Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Knut Hamsun
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Hunger
Dịch giả: Thái Bá Tân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Liem La
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4258 / 48
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ió mang đến tai tôi tiếng nhạc và tiếng hát của những người sinh viên - nghĩa là đã ba giờ. Tôi lấy giấy và bút chì ra muốn viết một cái gì đó, bỗng từ túi tôi rơi ra một tập vé cạo râu mua trước chưa sử dụng. Tôi đếm, thấy còn sáu vé tất cả.
- Lạy Chúa! - Vô tình tôi kêu lên. - Nghĩa là tôi còn có thể đến ông thợ cạo cạo mặt tôi vài tuần nữa để giữ vẻ ngoài tử tế.
Cái gia tài nhỏ bé này lập tức làm tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi vuốt ve thật kĩ từng tấm vé rồi cho ngay vào túi.
Nhưng viết thì tôi không tài nào viết nổi. Tôi viết mấy dòng, sau đó chẳng nghĩ thêm được gì nữa. Các ý nghĩ đang ở đâu đó rất xa, không sao tập trung được. Mọi cái đều làm tôi phân tán, sao nhãng chú ý; từ bốn phía trên trang giấy, muỗi bay đến không cho tôi viết. Tôi thổi, cố đuổi chúng đi, phồng má ra thổi nhưng chẳng ích gì. Một con quay người, bám chặt vào tờ giấy, đến mức những cẳng chân mảnh khảnh co gập lại. Không làm sao thoát được chúng. Bao giờ chúng cũng tìm được cái để bám và cứ nằm lì một chỗ ở đấy cho đến khi chán, bay đi mới thôi.
Những con vật hút máu bé nhỏ ấy làm tôi phải bận tâm hồi lâu; tôi ngồi bắt chéo chân lên nhau, lặng lẽ quan sát chúng. Sau đó tôi nghe có tiếng kèn Clarinet và rồi ý nghĩ tôi bắt đầu chuyển sang hướng khác. Buồn vì không viết được báo, tôi nhét giấy vào túi rồi ngả người xuống lưng ghế. Những lúc thế này, đầu óc tôi tỉnh táo một cách lạ lùng, nhiều ý nghĩ tinh tế xuất hiện, và tôi không hề cảm thấy mệt mỏi chút nào. Tôi ngồi, ngả người về phía sau, nhìn bộ ngực và đôi chân mình. Tôi thấy mỗi lần mạch máu giật, chân tôi cũng giật theo. Tôi ngẩng đầu lên một chốc, tiếp tục nhìn và bỗng có cảm giác lạ lùng từ trước tới nay chưa thấy. Một đợt sóng kì diệu chạy qua các dây thần kinh của tôi, như thể một luồng sáng bỗng loé lên trong người tôi. Tôi nhìn đôi giày dưới chân và thấy như vừa được gặp lại một người bạn cũ, như một bộ phận nào đó của cơ thể tôi vừa nhập lại với tôi. Hai mắt tôi bỗng rưng rưng, và tôi nghe như đôi giày cũ vừa ngân lên một tiếng khe khẽ trong tim. "Đó là dấu hiệu của sức khoẻ giảm sút, - tôi nghiêm khắc tự nói với mình, rồi nắm chặt tay, tôi nhắc lại: - Dấu hiệu của sự yếu mệt!" Tôi bắt đầu tự cười giễu mình về những cảm giác ngốc nghếch kia. Tôi nói to những từ cương quyết, khoẻ mạnh. Tôi chớp chớp mắt để kìm giữ những giọt nước mắt sắp trào ra. Và như thể chưa bao giờ nhìn thấy đôi giày của mình, tôi bắt đầu quan sát chúng kĩ lưỡng, xem chúng có hình thù thế nào, mỗi lần tôi bước đi thay đổi ra sao, da đã sờn nhiều chưa, vân vân. Tôi phát hiện thấy chúng cũng có khuôn mặt riêng của mình nhờ những đường nhăn trên lớp da và hai má giày trăng trắng. Một phần cơ thể tôi đã được chuyển sang cho đôi giày này. Chúng phả lên người tôi một mùi gì đấy rất thân quen, như hơi thở của chính tôi vậy...
Tôi ngồi yên khá lâu dưới ấn tượng của những cảm giác tương tự, có lẽ không ít hơn một giờ. Sau đó, một ông già bé nhỏ đến ngồi xuống đầu kia của chiếc ghế tôi đang ngồi. Vừa ngồi xuống, ông ta vừa thở dài một cách nặng nhọc và nói:
- Vâng, vâng, thế đấy!
Vừa nghe tiếng ông ta, lập tức đầu óc tôi tỉnh hẳn. Tôi để cho đôi giày được yên, thậm chí tôi thấy như cái cảm giác mờ ảo tôi vừa trải qua đã xảy ra rất lâu trước đó, có lẽ cách đây phải một vài năm, và bây giờ nó đang từ từ biến mất khỏi trí nhớ của tôi. Tôi quay sang nhìn ông già.
Tôi thì liên quan gì tới con người bé nhỏ này? Chẳng liên quan gì cả. Tôi chỉ chú ý một tí tới việc ông ta đang cầm tờ báo, một tờ báo cũ có trang quảng cáo, hình như đang gói một vật gì đấy. Tôi bỗng tò mò không sao chịu nổi và không thể rời mắt khỏi tờ báo đó. Một ý nghĩ điên rồ chợt đến với tôi, ý nghĩ rằng đấy là một tờ báo đặc biệt, có một không hai. Sự tò mò mỗi lúc một tăng và tôi bắt đầu nhấp nhổm trên ghế. Có thể tờ báo đang gói những tài liệu, những giấy tờ nguy hiểm nào đó được đánh cắp từ kho lưu trữ ra. Rồi tôi nghĩ tới một âm mưu bí mật, quan trọng đang hình thành.
Ông già bé nhỏ ngồi yên, suy nghĩ điều gì. Tại sao ông ta không giở tờ báo ra như mọi người mà lại cuộn lại? Điều ấy nghĩa là gì? Hình như trên đời này không gì có thể bắt được ông ta chịu bỏ cái gói kia ra. Thậm chí đến cho nó vào túi cũng không dám. Tôi dám đem đầu của tôi ra mà thề rằng cái gói ấy không thuộc loại bình thường.
Tôi đưa mắt nhìn ra xa. Chỉ riêng việc tôi không có cách nào biết được điều bí mật ấy cũng đủ làm tôi vô cùng tò mò và ấm ức. Tôi cho tay vào túi định tìm cái gì đấy có thể làm món đổi chác với ông già, vào hùa với ông ta; nhưng tìm mãi tôi chỉ thấy mấy chiếc vé cạo mặt. Tôi rút chúng ra nhưng lại vội giấu chúng vào chỗ cũ. Bỗng nhiên tôi trở nên mạnh bạo, vỗ mạnh vào chiếc túi áo rỗng và nói:
- Ông có muốn hút một điếu xì gà không?
Không, cảm ơn, ông ta không hút. Buộc phải bỏ thuốc vì bệnh đau mắt, ông ta hầu như mù. Cảm ơn ông!
- Thế mắt ông đau lâu chưa? Có lẽ ông bị cấm không được đọc? Thậm chí cả báo?
- Vâng, thật tiếc là cả báo cũng vậy!
Ông già quay mặt về phía tôi. Mắt ông bị che bởi một lớp màng trắng, vì vậy mà trông như hai viên thuỷ tinh. Ông ta có cái nhìn màu trắng, khó chịu đến mức kinh tởm.
- Ông không phải người vùng này? - Ông ta hỏi.
- Vâng... Nhưng không lẽ ông không đọc được cả những dòng đầu đề to trên tờ báo mà ông
đang cầm?
- Được, nhưng vất vả lắm... Tôi hiểu ngay rằng ông không phải người ở đây. Tôi đoán qua giọng nói. Đơn giản thôi, chả là vì tôi có đôi tai rất thính. Đêm đêm, khi mọi người đi ngủ, tôi nghe được cả tiếng người thở ở phòng bên... à, tôi muốn hỏi ông điều này: ông sống ở đâu?
Lời nói dối lập tức hiện ngay trong đầu tôi. Tôi nói dối một cách vô ý thức, không nhằm âm mưu nào cả.
- Ở quảng trường Thánh Ulaf, nhà số hai.
- Thật à? Đâu chứ quảng trường Thánh Ulaf thì tôi biết rõ từng viên đá. ở đấy có đài phun nước, mấy cột đèn, một cây to - tất cả tôi nhớ hết... Ông nói nhà số mấy?
Bị giày vò bởi sự tò mò về tờ báo, tôi đứng dậy, quyết định sẽ chấm dứt câu chuyện này ở đây. Bí mật của tờ báo nhất định phải được làm sáng tỏ.
- Một khi không đọc được, tại sao ông còn...
- Hình như ông nói ông sống ở nhà số hai? - Ông già hỏi tiếp, không thấy sự hồi hộp của tôi. - Ngày xưa tôi biết hết tất cả những người sống ở đấy. Thế chủ nhà của ông là ai?
Để khỏi phải dài dòng, tôi liền nói ngay cái tên đầu tiên mà tôi chợt nghĩ ra lúc ấy.
- Happôlati.
- À, Happôlati! - Ông già nhắc lại một cách trôi chảy cái tên khó đọc ấy, rồi gật đầu.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta. Ông ta ngồi với vẻ mặt rất nghiêm túc và đang trầm tư suy nghĩ điều gì. Tôi vừa phịa ra một cái tên ngu ngốc, lập tức có người bám vào nó và tỏ vẻ trước đây đã nghe nói tới nó nhiều lần. Trong lúc ấy, ông già đặt gói báo xuống ghế. Tôi cảm thấy những đợt sóng tò mò lại dồn dập dâng lên trong tôi. Tôi nhận thấy trên tờ báo có hai vết mỡ to.
- Chủ nhà của ông có phải là thuỷ thủ không? - Ông già bé nhỏ hỏi, giọng không hề có chút giễu cợt nào. - Tôi nhớ hình như ông ta là thuỷ thủ.
- Thuỷ thủ? Xin lỗi, chắc ông nhầm với ông em ông ta, J.A.Happôlati.
Tôi định nói thế để làm ông già cụt hứng, nhưng ông ta đã tin một cách dễ dàng mọi chuyện.
- Tôi biết. Ông này là một người làm ăn khá lắm, - ông già nói.
- Vâng, thông minh và phát đạt lắm, - tôi đáp. - Ông ta còn là đại lí nhận bán đủ các thứ hàng: quả viết quất nhập từ Trung Quốc, lông chim và len từ nước Nga, ngoài ra, còn có da thú, gỗ, mực...
- Ha, ha! Quỷ tha ma bắt ông ấy đi! - Ông già vui vẻ ngắt lời tôi.
Câu chuyện trở nên buồn cười. Bị lôi cuốn, tôi nói dối hết điều này đến điều khác. Tôi lại ngồi xuống, tạm quên tờ báo và các giấy tờ bí mật, rồi tôi bắt đầu tranh luận một cách hăng hái, và luôn ngắt lời ông già. Sự cả tin của ông này làm khơi dậy trong tôi một sự đểu cáng nào đó: tôi rất muốn nhấn chìm ông ta trong lừa dối và bẻ gẫy mọi chống đỡ của ông ta, nếu có.
- Thế ông đã nghe nói đến cuốn sách Kinh chạy điện mà Happôlati sáng chế ra chưa?
- Chạy điện... ông nói gì tôi chưa hiểu lắm.
- Một cuốn sách Kinh có những dòng chữ phát điện sáng rực trong bóng tối! Đây là một công trình phải đầu tư hàng chục triệu curon, rất nhiều thợ đúc chữ, thợ in và thợ cơ khí làm việc với lương tháng rất lớn. Tôi nghe nói có bảy trăm người tất cả.
- Thì tôi đã nói rồi mà! - Ông già đáp lại khe khẽ.
Rồi ông ta im lặng, tin hết mọi lời tôi nói mà không hề do dự. Điều này làm tôi ít nhiều thất vọng, vì tôi muốn ông ta phải cáu lên khi nghe tôi nói thế.
Tôi còn phịa thêm hai chuyện cực kì phi lí nữa, và rồi, như phát điên lên, tôi ghé tận tai ông ta thì thầm rằng trong suốt chín năm liền Happôlati là bộ trưởng ở Ba Tư.
- Chắc ông không hình dung nổi làm bộ trưởng ở Ba Tư là thế nào đâu, đúng thế không nào? - Tôi hỏi. - ở đấy bộ trưởng còn quan trọng hơn vua ở nước ta, chẳng kém Sultan là mấy. Thế mà ở chức vụ cao sang ấy, Happôlati chưa bao giờ lỡ lầm gì cả.
Sau đó, tôi nói về Ilaialy, về con gái của nàng, một nàng tiên, một công chúa có ba trăm nô tì hầu hạ và nằm nghỉ trên chiếc giường gồm toàn những bông hồng vàng. Nàng là người phụ nữ xinh đẹp nhất mà xưa nay tôi chưa hề gặp. Tôi nói sai thì Chúa cứ giết tôi đi - đúng là không ai có thể sánh cùng nàng.
- Không lẽ nàng đẹp đến mức ấy? - Ông già cúi đầu lơ đãng hỏi.
- Đẹp? Nàng tuyệt vời, dịu dàng và đầy quyến rũ! Đôi mắt nàng mịn như nhung, tay trắng ngà! Cái nhìn của nàng cũng mê hoặc như cái hôn, và khi nàng lên tiếng gọi tôi, giọng nàng làm trái tim tôi ngây ngất như cốc rượu. Mà sao nàng lại không xinh đẹp? Thế ông nghĩ nàng cũng giống một cô ả bàn giấy hay một mụ lao công ở sở phòng cháy chữa cháy chắc? Tôi nói ông biết, nàng là một thiên thần, một công chúa như trong các chuyện cổ tích.
- Vâng, hẳn thế, - ông già đáp, hầu như hờ hững.
Sự bình tĩnh của ông ta làm tôi nản chí. Tôi đang say sưa với chính giọng của mình và tranh cãi một cách hoàn toàn nghiêm túc. Tôi chẳng còn nghĩ gì nữa về những giấy tờ bị đánh cắp, về âm mưu bí mật của một quốc gia thù địch nào đó. Cái gói nhỏ bọc báo đang nằm trên ghế giữa tôi và ông già, nhưng bây giờ tôi không hề muốn nhìn nó để biết cái gì được giấu bên trong. Tôi đang bị kích thích bởi những câu chuyện nhảm nhí do tôi phịa ra, các câu từ tuyệt vời dồn dập xuất hiện trong đầu tôi, máu đập mạnh trong huyết quản, và tôi tiếp tục nói dối một cách hào hứng.
Nhưng ông già có vẻ như muốn bỏ đi. Ông ta nhấp nhỏm đứng dậy, và để khỏi kết thúc câu chuyện quá đột ngột, ông hỏi:
- Chắc ông Happôlati kia giàu lắm nhỉ?
- Tôi không biết, - tôi đáp một cách cáu kỉnh. - Tôi chẳng biết quái gì cả. Nếu theo các chữ cái mà đoán thì tên ông ta là Juban Arnot Happôlati.
- Juban Arnot Happôlati, - ông già nhắc lại, chẳng chút bối rối vì thái độ khó chịu của tôi.
Rồi ông im.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói