We have more possibilities available in each moment than we realize.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chưa Chắc Đã Buồn
ột năm có 365 ngày, trừ những ngày đi show, sáng nào tôi cũng thức dậy trong sự im lặng lạ thường. Sự trống vắng không còn là tưởng tượng mà “nó” quạnh quẽ, cô đơn, sừng sững trước mắt, chỉ khẽ nhấc tay, coi có thể chạm vào nó... Tôi chỉ còn nghe tiếng những chiếc vòng lách cách chạm vào nhau và trong cái giây phút đó, tôi thấy quanh tôi nhiều khuôn mặt quen thuộc, tôi mừng rỡ muốn cất tiếng gọi nhưng rất nhanh tôi khựng lại... đó là những khuôn mặt của những người đã không còn cùng tôi bước đi trong đời sống này.
Tôi luôn nghĩ đến những người đã khuất. Tôi gần như sống với họ, có nghĩa là sống với những người đã chết. Chính điều này không làm tôi đau đớn. Nó cho tôi sự bình an với cảm nghĩ tôi sẽ không bao giờ mất đi những điều đẹp đẽ. Sự tử tế sẽ ở với tôi mãi mãi. Cái chết cũng như sự nghèo khổ, xấu xí, chẳng ai tranh giành làm gì. Tôi yên tâm sống và trân trọng từng kỷ niệm có vui, có buồn, có cay đắng oan trái. Người chết bao giờ cũng thủy chung.
Mẹ tôi nằm đó, lúc tỉnh lúc mê. Tôi ôm bà... Mẹ ơi... Mai đây này, Mai đen của mẹ đây này... Mẹ có nhận ra con thì mẹ nắm tay con đi, nắm chặt đi... Mẹ tôi khẽ mở mắt nhưng bà không thể quay đầu qua nhìn tôi, bằng cánh tay còn cử động được dù rất yếu, bà sờ lên những chiếc vòng của tôi rồi lần xuống nắm tay tôi bóp chặt. Tôi nói to vào tai bà... Mẹ ơi.. Mai đây... Mai đây... Tay mẹ tôi lại nhích lên sờ những chiếc vòng của tôi rồi nhích thêm lên chút nữa, cánh tay còn lại của bà vòng ôm lấy tôi... Ôi! Lần đầu tiên mẹ tôi ôm tôi và cũng là lần đầu tiên tôi khóc trên vai bà. Loan, em tôi bảo... Bao nhiêu người vào, mẹ chỉ ôm có mình chị... Tôi im lặng nhìn mẹ nằm bất động thở bằng bình dưỡng khí gắn vào mũi, bình sữa treo lủng lẳng chuyền thức ăn qua một đường rạch trên bụng vào thẳng bao tử. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi “ngoan hiền” như vậy. Người ta cho bà ăn, Loan lau, tắm cho bà, bé Dung vợ Khanh bóp chân cho bà. Lan Vy, con của Loan, bằng tuổi thằng Hố Nai nhà tôi, ôm theo cuốn sách, ngày ngày hai mẹ con thay phiên nhau vào trông chừng cho bà và bà chẳng biết gì. Họa hoằn lắm mới có lúc bà nghe và nhận ra các con cháu.
Từ phi trường, tôi lại chạy thẳng vào nhà thương. Bố tôi - tôi đã quen gọi ông bằng bố - và cũng không còn giận hờn ông như ngày còn nhỏ. Ngay cả chúng tôi, 8 người con của mẹ cũng không hề có một phân biệt nào. Ông bảo tôi ngồi trông chừng mẹ cho ông đi ăn trưa. Lần này mẹ tôi yếu hơn, có mấy ngày mà bà đã không nhận ra tôi. Những bình hoa trưng trên đầu giường mẹ tôi nằm hôm nay trông vô duyên tệ. Mấy chai nước hoa và cả mấy băng nhạc của tôi nhìn có vẻ làm sao ấy, trong cái mùi lạ lẫm, cái không khí phòng bệnh. Ðó là những thứ mẹ tôi thích, nhưng hôm nay nó được để, được xài không đúng chỗ, không đúng lúc.
Tôi và Hoàng chào bố tôi... Con phải ngủ một chút để tối nay hát, ngày mai con vào... Tôi cần ngủ thật nhưng tôi cũng muốn chạy trốn không khí nặng nề của bệnh viện và nhất là hình ảnh mẹ tôi. Ôi! Mẹ, người đàn bà đẹp nức tiếng một thời Hà Nội. Người đàn bà lúc nào cũng phấn son, quần áo tươm tất trước khi ra khỏi phòng. Người đàn bà luôn luôn kiêu hãnh với nhan sắc, sự thông minh và duyên dáng của mình. Người đàn bà đã làm điêu đứng
bố tôi ngày xưa và bố tôi bây giờ. Tôi biết có nhiều điều bà muốn nói, cần nói, mà không thể nói được. Nỗi buồn trong đôi mắt mẹ có lúc chợt lóe lên. Buồn nhưng không tuyệt vọng. Mẹ tôi vốn là người can đảm.
Tôi đã ngã xỉu trong phòng ngủ, lúc đó không có bạn của Hoàng, không biết tôi đã ra sao nếu tôi ngã ra phía sau và đập đầu vào cái bàn ủi mà không ai hay biết gì. Mẹ tôi cũng không hay biết gì. Cũng vui thôi bởi nhìn mẹ, tôi chợt muốn đọc cho mẹ hai câu thơ - Mẹ tôi gần như chẳng hề quan tâm đến văn thơ - “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” - Hai câu này tôi muốn dành cho mẹ tôi, chứ còn tôi thì... chết lúc nào cũng được, bất quá như con chó tiền rưỡi thôi, chứ báu ngọc gì... Người ta lúc cùng đường phải xẻ núi lấp sông mà thoát hoặc “kệ mẹ nó” tới đâu thì tới. Công hầu, khanh tướng thì cũng đến một lúc phải... xuôi tay thôi. Ấy cứ sống theo cái chủ nghĩa... kệ mẹ nó... của tôi, may ra thì sống, cho dầu không, mình cũng có mất gì đâu, nhiều lắm là... không sống nữa. Xem chừng... chết khó hơn sống. Sống khó hơn nhiều với trăm ngàn phiền toái, từ tình đến tiền, từ vân vân đến vân vân. Ai bảo sống là sướng, tôi sợ rằng chính người đó đã dối lòng. Ai hát rằng... “sống trên đời này người giàu sang sướng hơn người nghèo khó...” Tôi cũng cho là không thật.
Tôi hay giỡn chơi với nhiều điều là bởi vì nói cho cùng, lòng tôi có những lúc quá buồn. Tôi có thể biết vì sao tôi khóc nhưng lại không thể hiểu được vì sao tôi cười. Không có gì để cười mà lại phải cười thì thật không có gì mỉa mai hơn, không có gì đau lòng vào vô duyên hơn. Mà hình như đời tôi là những năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây lúc nào cũng buồn. Tất cả đến dồn dập, chồng chất lên nhau đến nỗi không biết vì sao, bắt đầu từ đâu. Tôi nhổ những sợi tóc bạc bỏ trong cái phong bì... để dành, rồi một lúc nào đó, tôi sẽ gửi về một địa chỉ ở Việt Nam - một địa chỉ không có thật trên bất cứ con phố nào.
Giỡn chơi với cái chết cũng là một điều thú vị, bởi muốn xem cái chết mặt mũi ra sao, có gì ghê gớm không mà nó làm nhiều người sợ đến như vậy. Không. Chẳng có gì ghê gớm đáng sợ cả. Nó chỉ là một giấc ngủ dài hơn bình thường, dài thiên thu. Nó quay lưng lại với tất cả phiền toái của cuộc đời. Nó giúp mình nhẹ nhõm hơn, tử tế hơn, đẹp đẽ hơn và trẻ mãi không già... Ðấy, cứ nhìn hình bố tôi, ông vẫn trẻ như lúc 33 tuổi với nụ cười rất tươi. Miệng cười, mắt cũng cười, tinh nghịch và yêu đời với một chút mỉa mai... Bố tôi là một người thông minh. Ông không để lại một sợi tóc bạc nào. Tôi thì không.
Tôi cứ khóc mãi, những giọt nước mắt cay đắng mà không một ai hay. Tôi cứ cười mãi, những nụ cười vô nghĩa mà không ai ngờ. Ðời mà. Còn nơi nào diễn ra nhiều tuồng tích hơn nơi này. Ðời mà. Như những buổi sáng tôi thức dậy trong sự im lặng gần như tuyệt đối. Một mình. Luôn luôn một mình. Cô độc nhưng không cô đơn với người thân đã xa, nhưng lại rất gần gũi của riêng tôi, lúc nào cũng chuyện trò cùng tôi, lúc nào cũng vui tươi rực rỡ nhìn tôi như để an ủi, tiếp sức cho tôi, nâng đỡ tôi không vấp ngã. Hãy đứng vững và đi tới, chưa tới lúc đâu.
