I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Sri Boorapha
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1140 / 15
Cập nhật: 2017-09-23 17:37:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hi ngài hầu tước Atikanbodi đưa công nương Kirati, phu nhân của ngài đi hưởng tuần trăng mật ở Nhật Bản, tôi đang học ở trường Đại học Ryukyu. Khi đó, tôi chỉ mới hai mươi hai tuổi.
Ở Thái Lan, tôi là chỗ quen biết với ngài hầu tước bởi ngài với cha tôi là bạn hữu, và ngài cũng thường thể hiện sự quý mến với tôi sau mỗi lần gặp gỡ. Tôi cũng được quen biết với quý bà Atikanbodi trong thời gian đó. Sau khi đi du học ở Nhật Bản khoảng một năm, tôi nghe được tin dữ rằng phu nhân của hầu tước Atikanbodi đã qua đời vì bệnh cảm cúm nặng. Từ đó, tôi cũng không biết được thêm tin tức gì của ngài nữa. Cho tới khoảng hai năm sau, chỉ mới gần đây thôi, tôi lại được biết tin về ngài một lần nữa.
Ngài Atikanbodi viết thư gửi cho tôi nói rằng, ngài sẽ đến Nhật Bản cùng người vợ mới - công nương Kirati. Vì vậy, ngài nhờ tôi tìm giúp chỗ nghỉ chân và chuẩn bị những thứ cần thiết cho kỳ nghỉ tại nước ngoài lần này. Ngài dự định sẽ ở lại Nhật Bản trong vòng hai tháng.
Việc nói rằng ngài đưa vợ mới đi nghỉ tuần trăng mật ở Nhật Bản chỉ là cách suy nghĩ của riêng tôi mà thôi. Trong thư gửi cho tôi, ngài có nói rằng, ngài muốn thay đổi không khí và muốn đi xa đâu đó để thư giãn, nghỉ ngơi một thời gian. Mục đích chính của ngài trong chuyến đi tới Nhật Bản lần này là muốn người vợ mới của mình - công nương Kirati - được mở mang, khám phá những điều mới mẻ. Ngài viết rằng: “Chú vừa yêu lại vừa thương cô ấy. Tuy đã có tuổi rồi nhưng cô ấy là người sống khép kín với thế giới bên ngoài. Chú muốn Kirati được làm quen với thế giới rộng lớn, chứ không phải chỉ riêng ở đất Thái Lan. Chú cũng hy vọng cô ấy cảm thấy hạnh phúc, tươi vui, muốn cho cô ấy thấy rằng, việc gắn bó cuộc đời với một người ở độ tuổi như chú, không phải là không có chút ý nghĩa gì. Chú tin rằng, Nopporn cũng sẽ quý mến cô ấy giống như đã quý mến người vợ cũ từng đồng cam cộng khổ cùng với chú. Tuy Kirati là người trầm tính và khá ít nói đối với những người chưa quen biết nhưng lại rất tốt bụng và nhân hậu. Với tính cách của Nopporn, Kirati chắc chắn sẽ rất yêu mến cháu. Chú cũng đã nói điều này cho Kirati biết rồi”.
Tôi chưa từng quen biết công nương Kirati trước đó, những dòng thông tin ngắn ngủi trong thư mà ngài hầu tước Atikanbodi gửi tới nói về quý bà Kirati cũng chẳng giúp tôi hiểu hơn về người phụ nữ này. Tôi chỉ đoán rằng, người này tầm bốn mươi tuổi hoặc có thể trẻ hơn một chút, có lẽ là người khá kiêu ngạo, hoặc ra dáng quý bà đúng như dòng dõi quý tộc của mình. Chắc hẳn bà không thích những đứa trẻ hung hăng, bặm trợn bởi đó không phải là tính cách của cá nhân tôi. Công nương Kirati có lẽ là người trầm tính, không thích sự ồn ào, náo nhiệt như phần lớn những người khác bởi bà luôn phải sống trong kỷ luật, giáo điều. Đây đều là những điều mà tôi cần phải cẩn thận chú ý trong thời gian giúp đỡ bà ở Nhật Bản.
Ngài hầu tước Atikanbodi viết trong thư rằng, ngài không có ý định nghỉ ở khách sạn, cho dù đó là khách sạn sang trọng năm sao cỡ Imperial Hotel đi chăng nữa. Ngài chán cái cảnh luôn phải gặp những người lạ mặt trong không gian riêng tư của mình, chán việc luôn phải ăn mặc chỉnh tề lúc ra khỏi phòng hoặc khi dùng bữa. Ngài muốn tìm thuê một căn nhà để có thể nghỉ ngơi một cách thoải mái nhất và ngài cũng chẳng bận tâm việc nghỉ dưỡng kiểu như vậy sẽ tốn kém tới mức nào.
Về điều này, có lẽ tôi là người hiểu rõ, bởi ngài được biết đến như một triệu phú có tấm lòng bao dung, hào phóng ở Thái Lan. Tôi đã tìm thuê một ngôi nhà ở vùng Aoyama Shihan, một huyện nằm ở ngoại ô Tokyo, rất gần ga tàu lửa và vô cùng thuận lợi cho việc đi lại vào thành phố. Ngôi nhà mà tôi thuê không lớn lắm nhưng thuộc vào hạng đẹp ở vùng này. Khi nhìn từ phía bên ngoài, ngôi nhà được xây theo kiến trúc Tây Âu, nhưng bên trong lại chia thành những phòng nhỏ, đồ đạc trang trí trong nhà mang đậm phong cách của người Nhật Bản. Ngôi nhà tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, tường bao quanh được xây bởi những hòn đá lớn, cao khoảng 0,8 mét. Bên trên mặt đá được bồi thêm đất cao khoảng một mét và trồng cỏ xanh mướt. Phía trên tường đất trồng những loại cây nhỏ với cự ly hợp lý bao trùm một màu xanh ngắt bởi các phiến lá to nhỏ. Thêm vào đó là hai cây to ở trước nhà vươn cành tỏa bóng xum xuê che mát cả một không gian lớn khiến ngôi nhà lúc nào cũng rợp một màu xanh tươi tắn và mát mẻ. Tôi rất hài lòng với căn nhà này. Cho dù chủ nhà có đòi giá thuê hai trăm yên một tháng, tôi cũng cho là không quá đắt đối với một ngôi nhà hoàn hảo, đầy đủ mọi thứ như thế này. Họ chắc đã phải mất nhiều công sức trông coi, bảo toàn nó.
Tôi đã tìm thuê một cô gái xinh xắn giúp cho việc dọn dẹp trông nom nhà cửa được cẩn thận hơn và theo đúng phong cách sống của người Nhật Bản. Với việc tìm thuê một cô gái giúp việc ưa nhìn, tôi không có chủ ý gì khác ngoài mong muốn khiến ngài hầu tước hài lòng về trách nhiệm đối với công việc của cô ấy. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu như chúng ta được quyền lựa chọn giữa một người giúp việc xấu xí, khó coi và một người giúp việc có gương mặt khả ái, ta có lẽ nên chọn người sau bởi đứng trước cái đẹp, dù là con người hay đồ vật, tâm trạng ta sẽ luôn tốt và phấn chấn hơn phần nào. Tôi cũng hiểu rõ rằng, với địa vị hiện có của ngài Atikanbodi, ngài có quyền được lựa chọn. Tôi đã thuê cô gái giúp việc này với mức giá cao hơn bình thường, tuy vậy, phần cao hơn đó không phải dành cho khuôn mặt dễ nhìn của cô ấy mà điều quan trọng là cô ấy là phụ nữ Nhật Bản và có thể nói chút ít tiếng Anh. Nếu không như vậy, ngài hầu tước Atikanbodi cùng phu nhân sẽ cảm thấy không thuận tiện.
Ngày đầu tiên gặp ngài hầu tước Atikanbodi cùng với bầu đoàn tại ga tàu Tokyo cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, ngỡ ngàng bởi được gặp mặt phu nhân mới của ngài. Ngay từ xa, khi mới thoáng trông thấy hai quý bà đi cùng với ngài Atikanbodi, tôi đã đoán rằng người phụ nữ tầm ba mươi tám tuổi, ăn mặc đơn giản, có phần hơi giản dị một chút có lẽ là công nương Kirati. Sự phỏng đoán này âu cũng là từ bức thư mà ngài Atikanbodi gửi cho tôi. Người phụ nữ kia thì hoàn toàn ngược lại, trông còn khá trẻ, xinh tươi, nét mặt hồng hào, ăn vận tao nhã, thanh lịch. Tuy mới nhìn từ xa nên còn mơ màng, không rõ nét nhưng vẻ đẹp của nàng dường như đã đong đầy trong đôi mắt tôi. Tôi không thể đoán được nàng là ai bởi người con gái cả của ngài hầu tước Atikanbodi đã xuất giá từ nhiều năm trước, và tôi cũng đã có dịp gặp ở Băng Cốc.
Tuy vậy, tôi cũng chẳng có cơ hội được phỏng đoán gì nhiều hơn quá một phút, sau khi tới chào hỏi ngài Atikanbodi được vài ba câu, ngài quay sang phía người phụ nữ trẻ tuổi đang đứng cạnh mình khi đó và nói rằng:
“Đây là vợ của chú, công nương Kirati”.
Lời giới thiệu ấy làm cho tôi giật bắn bởi sự phỏng đoán hoàn toàn sai lệch của mình. Tôi suýt nữa đã để lộ sự khiếm nhã khi bần thần nhìn vào khuôn mặt nàng để tìm ra lời giải đáp cho những nghi hoặc trong tôi. Liệu có điều gì trên gương mặt đó khiến người khác có thể đoán ra được nàng là công nương Kirati, phu nhân mới của ngài hầu tước Atikanbodi?
Nàng cười nhẹ nhàng và đằm thắm khi nhận lễ chào hỏi của tôi, người phụ nữ còn lại khi đó cung kính lùi về phía sau ngài Atikanbodi hai bước. Khi đảo mắt nhìn lại lần nữa, tôi chợt nhớ tới một đoạn thông tin trong bức thư mà ngài Atikanbodi đã gửi tới tôi, ngài nói rằng sẽ đưa đầu bếp của ngài ở Băng Cốc đi cùng trong chuyến đi lần này. Tôi đã quên khuấy mất thông tin ấy. Vậy là cuối cùng, tôi chẳng còn hoài nghi chuyện ai là ai nữa, nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi mình đã phỏng đoán hoàn toàn sai lệch về tuổi tác cũng như dáng vẻ bề ngoài của công nương Kirati.
Ngày hôm đó, tôi mặc bộ đồng phục của trường đại học ra đón ở ga tàu. Đó cũng là hình ảnh đầu tiên về tôi trong lần đầu gặp gỡ công nương Kirati. Nàng mở lời khen bộ đồng phục nhã nhặn, lịch sự và điều nàng thích nhất chính là màu sắc của nó, màu xanh nước biển. Hôm ấy, nàng cũng tình cờ mặc một bộ váy đồng màu, điểm xuyết những bông hoa trắng nhỏ li ti trên cả váy và áo. Màu sắc nhẹ nhàng, thanh nhã ấy đủ khiến nàng trở nên xinh đẹp, dịu dàng đến khó tả.
Khi tôi chủ động lái xe chậm lại lúc rẽ vào cổng nhà, ngài Atikanbodi rướn người, với tay vỗ nhẹ vào vai tôi và khen ngợi rằng, ngài rất hài lòng với ngôi nhà mà tôi tìm thuê. Thành thật mà nói, trên quãng đường lái xe tới đây, không thể tìm nổi một ngôi nhà thứ hai đẹp và thoáng đãng như ngôi nhà này. Cô gái giúp việc trong bộ kimono chỉnh tề đã đứng đợi ở chân cầu thang trước cửa nhà và nhẹ nhàng cúi người chào hỏi ngay từ khi xe tiến vào cửa. Cô ấy cung kính thực hiện nghi lễ chào hỏi thêm hai, ba lần đúng như phong cách của người Nhật Bản. Khi bước xuống xe, ngài Atikanbodi thân thiện hỏi han cô ấy vài ba câu, cô ấy trả lời bằng tiếng Anh một cách trôi chảy khiến ngài hài lòng ra mặt. Sau khi đi xem xét phòng ốc và các thiết bị đồ dùng trong nhà, ngài tiếp tục khen ngợi và chân thành cảm ơn tôi thêm một lần nữa. Phải thừa nhận rằng, tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện khi đã chuẩn bị mọi việc một cách chu đáo, không có chút sơ suất nào và khiến cho ngài hầu tước thật sự hài lòng. Cũng chính bởi sự đón tiếp tốt đẹp đó, về sau ngài Atikanbodi đã ra mặt khen ngợi tôi với nhiều người khác rằng tôi là người thông minh, cẩn thận hơn những chàng trai đồng lứa khác.
Nước nóng được chuẩn bị chu đáo để tắm rửa, mọi thứ đều không có chút sơ suất nào, cả ngài Atikanbodi và phu nhân đều vô cùng hài lòng ngay từ khi bước chân vào cửa nhà. Buổi chiều muộn, tôi đưa ngài đi thưởng thức đồ ăn Trung Quốc tại nhà hàng Kachoeng, một trong những nhà hàng sang trọng và có tiếng bậc nhất ở thủ đô Tokyo. Cả không gian và hương vị đồ ăn ngày hôm đó khiến ngài hầu tước nhắc đi nhắc lại rằng, ngài nhớ đến Hoi-Thiên-Lảu[1] ở Băng Cốc. Khi trở về nhà nghỉ, phòng ngủ của hai người đã được sắp xếp chu đáo, gọn gàng. Tôi cũng trở về nhà ngay trong đêm đó với cảm xúc mãn nguyện dâng trào vì mọi việc thành công êm đẹp ngoài sức tưởng tượng.
Đằng Sau Bức Tranh Đằng Sau Bức Tranh - Sri Boorapha Đằng Sau Bức Tranh