Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Bạn Tâm Giao - Quang Thành
hông ai hỏi tôi dù là xa gần về mối liên hệ ngày một rõ nét và chặt chẽ giữa vợ chồng tôi và Quang Thành. Sự liên hệ theo vài người, ngay cả vài người quen cũ của vợ chồng tôi, là có phần lệch pha. Có một cái gì không khớp. Có một cái gì không phải như thế. Không thể như thế. Không ai hỏi nhưng thầm thì lan ra từ người này qua người khác. Ở đâu, bất cứ đâu, cứ có hai người là thành chuyện lớn. Chồng tôi cũng biết nhưng chắc anh nghĩ chuyện nhỏ. Những lời bàn qua tán lại giữa mọi người hay qua báo chí chẳng đáng để ý, không bàn tới nhưng tôi là đàn bà dù không đề cập tới song tôi vẫn biết. Biết chỉ để biết như chuyện thời tiết cho tàu chạy ven biển, chuyện chó cán xe, thế thôi. Bao nhiêu chuyện phải làm còn đăng đăng đê đê ra thế kia. Thì giờ đâu để ý. Cho qua hết. Mà cũng có gì đâu trong mắt họ ngoài mỗi việc tuổi tác giữa chúng tôi, rồi chuyện tôi một đời một dòng nhạc, một kiểu riêng tôi trên sân khấu. Trong khi Quang Thành ngược hoàn toàn, biến hóa lắm trò, từ Tân sang Cổ nhạc, đến Hồ Quảng, rồi kịch nghệ đến phim trường... Thế có gọi là ổn không?
Gần 10 năm trước, trong những chương trình “Tình khúc vượt thời gian” kiểu đại nhạc hội do ông Tô Văn Lai tổ chức, tôi thấy loáng thoáng một cậu nhỏ hay đi cùng ông. Không biết tên, không biết là ai, vì chẳng ai giới thiệu, nhưng thoạt nhìn tôi đoán cậu ta mới qua Mỹ không lâu. Chỉ vài lần cười, gật đầu gọi là phải phép. Thế thôi. Lần đầu tiên Thành và tôi nói chuyện với nhau trong một đêm hát gây quỹ tại Houston. Rồi hợp tính, hợp chuyện và quan trọng hơn cả là cùng tôn giáo. Chúng tôi, một già một trẻ ngày càng thân càng gần, càng nhiều chia sẻ, trăn trở, hoài bão chuyện Đạo chuyện Đời. Hòa đồng, cởi mở nhưng không xàm. Chỉ trong một thời gian ngắn Thành và vợ chồng tôi trở thành một gia đình.
Chúng tôi sống và nghĩ đơn giản. Chẳng khó gì cho Quang Thành nhìn rõ con người thật của vợ chồng tôi. Từ bao giờ Thành lại trở nên người bạn tâm giao của Đoan. Là bạn vong niên, một già một trẻ chuyện trò không bao giờ chán. Từ giã hẹn mai, gác máy hẹn mai, chuyện gì mà hăng say thế? Chuyện thế giới, chuyện văn hóa, chuyện đời, nhưng quan trọng hơn cả là chuyện Đạo. Đường đi từ Đạo đến Đạo. Kết thúc ở Đạo.
Lâu lắm rồi, linh mục Nam Hải là người đầu tiên gợi ý khuyến khích chúng tôi phổ biến Thánh Ca. Phải nói là lúc đó ngài là một chủng sinh, gọi chúng tôi là anh chị. Tôi không hiểu tại sao Đoan không thực hiện những CD Thánh Ca dù anh là người Công giáo chính gốc. Tôi chỉ là người đạo theo. Tôi cũng có nghĩ đến nhiều lần nhưng rồi lại bỏ qua, mãi chúng tôi cũng chỉ thực hiện được cuốn CD Đêm Hạnh Ngộ sau dịp lễ phong Thánh 1988.
Gần 10 năm dài, không bao giờ chúng tôi có ý định tổ chức lại những đêm ca hát với bạn bè, hay kỷ niệm một cái gì đó. Còn gây quỹ cho tu viện các nữ tu, chúng tôi đã làm và gửi tặng 20 ngàn đô la, có Soeur Bề trên qua nhận chi phiếu trong mỗi đêm nhạc. Tôi có những ý nghĩ và quyết định rất lạ kỳ nếu không muốn nói là quái gở. Nó khiến chồng tôi phiền lòng và mất khá nhiều tiền. “Anh ạ! Mình đứng ra làm thế nào cũng bị bàn ra tán vào. Cứ để tên người khác cho đỡ nhức đầu.” Đó là vì tôi nghĩ và thương chồng vì lấy tôi nên phải hứng
chịu những búa rìu độc ác luôn tìm cơ hội nhắm vào Anh. Chồng tôi chiều vợ chỉ biết im lặng chịu đựng, ôm trong lòng bao nỗi buồn đau không biết tâm sự cùng ai.
Không bàn với tôi, nhưng chồng tôi đồng lòng với Quang Thành việc thực hiện một cuốn Thánh Ca và một đêm nhạc tại Nhà thờ Kiếng (tại quận Cam) để ghi dấu 50 năm tôi đi và sống cùng Âm nhạc. Quang Thành lãnh nhiệm vụ bước đầu: về nhà hỏi Mẹ chọn bài hát, đưa hòa âm, chia câu chia bài và hát cùng tôi. Một mình Quang Thành chạy tìm bảo trợ từ hoa hậu Bích Liên và ông Sơn Công ty Đồng Dao... Rồi sau đó chồng tôi cùng những người bạn chuyên môn an tâm thực hiện thành DVD “Thánh Ca Dâng Mẹ - Khánh Ly & Quang Thành”.
Tại sao lại là Quang Thành!?! Ở đây biết bao nhiêu ca sĩ đã cùng chúng tôi đi một thời gian dài. Với khán giả thuộc dòng nhạc tôi thể hiện xưa nay, Quang Thành là một khuôn mặt lạ chưa phải là một tên tuổi lẫy lừng. Một số thì tỏ ra khó chịu khi mới chỉ xem poster giới thiệu DVD. Mà cũng phải thôi vì họ đã nghe và xem đâu? Họ nghĩ đó là sự kết hợp sai và bàn tán lời ra tiếng vào đến tai tôi hết. Đoan và tôi cứ đường mình thì mình đi, không chùn bước với những xầm xì ngày một nhiều. Cho đến khi khắp nơi ai cũng có DVD để nghe để nhìn thật rõ, thì Họ - những người khó tính - im lặng trong khi cả ba chúng tôi mỉm cười trong hạnh phúc. Vì đây là việc Đạo kia mà, tôi và Quang Thành cùng nhau hát Thánh ca trên tinh thần như những con chiên trong nhà thờ thành tâm ca ngợi Thiên Chúa và Mẹ Maria một cách sốt sắng vậy là quá tốt, rồi đây ai cũng thích cho mà xem. Chồng tôi nói thế. Và anh Đoan đã nghe “Thánh Ca Dâng Mẹ” mỗi ngày từ đó cho đến tận sau này đến lúc về với Chúa Mẹ. Và đây là cuốn DVD - CD anh yêu thích nhất trong đời ca hát của tôi. Thế nên trên bìa đĩa anh đặt thêm dòng chữ “Ghi dấu 50 năm ca hát Khánh Ly” là vậy.
Ít ai biết tôi chọn bạn không vì hào quang hay tiền bạc. Tôi chọn người có một tấm lòng. Người có cái tâm hướng thiện. Tôi không chọn Quang Thành cho cả đời để phải tìm hiểu một đời. Và sự lựa chọn của chúng tôi sẽ là sự lựa chọn cuối cùng trong cuộc tìm kiếm một người làm cho mình, làm vì mình, làm cho đời, làm vì đời những điều tử tế. Vì sao chúng tôi dám chắc lần này mình không lầm? Một đứa con luôn luôn tôn quý, nghe lời, biết ơn, ca tụng và coi trọng Mẹ Cha trên hết tất cả mọi việc, không thể là người xấu. Một người luôn sống và làm theo những điều răn của Chúa. Một người luôn nghĩ cách bù đắp cho những bất hạnh của người không may mắn, tàn tật, đui cùi, của trẻ mồ côi đói khổ. Một người luôn muốn hàn gắn đổ vỡ của tình yêu, tình bạn trong tinh thần Công giáo và cả Phật giáo. Sau này nhóm chúng tôi gọi vui Thành với nick name “Bồ Câu”. Theo tôi người đó không thể là người xấu được.
Tôi học được ở Quang Thành tấm lòng hiếu thảo của một đứa con luôn biết công ơn nuôi dưỡng và hy sinh cho con ở một người Mẹ. Cố học cách sống tốt để không hổ danh Cha. Tôi cũng biết Quang Thành được giáo dục tốt về Đạo cũng như Đời. Yêu công việc mình làm, thủy chung với những gì đã chọn. Không chạy theo danh vọng. Không chạy theo tiền. Khi tôi hỏi thì những góp ý của Thành luôn hợp lẽ và đưa đến những kết quả tốt đẹp. Chưa bao giờ Thành bảo tôi hại người này, chơi người kia, lừa người nọ, xù người đó. Mọi sự vuông tròn tử tế và chu đáo không chỉ với riêng chúng tôi mà còn với cả các bạn nghệ sỹ khác như Lệ
Thu, Thanh Tuyền, Lê Uyên (Phương), Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Phương Dung, Hương Lan, Kim Anh, Tài Linh, Thiên Kim... mà tôi vô tình biết được.
Nhà tôi nói: “Lần này chú không đi được. Từ nay chú an tâm có con lo cho cô...” Lời dặn dò trân trọng của một người, trân trọng gửi cho một người. Ngược lại, những ngày nhà tôi nằm bệnh, Quang Thành dù bận rộn và ở rất xa cũng hàng ngày gọi điện, có khi đêm hôm chạy xuống hỏi thăm bệnh tình. “Chú cứ cầu nguyện, Đức Mẹ luôn bên cạnh chú. Chị nhớ cầu nguyện, Mẹ em cũng luôn cầu nguyện cho chú.” Cầu nguyện và cầu nguyện...
Nhớ ngày mưa to cùng chị Ngọc Giàu đến Chùa Lá (Quận 7, Sài Gòn) thăm Sư Thầy và các em mồ côi. Đoan hai tay đặt phong bì lên bàn nước “Thưa Thầy, chẳng đáng gì nhưng xin cho chúng con góp gạo cho các em”. Ra về nhớ mãi ngôi chùa xa thành phố giữa một vùng đất rộng cây cỏ dại bao quanh. Nhớ cái cầu thang nhỏ bằng cây ghép lại chị Ngọc Giàu, Đoan, Thành và tôi phải níu lấy nhau mò từng bước trong mưa. Nhớ những khuôn mặt ngây thơ trong sáng không hề tỏ vẻ háo hức trước bánh kẹo chúng tôi mang đến. Chỉ đến khi Sư Thầy trụ trì cho phép, các em mới chịu nhận và cúi đầu cảm ơn.
Sài Gòn nắng mưa bất chợt như những người khách không mời mà tới. Nhà cửa, người, xe đông không tưởng được. Chẳng biết chỗ nào là đường, chỗ nào là xe, là nhà. Ông mặt trời hậm hực thiêu đốt cỏ cây vạn vật. Mặt đường hậm hực thở hơi nóng hành hạ cả người lẫn xe. Không một chút gió, không có nơi nào cho người ta thở. Có mấy người bỏ thời gian nghĩ đến, ghé đến những căn nhà nhỏ như lò thiêu. Nằm ngồi ngổn ngang những thân hình gầy gò, tàn tật bất động giương mắt nhìn người khách lạ. Các trẻ nhỏ mồ côi tàn tật đáng thương. Những người chăm nuôi các em lại còn đáng thương, đáng quý hơn. Chúng tôi cũng trao tiền rồi ngậm ngùi ra về hẹn lần sau. Không quyên góp. Đây là tiền túi của vợ chồng tôi. Cho nên không biết sẽ còn khả năng góp gạo được bao lâu nữa.
Riêng tôi, tôi thầm tạ ơn Chúa Mẹ cho tôi có khả năng đóng góp chút sức mọn. Nói là tiền của tôi thật ra là của khán thính giả khắp nơi. Tôi chỉ là người trung gian đem đến cho những người bất hạnh chút niềm vui mà từ đó tôi cảm thấy hạnh phúc, thấy mình đáng sống. Tôi muốn cảm ơn Quang Thành đã giúp chúng tôi trực tiếp làm được điều chúng tôi vẫn ước mong. Việc tuy nhỏ nhưng không vì nhỏ mà không làm. “Thương người như thể thương thân”. Công giáo hay Phật giáo đều dạy phải thế kia mà.
Đi với nhau trên đường đời không khó. Đồng hành cùng ghé vai gánh vác Thánh giá không phải ai cũng làm được. Làm chỉ mong được an ủi hạnh phúc từ những kiếp người khốn khó. Và tìm được người đồng hành với mình, vì mình, cho mình, cho đời, cho Đạo thật như đốt đuốc giữa ban ngày. Bạn làm được không? Bạn tìm được không?
“Lần này chú không đi với cô và con được, từ nay chú an tâm có con lo cho cô.” Cho đến ngày nhắm mắt, tôi cũng không quên giây phút Quang Thành cúi xuống nói với Đoan: “Chú cầu nguyện đi, Chúa Mẹ sẽ giữ gìn và ở bên với chú. Con cầu nguyện cho chú, cô cầu nguyện cho chú. Bây giờ ba người mình cùng cầu nguyện chú nhé!”
11 bài hát trong cuốn “Thánh Ca dâng Mẹ” không rời Đoan một phút từ lúc thức cho đến lúc ngủ. Bốn năm dài lòng tin vào Đức Mẹ ngày càng tỏ lộ. Làm việc gì, định điều gì cũng
cầu xin Đức Mẹ. Giữa Đoan và Quang Thành là niềm tin tuyệt đối vào Chúa Mẹ. Niềm tin của Quang Thành từ bà Mẹ nhân lành và niềm tin của Đoan trở lại trong đời sống của một người Công giáo luôn hướng thiện đến từ sự gần gũi, chia sẻ, tin cậy nhắc nhở từ người bạn nhỏ Quang Thành.
Chúng tôi, bây giờ chỉ còn tôi. Không có gì, không làm gì có lợi cho Quang Thành. Tiền tôi không có, danh đã qua bên kia đồi, đã qua cái thời của mình. Tôi giờ chỉ là một góa phụ không còn giá trị sử dụng cho bất cứ ai. Quang Thành vẫn ở bên tôi, giúp tôi đi tiếp con đường còn lại. Làm tiếp những công việc, những ước mơ dang dở của chồng tôi. Đến mọi nơi, tìm hạnh phúc và niềm vui sống ở những nơi tối tăm, những mảnh đời bất hạnh. Như chúng tôi “Đoan - Thành – Mai” đã nhiều lần khấn nguyện trước Chúa Mẹ như thế.
Bước qua nỗi đau, trong niềm tin vào Thiên Chúa Phục sinh. Tôi xin phó thác tất cả hạnh phúc khổ đau trong tay Chúa Mẹ. Từ sau 100 ngày Đoan về với Chúa, tôi phải bước đi, ra khỏi cánh cửa nỗi đau riêng, vì ngoài kia Chúa Mẹ đã dành sẵn một bình minh cho tôi. Quang Thành nói thế. Và tôi đã bước đi... hát Thánh Ca mừng Phục sinh tại Canada; mang tro cốt Đoan về Quê hương dâng Thánh Lễ tại Tòa Tổng Giám mục; bên cạnh hỗ trợ 160 bệnh nhân nghèo mổ mắt; thăm viếng Mẹ Fatima Bình Triệu; gặp chị Kim Cương người ơn thuở hàn vi của Đoan... Và còn những đâu nữa em và Quang Thành sẽ đi hết, làm hết như những gì em đã hứa với Anh tối hôm ấy trước khi hôn mê rồi vĩnh viễn ra đi....
Tôi không bao giờ quên giây phút khuôn mặt Quang Thành kề sát khuôn mặt Đoan. “Chú cầu nguyện đi...” Và tôi tin rằng Quang Thành cũng không bao giờ quên ánh mắt của Đoan hướng vào Thành. Và tôi không biết lúc đó Đoan có còn nghe được lời cầu nguyện của Thành và tôi nhưng rõ ràng, cái nhìn đó, ánh mắt đó chứa đựng lời gửi gấm thật thà và tin cậy cuối cùng. Anh nhắn gửi với Quang Thành, dành cho tôi người vợ dại khờ tội nghiệp của Anh. Ôi Chồng tôi...
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười