"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Lee Jeong
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1022 / 20
Cập nhật: 2017-08-04 07:41:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Cuộc Gặp Gỡ Phụ Huynh
ó là một đêm gây chấn động với tất cả mọi người.
Tất cả ký ức ngày ấy hiện về trong tâm trí giống như những thước phim quay chậm, không biết phải kể sao cho hết.
Tôi đã được những người chú tốt bụng của phòng giam số 7 đưa về phòng, được gặp bố, đó quả là điều không thể nào tưởng tượng. Chú Chan Ho, chú Man Bom thường nhìn tôi với bộ mặt nhăn nhó ngộ nghĩnh, ông Soe giống như ông nội đã nhường chăn và cho tôi mượn cả áo ấm nữa...
Tôi đã chạy đến ôm lấy một chú quản giáo và chúng tôi đi qua hành lang giá lạnh. Sau đó tôi được đưa đến một căn phòng rất tối. Ở đó người quản giáo đặt tôi ngồi trên ghế sofa và liên tục thè lưỡi trêu tôi.
Người đó nói rằng khi nào trời tạnh, tôi sẽ được ra ngoài, nhưng hóa ra đó chỉ là một lời nói dối. Ngoài trời vẫn đổ mưa rất lớn, nước mưa xối xả trên mặt sân, đập vào cửa phòng. Tôi tụt xuống ghế, muốn ra khỏi căn phòng ấy ngay lập tức.
“Bố ơi...”
Tôi bắt đầu sợ hãi và bật khóc. Tôi khóc càng lúc càng to và nghĩ rằng nếu người ta trông thấy, ít nhất cũng sẽ cho tôi gặp bố để tạm biệt, nhưng có lẽ vì mưa quá to nên chẳng ai nghe thấy tiếng khóc của tôi cả.
Sau khi vào trại trẻ mồ côi, nỗi nhớ bố trong tôi ngày càng lớn, lớn đến mức lúc nào tôi cũng nghĩ đến bố. Mà đâu phải chỉ có bố, giờ đây còn cả các chú tốt bụng của tôi, tôi cũng nhớ cả họ nữa. Hóa ra trên thế gian này, ngoài bố vẫn còn có những người đối xử tốt với tôi...
Ban ngày tôi chỉ ở trong phòng nhìn ra cửa sổ, còn khi đêm xuống, tôi nhìn lên bầu trời đen sẫm, mông lung nghĩ ngợi rồi chợt nhớ bây giờ bố đâu thể đến mà đưa tôi đi được nữa! Nghĩ thế, tôi lại không kìm được nước mắt.
Khi ấy, ngoài việc ngồi một mình nhìn lên bầu trời thì chẳng có việc gì làm tôi vui cả. Bởi chỉ lúc ấy, tôi mới có thể tưởng tượng bố đang ngồi cạnh mình trong căn phòng trọ, chúng tôi cùng nhìn qua khung cửa nhỏ ngắm bầu trời. Cũng có những hôm tôi ngồi mãi như thế cho đến lúc ngủ thiếp đi và lạc vào thế giới của những giấc mơ. Tôi thấy chú Chan Ho, hình xăm con hổ trên lưng chú cựa quậy và bước ra ngoài. Sau đó tôi ngồi lên lưng con hổ và được đưa đến chỗ của bố. Sau đó còn những gì nữa thì tôi không tài nào nhớ nổi. Tôi cứ ước mãi giá như giấc mơ đó trở thành sự thật, nếu đó là sự thật thì tuyệt diệu biết nhường nào.
Có hôm trong giấc mơ, tôi thấy chú Man Bom và chú Bong Sik, cả chú Chun Ho nữa, cả ba không còn gây gổ với nhau và vô cùng hòa thuận, vui vẻ.
Tôi cũng mơ thấy trại giam của bố mở cửa và được ra vào tự do, thế nên tôi có sống ở trại trẻ mồ côi cũng không có vấn đề gì. Hằng ngày tôi đều vào thăm và được chơi với bố.
“Đứa bé ở trại giam”, hình như đó là biệt danh mới của tôi. Những cô ở trại trẻ mồ côi lúc nào cũng nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lạnh, sát sao nên tôi chẳng thể ra khỏi phòng. Đêm đêm khi những đứa trẻ khác trùm chăn ngủ ngon lành thì tôi lại ngồi một mình và khóc.
Thế rồi một hôm, ngày tôi đến trường sau rất nhiều ngày vắng mặt.
Thời gian trước đây chỉ vì đi tìm gặp bố mà tôi thường trốn học, nhà trường đã liên lạc rất nhiều lần với nhà trẻ nơi tôi sống. Tôi trở thành đứa bị các cô nhắc nhở và chú ý nhiều, hôm nay tôi cũng được nhắc phải đến lớp để học bài.
Tôi đến lớp khi đang có giờ âm nhạc. Cô giáo ngồi ở phía trên đệm đàn và dưới lớp đang luyện hát. Tôi mở cửa sau và đi vào lớp, nhưng tiếng mở cửa quá to nên ai cũng ngừng lại và quay xuống nhìn. Cô giáo cũng ngừng đàn và nhìn một lúc, nhưng tôi coi như chẳng làm ảnh hưởng gì tới ai và cứ thế đi về chỗ của mình. Lớp học lại tiếp tục.
Cuối buổi học, cô giáo tiến tới chỗ tôi.
“Cô đã rất lo lắng cho Je Sung, em biết không? Em thường xuyên không ở nhà trọ... Em đã ở đâu và làm gì vậy?”
Tôi không biết phải trả lời cô giáo thế nào. Vì tôi phải đi tìm bố, vì những người lớn như cô giáo lúc nào cũng để ý quan sát tôi. Đó là lý do tôi không ở nhà trọ. Tôi lặng lẽ cúi đầu và buông thõng hai tay. Nhưng cô giáo đã cầm tay tôi lên và hỏi.
“Ye Seung bị ốm ở đâu à? Nói cho cô nghe xem nào?”
“Không ạ...”
“Cô có rất nhiều điều muốn biết về em, cũng có rất nhiều chuyện muốn kể với em nữa... Em đang sống ở đâu, nhà em có những ai, em thích những gì? Không muốn kể cho cô nghe sao?”
Cô giáo nói dịu dàng nhỏ nhẹ khiến lòng tôi dịu bớt. Bỗng trong đầu nảy ra một ý, tôi ngẩng lên thấy cô đang nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và nụ cười hiền hậu.
“Những cái đó... cô có thể hỏi bố em... được không ạ?”
“Sao cơ?”
“Gặp mặt phụ huynh ấy ạ...”
Cô giáo nghiêng đầu lờ mờ hiểu ra. Tôi nghĩ chỉ có cách này mới có thể gặp được bố. Tôi sống ở đâu, gia đình có những ai, những thứ tôi thích là gì, trên thế gian này người có thể nói cho cô giáo biết chẳng phải là bố hay sao?
“Gặp mặt... phụ huynh à?”
“Cô giáo có chứng minh thư đúng không ạ?”
Tôi đứng lên và nhanh chóng xếp sách vở vào túi, rồi cầm tay cô giáo kéo đi. Tất nhiên cô giáo vẫn còn đang ngơ ngác chưa biết mình sẽ
đi đâu.
“Chúng ta sẽ đi đến trại giam ạ. Bố đang ở trong đó.” Tôi nói với cô giáo và chúng tôi bước đi nhanh hết sức. Nhưng khi đến trước trại giam, chúng tôi lại chẳng biết nói gì để có thể được vào gặp bố, cô giáo liên tục nhìn tôi.
“Thì ra bố Ye Seung ở trong này...”
“Vâng, cho nên nhất định phải tìm gặp bố ạ! Nhất định phải gặp ạ!”
Tôi nắm chặt bàn tay cô giáo, ánh mắt khẩn khoản van nài. Chẳng hiểu vì sao khi ấy, nước mắt tôi cứ thế chảy ra, không cách nào dừng lại được.
