Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.

Leo Burnett

 
 
 
 
 
Tác giả: Nick Vujicic
Dịch giả: Nguyễn Bích Lan
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 93
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2552 / 33
Cập nhật: 2016-06-09 04:35:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 48: Không Tay, Không Chân – Không Sợ Hãi
ạn có thể có ý thức sâu sắc về mục đích sống, niềm hy vọng lớn lao về những khả năng sẽ xảy ra trong cuộc sống, niềm tin vào tương lai, nhận thức về giá trị bản thân, thậm chí có thái độ tích cực, nhưng nỗi sợ hãi vẫn có thể cản trở bạn đạt được ước mơ. Trên đời này có nhiều khuyết tật còn tồi tệ hơn cả sự khuyết thiếu chân tay – nỗi sợ hãi có thể làm suy yếu tinh thần những người phải chịu khuyết tật đó. Bạn không thể sống cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện, một cuộc sống có thể phát huy được đầy đủ những tài năng, khả năng, và phẩm chất trong con người bạn nếu như nỗi sợ hãi điều khiển mọi quyết định của bạn.
Sợ hãi sẽ kìm hãm, ngăn cản bạn trở thành con người mà bạn mong muốn. Nhưng sợ hãi chỉ là một tâm trạng, một cảm xúc – nó không có thật! Bao nhiêu lần trong cuộc sống bạn thường xuyên sợ điều này điều nọ – sợ phải đi đến bác sĩ nha khoa, sợ phải trải qua một cuộc phỏng vấn xin việc làm, một cuộc phẫu thuật, hoặc một kỳ thi sát hạch ở trường – để rồi bạn chợt nhận ra rằng trải nghiệm thực không đến nỗi đáng sợ như bạn đã tưởng tượng?
Tôi cứ nghĩ mình sẽ thất bại thảm hại trong vụ đánh nhau với Chucky, nhưng bạn biết thực tế sự việc đó đã xảy ra như thế nào rồi đấy! Thường thì người lớn hay quay trở lại với những nỗi sợ rất trẻ con. Họ hành động như trẻ con trong nỗi sợ hãi xảy ra vào ban đêm bởi họ tưởng rằng cành cây cọ vào cửa sổ thực sự là một con quái vật đang cố ăn thịt họ.
Tôi từng chứng kiến nỗi sợ hãi khiến những người bình thường tê liệt hoàn toàn. Không phải tôi đang nói tới phim kinh dị hoặc nỗi sợ tiếng động trong đêm của trẻ con. Nhiều người chúng ta bị nỗi sợ thất bại, nỗi sợ phạm sai lầm, nỗi sợ phải thực hiện một cam kết, thậm chí nỗi sợ sự thành công làm cho khuyết tật. Những nỗi sợ hãi sẽ tìm đến bạn, điều đó là không thể tránh khỏi. Bạn không nhất thiết phải để cho nỗi sợ hãi can dự vào cuộc sống. Bạn hãy để chúng đi đường của chúng, và bạn cứ tiếp tục đi đường của bạn. Bạn hoàn toàn có khả năng lựa chọn.
Các nhà tâm lý học nói rằng hầu hết nỗi sợ hãi đều không phải do bẩm sinh mà do chúng ta tự nạp vào mình trong quá trình sống. Con người sinh ra chỉ có hai nỗi sợ thuộc bản năng: sợ những âm thanh quá lớn và sợ bị rơi ngã. Hồi học lớp một tôi cứ nơm nớp lo sợ mình sẽ bị Chucky hành hạ, nhưng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi đó. Tôi đã quyết định sẽ không đợi đến khi cảm thấy mình đủ dũng cảm – tôi cứ tập thể hiện lòng dũng cảm ngay lúc bấy giờ, và cuối cùng tôi đã trở nên thực sự dũng cảm!
Ngay cả khi đã là người lớn chúng ta vẫn tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ không phù hợp với thực tế. Điều này giải thích tại sao sợ hãi lại thường được miêu tả là “những dấu hiệu giả có vẻ như thật”. Chúng ta hay quá chú ý đến nỗi sợ của mình đến mức chúng trở nên có thật đối với chúng ta – và kết quả là, chúng ta để cho những nỗi sợ điều khiển mình.
Thật khó mà tưởng tượng được một người nào to lớn và thành công như Michael Jordan lại mang trong lòng nỗi sợ hãi. Ấy thế mà trong lễ ghi danh anh vào NBA Hall of Fame(*), Jordan đã nói một cách cởi mở về việc anh thường sử dụng những nỗi sợ hãi mà anh cảm thấy để thôi thúc lập thành tích cao hơn trong thi đấu. Trong đoạn kết của bài phát biểu, anh nói: “Một ngày nào đó bạn nhìn lên và thấy tôi chơi bóng rổ ở tuổi năm mươi. Ồ, đừng cười, đừng cười bạn ạ. Đừng bao giờ nói không bao giờ. Bởi vì cũng giống như những nỗi sợ hãi, các giới hạn thường chỉ là một ảo tưởng mà thôi”.
Có thể Jordan làm cầu thủ bóng rổ giỏi hơn làm người dạy kỹ năng sống, nhưng anh ấy nói có lý đấy. Các quy tắc của Jordan như sau: thừa nhận rằng những nỗi sợ hãi là không có thực và chiến thắng chúng, hoặc sử dụng chúng cho mục đích tích cực. Chìa khóa giúp bạn đương đầu với nỗi sợ hãi lớn nhất của mình, cho dù là sợ bay, sợ ngã, sợ các mối quan hệ, là thừa nhận rằng sợ hãi là không có thực. Sợ hãi chỉ là cảm xúc, và bạn có thể điều khiển được phản ứng của mình trước các cảm xúc.
Tôi đã phải học bài học này từ khi khởi đầu sự nghiệp của một diễn giả. Khi ấy tôi đã rất sợ hãi và lo lắng. Tôi không biết mọi người sẽ phản ứng thế nào trước những gì tôi nói. Tôi không chắc chắn mọi người sẽ lắng nghe tôi nói. May mắn thay, những buổi diễn thuyết đầu tiên của tôi là trước các học sinh cùng trang lứa. Họ biết tôi, và chúng tôi rất thoải mái, cởi mở với nhau. Về sau tôi bắt đầu diễn thuyết trước những đám đông gồm nhiều bạn trẻ hơn, trước những giáo đoàn lớn trong đó chỉ có vài người tôi quen biết. Dần dần tôi đã chiến thắng được nỗi sợ hãi và lo lắng.
Giờ đây khi được mời đi diễn thuyết trước đám đông hàng nghìn người, đôi khi gồm mười nghìn hoặc hàng trăm nghìn người, tôi vẫn cảm thấy sợ. Tôi đã từng đến những vùng đất xa xôi ở Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Phi, và nhiều vùng khác của thế giới, nơi tôi không biết những người dân ở đó sẽ đón nhận tôi như thế nào. Tôi sợ rằng các khán thính giả sẽ hiểu câu nói đùa của tôi một cách hoàn toàn khác theo văn hoá của họ, và sợ họ sẽ hiểu lầm, sẽ nghĩ họ đang bị xúc phạm. Tôi sử dụng nỗi sợ đó để nhắc nhở mình phải luôn nói qua về những bài diễn thuyết của mình với những người phiên dịch và những người tổ chức để khi bước vào buổi diễn thuyết tôi có thể tránh được những tình huống bẽ bàng.
Tôi đã học được cách đón nhận nỗi sợ hãi của mình như một nguồn sức mạnh, như một công cụ để tập trung chú ý vào khâu chuẩn bị. Nếu tôi sợ mình sẽ quên mất những gì định nói hoặc sợ sẽ nói lộn xộn thì chính nỗi sợ ấy lại giúp tôi tập trung cao độ trong quá trình tôi duyệt lại và tập luyện cho bài diễn thuyết.
Nhiều nỗi sợ hãi trở nên hữu ích theo cách đó. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi có ích khi nó thúc đẩy bạn cài dây an toàn bởi vì bạn không muốn bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi. Nếu nỗi sợ bị cảm lạnh hoặc bị cảm cúm khiến bạn rửa tay và uống vitamin đều đặn thì đó cũng là một nỗi sợ có ích.
Mặc dù vậy, chúng ta thường cho phép những nỗi sợ hãi không có thực đó trở nên nghiêm trọng đến mức điên rồ. Thay vì cứ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị cảm cúm hoặc cảm lạnh, một số người phản ứng một cách thái quá bằng cách tự nhốt mình trong nhà. Khi nỗi sợ ngăn cản chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm hoặc cản trở chúng ta trở thành con người chúng ta muốn, những nỗi sợ đó là không thể chấp nhận được.
ĐỪNG ĐỂ NỖI SỢ ÁM ẢNH BẠN
Tôi có người bạn có bố mẹ đã ly hôn khi cô ấy còn bé. Bố mẹ cô lúc nào cũng cãi nhau, thậm chí cả sau khi đã chia tay. Giờ đây bạn tôi đã là một phụ nữ trưởng thành, nhưng cô ấy vẫn sợ lấy chồng. “Tớ không muốn kết thúc giống bố mẹ tớ”, cô tâm sự.
Bạn có thể tưởng tượng mình không bao giờ có được một mối quan hệ lâu dài bởi vì bạn sợ rằng mối quan hệ đó sẽ chẳng đi đến đâu cả không? Đó là nỗi sợ tiêu cực! Bạn chẳng thể nghĩ hôn nhân là gì khác hơn là bước đầu tiên dẫn đến việc ly dị. Hãy nhớ đến bài thơ của Tennyson “Thà yêu rồi mất mát còn hơn là chẳng yêu bao giờ”, bạn nhé!
Có lẽ bạn chẳng thể có được một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc nếu bị nỗi sợ về những điều có thể sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, bằng cách nào đó làm cho bạn tê liệt. Nếu ai trong chúng ta ngày nào cũng nằm lì trên giường bởi vì sợ bị sét đánh hoặc sợ bị muỗi gây sốt rét đốt, thì thế giới này sẽ trở thành một nơi buồn tẻ biết bao, đúng không bạn?
Rất nhiều người bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi luôn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu khi mà họ nên nói tại sao không?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu mình thất bại?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không đủ tốt?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu họ cười mình?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu mình bị gạt bỏ?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không thể duy trì những thành công?
Tôi hiểu cách nghĩ đó. Khi lớn lên tôi đã phải đương đầu với nỗi sợ khủng khiếp – sợ bị loại bỏ, sợ bản thân mình khiếm khuyết, sợ bị phụ thuộc. Đó không chỉ là sự tưởng tượng của tôi: thân thể tôi thiếu các bộ phận mà ai cũng có. Nhưng cha mẹ đã bảo rằng tôi không nên lúc nào cũng nghĩ đến những khuyết tật của mình mà hãy nghĩ đến những gì tôi có thể tạo ra nếu dám theo đuổi mơ ước.
“Hãy mơ những giấc mơ lớn, Nicky ạ, và đừng bao giờ để nỗi sợ hãi ngăn cản con thực hiện ước mơ của mình”, cha mẹ tôi nói. “Con không thể để cho sợ hãi định đoạt tương lai của con. Hãy chọn cuộc sống mà con mong muốn và cố gắng vươn tới cuộc sống đó”.
Cho đến nay tôi đã nói chuyện với rất nhiều khán, thính giả ở gần hai mươi nước trên thế giới. Tôi đã mang thông điệp của hy vọng và niềm tin truyền cho những đám đông hàng nghìn người tại các sân vận động, diễn đàn, trường học, nhà thờ, nhà tù. Tôi không bao giờ có thể làm được điều đó nếu như cha mẹ không khuyến khích tôi nhận thức được những nỗi sợ hãi của mình để rồi chiến thắng chúng.
Cuộc Sống Không Giới Hạn Cuộc Sống Không Giới Hạn - Nick Vujicic Cuộc Sống Không Giới Hạn