tờ giấy trắng gói lại cùng tập vé. Sau đó tôi rời nghĩa trang đi vào thành phố.
Đồng hồ ở Toà thị chính chỉ bảy giờ. Tôi đến gần quán cà phê, đi đi lại lại dọc bờ rào sắt và chăm chú nhìn tất cả những người ra vào quán. Cuối cùng, gần tám giờ, tôi thấy anh bạn người quen trẻ tuổi của tôi ăn mặc sạch sẽ và lịch sự, đang đi về phía quán. Thấy anh ta, không hiểu sao trái tim tôi bỗng đập rộn lên như con chim nhỏ. Không chào hỏi gì, tôi chạy bổ tới anh ta.
- Cho tôi vay nửa đồng curon, anh bạn, - tôi nói một cách trắng trợn. - Anh có thể cầm cái này làm tin. - Nói đoạn tôi giúi chiếc gói vào tay anh ta.
- Không! - Anh ta đáp. - Có trời làm chứng, tôi không có một xu nào cả. - Rồi anh ta lật ngược ví ngay trước mũi tôi. Đêm qua tôi tiêu quá tay, nên bây giờ đang không biết đào đâu ra tiền đây. Hãy tin rằng quả thật tôi chẳng còn xu nào.
- Không sao, không sao, anh bạn ạ, - tôi đáp, hoàn toàn tin lời anh ta nói.
Tất nhiên anh ta sẽ không phạm tội nói dối vì một điều nhỏ nhặt như thế. Thậm chí hình như tôi còn thấy đôi mắt xám của anh ta rưng rưng khi lục tìm cái túi mãi mà chẳng thấy gì. Tôi lùi lại.
- Thế thì xin lỗi, - tôi nói. - Chả là tôi đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn chút ít.
Tôi đã đi được một quãng khá xa khi anh ta gọi theo, nhắc tôi về chiếc gói nhỏ.
- Anh cứ cầm lấy! Cầm lấy! - Tôi đáp. - Anh hãy làm ơn cầm lấy mà dùng. Chỉ mấy thứ lặt vặt thôi mà, nhưng đó là tất cả những gì tôi có ở đời này.
Tôi cảm động vì chính những lời mình vừa nói ra. Giữa cảnh hoàng hôn này, chúng vang lên thật buồn. Và tôi đã oà lên khóc...
Gió thổi mạnh hơn, mây đen bay nhanh trên bầu trời, trời càng tối, càng lạnh. Tôi vừa khóc vừa đi giữa phố, mỗi lúc một thương mình hơn; thỉnh thoảng không kìm được, tôi lại kêu lên:
- Trời ơi, sao tôi khốn khổ thế này? Trời ơi!
Thêm một giờ nữa trôi qua, trôi qua một cách chậm chạp, tưởng như vĩnh viễn đứng yên một chỗ. Tôi ở Turgade khá lâu, lúc thì ngồi trên bậc cửa cạnh nhà ai đó, lúc trốn trong hẻm khi có người đi qua. Qua tủ kính được chiếu sáng, tôi lơ đãng nhìn từng đám người chen chúc nhau mua bán trong các cửa hiệu. Cuối cùng, tôi tìm được cho mình một chỗ thích hợp sau bờ rào được làm bằng những tấm gỗ ngăn cách giữa nhà thờ và khu chợ.
Tôi không dám đi vào rừng vì sợ chết dọc đường - đêm ấy tôi yếu lắm, mà đường vào rừng lại quá xa. Tôi quyết định tìm cách ngủ lại đây, không đi đâu cả. Nếu lạnh quá, tôi sẽ chạy quanh nhà thờ cho ấm, chẳng việc gì phải xấu hổ. Rồi tôi ngả người vào bờ giậu, mơ màng ngủ.
Xung quanh yên tĩnh dần, các cửa hiệu đã đóng cửa, tiếng người đi trên phố thưa thớt, cuối cùng ánh đèn trong các cửa sổ tắt...
Tôi mở mắt và thấy ai đó đang đứng trước mình. Hàng cúc lấp lánh đập vào mắt tôi, và tôi hiểu đó là một nhân viên cảnh sát. Tôi không nhìn thấy mặt ông ta.
- Chào anh! - Ông ta nói.
- Chào ông! - Tôi hoảng sợ đáp lại và lúng túng bò dậy.
Ông ta đứng yên một lúc rồi hỏi:
- Anh sống ở đâu?
Theo thói quen, không cần nghĩ ngợi, tôi nói ngay địa chỉ cũ của tôi, nơi cách đây không lâu tôi sống trong một phòng nhỏ sát mái.
Ông tiếp tục im lặng.
- Tôi đã làm điều gì không tốt chăng? - Tôi lo lắng hỏi.
- Không, hoàn toàn không, - người cảnh sát đáp. - Nhưng ông nên về nhà thì hơn. ở đây ông chết rét mất.
- Vâng, có lẽ thế thật! Hôm nay trời khá lạnh.
Tôi chúc ông một đêm tốt lành, rồi vô tình đi về ngôi nhà cũ của mình. Chú ý cẩn thận, tôi có thể leo lên gác mà không làm ai đó thức giấc. Chiếc cầu thang có tám bậc, chỉ hai bậc cuối cùng là có khả năng kêu lên khi tôi giẫm chân xuống.
Đến cửa, tôi cởi giày rồi đi vào nhà. Trong nhà im lặng. ở tầng hai, tôi nghe có tiếng đồng hồ kêu tích tắc thong thả và tiếng một đứa bé khóc tỉ ti. Ngoài ra, tôi chẳng còn nghe một tiếng động nào nữa. Tôi tìm cửa phòng mình, nâng then và theo thói quen, không cần chìa khoá, tôi bước vào phòng và nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Trong phòng không có gì thay đổi, các rèm che cửa sổ mở toang, giường để trống. Tôi nhìn thấy trên bàn một mẩu giấy, có lẽ đó là tờ giấy tôi để lại. Bà chủ nhà thậm chí không thèm để ý tới nó kể từ khi tôi bỏ đi. Tôi đưa tay sờ mẩu giấy hình vuông màu trắng và ngạc nhiên khi thấy đó là bức thư. Thư của ai? Tôi đưa lại gần cửa sổ, giương mắt nhìn trong bóng tối, và cuối cùng đọc thấy tên tôi. "À, thư bà chủ nhà cấm tôi trở về đây", - tôi nghĩ.
Rồi thong thả, rất thong thả, tôi lại ra đi, một tay xách đôi giày, tay kia cầm bức thư, chiếc chăn kẹp dưới nách. Tôi rón rén bước đi và cắn chặt răng khi đặt chân lên những bậc cầu thang rền rĩ. Tôi đi hết cầu thang một cách an toàn rồi ra đến cổng.
Tôi lại đi giày, lúng túng buộc dây hồi lâu, sau đó ngồi nghỉ một lúc, mắt nhìn bâng quơ về phía trước, tay vẫn giữ bức thư.
Sau đó tôi đứng dậy bỏ đi.
Ngoài phố có một cây đèn đốt hơi ga. Tôi lại gần, đặt bọc chăn xuống chân cột rồi thong thả, rất thong thả mở bì thư.
Trong bì thư như bỗng có ánh lửa loé ra, vô tình tôi kêu lên một tiếng yếu ớt, vô nghĩa và sung sướng. Thư của ông chủ bút! Bài báo của tôi được chấp nhận và đã đưa xuống nhà in! "Chỉ một vài chỗ chữa lại không đáng kể... vài lỗi chính tả... Viết rất thông minh... sẽ đăng vào số ngày mai... Mười curon".
Vừa khóc, vừa cười, tôi chạy như điên giữa phố, sau đó tôi dừng lại, quỳ xuống lẩm bẩm tạ ơn các thánh thần những gì tôi cũng chẳng hiểu... Trong khi đó thời gian vẫn trôi.
Suốt đêm hôm ấy, tôi lang thang khắp nơi, phát điên lên vì sung sướng, miệng luôn nhắc đi nhắc lại:
- Thông minh! Nghĩa là một kiệt tác nho nhỏ, một bài báo thiên tài. Và mười curon!
Đói Đói - Knut Hamsun Đói