Books are lighthouses erected in the great sea of time.

E.P. Whipple

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hôm Nay Thức Dậy
ôm nay thức dậy không còn thấy mọi người, không còn thấy mặt người. Vây phủ quanh đời nói tiếng yêu thương” (Trịnh Công Sơn). Hôm nay thức dậy. Một mình. Bao nhiêu mệt mỏi của một cuối tuần. Bây giờ mới thấm. Tôi như người mộng du. Ở San José, mở mắt dậy, tưởng ở nhà. Về đây rồi. Còn tưởng sáng San José 6, 7 giờ sáng khi mọi người thức dậy, các con đi học thì tôi... ngủ. 3 giờ chiều mới mở mắt. Ngày hay đêm. Ở đâu đây. Chẳng biết. Chẳng cần biết. Mấy chục năm như thế rồi. Giờ đã gần cuối đời. Có cần thiết phải thay đổi một... thói quen. Một thói quen mọi người cho là... xấu. Khó chịu. Nhưng đáng yêu với tôi. Thói quen nào cũng đáng yêu. Yêu người, thương áo quen hơi ngọt ngào. Yêu đêm tối có nỗi cô lẻ mênh mông. Hơi áo người yêu. Tôi không chia cho ai. Đêm tối bao la kia. Không ai chia cho tôi. “Một người điên trong thành phố.” (Trịnh Công Sơn).
Đi. Về. Rồi lại đi, về. Cứ như thế. Chẳng cần biết nơi mình đến trời có xanh? Nơi mình về trời có vui? Những thành phố giống nhau đến nhàm chán. Những khuôn mặt da trắng, tóc vàng, mắt xanh... nhìn hoài nhìn mãi. Tôi đi ngơ ngác, chán chường với một điểm hy vọng nhỏ nhoi. Đến với người mình còn yêu. Còn yêu mình.
Trời đã vào Thu. Cơn mưa bất chợt phủ trùm thành phố. Vẫn tìm đến như đã tìm đến nhau. Mưa ngoài trời. Mưa trong lòng, trong mắt, trong cả môi cười. Đến với nhau. Lòng như đại dương. Tình như non cao. Giữa đời suối khe. Mưa nữa đi. Lạnh thêm chút nữa. Cho lòng thêm chút ấm. Vẫn chưa đủ, vẫn còn xa quá. Bao nhiêu cho đủ. Bao nhiêu cho vừa. Xuân. Không thấy Xuân vui. Hạ không thấy lòng bớt nhớ những chiều qua phố xưa. Thu. Nỗi nhớ nhiều hơn. Nhớ nhiều quá. Yêu nhiều quá những cơn mưa phùn Đà Lạt, những con dốc nhấp nhô, mái nhà ngói đỏ phơi mình giữa màu xanh của lá. Chưa lạnh lắm nhưng đủ để thu mình ở một góc nhỏ café Tùng. Hơi nóng từ ly café chuyền qua ấm dần hai tay giá lạnh. Thú vị lắm. Ngồi ở nhà thủy tạ, một mình nhìn mưa bay trên hồ Xuân Hương. Mưa bay dịu dàng. Nỗi buồn cũng dịu dàng. Trong cơn điên dịu dàng. Mướn taxi chạy xuống phi trường Liên Khương. Không đón đưa ai. Đến để nhìn mọi người đưa đón nhau. Xem vui buồn đến đâu. Chạy lên phi trường Cam Ly, cũng chẳng đến đưa ai. Phi trường vắng lặng. Phi đạo nằm xoải im lìm chờ đợi. Như một người chờ một người. Người không đến thì ta đi. Phi đạo nằm lại. Tiếp tục chờ đợi. Nắng. Mưa. Ngày. Đêm. Phi đạo Cam Ly vẫn còn đó.
Bốn mùa buồn. Bốn mùa chờ đợi. Một chờ đợi dịu dàng. Nhớ Sài Gòn. Chạy ra chợ Hòa Bình rinh một sọt chuối Laba. Nhảy lên xe đò Minh Trung. Đi ghé Định Quán ăn cơm thịt heo quay. Xe ghé Định Quán cũng lại cơm. Tới Sài Gòn chỉ ở lại một ngày. Làm một vòng Sài Gòn Chợ Lớn. Phân phát hết sọt chuối. Lại nhảy lên xe Minh Trung về lại hồ Than Thở. Nhưng không thở than.
Một thời 20 rất bụi đời, rất vỉa hè. Đến như gió. Đi như gió. Từ đâu tới. Đi về đâu. Không biết. Không cần biết. Đáng yêu biết bao những ngày tháng sống lãng đãng như mây trời, biển khơi. Phà khói thuốc vào sương mù Đà Lạt. Buổi sáng thức dậy, ngửi mùi thơm của thông. Nghe thông reo nhè nhẹ. Mặc áo len cổ tròn, quàng cổ, quần jean, thế là... xuống
phố. Có lúc đi giữa mưa vẫn nghe tiếng chân mình rộn rã reo vui trên mặt đường loang nước. Ở ngã tư. Xe đò, xe lam từ hướng Chi Lăng chạy ra. Bước lên xe ngồi xuống. Bao giờ tôi cũng ngồi ngoái lại trường tiểu học Phan Chu Trinh nằm bên kia đường. Tôi đã học ở đây năm 1956. Xe qua nhà vãng lai dành cho các sĩ quan Không Quân nghỉ mát. Qua ga xe lửa. Tiệm phở ở ga ăn cũng khá. Đổ một con dốc. Rồi một con dốc nhỏ nữa, qua nhà thương Soyer, trường Yersin. Xe cứ chạy. Bên trái là sân vận động, sân tennis. Khách sạn Palace. Đường rẽ lên nhà thờ chính tòa Đà Lạt. Bên phải là hồ Xuân Hương. Vòng theo một bùng binh. Ngang qua khu quân vụ thị trấn, xe đò lên dốc. Vào bến đậu ngay cạnh café Tùng. Vào làm một ly đã. Mọi chuyện tính sau. Ngày nào cũng thế, năm nào cũng thế. Không thay đổi.
Không ai có thể “bẩy” tôi ra khỏi Đà Lạt lúc đó, dù là ông Cương khểnh, dù là ông Trịnh Công Sơn. “Sợi tóc em bồng trôi nhanh. Trôi nhanh.” Mỗi người một đời nhỏ nhoi, mỗi người một góc trời nhỏ nhoi. Sơn không biết gì về tôi. Tôi không biết gì về Sơn. Không cần thiết. Sơn không bao giờ hỏi. Tôi không bao giờ hỏi. Một người hát nhạc một người. Anh Sơn và Mai.
Tôi chỉ thực sự là tôi. Thực sự hạnh phúc khi được hát. Sau này nhạc anh Sơn. Đó là Trịnh Công Sơn. Không bao giờ hối tiếc. Sau này có ông Trầm Tử Thiêng. Tôi không bao giờ hối tiếc. Trong đời, tôi cũng đã gây nên nhiều lầm lỡ. Ân hận hối tiếc đã nhiều. Những vấp ngã ít người tránh khỏi. Nhiều hay ít mà thôi. Song trời đưa đẩy tôi gặp Sơn. Trời cho tôi những ngày đẹp đẽ đáng yêu nhất. Tôi không bao giờ hối tiếc. Nếu có kiếp sau. Tôi cũng xin gặp lại Sơn, như đã gặp. Ở Đà Lạt. Ở Việt Nam. Ở trong đời.