Vài năm trước, khi tôi nói với các bạn tôi rằng... các bạn đã già hết rồi... lúc đó, anh nào cũng gân cổ lên cãi rằng... chưa, lại còn cười tôi ở tuổi này mà đi trồng mít. Có nghĩa là các anh ấy còn trẻ mà tôi mới già. Tôi chỉ cười, không cãi. Tôi trồng cây là bởi tôi thích trồng
cây, coi việc trồng trọt là một cái thú chứ không trồng để chờ ăn quả. Thí dụ khi bạn giúp một người nào đó là do cái tâm bạn muốn giúp, chứ nếu nghĩ giúp người để người giúp lại mình thì chẳng thà đừng giúp. Vì đâu có gì bảo đảm người ta sẽ đền trả lại mình. Tôi trồng cây trong tâm trạng đó. Bây giờ mít tôi đã có trái. Bây giờ có người tôi yêu quí đã đi xa. Nhìn cây là nhớ người, nhìn người lại thương cây, thương mình... “Tôi không kẻ thù nên đau từ độ, tóc úa là nhớ những tháng âu lo...” Ai tôi cũng quý, không hạp thì đành xa. Buồn thì có bởi tôi không phải là thánh, nhưng giận thì không. Thế cho nên người nào cười với cái chết, tôi đều thương tiếc, nỗi tiếc thương tôi mang theo đến cuối đời, gặp lại nhau ở một nơi bình an hơn, ở một mảnh đất chỉ có người không có ma. Và lại như mọi ngày, tôi ra sau nhà ngồi với ly café và điếu thuốc lá... Này đừng hút nữa, nguy hiểm lắm, chết như không... Vẽ chuyện, đến tuổi này “hẹn hò với trời mây” là chuyện bình thường. Hết duyên hết nợ thì... đi chứ có gì quan trọng. Số mà thoát được sao? Tôi thuộc loại... no water to talk... xin cứ để tôi được yên là tôi cám ơn, chứ đừng như những lọ hoa trên đầu giường của mẹ tôi, hay những vòng hoa thật lộng lẫy muôn màu nằm khô héo ngổn ngang bên cạnh ngôi mộ vừa lấp đất, và mọi người cười nói kéo nhau ra tiệm ăn nhậu nhẹt, tán gẫu. Ðó là hình ảnh có vẻ khôi hài, một sự khôi hài thảm hại đã quá quen thuộc.
Chết là hết, Cha Nam Hải bảo thế. Chỉ còn cái xác nằm đó mà thôi. Có thương tiếc thì cầu nguyện cho linh hồn mau về nơi an bình. Cha nói: Cái quan trọng là lúc sống kìa. Vâng, Cha nói đúng, những việc sống tôi xem như đã làm xong, giờ phải tính cái vụ ai đi trước ai. Tôi mong là tôi, và tôi biết trước, tôi sẽ đi rất êm, như lúc hát xuống một nốt trầm. Êm và nhẹ. Tôi không có gì luyến tiếc cả. Tôi cũng không dám hy vọng ở một sự tiếc thương nào. Sẽ chỉ như một show dài hơn bình thường.
Sẽ có người bảo tôi xạo. Làm gì mà không sợ chết. Thật ra tôi cũng có sợ một tí, sợ... ngộp thở lúc đóng quan tài, sợ... nóng lúc đốt xác, chôn xuống đất thì sợ... giun. Sợ bao nhiêu đó thôi, chứ chết thì tôi đã thấy nhiều vả lại cũng nên làm quen với nó cho khỏi “ngẩn ngơ sầu” lúc chạm mặt. Nói mãi về nó, nghĩ mãi về nó, bỗng dưng thấy thoải mái. Không dám mơ ước chốn Thiên đường nhưng cũng không hề muốn trở thành “ma cháo đậu” hay những “âm hồn bất tán”.
Sao bỗng dưng tôi lại thích nói về cái chết. Bởi đã có những cái chết. Bởi chuyện người sống ở đây chán lắm rồi. Nói ra thì sẽ... lại... khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Nói chuyện người dưng để mang họa, vậy thì, chỉ nên nói về mình, nói về một “cái tôi” không giống ai và đang ở cuối đường.
Nước mắt thật quý và hiếm hoi. Tôi đã khóc cho nhiều người, giờ đã đến lúc tôi phải để dành nước mắt để khóc... tôi.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười