Books are not made for furniture, but there is nothing else that so beautifully furnishes a house.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1872 / 43
Cập nhật: 2015-08-30 18:37:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bám Níu
rời hết mưa đã hơn nửa tháng rồi và nắng tháng chín gay gắt như là nắng hè. Thế mà trưa hôm ấy lão Nghiệm đi khắp xóm và hô: "Sửa soạn để đi hứng, bà con ơi".
"Hứng" đây là hứng cá, một động từ địa phương, đặc biệt của miền đông Nam Việt. Ở miền đông Nam Việt, nhứt là trong tỉnh Biên hòa, qua mùa nước lũ, con sông Đồng nai ứa nước nguồn, bờ sông bành trướng ra, xâm lấn đồng ruộng trong xa, cá sông thích lên để đẻ vào mùa ấy, có lẽ trên đó yên ổn hơn ở dưới lòng sông là nước lụt chảy mạnh ghê hồn.
Đẻ xong, chúng bỏ con, bỏ trứng lại, hồi cư để sống đời dọc ngang trong dòng sông rộng. Cá con tự túc trên bờ và khi mùa mưa dứt thì chúng đã lớn bằng đầu đũa rồi. Không biết do năng khiếu nào dìu dắt mà hễ những đám mưa cuối mùa đổ xuống là chúng áp nhau mà "chạy". Chạy tức là đổ xô nhau theo những con đường nước từ đồng ruộng cao chảy xuống các rạch, các sông, để tìm về những khoảng sinh tồn phong phú thực phẩm hơn, y như cha mẹ của chúng.
Dân miền đông, vào những đám mưa cuối mùa ấy, rủ nhau đặt những giỏ mây hoặc giỏ tre đan thật khít mặt, tại các "hiểm đạo" như Quan Công phục Huê dung đạo, và hứng bắt tất cả cá con đi tìm sanh lộ ấy. Họ đặt tên chung cho cá ấy (thuộc đủ loại cá sông ngọt) là cá lạc mạ. Mạ, có lẽ là tiếng "mẹ" nói trại bẹ ra, chớ bấy giờ lúa đã lớn cây rồi, còn đâu mạ nữa để mà lạc. Cá lạc mạ hỗn tạp và nhỏ quá, không có giá trị thương mãi nhưng lại là món ăn rất thích khẩu đối với nông dân nghèo. Mỗi mùa, một nông dân trong một làng quê hứng có cả thúng giạ cá lạc mạ, tức là hằng mấy trăm ngàn con. Họ kho với muối và mỡ, để dành ăn hơn chín mười ngày.
Lão Nghiêm cởi trần tư niên và người ta có cảm giác rằng da lão dày lắm vì lão chịu đựng phong sương đã hơn bảy mươi năm rồi, chỉ bằng loại y phục thiên nhiên ấy thôi. Lão có vó một tộc trưởng của thời xa xưa, rất nhiều kinh nghiệm sống và nhiều khả năng chỉ đạo như một con thú đầu đàn. Nên chi cả xóm, cả làng đều nghe theo lão, mặc dầu không có dấu hiệu trời sắp đổ trận mưa cuối cùng trong mùa, trận mưa cá chạy, trận mưa rơi xuống sau một thời gian khô hạn gạt gẫm vài tuần.
Họ rút từ trên giàn bếp xuống, những chiếc giỏ rất ít dùng ấy rồi ra đi ngay để giành đường nước. Vâng, những đường nước, trong một vùng, chỉ có hạn thôi, mà người hứng cá thì đông, phải tranh nhau mới được một đường, vì theo tục lệ cổ truyền, không ai được phép "đặt trên dòng", khi có người khác đã đặt giỏ họ rồi trên một đường nước nào đó. Nếu không có lệ nầy thì mạnh ai nấy tranh giành, đặt trên người khác, ở một đường nước chảy sẽ có cả ba bốn người giành hứng, làm sao tránh khỏi cãi vã, xô xát, đến xảy ra lưu huyết như chơi.
° ° °
Nếu cá con mới nở có năng khiếu đoán biết đám mưa nào là đám cuối mùa để mà chạy xuống sông, kẻo tháng tới, ruộng khô, chết cháy cả lũ, thì lão Nghiệm, y như cá, cũng đoán được đúng như vậy đó mà rủ thiên hạ đi hứng.
Quả thật xế lại trời mưa như cầm chĩn mà đổ thì tới tối giỏ ai cũng đầy nhóc cá lạc mạ.
Đêm nay, nhà nhà đều vui. Nhà nào cũng kho với mỡ một mớ cá con ấy để cuốn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm ớt nhậu chơi, còn dư lại bao nhiêu họ mới kho mặn.
Cá lạc mạ non mềm nên ngon khôn tả và dân nhậu đều thỏa thích đêm đó. Dân quê miền đông họ nghèo, không có tiền mua thịt, mà cá dưới sông bị họ hủy diệt bừa bãi như thế, hằng trăm triệu con mỗi năm, hủy diệt hồi chúng còn là mầm non thôi nên chi rồi họ lại phải nhịn thèm, vì đâu còn cá để mà câu? Nhịn thèm đến cuối mùa mưa khác, chỉ ăn mắm muối qua loa vậy thôi, sau cái đêm linh đình nhậu nhẹt đó.
Tuy nói thế chớ thỉnh thoảng họ cũng kiếm được cá. Đó là vào tiết tháng giêng, tháng hai. Cũng lại lão Nghiệm nữa. Vì sáng hôm ấy, lão ta lại kêu gọi người trong xóm đi tát. "Tát" là danh từ địa phương thứ nhì của miền đông về nghề cá. Tát là tát các vũng trong rừng sâu, bấy giờ đã cạn gần hết nước, sau năm tháng nắng chan chan.
Xóm Gò Rái của lão Nghiệm là một trong năm bảy xóm hẻo lánh của làng Tân định. Đó là một làng khô cằn, một mặt nằm ven sông Đồng nai, nhưng phần lớn đất đai lại ăn sâu vào phía trong rừng, từ đầu thôn ở bờ sông vô đến cuối thôn trong rừng, xa đến mười mấy cây số. Xóm chỉ đông có mười sáu nóc gia, cỡ chiến tranh đi qua đó, hủy diệt hết xóm, cũng không phải là một tấn thảm kịch lớn. Nhưng xóm ấy lại rất cần thiết cho sự tồn tại của làng nầy, nó gồm tất cả các xóm nhỏ mới thành làng được - cũng y như làng Tân định nầy cũng rất cần thiết để thành nước Việt nam, mặc dầu nó nghèo khổ, không làm lợi trông thấy cho nước nhà và cỡ tang thương có lướt qua đó, cả làng sụp đổ hết, có vẻ cũng không sao.
Tát vũng là công việc tập thể cần ít lắm là ba người mới làm cạn thật sự một cái vũng khá lớn và khá sâu trong khu rừng nào đó, sau làng. Nhóm của lão Nghiệm gồm lão, một góa phụ bốn mươi và chú bé Ất, mười bốn tuổi. Chú bé nầy là con của một gia đình sắp sửa bỏ làng, di cư đi nơi khác, vì ở đây sanh sống khó khăn không thể tưởng tượng được. Cha mẹ nó chỉ đợi cúng giỗ ông cố nội nó, vào cuối tháng hai, là bỏ cái chòi tranh gia truyền độc nhứt để di cư.
Lão Nghiệm biết ý cá, biết ý trời mà cũng thuộc nằm lòng các ao vũng trong rừng và thuộc nằm lòng mấy con đường mòn đưa vào các ao vũng ấy. Lão lại biết cả thú rừng thích ao nào mà tránh và khuyên dân làng tránh, vì ao nào thú ưa đến uống nước là ao đó có cọp rình. Họ lên đường hồi cỏ còn ướt sương, thế mà vào tới trong ấy, mặt trời đã lên cao được bốn năm sào rồi.
Vũng mà lão Nghiệm chọn, có tên hẵn hòi. Đó là vũng Mẹ con. Ai đặt tên cho cái nơi mà một năm chưa dễ có người làng đến chơi tới hơn một lần? Có lẽ đó là bọn thợ rừng, họ đặt để làm những cái mốc không gian trên bước đường xuyên lâm của họ. Vũng Mẹ con, như tên nó đã chỉ, gồm hai vũng nằm cách nhau độ ba thước, một vũng lớn và một vũng nhỏ. Lão Nghiệm khôn quỉ, chọn vũng này để có chỗ mà chứa nước của vũng có cá. Các vũng khác, nước tát ra, lại chảy vào, vì đất chung quanh luôn luôn cao hơn, việc tát vũng thành ra một khổ sai tốn sức lao động không thể tưởng tượng được.
Họ làm việc theo lối dây chuyền: ông tộc trưởng xuống tận rún vũng, múc vũng nước bằng gàu rồi mang trao chị góa phụ đứng cách đó độ hai mươi thước, chị nầy lại chuyền gàu cho thằng bé để nó đem nước đổ xuống ao con. Vũng Mẹ, lúc còn trinh, đẹp vô cùng. Nước rừng, nằm yên hằng năm, lắng trong như mắt mèo. Dòm xuống đáy vũng thấy rõ cá lượn quanh những thủy thảo hình dung cổ quái, có cây trông giống như cội tùng già, có cây giống như cây bông cúc, có cây lại mường tượng như một con rít khổng lồ.
Lão Nghiệm đứng nơi triền vũng do dự rất lâu, không nỡ để chân xuống đó mà phá đám sự yên ổn của loài thủy tộc ẩn dật nầy, mà làm vẩn đục khối nước trong leo lẻo, mà đạp gãy bao nhiêu thủy thảo đẹp như cây cảnh non bộ của nhà giàu. Nhưng mà cái ăn tồi tàn cứ nói lên tiếng nói ưu tiên của nó và ra lịnh cho lão phá hoại cảnh thần tiên thu hẹp này.
Xa xa, nghe có tiếng người hú nhau, có lẽ nhóm nào đó đi lạc đường, tìm nhau giữa rừng sâu. Ở đây, chỉ nghe tiếng nước của vũng Mẹ ùa vào gàu và giây lát sau, tiếng nước từ gàu trút xuống vũng Con. Họ lặng lẽ làm việc, dân của cái xóm thưa người nầy gần như là hóa câm hết thảy vì họ không có nhiều dịp lắm để sử dụng cái năng khiếu tốt đẹp nhứt của loài người là ngôn ngữ. Cho đến thằng Ất mà cũng ngậm miệng, một sự lạ ít thấy vì trẻ con ham nói như ham ăn.
Đây là chuyến đi tát đầu tay của Ất, năm kia nó còn bé quá, năm ngoái nó đau ốm trong mùa tát và chỉ mới được tham dự lần thứ nhứt đây thôi, vào một công việc kiếm ăn của dân làng.
Thình lình nó la lên:
- Cá mè! Trời ơi sao lạ kỳ như vầy?
Không ai buồn đáp câu hỏi của nó mà người xa lạ thoạt nghe không thể nào hiểu được.
Chị đàn bà góa bận khiển trách lão Nghiệm:
- Ông múc nước phải coi chừng chớ, để cá chun vô gàu, thì lát nữa phải tát cái vũng Con trở lại để mót cá sao?
Lão Nghiệm giận mình sơ sót một cách không xứng đáng với tài năng của kẻ đầu đàn, nên làm thinh để nuốt hận.
Thẳng Ất lặp lại câu hỏi, không hỏi thẳng người nào, nói to lên như chỉ nói với nó thôi:
- Sao lại cá mè?
Chị đàn bà góa hỏi lại:
- Chớ mầy tưởng cá gì?
- Tui cứ tưởng ta tát cá đồng, nghĩa là cá trê, cá rô, cá lóc. Những cá sông dường như đã bị hứng hết lúc còn là cá lạc mạ kia mà, thím Bảy?
- Không. Không phải con cá nào cũng "chạy" hết trong đám mưa cuối mùa đâu. Có một mớ cố lội ngược dòng để ở lại, thím Bảy giải thích.
- Trời, sao nó ngu quá vậy? Lội ngược dòng đã khổ thân không biết bao nhiêu, lại không được hưởng cái vui chung hội mà chạy với người ta. Tệ hơn nữa, ở lại trong ao tù, chắc phải thiếu ăn và rốt cuộc có thể chết cháy khi ao vũng cạn hết.
Lão Nghiệm đã mỏi tay, mỏi lưng, đứng thẳng lên để nghỉ. Lão nhìn vào rừng trước mặt lão, như không thèm nghe hai người đồng đội nói chuyện với nhau. Chị đàn bà góa bí lối không biết đáp thế nào với thằng bé, mà có lẽ chị ta cũng nghĩ như nó nên cũng đang thắc mắc thầm. Nhưng chị ta không hỏi, vì thằng Ất đã hỏi rồi. Không có người đáp nghĩa là không ai biết đáp làm sao, còn hỏi nữa làm gì! Vả lại dân quê bận sinh kế vất vả quá, không dám thắc mắc nhiều và lâu về bài toán vô ích nào khác hơn là bài toán "ăn".
Lão Nghiệm nhìn rừng lâu lắm, rồi vụt thình lình trả lời câu hỏi của thằng Ất, trong khi thằng bé ngỡ nó đành phải bỏ trôi băn khoăn nầy như bao nhiêu băn khoăn khác của tuổi thơ mà không ai buồn giải đáp dùm nó, trong cái thế giới rừng rú chỉ gồm mười sáu nóc gia mà ai cũng lo chạy gạo trối chết.
- Chắc mớ cá lạc mạ ngu nầy không ngu lắm đâu. Sở dĩ chúng nó không "chạy" vì chúng nó thương yêu cái nơi chôn nhao cắt rún của chúng, cố lội ngược dòng, bám níu để ở lại nơi mà chúng nó chào đời.
- Ở lại để làm gì?
- Không biết để làm gì! Chỉ thương là ở lại thôi!
- Đói chết.
- Đói cũng được, miễn toại lòng thương.
Không ai nói gì nữa và cả ba đều nhìn vào rừng, sau khi nói chuyện cá với nước. Một hồi lâu, lão Nghiệm toan khom lưng múc nước trở lại, nhưng lão lại thôi, nói tiếp:
- Thuở tui còn nhỏ bằng thằng Ất, ông bà tui cũng định bỏ làng đi kiếm ăn nơi khác. Nhưng rồi họ không nỡ đi. Nhiều người khác cũng tính như vậy mà rồi rốt cuộc ai ở đâu cứ ở đó. Họ bám níu vào mảnh đất cằn cỗi nầy mà họ rất cực khổ, không biết để làm gì. Chắc họ thương làng quá, đi không đành. Mà quả có như vậy, bà con ơi! Cái ngày mà ông nội tui quyết định ở lại, tui mừng không biết bao nhiêu, tui chạy đi báo tin lành với các bụi tre ở đầu xóm, với con suối cạnh cuối thôn, và cả ngày ấy, không có gì ăn, tui cũng nghe no tới cổ vì sung sướng
- Tui sắp đi, tui cũng buồn quá! thằng Ất than, nhưng không biết làm sao!
Chị đàn bà góa nãy giờ chưa có ý kiến nào hay, xui dại thằng bé:
- Sao mầy không trốn ở lại?
- Biết có được hay không?
- Dễ ợt. Trốn đi thì ngại đường xa nước lạ chớ trốn ở lại với người cũ, ai bỏ đói mầy mà mầy lo.
- Tui thương đất nầy quá!
- Bám níu, ông bà ta đã bám níu, tao đã bám níu mới còn xóm nầy, làng nầy. Còn làng mới còn nước mình, lão Nghiệm nói.
- Làng nầy nghèo quá, ông ơi! chị đàn bà góa than.
- Ừ, nghèo lắm và ta khổ lắm. Nhưng làng nầy không có không được. Một nước phải gồm rất nhiều làng, làng nghèo, làng giàu, làng nghèo cũng cần lắm chớ bà con!
Cuống Rún Chưa Lìa Cuống Rún Chưa Lìa - Bình Nguyên Lộc Cuống Rún Chưa Lìa