Mùa Đông cũng đã gần kề. Mùa Đông Đà Lạt như mùa Thu kéo dài. Thêm chút lửa ấm từ lò sưởi ngọt ngào mùi gỗ thông. Đêm Đà Lạt bao giờ cũng lạnh. Hơn, kém một tí cũng không cho ta thấy rõ mùa đang chuyển. Bốn mùa xoay quanh những thói đáng yêu... Hương café thơm ngát qua bao nhiêu suối khe đồi núi. Dốc tháp, dốc cao. Mái nhà ngói đỏ và mùi thơm của gỗ thông. Tôi yêu Đà Lạt vô chừng. Như một người tình. Hơn một người tình. Tôi rời Đà Lạt không ngờ, như khi đến. Rời xa mà vẫn yêu. Yêu nhiều hơn vì trong cái yêu có cái tiếc nuối mặc dù sự việc rời bỏ Đà Lạt năm 1967 đã đưa tôi đến một đổi thay, đến một hạnh phúc may mắn không bao giờ tôi dám nghĩ đến. Năm 1964 khi Trịnh Công Sơn rủ tôi về Sài Gòn đi hát với anh. Tôi từ chối. Không phải vì không yêu nhạc Sơn. Nhưng lúc đó tôi yêu Đà Lạt hơn. Cái lối sống xô bồ, ồn ào mánh mung của Sài Gòn không hợp với tôi. Trong khi đó Đà Lạt là thiên đường. Êm ả, trong sáng. Sài Gòn đó không có một chỗ đứng nào cho tôi. Là một người không hề có một chút tham vọng. Thích an phận, bằng lòng với những điều mình có. Một đứa con gái tầm thường như tôi. Những ngày tháng ở Đà Lạt đã là một an ủi quá đủ rồi. Với làm chi những điều quá xa vời. Cũng không hề mơ ước một đổi thay. Hơn thế nữa con người tôi, tâm hồn tôi hợp với Đà Lạt hơn. Thế mà rồi tôi đã rời xa nơi chốn đã cho tôi biết bao ngày tháng đẹp đẽ trong sáng.
Một ngày của năm 1967. Tôi đến Nha Trang. Vùng biển xanh, cát trắng. Không một chuẩn bị nào cho nơi chốn mới. Thì cũng đến hát là cùng. Vẫn còn cơ hội để không trở lại Sài Gòn. Một vài tháng phù du đủ làm đời tôi nổi sóng. Nha Trang không có gì quyến rũ. Nha Trang tầm thường quá so với Đà Lạt. Nhưng tôi không muốn trở về Đà Lạt. Nơi tôi muốn ở
nhưng vẫn phải đi. Trên một chuyến xe đò. Tôi và các con tôi trở lại Sài Gòn. Một nơi cũng đã làm tôi sợ hãi. Cùng với hạnh phúc tuyệt vời. Tôi cưu mang cho đến cuối đời.
Mùa Thu nhẹ nhàng cho những tâm hồn đa sầu, đa cảm, đa tình, lãng mạn. Gợi biết bao nhiêu cảm hứng cho thi, văn, nhạc sĩ. Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa. Đông đến. Mùa Đông ở xứ Mỹ bàng bạc khắp nơi màu trắng của tuyết. Cái lạnh lẽo bao trùm cả trời đất. Cả lòng người. Nhất là những người xa quê hương lưu lạc trôi nổi. Giáng sinh đã gần kề. Gần lắm rồi. Ở đây Giáng sinh được đón chờ nhiều hơn Tết Nguyên đán. Bà con gửi thiệp cho nhau. Quà cáp tặng nhau. Người lớn, trẻ con. Ai có phần nấy. Rộn ràng nhộn nhịp trong tiếng nhạc đón mừng con Đức Chúa Cha xuống trần gánh chịu tội lỗi của loài người. Và tội lỗi đó vẫn tiếp tục một cách thản nhiên. Chắc Chúa cũng phải hối hận khi đặt loài người trên tất cả mọi loài. Nhưng dù gì, mọi người, mọi nơi đều rộn ràng chờ đón Giáng sinh. Giàu có thì huy hoàng. Nghèo khó cũng ráng cho được một cây thông nhấp nhánh những ngọn đèn xanh đỏ, tím vàng. Gọi là có với gia đình. Ấy, đôi khi nghèo mà vui. Bạn bè vài ba người quây quần bên mâm cơm. Ôn lại kỷ niệm cũ. Bạn bè cũ. Đứa nào còn, đứa nào đã về với Chúa. Hạnh phúc, niềm vui, không tìm được ở nơi chốn ồn ào náo nhiệt. Ở những nơi đó thường thiếu sự thật thà, sự tử tế. Bởi có những người đến với nhau không có lòng thật thà, không có lòng tử tế. Bởi cả hai điều này ngày càng ít đi.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười