Người khôn ngoan nhất không phải là người gặt hái được nhiều thành công, mà là người biết biến thất bại thành những lợi thế nhất định.

Richard R. Grant

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Dark Arena
Dịch giả: Nguyễn Hoài Thu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 648 / 73
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
rong hoàng hôn, Nuremberg trông thật điêu tàn và trầm lặng như cuộc tàn phá đã xảy ra từ lâu lắm và vì những thiên tai - lửa của những trận động đất, những thế kỷ dài mưa và nắng - đã làm đen và khô cứng những đống gạch đá khổng lồ này.
Leo lái xe qua đó và đây là lần đầu tiên anh cảm thấy thích thú vì cảnh hoang tàn của Nuremberg. Khi tới ngoại ô, anh dừng xe trước một căn nhà sơn trắng giống hệt những căn nhà chung quanh nó. Anh hy vọng ông Giáo sư đã chờ sẵn anh, anh nóng nảy muốn rời xa Nuremberg và cuộc xử án những tội phạm chiến tranh Đức vừa diễn ra ở đây. Anh đã làm chứng một cách lương thiện, thành thật và vô tư kết tội một số những người gác và những đại diện những tù nhân nhận làm cai tù và thẳng tay hành hạ bạn tù, mà anh được biết trong nhà giam. Anh gặp lại một số những người bạn cũ của anh, tất cả đều là bạn tù, và chia xẻ với nhau nỗi vui mừng đen xám trong cuộc trả thù mà họ chờ đợi đã quá lâu nay. Nhưng điều đáng ngạc nhiên đã xảy đến với anh là anh không thấy hào hứng ở gần những người bạn cũ của anh chút nào, như họ không phải là nạn nhân mà họ cũng là những người đã tham dự vào một việc đáng hổ thẹn nào đó để giờ đây tất cả đều cảm thấy có tội và tất cả đều có tội ngang nhau. Anh đã thử phân tích cảm giác ấy và đi đến kết luận là anh không thích gần những người nhớ lại và chia xẻ, cuộc sống mất nhân phẩm của anh, nỗi sợ hãi và nỗi khốn khổ tuyệt vọng của đời anh trong thời gian ấy. Chỉ cần một khuôn mặt anh đã nhìn thấy trong thời gian ấy hiện ra cũng đủ làm anh nhớ lại tất cả và thấy rằng thời gian ấy có thật. Anh bóp còi xe làm tan vỡ cảnh trầm lặng của buổi chiều tàn.
Gần như ngay sau tiếng còi, anh nhìn thấy bóng ông Giáo sư nhỏ bé, hơi gù, rời khỏi cửa toà nhà và đi trên con đường đất tới xe anh. Ông Giáo sư người Đức này được Mosca mời đến dạy tiếng Anh cho Hella, và Leo đã đưa ông từ Bremen đến đây trên chiếc xe Jeep của chàng. Ông có một người con bị đưa ra toà xử như một tội phạm. Tối nay họ trở về Bremen. Leo có một chuyện bất ngờ dành cho ông ta nhưng chàng cố gắng tỏ ra lịch sự.
— Ông có được vào thăm con ông lâu không? - Anh hỏi.
— Thưa có. Liền trong mấy ngày, ngày nào tôi cũng được vào thăm con tôi. - Ông Giáo sư trả lời với một vẻ lễ phép quá mức và mệt mỏi.
Ông có vẻ đang ốm và già đi, mắt quầng sâu xuống như hai cái túi, vành môi trắng nhợt của ông chìm mất trên màu da mặt xám.
Leo lái xe chạy chầm chậm ra khỏi Nuremberg để họ vừa có thể nói chuyện. Gió thổi nhẹ làm lạnh da mặt anh. Lát nữa đây, khi ra khỏi thành phố, anh sẽ chạy nhanh trên con đường gió lộng và họ sẽ không còn nói gì với nhau được. Anh rút gói thuốc lá trong túi áo ngực ra bằng tay phải tay trái lái xe. Anh mời ông Giáo sư một điếu và lấy một điếu gắn lên môi. Ông Giáo sư đánh diêm và khum khum bàn tay đưa diêm cho Leo châm thuốc trước. Sau vài hơi khói, Leo nói:
— Tôi biết rõ về chuyện con ông, một người bạn tôi đã khai kết tội hắn.
Anh nhìn thấy bàn tay ông già run run khi ông đưa điếu thuốc lên môi nhưng ông không nói gì cả.
— Nếu tôi biết người như thế là con ông, tôi đã không mang ông từ Bremen đến đây với tôi. - Leo nói, và anh thắc mắc về chuyện đã nghĩ như thế, sao anh còn mất công chở ông ta về Bremen làm gì.
Ông Giáo sư nói bằng một giọng khổ sở, vội vã, tay trái cầm điếu thuốc, tay phải đưa ra nắm chặt vành sắt mặt kính xe như sợ bị đánh văng ra ngoài.
— Tôi thật không dám nhờ ông. Tôi biết làm phiền ông thật là không phải nhưng ngài Mosca nói với tôi rằng ông nhờ tôi và được ông bằng lòng. Ngài Mosca có lòng tốt dàn xếp cho tôi đi theo xe ông chứ thật tôi không dám.
— Bao giờ thì họ xử tử con ông? - Leo tàn nhẫn hỏi. Hỏi xong, anh hối hận ngay vì sự tàn ác của mình.
— Thưa… trong vài tuần nữa… - Ông Giáo sư nói.
Ông đã đánh rơi điếu thuốc xuống sàn xe nhưng không cúi xuống nhặt. Bàn tay trái ông đang nắm chặt vạt áo ngoài như để ngăn không cho nó run rẩy.
— Cuộc vào thăm vừa qua là lần đến thăm cuối cùng của tôi. - Ông có vẻ như chờ đợi được Leo thương hại, hy vọng Leo sẽ không hỏi gì thêm.
Leo yên lặng. Xe họ đã ra đến cánh đồng rộng, trong mùi gió có mùi cỏ non và mùi lá mới không bị bẩn vì bụi hay mùi vôi gạch vữa nát. Leo vẫn cho xe chạy chậm. Anh quay mặt về phía ông già và nói rõ ràng từng tiếng:
— Con ông bị xử ở một toà án Đức, nó can tội giết người Đức, nó không bị xử vì những tội làm trong thời gian nó làm lính canh trại tập trung Do Thái. Thật là mỉa mai. Thật tội nghiệp cho ông.
Ông Giáo sư cúi đầu nhìn xuống bàn tay:
— Thưa ông, tôi không bao giờ nghĩ nổi chuyện đó. Xin ông biết cho… tôi là người có giáo dục.
— Thằng con ông đáng chết lắm. - Leo nói. - Nó là một con quỷ. Nếu có người nào trên trái đất này đáng bị giết đi, thằng quỷ đó chính là người ấy. Ông có biết nó đã làm những việc gì không? Đúng là một thằng quỷ. Xã hội này sẽ khá hơn nếu không có nó. Tôi nói câu đó với tất cả lương tâm sáng suốt của tôi. Tôi không thù riêng gì nó, nó không làm gì tôi cả nhưng trước những việc ghê gớm nó đã làm với người khác.
Nỗi thù hận trong giọng nói và trong trái tim Leo làm cho anh phải ghé xe vào bên đường, dừng lại và quay mặt nhìn ông già, chờ đợi trả lời.
Nhưng ông Giáo sư không trả lời. Ông đã úp mặt vào hai bàn tay và toàn thân như co nhỏ lại để càng giấu mình đi chừng nào càng tốt chừng ấy. Toàn thân ông run rẩy. Không có tiếng khóc hay nức nở nào phát ra từ ông già ấy nhưng thân mình ông đong đưa như vừa bị cắt rời khỏi đầu ông.
Leo chờ đợi cho cơn xúc động này qua đi, và trong lúc thương hại và bất nhẫn dần dần trở về xô đuổi hận thù trong anh, anh nghĩ, không, anh cố nhớ lại hình ảnh người cha của chính anh, người cao cao và gầy guộc, đầu cạo trọc, đi chầm chậm trên con đường sỏi và anh, Leo, trong bộ quần áo tù, cũng đi trên con đường ấy. Anh đi tới mà không biết ông già đang đi ngược anh là cha anh. Cho tới khi ông đột ngột dừng lại hỏi: “Con đến đây làm gì?” Đó là lần đầu tiên hai cha con gặp nhau trong trại tập trung. Khi nghe ông già hỏi câu đó, Leo nhớ lại một hôm lâu rồi khi anh còn nhỏ, anh bị ông già bắt gặp trong công viên Tiergarten trong giờ học. Hôm ấy ông già cũng hỏi anh một câu y như thế: “Wasmachst Duhier?” Chỉ có khác là lần này hai cha con gặp nhau trên con đường trải sỏi với những phiến đá quét vôi trắng kẹp hai bên và đường chân trời quanh họ được viền bằng những hàng rào dây thép gai. Cha anh khóc, ông nghiêng người cúi xuống con trong bộ áo tù màu xám, vết sơn đỏ chính trị phạm chạy dài ngang ngực áo, ngực áo của anh con có vết sơn xanh chạy ngang cho người nhìn biết chủng tộc của anh. Giờ đây, ngồi trong chiếc Jeep đậu bên đường quê lộng gió này, Leo nhớ lại cảnh đó, và chỉ đến bây giờ anh mới hiểu rõ nỗi đau đớn của cha anh ngày ấy, một ngày mười năm trước đây, và anh chỉ còn thấy khinh bỉ người đàn ông đang khóc gục mặt vào lòng hai bàn tay bên cạnh anh, người đàn ông Đức này phải trả giá cái nợ đã làm cho cha anh đau khổ bằng chính người con của hắn. Người đàn ông này, có học, biết thế nào là đúng, là sai, là phải, là trái, nhân đạo và vô nhân đạo, đã vì hèn nhát, vì sợ hãi, hoặc vì dửng dưng, không đến giúp đỡ cha anh. Hắn ăn ngon, mặc ấm, sung sướng với vợ con và đã mặc người khác chịu khổ. Leo rời mắt nhìn ông Giáo sư để nhìn ra xa trên con đường, nhìn vào thung lũng đang tối dần vì đêm xuống. Anh biết anh sẽ không thể sống mãi được ở Đức mặc dầu nơi này là quê hương của anh. Anh biết anh không thể sống được với những người này, anh không cả thù hận được họ mặc dầu họ đã giam giữ tuổi trẻ của anh trong những rào dây thép gai, đã đốt bằng dùi sắt đỏ lửa một hàng chữ số trên cánh tay anh làm anh phải mang chúng suốt đời cho đến ngày anh xuống mồ, đã giết chết cha anh, đã xô đẩy mẹ anh vào một chuỗi những ngày dài điên loạn và cuối cùng bà phải chết vì không sao ngủ được.
Và giờ đây trên mảnh đất này, với những người này, anh sống bình an không hận thù, không trả thù. Anh ngủ với những người con gái của họ, cho bọn trẻ con của họ bánh kẹo, biếu họ thuốc lá, lái xe chở họ đi đây, đi đó. Nghĩ đến đây Leo tự khinh bỉ chính anh và xoá bỏ chút thương hại ông già đang khóc im nín cuối cùng trong đời anh. Anh gài số cho xe chạy, và anh cho xe chạy hết tốc độ để mau mau về đến Bremen, ông Giáo sư lấy khăn tay ra lau mặt và ngồi bất động, chịu đựng, hai chân ấn chặt trên sàn xe, hai tay nắm chặt vào thành ghế để khỏi bị văng ra ngoài.
Xe họ chạy suốt đêm như thế và đến khi trời gần sáng, vùng đồng quê lại mờ mờ ẩn hiện quanh họ. Leo dừng xe trước mặt quán cà phê do người Mỹ dựng lên ở cạnh xa lộ Autobahn. Anh đưa ông Giáo sư vào quán, họ ngồi đối diện nhau ở một đầu cái bàn gỗ dài. Cùng ngồi trong cái bàn ấy có vài anh lính lái xe vận tải, họ ngủ, đầu gối lên những chiếc áo lạnh nhà binh cuộn trên thành ghế.
Hai người uống ly cà phê đầu tiên trong yên lặng nhưng khi Leo từ quầy hàng trở lại với hai ly cà phê nóng thứ hai và một đĩa bánh chiên, ông Giáo sư bắt đầu nói. Thoạt đầu ông nói chậm, do dự nhưng càng nói ông càng nói nhiều và nói nhanh, bàn tay ông vẫn run rẩy mỗi khi ông đưa ly cà phê bốc hơi lên môi.
— Ông chưa hiểu tâm trạng của người cha ra sao, ông Leo, người cha bất lực, người cha không làm gì được cho con mình, tôi muốn nói người cha không có ảnh hưởng gì với con mình hết. Tôi biết tất cả về con tôi, về những chuyện nó làm, nó còn thú thật với tôi những chuyện mà ông không biết. Khi mẹ nói hấp hối, sắp chết, muốn được gặp nó, nó đang ở mặt trận Nga, tôi chạy chọt cho nó được nghỉ phép để nó về gặp mẹ nó lần cuối - lúc ấy nó là một chiến sĩ anh hùng, nó can đảm, nó có nhiều huy chương hơn các bạn cùng tuổi nó. Tôi chạy cho nó về phép để gặp mẹ nó trước khi bà chết nhưng nó không về, nó viết thư về báo rằng vì mặt trận đánh lớn, phép của nó bị huỷ. Bây giờ nó mới nói cho tôi biết rằng ngày đó nó lãnh giấy phép nhưng không về nhà mà là về Paris ăn chơi. Trong khi mẹ nó hấp hối mong đợi nó từng giây, từng phút và tôi, bố nó, không biết phải nói với vợ tôi ra sao, nói thật với bà là nó không về được để bà chết cho sớm hay nói dối bà là nó sắp về đến nơi để kéo dài giây phút ngắn ngủi ngắc ngoải của bà, thì nó vui thú với những người đàn bà chơi bời ở Paris. Nó uống rượu và nghênh ngang đi chơi trong phố với những huy chương trên ngực nó. Nó thú thực với tôi và nó giải thích vì sao ngày ấy nó không về: nó không yêu thương cũng không thương hại mẹ nó chút nào hết. Thế rồi đến lúc quân Đức bắt đầu thua và nó bắt đầu phạm những tội ác ghê rợn ấy. Nhưng…
Nói tới đây, ông già ngừng lại, như ông gặp một chuyện gì làm cho ông ngạc nhiên, ông không thể tin đó là sự thật, rồi ông nói tiếp, giọng nồng nàn bi thảm hơn, và ông cũng nói lớn hơn nữa:
— Nhưng… làm sao lại có chuyện như thế được? Một thằng con không biết thương mẹ, không khóc khi mẹ chết? Con tôi, lúc nó còn nhỏ, không có gì khác người, nó y hệt những đứa trẻ con Đức khác, nếu có gì khác, đó chỉ là nó thông minh hơn, nó đẹp trai hơn và nó can đảm hơn những đứa trẻ khác mà thôi. Vợ chồng tôi biết cách dạy con. Chúng tôi dạy nó phải đại lượng, phải biết tha thứ và giúp đỡ người khác, ngay khi nó còn nhỏ, chúng tôi đã dạy nó phải chơi chung phải chia xẻ với bạn nó những món đồ chơi nó có, phải tin ở Chúa. Lạy Chúa… Vợ chồng tôi chỉ có một mình nó nhưng thật là chúng tôi không muốn chiều nó để cho nó hư. Trước khi nhập ngũ, nó là đứa con ngoan, có hiếu với cha mẹ, lương thiện và đại lượng với mọi người. Ngay đến lúc này, tôi vẫn không tin được những việc nó làm là có thật, nhưng chính nó đã thú nhận với tôi… - Hai túi mắt thâm quầng của ông già tràn đầy nước mắt. Ông tiếp, - Nó thú thực với tôi tất cả những việc ghê tởm nó đã làm. Rồi lần cuối cùng tôi được vào thăm nó, tức là đêm qua, nó ôm tôi, nó khóc trong tay tôi, khóc trong ngực tôi, như ngày nó còn bé. Nó nói: “Ba ơi, con đáng chết. Con chết là phải…” Cha con tôi nói chuyện với nhau suốt một tuần lễ về cuộc sống của chúng tôi trước kia, trước chiến tranh, nói về mẹ nó, về thời nó còn bé, và đêm cuối cùng nó khóc với tôi y như thời nó còn bé.
Ông Giáo sư đột ngột ngừng lại. Leo hiểu rằng ông ngừng vì mặt anh lúc đó hiện rõ những nét ghê tởm và thương hại.
Rồi ông lại nói, nhưng giọng nói của ông lúc này điềm tĩnh hơn, hợp lý hơn, có vẻ như ông muốn xin lỗi vì việc để lộ những đau đớn riêng tư của mình là một việc bất lịch sự nhất đời. Ông nói thật chậm:
— Tôi đã kiểm điểm lại cả cuộc sống của cha con tôi để tìm ra con tôi thay đổi vào lúc nào, và cái gì đã là nguyên nhân là cho nó thay đổi. Tôi không sao tìm ra. Tôi không thấy gì hết. Tự dưng nó trở thành con quỷ. Thật là kinh khủng khi nghĩ như thế. Ông gọi nó là quỷ, và đúng, nó đúng là một con quỷ, nhưng tôi không thể biết con tôi từ người trở thành quỷ lúc nào và vì sao nó lại thay đổi như thế. Leo, rồi đây con ông cũng có thể trở thành quỷ như con tôi.
Ông Giáo sư mỉm cười để tỏ ý rằng lời ông vừa nói chỉ là một lời nói chung, một giả thuyết, một lý luận, không phải chỉ là lời ám chỉ riêng Leo. Và nụ cười trên bộ mặt rúm ró vì đau khổ, vành môi tái nhợt co quắp một cách thể thảm đến nỗi Leo phải cúi mặt xuống ly cà phê.
Và nụ cười như lấy hết khí lực trong thân xác ông già chỉ còn để lại cho ông già có giọng nói. Khi ông nói tiếp, giọng ông trở lại rung động nghẹn ngào:
— Leo, tôi nói những chuyện đó với ông bởi vì ông là nạn nhân. Con tôi và tôi, phải, cả tôi nữa, đã làm cho ông khổ sở. Tôi có thể nói gì được với ông bây giờ? Đó là… như là một tai nạn, vâng, một tai nạn, như tôi lái xe bất cẩn đụng phải ông vậy. Tôi không dám ngạo mạn, sự thật là như vậy. Còn con tôi? Nó bị một bệnh dịch, như nó sống trong một vùng sình lầy rồi bị nhiễm cái bệnh kinh khủng của vùng đó. Ông có hiểu không? Con tôi phải chết vì cái bệnh nó mắc phải. Tôi biết như thế. Nhưng trước và sau tất cả mọi sự, tôi vẫn tin rằng nó tốt.
Ông Giáo sư khóc nấc lên và gần như ông nói to mất bình tĩnh:
— Xin Chúa thương nó. Xin Chúa thương con tôi…
Một lính Mỹ ngóc đầu lên, gắt:
— Mẹ kiếp… Làm cái gì mà ồn ào thế?
Ông Giáo sư yên lặng.
Leo nói:
— Ngủ đi một chút cho đỡ mệt, rồi chúng ta đi nốt nửa đường về. Ông hút điếu thuốc nữa, uống cà phê đi.
Hút xong điếu thuốc, hai người dựa đầu lên thành ghế, lim dim ngủ. Ông Giáo sư ngủ say ngay trong khi Leo vẫn thức.
Ngủ không được, Leo ngồi thẳng lại, đưa mắt nhìn những mẩu bánh vụn rơi vãi giữa những vòng tròn nước cà phê trên mặt bàn gỗ. Chút cà phê đặc cuối cùng trong đáy ly trước mặt phản chiếu ánh vàng của bóng điện trên trần. Anh không thấy thương hại ông già, anh không thể thương được. Nỗi đau khổ của anh chạy trong máu anh như liều thuốc diệt tiêu cảm giác thương hại ấy. Nhưng giờ đây anh đã biết mẹ anh trước đây đau khổ như thế nào vì anh, cho anh, một nỗi đau khổ tàn ác. Tâm trí mệt mỏi và chập chờn của anh bắt đầu xoay quanh giấc mộng mơ hồ trong đó vô số những kẻ ác độc bị giết đi với công lý thật đúng, và cái chết lan tràn như một bệnh dịch làm chết lây nhiều người vô tội khác. Không còn cách giải quyết nào khác, trước sau gì cũng phải như thế. Rồi trước khi đầu anh ngả lên thành ghế và anh đi vào giấc ngủ, anh mơ hồ nghĩ đến một giải pháp khác, một giải pháp tuyệt vời, thần kỳ, đó là việc trước khi giết một kẻ phạm tội nào khác người ta phải cho những người yêu thương kẻ phạm tội đó một liều thuốc quên, liều thuốc sẽ làm cho những kẻ yêu thương khốn nạn này không còn đau khổ. Rồi trong giấc mơ, anh thấy anh cầm một ống tiêm lớn như ống bơm xe đạp, hút chất thuốc đặc quánh trong ly cà phê đen và ánh vàng óng ánh trong đó vào ống, rồi anh chích mũi kim vào gáy ông Giáo sư. Anh ấn sâu mũi kim cho đến lúc đầu kim xuyên qua xương sọ ông già và anh nhìn thấy chất thuốc trong ống vơi dần. Ông Giáo sư ngước khuôn mặt lên anh, nét mặt ông hân hoan, biết ơn, cảm kích.
Họ ngủ cho đến khi trời sáng hẳn và ánh nắng mùa xuân đã chiếu vàng trên xa lộ. Họ đi nốt đoạn đường dài về Bremen trên xe nhưng không nói gì với nhau nữa ngoài những câu trao đổi thông thường. Mặt trời bắt đầu ngả về hướng Tây khi họ đi vào ngoại ô của Bremen. Leo dừng xe lại trước căn nhà ông Giáo sư.
Anh rồ máy để tiếng động cơ xe làm át những lời cảm ơn của ông già, rồi anh lái xe đi luôn. Anh cảm thấy lạnh, mệt người nhưng không thấy buồn ngủ. Anh lái xe đi vào thành phố, qua Trụ sở Cảnh sát, Câu lạc bộ Hồng Thập Tự rồi quẹo về đường Kurfursten. Anh lái xe chạy chậm trên con đường rộng có hai hàng cây cao viền quanh, ánh nắng và làn gió ấm buổi chiều làm anh khoẻ lại. Khi đến gần nhà Mosca, anh nhấc chân khỏi bàn ga và cho một nửa xe lên vỉa hè. Chiếc xe nghiêng một bên rồi xe đụng vào một thân cây. Leo vẫn quen hãm xe bằng cách đó, nhưng lần này đà xe còn quá mạnh nên cái đụng gốc cây làm đầu anh va khá mạnh vào thành ghế và người anh nẩy lên. Leo chửi đổng tắt máy, ngồi đốt điếu thuốc lá rồi nhấn còi xe ba tiếng.
Cánh cửa sổ trên toà nhà mở ngay nhưng thay vì Hella, người thò đầu ra là bà Saunders. Bà ta nói xuống:
— Frau Mosca không có nhà. Bà ấy đi bệnh viện rồi. Bà ấy đi đẻ.
Leo nhoài người ra khỏi xe.
— Ủa, đẻ sớm vậy, Hella có sao không?
— Bình yên, không sao. - Frau Saunders đáp. - Con trai. Ông Mosca cũng ở đó.
Leo lái xe đến thẳng bệnh viện. Dọc đường, anh ghé vào Câu lạc bộ Sĩ quan để đổi cho anh bồi người Đức ở đây một gói thuốc lá lấy một bó hoa tươi khá lớn.
Đấu Trường Đen Đấu Trường Đen - Mario Puzo Đấu Trường Đen