Tôi nhớ bố.
Cô giáo chỉ biết nhìn tôi mấp máy môi an ủi, ánh mắt đầy thương cảm. Cô cũng rất bất ngờ khi biết bố tôi ở đó, cứ hết nhìn tôi động viên rồi lại nhìn vào bên trong trại giam. Cuối cùng, cô cầm lấy hai bàn tay vẫn đang nắm chặt của tôi áp lên má mình.
Bất ngờ cánh cửa nhà giam cũng từ từ mở ra.
***
“Chà, một đứa bé dễ thương và một cô gái trẻ... Nhưng đấy là tội phạm nguy hiểm, không đưọc phép gặp!”
Ánh mắt của người quản giáo không rời khỏi tôi. Tôi nắm chặt tay cô giáo, thu hết can đảm cất lời.
“Không phải gặp mặt bình thường đâu, cô giáo cháu muốn gặp gỡ phụ huynh ạ!”
“Anh nhầm rồi, chúng tôi không đến thăm người nhà. Tôi là giáo viên đến gặp phụ huynh học sinh để nói chuyện ạ.”
“Sao cơ?”
Người quản giáo hết sức bất ngờ. Ông ta nhìn về phía sau lo lắng, như thể tôi ở đây mà kêu to lên, phòng giam số 7 cũng có thể nghe thấy được vậy. Thế rồi người quản giáo khoanh tay trước ngực và nói.
“Các vị nghĩ nhà tù là nơi nào vậy? Bố đứa bé này...”
Người quản giáo nói đến đó thì đưa mắt nhìn xuống tôi. Tôi biết ông ấy sắp nói gì về bố mình. Cổ họng tôi như muốn gào thét. Bố tôi không phải người xấu! Bố tuyệt đối không thể là người xấu. Những người đó đã sai lầm khi bắt bố vào tù, chính họ mới là người xấu. Tôi muốn hét lên như thế, những điều tôi biết chắc chắn và vẫn nghĩ đến trong những ngày ở trại trẻ mồ côi.
Nhưng cô giáo đã lên tiếng, chúng tôi không những không bị viên quản giáo khuất phục mà trái lại, thái độ cương quyết của quản giáo lúc đầu đã phải thay đổi.
“Tôi là giáo viên của Ye Seung. Cũng như cô bé, tôi không biết ông bố đã phạm phải tội gì nhưng tôi có việc cần phải trao đổi về việc học tập của Ye Seung nên mới đến đây. Ye Seung có một hoàn cảnh đặc biệt là vừa đi học đã phải sống xa bố, do đó việc gặp và trao đổi với phụ huynh học sinh lại càng quan trọng hơn. Ngài quản giáo, việc làm của ngài đang xâm phạm vào quyền tự do cá nhân của tôi đấy. Ngài có muốn tôi nói với cấp trên không ạ?”
Viên quản giáo chột dạ, mồ hôi vã ra như tắm, miệng lúng búng, nhưng rốt cục không nói được lời nào. Ông ta lặng thinh suy nghĩ một lúc rồi cuối cùng cũng lấy bút trong túi áo ra ký cho chúng tôi.
Cuối cùng tôi đã được gặp bố.
“Cám ơn cô ạ!”
Tôi không quên nói lời cám ơn cô giáo. Vừa đến phòng gặp phạm nhân, cô giáo đã bế tôi lên. Có vẻ cô giáo rất căng thẳng, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Thế là tôi quay sang nhìn cô giáo và chúng tôi cùng cười đợi gặp bố.
Những lúc ngồi đợi bố, thời gian lúc nào cũng dài thật dài. Và lần này cũng vậy. Tôi nhìn qua tấm kính chắn trong suốt vào dãy hành lang chạy dài như vô tận, chờ đợi dáng hình của bố. Một lát sau, người ta đưa bố đi vào.
Mắt bố trũng sâu, đầu tóc phờ phạc, sắc mặt thì tím tái. Không biết bố còn bị ai đánh mà có nhiều vết thương trên người thế kia. Tôi gọi bố thật to qua tấm kính. Bố nhìn thấy tôi bỗng chốc sắc mặt trở nên rạng rỡ.
Bố nhìn tôi cười rất tươi. Trông mặt bố lúc này giống như một bông hoa hướng dương lớn đang toét miệng cười. Thật ra lúc ấy tôi cũng muốn khóc nữa, nhưng thấy bố như thế tôi đã phải cố gắng kìm lại và cũng cười lại thật tươi.
Cô giáo cúi đầu chào, bố cũng để tay lên bụng rồi cúi thấp người chào đáp lại. Yên lặng một lúc, cả bố và cô đều không nói gì thêm. Tôi ngẩng mặt lên nhìn cô giáo.
“Rất… rất vui được gặp anh. Tôi... là cô giáo chủ nhiệm của Ye Seung...”
“Rất vui... được gặp cô giáo. Tôi là... bố... của Ye Seung...”
Cả cô và bố dường như hơi căng thẳng, thế rồi cô giáo khẽ nở một nụ cười, bố cũng bắt chước cười theo. Người quản giáo theo dõi cuộc gặp gỡ của chúng tôi ở góc phòng cũng bật cười.
Cô giáo bắt đầu nói trước.
“Cũng không có việc gì đặc biệt đâu ạ. Chỉ là gặp mặt nói chuyện giữa phụ huynh với giáo viên thôi. Ye Seung... đi học ở trường rất đầy đủ... À, Ye Seung hát rất hay ạ. Trong tiết mục hợp xướng, Ye Seung đã hát đơn ca đấy. À, vì Ye Seung hát rất hay nên... luôn được chọn đứng trên hàng đầu đấy ạ!”
“Hơ... hơ... Ye Seung hát hay...”
Cô giáo càng khen tôi, khuôn mặt bố càng giống bông hoa hướng dương nở rộ. Bố cũng lắp bắp kể với cô giáo.
“Ye Seung nhà tôi... rất thông minh. A B C D E... E...”
Bố không nhớ được sau chữ E trong bảng chữ cái alpha là gì. Tôi cười và nhắc bố. “Là chữ F ạ.”
“F! Đúng rồi, F, hơ... hơ…”
Cô giáo nhìn chúng tôi và cười.
“Đúng rồi! Ye Seung đều biết hết các chữ cái rồi! Ở lớp, Ye Seung... thông minh nhất, xinh đẹp nhất và... được các bạn yêu quý nhất đấy ạ!”
“Hơ... hơ...”
Bố ngúc ngoắc thân mình và cười lớn. Những lời cô giáo nói về tôi với bố không phải là sự thật, nhưng tôi vẫn thấy rất vui. Bố vui nhất là khi có ai đó khen ngợi tôi, lần này lại được cô giáo khen nữa, nên bố không giấu nổi niềm vui sướng.
“Bố ơi, bố thấy không? Con không sao đâu mà! Cả cô giáo và các bạn đều rất thích con, ở trại trẻ mồ côi... cũng rất tốt ạ! Thế nên bố không phải lo cho con đâu!”
“Hơ… hơ... Ye Seung cũng không phải lo cho bố đâu. Bố vẫn ăn nhiều cơm... và vẫn ngủ rất tốt!”
Là cuộc gặp gỡ phụ huynh nhưng rốt cục tôi và bố lại nói chuyện nhiều hơn. Cô giáo tôi giống như một thiên thần. Cô chỉ đứng mỉm cười và nghe cuộc nói chuyện của chúng tôi.
“Tầng 1 tủ lạnh.”
“Đậu tương ạ.”
“Tầng 2 của tủ lạnh.”
“Củ cải, cà rốt, bà bán ở trong quán cho ạ.”
“Tầng trên cùng của tủ lạnh.”
“Bát mì đang cho nước sôi chờ 3 phút ạ.”
“Thì con phải cho trứng vào nhé.”
“Vâng ạ.”
Tôi còn kể cho bố nghe về những chuyện xảy ra ở trường, những thứ mới mà tôi đã học được. Tôi cũng kể cho bố nghe về những giấc mơ của mình, tôi nói liên tục không ngừng nghỉ, chỉ sợ không kịp kể hết cho bố.
Bố cũng kể rất nhiều cho tôi nghe. Bố đã cố gắng kể cho tôi về mọi người ở phòng giam số 7 đã sống như thế nào. Khoảng thời gian nói chuyện với bố sao mà ngắn ngủi, dẫu có phép màu cũng chẳng thể kéo dài ra được. Người quản giáo ngồi ở góc phòng cứ chốc chốc lại cúi nhìn đồng hồ, dường như đã quá giờ gặp mặt một lúc rồi. Tôi sắp phải chia tay bố thật rồi.
Bố vẫn không để ý thì giờ, vẫn lắp bắp kể cho tôi nghe về các chú ở phòng giam.
“Đại ca... à... chú Chan Ho... ông Soe... à còn...”
“Chú Chun Ho ạ!”
“Ờ... chú Chun Ho... cả chú Bong Sik... và còn...”
“Chú Man Bom ạ!”
“Ờ... Đúng rồi! Chú Man Bom!” Bố vỗ tay và nhìn cô giáo cười.
“Ye Seung nhà tôi... thông minh giống mẹ... Hơ... hơ!”
“Vâng, rất thông minh ạ!” Cô giáo cũng cười và đáp lại.
“Bố cho con gửi lời hỏi thăm các chú nhé!” Tôi kiễng chân nói với bố. Bố gật đầu ngay, rồi lại tiếp tục liệt kê về các chú trong phòng.
“Ờ, nhất định bố sẽ chuyển lời cho các chú! Và bố sẽ nói với chú Chan Ho là Ye Seung...”
Lúc đó dường như viên quản giáo không thể chờ được thêm nữa, hất vai bảo bố đã đến giờ đi vào, và đứng lên tắt công tắc micro. Bỗng dưng không nghe thấy bố nói gì nữa. Tôi cứ đưa tay lên tấm kính chắn và gọi bố. Bố cũng rất bàng hoàng và không biết phải làm sao, bố đến đứng sát trước mặt tôi và nói rất to qua tấm kính.
“Ye Seung à! Con gầy đấy! Ăn nhiều vào! Ye Seung à... Phải ăn nhiều cơm vào nhé!”
Nghe tiếng bố như ở rất xa, tôi ghé sát tai lại tấm kính để cố nghe cho rõ. Rồi bằng giọng nói to nhất có thể tôi gào lên.
“Bố cũng gầy lắm! Bố cũng phải ăn thật nhiều cơm vào!”
“Ừ... Bố nhớ rồi!”
Bây giờ đâu cần mirco nữa. Bố đứng sát trước tôi, vẻ mặt lo lắng nói to và rành rọt từng chữ cho tôi nghe rõ.
“Ye Seung à! Lần sau lại đến thăm bố nữa nhé!”
“Vâng, nhất định con sẽ đến nữa!”
Tôi đưa ngón tay út ra để làm hiệu giữ lời hứa với bố. Bố cũng đưa ngón út ra. Nhưng tấm kính ngăn cách ở giữa nên chúng tôi không thể móc ngoéo được. Tôi và bố cùng chạm tay vào tấm kính.
“Hôm nay gặp mặt đến đây thôi!”
Người quản giáo bắt đầu lôi bố đi. Tôi liên tục đứng bên ngoài gọi và nhìn bố không rời mắt.
“Bố ơi... Bố ơi...”
Bố bị lôi ra khỏi phòng gặp mặt nhưng vẫn cố ngoái lại nhìn tôi. Cô giáo ôm tôi vào lòng. Tôi đợi bố ra đi hẳn và bắt đầu khóc rưng rức.
Bởi tôi không biết khi nào mới có thể gặp bố thêm lần nữa.
Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 - Park Lee Jeong Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7