Good friends, good books and a sleepy conscience: this is the ideal life.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1975 / 13
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ửa thành rộng mở.
Ba hồi trống nổ ầm ầm.
Từ vọng lâu tung xuống, tiếng loa báo cuộc mộ quân bắt đầu.
Bọn trai tráng từ các xóm hẻo lánh quanh vùng châu Đại Man đã kéo tới đông như họp chợ.
Họ mặc tuyền một thứ áo chàm xanh, lưng thắt dao ngắn, vai mang khăn gói đựng hành lý. Người nào cũng lực lưỡng cao lớn dữ tợn. Họ là những thiếu niên có chí phiêu lưu mạo hiểm, thích những việc chinh phục dữ dội. Cuộc đời bằng phẳng trong ngàn xanh đối với thứ máu sôi nổi trong huyết quản của họ, thành ra suông nhạt, buồn tẻ. Họ ngày đêm chỉ mơ màng những cảnh xa lạ, những việc phi thường. Bởi thế nên tờ cáo thị mộ quân vừa bay ra, họ lập tức quẳng cày cuốc dao rìu, từ giã cha mẹ vợ con, khăn gói kéo nhau ra đi.
Sung sướng như bọn học trò đến ngày ra ứng thí, họ cùng nhau nói cười vui vẻ, đùa nghịch như trẻ con hoặc bày ra những cuộc đấu sức để so tài cao thấp. Họ chỉ có một mối lo bị từ chối vì không đủ điều kiện.
Trước cổng thành, người đến mỗi lúc một đông...
Những tiếng cười nói ồn ào gồm đủ các thổ ngữ: Mèo, Nùng, Mán, Thổ. Những nón sơn dầu lao xao lay động xa nom như những tàu lá sen trên mặt hồ nổi sóng...
Trong khi mọi người đương chờ đợi vào thành thì một bọn năm dũng sĩ ở đâu vừa tới làm cho ai nấy phải để ý.
Bọn này mặc quần áo thâm chẽn, khác hẳn với đám đông, ống quần tây rộng song bó chặt trong những đôi kha-cặt thêu màu đỏ thẫm. Họ đeo trên vai những gói nhỏ chứ không cồng kềnh như các gói hành lý khác. Trên đầu, mỗi dũng sĩ chỉ bịt một vuông khăn chéo chứ không nón mũ gì hết. Họ không đeo dao ngắn mà đeo những thanh mã tấu sáng quắc.
Cả bọn có năm người thì bốn người đều ra dáng kính nể một người lớn tuổi hơn, có lẽ đứng đầu cả bọn dị kỳ nọ.
Dị kỳ thực, trang dũng sĩ tuy đã có tuổi mà còn lẫm liệt như Hoàng Trung.
Ông ta cao lớn hơn bốn người kia hẳn cả một cái đầu. Dưới nếp khăn chéo, khuôn mặt chữ điền bạnh ra một cái quai hàm thước thợ lúc nào cũng nhăn rúm lại như mặt đười ươi vì má bên trái có một cái sẹo sâu hoắm. Hai mắt vừa to vừa đáng sợ. Chòm râu quai nón điểm bạc che khuất cả mồm.
Ông ta cũng mặc quần áo thâm như bốn người kia, nhưng cái ngực vuông bánh chưng nổi rõ hẳn dưới lần vải áo và chân tay to như chân tay hộ pháp.
Mỗi lần, ông già giơ tay gãi gãi chòm râu thì mọi người lại có vẻ sợ sệt, tưởng giá cái bàn tay ấy vớ được thì cái xương đầu của mình có lẽ không rắn hơn cái vỏ trứng.
Năm thầy trò đứng riêng ra một chỗ, không cười nói, hay có nói gì với nhau cũng chỉ khe khẽ đủ nghe mà thôi.
Ông già rút chiếc điếu con ngậm lên miệng quẹt đá lửa châm hút đoạn vừa nhả khói mù mịt, vừa quay lại bảo bốn tên thủ hạ:
- Các ngươi nhớ rồi chứ?
- Bẩm đã.
- Hễ ta lọt vào cổng thành thì các ngươi lập tức tản đi và nổi lửa khắp mọi nơi, nghe không?
- Bẩm vâng.
- Ta chỉ cầu lấy một vài đám cháy. Việc làm xong, các ngươi phải lập tức tháo chạy không có họ đóng cổng thành sục bất thần thì nguy.
- Vâng ạ.
- Ra thoát, các ngươi nên lẩn vào chờ ta ở đền Âm Hồn.
- Bẩm lão trượng, chúng con nên ùa vào giúp lão trượng thì hơn!
Ông già cau mày:
- Không khiến!
- Nhưng...
Ông già gắt:
- Không nhưng nhiếc gì cả! Ta bảo sao, các ngươi cứ biết vâng theo làm vậy!
- Chúng con sợ...
- Sợ gì? Sợ chúng nó bắt được ta ấy à?
Ông già vươn ngực đứng dạng hai chân nom vững như một gốc lim cổ thụ đoạn cất tiếng khanh khách...
Tiếng cười làm cho mấy anh trai trẻ đứng quanh đấy ngạc nhiên khẽ liếc ông già quái gở.
Họ xì xào bảo nhau:
- Lão già lạ quá!
- Ừ, trông bộ dạng như một viên tướng cướp.
- Tôi trông lão giống như con gấu ngựa thì có.
- Không, lão giống con đười ươi chứ lại.
Ông già thoảng nghe câu nói hỗn xược liền quắc mắt nhìn bọn trai trẻ làm cho cậu nào cậu nấy hết hồn vội tìm đường lảng tránh.
Từ trên vọng lâu, tiếng loa lại thét vang như sấm:
- Anh hùng tứ xứ vào trình diện biên tên thì vừa. Quan Đại Tiết chế đã ra chứng giám việc mộ dũng sĩ.
Ông già rùng mình khẽ đưa mắt nhìn bốn viên thủ hạ.
Đám đông bắt đầu chuyển động, rầm rập kéo vào cổng thành như một dòng suối lũ...
Mặc mọi người xôn xao, bọn năm dũng sĩ vẫn điềm nhiên không nhúc nhích.
Đám đông cứ ngắn dần, ngắn dần mãi lại.
Những tiếng ồn ồn vẳng qua bờ thành đất ra ngoài nghe như một tổ ong bò vẽ khổng lồ...
Mặt trời đã lên cao.
Ánh vàng dội lênh láng xuống sự vật...
Ông già vẫn lặng yên, vẻ mơ màng như một thi sĩ.
Bọn thủ hạ đứng sau lưng cũng trông nhau im lặng. Nhưng, mỗi phút giây qua đi, họ lại thấy tâm hồn thêm rạo rực, chân tay thêm ngứa ngáy...
Bỗng ông già cất tiếng nói:
- Giờ cử sự đã đến rồi!
Bọn dũng sĩ hồi hộp...
- Các ngươi nhớ nhé?
- Dạ.
- Bốn đám cháy... đền Âm Hồn!
- Dạ.
Ông già nói đoạn rảo bước tiến lên...
Chớp mắt, hình dáng vạm vỡ đã biến mất trong thác người dào dạt.
Bọn dũng sĩ nghển cổ trông.
Thác người vẫn ồ ồ đổ dồn vào cổng thành mở ngoác ra như một cái hang đá.
Một anh lẩm bẩm:
- Các bác có thấy gì không?
- Chưa thấy tăm hơi đâu cả!
- Sốt ruột quá!
Bỗng, một người thò tay ra phía trước.
- Kia rồi! Bố già đã tới cổng, sắp vào!
- Ta đi thì vừa!
- Phải đấy!
Bốn dũng sĩ lập tức chia tay, mỗi người một ngả!
Trong thành, trước sảnh đường quan Tiết chế vẫn đương diễn ra một cảnh tượng bừng bừng náo nhiệt...
Ngay ở thềm hè xuống, một cái án thư kê dưới bóng chiếc tàn vóc đỏ. Trên bàn để ngang một thanh gươm tuốt trần sáng quắc và một cái giá gỗ con cắm năm lá cờ lệnh đuôi nheo to bằng năm cái quạt. Mỗi lá cờ nhuộm một sắc biểu hiện ngũ hành: đỏ, xanh, vàng, trắng, đen.
Ma Vạn Thắng ngồi sau án thư, mình mặc áo vóc tía thêu rồng, đầu đội mũ võ nom uy nghi như một ông thần sống.
Hai bên tả hữu các võ tướng nai nịt gọn ghẽ đứng hầu. Lại một toán thân binh đứng thị lập, gươm tuốt sáng ngời, chăm chăm đợi lệnh của chủ tướng.
Về phía trước án thư, xế về bên tay trái, người ta còn thấy một chiếc đẳng son nữa, trên để một quyển sổ dây và bút mực.
Ma Toàn Tài ngồi sau đẳng ghi tên những quân mới mộ vào sổ điểm danh.
Toàn Tài mặc áo chẽn bằng vóc tím, một tay cầm ngọn bút lông thỏ, mặt ngẩng nhìn những tên quân mới. Tuy hết sức giấu kín nhưng sự ngờ vực phòng xa vẫn long lanh trong hai mắt sắc như dao.
Giữa sân, để một chục cung lớn, sức nặng hàng tạ và hai tảng đá mỗi tảng năm trăm cân.
Bọn lính mộ cứ lần lượt vào sân xách tạ đi luôn mười bước đoạn phải cầm cung giương lên ba lượt.
Ai trúng cách sẽ được ghi tên vào sổ và được đứng sang bên hữu để chờ phân phát đi các trại.
Số quân định lấy là một vạn người. Cuộc lựa chọn từ sáng sớm đến bấy giờ mới được ngót trăm nghìn.
Nhưng, số người ứng tuyển hãy còn đông, đông lắm!
Ma Vạn Thắng vuốt râu, vẻ mặt tươi cười. Thấy lòng dân qui thuận và sẵn sàng ra giúp sức, Vạn Thắng vui vẻ không biết chừng nào. Hai lần thoát hiểm, lại thêm có Toàn Tài phù bật. Ma Vạn Thắng bắt đầu nhìn tương lai bằng cặp mắt lạc quan.
Hắn cho là ý trời muốn giúp hắn thực hiện được cái mộng tưởng mà hắn chắt chiu từ hai chục năm trường.
Vẻ mặt mơ màng, lơ đãng, Vạn Thắng tưởng tượng ra những cảnh tàn vàng, tán tía, những cảnh núi mác rừng gươm nó sẽ đem lại cho mình những ngày đầy vinh quang, những ngày đắc thắng lẫy lừng...
Ừ, Toàn Tài nói rất phải: cái giang sơn từ Tuyên Cao Thái Lạng trở lên biên giới nước Tàu khỏi sao sẽ về mình thống trị. Vạn Thắng gật gù khen ngợi Toàn Tài là mưu mẹo, đã tính với... và triều đình nhà Nguyễn được mấy nước cờ cao.
Hắn khoan khoái nhắc lại câu nói hôm nào: "Làm trai tài ở đời nên có lúc đắc trì như Tào Mạnh Đức cầm ngang mũi giáo đứng ở mũi chiếc thuyền mà ngâm thơ ghẹo vầng trăng tỏ!".
Ý nghĩ ấy làm cho Vạn Thắng lại nhớ đến Tuyết Hận, đến Bàn Văn Tam, đến Yến Xuân và chủ cũ của mình là Sơn vương Bàn Văn Nhị.
Lông mày hắn bỗng cau lại. Một tiếng lẩm bẩm lọt qua cặp môi dày:
- Bàn Văn Tam, phen này thì mày sẽ mất mạng về tay Mùn Sẩu cũng như anh mày mất mạng về tay ta khi trước. Mày phải biết rằng kẻ nào dám khoe giỏi trước mặt Ma Vạn Thắng thì kẻ ấy là một thằng vô phúc!
Từ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, Ma Vạn Thắng lại nghĩ đến Yến Xuân.
Cái chết của nàng đã tới tai Vạn Thắng. Hắn chép miệng và thương Yến Xuân là dại dột. "Ừ, giết chồng để rồi tự sát thì giết làm cái gì?... Ở đời này, kẻ nào muốn thắng thì tất nhiên kẻ ấy phải tàn nhẫn. Đài vinh quang cao lắm! Trừ phi lấy xương người làm thang, nếu không chẳng thể tới được! Yến Xuân khờ dại nên mới chết vào giữa khi ta sắp đạt được ý muốn chung. Nghĩ cũng tội nghiệp. Nhưng thôi, thế cũng rảnh! Yến Xuân hay ngầy ngà ta lắm lại luôn luôn gây chuyện với nàng Nhạn, khiến cho gia đình ta cứ lục đục hoài. Nàng chết đi, ta cũng bớt được một mối bận rộn!
Ma Vạn Thắng bỗng cảm thấy trong lòng băn khoăn lo sợ.
Hắn ngẩng đầu; mắt liếc quanh bốn phía.
Không, không có gì khác cả.
Bọn quân mộ vẫn lần lượt vào ứng tuyển.
Ma Toàn Tài vẫn trông những tấm ngực nở, những bắp tay sắt kia bằng một vẻ thỏa lòng.
Thế thì cớ sao Vạn Thắng tự nhiên hồi hộp như vậy?...
Ngạc nhiên, Vạn Thắng cố suy nghĩ như để tìm nguyên nhân của sự xúc động khác thường.
Nhưng, càng nghĩ hắn càng không hiểu mà càng thấy tâm linh rạo rực.
Vạn Thắng có linh cảm lờ mờ về một sự gì quan trọng sắp xảy ra...
Hắn chợt nhớ đến Mùn Sẩu.
"Quái! Hay là thằng lỗ mãng ấy làm hỏng việc của ta rồi! Điều này có thể lắm! Bàn Văn Tam vốn là kẻ hiểm sâu quỷ quyệt, Mùn Sẩu vị tất đã không bị hắn tóm cổ rồi! Nếu vậy thật rầy rà quá! Vì, một ngày mà Bàn Văn Tam còn sống thì một ngày ta còn ăn không ngon, ngủ không yên!".
Vạn Thắng thở dài, cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
Sau cùng, hắn phải cố viện lẽ để tự an lòng:
"Không! Không thể như thế được! Nếu Bàn Văn Tam ranh mãnh thì Mùn Sẩu cũng tai quái chẳng kém gì. Ta biết hắn lắm. Từ khi hắn theo ta, hắn đã tỏ ra là một người khôn ngoan lọt vành. Về sức khỏe và tài chiến đấu của hắn cũng không dễ đã ai ăn đứt. Khỏe như Phàn Khoái, Mùn Sẩu của ta có thể một cánh tay đánh ngã hai mươi dũng sĩ. Thêm một tấm lòng trung thành cực điểm. Hắn đối với ta thực chẳng khác gì con chó khôn đối với chủ vậy. Từ trước đến nay, trải bao nhiêu năm trời, ta sai hắn việc gì hắn cũng làm trọn vẹn cả, không để lỡ một việc nào hết. Vậy thì cớ sao lần này hắn lại làm hỏng một việc trọng đại như thế được?".
Tiếng kêu xa xa bỗng ngắt đứt ý nghĩ của Vạn Thắng.
Hắn ngẩng đầu, chột dạ.
Tiếng kêu trước còn văng vẳng, sau rõ mồn một.
Vạn Thắng đứng phắt dậy quát hỏi:
- Cái gì thế, quân bay?
Tả hữu nhìn nhau, biến sắc.
Bỗng, một tên quân trỏ tay về phía Bắc và nói to lên:
- Cháy! Cháy! Ngọn lửa bốc kia kìa!
Vạn Thắng tự dối sự lo sợ:
- Chắc quân sĩ chúng nó lại bất cẩn đấy chứ gì!
Đoạn quay lại, Vạn Thắng truyền:
- Các tướng ra xem hộ ta và ra lệnh cho quân cứu hỏa dẹp mau ngọn lửa.
Vạn Thắng chưa dứt lời thì đằng phía tây, rồi phía nam, rồi phía bắc, cả bốn phía đều có người reo, lửa cháy.
Đồng thời, từ đám đông những người ứng mộ, một ông già áo đen, quần đen nhảy ra giữa sân, nhặt lấy một chiếc cung tạ và nhanh như cắt rút ở trong mình ra một mũi tên đầu có tẩm thuốc độc đen sì. Ông già đặt tên, giương hết sức cung phóng vào giữa bụng Vạn Thắng.
Ngay từ lúc ông lão dị dạng nhảy ra, cả Vạn Thắng và Toàn Tài cùng thất thanh kêu rú lên.
Toàn Tài hét:
- Bắt lấy gian tặc Bàn Tựu Nghĩa!
Vạn Thắng thì há mồm, nhăn mặt, hai tay nắm chặt lấy mũi tên cắm suốt từ bụng ra sau lưng.
- Chết ta rồi!
Việc xảy ra chỉ chớp mắt.
Tựu Nghĩa bắn xong liền nhảy lại tới trước án thư; tay cầm chiếc cung hoa lên gạt ngã hết bọn võ tướng; một tay rút gươm chặt lấy đầu Vạn Thắng, xóc mũi gươm vào chỗ đứt và giơ lên:
- Các người mở mắt ra mà trông Bàn Tựu Nghĩa báo thù cho chủ!
Tiếng hét vang như sấm.
Tướng sĩ ngây ra trước sự phi thường diễn ra không đầy ba phút...
Tựu Nghĩa lợi dụng sự hoảng kinh của mọi người liền chạy dạt ra một chỗ quang đãng và sắm nắm nhảy lên mặt thành.
Toàn Tài gầm hét như con hổ:
- Đóng hết cửa thành lại và bắt cho kỳ được gian tặc!
Trống ngũ liên tức khắc nổi thì thùng, át những tiếng gào thét kêu gọi vang trời chuyển đất.
Sự náo loạn không bút nào tả được!
Lại thêm ngọn lửa bốn bề, gặp gió lớn, càng bốc to.
Nhà cửa, kho tàng hết thảy cùng bắt lửa. Khói đen bốc mù mịt dồn lên trông như cả một khúc sông nước lũ, có lúc vặn vẹo như con rồng, có lúc tạt ngang, tỏa mù mịt khắp thành như sương xuống. Lửa bắt lem lém, mỗi lúc một lan rộng và sau cùng thì toàn thành đã biến ra một cái lò vĩ đại.
Tiếng tre bương nổ lốp bốp, tiếng vật rống, người kêu, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng quân sĩ reo, tiếng hiệu lệnh, tiếng kèn, tiếng loa càng ngày càng trội lên chẳng khác một bể nổi phong ba.
Gà, lợn, chó, trâu, ngựa phá chạy ngổn ngang, giày xéo cả trẻ con, đàn bà. Dân gian vỡ nát như cái tổ ong bị hun nóng trong khi bọn quân sĩ vâng lệnh truy nã gian tế phi ngựa như bay khắp các ngả.
Vì bất ngờ, và việc biến xảy ra một cách đột ngột quá, táo bạo quá, nên ai nấy cùng hoang mang, thảng thốt không còn thần trí gì nữa, không còn chủ định nào nữa!
Không kể chi bách tính lúc ấy tâm hồn mê loạn bởi cái cảnh cháy thành vạ lây, tan vỡ luống cuống.
Ngay như bọn tướng sĩ nhà họ Ma cũng hồn bất phụ thể.
Trước tai nạn lớn lao ngoài sức tưởng tượng, họ run lên bần bật, lưỡi líu lại, chân tay mềm ra. Họ kêu hét rất to nhưng rút cục chẳng được việc gì hết...
Tựu Nghĩa vẳng nghe tiếng hiệu lệnh của Toàn Tài tiếp đến tiếng trống cáo cấp nổi lên biết rằng không thể chậm trễ được.
Không chờ quân sĩ kịp ùa ra được, lão vơ lấy một lá cờ bọc thủ cấp của Ma Vạn Thắng vào đó rồi chạy về phía nhà dân.
Toàn Tài hét rát cổ:
- Đuổi bắt mau!
Tựu Nghĩa hoa đao gạt mọi người ra mà chạy. Lão tinh ý lẩn bừa vào đám bách tính bị khói lửa dồn ra đầy đường.
Sau lưng, át hẳn tiếng lửa cháy và tiếng dân kêu, loa đồng hét vang:
- Chớ để cho lão già mặc áo chẽn đen chạy thoát. Phải bắt lấy nó!
Tựu Nghĩa biết cơ nguy liền nghĩ ngay đến chuyện Tào Tháo cắt râu, quẳng áo bào.
Lão mỉm cười, mặc dầu tình thế chẳng có gì đáng cười hết.
Sẵn tay cầm gươm sắc, Tựu Nghĩa cạo phăng chòm râu đoạn vơ mấy cái quần áo của dân gian quẳng bừa bãi ở đường vừa chạy vừa mặc.
Thay hình đổi dạng được rồi. Nhưng còn lá cờ đỏ bọc thủ cấp của Ma Vạn Thắng? Tựu Nghĩa nhặt ngay một cái sọt lót lá còn đầy lửng gạo nếp của ai từ đám cháy vừa quăng ra, đổ sạch gạo cho thủ cấp vào đấy.
Tiếng truy nã mỗi lúc gần mãi lại.
Theo tiếng loa truyền, mọi người tò mò nhìn quanh...
Tựu Nghĩa sợ có ai để ý đến mình chăng, nên vờ khóc lóc:
- Ối trời ơi! Nhà cửa tôi cháy sạch sành sanh rồi! Vợ tôi thất lạc đâu rồi!
Nhiều người trông thấy tình cảnh lão như thế lấy làm ái ngại. Cũng có kẻ bật cười chế giễu:
- Gớm! Cái ông già lẩn thẩn, chỉ khóc tìm bà lão mãi! Ai người ta đã bắt cóc đi mất!
Tựu Nghĩa mừng chúng mắc mưu càng kêu khóc dữ.
Nhưng, tiếng ngựa đuổi đến sau lưng, làm cho Tựu Nghĩa hoảng sợ.
- Các ngươi dẹp ra!
- Có ai thấy lão già áo đen, râu quai nón, một tay cầm gươm, một tay cầm thủ cấp không?
- Nó chạy về phía này mà!
Tựu Nghĩa biết cơ nguy đến nơi, lòng bồn chồn sợ hãi. Lão vội quẳng thanh gươm vào đống lửa gần đấy còn cái sọt thì lão giúi vào trong một đống đồ vứt bừa bãi. Lão loăng quăng, hai tay ôm lấy mặt, vừa chuệnh choạng, vừa kêu gào thảm thiết:
- Ôi Trời ơi! Vợ chồng tôi ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức, cớ sao Trời bắt tôi phải tai nạn khổ sở thế này?
Như một cơn lốc, đoàn ngựa chiến rầm rập phóng qua. Con ngựa của Toàn Tài bị ngọn lửa tạt ngang đường hoảng sợ nhảy chồm lên, chân sau hất ngay phải Tựu Nghĩa. Ông già ngã kềnh ra đất...
Toàn Tài gò cương ngoảnh cổ nhìn xuống.
Tựu Nghĩa líu lưỡi kêu rầm lên.
Toàn Tài gắt:
- Đồ mù! Loáng quáng giữa đường lo có lúc lại không mất xác à!
Tựu Nghĩa vờ sợ hãi hay sợ thật cũng vậy vội quỳ xuống để giấu mặt. Nhưng Toàn Tài đã không để ý tới ông già lẩm cẩm ấy nữa, thúc ngựa kéo quân đi.
Tựu Nghĩa chờ cho quân bên địch xa rồi mới lồm cồm bò dậy, bới đám đồ vặt lấy cái sọt đoạn lảng vào chỗ vắng.
Qua mấy khúc đường quanh co, ông già men lại gần bờ thành, đứng lại thở mạnh mấy cái và nhìn trước nhìn sau không thấy ai liền tay xách sọt nhảy vọt lên bờ thành bám lấy một cành cây to mọc ở phía ngoài mà tụt xuống đất.
- Thoát nạn!
Tựu Nghĩa lần vào bụi rậm lắng nghe.
Tiếng truy nã bên trong vẫn khẩn cấp.
Lão đoán trước thế nào quân địch cũng ra thành sục đuổi nên không dám chậm trễ, vội men theo đường cái chạy về phía đền Âm Hồn.
Bốn tên đồ đệ đã chờ ở đấy.
Thoạt nhìn Tựu Nghĩa, chúng không nhận được. Ông già phải cất tiếng hỏi:
- Bốn người bình yên cả chứ?
- Ồ! Lão tướng...
- Vâng, anh em chúng con vô sự cả!
- Khá lắm! Ta rất bằng lòng công việc của các ngươi.
- Mãi không thấy lão tướng quân về, anh em chúng tôi lo quá!
Tựu Nghĩa cười:
- Cũng suýt nguy thực.
- Nhưng việc chính hẳn đã thành?
Tựu Nghĩa vỗ vào cái sọt.
- Đây rồi!
Quân sĩ reo mừng.
- A! Hay quá! Nhị Vương hẳn bằng lòng!
- Đích thế! Nhưng ta phải tháo mau không có giặc ra thành lùng bắt e ta chạy không kịp chăng.
- Để chúng con đi lấy ngựa.
- Mau lên!
Một lát sau, năm thầy trò đã cúi rạp trên yên, thúc ngựa phóng như bay trên đường thiên lý.
Tựu Nghĩa ngoảnh đầu trông lại tòa thành cháy...
Khói lửa vẫn ngút trời.
Tiếng ồn ào vẫn không ngớt.
Ông già chép miệng:
- Chỉ khổ bọn lương dân! Cháy thành vạ lây là thế!
Đằng này, Ma Toàn Tài vẫn cho sục sạo khắp các nơi để tìm hung thủ. Nhưng, tuyệt nhiên không thấy tăm hơi đâu cả.
Một mặt, quân lính ra sức cứu chữa đám cháy đã dẹp dần rồi sau cùng chỉ còn là một đống tro than bốc khói mù mịt.
Toàn Tài dẫn quân về phủ Tiết chế định xem các cánh khác có bắt được gì chăng. Hắn hạ lệnh nổi trống tụ tướng.
Các nơi răm rắp kéo lại.
Vẫn không ai thấy hung thủ chỗ nào!
Đang lúc mọi người chán ngán thì một ông già ở đâu chạy xộc tới và kêu rầm lên:
- Ma Vạn Thắng chết rồi! Tiếc quá!
Toàn Tài quát võ sĩ:
- Tên nào hỗn xược? Bắt lấy nó!
Chớp mắt, ông già bị trói gò dẫn lại.
Toàn Tài hỏi:
- Mày là ai?
- Tao là tao!
- Có phải mày cùng đồng đảng...
- Tao chẳng có đồng đảng nào hết, chỉ có một mình.
- Có phải mày cùng đồng đảng mưu việc ám sát quan Tiết chế?
- Tao không mưu mô với đứa nào cả, nhưng chính tao cũng chực vào đâm chết thằng Vạn Thắng.
- Võ sĩ, vả vào miệng nó cho ta.
Hai bàn vả gỗ đập mạnh lên hai má ông già, làm cho ông gãy răng hộc máu.
Ông già im lặng rồi lại nói:
- Tao định giết Vạn Thắng để báo thù, tiếc thay lại có người làm tranh mất!
- Mày có thù gì với quan Tiết chế?
- Tao có cái thù giết anh.
- Tên mày là gì?
- Tao là Nùng Phay, em Ké So.
- A!
Ông già cất tiếng cười:
- Hà! Hà! Vạn Thắng hại anh tao thì trời lại giết nó, đạo Trời thật là công bình!
- Võ sĩ đâu, chặt đầu quân phản chủ này đi cho ta.
Toàn Tài trút cả sự oán cừu lên đầu ông già khốn nạn. Cần phải như thế để vớt vát lại chút thanh danh chứ chẳng lẽ không có một sự trừng phạt nào sau cái án mạng kinh thiên động địa!
Thoáng cái, đao phủ đem vào một cái đầu đỏ hỏn.
Nghĩ đến cái xác không đầu của anh, Toàn Tài càng tức giận.
- Đem bêu trên mặt thành, còn xác thì quẳng ra ngoài nội cho ta!
Thây Vạn Thắng đã được mang vào hậu đường.
Toàn Tài nghĩ nếu khâm liệm như thế thì bất tiện, nên sai thợ làm một cái thủ cấp bằng trầm hương gắn vào cho Vạn Thắng rồi mới cử hành lễ nhập quan.
Toàn thành tướng sĩ đều phải để chở.
Tang lễ cực kỳ long trọng.
Toàn Tài thương anh bao nhiêu thì lại giận Bàn Văn Tam bấy nhiêu. Nhưng, nghĩ đến công việc của Mùn Sẩu, hắn lại hơi nguôi nguôi.
Và, tuy không nói ra hắn cũng thầm lấy làm ghê sợ cho lẽ báo phục của Thiên Địa. Vạn Thắng khi xưa chẳng đã chặt lấy thủ cấp của Bàn Văn Nhị đó ư? Vì thế nên bây giờ Vạn Thắng lại phải người khác chặt đầu đem đi mất.
Nàng Nhạn cũng cùng một ý nghĩ như Toàn Tài.
Thấy cha bị giết một cách thảm khốc, nàng đau lòng như cắt. Song nàng nghĩ lại cũng phải ghê cho đạo trời lồng lộng.
Nàng đã hỏi Mùn Sẩu và hiểu rõ đầu đuôi cái bí mật nó chia rẽ hai họ Bàn, Ma. Vết máu ấy, muốn rửa đi cho sạch, tất nhiên phải dùng đến máu.
Nàng lo sợ không biết chừng nào và đau đớn nghĩ đến cái ngày chính tay Tuyết Hận, người yêu của nàng, sẽ đâm chết phụ thân nàng. Nỗi đau đớn ấy, may sao run rủi lại tránh cho thiếu nữ.
Nàng đối với Tuyết Hận không đến nỗi phải đem tình đổi làm thù nữa!
Tuy vậy, mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nay cuộc đời nàng sẽ đơn độc và tương lai hiện ra trước mắt nàng chỉ còn là một cảnh đầy bóng tối, mịt mù...
Đỉnh Non Thần Đỉnh Non Thần - Lan Khai Đỉnh Non Thần