"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Tác giả: Sri Boorapha
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1140 / 15
Cập nhật: 2017-09-23 17:37:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ự việc sau đó diễn ra một cách bình thường hoặc có đôi chút bất thường, nhưng không có ảnh hưởng gì mấy. Sự việc khiến tôi thổn thức diễn ra ở Kamakura vào cuối mùa hè.
Kamakura là một huyện nằm ven biển, cách thủ đô Tokyo khoảng một giờ đồng hồ nếu đi bằng xe lửa, ba mặt được bao quanh bởi đồi núi xanh ngắt, mặt còn lại hướng ra biển. Đây là một huyện ven biển có quang cảnh tuyệt đẹp, có bề dày lịch sử lâu đời, nổi bật bởi những ngôi chùa tháp của Phật giáo và Sito giáo cùng một pho tượng Phật lớn, có giá trị cao về nghệ thuật mà người Nhật gọi là daibutsu, điều làm nên danh tiếng nổi trội của Kamakura.
Vào hai ngày cuối tuần, số đông người dân Tokyo thường thích đi tắm biển, nghỉ dưỡng ở nơi đây bởi chỉ cần một ngày thôi, bạn cũng có thể tới tắm biển ở Kamakura được. Và đặc biệt, vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật, họ sẽ tổ chức các trò chơi khác nhau để du khách tới nghỉ dưỡng ở đây cảm thấy hài lòng bởi các dịch vụ giải trí đa dạng.
Ngài hầu tước quyết định sẽ ở lại nghỉ dưỡng ở Kamakura năm ngày. Công nương Kirati và tôi cũng vô cùng thích thú. Chúng tôi khởi hành từ Tokyo vào ngày thứ tư. Khi chúng tôi tới Kamakura, khách du lịch khá ít bởi giờ đã là thời điểm cuối hè. Nhưng ở khách sạn Kaihin, một khu nghỉ dưỡng vô cùng sang trọng, niềm tự hào của vùng biển Kamakura, khách nghỉ vẫn rất đông đúc. Tôi đã liên hệ đặt phòng từ trước đó, vì thế khi vừa đến nơi, chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình và mọi việc vô cùng thuận tiện. Ngài hầu tước và phu nhân nghỉ ở phòng đôi bao gồm cả phòng thư giãn và phòng tắm. Tôi nghỉ ở phòng đơn. Cả hai vị đều rất hài lòng về vẻ đẹp sang trọng của khách sạn Kaihin.
Tại khách sạn, ngài hầu tước tình cờ gặp lại vài người bạn đồng nghiệp, trong đó có một đôi vợ chồng người Mỹ và một đôi vợ chồng người Nhật. Bận bịu trò chuyện với những người bạn đồng nghiệp, ngài hầu tước đã cho phép công nương Kirati và tôi thi thoảng có thể tách ra ra ngoài đi dạo.
Thời gian bên nhau ở Kamakura đã khiến chúng tôi trở nên vô cùng thân thiết. Có những ngày, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ bàn ăn sáng, đôi khi lại bắt đầu từ sớm hơn thế. Chúng tôi gần như bên nhau cả ngày, nhiều lúc gia nhập hội bạn bè của ngài hầu tước, nhiều lúc chúng tôi cùng nhau ra ngoài vào ban ngày, đi chơi thuyền, đùa nghịch và đôi khi đi xem những người khác vui đùa trên bãi biển. Vào buổi tối, tôi thường tách riêng ra đi tắm biển bởi thời điểm đó, ngài hầu tước thường thích đi dạo xa xa dọc bờ biển và tôi cũng thấy hợp lý khi ngài nên dành thời gian riêng tư vui vẻ bên người vợ trẻ đẹp của ngài. Bởi vậy, khi được ngài hầu tước mở lời mời mà bản thân tôi hiểu rõ rằng, đó là lời mời chân thành, tôi đều từ chối với lý do muốn được tắm biển, đùa nghịch đôi chút, ngài hầu tước cũng vì thế mà thông cảm.
Có duy nhất một ngày, công nương Kirati xuống biển chơi đùa cùng tôi, có thể thấy nàng đã rất vui vẻ, tuy rằng theo như lời nàng từng nói thì bình thường nàng không thích thú với việc tắm biển cho lắm.
Việc đưa quý cô người Thái xuống tắm biển với người Nhật, có một điều không thuận tiện cho lắm. Đó là các cô gái Nhật thường không chú ý che đậy phần trên của cơ thể, các nàng ấy thường ăn mặc không được kín đáo cho lắm. Phụ nữ Nhật có lẽ có lý do riêng khi quên chú ý sự cần thiết trong chuyện này. Tôi e ngại rằng công nương Kirati sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng sự e ngại sớm của tôi có phần đi chệch hướng, nàng chỉ biểu hiện thái độ ngạc nhiên chứ không hề mở lời than phiền gì cả.
Đêm cuối cùng của chúng tôi ở Kamakura là chủ nhật. Theo thông lệ, khách sạn Kaihin thường tổ chức tiệc khiêu vũ vô cùng nhộn nhịp vào mỗi đêm chủ nhật. Những người không nghỉ tại đây cũng được quyền tham gia góp vui cùng mọi người nếu mua vé vào cửa khách sạn. Vào đêm chủ nhật đó có đông nghịt các quý ông và các quý bà tới dự tiệc tại phòng khiêu vũ. Ngoài người Nhật, có khoảng năm tới sáu người Thái bao gồm cả ba chúng tôi, xen vào đó là khá nhiều người châu Âu, người Mỹ và người Philippin. Ngài hầu tước Atikanbodi giống như được trở lại thành một chàng thanh niên vô cùng vui vẻ trong buổi tiệc. Ngài khiêu vũ nhiều điệu nhạc, đôi lúc sánh đôi cùng các quý bà da trắng, đôi lúc lại khiêu vũ cùng các quý cô người Nhật và uống khá nhiều sâm panh. Công nương Kirati cũng khiêu vũ một vài điệu cùng vài người bạn của ngài hầu tước, và nhấp vài ngụm sâm panh. Tôi cũng khiêu vũ vài ba điệu nhạc cùng một quý cô người Nhật mà tôi đã có dịp quen biết từ trước và cũng uống một chút sâm panh.
Bởi đêm đó là đêm cuối cùng chúng tôi nghỉ lại Kamakura nên công nương Kirati muốn ra ngoài đi dạo một lát. Ngài hầu tước khi biết được mong muốn này đã sẵn lòng cho phép bởi trong đêm đó, ngài cũng đang vui vẻ hết mình cùng nhóm bạn đồng nghiệp.
Công nương Kirati đã rủ tôi đi dạo, ngắm cảnh và xem các trò chơi cùng nàng, có đánh golf, skate và xem nhiều trò tại các cửa hàng, rồi đi bộ dọc bờ biển, đón gió mát, nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào và ngắm các vì sao trong màn đêm. Cuối cùng, chúng tôi quay về ngồi nghỉ ở trong khuôn viên của khách sạn, chỉ có khoảng hai, ba người chơi đùa ở đó. Khi đã tách ra khỏi đám đông và chỉ có hai người bên nhau trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tất cả cảm xúc của chúng tôi đều tích tụ lại ở câu chuyện của riêng hai người. Mùi sâm panh hòa lẫn với sự mềm mại của những điệu nhảy khiến tâm hồn và suy nghĩ của tôi thăng hoa hơn nhiều lần so với lúc bình thường. Tiếng nhạc Jazz hòa với điệu Rumba xập xinh vang ra từ phòng khiêu vũ.
“Ngài hầu tước có lẽ đang khiêu vũ rất vui, điệu nhạc Rumba nghe ấn tượng quá”. Tôi cất lời.
“Nhưng chắc ngài không chịu khiêu vũ điệu này đâu. Nó quá sôi động so với người có tuổi như ngài ấy. Nhưng trẻ như cậu chắc là thích phải không?”.
“Tôi không quan tâm đến khiêu vũ nên không ấn tượng đặc biệt với điệu nhạc nào cả. Điệu nào tôi cũng thích như nhau”.
“Ta để ý lúc cậu nhảy điệu Slow foxtrot[6], ta thấy cậu cũng nhảy đẹp ấy chứ”.
“Đó là vì bạn nhảy của tôi nhảy rất giỏi”.
“Ai vậy, trông bạn nhảy của cậu khá sắc sảo, không giống gái Nhật lắm”.
“Cô ấy là con gái của một thương nhân lớn. Đúng vậy, cử chỉ điệu bộ của cô ấy không hợp với con gái Nhật chút nào, bởi cô ấy được sinh ra tại Mỹ và ở đó tới khi mười lăm tuổi. Cô ấy tới Nhật Bản trước tôi có một năm, thế nên trông không giống gái Nhật cho lắm. Lần đầu gặp tôi, cô ấy đã thú nhận rằng vẫn chưa hòa nhập được. Với cách sống của dân tộc mình, vậy nên cô ấy thích gia nhập cộng đồng của người nước ngoài. Không biết thật lòng hay chỉ là lời nói xã giao, cô ấy nói với tôi rằng, cô ấy đặc biệt thích người Thái, cô ấy cho rằng, người Thái có cái gì đó là lạ mà đáng yêu”.
“Cô ấy đánh giá người Thái từ cậu đó”.
“Tôi không thấy cô ấy nói với mình như vậy, và tôi cũng không mong là như thế”.
“Nopporn, cậu là chàng trai đáng yêu và đáng được yêu thực sự”. Câu nói đó đã làm trái tim tôi loạn nhịp. Và khi tôi chưa kịp đối đáp lại, nàng nói tiếp: “Lúc chập tối, ngài hầu tước đã nói với ta rằng, ngài cảm thấy rất vui khi thấy ta và cậu trở nên thân thiết với nhau. Ngài nói rằng, cậu là chàng trai đáng yêu và ngài đã đoán đúng khi cho rằng ta sẽ rất thích cậu”.
“Ngài thực tâm bày tỏ niềm hân hoan như vậy sao? Ngài không thấy khó chịu khi thấy tôi và công nương thân thiết với nhau thật ư?”.
“Tại sao cậu lại hỏi như vậy?”. Nàng hỏi ngược lại. “Có gì không thoải mái trong mối quan hệ thân thiết của chúng ta và điều gì làm cậu nghi ngờ tấm chân tình của ngài hầu tước vậy?”.
Tôi thần người ra một lát.
“Tôi thấy buồn khi đã hỏi như vậy. Bản thân tôi cũng không biết điều gì dẫn lối khiến tôi đặt ra câu hỏi khiếm nhã đến như vậy. Tôi cảm thấy rằng, tôi chẳng có nguyên nhân gì cả, dù chỉ là chút ít khi nghi ngờ tình cảm tốt đẹp của ngài”.
“Cậu chắc chứ?”. Công nương Kirati hỏi lại tôi.
Tôi lại thần người ra trong phút chốc. Tôi không thể trả lời câu hỏi của nàng ngay lập tức.
“Đêm nay cậu làm sao vậy? Trả lời câu hỏi của ta không còn vững vàng như trước nữa”. Nàng vỗ nhẹ vào cánh tay tôi và chúng tôi cùng cười khi nhìn vào mắt nhau. “Cậu sợ rằng ngài hầu tước sẽ ghen với cậu phải không?”.
Tôi giật mình.
“Tôi có lý do gì để nghĩ như vậy chứ?”.
“Cậu vẫn chưa trả lời ta, ta đoán được suy nghĩ của cậu, đúng không?”.
“Công nương giống như phù thủy vậy”.
“Đáng sợ quá”. Nàng cười lớn. “Cậu có lý do gì khi nghĩ rằng ngài hầu tước sẽ ghen với cậu? Cậu không đáng để ngài hầu tước tuyệt đối tin tưởng ư?”.
“Ngài hầu tước và công nương mới là phía nên trả lời câu hỏi này, không phải sao?”.
“Tấm lòng cậu không đủ trong sạch ư?”.
“Cũng đúng, tôi không nên lo sợ điều gì mới phải”.
“Đúng vậy, nếu như cậu trong sạch. Ngài hầu tước không phải là người hay ghen”.
“Tôi biết ngài lâu rồi, ngài là người rất tốt, thế nên công nương chắc là rất yêu ngài?”.
Đến lượt công nương Kirati im lặng trong chốc lát.
“Ta thích ngài giống như một đứa trẻ thích ông tiên tốt bụng vậy”.
“Công nương vẫn chưa trả lời tôi về chuyện tình cảm, tôi muốn nói tới tình cảm vợ chồng, giữa nam và nữ”.
“Cậu cũng thấy là ta thế nào, ngài hầu tước như thế nào, chúng ta thuộc về hai thế hệ khác nhau, tình cảm của chúng ta như bị ngăn cách bởi một ngọn núi lớn khiến tình yêu khó có thể nảy sinh được”.
“Nhưng tình yêu vẫn có thể nảy sinh bất chấp khoảng cách về tuổi tác, không phải sao?”.
“Ta không tin vào loại tình yêu như vậy, ta không tin rằng nó sẽ có thật, ngoài việc chúng ta tự cho rằng nó có thể xảy ra như sự thừa nhận một cách sai lầm vậy”.
“Nhưng công nương cũng rất hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân của mình, vậy sao lại cho rằng không thể nảy sinh tình yêu giữa hai phía”.
“Niềm hạnh phúc mà người phụ nữ có được ở đây có lẽ sẽ khiến cho nhiều người lầm tưởng tình yêu có thể nảy sinh giữa người già và người trẻ. Ngoài ra, bản thân người phụ nữ, khi có được niềm hạnh phúc rồi cũng thường không quan tâm nhiều đến thứ gọi là tình yêu nữa, bởi vì dù có phải là tình yêu hay không, khi có được hạnh phúc thì chẳng cần thêm thứ gì nữa. Nhiều người sống với nhau cũng vì lẽ như thế, và số đông tin rằng tình yêu sinh ra hạnh phúc, nhưng theo quan điểm của ta thì không phải lúc nào cũng đúng. Tình yêu có thể là mầm mống của sự chịu đựng hay nhiều loại tội ác trong cuộc sống. Nhưng trong trái tim của những người sở hữu tình yêu như vậy, sẽ có một loại thần dược ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn họ suốt đời suốt kiếp - là sự yêu thương sâu nặng đến lạ kỳ. Ta chưa bao giờ cảm nhận được tình cảm đó trong cuộc đời, ta chỉ nói theo cách nghĩ của ta thôi”.
“Vậy công nương còn cần thêm thứ gì nữa khi công nương cũng đang có một cuộc sống hạnh phúc như vậy?”.
“Ta đâu nói rằng ta cần thêm điều gì nữa - hay nói chính xác hơn thì đó là điều cậu muốn nói. Ta không nói rằng trong lúc này ta vẫn đang muốn có tình yêu, thứ mà ta muốn là sự kiếm tìm. Nhưng ta không tìm kiếm tình yêu, ta biết rằng ta không có quyền trong chuyện này nữa, nhưng ta cũng không rõ hoặc không đảm bảo rằng tình yêu liệu có xuất hiện trong cuộc sống của ta không kể cả khi ta không chủ tâm kiếm tìm nó. Đúng là ta có lẽ đã có được hạnh phúc nhưng cậu hãy tin rằng có cả niềm hạnh phúc không xuất phát từ tình yêu”.
“Vậy nếu tình yêu đến, công nương sẽ làm thế nào?”.
“Ồ, ta đâu có chuẩn bị câu trả lời về chuyện này trước bởi nó có thể chẳng bao giờ xảy ra trong suốt cuộc đời ta. Việc mơ tưởng tới những điều như vậy có thể khiến chúng ta mất đi niềm hạnh phúc. Không có gì dại dột bằng việc lo lắng về những điều không có thật hay thứ chỉ có trong giấc mơ mà thôi. Cậu đừng quên rằng, có một con chim trong tay còn tốt hơn mong có hai con chim đậu trên cành cây. Việc có được niềm hạnh phúc mà không có tình yêu có lẽ sẽ tốt hơn việc mơ màng đến một tình yêu mà không có được hạnh phúc”.
“Thế còn ngài hầu tước, ngài có yêu công nương không?”.
“Ta không trả lời thay ngài ấy được. Ta biết rằng ngài yêu quý ta. Ngài có lẽ yêu ta giống như người lớn yêu quý trẻ nhỏ, nhưng đó cũng không phải tình yêu theo đúng nghĩa mà cậu muốn nghe phải không? Ta nói rồi, ta không tin vào tình yêu giữa đàn ông có tuổi và gái trẻ. Bởi vậy, ta cũng không hy vọng có được tình yêu sâu nặng từ ngài”.
“Ý của công nương là ngài không cần tình yêu, ngài không tìm kiếm tình yêu kể cả đối với người vợ của ngài sao?”.
“Đúng rồi, ý của ta là như vậy và ta cũng tin rằng sự thật là như thế”.
“Bởi vì sao kia chứ?”.
“Bởi ở cái độ tuổi này, tình yêu của ngài đã khô héo, thời của mùi vị tình yêu đã đi qua cuộc đời ngài rồi. Giờ đây, ngài không biết sẽ yêu như thế nào. Ngài không thể yêu ta, bởi ngài không có cái điều làm nên tình yêu - một tình yêu tuyệt đẹp của riêng ta”.
“Nhưng sao ngài trông rất hạnh phúc khi chung sống với công nương”.
“Cậu quên nhanh thật. Ta đã nói với cậu rồi, hạnh phúc cũng có thể có được mà không cần nuôi dưỡng bởi tình yêu. Ngài hầu tước cũng ở vào trường hợp giống như ta vậy”.
“Nếu không phải vì tình yêu, sao ngài lại kết hôn với công nương?”.
“Ngài muốn có được niềm hanh phúc mà ở thế hệ như ngài có thể có được. Hạnh phúc là điều mà con người ta cần có và luôn kiếm tìm cho đến hơi thở cuối cùng, cũng không quy định phải ở độ tuổi nào cả. Ngài kết hôn với ta bởi ngài tin rằng ngài sẽ có được hạnh phúc”.
“Thế còn công nương, lý do gì khiến công nương đồng ý lấy ngài hầu tước khi mà công nương không yêu ngài?”.
“Cậu muốn biết tại sao ta lại kết hôn với ngài? Ồ... đó là một câu chuyện dài. Chúng ta không đủ thời gian để nói hết trong đêm nay đâu”. Công nương Kirati đứng dậy, “Chúng ta đã ra ngoài lâu rồi, quay vào trong thôi Nopporn, ngài hầu tước chắc đang đợi rồi”. Khi tôi đứng dậy và chúng tôi bắt đầu đi, nàng nói tiếp: “Đêm nay, cậu hỏi ta nhiều quá Nopporn, ta đã trả lời nhiều câu hỏi mà không nên trả lời, nhưng ta nghĩ rằng, cậu muốn tìm hiểu về những chuyện như thế này”.
“Không đâu, tôi hỏi bởi tôi quan tâm đến những gì đã diễn ra trong cuộc sống của công nương”. Tôi trả lời một cách thoải mái.
“Nếu biết cậu hỏi bởi lý do này, ta chắc sẽ không trả lời nhiều câu hỏi của cậu. Cậu không nên quan tâm nhiều quá đến chuyện cá nhân của ta”.
“Công nương chắc không phủ nhận rằng, chúng ta bây giờ rất thân thiết”.
“Nhưng đó cũng không phải nguyên nhân mà cậu nên thể hiện sự quan tâm quá mức tới những tâm sự trong lòng ta”.
“Nhưng tôi trót quan tâm mất rồi và công nương cũng đã trả lời hết mọi câu hỏi của tôi rồi”.
“Bởi vì ta bị ăn gian”.
“Bị ăn gian một cách hạnh phúc cũng có chứ”.
“Ta bắt đầu chán cậu rồi đấy”. Công nương Kirati kéo tay tôi giục: “Đi nhanh hơn một chút, ta lo cho ngài hầu tước”.
Đằng Sau Bức Tranh Đằng Sau Bức Tranh - Sri Boorapha Đằng Sau Bức Tranh