A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Tác giả: Sri Boorapha
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1140 / 15
Cập nhật: 2017-09-23 17:37:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
au khi dùng bữa trưa xong và nghỉ ngơi một hồi lâu, chúng tôi cùng nhau đi men con đường lớn theo hướng triền núi cao dần. Hai bên đường không có một bóng nhà, xa xa trước mặt chúng tôi là đỉnh núi cao vời vợi, có khoảng bốn tới năm túp lều được dựng lên cho thấy vẫn có người cư trú tại đó. Họ làm nương rẫy sống qua ngày và vùng đất nhỏ nhỏ trên đỉnh ngọn đồi là tất cả thế giới của họ. Trên suốt chặng đường, chúng tôi không bắt gặp một du khách nào cho tới khi đến điểm dừng chân cuối cùng trên đỉnh một ngọn núi cao. Chúng tôi ngồi nghỉ ngơi dưới tán một cây tuyết tùng cổ thụ, cành cây vươn tỏa khắp nơi.
Tôi sẽ không miêu tả chi tiết tới những gì chúng tôi đã trải qua tại đó mà sẽ nói sâu hơn tới một cuộc đối thoại, thứ đã bộc bạch một cách rõ ràng mọi khía cạnh trong đời sống của công nương Kirati. Tôi đã nhắc lại câu chuyện mà chúng tôi từng nói với nhau trong khu vườn của khách sạn Kaihin một lần nữa.
“Tôi muốn biết nguyên nhân nào khiến công nương quyết định kết hôn với ngài hầu tước?”.
“Xem ra cậu vô cùng hứng thú với vấn đề kết hôn, cậu đang chuẩn bị cho điều đó ư?”.
“Không phải”. Tôi vội trả lời. “Tôi không định chuẩn bị gì cho vấn đề hôn sự của mình. Và tôi cũng không mảy may quan tâm đến chuyện kết hôn của người đời. Tôi chỉ quan tâm đến câu chuyện của công nương mà thôi”.
“Sao cậu lại phải quan tâm đến chuyện riêng tư thầm kín của ta?”.
“Công nương chẳng phải đã từng nói trong số tất cả những người bạn của mình, công nương coi tôi là tri kỷ ư? Và hình như cũng chỉ có một người bạn duy nhất như vậy?”.
“Nhưng cậu muốn biết làm gì?”. Nàng nói một cách mềm lòng, “Cuộc đời ta là một cuộc đời không may mắn, nguyên nhân trong cuộc hôn nhân của ta xuất phát từ một người đàn bà bất hạnh nhất trong tình yêu, chẳng có điều gì tốt đẹp mà cậu nên nghe. Và nó có thể khiến cậu thấy buồn, đáng tiếc hay đáng đời cho sự bất hạnh của ta, chẳng vui chút nào đâu. Cậu quen biết ta khi là chính ta của thì hiện tại là tốt rồi, và có lẽ thế là đủ. Cậu không nên biết quá nhiều về phía sau cuộc đời ta, có khi cậu lại không thấy vui vì điều đó”.
“Tôi không phải người nhút nhát, mềm yếu, càng biết đó là chuyện liên quan đến sự buồn đau của công nương, tôi càng cảm thấy mình nên nghe”.
“Nopporn, dạo này sao cậu nói năng nghiêm túc quá vậy”. Nàng cười trìu mến, “Ta thường không cấm cản được cậu điều gì”.
“Hai người em gái của công nương cũng đã kết hôn rồi, không phải sao?”. Tôi tiếp tục câu chuyện.
“Chúng kết hôn trước ta tận bảy, tám năm, giờ đây, chúng đang sống hạnh phúc bên chồng của chúng - mà không phải là ‘một ông chồng có tuổi’. Cũng không phải chỉ hạnh phúc thôi đâu, chúng có một cuộc sống gia đình với cả tình yêu và hạnh phúc”.
“Thật là đáng tiếc”.
“Bởi vì hai em gái ta chung sống hạnh phúc và tràn đầy tình yêu với chồng của chúng ư?”.
“Không phải. Tôi rất mừng cho họ. Nhưng tôi thấy buồn cho trường hợp của công nương”.
“Cậu đang muốn bình luận cho ta nghe hay muốn nghe câu chuyện từ chính miệng ta”.
“Tôi đã sẵn sàng lắng nghe rồi, thưa công nương!”.
“Cậu cũng biết rằng, ta kết hôn với ngài hầu tước mà không có tình yêu”. Công nương Kirati bắt đầu câu chuyện. “Điều mà cậu muốn biết từ ta lúc này là tại sao ta lại đồng ý lấy ngài hầu tước mặc dù không có tình yêu. Để cậu có thể sáng tỏ vấn đề này, ta cần phải cho cậu biết rõ một vấn đề quan trọng, đó là tại sao ta lại kết hôn khi đã ở độ tuổi ba lăm, ở cái độ quá thì đối với một người phụ nữ thành thân lần đầu. Cậu cũng thấy rằng, phần lớn phụ nữ sẽ lấy chồng ở độ tuổi từ hai mươi tới hai mươi lăm. Hay muộn lắm thì cũng không quá hoặc không nên để đến ngưỡng ba mươi. Nhưng tại làm sao ta lại thành hôn khi đã chạm ngưỡng ba lăm, tức là ở cái độ quá thì. Cậu có thể cố gắng bênh vực ta, cho rằng ta vẫn còn trẻ trung lắm. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đấy thực sự là độ tuổi quá già so với thực tế. Bởi một lý do nào đó, cậu chưa từng hỏi ta về vấn đề này. Cậu có thể không để ý bởi cho rằng nó không quan trọng, nhưng bản thân ta lại cảm nhận được sức nặng của nó và quan trọng tới mức có thể coi là gốc rễ của các vấn đề tiếp sau đó. Sở dĩ ta kết hôn mà không có tình yêu, ta sẽ trả lời cậu hai vấn đề để cậu có thể hiểu rõ câu chuyện của ta, rồi cậu sẽ thấy trời trong xanh không một gợn mây. Ta cần phải kết thúc sự hoài nghi của cậu, vì ta cũng sẽ không bị làm phiền bởi hàng loạt những câu hỏi ấy nữa”.
Công nương Kirati ngừng nói rồi nhìn thẳng vào mắt tôi. Lúc đó, tôi đang ngồi tập trung tinh thần, lắng nghe từng lời của nàng. Chúng tôi ngồi trên một tấm thảm hoa vuông khá rộng, thậm chí có thể duỗi chân để trò chuyện cho thoải mái nhưng cả hai đã không làm như vậy. Công nương Kirati ngồi dựa tay vào chiếc gối, bên cạnh cây tuyết tùng.
“Tôi thực sự muốn biết tại sao công nương lại chờ đợi tới tận bây giờ mới kết hôn? Tôi thực sự ngốc khi chưa bao giờ hỏi công nương về vấn đề này”.
“Cậu khờ hay là do chỉ biết suốt ngày khen ta trẻ đẹp?”. Nàng nói với giọng nửa đùa nửa thật. “Ta vừa mới kết hôn, nhưng cũng không phải cất công chờ đợi hôn lễ này. Nói như vậy, cậu có lẽ sẽ đoán rằng, thời thanh xuân của ta trải qua nhiều điều mới mẻ, hồi hộp. Thế nên, để cậu không phải mất thời gian đoán này đoán nọ, mà chắc là cậu sẽ đoán sai hết, ta sẽ nói trước với cậu rằng, cuộc đời của ta không có cái gọi là đấu tranh vì tình yêu, không lãng phí những giọt nước mắt hay lên thiên đàng rồi lại xuống địa ngục, cũng không có chuyện gì hồi hộp đáng nhớ kiểu như vậy. Cuộc sống của ta cách xa với những điều đó. Trong cuộc đời ta chỉ toàn những câu chuyện hết sức bình thường và có lẽ nó quá đỗi bình thường đến mức thất vọng. Chính điều đó đã khiến ta trở thành một người đàn bà bất hạnh”.
“Tôi không muốn phản biện nhưng cũng muốn tin rằng, trong cuộc đời đầy thăng trầm của công nương có lẽ không có một sự việc nào ly kỳ và lạ lẫm”.
“Cậu bé tốt của ta, cậu nên nghỉ học và trở thành một thầy bói bởi cậu luôn biết rõ chuyện của ta hơn cả bản thân ta nữa”.
Công nương Kirati tiếp tục câu chuyện.
“Cuộc sống thời con gái của ta khá hạn hẹp. Ta không có cơ hội vui chơi giải trí với những người bạn cùng trang lứa bình thường khác. Ta không cố ý tách mình ra khỏi những quý cô đó. Ta không phải quan, nhưng ta là con quan. Vào thời kỳ vẫn chưa có sự thay đổi chính quyền đó, cậu chắc cũng biết rằng, ngài là một ông quan chính thống, ngài sống trong thế giới của riêng ngài. Cha của ta cố gắng biến ta và những người con của ngài trở thành những ông chủ, bà chủ giống như ngài. Ta được học tập một cách bài bản ở trường học. Khi tới tuổi dậy thì, ngài kìm kẹp ta trong thế giới của ngài để bảo vệ ta khỏi những tác động từ thế giới bên ngoài. Ta tiếp tục được theo học với Mèm già[8] ở tại nhà của ta, hay theo cách gọi thời đó là ‘cung’. Ta được biết chút ít đến thế giới bên ngoài thông qua cô giáo Mèm, mà cô ấy cũng lớn tuổi rồi chứ. Cô ấy cũng chẳng khác gì những bà cụ già ở đất nước ta. Những câu chuyện của cô cũng xoay quanh vấn đề về công, dung, ngôn, hạnh. Cũng vẫn còn may khi cô ấy chỉ cho ta biết rằng, trên thế giới này vẫn còn có những loại sách như Vogue hay Maccols[9] có thể giúp giữ gìn sắc đẹp tươi trẻ rạng ngời của ta để nó bền bỉ với thời gian như một đóa hoa tú cầu”.
“Ta ở nhà học cùng cô giáo Mèm, thỉnh thoảng cha ta gửi ta vào trong cung để phục vụ một vài người họ hàng, vốn là những phu nhân quyền quý. Tuổi trẻ của ta đã trôi qua như thế trong nhiều năm, ta phải sống trong thế giới thượng lưu lâu tới mức ta không có cơ hội để nhận ra rằng, tuổi trẻ là tài sản quý giá nhất đối với một người con gái và ta nên trải qua khoảng thời gian thanh xuân đó như thế nào cho có ý nghĩa. Lúc đó, dường như ta chưa từng một lần hỏi bản thân rằng, liệu có phải là lựa chọn đúng khi ta che đậy tất cả sự tươi trẻ, thanh tân của mình khỏi con mắt của người đời? Cuộc sống còn có gì là thú vị nữa? Không sống đúng với khoảng đời thanh xuân nhất của mình là việc làm thông minh ư? Lúc đó ta không có ham muốn gì cả bởi ta không được giáo dục để trở thành người sống theo lý trí, ta đi theo con đường mà họ đã định sẵn, một con đường rất hẹp theo phong tục tập quán truyền thống”.
Công nương Kirati ngừng nói trong chốc lát. Tôi liền nhân cơ hội cất lời.
“Nhưng công nương mà tôi quen biết không giống như vậy chút nào. Công nương là người cẩn thận, chín chắn và thông minh hơn người bình thường như tôi rất nhiều”.
“Xin đừng nói rằng ta thông minh hơn cậu hay bất kỳ ai. Việc hòa hợp được với nhiều người coi như là phúc đức của ta rồi. Những sự việc trong nhiều năm sau đó biến ta trở thành một người chín chắn. Ngoài ra, cô giáo Mèm thường tìm nhiều sách hay bằng tiếng Anh cho ta đọc, đó là động lực giúp ta trở nên yêu đọc sách, rồi yêu luôn cả nghệ thuật, yêu mọi thứ thuộc về cái đẹp, rồi cũng thành một người cẩn thận. Ta nghĩ rằng, ta đã có được những tính cách đó rồi, mặt khác, việc ta giữ gìn sắc đẹp tươi trẻ của mình cũng chỉ để động viên tinh thần của ta lúc đó mà thôi. Ta đã nói rồi, ta vẫn chưa có ý định sẽ làm gì với tuổi trẻ của mình để hy vọng có được lợi ích to lớn cho bản thân ta”.
“Nếu như vậy, tôi thực sự thông cảm với công nương”. Tôi xen đôi lời giữa câu chuyện.
“Nhưng nghệ thuật đã giúp ta”. Nàng tiếp tục: “Ta không có thời gian để ngồi suy nghĩ hay buồn chán quá lâu. Ta có việc để làm gần như suốt cả ngày. Ta quan tâm tới việc vẽ tranh và dùng nhiều thời gian để luyện tập như cậu đã biết đó. Ta rất thích thú với công việc này. Ngoài ra, ta còn có một công việc cần làm hằng ngày, đó là duy trì sắc đẹp tươi trẻ của mình tới mức bền lâu nhất có thể. Ta tiêu tốn nhiều giờ trong một ngày vào công việc đó khiến nó gần như trở thành một hoạt động thường xuyên”.
“Thật khó tin”. Tôi không nén được sự nghi hoặc. “Công nương làm những gì mà cần tới nhiều thời gian và cả ngày như vậy? Thoa phấn, trang điểm, tô son chắc cũng chỉ một tiếng là đủ”.
Nàng cười, ánh mắt rạng rỡ vô cùng.
“Thực tế, nó phức tạp hơn cậu tưởng nhiều. Có lẽ cậu không hiểu hết về phụ nữ đâu. Ta cũng không mong cậu sẽ vội đưa ra kết luận rằng, ta dùng nhiều giờ đồng hồ trong ngày vào việc ấy một cách vô ích. Cậu cần thông cảm cho người phụ nữ. Chúng tôi sinh ra đã được mặc định như một món đồ trang sức của thế giới, làm đẹp cho đời và phải làm trách nhiệm đó một cách tốt nhất có thể. Chúng tôi cần phải chăm sóc giữ gìn thân hình của mình cho hoàn hảo nhất. Đúng, đó không phải là nghĩa vụ duy nhất hay là tất cả với người phụ nữ, nhưng cậu chắc không phản đối rằng, đó là một trách nhiệm của chúng tôi”.
“Tôi không có ý kiến gì về chuyện này, bởi ngoài sự tốt bụng, những người đàn ông luôn kiếm tìm cái đẹp ở người phụ nữ”.
“Hơn thế nữa, nhiều khi lòng tốt của người phụ nữ cũng bị gạt sang một bên nếu không đi liền với cái đẹp”. Công nương Kirati nhấn mạnh, “Khi em gái út của ta lấy chồng, ta luôn mơ tưởng đến tình yêu, cuộc sống tươi trẻ của ta cũng tràn đầy hy vọng. Hai năm sau đó, em gái thứ của ta cũng thành hôn cùng người con trai cô ấy yêu. Chính lúc đó, ta bắt đầu cảm thấy mình bất hạnh. Khi ấy ta hai mươi chín tuổi. Em gái ta lấy chồng năm hai mươi sáu tuổi. Lễ thành hôn cùng niềm hạnh phúc của con bé đã đâm nhói vào cảm xúc của ta. Nopporn, cậu phải tin rằng, ta không ghen tỵ với em gái mình. Ta yêu thương nó không khác gì chính bản thân ta, nhưng ta cảm thấy buồn tủi cho số phận của mình. Lúc này, thật khó để ta có thể giải tỏa nỗi niềm trong lòng với cậu, bởi có vẻ như ta sẽ thành người thích khoe khoang, kể lể một cách đáng xấu hổ. Cậu tin là cậu đã hiểu rõ con người ta rồi sao?”.
“Tôi là tri kỷ của công nương. Tôi hiểu rất rõ và rất thông cảm với nỗi lòng của công nương”.
“Cậu tin vào đức hạnh của ta ư?”.
“Tôi chưa bao giờ nghi ngờ”.
“Cậu chắc chắn sao?”.
“Chắc chắn, tôi không dao động một chút nào cả”.
“Lời khẳng định của cậu chắc nịch như lời tuyên thệ vậy. Thế nên, ta sẽ nói tiếp cảm xúc của mình một cách trung thực và thật lòng”. Nàng lướt ánh nhìn qua đầu tôi, ánh mắt của nàng vẫn sáng ngời, nhưng phảng phất nỗi buồn man mác. “Khi hai mươi chín tuổi, ta vẫn đẹp và tươi trẻ hơn cả em gái của ta. Ta là người may mắn khi sinh ra đã có được vẻ đẹp trời ban, nhưng ta là người bất hạnh khi không có được tình yêu. Và có lẽ chính vì vẻ đẹp đó mà ta bị bảo vệ, tách biệt với thế giới bên ngoài hơn các em của ta. Ta sẽ không cảm thấy bất hạnh chút nào nếu sinh ra là một người phụ nữ xấu xí. Nhưng thần thánh linh thiêng đã ban cho ta vẻ đẹp này, cớ sao lại không mở đường cho ta, cớ sao lại không ban cho ta tình yêu, cớ sao để cho vẻ đẹp này khô mòn trong hiu quạnh và trống rỗng, vẻ đẹp ấy được dày công chăm sóc, giữ gìn mà có lẽ rất nhiều phụ nữ không làm được”.
Tới lúc này, nét buồn ngày càng hiện hữu rõ hơn trong đôi mắt của nàng.
“Khi hai em gái của ta đều đã yên bề gia thất, ta cũng cảm thấy ngày càng cô đơn, hiu quạnh hơn. Nhưng khi suy xét đến sắc đẹp, sự tươi trẻ của bản thân lúc đó, ở độ tuổi hai mươi chín, ta vẫn hy vọng sẽ gặp được tình yêu của đời mình và kết hôn với người đàn ông mình yêu. Nopporn, cậu đừng nghĩ việc thú nhận cảm xúc chân thật của ta là điều gì đáng xấu hổ. Tình yêu là điều kỳ diệu, là ước vọng lớn nhất của đời người. Ta cũng giống như số đông khi luôn mong muốn, mơ tưởng tới tình yêu và lễ cưới. Ta hy vọng được thổ lộ và được tự mình cảm nhận những câu chuyện thường nhật trong một thế giới mới như hai em gái của ta. Ta mong muốn có được ngôi nhà của riêng mình để có thể gắn kết, liên lạc với thế giới bên ngoài. Ta hy vọng có đứa con nhỏ để có thể được chăm sóc, yêu thương nó hết lòng. Ta muốn dùng vòng tay của mình sưởi ấm cho những đứa trẻ khác, vẫn còn nhiều điều mong ước tốt đẹp mà ta nghĩ đến, chỉ cần ta gặp được tình yêu”.
“Những hai mươi chín tuổi mà vẫn chưa từng yêu ai cũng đã coi như không may mắn rồi. Nhưng ta là người đen đủi nhất trong chuyện này. Cái mong ước lớn lao của ta hết năm này qua năm khác vẫn mãi không thể trở thành sự thật, niềm hy vọng cũng nhạt dần, cho tới khi đến tận năm ta ba mươi tư tuổi, ngài hầu tước Atikanbodi đã bước vào cuộc đời ta”.
“Hầu tước và cha ta là chỗ quen thân. Cha ta khi đã về già cũng không nghiêm khắc lắm. Vì thế, khi hầu tước bày tỏ nguyện vọng muốn được thành thân với con gái cả của ngài, vốn dĩ đã trở thành ‘thành phần tồn đọng’ ở trong nhà quá lâu rồi, ngài cũng vui vẻ cho phép. Ngài nhìn nhận một cách trung thực rằng, việc hầu tước xin cưới ta là con đường duy nhất giúp ta có thể bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Ngài e ngại, nếu ta từ chối thì nghĩa là ta chấp nhận cuộc sống đơn thân suốt cuộc đời này. Và nếu đó là sự thật, ngài sẽ thấy rất buồn. Ta hiểu rõ rằng, cha yêu thương và thấu hiểu nỗi bất hạnh của ta hơn bất cứ ai. Ngài hy vọng sẽ được thấy ta kết hôn, mong ta được hạnh phúc. Ngài tin rằng, việc để một người phụ nữ có nhan sắc như ta sống đơn lẻ suốt đời là sự đau khổ quá mức chịu đựng của ngài. Tuy nhiên, cha chỉ động viên, khuyên bảo ta nhận lời hầu tước, còn quyết định cuối cùng vẫn là do bản thân ta”.
Nàng đưa mắt nhìn tôi, cười buồn và tâm sự. Lòng tôi cũng trở nên yếu mềm theo nỗi buồn chất chứa từ nụ cười và đôi mắt tuyệt đẹp ấy.
“Khi ta biết được ý nguyện của hầu tước, ta vô cùng thảng thốt; khi được nghe lời khuyên nhủ từ cha, mong ta hãy thành thân cùng hầu tước, ta đã nước mắt lưng tròng. Ta khóc bởi nhiều cảm xúc đan xen. Cha hiểu nên đã an ủi ta rằng: ‘Con gái, cha không hề coi thường con. Cha rất hiểu lòng con. Con là người con ngoan nhất và xinh đẹp nhất trong số những đứa con yêu của cha. Không gì có thể diễn tả hết được niềm tự hào của cha về con. Cha biết rằng, con không thích hợp với một quý ông cao tuổi như ngài hầu tước Atikanbodi. Cha mong con sẽ được thành thân cùng người mà con yêu, người có địa vị và độ tuổi hợp với con. Nhưng số phận lại không công bằng với con. Cha rất tiếc cho sự xinh đẹp và ngoan hiền của con. Nhưng giờ con cũng đã ba lăm tuổi rồi, hãy thành thân đi con yêu, cùng với quý ông mà cha giới thiệu. Tuy rằng đã già, nhưng cũng là một người tốt’.”.
“Ta nói rất ít với cha. Ta nhớ rằng, ta chỉ biết khóc. Sau khi an ủi ta, cha tới hôn lên trán ta một cách tội nghiệp, rồi để lại ta một mình. Vào tối hôm đó, ta ăn mặc thật đẹp, rồi đứng trước gương trong phòng ngủ của ta một hồi lâu. Ta quan sát kỹ từng phần trên cơ thể, thân hình ấy vẫn trẻ trung và không có một khiếm khuyết nào. Ta tự nhủ thân hình tươi trẻ, quyến rũ này lại phải thành hôn với một quý ông ở độ tuổi năm mươi ư? Ta quả thật sinh ra đã không được yêu và phải tuyệt vọng trong tình yêu sao? Ta không tin điều đó có thể xảy ra. Nhưng khi nghĩ đến độ tuổi của mình, ta lại thẫn thờ một lần nữa, những giọt nước mắt cứ thế rơi. Khi ta cảm nhận được một cách chắc chắn rằng, lời cầu hôn của hầu tước là tín hiệu rõ ràng cho thấy hy vọng của ta đã tắt lịm, là tín hiệu thông báo với ta rằng, cơ hội để ta có thể tìm thấy tình yêu và được kết hôn với người ta yêu đã không còn nữa, thời gian của ta đã hết rồi”.
“Khoảng ba đến năm ngày sau, cha không hề hỏi han ta về chuyện đó, ngài chờ câu trả lời của ta trong yên lặng. Ta có một khoảng thời gian để chọn lựa, có lẽ đó là khoảng thời gian yên bình nhất mà ta có thể tìm được vào lúc ấy để tìm ra câu trả lời một cách nghiêm túc. Cuối cùng, ta cũng đưa ra quyết định nhận lời cầu hôn của ngài hầu tước”.
“Tại sao công nương không từ chối, kể cả lúc này đây công nương vẫn còn trẻ trung và rất xinh đẹp”. Tôi nói nghiêm túc: “Công nương chắc chắn sẽ gặp được tình yêu nếu chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa. Lúc ấy, công nương nên từ chối”.
“Nopporn, cậu nói như thể chưa có chuyện gì xảy ra vậy”. Nàng cười nhẹ nhàng.
“Thế giới này quả thật độc ác”. Tôi nghẹn lời.
“Con người có thể độc ác, nhưng thế giới vẫn rất đáng yêu, không phải sao? Cậu cứ thử đi hết một vòng mà xem”. Nàng nhìn tôi một hồi rồi nói, “Ta đang định nói với cậu nguyên nhân nào khiến ta quyết định như vậy”.
“Tôi không hiểu gì hết, tôi cho rằng đó là một lý do không chính đáng”.
“Cậu bé ngoan của ta, đừng vội nóng giận, đừng quên là chúng ta đang nói tới câu chuyện đã qua, một câu chuyện đã có hồi kết, không đáng để chúng ta phải tranh luận như vậy”.
Đằng Sau Bức Tranh Đằng Sau Bức Tranh - Sri Boorapha Đằng Sau Bức Tranh