I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1975 / 13
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
nh lửa đỏ rực chờn vờn chiếu lên gương mặt hai người ngồi đối diện nhau, trong một gian nhà trống rỗng, im lặng...
Người trẻ tuổi tức là Bàn Tuyết Hận, mà ta đã gặp ngay từ khi mới bắt đầu xảy ra chuyện này. Chàng nghiêm nghị lắng nghe, mắt mở to nhìn không chớp lên mặt ông già trạc tuổi độ bảy mươi, nếu ta lấy dung mạo mà đoán.
Ông già tướng ngũ đoản, mình vuông như cái bánh chưng, bắp chân bắp tay rất lớn, vai nở, mặt tròn, da đỏ như da sành điểm loáng thoáng rỗ huê; cằm én, môi dày, răng trắng, mũi sư tử đè nặng xuống bộ ria đỏ quạch.
Ông già thực ấy là hình dung của một sức mạnh vô địch, nhưng cái sức mạnh ấy hiện giờ đã bị năm tháng và những đau đớn ngấm ngầm làm cho héo hắt mòn mỏi đi nhiều.
Thực thế, cái trán ngắn, phẳng lì dưới mớ tóc rễ tre đã bắt đầu nhăn lại như mặt bể gợn sóng khi trời gió to, hai má hóp; quai hàm dô hẳn ra. Hai mắt lòng thau đã bắt đầu mất hẳn cái tia sáng của lưỡi gươm sắc. Ông ngồi nom vẫn chắc chắn như một tảng đá nhưng vẻ nhọc mệt đã hiện rõ trong cử động. Một tay ông để trên đầu gối cầm chiếc điếu cau khoét bằng đá, cán dài, hút bầm bập từng hơi ngắn. Ông thủng thẳng nói bằng một giọng đều đều nghe phảng phất cái tiếng vọng lại của một dĩ vãng đã xa rồi.
Đêm bấy giờ đã khuya... Rừng cây bốn bề đương sống mãnh liệt trong bóng tối... Không khí ngấm ngầm những tiếng động bí mật. Thời khắc như thuộc về một cõi âm nào...
Ông già nhìn ngọn lửa cháy, vẻ mặt đầy tư lự. Ông giật luôn mấy khói thuốc lá đoạn nhắc lại câu vừa hỏi:
- Thế nào, cháu đã hẹn đem quân sang giúp Ma Vạn Thắng?
- Thưa chú vâng ạ. Cứ lý ra thì trước hết cháu phải trình qua chú biết đã, nhưng lúc ấy cháu tức giận bọn giặc Tàu quá thể nên cháu thiết tưởng, người con trai nào gặp tình thế ấy lại có thể làm lơ được một khi mình đủ sức giúp kẻ hoạn nạn.
Lòng nhiệt thành khảng khái sôi nổi trong câu nói của chàng trai trẻ chừng khiến ông già cảm động. Mắt ông lóe sáng, một nụ cười phát ra trên cặp môi ngậm buồn.
- Cháu có những ý nghĩ hào hiệp ấy là phải. Chú bằng lòng lắm nhưng...
Ông già ngừng lại, kéo mấy hơi thuốc nữa, đoạn nhổ vọt tia nước dài vào tro bếp. Đoạn, ông thở dài:
- Nhưng, cháu chưa biết rằng Ma Vạn Thắng là kẻ thù, kẻ tử thù của nhà ta...
Kinh ngạc, Tuyết Hận toan nói thì ông già đã tiếp theo:
- Chính nó đã giết cha cháu để cướp lấy mẹ cháu đấy!
Lời nói của ông già như từng giọt băng rỏ xuống trái tim chàng trai trẻ. Tuyết Hận rùng mình, máu trong người như đông lại, mặt nhợt đi.
- Chú!...
- Câu chuyện thương tâm ấy từ trước đến giờ chú vẫn giấu kín trong đáy lòng vì chú không muốn cho tuổi trẻ của cháu sớm phải mang một sầu khổ, căm thù nó có thể làm cho lòng cháu khô héo đi. Nhưng nay... nay đã tới cái lúc chú phải nói, nói để cởi mở cho linh hồn chú một bí mật quá nặng, nói để cho cháu biết mà đề phòng. Vả lại, cháu hiện đã trưởng thành, có thể nghĩ đến việc phục thù Ma Vạn Thắng rồi!...
Chàng lẩm bẩm:
- Phục thù... Tuyết Hận!... Tên ta là Tuyết Hận!... Ồ! Nay ta mới hiểu...
- Vào khoảng cuối năm Canh Ngọ (1870) giữa lúc Ngô Còn, một tướng giặc Khách, dư đảng của Hồng Tú Toàn, bị bắn chết ở thành Bắc Ninh thì Hoàng Sùng Anh cũng chiếm cứ đất này. Thấy bọn Khách hoành hành dữ, cha cháu nổi lên, kéo cờ trắng để mưu việc đánh giặc cứu cho dân thoát khỏi sự khổ cực. Cha cháu có một người mưu sĩ tin cẩn tức là Ma Vạn Thắng. Nó nguyên trước làm nghề đồ tể. Nhờ tài ăn nói giảo hoạt và những kế sách hiểm sâu, nó giúp cha cháu được nhiều việc lớn. Vì thế cha cháu yêu quý và tin cẩn nó không biết chừng nào. Chính lòng tin ấy đã hại cha cháu.
Thoạt đầu, cha cháu được triều đình nhà Nguyễn rất trọng đãi, giao cho việc chống nhau với quân Cờ Vàng. Nhưng sau, không hiểu sao, bọn quan triều đem lòng nghi kỵ, nay chèn điều này, mai hạch điều khác và sau cùng thành ra hai bên đâm bất hòa, đương là bạn đâm đổ ra làm cừu địch. Cha cháu thấy cơ nguy, lập tức xoay đổi kế sách, làm thân với Hoàng Sùng Anh. Bọn quan lại lập tức sớ tấu về triều. Một tháng sau, nhà Nguyễn sai Trung quân đại tướng Đoàn Thọ đem quân lên đánh.
Cứ kể sức hai bên thì sự thắng bại chưa chắc đã về bên nào. Quân triều tuy mạnh, song đường lối không thuộc, lại phải đi xa xôi vất vả. Cha cháu nhờ địa thế, có thể thủ hiểm mà cự địch một cách thắng lợi được. Và Hoàng Sùng Anh đã nhận lời cứu giúp. Hắn sẽ đem quân đánh mặt sau quân Triều để chia bớt sức mạnh đi.
Giữa lúc ấy thì việc biến xảy ra.
Chú vâng lệnh cha cháu, đem quân án ngữ mặt thủy, phục ở ngang Thác Cái, đương chờ hễ quan quân kéo tới thì đổ ra đánh úp. Bỗng nửa đêm hôm ấy, chú hãy còn nhớ rõ là đêm hai mươi lăm tháng chạp, trời tối đen sương muối rõ nặng hạt, gió thổi như kim châm, chú đi tuần ở ven sông vừa về thì thấy Bàn Tựu Nghĩa, một thủ hạ thân tín của cha cháu phi ngựa lại báo cái tin dữ dội không biết kẻ nào đang đêm lẻn vào trong trướng cắt thủ cấp cha cháu đem đi mất và quân triều đương xông đánh sào huyệt của ta.
Được tin như sét đánh, chú lặng đi hồi lâu mới đứng dậy được, liền đem thủ hạ hỏa tốc kéo về. Tới nơi thì cơ nghiệp đã tan tành, chỉ còn trơ lại một mớ tro than đỏ rực. Hỏi đến Ma Vạn Thắng thì không ai biết hắn còn hay chết. Hỏi đến mẹ cháu, Bàn Tựu Nghĩa nói là đã lên ngựa đi theo lũ giặc Cờ Vàng. Hỏi đến cháu thì tên đầy tớ trung thành nói cho chú hay rằng mẹ cháu lúc ra đi bỏ mặc cháu giữa gian buồng đương cháy dở nên hắn phải lăn xả vào bế cháu đem giao cho vợ hắn giấu một nơi. Đau lòng như dao cắt, chú khóc rống lên một hồi đoạn kiểm điểm bọn đầy tớ còn lại đem cháu chạy lần vào rừng rồi đến nương náu trong động Phù Hiên này.
Ông già ngừng lại vì giọng nói đã nghẹn. Ông giương mắt nhìn đăm đăm trước mặt như còn thấy rõ cái cảnh tàn phá thương tâm...
Tuyết Hận nóng lòng giục:
- Thế nào nữa, chú nói hết đi cho cháu rõ.
- Ngay từ lúc đầu chú đã ngờ có nội biến. Phải, chỉ người trong nhà mới làm nổi cái việc phi thường ấy vì chỗ thầy cháu ở bao giờ cũng phòng bị rất ngặt. Chú lại hỏi kỹ bọn gia nhân thì trước hôm thầy cháu bị giết, tuyệt nhiên không có ai là khách lạ vào chơi hoặc một tên gian nào mới đến theo cả. Nay chỉ còn cần phải rõ mục đích vụ sát nhân này thì tự khắc tìm ra hung thủ. Người ta ở đời sở dĩ đến giết hại nhau rút lại chỉ vì danh, lợi, tình, thù. Vì tình ư? Thầy cháu là một vị tướng rất nghiêm khắc chính đính, không bao giờ trai gái nhảm nhí cả. Thế thì kẻ giết thầy cháu không phải vì ghen. Thù? Từ khi thầy cháu khởi binh, nếu có kẻ thù thì duy bọn quan nhà Nguyễn và Hoàng Sùng Anh. Thầy cháu đã về phe Hoàng và chính Hoàng đã giúp thầy cháu để đánh trả lại triều đình. Thế thì chỉ còn bọn Đoàn Thọ. Nhưng ông ta là một vị tướng rất quang minh quân tử, không khi nào lại thèm dùng đến thủ đoạn ám sát. Vả lại, ông ta cần gì phải ám sát thầy cháu, một khi ông ta điều khiển trong tay hàng vạn tinh binh? Việc giết người này nguyên do chắc là danh lợi. Chắc có đứa nào phản chủ, tự ý hại thầy cháu để cầu công với triều đình. Chứng cớ hiển nhiên là giữa lúc vừa xảy ra án mạng thì quan quân đã biết kéo nhau tới đánh phá ngay. Đành thế rồi, nhưng kẻ phản chủ là ai? Thoạt đầu chú ngờ Ma Vạn Thắng. Cái thằng gian ác ấy thì việc gì mà nó không làm nổi. Chú để ý nghe ngóng và sai Tựu Nghĩa đi dò la, song tuyệt vô, không thấy tin tức gì về nó hết. Chắc hẳn nó đã chết trong đám loạn quân rồi. Nếu vậy thì chú đã nghi oan cho nó! Người ta đã giết chủ, đã đem kẻ thù về phá tan sào huyệt của chủ thì người ta không thể chết ở tay đám loạn quân được. Chú nghĩ vậy, liền bỏ Ma Vạn Thắng, quay ra ngờ mẹ cháu. Phải, người đàn bà giết chồng nào phải là sự hiếm có ở trên đời. Biết đâu mẹ cháu đang tâm bỏ cháu giữa vòng đạn lửa tháo chạy lấy một mình làm căn cứ cho sự ngờ vực của chú được. Tin như thế, chú lại sai Tựu Nghĩa đi theo bọn Cờ Vàng để dò la tin tức mẹ cháu sau một tháng trời, Tựu Nghĩa xuôi về Tuyên Quang. Cuộc do thám này khó khăn và nguy hiểm hơn, song cũng chẳng ăn thua gì. Cái án mạng của thầy cháu vẫn tối như đêm ba mươi, không còn thấy manh mối gì nữa. "Khốn nạn! Chẳng nhẽ anh ta thối mạng hay sao? Như thế thì còn có Trời đất nào nữa!". Chú cứ nhẩm đi nhẩm lại câu ấy, lòng phẫn uất và khổ sở không biết chừng nào! Thù của anh cũng như thù của cha, chú một ngày chưa báo được thì một ngày chú còn phải xót xa hổ thẹn.
Nhưng suy nghĩ đã kỹ, ức đoán đã nhiều, dò la manh mối kể đã lắm công phu mà cái bí mật kia vẫn lì lì, vẫn tối tăm, vẫn càng ngày càng khó hiểu. Chú không còn chút hy vọng nào nữa. Ngày đêm, chú đành chỉ thắp hương rồi phục xuống trước bàn thờ thầy cháu mà khóc lóc, khấn nguyện, may ra oan hồn có thiêng thì giúp đỡ, run rủi cho chú gặp được cừu thân.
Hai năm trời đằng đẵng qua đi...
Cháu may được cái hay ăn chóng lớn, không bệnh tật gì cả. Chú giao cho thím và vợ Tựu Nghĩa chăm nom cháu để hương khói cho thầy cháu về sau này. Vết thương tâm của chú tuy thế vẫn không sao dịu được. Lắm lúc chú bồn chồn mất cả ăn, mất cả ngủ, thường ngửa mặt lên trời mà thở than, khóc lóc một mình.
Đảng phái của thầy cháu đã tan hoang. Triều đình nhà Nguyễn gặp lúc quốc gia đa sự cũng thôi không truy nã gì lắm nữa. Còn chú, chú đành tâm mai danh ẩn tích trong xó rừng này để chờ cơ hội phục thù. Chỉ có thế nữa thôi chứ cái mộng tung hoành của thầy cháu thì chú thực chịu, không dám có. Tính chú khác hẳn tính thầy cháu. Chú không thích cuộc đời phiền nhiễu, chỉ ước làm một ông già ngỗi chễm chệ ở non cao mà ngắm ván cờ đi để thưởng thức những nước cao và chê cười những nước hớ của người trong cuộc là đủ.
Những đứa con sống sót trong bọn quân lính cũ của thầy cháu thoạt đầu tản mát mỗi đứa một nơi, sau dần dần lại hỏi thăm nhau về với chú ở đây. Chú chia chúng nó ra khắp động này, phá hoang, làm ruộng kiếm ăn.
Thấm thoát đã hai mươi năm trời.
Cháu đã lớn và rất có sức lực. Ngày đêm chú hết sức dạy cháu luyện tập võ nghệ, vì đó là một món cần cho người con trai sinh gặp thời loạn. Vả, chú mỗi ngày một già yếu, công việc phục thù nếu có ngày đạt được, chú đành nhường lại cho cháu thì cháu càng cần phải giỏi giang lắm mới được. Có điều là cái việc kín kia chú nhất định hãy giấu kỹ, chờ lúc nào cần phải cho cháu biết sẽ hay. Chú e rằng cháu vừa lớn dậy mà đã phải đau đớn thì có khác gì cái mầm cây non mới nhú lên đã phải ngay mưa gió làm cho hư hỏng.
Một hôm Tựu Nghĩa có việc qua châu Đại Man về. Chú đang ốm nặng nhưng hắn cũng hốt hoảng chạy lên báo tin cho chú biết rằng mẹ cháu đang ở với Ma Vạn Thắng bên ấy vì Ma Vạn Thắng đã được triều đình công nhận cho hắn trấn thủ vùng Đại Man để án ngữ và chia rẽ thế lực của quân Cờ Vàng và Cờ Đen.
Chú toát mồ hôi, cơ hồ khỏi bệnh. Ngồi phắt dậy, chú càng nghĩ càng thấy lòng mình căm thù ngùn ngụt như lửa cháy dầu sôi. Chú định sang ngay chỗ kẻ thù đang ở, cùng quyết một trận sống mái, nhưng không thể đi được. Sau càng nghĩ càng nhận rõ cái thế của mình chưa làm gì nổi nó. Sự yếu thế ấy làm cho chú bực tức không biết chừng nào mà càng ghê sợ cho lòng độc ác của một con đàn bà và một tên đầy tớ phản chủ. Chú bấy giờ ví như một con hùm mắc trong lưới, hậm hực, gầm thét mà không làm gì được.
Chú sai hỏi kỹ thì ra câu chuyện đầu đuôi thế này:
"Mẹ cháu, Yến Xuân, con của Lương Văn Lợi, tướng đồng minh của cha cháu, vốn có lòng tham vô độ, toan những sự làm bà chúa tể một địa phương. Yến Xuân lại là cô gái rất phong tình mà cha con lúc ấy vừa yếu thế, không hy vọng gì làm to được, vừa có tính nghiêm khắc quá nên Yến Xuân vẫn phục Vạn Thắng là người quyền mưu nham hiểm, rất có thể làm nên trong thời loạn được, nên khi quân triều ra đánh, Vạn Thắng manh tâm phản phúc thì mẹ cháu đồng mưu ngay. Hai đứa bàn nhau rồi một mặt Vạn Thắng mật hẹn với Đoàn Thọ đem quân tới phá, một mặt nó bảo Yến Xuân phục rượu cho cha cháu thực say rồi nửa đêm nó lẻn vào chặt lấy thủ cấp đem cho bên địch, sự nghiệp của cha cháu thế là tan tành mà chính thân cháu cũng suýt bị thui ở trong đống lửa...
Tuyết Hận nghiến răng, trợn mắt, hằn học lên một cách dữ tợn. Sau cùng, nghĩ đến cái chết của cha, nghĩ đến sự nhẫn tâm của mẹ, chàng không thể cầm được mối đau lòng. Chàng ứa nước mắt, những giọt nước mắt đầu tiên cho nhân tình thế thái, khóc cho gia cảnh, khóc cho thân thế.
Bàn Văn Tam nhìn cháu bằng cặp mắt chứa chan thương xót đoạn bùi ngùi tiếp theo:
"Hai đứa nó trốn đi một độ chưa xuất dầu lộ diện vội vì nó còn e sợ phục thù. Nhưng, nghe ngóng thấy yên, chúng nó mới vững tâm ra mặt, cùng nhau sống cái cuộc đời trâu chó mà không biết thẹn với ánh mặt trời! Cùng lúc ấy, chú mắc phải bệnh tệ, phải ngồi một xó. Biết mình không thể làm được việc gì nữa, chú đành trông vào một mình cháu mà thôi.
Vừa rồi, chú khuyên cháu sang chơi bên Đại Man là có ý để cho cháu tự mình xem xét lấy cách thức của kẻ thù và thử xem cái học về binh pháp của cháu đã tiến đến bậc nào. Cả hai đứa cùng không ngờ đâu rằng cháu còn sống, tất nhiên nó không nghi, cháu sẽ nhân đấy nhận xét được nhiều điều có lợi.
Cùng lúc ấy, chú ở nhà hết sức cho quân sĩ thao luyện và nghĩ mưu kế vẹn toàn. Chú định khi cháu về thì tức khắc đem quân sang hỏi tội hai đứa.
Không ngờ, sự đời run rủi một thế khác làm đảo lộn hết cả sự sắp đặt của chú...".
Tuyết Hận thở dài cúi đầu...
Ừ, chàng cũng không ngờ đâu cuộc đời có thể dành cho người ta những bước đường éo le như vậy. Chàng không ngờ đã làm ơn cho kẻ thù, đã chạm trán với kẻ thù mà không biết. Hơn nữa, đã vô tình hứa sự giúp đỡ trong lúc kẻ thù gặp sự nguy nan.
- Thưa chú...
Ông già choàng hai mắt nhìn Tuyết Hận. Chừng đoán biết ý chàng, ông cũng buông một tiếng thở dài và im lặng.
Không khí giữa hai người trở nên khó thở...
Bàn Văn Tam đứng phắt dậy, tuốt gươm bước ra ngoài...
Một lát sau, chàng trở vào cùng với một người đàn ông lực lưỡng, vẻ mặt dữ tợn, toàn thân cùng một màu khăn áo, quần xanh.
Bàn Văn Tam ngẩng đầu cất tiếng hỏi:
- Cái gì thế? Tựu Nghĩa?
- Bẩm chúa công, vừa có thám tử về báo một tin quan trọng...
- Một tin quan trọng?
- Ngươi cứ nói.
- Hoàng Sùng Anh giận Ma Vạn Thắng ăn cánh với Lưu Vĩnh Phúc nên đã cất quân hỏa tốc về đánh châu Đại Man. Chỉ độ sớm ngày kia thì hai bên đã có cuộc xung đột dữ dội.
- Có thế thôi à?
- Bẩm còn nữa: Ma Vạn Thắng biên thư gấp sang cầu Lưu Vĩnh Phúc. Nhưng tướng Cờ Đen hiện vừa được chiếu thư của vua nhà Nguyễn sai khẩn cấp đem quân về Sơn Tây giúp quan Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm.
- Thế nghĩa là Ma Vạn Thắng bị cô lập chứ gì?
- Bẩm vâng. Lưu Vĩnh Phúc đã trả lời Ma Vạn Thắng bảo đừng trông mong gì quân Cờ Đen nữa, liệu chừng giữ được thì đánh, bằng không hãy tạm lui chờ khi Lưu ở Sơn Tây về sẽ lại, có cách xử trí.
Bàn Văn Tam vùng cười ngất...
Tuyết Hận ngạc nhiên nhìn Tựu Nghĩa, không hiểu ý Tam cười vì lẽ gì.
Ông già cười một thôi dài mới vuốt râu lẩm bẩm:
- Hừ! Thiên đạo chí công, lưới trời khó lọt, quân phản chủ phen này chạy đâu cho khỏi tay Sùng Anh! Núi Thần, sông Gấm non sông tuy hiểm, song lòng Trời đã không tựa thì non sông ấy biết đâu không là cái mả của gian phu dâm phụ!...
Bàn Tuyết Hận vội nói:
- Thưa chú, Ma Vạn Thắng khốn về tay Sùng Anh thì có gì đáng mừng! Phải chính tay chú cháu ta giết được nó mới hả!
Dứt lời, Tuyết Hận không thấy chú đáp, nhìn xem thì ông già đã gục xuống ngủ tự lúc nào!...
Đỉnh Non Thần Đỉnh Non Thần - Lan Khai Đỉnh Non Thần