For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Châu Âu... Lạnh
Ở Mỹ gần 20 năm, tôi biết tiểu bang tôi đang ở chỉ có 2 mùa. Mùa nóng đến chín cả người, sắp tới và mùa lạnh, đủ lạnh đến xuýt xoa, sắp qua. Chẳng cần giở lịch coi ngày tháng. Chỉ thấy ong bắt đầu trở về làm tổ, cây lá xanh mởn những nụ mầm mới và đóa hoa đào nở muộn màng, phớt hồng, mỏng manh bên những bông hồng rực rỡ, tôi biết bây giờ mùa Đông chỉ còn lại những thoáng lạnh khi màn đêm buông xuống.
Với một người không bao giờ cần biết đến ngày tháng, giờ giấc như tôi, biết như thế là quá nhiều. Mà sở dĩ tôi biết được là bởi tôi đang chuẩn bị lên đường. Sẽ lênh đênh, không phải bên sông Hương mà là vùng trời Âu châu quen thuộc. Cảnh vật nơi đó quen thuộc đến độ tôi thích trùm mền nằm nhà đọc truyện kiếm hiệp hay coi cải lương hơn đi ra ngoài. Âu châu cũng là một vùng thường có những cơn lạnh, cơn mưa bất chợt nên tôi phải nhắc chừng Đoan theo dõi tin thời tiết ở báo hằng ngày. Áo để hát là điều không thể thiếu và áo ấm. Vừa đủ ấm cho tháng này.
Nếu nói về lạnh, Đức và Pháp không lạnh bằng một vài tiểu bang của Mỹ và Canada. Nhưng cái gió của Âu châu dễ làm mình bị cảm, nhất là ở những nhà ga xe lửa, một nơi trống trải, thiếu tiện nghi. Bốn bề là gió, không có một chỗ cho mình ngồi nghỉ chân chờ tàu và tránh gió. Nếu Chúa còn thương, cho hát thêm vài ba năm nữa hay mươi, mười lăm năm, tôi cũng không bao giờ quên chuyến đi từ Đức qua Pháp của tôi và Tuyết Nhung hồi tháng 1 vừa qua.
Đó là một đêm mưa. Mưa không lớn lắm nhưng lạnh. Cái lạnh kỳ cục buốt xương cắt thịt như mùa Đông ở Huế. Lạnh và gió. Xứ Âu châu tiếng là văn minh nhưng lại có nhiều điều rất phiền nhiễu, nhiêu khê, chậm tiêu. Muốn đi xe lửa, phải mua vé trước tại ga. Thực lòng tôi không muốn đi, nhưng đã hứa giao băng nhạc cho Ngọc Hoàng, lại là CD mới. Có bán cái mới, mới có tiền làm cái tiếp theo. Thu tiền CD này đem về lấy CD kia bán. Phần Tuyết Nhung cũng muốn trở qua Pháp để mua một... cái quần mà cô nàng không kịp mua tuần trước.
Hai chị em được linh mục sở tại cho ăn cơm tối, rồi hối hả nhờ ông Sỹ và ông Sâm chở tới ga Duisburg. Tụi tôi không biết đích xác giờ nào tàu đến, chỉ đoán chừng khoảng 11 giờ 50 tối. Bà bầu Chi cũng xác nhận như vậy. Nhưng vì không chắc ăn nên tụi tôi đến quá sớm. Cả bốn người đi vòng vòng mãi không tìm ra chỗ bán vé. Cái va-li nặng như một cái cùm, bốn bánh xe gãy một còn ba. Quặt quẹo đẩy không được. Đi nữa thì đi không nổi, muốn ngồi nghỉ thì không lấy nửa cái ghế. Gió cứ lồng lộng thổi luồn tứ tung. Chận dân Đức lại hỏi thăm chỗ bán vé. Mình nói tiếng Đức được nhưng tụi nó dù có hiểu cũng chơi cái tình lờ lắc đầu không chỉ. Sau cùng, tôi hối hai ông Sỹ, Sâm hỏi thăm hai anh chàng mặc đồ có vẻ là công nhân làm việc ở nhà ga thì được biết vé sẽ bán trên xe lửa chứ giờ này, các quầy bán vé đã đóng cửa từ khuya.
“Thôi rồi, cái điệu này thể nào cũng bị phạt...” Ông Sỹ nhảy dù nhất định cãi... “Làm gì có chuyện ấy, tôi biết mà. Cứ lên xe lửa mua cũng được vậy. Luật ở đây như vậy mà. Tôi biết rõ...” “Nhưng anh đã đi xe lửa lần nào chưa?” Cả hai ông nhìn nhau rồi nhìn tôi và lắc đầu. 11 giờ 45 tàu sẽ ghé và chỉ ghé 2 phút. Thấy trời lạnh quá, tụi tôi cũng ái ngại cho lòng tốt của hai ông cựu sĩ quan của mình. “Thôi, cảm ơn hai anh, cứ để tụi tôi chờ một mình cũng được, chứ trời lạnh thế này, hai anh mặc phong phanh quá, thế nào cũng ốm mà thôi...”. Ông Sỹ và ông Sâm cùng cười rất hăng hái... “Ôi, có gì đâu, tụi này ở đây quen rồi. Vả lại ở trong có mặc đồ người nhái, hai cô đừng lo...”
Tuy miệng giục các ông ấy về, lòng lại cầu mong các ông ấy đừng về vội. Của đáng tội, thấy và biết mấy ổng lạnh lắm rồi nhưng cái va-li của tôi dù không lạnh nhưng nó nặng quá sức. Nếu không có hai ông thần này, Tuyết Nhung và tôi làm sao xách nổi lên mấy bậc cầu thang kia. Nhất là trưa hôm đó, tôi đã nhắc chừng ông Sỹ rằng nhớ ghé ga mua giùm vé xe lửa nhưng ông cứ nhất định bảo rằng không cần thiết. Có lẽ vì thế, mấy ông ấy không nỡ bỏ hai chị em tôi một mình trơ trọi ngoài ga giữa nửa đêm.
Vần được cái va-li lên trên chỗ đợi tàu. Lạy Chúa, Đức Mẹ, gió ở đâu mà hung dữ đến thế. Lạnh đến nỗi tôi chảy cả nước mắt mà phải đứng chịu trên 15 phút chờ tàu. Ôi, 15 phút chờ dài như bao nhiêu thế kỷ và nếu không có ông Sỹ, ông Sâm, hai đứa tôi cũng không biết cách nào để mang cho được cái va-li lên tàu vì tay chân cóng cả lại rồi...
Được cái tàu hôm nay vắng quá. Có lẽ vì lạnh và vì kinh tế Âu châu cũng... thất thu như Mỹ nên ít người nghĩ đến chuyện đi chơi. Mà ngay cả tụi tôi đây, nếu chẳng vì miếng cơm manh áo, ai dại gì nửa đêm, nửa hôm đội mưa gió ra đi, dù là đi Paris. Chẳng mất công tìm couchette, hai đứa tấp vào một toa trống cho hút thuốc. Kéo tay ghế lên là có thể ngả lưng làm một giấc thẳng cò tới Paris. Tuyết Nhung thì ngủ ngay. Tôi hoàn toàn không. Không ngủ được và không dám uống thuốc ngủ. Không dám ngủ. Ngồi hút thuốc lá vặt chờ anh chàng bán vé.
Y chang những gì tôi nói... “Tao bán cho tụi bay vé này chỉ tới biên giới thôi nhé (biên giới giữa Đức và Bỉ là thành phố Aachen, đọc là A-khan) và vì tụi mày không giữ chỗ trước nên tụi mày phải trả thêm tiền...” Thôi, dại rồi mới biết khôn làm sao đây. Tàu chạy qua Essen, qua Kohln rồi tới Aachen... “Tụi mày phải mua vé từ đây tới Paris...” Tôi trả tiền, cất vé kỹ càng rồi ngả lưng, nhắm mắt... để đấy chứ nào dám ngủ. Mà quả đúng như vậy, chỉ lát sau là có mấy ông Tây nhào vào hỏi giấy tờ. Rồi tàu lại chạy. Rồi lại ngừng, lại có vài người lên, lại có vài thằng khùng kéo cửa thò mặt vào ngó một cái rồi rầm rập kéo đi. Chả có một tiếng... sorry êm ái như ở xứ mình.
6 giờ 30 sáng, tàu đến gare du Nord. Tôi kéo, Tuyết Nhung đẩy mãi, cái va-li mới xuống tới đất. Lạy Chúa tôi, ở đây còn lạnh hơn đêm qua nữa. Toa của tụi tôi là toa cuối cùng, đẩy được cái của nợ này vào tới nơi, chắc tôi... ra mấy đống máu chứ không phải chơi. Trong cái không khí buổi sáng lạnh căm, đứng trước cái va-li CD giữa gare du Nord, nước mắt tôi ứa ra không phải vì gió. Tôi muốn hét lên cho thấu tới trời... “Chúa ơi, con ăn uống được bao nhiêu, con hưởng được bao nhiêu mà sao con khổ thế này...”. Tôi bậm môi chặn đại một ông Tây già xin đổi tiền lẻ để lấy chiếc xe kéo. Ông ta cũng không có nhưng ông ta lấy một đồng
xu gì đó bỏ vào lỗ, ngoáy một cái kéo được một chiếc xe ra. Quãng đường bình thường tôi đi chỉ có 5 phút, giờ phải 30 phút mới vào được tới trong. Tuyết Nhung gọi điện cho Phương và vợ tới đón chúng tôi nhưng trước khi ra khỏi ga, tôi mượn tiền Tây của Phương mua hai vé trở về chiều hôm đó, chuyến 6 giờ 30 vì công việc giao hàng của tôi chỉ mất nhiều lắm là một tiếng đồng hồ rồi ghé chợ mua ít hũ café về chia cho bạn bè.
Cầm vé xe lửa trong tay, tụi tôi đề nghị Phương đi ra quán làm cái café cho ấm bụng, hút điếu thuốc cho hồn vía trở về, cho cái vong linh tỉnh trở lại. Dễ mà, gì chứ café ở Paris... bán đầy đường. Chỗ nào cũng là quán hàng đẹp đẽ lịch sự với những ông bồi Tây sạch sẽ, khăn trắng luôn luôn vắt trên tay và cái thói quen quái đản là kẹp chai nước giữa đùi để mở nút. Ấy, Tây Âu mấy ngàn, mấy trăm năm văn hiến, tôi không cần biết, nhưng cái vụ kẹp chai vào háng và phạt tiền vì không mua vé xe lửa trước thì tôi không thể ngửi nổi. Có thể vì thế mà Tây đói cứ dài người ra. Đói mà lại hay làm... bảnh mới là phiền quốc dân đồng bào. Nói cứ như... Bố nằm với Mẹ mà toàn là... của người phúc ta không hà.
Mọi việc xong xuôi, tôi chán Tây quá rồi bèn nhờ vợ chồng Phương chở ra ga sớm vì đường đất Paris từ 4 giờ là kẹt xe khủng khiếp. Ai vô phúc bị bệnh, bị tai nạn thì cứ gọi là cầm chắc cái chết trên xe cứu thương, vì có hú còi đến vỡ tung cái thành phố đẹp nhất Âu châu là Paris này cũng chẳng có cái xe nào tránh chỗ cho đi. Tôi chưa tìm ra, chưa biết đánh vần chữ “lịch sự” ở Tây. Hoài của.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười