Books are embalmed minds.

Bovee

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ưới nách tôi là chiếc chăn mỏng màu xanh. Nó làm tôi cảm thấy bất tiện: không thể cứ ôm khư khư cái gói này mà xuất hiện trước mọi người được. Người ta sẽ nghĩ gì về tôi? Tôi nghĩ tới việc tìm một chỗ nào đó để giấu nó trong một thời gian. Bỗng nhiên, tôi nảy ra ý nghĩ tới Sambơ, nhờ người ta lấy giấy gói chiếc chăn của tôi lại. Lúc ấy nó sẽ là một cái gói khả dĩ, tôi sẽ không phải xấu hổ vì nó. Tôi bước vào cửa hàng và trình bày ý muốn của tôi với một trong những người bán hàng.
Anh ta đưa mắt nhìn chiếc chăn, rồi nhìn tôi. Tôi có cảm giác như anh ta nhún vai khinh bỉ khi nhận chiếc chăn từ tay tôi. Điều này làm tôi tự ái.
- Cẩn thận! Cái anh này! - Tôi kêu lên. - Trong chiếc chăn này có hai lọ cổ cực kì quý giá. Tôi sắp gửi tới Sairnơ!
Sự láu lỉnh của tôi lập tức mang lại kết quả mong muốn. Bây giờ anh chàng bán hàng có bộ mặt của một người biết lỗi, như cầu xin tôi tha thứ vì đã không nghĩ ra rằng đây là một chiếc gói quý giá như vậy. Khi gói xong, tôi cảm ơn anh ta với vẻ quan trọng như thể tôi đã nhiều lần gửi tới Sairnơ những chiếc gói tương tự. Anh chàng thậm chí còn tiễn tôi một quãng và mở rộng cửa trước tôi.
Sau đó tôi đi ra chợ, hoà lẫn vào đám đông. Tôi cố đi gần những người bán hoa trồng trong những chiếc chậu nhỏ. Những bông hồng to, đỏ rực và ẩm ướt vì sương mù buổi sáng như trêu chọc tôi, khiến tôi nảy ra ý định muốn nhổ một bông. Tôi hỏi giá, lợi dụng điều đó để tiến lại gần hơn. Nếu có tiền, tôi sẽ mua một bông hồng mà không cần nghĩ ngợi gì. Để bù lại sự chi phí lãng mạn ấy, tôi có thể tước bỏ một cái gì đấy trong các nhu cầu thiết yếu cho bản thân.
Mười giờ, tôi đi đến toà soạn. Ông chủ bút chưa tới. Một người nào đó cầm kéo đang lục lọi một đống báo cũ. Anh ta bảo tôi để bản thảo lại. Tôi cho anh ta biết đây không phải là một bản thảo bình thường và tha thiết yêu cầu anh ta đưa tận tay cho ông chủ bút, tôi sẽ trở lại sau để nghe ý kiến ông ấy.
- Được, - người cầm kéo nói, và lại chúi đầu vào đống báo.
Tôi có cảm giác thái độ của anh ta đối với tác phẩm của tôi quá ư hờ hững, tuy thế, tôi giữ im lặng và cúi chào anh ta với vẻ lãnh đạm cố ý, rồi đi ra ngoài.
Bây giờ tôi sẽ có rất nhiều thời gian rỗi. Giá gì trời quang đãng hơn một chút! Thời tiết đến tệ - không gió, cũng chẳng lạnh. Các bà tính cẩn thận đã mở sẵn ô dù, còn những chiếc mũ trên đầu đàn ông có cái vẻ gì đấy vừa buồn vừa ngộ nghĩnh. Tôi lại đi ra chợ, lại ngắm hoa và cây cảnh. Bỗng có ai đấy đặt tay lên vai tôi. Tôi ngoái lại nhìn. Thì ra đó là "Cô gái đỏ". Anh ta chúc tôi một buổi sáng tốt lành.
- Một buổi sáng tốt lành? - Tôi hỏi lại, muốn càng chóng thoát khỏi anh ta càng tốt. Tôi không thích cái anh chàng có biệt danh "Cô gái đỏ" này lắm.
Anh ta tò mò nhìn chiếc bọc lớn được gói cẩn thận tôi đang giữ dưới nách và hỏi:
- Anh ôm cái gì thế?
- Tôi vừa ở cửa hiệu Sambơ, mua ít vải may áo, - tôi đáp với giọng thờ ơ. - Tôi chán mặc cái bộ quần áo cũ này lắm rồi. Không thể ăn mặc cẩu thả mãi được.
Anh ta lại ngạc nhiên nhìn tôi, rồi sau một lúc im lặng, hỏi:
- Nhưng nói chung công việc thế nào?
- Không thể tốt hơn được nữa!
- Tìm được việc làm rồi chứ?
- Việc làm? - Tôi nhắc lại, vờ ngạc nhiên. - Xin báo anh biết rằng bây giờ tôi là kế toán của hãng buôn Crixti.
- Thế cơ à! - Anh ta nói, hơi lùi lại. - Lạy Chúa! Thế thì tôi mừng cho anh lắm. Nhưng cũng cẩn thận, đừng phung phí tiền cho bất kì một kẻ ăn mày nào anh gặp. Chào anh.
Đi được một quãng, anh ta bỗng quay lại, lấy gậy chỉ vào chiếc bọc của tôi, rồi nói:
- Xin phép giới thiệu anh tới hiệu may vẫn may quần áo cho tôi. Anh sẽ chẳng tìm được hiệu nào may đẹp như hiệu Isacxen đâu!
Tại sao anh ta cứ xỏ mũi vào việc của tôi thế nhỉ? Tôi may ở hiệu nào thì liên quan gì tới anh ta? Tôi rất bực mình. Cái anh chàng vô duyên, rỗng tuếch này làm tôi khó chịu, và không cần giữ ý tứ, tôi thẳng thừng nhắc anh ta về khoản tiền mười curon mà anh ta vay tôi từ lâu chưa trả. Nhưng anh ta chưa kịp trả lời, tôi đã lấy làm hối hận vì đòi lại món nợ cũ. Tôi xấu hổ cúi nhìn xuống đất. Vừa lúc ấy có một bà đi ngang chúng tôi, tôi né sang bên nhường đường, và nhân dịp này bỏ đi thẳng. Nhưng tôi biết đi đâu, chờ ở đâu bây giờ? Đi vào quán cà phê với cái túi trống rỗng là điều không thể được, mà tới nhà người quen vào giờ này thì bất tiện. Thành ra tôi cứ lang thang không mục đích giữa các phố, từ chợ đến Grenxơn, nơi tôi dừng lại đọc hết tờ "Tin buổi chiều" vừa được treo lên bảng báo công cộng; rồi tôi đi tiếp theo phố Carlơ Juhan, sau đó rẽ về phía nhà thờ Đấng cứu thế. ở đây tôi tìm được một chỗ yên tĩnh trong nghĩa trang, cạnh một tháp chuông nhỏ.
Không khí ở đây ẩm ướt. Xung quanh rất yên tĩnh. Tôi ngồi suy nghĩ, ngủ gật và run lên vì lạnh. Liệu tôi có dám chắc bài kí tôi vừa viết dù nhỏ, nhưng là một kiệt tác không? Có trời mới biết nó có những mặt yếu nào. Nếu suy nghĩ một cách kĩ lưỡng, tôi thấy người ta rất có thể từ chối không in nó, từ chối thẳng thừng! Có lẽ nó cũng chỉ loại nhàng nhàng, nếu không nói là quá tồi. Ai có thể bảo đảm cho tôi rằng hiện giờ nó chưa bị vứt vào sọt rác?... Trạng thái tâm hồn thanh thản không còn nữa, tôi đứng bật dậy, chạy ra khỏi nghĩa trang.
Ở Akersgaten, tôi nhìn qua tủ kính một cửa hàng và thấy kim đồng hồ mới chỉ một giờ. Điều này làm tôi hết sức buồn bã, vì tôi nghĩ chắc đã muộn hơn nhiều. Đến gặp ông chủ bút trước bốn giờ là một việc làm vô ích. Tôi bắt đầu lo lắng về số phận bài kí của tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấy rằng tôi không thể viết được một cái gì hay ho trong cơn đột hứng điên rồ sáng nay, vì lúc ấy hầu như tôi chưa tỉnh ngủ hẳn, đầu óc còn quay cuồng, ý nghĩ rối loạn. Nghĩa là lúc ấy tôi đã tự huyễn hoặc mình, tự vui sướng một cách vô lí. Hẳn là thế!... Tôi bước nhanh theo phố Ullevônxvâyen, ngang qua đồi Thánh Henry, qua một vài bãi trống rồi rẽ theo những phố hẹp lạ lùng cạnh một xưởng cưa, qua mấy khu vườn, mấy chỗ xây dựng dở dang, rồi cuối cùng ra một đường phố lớn chạy dài tít tắp.
Đến đây tôi dừng chân và quyết định quay trở lại.
Đi bộ nhiều làm tôi ấm người. Trên đường quay lại, tôi đi khá chậm, mũi luôn chúi xuống đất. Tôi gặp hai chiếc xe chở cỏ đi ngược chiều. Các tay đánh xe nằm sấp trên cỏ, nghêu ngao hát. Cả hai đều chân trần, mặt bầu bĩnh và vô tư. Từ xa, tôi đoán trước thế nào họ cũng lên tiếng trêu chọc hay cười giễu tôi, và quả thật, khi đến gần, một gã hỏi to xem tôi đang ôm gì dưới nách.
- Chiếc chăn, - tôi đáp.
- Mấy giờ rồi? - Gã hỏi tiếp.
- Tôi không biết chính xác, có lẽ gần ba giờ.
Rồi cả hai phá lên cười. Bỗng nhiên tôi cảm thấy tai tôi bị roi quất mạnh, nóng rực, chiếc mũ trên đầu bay xuống đất. Hoá ra chúng không thể yên tâm đi tiếp khi chưa trêu chọc tôi điều gì đó. Tức giận một cách bất lực, tôi ôm tai xuýt xoa, nhặc chiếc mũ ở bờ mương lên rồi rảo bước đi tiếp. Đến đồi Thánh Henry, tôi hỏi giờ một người đi đường, và được đáp rằng đã hơn bốn giờ.
Hơn bốn giờ! Đã hơn bốn giờ rồi cơ à? Tôi cố đi nhanh hơn, hầu như chạy về phía toà soạn. Ông chủ bút chắc sẽ ở đấy lâu, cũng có thể đã về nhà! Thế mà tôi lúc thì nhởn nha, lúc lại phải co chân mà chạy suýt bị xe đè chết, vượt hết người này đến người nọ, nhanh như ngựa phi, như một kẻ mất trí, chỉ mong sao đến kịp. Lao vào nhà, tôi nhảy mấy bước hết cầu thang rồi gõ mạnh vào cửa.
Không ai trả lời.
"Ông ấy về rồi! Về rồi!" - tôi nghĩ. Tôi lắc cửa, cửa không khoá, tôi gõ thêm lần nữa, rồi bước vào phòng.
Ông chủ bút đang ngồi sau bàn, mặt hướng về cửa sổ, tay cầm bút - ông đang viết cái gì đó. Tôi chào, hổn hển thở. Ông quay lại, nhìn tôi và lắc đầu.
- Tôi chưa có thời gian để đọc bài kí của ông.
Tôi mừng rằng ít nhất người ta còn chưa vứt bài báo của tôi. Tôi nói:
- Vâng, tất nhiên, tôi hiểu. Mà rồi cũng chẳng cần vội. Có thể vài ngày nữa tôi lại tới...
- Vâng, vâng, tôi sẽ đọc. à mà tôi có địa chỉ của ông cơ mà!
Nhưng lúc ấy tôi quên nói rằng từ nay tôi chẳng còn địa chỉ nào nữa.
Cuộc tiếp kết thúc, tôi cúi chào, lùi lại rồi đi ra khỏi phòng. Lòng tôi lại tràn đầy hi vọng: nghĩa là chưa mất gì, ngược lại, tôi sẽ còn đạt được nhiều điều, nếu việc này trôi chảy. Và lần nữa trong đầu tôi lại xuất hiện đủ các ý nghĩ viển vông. Tôi mơ thấy bên ngai vàng của mình, thượng đế quyết định thưởng cho tôi mười curon vì bài báo kia...
Chỉ cần bây giờ tôi kiếm được một chỗ ngủ qua đêm nay. Tôi vắt óc nghĩ cách đạt được điều đó. Việc này làm tôi quan tâm đến mức đứng sững lại giữa phố. Tôi quên tôi đang ở đâu, và đứng trơ một mình như hòn đảo đá cô đơn giữa bốn bề sóng vỗ. Người bán báo chìa cho tôi một tờ "Viking". Tò mò, rất đáng tò mò! Tôi ngẩng đầu rùng mình - trước mắt tôi lại là hiệu Sambơ.
Tôi vội giấu chiếc gói rồi ngơ ngác nhanh chóng rẽ về phía nhà thờ, vừa đi vừa sợ ai đó có thể nhìn thấy từ cửa sổ. Tôi đi qua Ingebret, qua Nhà hát; đến Logen, tôi lại rẽ và đi tới bờ biển, tới cảng. ở đây, tìm được chiếc ghế trống, tôi ngồi xuống và lại chìm trong suy nghĩ.
Tôi biết tìm chỗ ngủ ở đâu bây giờ? Liệu có cái hang nào che tạm cho tôi đêm nay không? Lòng tự trọng không cho tôi quay về phòng cũ. Thậm chí cả trong ý nghĩ của tôi cũng không cho phép mình không giữ đúng lời nói. Không, không bao giờ tôi làm thế. Tôi chỉ bối rối mỉm cười khi hình dung trước mắt mình chiếc ghế xích đu màu đỏ. Tôi tưởng tượng thấy mình đang ở trong một căn phòng lớn có hai cửa sổ ở Hegđehaughen, là nơi có thời tôi đã sống. Trên bàn là một mâm đầy gồm rất nhiều những miếng bánh mì cặp thịt dày cộm, sau đó chúng biến thành những miếng bít tết rất ngon, rất hấp dẫn, còn bên cạnh là một chiếc khăn trắng tinh, một đống bánh mì và một chiếc đĩa bằng bạc. Tiếp đến cửa mở, bà chủ nhà bước vào, mời tôi uống thêm một cốc trà...
Thôi đi, chỉ mơ ước viển vông! Tôi bắt đầu tự an ủi mình rằng nếu bây giờ ăn no, đầu tôi sẽ lại rối lên và tôi buộc phải vật lộn vất vả với những ý nghĩ điên rồ, lẫn lộn. Cái tạng người của tôi là thế, ăn vào chỉ thêm khổ mà thôi. Lạ lùng thật!
Cũng có thể tôi sẽ tìm được chỗ ngủ cho mình muộn hơn một chút, trước khi đêm đến chẳng hạn! Chẳng việc gì phải vội. Bét ra, tôi cũng tìm được một góc nào đấy trong rừng. Tất cả các vùng ngoại ô thành phố đều thuộc quyền sử dụng của tôi, vả lại trời cũng chẳng lạnh lắm.
Biển đứng lặng. Những con tàu và những chiếc xà lan mũi tù nặng nề đi lại trên mặt biển bằng phẳng màu xám, làm nước toé hai bên; khói dày bay ra từ các ống khói như những cuộn bông, còn tiếng máy ù ù chối tai thì vang lên như những nhát búa đánh vào lớp không khí ẩm ướt. Bầu trời lại bị mây che kín, gió lặng, chiếc cây tôi đang tựa sau lưng sũng nước, còn chiếc ghế đá tôi ngồi thì nhớp nháp và lạnh. Thời gian cứ trôi. Tôi bắt đầu thấy buồn ngủ, người mệt mỏi, cái lạnh chạy xuyên qua sống lưng. Một chốc sau tôi thấy mắt díp lại. Và tôi thiếp đi...
Khi tôi tỉnh dậy, trời đã tối hẳn. Đầu óc đang mụ lên vì ngái ngủ và vì lạnh, tôi đứng bật dậy, vớ lấy chiếc gói đi thẳng. Tôi đi mỗi lúc một nhanh để tự sưởi ấm mình, tay vung mạnh, hai chân cọ vào nhau - chân tôi tê dại vô cảm giác. Một chốc sau tôi đến bên chòi canh cứu hoả. Kim đồng hồ chỉ chín giờ, nghĩa là tôi đã ngủ thiếp mấy giờ liền.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói